DẤU THỜI GIAN

DẤU THỜI GIAN

 

Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên viết thế này trong bài Dấu Tình Sầu:

Vết bước năm xưa nay vương âm thầm.

Đó là dấu vết của thời gian.

Một vài bản nhạc, tác giả cho biết rõ luôn con số.

Rõ nhất là bài Mười Năm Tình Cũ.

Dĩ nhiên thôi mà !

Con số 10 ngay trong tên bài hát thì sao mà lầm được.

Mười năm không gặp tưởng tình đã cũ.

Có thể là nhiều hơn, cũng có thể ít hơn. Tác giả chọn con số 10 cho tròn chăng. Cái này phải hỏi tác giả.

Bài Sương Lạnh Chiều Đông cũng có con số 10.

Mười năm mơ kết mây thành hoa trắng

Lại là 10, cho tròn chăng. Lại phải đi hỏi thôi.

Bài thơ Hoa Trắng Thôi Cài Lên Áo Tím, Huỳnh Anh phổ nhạc từ thơ của Kiên Giang, lời bài hát không có con số thời gian, nhưng trong bài thơ, vẫn có con số 10:

Mười năm trước em còn đi học

Sau mười năm lẻ anh thôi học

Hay vì thấy con số thời gian cụ thể không nói lên được gì nên Huỳnh Anh khi phổ thơ bài hát này, đã không chọn mốc thời gian cụ thể nữa. Ông chỉ thốt lên:

Lâu quá không về thăm xóm đạo…

Cũng tương tự là bài thơ Chuyện Tình Buồn, Phạm Duy phổ từ thơ Phạm Văn Bình và con số 5:

Năm năm rồi không gặp

Năm năm rồi trở lại…

Không rõ là đã 5 năm không gặp, rồi thêm 5 năm nữa mới trở lại. Thành ra 10. Hay chỉ là 5 năm thôi.

Đến bài hát Hai Năm Tình Lận Đận (Phạm Duy phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên), thì con số 2 năm được lập đi lập lại:

Hai năm tình lận đận, hai đứa cùng xanh xao
Hai năm trời mùa lạnh, cùng thở dài như nhau
Hai năm tình lận đận, hai đứa cùng hư hao
Hai năm tình lận đận, hai đứa đành xa nhau...

 

10 năm xuống ngay một phát còn 2 năm. Chóng thế nhỉ ?

2 năm, 5 năm và 10 năm…

Chuyện đã qua là hết, thống khổ ích lợi gì ?

Là lời Dương Qua nói với Tiểu Long Nữ, sau 16 năm ly biệt, (truyện Thần Điêu Đại Hiệp, Kim Dung).

So với 16 năm thì con số 2, 3, 5 trở nên ít và nhỏ.

Nhưng nỗi nhớ và tấm lòng thì thời gian có nghĩa gì đâu ?

Chuyện đã qua nhớ làm chi, nên Trúc Phương khi viết Buồn Trong Kỷ Niệm, chỉ mơ hồ:

Bao năm qua rồi còn gối chiếc…

Đến bài Hoài Thu, thì nhạc sĩ Văn Trí, viết còn mơ hồ hơn:

Mùa thu năm ấy, trên đường đến miền cao nguyên…

Năm ấy ? Năm nào ?

Cứ biết thế là được. Nên nhạc sĩ Đình Nguyên mới cất công đi tìm dù biết rằng tìm chỉ mà tìm như thế thôi…

Tôi đi tìm lại một mùa xuân
Dù không mong đến chuyện tương phùng
Dù tháng năm trôi vào xa vắng
Và xuân nay khác biệt xuân xưa
Tôi đi tìm lại một mùa xuân
Mùa xuân năm đó chưa thấy lại
Tôi vẫn đi trong chiều xuân tái
Tìm để mà tìm như thế thôi

Thêm vào những tiếc nhớ, tuy không có dấu thời gian, nhưng nội dung thì thấm đẫm, là lời bài hát Autumn Leaves :

The falling leaves drift by the window
The autumn leaves of red and gold

Since you went away the days grow long
And soon I'll hear old winter's song

But I miss you most of all my darling
When autumn leaves start to fall

Nghe Nat King Cole thì số một. Chỉ có lịm đi thôi.

(Bài này có nhiều nhạc sĩ đặt lời Việt, như "Lá thu vàng" (Lữ Liên), "Lá úa" (Y Vân), "Tình như lá rụng" (Phạm Duy)…

Và cũng là ý riêng, bài này chỉ cần nghe giai điệu, và cảm, không cần hiểu lời, vì không đặc sắc mấy.

Tương tự, bài La Playa, Phạm Duy có đặt lời Việt là Dòng Sông Quê Tôi,  nghe không cảm mấy (vẫn chỉ là ý riêng). Bản nhạc chỉ nên nghe nhạc không lời, dàn nhạc đệm với Guitar làm nền. Nó sẽ dẫn ta vào những kỷ niệm êm đềm. Nhớ ngày xưa có lần lên Thành (Thành , đây là Thành Diên Khánh, ở Nha Trang), ra sông chơi (sông Cái, đoạn chảy qua Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà). Đó là một buổi chiều muộn, vài người ra sông tắm, câu cá. Nước sông trong vắt, nhìn thấy cả sỏi dưới lòng sông. Có lẻ là đoạn sông đẹp nhất tôi từng thấy trong đời. Bây giờ không còn tìm đâu một con sông mà nước trong với bờ cát trắng như thế nữa.

Dấu thời gian còn ảnh hưởng sâu đậm đến tên vài địa danh, di tích. Nó làm phai mờ, biến dạng khiến người đời sau không thể nào biết tên gốc, tên ban đầu là gì nữa.

Chẳng hạn Lăng Cô, một vịnh biển rất đẹp giữa Huế và Đà Nẵng, đình Tân Lân ở Biên Hoà và khu vực Đa Kao ở Sài Gòn.

Học giả, nhà văn Sơn Nam, trong sách Sài Gòn xưa, cho biết, nhà văn Nguyễn Văn Xuân, không tìm thấy tài liệu nào đề cập đến tên này, nên ông rất dè dặt cho rằng, tên Lăng Cô, có thể là Làng Cò, người Pháp viết không bỏ dấu, nên người Việt đọc thành Lăng Cô.

(Trong tập du ký Une Campaigne au Tonkin, Bác sĩ Hocquard, khi đi từ Hà Nội vào Huế bằng tàu biển, khoảng tháng 1-1886, tàu phải ghé Tourane tức Đà Nẵng, rồi đi đường bộ vào Huế, có qua nơi mà ông ghi là Lang Co, chương XXII)

Còn đình Tân Lân , cũng theo học giả Sơn Nam trong sách trên, cho biết, tên ban đầu là đình Bàn Lân. Và, ông cũng dè dặt, suy luận rằng, có thể tên ban đầu là Bằng Lăng, vốn ngày xưa là giống cây mọc dẫy đầy ở xứ Biên Hòa.

Tên Đa Kao, thuộc quận I, Sài gòn, học giả Vương Hồng Sển, trong sách Sài Gòn năm xưa ghi vắn tắt:

Còn một đường xe lửa nhỏ nối liền Chợ Đất Hộ (Đa Kao) qua Chợ Tân Định, chạy dài theo con đường Paul Bert (Trần Quang Khải). (chú thích số 62 ở cuối sách).

Vì sao Đất Hộ lại thành ra Đa Kao, thì trong sách không giải thích.

Có ai biết nguồn gốc những cái tên này không ?

Trong tập 2 Rong chơi miền chữ nghĩa, nhà nghiên cứu An Chi có cho biết thêm:

“Gút lại, xin khẳng định rằng dù cho địa danh “Tràm Chim” có thể tiếp tục tồn tại đến muôn đời thì nó cũng chỉ là một cái tên méo mó, vô nghĩa, một cái quái thai về mặt cú pháp - ngữ nghĩa, xuất phát từ cái “tên cúng cơm” của Vườn Quốc gia Tràm Chim là Chằm Chim, chứ không phải là Trầm Chim hay Tràm Chim gì cả. Trong tiếng Việt và địa lý Việt Nam, ta có không ít địa danh vẫn hiện hành để chỉ tên một số vùng tự nhiên hoặc đơn vị hành chính nhưng, xét về nguồn gốc, đó chỉ là những cái quái thai ngôn ngữ, như: “Đakao” (Q.l, TPHCM) vốn là Đất Hộ, “Hàng Xanh” (Bình Thạnh, TPHCM) vốn là Hàng Sanh (cây sanh, cây si), “Lăng Cô” (Thừa Thiên - Huế) vốn là Láng Cò (không phải “Làng Cò”), “Lăng Tô” (Sài Gòn trước kia) vốn là Láng Thọ, “Vĩ Dạ” (Huế) vốn là Vi Dã ([cánh] đồng lau), V.V.. “Tràm Chim” cũng là một cái quái thai như thế, không hơn không kém.”

Và trong tập “Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm”, ông cho biết tiếng Pháp đã làm méo mó “Hương Bì” thành “Uông Bí”, “Cồn Ngao” thành “Cung Hầu”.

Dưới đây là một vài hình ảnh lịch sử về tên Đất Hộ, Đa Kao:

Phía tên Thành Phụng, là Đất Hộ và Mỹ Hội. Bản đồ Gia Định, 1815, Trần Văn Học vẽ, nhà sử học Nguyễn Đình Đầu chú thích.

Bưu thiếp của người Pháp, dấu Bưu điện 13.12.11 (1911 ?) ghi chùa Da kau

Bản đồ Thành phố Sài Gòn 1893, phía trên thành cổ (Citadelle), hướng bắc, là Dakao.

Bản đồ Sài Gòn 1920, Trong ô E2, ghi Marché de Dakao, chợ Đakao

(Trong khi nhiều tên xưa vẫn giữ nguyên, chẳng hạn như Thủ Thiêm, Bến Nghé, Chợ Quán, Cầu Kho, Thị Nghè, Văn Thánh… thì chỉ riêng Đất Hộ biến thành Đa Kao, một cái tên vô nghĩa. Tại sao ?)

Chớp mắt đã qua một quảng thời gian.

Đời người hữu hạn. Và thời gian thì vô hạn.

Nên chi Bạch Cư Dị mới viết:

Thiên trường địa cửu hữu thời tận,
Thử hận miên miên vô tuyệt kỳ.

(Trường hận ca)

Trời dài đất rộng có khi hết,

Hận này dằng dặc biết bao nguôi.

 

Và mấy vần thơ của người xưa không rõ tên tác giả:

Thế gian vạn sự giai bào ảnh

Thiên kiếp duy dư nhất điểm tình

 

Việc đời muôn sự điều hư ảo

Vạn kiếp nhân sinh một chữ tình

 

 

 

Những ngày xưa thân ái

Xin gởi lại cho ai…

 

Tháng 7.2024

NTH

 

 

 

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết