Phúc Kiến, Mân việt, Quảng nam, họ Đỗ và ... (Kỳ 2/14)

A.   Phúc Kiến, Mân Việt Và Vài Nhân Vật, Địa Danh Nổi Tiếng

1. Câu Tiễn (496 – 465 TCN)

 

Thanh kiếm của Câu Tiễn hơn 2.000 năm vẫn sáng loáng và sắc bén. Tìm thấy năm 1965 ở tỉnh Hồ Bắc, gần thành cổ Tế Nam, kinh đô xưa của nhà Chu. Dài 55, 7cm, nặng 875gr, lưỡi rộng 4, 6cm có các họa tiết hình thoi trên cả hai mặt, chuôi dài 8, 4cm có hàm lượng đồng cao khiến kiếm khó gãy và tăng độ bền dẻo; lưỡi bằng thiếc làm kiếm cứng hơn và sắc bén. Trong kiếm còn có một lượng nhỏ các chất sắt, chì, một lượng cao chất lưu huỳnh giúp chống rỉ sét.

 

Kiếm hiện được trưng bày ở Bảo tàng tỉnh Hồ Bắc Phúc Kiến, đất Mân Việt

 

 

8 ký tự khắc trên thân kiếm có nghĩa là: Việt Vương Câu Tiễn tự tác dụng kiếm (Vua nước Việt Câu Tiễn tự chế kiếm để dùng)

 

Xưa, là nước Việt của Việt vương Câu Tiển. Đời Xuân Thu bên Trung quốc (722 – 479 trước D.L.), hai nước Ngô (nằm ở địa phận tỉnh Chiết Giang, Chekian, xem bản đồ ở trên) và Việt (địa phận tỉnh Phúc Kiến, Fokien) đánh nhau. Vua nước Việt là Việt vương Câu Tiễn thua trận ở Cối Kê, phải xin hàng Ngô vương Phù Sai. Vợ chồng Câu Tiễn và quan tướng quốc nước Việt là Phạm Lãi bị giam trong ngục. Hàng ngày phải cắt cỏ cho ngựa ăn, gánh nước rửa chuồng ngựa, suốt ba năm. Khi Ngô vương Phù Sai bị bệnh, Phạm Lãi hiến kế cho Việt vương nếm phân Ngô vương, để vờ đoán bệnh sẽ khỏi, cũng để cho Ngô vương tin mình hết dạ trung thành. Nhờ đó mà Ngô vương tha cho về nước. Từ đó, Câu Tiễn nằm trên gai, treo quả mật trước mặt hằng ngày nếm mật đắng, chịu nỗi nỗi đau gai đâm vào người, để nhắc mình không quên thù cũ. Nhờ thái sư Văn Chủng giúp việc nước, tướng quốc Phạm Lãi giúp việc quân. Sau, trong 7 mưu kế của Văn Chủng, chỉ mới thi hành có 3 mà nước Việt đã hưng thịnh, nước Ngô suy. Rồi đó, nước Việt báo được thù, thôn tính nước Ngô, vua Ngô phải tự sát. (7 mưu thuật của Văn Chủng là: 1, thờ phụng trời đất tổ tiên làm nước giàu có để có của đút lót vua Ngô; 2, xuất tiền mua lúa Ngô để làm cho kho Ngô rỗng; 3, tặng gái đẹp cho thợ khéo để xây cung điện; 4, đút lót cho các nịnh thần; 5, xúi dục những người can gián để gây mâu thuẫn; 6, làm nước giàu để chuẩn bị võ lực; 7, có đủ binh khí tốt và chờ lúc quân địch kiệt quệ.)

Trong bài “Văn tế tướng sĩ trận vong”của Nguyễn Văn Thành, đời vua Gia Long, có câu: “Nằm gai nếm mật chung nỗi ân ưu. Mở suối bắc cầu riêng phần lao khổ.”Nằm gai nếm mật nghĩa là chịu đựng lao khổ để báo thù cho kỳ được là từ điển tích trên.

2.    Phạm Lãi

Tướng quốc Phạm Lãi nói ở trên là nhân vật có phần nổi danh hơn cả

Câu Tiễn. Sử ký Tư Mã Thiên nhắc đến Phạm Lãi dưới tên Đào Chu Công, một phú gia địch quốc. Nguyên là Phạm Lãi nhìn tướng Câu Tiễn, cho rằng đó là người chỉ có thể ở cùng khi hoạn nạn, không sống chung được khi thành vinh hoa, bèn viết thư từ biệt Câu Tiễn, rồi soạn đồ đạc cùng gia nhân lên thuyền ra biển đi mất tích. Có thuyết nói ông vượt biển sang Tề, đổi tên là Chi Di Tử Bì, cày ruộng, giàu ngang bậc vương hầu. Người nước Tề nghe tiếng ông hiền, mời ra làm tướng quốc. Ông ngậm ngùi than rằng, “ở nhà thì có ngàn lạng vàng, làm quan thì đến công, khanh, tướng quốc, kẻ áo vải được thế là tột bậc rồi, giữ mãi tiếng tăm lừng lẫy là không tốt.”Bèn trả ấn tướng quốc, đem tài sản cho hết, chỉ giữ lại ít của quý ra đi. Dừng lại ở đất Đào, thấy đây là nơi nằm giữa thiên hạ, tiện đường buôn bác đổi chác để làm giàu, ông đổi tên là Đào Chu Công, đổi sang nghề buôn, lại giàu muôn triệu.

Chu Công ở Đào sinh con trai út. Khi con út đã lớn, con trai thứ giết người, bị tù ở Sở. Chu Công nói:

“Giết người, bị tội chết là đáng rồi. Nhưng ta nghe nói con nhà nghìn vàng không chết ở chợ. “

Liền bảo con trai út đi lo việc. Ông lấy nghìn lạng vàng bỏ trong túi vải thô, chở bằng xe bò. Con cả cố xin đi, bảo, con cả là kẻ coi sóc việc nhà, nay em có tội cha chẳng sai, lại sai con út. Con là con hư sao.

Con cả toan tự sát. Người mẹ phải nói hộ, nay ông sai thằng út đi, chưa chắc đã được việc, lại vô cớ mất thằng cả. Biết làm sao.

Chu Công cực lòng phải sai con cả đi. Ông viết phong thư gởi bạn cũ Trang Sinh và dặn, Con mang số vàng này vào nhà Trang Sinh rồi mặc ông ta làm gì thì làm. Không nói thêm gì với ông ta nữa.

Con cả khi đi cũng mang theo riêng vài trăm lạng vàng sang Sở.

Trang Sinh nhà ở ngoài thành, Con cả phải lách lau cỏ mới vào được. Thấy nhà rất nghèo. Con cả đưa thư dâng vàng theo lời cha dặn. Trang Sinh bảo, thôi anh đi đi. Em anh được tha cũng chớ hỏi tại sao.

Con cả ngầm ở lại, lấy vàng dâng cho một nhà quyền quý, nhờ can thiệp.

Trang Sinh tuy nghèo khó nhưng thanh liêm, chính trực, cả nước đều biết tiếng. Từ vua Sở trở xuống đều tôn làm thầy.

Trang Sinh bảo vợ, đây là vàng của ông Chu. Nhỡ tôi không sống được qua đêm, thì trả lại ông ấy, chớ động đến.

Rồi Trang Sinh thong thả ra mắt vua Sở, nói, có sao mỗ… đóng ở chổ mỗ. Sự đó có hại cho nước Sở.

Vua Sở, vốn tin Trang Sinh, liền hỏi, biết làm thế nào bây giờ.

Trang Sinh nói, dùng đức mới trị được.

Vua nói, thầy về nghỉ, quả nhân sẽ y lời.

Quý nhân nước Sở kinh ngạc bảo con cả Chu Công, nhà vua sắp đại xá.

Làm sao biết.

Mỗi lần nhà vua sắp đại xá, thường cho niêm phong 3 kho tiền. Chiều hôm qua đã sai sứ đi niêm phong rồi.

Con cả Chu Công nghĩ, nếu đại xá, em mình thế nào cũng ̣được tha. Anh ta tiếc ngàn vàng đem cho Trang Sinh, lại ra mắt Trang Sinh.

Trang Sinh giật mình hỏi, anh chưa về sao.

Thưa chưa ạ. Trước đây vì việc thằng em, nay nó may được hưởng lệnh đại xá, nên đến chào cụ để về.

Trang Sinh hiểu ý bảo, anh vào mà lấy vàng về.

Trang giận bị đứa trẻ con nó lừa, bèn vào yết kiến vua Sở, thưa rằng, nghe dân sự ngoài đường nói đứa con nhà giàu của Đào Chu Công giết người bị giam. Nhà nó đem vàng bạc đút lót cho quan hầu. Nhà vua không phải vì thương dân Sở mà đại xá, vì con Chu Công đó thôi.

Vua Sở cả giận nói, quả nhân tuy có kém đức, nhưng lẽ nào vì con Chu Công mà phải ra ơn. Bè làm án giết con Chu Công, hôm sau mới ra lệnh đại xá.

Con cả Chu Công rốt cuộc đưa tang em trở về.

Bà mẹ và người làng đều thương xót. Chỉ Chu Công cười mà rằng, Ta biết thế nào nó cũng giết em nó. Không phải nó không yêu em. Chỉ có điều từ nhỏ nó đã cùng ta cực khổ, vất vả làm lụng mới có ăn. Thằng út đẻ ra đã sống trong nhung lụa, đi xe bền, cưỡi ngựa tốt, săn cầy, đuổi cáo. Nào biết tiền của ở đâu mà ra, nên chẳng tiếc gì tiền bạc. Sở dĩ ta muốn sai thằng út đi là biết nó chẳng tiếc số vàng bỏ ra. Thằng cả thì không thế, nên làm chết em nó. Lẽ đời là thế. Có gì đáng thương. Ta ngày đêm vẫn đợi nó đem xác em về.

Cho nên Phạm Lãi 3 lần đổi chổ ở đều thành danh trong thiên hạ.

Thái Sử Công (tức sử gia Tư Mã Thiên), nói,

Công lao vua Vũ thật là to lớn. Dẫn nước cho chín con sông, làm chín châu đều ở được. Nay mọi người đều sống yên ổn. Con cháu ông là Câu Tiễn, nhọc công khổ xác, cuối cùng diệt được nước Ngô, được danh là bá vương, chẳng đáng gọi là hiền sao. Phạm Lãi 3 lần đời chổ ở, đều nổi tiếng tăm để lại đời sau. Vua và tôi đều như vậy, thế nào mà chẳng vinh hiển.

 (Sử Ký Tư Mã Thiên, phần Thế Gia, Việt vương Câu Tiễn.)

Câu Tiễn, Phạm Lãi đều là người Việt đấy. Và khi cho rằng Câu Tiễn là con cháu vua Vũ thì Tư Mã Thiên mặc nhiên thừa nhận vua Vũ cũng là người Việt. (Vua Vũ: Hạ Vũ hay Đại Vũ, vị vua lập ra nhà Hạ, triều đại đầu tiên của Trung quốc, có công trị thủy (kiểm soát lũ lụt, giúp dân an cư lạc nghiệp).

 

Vua Vũ, tranh tường thời nhà Hán

 

 

 

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết