Phúc Kiến, Mân việt, Quảng nam, họ Đỗ và ... (Kỳ 6/14)

2.  Những Người Tiên Phong

 

Người lính Đàng Trong, A Voyage to Cochichina, John Barrow, 1806 (in lại theo tranh vẽ của William Alexander, 1793)

Vùng đất cực nam thoạt đầu là nơi nhà Hậu Lê đày phạm nhân. Sách Lịch triều hiến chương loại chí cho biết, tội nhẹ thì đưa đến Thăng Hoa (Thăng Bình, Quảng Nam), tội nặng hơn thì đến Tư Nghĩa (Quảng Ngãi), Hoài Nhơn (Bình Định).

Vùng phía nam này còn là nơi của những người tị nạn. Năm 1407, Trần Giản Định, con vua Trần Nghệ Tông (cai trị vào năm 1370-1372), nổi dậy chống quân Minh ở Hóa Châu (huyện Quảng Điền, Thừa Thiên). Hóa Châu cũng là căn cứ của Trần Quý Khoáng, vua nhà Hậu Trần (1407-1413). Năm 1471, trước khi tấn công, vua Lê Thánh Tông kê ra một trong những tội của người Chăm là chứa chấp các tội phạm người Việt.

Cho nên trong bối cảnh Trịnh Nguyễn phân tranh (thế kỷ 16, 17) Nguyễn Bỉnh Khiêm gợi ý cho Nguyễn Hoàng lui về phía nam là chuyện tự nhiên. Tiền biên ghi nhận có nhiều quan lại và gia đình theo chân

Nguyễn Hoàng tới Thuận Hóa năm 1558. Nhiều hương khúc và nghĩa dũng cũng đi theo họ. Chắc chắn nhiều người trong số họ ra đi tìm tương lai tươi sáng hơn chứ không phải như Nguyễn Hoàng trốn tránh hiểm nguy.

Còn phải ghi thêm một số thành phần ưu tú khác cùng Nguyễn Hoàng đi về phương nam và định cư vĩnh viễn ở đây. Họ là những trung thần của nhà Lê. Một gia phả ở Quảng Nam chép ông tổ họ là viên chức cao cấp của Lê Duy Trì, anh em vua Lê Kính Tông (1600-1619), bị chúa Trinh ép thắt cổ chết năm 1619. Lê Duy Trì và tuỳ tùng đã trốn tới Đông Sơn (Thanh Hóa) và Thanh Châu (Điện Bàn, Quảng Nam).

Có nhiều người khác đã đến vùng phương nam này từ thế kỷ 12 theo lời kêu gọi của vua Lý Nhân Tông. Theo Phan Khoang thì một một số tên xã trong vùng Minh Linh ngày nay được viết trong Ô Châu cận lục là xã Phan xá, xã Ngô xá nghĩa là nhà Phan (dòng họ Phan), nhà Ngô (dòng họ Ngô). Điều lạ là tên gọi này không hề có ở phía bắc vùng Minh Linh, không rõ lý do tại sao.

 (Li Tana, Xứ Đàng Trong)

 (Có sự trùng hợp gì giữa Phúc Kiến và Quảng Nam ở đây không. Phúc Kiến, như sử sách đã ghi nhận là vùng lưu đày tội nhân và các thành phần bất đồng với triều đình, cũng là nơi dân tị nạn từ phía bắc đổ xuống trước khi đi tiếp xuống Quảng Đông và vùng Đông Nam Á.)

Miền nam luôn là mảnh đất của những giấc mơ về cuộc sống tốt đẹp hơn, là ngõ thoát cho người Việt thời bấy giờ. Đai Nam liệt truyện và Đai Nam chính biên đều cho thấy thành phần nòng cốt của các chúa Nguyễn phần lớn xuất thân từ Thanh Hóa, trái lại thành phần nòng cốt của chính quyền Gia Long lại là những người thuộc gia đình đi từ miền trung xuống miền nam. Ngay hoàng tộc Lê cũng dự vào cuộc Nam tiến này mà không hay. Năm 1833 sau cuộc nổi dậy của Lê Duy Lương, vua Minh Mạng cho đưa họ đến Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định, sống ở nơi hiu quạnh, thậm chí còn không được liên lạc với nhau. Nhà ngữ học Lê Ngọc Trụ thuộc dòng họ bị chỉ định nơi cư trú này.

3.  Dân Số

Theo An Nam chí nguyên, năm 1407, dân vùng Thuận Hóa là 3.602 gia đình và 10.400 người Việt Nam. Đến năm 1847, Bộ Đinh (triều Nguyễn) nêu số chịu thuế là 1.024.388 người trong đó Đàng Trong (từ Quảng BÌnh trở xuống) là 444.992 người; Đàng Ngoài (từ Hà Tĩnh trở lên) là 579.396 người.

Hai thời kỳ chiến tranh thảm khốc giữa thế kỷ 16 và 18 đã làm gia tăng dân số người tị nạn. Chẳng hạn Đại Việt sử ký toàn thư ghi vào năm 1572, Nghệ An năm đó không thu được hạt thóc nào, … lại bị bệnh dịch chết đến quá nửa. Nhân dân nhiều người xiêu dạt tản đi hoặc về phương nam hoặc về phương bắc.

Và năm 1594, bấy giờ các huyện ở Hải Dương nhân dân mất mùa to, đói kém đến ăn thịt lẫn nhau, chết đói đến một phần ba.

Dân số Đàng Ngoài, ngoài những người chết vị nạn đói và dịch bệnh, còn vì chiến tranh liên miên giữa nhà Lê và Mạc. Có hàng chục vạn trai tráng đã chết trong giai đọan từ 1539 đến 1600.

Ngược lại, vùng Thuận Hóa lại tương đối yên tĩnh. Cả Toàn thư lẫn Tiền biên đều chép, vùng đất này dân không trộm cắp, cổng ngoài không phải đóng, thuyền buôn nước ngoài đều đến buôn bán.

Cho nên Thuận Hóa trở thành nơi trú ẩn cho dân tị nạn. Một làn sóng di dân vĩ đại của người Việt Nam diễn ra vào cuối thế kỷ 16. Về phương diện lịch sử, nó có thể so sánh với cuộc di dân này với cuộc di dân của người Trung hoa tới đồng bằng sông Dương tử dưới thời Đông Tấn (thế kỷ thứ 4 sau Công nguyên). Việc nhà Nguyễn thiết lập chính quyền ở đây cũng khuyến khích cho việc di dân.

Vào thế kỷ 17, suốt 50 năm chiến tranh Trịnh Nguyễn, việc di dân vẫn tiếp tục. Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Công Bá, gia phả của 63 dòng họ phía bắc Quảng Nam ghi là tổ tiên họ đã tới đây trong thời chiến tranh Trịnh- Nguyễn.

Các đợt di dân lớn tiếp theo diễn ra và thập niên 30, 40 thế kỷ 18. Như Cương mục ghi nhận, các nạn đói, dịch bệnh, lũ lụt liên tiếp khiến nhiều làng không còn người. Có đến 15% số làng biến mất hoàn toàn.

 (Li Tana, Xứ Đàng Trong)

4.  Kinh tế, Xã hội

 

Hát tuồng ở Đàng Trong, Barrow, 1806

Nhà nước Đại Việt thường không mấy thiện cảm với việc buôn bán nói chung và ngoại thương nói riêng. Chư phiên chí, sách của một du khách Trung hoa viết vào thế kỷ 13 tóm tắt thái độ này như sau, xứ này (Đại Việt) không buôn bán với người nước ngoài.

Vào thế kỷ 15, chỉ có 2 vùng ở châu Á không buôn bán với Ryukyu

(Okinawa ngày nay) là Việt Nam và Luzon (ghi nhận theo Rekidai Hoan, Lịch đại pháp án, sưu tập các văn kiện trao đổi giữa Ryukyu và các nước châu Á), trong khi đó Xiêm và Malacca thường xuyên được nhắc đến.

Nhưng nếu xem thêm Kai-hentai (Hoa di biến thái) trong thế kỷ 17, 18, ta sẽ kinh ngạc khi thấy số thương thuyền tới buôn bán với Đàng Trong vào đầu thế kỷ 17 vượt xa số tới buôn bán với Xiêm và Cao Miên. Vương quốc Đàng Trong xếp đầu trong danh sách các nước Đông Nam Á buôn bán với Nhật Bản.

Đàng Trong ra đời đúng vào thời đai thương nghiệp. Chính nhờ thương nghiệp, đã làm cho vương quốc này, chỉ trong vài thập niên, trở nên giàu có và hùng mạnh, đủ duy trì nền độc lập với phía bắc và mở rộng về phía nam.


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết