5. Người Nhật Bản
Sự tiếp xúc đầu tiên giữa Nhật bản và Đàng Trong không phải qua châu ấn thuyền mà một tên cướp biển người Nhật, Shirahama Kenki. Kenki, bị Tiền biên lầm là người phương Tây khi viết về năm 1585, tướng giặc Tây dương là Hiển Quý (Kenki) đi 5 thuyền lớn đậu ở Cửa Việt cướp bóc ven biển. Chúa (Nguyễn Hoàng) sai hoàng tử thứ sáu đi 10 thuyền lớn tiến ra đánh tan 2 thuyền giặc
Những thư từ trao đổi giữa Nguyễn Hoàng và sứ quân Tokugawa từ 1601- 1606 đã mở đầu cho việc buôn bán giữa hai bên.
Trước 1609, người Nhật rất lúng túng về tên gọi của vùng đất này. Cajian có thể là Cacciam (tỉnh Chăm), hoặc Kẻ Chiêm nghĩa là nơi người Chăm, ám chỉ xứ Quảng Nam, còn Annam chỉ huyện Hưng
Nguyên, Nghệ An. Tới 1611, người Nhật còn ghi Annam và
Cochinchina. Nhưng từ 1612 tên Annam đã hoàn toàn biến mất, có thể vì người Nhật đã chấp nhận tên Cochinchina của người Bồ để chỉ vùng đất của chúa Nguyễn. Tên Champa cũng biến khỏi danh sách từ năm 1609. Sự suy sụp của nền thương mại Chăm có thể là hậu quả trực tiếp sự phồn thịnh của Hội An đầu thế kỷ 17.
Người Nhật tới Hội An thoạt tiên là vì tơ lụa. Họ mua tơ lụa ở đây dễ dàng hơn vì Hội An có nhiều người Nhật sinh sống, họ thu mua tơ sống trước khi thuyền buôn tới.
Người Nhật thích tới Đàng Trong vì nhiều lý do, mà lý do số một là họ có cơ hội buôn bán với Trung hoa. Nguyễn Hoàng nhân cơ hội đã tìm mọi cách thúc đẩy thương mại. Con ông là Nguyễn Phúc Nguyên (Chúa
Sãi) còn đi xa hơn khi gả con gái cho một thương gia Nhật là Araki Sataao. Các quan hệ cá nhân này đã hướng tàu bè Nhật đến Đàng Trong nhiều hơn.
Ngoài tơ lụa, người Nhật còn nhập của Đàng Trong các mặt hàng sau: long não, lô hội, trầm hương, đường phổi, mật ong, tiêu, vàng, song mây.
Hội An, cảng chính của Đàng Trong đóng vai trò quan trọng trong việc lôi cuốn người Nhật tới đây. Đây là trung tâm phân phối hàng được tổ chức tốt. Người Nhật tới đây mua hàng của Đàng Trong và các nước Đông Nam Á khác khá thuận lợi với mức thuế không quá cao. Nhờ buôn bán với Nhật, chúa Nguyễn trang bị được những vũ khí tiên tiến chống cự được với Đàng Ngoài.
Người Nhật, tuy quan trọng nhưng không phải là bạn hàng duy nhất. Còn có:
6. Người Hoa
Việc buôn bán của người Hoa với Đàng Trong trở nên chính thức khi Minh Mục Tông bãi bỏ lệnh cấm buôn bán với các nước Đông Nam Á từ năm 1567. Hội An, hay Đàng Trong đóng vai trò quan trọng trong nền thương mại giữa Trung hoa và Nhật bản.
Việc buôn bán ở Đàng Trong gặp thuận lợi nhờ vị trí của nó. Buch giải thích: lý do có nhiều thương gia tới Quinam (Quảng Nam) vì ở đây có trung tâm buôn bán với các nước và vùng lân cận. Hồ tiêu chở tới đây từ Palembang, Pahang va các vùng lân cận, long não từ Borneo, gỗ, ngà voi, đồ sứ và các hàng hóa khác. Họ có thể mua thêm ngà voi, bạch đậu khấu, hồ tiêu, gia vị của Quinam… Thuyền của họ khi trở về Trung hoa thường là đầy hàng.
Hành hóa phong phú của Quảng Nam đã cuốn hút các thương gia người Hoa. Theo một người Trung hoa họ Trần sống ở Quảng đông vào thế kỷ 18 thì: từ phủ Quảng Châu đi đường biển đến xứ Thuận Hóa chỉ 3 ngày 3 đêm, vào cửa Eo đến phố Thanh Hà ở Phú Xuân, vào cửa Đại Chiêm, đến phố Hội An ở Quảng Nam cũng thế. Từ Quảng Châu đến trấn Sơn Nam (cảng chính của xứ Đàng Ngoài) lại gần hơn, chỉ 1 ngày 2 đêm nhưng thuyền từ Sơn Nam về chỉ mua được củ nâu, thuyền từ Thuận Hóa về chỉ một thứ hồ tiêu, còn từ Quảng Nam về không thứ gì không có, các nước phiên không theo kịp được. Hàng hóa sản vật ở các phủ Thăng Hoa, Điện Bàn, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Bình Khang và dinh Nhatrang, đường thuỷ, đường bộ, đi ngựa đều hội tập ở Hội An, vì thế khách phương bắc đều tụ tập ở đấy để mua về nước. Hàng hóa nhiều lắm, dù trăm chiếc thuyền to cũng không chở hết được.
Ngoài ra, hàng hóa phương tây thường là quá đắt so với dân thường nên khó tiêu thụ, còn hàng Trong hoa được tiêu thụ rất nhanh, nên càng hấp dẫn con buôn người Hoa đến Đàng Trong nhiều hơn nữa. Chính sách của chúa Nguyễn với người Hoa cũng có phần cởi mở hơn.
7. Người Tây Phương
Theo Manguin, cuộc tiếp xúc đầu tiên của người Bồ đào nha với cảng
Champa vào năm 1516, với bờ biển Champa vào 1523. Từ 1540, người Bồ đến Faifo đều đặn hơn, nhưng không chắc là tên Faifo đã xuất hiện vào lúc đó.
Từ 1584 đã có một số người Bồ đến sống tại Đàng Trong. Khi chiến tranh Trịnh-Nguyễn xảy ra, mặt hàng quan trọng nhất trao đổi giữa hai bên là đại bác. Theo Boxer, chúa Nguyễn rất muốn có đại bác đúc ờ xưởng của Bocarro tại Macao, nổi tiếng là tốt nhất. Họ Nguyễn và họ Trịnh là hai khách hàng lớn nhất của xưởng đúc này.
Hàng người Bồ chở từ Đàng Trong, theo Antonio Bocarro, là tơ vàng, trầm hương, kỳ nam. Boxer cũng cho rằng dù không ưa sự truyền bá Kitô giáo, nhưng các chúa Nguyễn vẫn ít nhiều làm ngơ sự hiện diện của các thừa sai công giáo để có được súng đạn.
Các chúa Nguyễn còn sử dụng thừa sai vào việc khác. Năm 1686 chúa Hiền bắt Bartholomeo da Costa, từ Macao phải trở lại Đàng Trong chăm sóc sức khoẻ cho chúa, Nguyễn Phúc Chu dùng Antonio de Arnedo năm 1704 và de Lima năm 1724 để dạy ông toán và thiên văn. Võ vương Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) đã dùng Naugebauer và Siebert, sau đó là Slamenski và Koffler. Năm 1752 chúa sử dụng thừa sai dòng Tên Xavier de Motero, nhà hình học và Jean de Loureira, bác
sĩ. Việc người Âu chính thức làm việc tại triều đình là sự kiện mới lạ theo truyền thống Việt Nam. Ở Trung hoa, chỉ có nhà Nguyên, nhà Thanh làm việc này.
Vào đầu thế kỷ 17, người Hà Lan bắt đầu tìm cách buôn bán với Đàng
Trong, mà họ gọi là Quinam. Năm 1601, 2 thương gia Hà Lan tên
Jeronimus Wonderer và Aibert Cornelis Ryull mua hồ tiêu tại Đàng
Trong. Năm 1609 VOC lập đại lý ở Firando, Nhật bản để tìm mối nhập tơ từ Đàng Ngoài và Đàng Trong và đến 1633, họ đã đặt được một trạm ở Faifo. Năm 1634, họ đầu tư vào Đàng Trong một số vốn lớn nhưng không cạnh tranh lại người Nhật. Từ 1637 họ chuyển sang Đàng Ngoài, mua tơ ở đó chở về Nhật bán. Từ 1654, đại lý của Hà Lan ở Faifo đóng cửa vĩnh viễn.
Tơ lụa cũng lôi kéo người Anh đến Đàng Trong. Năm 1613, 2 thương gia Anh là Thomas Peacock và Walter Cawarden đến Đàng Trong mang theo thư của vua James I gởi chúa Nguyễn. Số phận của họ kết thúc bi thảm, Cawarden bị giết và Peacock mất tích. Sự việc này gây rắc rối cho chúa Nguyễn và người Anh mãi về sau.
8. Người Đông Nam Á
Mạng lưới thương mại giữa Đàng Trong và các nước Đông Nam Á tuy nhỏ nhưng cũng có ý nghĩa. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, người Việt ra ngoài buôn bán với sự khuyến khích của nhà nước.
Việc buôn bán với Manilla bắt đầu vào 1620, đạt tới cao điểm vào cuối thập niên 1660. Hàng năm có 4 thuyền của Đàng Trong tới đây, và tới Batavia đều đặn. Năm 1636, Cao Miên và Xiêm thường xuyên xuất gạo tới Đàng Trong. Không chỉ có hoàng tộc và quan lại tham gia buôn bán, các thương gia người Hoa ở Xiêm cho biết, chúng tôi quen với một số người dân Quảng Nam và thỉnh thoảng gặp họ ở đây (Xiêm). Bowyer cho ta danh sách các nước và sản phẩm họ mang đến Đàng Trong:
Từ Xiêm: petre sapan, lac, necarie (không rõ là gì), thiếc, chì.gạo
Từ Cao Mên: comboia, bejomin (không rõ), bạch đậu khấu, sáp ong, lac, necarie, coyalaca, gỗ, da trâu, da đanh, ngà voi, sừng tê.
Từ Batavia: bạc, lưu huỳnh, petre, sợi vỏ thô,
Từ Manilla: bạc, lưu huỳnh, sapan, vỏ ốc, thuốc lá sợi, sáp ong.
Từ đầu thế kỷ 17, cái hấp dẫn các thương gia đến Đàng Trong nhờ vai trò chuyển khẩu của nó, nhờ vị trí địa dư thuận lợi và có thời viếc buôn bán giữa Trung hoa và Nhật bị cấm. Antonio Bocarro ghi nhận: vương quốc Cochichina cách Macao không xa và ở đây lúc nào cũng kiếm được thuyền để đi xứ khác. Điều này khiến Hội An trở nên phồn thịnh đến độ dân Hội An gần như sống hoàn toàn bằng thương mại. Thương gia họ Trần, người Quảng đông, mà Phủ biên tạp lục đã nhắc đến, ghi nhận, ở Hội An, không gì là không có. Phủ biên tả: có đến hàng mấy trăm loại hàng ở chợ Hội An, nhiều đến độ không mô tả hết được.
Như Champa trước đó, Hội An là trung tâm tập trung và phân phối hàng hóa. Nó còn xuất hàng của địa phương đi nữa, tiêu biểu là kỳ nam hương và vàng (kỳ nam rất có giá trị, tương đương với bạc, bao nhiêu kỳ nam là bấy nhiêu bạc).
Các chúa Nguyễn mua gì của người ngoại quốc. Ngoài súng đại bác mua của Bồ đào Nha, Đàng Trong rất cần tiền kim loại để đúc súng. Đây là mặt hàng người Hà Lan, người Nhật và cả người Trung hoa đều tham gia. Nguồn đa phần mua từ Nhật và càng về sau càng có lời. Không phải tất cả đều dùng đúc súng, những đồng tiền còn tốt có thể đã dùng như tiền tệ.
Gạo cũng là mặt hàng Đàng Trong rất cần. Từ đầu thế kỷ 18, gạo được đưa từ phía nam, nhất là đồng bằng sông Cửu Long ra Thuận Hóa.
-
Phúc Kiến, Mân việt, Quảng nam, họ Đỗ và... (Kỳ 8/14)< Trang trước
-
Phúc Kiến, Mân việt, Quảng nam, họ Đỗ và... (Kỳ 6/14)Trang sau >
Bài viết liên quan
- Phúc Kiến, Mân việt, Quảng nam, họ Đỗ và ... (Kỳ 14/14)
- Phúc Kiến, Mân việt, Quảng nam, họ Đỗ và ... (Kỳ 13/14)
- Phúc Kiến, Mân việt, Quảng nam, họ Đỗ và ... (Kỳ12/14)
- Phúc Kiến, Mân việt, Quảng nam, họ Đỗ và ... (Kỳ 11/14)
- Phúc Kiến, Mân việt, Quảng nam, họ Đỗ và ... (Kỳ10/14)
- Phúc Kiến, Mân việt, Quảng nam, họ Đỗ và ... (Kỳ 9/14)
- Phúc Kiến, Mân việt, Quảng nam, họ Đỗ và ... (Kỳ 8/14)
- Phúc Kiến, Mân việt, Quảng nam, họ Đỗ và ... (Kỳ 6/14)
- Phúc Kiến, Mân việt, Quảng nam, họ Đỗ và ... (Kỳ 5/14)
- Phúc Kiến, Mân việt, Quảng nam, họ Đỗ và ... (Kỳ 4/14)
- Phúc Kiến, Mân việt, Quảng nam, họ Đỗ và ... (Kỳ 3/14)
- Phúc Kiến, Mân việt, Quảng nam, họ Đỗ và ... (Kỳ 2/14)
- Phúc Kiến, Mân việt, Quảng nam, họ Đỗ và ... (Kỳ 1/14)