Phúc Kiến, Mân việt, Quảng nam, họ Đỗ và ... (Kỳ 13/14)

3.  Bồng Sơn (Bình Định)

Không rỏ là ba má được chính quyền hoặc ai chỉ dẩn nên đã dọn vô Bồng sơn khoảng năm 1947 hoặc 1948. Được người địa phương giúp đỡ làm nhà ở tại khu vườn dừa Chợ bải, nơi dành cho người tản cư tới trú ngụ. Khi gia đình mình tới đây thấy đã có gia đình dì Lương, gia đìng ông Bảy Đục (sau nầy là chủ tiệm phở Tân Thành trên đường Trần Quý Cáp) cùng nhiều người khác mà sau nầy một vài người vào định cư ở Cam Ranh có tìm thăm ba má và anh cũng gặp là chú Tư Kỷ, thợ may, rất thân với ba má khi ở Bồng sơn và cũng là người mà ba má trước khi dọn về Nha trang nhờ coi sóc mộ chú Hà chôn ở gần ga xe lửa Bồng sơn. Nay không rỏ có còn đó hay đã bị di dời thất lạc (?).

Thời gian ở Chợ Bải, Bồng sơn khá lâu, ba má làm rất nhiều nghề để sinh sống như: Bán tạp hóa, bán đồ ăn, dệt vải, nhuộm, kéo chỉ. Thời gian đầu rất vất vã. Má làm bánh ít và bánh nậm bán ở trước nhà, có khi ế anh phải đem lên phố bán dạo. Ban đầu hơi mắc cở nhưng sau mấy ngày cũng quen. Một thời gian sau người tản cư đến ở đông lẫn lộn với người địa phương và cũng gần thị trấn Bồng sơn. Một cái chợ được thành hình ngay tại vườn dừa gần bờ sông nên được gọi là Chợ Bải và việc làm ăn ngày càng dể chịu hơn.

Xóm Chợ bải trải dài hơn một cây số theo hưong lộ từ Bồng sơn đi Định trị, gần cầu xe lửa bắt qua sông Lại giang nên hay bị máy bay Pháp tới thả bom trên khu nhà ga và cầu. Do đó có một thời gian, không nhớ là bao lâu, ba má lại rời xóm Chợ bải qua sống bên thôn Định trị (cách khoảng 5 cây cố), là một làng gần núi, xa trục lộ chính nên không bị máy bay bắn phá. Ở đây người ta sống bằng nghề làm ruộng rẩy và chài lưới. Nhà mình khi mới tới được ông Xả Tấu, một nhà nông giàu có, cho tạm trú và nuôi ăn trong khi chờ làm nhà ở riêng gần bờ sông. (Ông bà nầy là người rất nhân hậu nhưng ông đã…chết thời … ruộng đất!!).

Được dân địa phương giúp đở nhà mình có được một căn nhà lá cạnh bờ sông, gần bến đò. Ba tráng bánh ướt để má bán cho người qua lại ăn với mắm nêm cũng có một ít hàng chạp phô (như cô Phú bán ở nhà khi mới vô Sài gòn). Anh thì mổi sáng theo dân làng vô rừng đốn củi về cho nhà dùng, thỉnh thoảng dư lại gánh về Bồng sơn bán kiếm thêm tiền cho gia đình và mua giấy viết đi học (lớp nhứt) vào xế chiều (để tránh máy bay oanh tạc) tại một trường tiểu học bên kia sông về hướng Bồng sơn. Trường cứ dời đổi luôn nên phải học hai năm mới xong lớp nhứt.

Sau đó có lên trung học, nhưng phải học theo kiểu sơ tán, chẳng ra sao cả. Toàn là làm công tác xả hội, biểu tình, “meeting”là chính, nên anh bỏ học ở nhà phụ ba má buôn bán. Trong thời gian ở Định trị nhà mình cũng được cấp mấy sào ruộng để trồng lúa lấy gạo ăn.

Khoảng hai năm sau, tình hình bớt căng thẳng, ba má lại dọn về Chợ bải lần thứ hai. Lần nầy có khá hơn (chắc là do tích lủy được trong mấy năm đầu) ba má mua lại một căn nhà lá khá tươm tất ngay đầu đường ra chợ để buôn bán (gần như Cẫm Kim trước đây). Lúc nầy chú Phi, cô Phú đã biết đi chơi một mình, chỉ chú Sơn, chú Hải còn nhỏ và ba má chỉ ở nhà bán hàng nên cũng không vất vã như trước. Anh thì mổi sáng đi gánh nước, chừng bốn năm đôi thùng thiết, cho gia đình đủ dùng rồi đi ra Bồng sơn (cách nhà chừng hơn hai cây số) ngồi nhờ nhà người quen, làm nón bằng lá buông bán (nghề nầy anh được chị Tâm truyền cho trước khi đi tập kết ra Bắc) nên cuộc sống gia đình đỡ vất vả hơn những ngày đầu mới tới.

Đến năm 1955 sau khi ông Ngô đình Diệm lật đổ Bảo Đại thành lập chế độ cộng hòa, ba má lại bán nhà, sang hàng hoá đưa gia đình vô Nha trang như các chú đã biết. Khi về Nha trang đầu tiên nhà mình ở nơi góc Hoàng Hoa Thám và Lê Thánh Tôn và tráng bánh bỏ cho mấy tiệm phở trước khi dọn về khu Ngô Đức Kế, xóm Mới. Ở đây má sang một cái sạp trong chợ Xóm Mới buôn bán hàng tạp hóa, cho đến khi các chú vào Sài Gòn đi học, đi làm thì sau 1975, cả nhà lại tập trung ở khu Tân Cảng, Văn Thánh, quận Bình Thạnh cho đến ngày nay.

 (Thư của anh Chương, 2008-2009)

 

4.  Những Thăng Trầm Của Gia Đình (Đoạn Lược Sử Theo Lời Kể Của Chị Thanh)

Về phía Má hay bên Ngoại, chị Ngọc, chị Năm Nhuận, anh Chương và một số anh chị em khác đã kể vả đã có tổng kết như thư chị Ngọc, thư anh Chương. Còn về phía Ba hay bên Nội, lại có khá ít thông tin. Nay nhân chị Thanh về Việt Nam ăn Tết năm 2017, có kể thêm một số việc chị còn nhớ hay là chứng nhân, nên chú Hải viết lại để lưu giữ như hồi ký gia đình. Nếu có thiếu sót hay sai lầm, xin các anh chị em bổ sung.

Các sự việc được kể từ năm Ất Dậu 1945 về sau.

Năm 1945, chị Thanh 13 tuổi. Chị Nhuần (tức chị Năm Giản) hơn chị Thanh 4 tuổi, chị Tĩnh (là út) kém chị Thanh 2 tuổi. Kế chị Nhuần có một người con gái nữa tên là Tính mất sớm vì bệnh.

Đó là năm mà nạn đói khủng khiếp nhất trong lịch sử Việt Nam đã cướp đi sinh mệnh khoảng 2 triệu người (cũng chỉ là con số phỏng đoán). Lúc ấy chị Thanh và chị Tĩnh sống ở Nam Định cùng bà nội, cô chú Long và cô Bảy (Ba đã đưa chị Nhuần vào Quảng Nam làm ăn rồi).

Chị Thanh nói nhà mình sống được nhờ chú Long đi hướng đạo, hàng ngày đoàn hướng đạo của chú tổ chức quyên góp mỗi nhà 1 lon gạo, rồi san sẻ cho tất cả mọi người. Có lần cô Bảy đưa tiền cho chị Thanh đi chợ mua ít thịt bò về nấu cháo cho bà nội đang bệnh, vừa cầm miếng thịt bò ra cổng chợ thì bị những người quá đói cướp mất. Chị vừa đi vừa khóc về nhà. Có lẽ nỗi đau mất miếng thịt bò của chị đã góp vào nỗi đau chung của cả dân tộc VN.

Chị Thanh chính là chứng nhân của gia đình trong sự kiện bi thảm nhất của đất nước, nạn đói năm Ất Dậu.

Sau đó là vụ quân Tưởng Giới Thạch vào Việt Nam giải giới quân Nhật theo chỉ định của Đồng Minh. Đoàn quân chiến thắng (là Tàu) thì ốm o, chân phù thủng (nên gọi Tàu phù) còn bên chiến bại (là Nhật) lại to béo trắng trẻo (nguyên văn lời chị Thanh).

Dưới đây là lời bài hát của dân ta chế nhạo bọn tàu phù, theo trí nhớ của chị Thanh:

“Bọn tàu phù bước chân sang nước Việt Nam,

Cờ sao trắng rách rưới như tàu lá,

Đứa nào sang không ốm cũng què lê,

Lê thân tước khí giới quân đội Nhật,

Nhật hô ‘hô la manh _ haut les mains_ cách xa ba thước,

Nó quăng cờ xuống cho mà nhặt. “

Công việc sinh sống của gia đình lúc ấy là dệt vải: chú Giàp xe chỉ, chị Thanh quay tơ, chị Tĩnh lội vớt bùn dưới ao lên nhuộm chỉ (làm gì có thuốc nhuộm), bà nội bế cháu ngoại là con cô Bảy. Chị Thanh bảo chị chỉ thích ăn to vác nặng, việc tỉ mỉ chị ấy không làm được. nhưng tính nết chị Tĩnh lại trái ngược: chị rất nhát, ai nói to tiếng là chị run lẩy bẩy. Và chính vì tính cách này mà chị Tĩnh mà không ở với Ba (khi vào Hội An làm ăn, Ba đưa cả chị Nhuần và chị Tĩnh đi theo). Có lần Ba to tiếng với chị Tĩnh việc gì đó, chị ấy run đến nỗi làm rơi vỡ cái đĩa sứ đang cầm trên tay, rồi vì thế mà chị lén trốn ra xe lửa, chui vào một cái bồ, đi trốn vé ngược ra Nam Định. (Có vẻ như khó giải thích cá tính của chị Tĩnh. Phải rất can đảm mới dám một thân một mình, đi lậu vé xe lửa về quê.)

Mở ngoặc nói thêm về thiên tình sử của Ba Má ở đây.

Ba có”liên doanh”với một ông Tùng nào đó mở cơ sở dệt ở Hội An, vốn góp của Ba là 100 máy dệt chở trên 2 toa xe lửa từ Nam Định vào. Sau khi đưa máy đến nơi, Ba đi xem cơ ngơi xưởng. Và Ba chẳng biết xưởng rộng hay hẹp, máy móc có chạy tốt không, mối mang buôn bán vải vóc ra sao. Ba bị choáng... Choáng vì nhan sắc của một cô thợ dệt tên là Đỗ Thị Lịch. Chị Thanh tả: Má mình lúc trẻ đẹp lắm, rất xinh và trắng trẻo, miệng cười rất có duyên. Ba bị “coup de foudre”. (Tiếc là không có tấm hình nào của Má thời trẻ, chỉ có thể hình dung Má qua ảnh dì Trợ Dụng lưu giữ ở nhà chị Tâm.)

Xin kết thúc thiên tình sử Bắc Trung (còn Nam là hậu duệ của các cụ) ở đây.

Gia đình thì theo đạo Phật, riêng cô chú Long theo đạo Công giáo. Cô chú bảo mỗi lần dắt cháu theo (khi đi lễ nhà thờ) chẳng nhẽ cháu lại không biết gì (về nghi thức lễ lạy), vậy nên cho chị Thanh theo đạo Công giáo luôn. Chị Thanh đã có đạo trước khi lập gia đình với anh Thái.

Vài năm sau, chị Thanh có thêm nghề đan, bác Tuân (bác anh Thái) đến lấy hàng đan đi bỏ mối, để ý chị Thanh nên muốn làm mai chị cho anh Thái. Khi đưa anh Thái đến xem mắt (anh giả làm khách buôn), anh Thái ưng ngay, nhưng gia đình mình lại không ưng, có ý chê anh Thái đen và xấu. Bác Tuân bảo, xấu nó vấu ra vàng, có bán cái đẹp đi mà ăn được không.

Và hôn lễ được tổ chức nửa tháng sau đó (1953). Mối lương duyên này đã kéo dài hơn 60 năm.

Anh chị Thái Thanh sau khi cưới về Kiến An, Hải Phòng sinh sống. Chị mở tiệm tạp hóa. Anh có tiệm sửa, bán và cho thuê xe đạp. Anh Thái là mẫu doanh nhân nhìn xa thấy rộng, anh luôn đi tiên phong trong nhiều ngành nghề. Qua lời kể của chị, đến nay chúng ta mới biết ngay từ những năm 50 của thế kỷ trước anh đã tổ chức việc cho thuê xe đạp.

Đến năm 1954, sau hiệp định Geneve, khi nhiều chiếc xe đạp cho thuê khách không đem đến trả, anh Thái lấy xe Mobylette đi nhiều nơi để đòi. Chứng kiến sự việc người dân bị bắt đi đào đường sửa đê bị đánh đập, anh Thái bảo không thể ở được, nhất định phải di cư vào Nam. Thế là anh chị bán hết cửa tiệm, thu xếp đi trên chuyến tàu của Hoà Lan do Mỹ thuê đưa người di cư đi.

Anh chị đã hỏi thăm và biết Ba đang ở Faifo (chị Thanh không nói Hội An mà nói là Faifo) nên khi tàu cặp cảng Đà Nẵng, anh xem bản đồ biết Faifo cách Đà Nẵng 30km, anh cùng 1 người bạn đi trên 2 chiếc Mobylette (anh đem theo trong chuyến di cư) lần đường vào Faifo tìm nhà Dì Bảy (chị của Má). Đến nơi thấy anh Sang đang sắp ra sông tắm, sợ không dám hỏi, nấp ở bụi cây trước nhà. Anh Sang đi ra, nhìn thấy hỏi 2 anh tìm ai. Anh Thái nói tìm nhà Dì Bày và hỏi xin gặp ông Tình. Anh Sang nói đây là nhà Dì Bảy, nhưng chỉ có ông Trình chứ không phải Tình. Anh Thái nhận mình là con rể ông Trình và hai bên mới nhận ra nhau.

Lúc ấy chị Thanh được bà Cửu Đằng cho hay Ba Má đã tản cư vào Nha Trang, (chuyến tản cư của Ba Má từ Quảng Nam qua Bình Định vào Nha Trang cũng rất ly kỳ, đã được anh Chương kể trong thư cách đây vài năm).

Anh Năm Giản đang làm Trưởng ban tiếp cư trực thuộc tòa tỉnh trưởng Khánh Hòa nên chị Năm đánh điện tín và gởi ra cho chị Thanh 1.500 đồng để vào Nha Trang.

Thế là anh chị Thái Thanh đáp tàu lửa đi Nha Trang và sống yên ổn ở đó đến 1978 mới lại dọn xuống Sóc Trăng.

Vào đến Nha Trang, anh Thái lấy xe Mobylette đi lần dò xuống tận Chụt và Cầu Đá để tìm chỗ làm ăn.

Trước một căn nhà ở Chụt, anh thấy có hiên rộng nên xin thuê làm chỗ sửa và cho mướn xe đạp. Cuối mỗi ngày, anh chi dọn dẹp chỗ thuê rất sạch sẽ. Thấy vậy, bà chủ nhà mới đồng ý cho anh chị thuê hẳn căn nhà. Trước đó anh chị định thuê nhưng bà chủ nhà không cho vì người thuê trước rất lôi thôi.

Anh chị ổn định cuộc sống ở Nha Trang từ ấy.

Sau này chị vào Sài Gòn học nghề may, tiệm may Thời Trang của chị ở đường Nguyễn Trãi bên cạnh chợ chợ Xóm Mới rất nổi tiếng và đắt khách một thời.

Thời gian ở Xóm Mới, các con anh chị mỗi khi đi học nhất định phải ghé qua nhà Ông Bà Ngoại chơi, và thế nào cũng được Bà Ngoại cho ăn món gì đó. Chị Thanh kể lại, các cháu bảo Bà Ngoại nấu món gì cũng ngon, vừa nhanh vừa ngon, nhất là món Mì Quảng, riêng cháu Sơn còn nói, Bà Ngoại làm gì cũng ngon nhưng ít quá. Má thật là nấu ăn có nghệ thuật. Ngon nhưng ít mới làm người ăn thòm thèm. No rồi ai mà thèm nữa.

Tạm kết thúc ở đây.

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết