9. Cuộc Sống Ở Đàng Trong Ảnh Hưởng Của Tôn Giáo
Người dân ở Đàng Trong, Barrow, 1806
Khi người Việt đi dọc theo bờ biển đi xuống Đàng Trong, họ bắt gặp một nền văn hóa Chăm, lạ lùng và quyến rũ. Âm nhạc Chăm du nhập vào triều Lý từ thế kỷ thứ 10. Cách ăn mặc của người Chăm được phụ nữ Việt ưa thích cho đến thế kỷ 15. Các tòa tháp lộng lẫy của người Chăm làm người Việt thán phục, họ không có những kiến trúc như thế. Người Việt bỏ lại phía sau nơi chôn nhau cắt rún và phải sống thành từ nhóm nhỏ trong vùng của người Chăm cũ. Điều này khiến họ e dè và tìm cách thoát ra, trước khi thu phục nó. Các chúa Nguyễn đã tìm ra giải pháp ở tôn giáo. Đó chính là Phật giáo.
Phật giáo Đại thừa có nhiều thần, điều này không xa lạ với người Chăm. Tiền biên cho biết vào giai đọan đầu, chùa thường được cất trên nền cũ đền của người Chăm, đôi khi các chúa ra lệnh dời đền của người Chăm đi để cất chùa cho người Việt. Poivre ghi nhận vào 1750, riêng tại Huế có đến 400 ngôi chùa. Barrow ghi: ở mỗi lùm cây nhỏ gần vịnh Turan, có những cái hòm gỗ đựng giỏ đan hoặc treo hoặc gắn vào cành cây, một số đựng hình ảnh làm bằng nhiều vật liệu khác nhau.
Dĩ nhiên đây không phải là Phật giáo tinh thuần, nhưng như thế lại càng hấp dẫn. Như chùa Thiên Mụ ở Huế, mang danh thờ vị nữ thần Lão giáo (Cửu Thiên Huyền Nữ), nhưng lại có chức năng Phật giáo với các dấu vết truyền thuyết địa phương. Po Ino Nagar, vị nữ thần của người Chăm được Việt hóa thành Thiên Y Ana. Đó chính là sự hòa hợp tôn giáo. Vào thời gian này Công giáo dần trở thành quen thuộc với giới bình dân dù chính quyền ra sức cấm cản.
Chùa Thiên Mụ ở Huế
Việc sùng bái của người dân mang tính chiết trung, nghĩa là không bó hẹp trong một nguồn tư tưởng. Poivre ghi chép: núi. rừng, sông ngòi, ký ức tổ tiên, lòng kính trọng với người đã khuất đều là đối tượng của việc thờ kính. Mỗi người có một vị thần cho óc tưởng tượng của mình. Có người thờ cái cây, người khác thờ tảng đá… do đó khó định rõ được tôn giáo nào chiếm ưu thế ở Đàng Trong.
Lê Quang Nghiêm ghi nhận: người Việt đã bị chi phối bởi rất nhiều phong tục của người Chăm. Sống trong ảnh hưởng của bùa, phép, thư, ếm rất linh ứng, người tự bắt buộc phải theo tục lệ hoặc phương thức thờ cúng của người Chăm…
Tác giả còn nói vào đầu thế kỷ 20, người Việt ở các tỉnh Đàng Trong trước đây thường mời thầy cúng người Chăm thực hiện nghi lễ gọi là cúng Dàng. Trong nghi lễ này người ta không dùng ly đũa, đĩa thìa mà chỉ dùng lá chuối, đó là nghi thức của người Chăm.
Dâng lễ vật đầu mùa ở Đàng Trong, Barrow, 1806
10. Tác Động Chính Trị
Dưới cái nhìn của Wolters, địa vị các vua ở Đông Nam Á là duy nhất.
Hành động các chúa Nguyễn cho thấy điều này. Họ xưng la Chúa hay
Thiên vương, như Nguyễn Hoàng là chúa Tiên, Nguyễn phúc Trăn là Thiên Vương, Nguyễn phúc Chu là chúa Sãi…Thích Đại Sán, tu sĩ Phật giáo người Hoa, năm 1695, thấy cung điện Nguyễn phúc Chu trang hoàng cờ Phật giáo, trướng, cá gỗ, chuông lộn ngược như ngôi chùa Phật giáo.
Đó là sự khác biệt rất lớn với họ Trịnh ở phía bắc vẫn tôn sùng Khổng giáo và chỉ xem mình là con trời chứ không phải là trời.
Dù vô tình hay cố ý, việc thể hiện quyền bính của các chúa Nguyễn là vang vọng lại việc làm của các vị vua ở Champa, Cao mên đã làm nhiều thế kỷ trước.
Lính Đàng Trong đeo kiếm, William Alexander, 1793
11. Tác Động Xã Hội
Sự thay đổi giá trị cũng ảnh hưởng tới một khía cạnh khác của xã hội; đó là làng. Làng ở đồng bằng sông Hồng chật hẹp, ở Thanh Hóa, Nghệ An, là kiểu làng khép kín, các địa vị trong làng là cố định, người trong làng sống với những quy ước (lệ làng) chặt chẽ, thậm chí có người cả đời không bước ra khỏi làng.
Nhưng trên các vùng đất mới, nhất là từ Quảng Nam xuống phía nam, đất đai tương đối nhiều, việc di chuyển dễ dàng, đôi khi cả một làng cùng dời đi chỗ khác, và như vậy, quan hệ của người với đất khó thể khắng khít và cố định.
Tính cách di động ấy lại xung đột trực tiếp với tính ưu tiên của tập thể xã hội, ở đây là làng. Cá nhân chỉ quan trọng khi gắn bó với cộng đồng. Tách rời ra, cá nhân mất hẳn địa vị của nó.
Trớ trêu thay, những con người ưa di chuyển này đã tạo thành dòng chảy di dân xuống phía nam.
Một tác giả đã nói, phương nam là dành cho những ai không có quyền sống trên miền đất cũ.
Trong những điều kiện như thế, người dân có khuynh hướng cởi mở và tự nhiên hơn.
Taylor tả Nguyễn Hoàng: ông dám liều mình mang tiếng là kẻ làm phản vì ông đã tìm ra nơi người ta không coi trọng điều ấy.
Dưới đây là một ví dụ về lòng quảng đại của di dân đối với người khác, kể cả người ngoại quốc.
Borri kể, có thể vì nỗi vất vả đã trải qua khi là di dân nên dân Đàng Trong dễ động lòng trắc ẩn khi có người kêu đói ở cửa ngõ nhà họ. Và ngược lại, cũng vì lẽ đó, họ cũng hay hỏi xin bất cứ gì họ thích của người ngoại quốc.
“một thương gia người Bồ, không thích cái tục kỳ quặc này, thấy mình hàng ngày cứ bị hỏi xin những thứ anh ta có, một hôm quyết làm theo cái cách người ta thường làm với anh. Anh tới chiếc ghe của người đánh cá nghèo, thò tay vào một giỏ lớn đầy cá và nói, sin mocay (xin một cái). Người đánh cá chẳng nói chẳng rằng, đưa ngay cho anh một giỏ. Anh mang giỏ cá về nhà, ngạc nhiên về sự rộng rãi của người đánh cá nghèo.”
(Cristoforo Borri, Xứ Đàng Trong, 1621)
Một viên quan nhỏ ở Đàng Trong, W. Alexander, 1793
Thằng bé cắp điếu cho quan ở Tourane (Đà Nẵng), W. Alexander, 1793 Đời
-
Phúc Kiến, Mân việt, Quảng nam, họ Đỗ và... (Kỳ 9/14)< Trang trước
-
Phúc Kiến, Mân việt, Quảng nam, họ Đỗ và... (Kỳ 7/14)Trang sau >
Bài viết liên quan
- Phúc Kiến, Mân việt, Quảng nam, họ Đỗ và ... (Kỳ 14/14)
- Phúc Kiến, Mân việt, Quảng nam, họ Đỗ và ... (Kỳ 13/14)
- Phúc Kiến, Mân việt, Quảng nam, họ Đỗ và ... (Kỳ12/14)
- Phúc Kiến, Mân việt, Quảng nam, họ Đỗ và ... (Kỳ 11/14)
- Phúc Kiến, Mân việt, Quảng nam, họ Đỗ và ... (Kỳ10/14)
- Phúc Kiến, Mân việt, Quảng nam, họ Đỗ và ... (Kỳ 9/14)
- Phúc Kiến, Mân việt, Quảng nam, họ Đỗ và ... (Kỳ 7/14)
- Phúc Kiến, Mân việt, Quảng nam, họ Đỗ và ... (Kỳ 6/14)
- Phúc Kiến, Mân việt, Quảng nam, họ Đỗ và ... (Kỳ 5/14)
- Phúc Kiến, Mân việt, Quảng nam, họ Đỗ và ... (Kỳ 4/14)
- Phúc Kiến, Mân việt, Quảng nam, họ Đỗ và ... (Kỳ 3/14)
- Phúc Kiến, Mân việt, Quảng nam, họ Đỗ và ... (Kỳ 2/14)
- Phúc Kiến, Mân việt, Quảng nam, họ Đỗ và ... (Kỳ 1/14)