Phúc Kiến, Mân việt, Quảng nam, họ Đỗ và ... (Kỳ 3/14)

3. Tây Thi

Nhắc tới Phạm Lãi không thể không nhắc tới Tây Thi.

Tây Thi, gái nước Việt, một trong tứ đại mỹ nhân xưa trong lịch sử

Trung hoa. Không phải là một trong mà là người đứng đầu. (3 người kia là Vương Chiêu Quân, Điêu Thuyền, Dương Quý Phi)

 

Tây Thi, bảo tàng cung điện quốc gia

Tây Thi tự cái tên đã là một huyền sử. Tương truyền, nhan sắc Tây Thi làm cá phải ngừng bơi, lặn xuống nước, gọi là trầm ngư. Xuất thân và kết cục của Tây Thi đều là những giai thoại mơ hồ.

Những truyền thuyết về Tây Thi có lẽ bắt đầu từ cuối thời Xuân Thu, đầu thời Chiến quốc (Xuân Thu: giai đoạn từ 771 – 476 TCN, tên gọi bắt nguồn từ cuốn Kinh Xuân Thu, người ta gán cho tác giả là Khổng Tử; Chiến Quốc: kéo dài từ khoảng thế kỷ thứ 5 TCN đến năm 221, khi Tần Thủy Hoàng thống nhất nước Trung hoa).

Tây Thi tên Thi Di Quang, dệt vải ở núi Trữ La (thuộc nước Việt thời Xuân Thu, nay thuộc tỉnh Chiết Giang). Trữ La có 2 thôn, Đông và Tây, Di Quang ở thôn Tây nên gọi là Tây Thi.

Năm 479, trong trận quyết chiến với Ngô ở Phu Tiêu (nay là huyện Ngô, thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô), Việt vương Câu Tiễn bại trận, lui về Hội Kê Sơn, hay Cối Kê (nay ở phía nam thành phố Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang). Bị vây khốn, Câu Tiễn phải xin hàng, Ngô vương Phù Sai bắt cả hai vợ chồng Câu Tiễn sang Ngô làm con tin.

Câu Tiễn quyết chí trả thù. Trước khi sang Ngô, đai phu Văn Chủng nước Việt đã dâng cho Câu Tiễn 7 kế để phục quốc, trong đó có một kế gọi ḷà “mỹ nhân kế”, dâng người đẹp để mê hoặc Ngô vương. Trong hàng ngàn mỹ nử tuyển được, Phạm Lãi tìm ra người đẹp nhất, chính là Tây Thi, để đưa sang Ngô.

Sách Ngô Việt xuân thu kể, khi Ngũ Tử Tư (đại phu nước Ngô) nhìn thấy Tây Thi, biết nàng là cái họa vong quốc, bèn can, thần nghe, nước Hạ vong bởi Muội Hỉ, Ân vong bởi Đát Kỷ, Chu vong bởi Bao Tự. Mỹ nhân là sự gây mất nước, nên từ chối.

Phù Sai không nghe vẫn nạp Tây Thi, sủng ái nàng hết mực. Đem nàng vào ở Xuân Tiêu cung tại Cô Tô đài. Lại làm Quán Oa cung trên núi Linh Nham cho Tây Thi ngoạn cảnh.

Nhan sắc tuyệt trần lại giỏi ca múa, Phù Sai ngày càng đắm say nàng mà bỏ bê triều chính.

Nhờ đó, Câu Tiễn dần khôi phục lực lượng và tiêu diệt nước Ngô.

a. Một vài thuyết về cuối đời của Tây Thi.

Thuyết thứ nhất

Sau khi nước Ngô vong, Phạm Lãi cùng Tây Thi bỏ đi, ngao du trên vùng Thái Hồ, và biệt tăm tích từ ấy.

Thuyết thứ hai

Ngô vong quốc, người Ngô trút giận lên Tây Thi, quấn nàng vào vải lụa thả trôi sông.

Thuyết thứ ba

Vợ Câu Tiễn ghen, sai quân bắt Tây Thi cột vào đá ném xuống sông.

Thuyết Tây Thi chết chìm trên sông có sớm nhất. Mặc Tử, trong Thân sĩ thiên, viết, “Tỷ Can chi ế, kỹ kháng dã, Mạnh Bí chi sát, kỹ dũng dã, Tây Thi chi trầm, kỹ mỹ dã, Ngô Khởi chi liệt, kỹ công dã.”Đại ý là những người này đều chết vì sở trường, vì ưu điểm của họ. Mặc Tử mặc nhiên cho Tây Thi chết chìm trên sông vì nhan sắc trầm ngư của nàng.

b. Vài thi văn về Tây Thi

Kim Dung viết Việt nữ kiếm, đưa nhân vật Tây Thi vào với tên Di Quang. Trong truyện, nhân vật A Thanh đang đằng đằng sát khí, khi thấy nàng, phải thốt lên, trong đời này sao lại có người đẹp đến thế. Phạm Lãi, cô ấy còn đẹp hơn những gì ông mô tả.

Nam Cung Bắc tả Tây Thi, Câu Tiễn bắt gặp ngay đôi mắt trong suốt như dòng suối lạnh, ánh mắt đen tuyền óng ánh phát hào quang, thoáng chốc như hớp hồn vua.

Tây Thi như một đoá hoa chớm nụ còn hàm tiếu, bao nhiêu nét tươi trẻ thanh xuân dường như ẩn hiện trong góc mắt đuôi mày. Mắt nàng trong suốt, mày nàng phương phi, miệng nàng chúm chiếm, đường nét tạo thành nàng dường như là ào tưởng. Cái đẹp của Tây Thi như loé hào quang, như thái dương.

La Ôn đời Đường có thơ rằng:

Gia quốc hưng vong tự hữu thời

Ngô nhân hà khổ oán Tây Thi

Tây Thi nhược giải khuynh Ngô quốc

Việt quốc vong lai hựu thị thùy

 

Nước nhà còn mất bởi cơ trời

Người Ngô sao cứ oán Tây Thi

Tây Thi nếu làm Ngô mất nước

Thì xưa Việt mất bởi tay ai.

 

Cầu Tây Thi, Mộc Độc, Tô Châu

 

 (Nguồn: vi.wikipedia.org/wiki/Tây_Thi)

 

4. Hồ Động Đình

Nói đến nước Việt xưa mà không nhắc đến Động Đình Hồ là thiếu sót lớn. Vậy sẽ đi lạc đề một chút về hồ này.

Nhiều tài liệu lịch sử đều khẳng định Động Đình Hồ là cương vực xưa kia của nước Việt. Hồ này nằm trong hai tỉnh Hồ Bắc, Hồ Nam (Trung quốc). Diện tích 2820 km2, mùa lũ 20.000 km2. Có 4 con sông đổ nước vào hồ là Tương giang, Tư giang, Nguyên giang, Lễ thủy. Ngoài ra còn có sông Tiêu đổ vào sông Tương trước khi sông Tương đổ vào hồ.

 (Bài hát Ai về sông Tương của Thông Đạt: Ai có về bên bến sông

Tương, Nhắn người duyên dáng tôi thương...)

 (Sông Tương một dải nông sờ, Bên trông đầu nọ, bên chờ cuối kia. Nguyễn Du, Truyện Kiều)

 (Và Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn: Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại, Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang, Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương, Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng)

Những con sông Tương, và cây Tiêu Tương bến Tiêu Tương ấy đều là những sông những bến của Hồ Động Đình kia thôi.

Đại Việt sử ký toàn thư nhắc về Hồ Động Đình như sau:

“Cứ theo tục truyền thì vua Đế Minh, cháu ba đời vua Thần Nông, đi tuần thú phương Nam đến Ngũ Lĩnh (thuộc tỉnh Hồ Nam bây giờ) gặp một nàng tiên, lấy nhau đẻ ra người con tên Lộc Tục.

Sau Đế Minh truyền ngôi lại cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương

Bắc, và phong Lộc Tục làm vua phương Nam, xưng là Kinh Dương Vương, quốc hiệu là Xích Quỷ.

Bờ cõi nước Xích Quỷ bấy giờ phía bắc giáp Động Đình Hồ (Hồ Nam), phía nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm Thành), phía tây giáp Ba Thục (Tứ Xuyên), phía đông giáp bể Nam Hải...”.

Và Lĩnh Nam Chích Quái kể:

Kinh Dương Vương lấy con gái Long Vương ở hồ Động Đình, sinh ra Sùng Lãm hiệu là Lạc Long Quân, cho nối ngôi trị nước. Âu Cơ và năm mươi con lên ở đất Phong Châu cùng tôn người con cả lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, lấy tên nước là Văn Lang, Đông giáp Nam Hải, Tây tới Ba Thục, Bắc tới hồ Động Đình…

Một truyền thuyết về nguồn gốc Quan họ Bắc Ninh lại kể: xưa có chàng Trương Chi là dân chài lưới trên dòng Tiêu Tương. Chàng là người cực xấu nhưng bù lại có tiếng hát cực hay khiến nàng Mị Nương xinh đẹp con quan Thừa tướng phải lòng. Nàng tương tư chàng vì tài hát, còn chàng cũng tương tư nàng về sắc đẹp. Chàng hát lên lòng mình, và những bài hát của chàng ngày đó là những bài Quan họ ngày nay.

Truyền thuyết có thể là huyễn hoặc, nhưng sông Tiêu Tương là con sông có thực ở Bắc Ninh. Cho dù hiện sông không còn, sử sách nói về cội nguồn và vị trí của sông cũng rất khác nhau, nhưng các địa danh có gốc từ tên sông như làng Tương Giang, núi Tiêu, chùa Tiêu vẫn còn đó.

Người Hồ Nam coi sông Tương là sông Mẹ - sông Cái của mình. Tỉnh Hồ Nam cũng gọi là tỉnh Tương. Vùng lưu vực sông Tương được gọi là “Vùng đất cổ của người Lạc Việt”.

 

Bắc Ninh, nơi có sông Tiêu Tương, cũng là nơi có khu lăng mộ Kinh Dương Vương cùng đền thờ Lạc Long Quân-Âu Cơ, những nhân vật huyền sử gắn với hồ Động Đình. Bắc Ninh cũng nằm liền kề với vùng đất có làng Phù Đổng, có hội Gióng diễn lại sự tích đánh giặc Ân. Không rõ tên sông, khu lăng, tên làng có tự bao giờ, nhưng chúng là những bằng chứng cho thấy niềm hoài vọng về vùng đất cội nguồn của người Bắc Ninh xưa, chắc là con cháu của những di dân từ vùng hồ Động Đình thuộc nước Xích Quỉ.

 (Dẫn theo Đại Việt tàng thư, Lược sử Việt tộc)

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết