Phúc Kiến, Mân việt, Quảng nam, họ Đỗ và ... (Kỳ 4/14)

1.    Ba truyền thuyết thời Lê về Hồ Động Đình

Phạm Đình Hổ (1768-1839) là một nhà nho thời Lê vốn có thói quen chịu khó tìm hiểu và ghi chép tường tận mọi chuyện. Trong Quần thư tham khảo (1998: 33, 41) ông đã chép lại 3 truyền thuyết về mối liên hệ kỳ lạ giữa thần linh hồ Động Đình với các sứ thần Việt Nam, theo ông là “những chuyện không thể lấy lẽ thường mà xét đoán”.

 

Truyền thuyết 1:

Hoàng Bình Chính, đỗ tiến sĩ năm 1775, làm quan đời Lê Cảnh Hưng, đêm ngủ thường mộng thấy một mỹ nhân, tự xưng là thần đền Túc Duyên ở núi Biển Sơn, hồ Động Đình, nói hai người đã có duyên nợ với nhau từ kiếp trước. Mỹ nhân báo trước cho ông nhiều việc mà sau đều thấy ứng nghiệm.

Năm 1783, ông đi sứ sang Trung Quốc, qua hồ Động Đình, quả nhiên thấy có đền Túc Duyên, trong có thờ tượng công chúa giống mỹ nhân trong mộng. Đến đêm, thuyền qua sông, ông mơ thấy có một thị tỳ đến nói xin biếu hai con cá chép. Đến sáng mai, thuyền ở giữa hồ, hai con cá nhảy lên thuyền. Lúc về, ông lại qua núi Biển Sơn, gió thổi mạnh làm gãy cả cột buồm, thuyền suýt mắc cạn, nhưng sau vẫn qua được. Về đến Lạng Sơn, ông lại mơ thấy mỹ nhân đến báo: “Nay việc nước đã xong rồi đấy”. Đêm ấy, ông bị bệnh, về đến kinh đô Thăng Long thì mất.

 

Truyền thuyết 2:

Các sứ giả Đại Việt đi Trung Quốc về thường kể: sóng gió hồ Động Đình rất khó lường, thuyền bè qua lại rất khó khăn, duy chỉ có sứ thuyền Đại Việt mỗi lần đến đó, khi đi sang phía Bắc thì gặp gió Nam, lúc trở về phía Nam thì gặp gió Bắc, muôn lần không sai một. Cho nên thuyền bè công hay tư của Trung Quốc, mỗi lần gặp sứ thuyền của ta đều ghé vào để đi cùng. Năm Mậu Thìn đời Cảnh Hưng (1748), thám hoa Nguyễn Huy Oánh khi làm sứ có nhận xét rằng:”Ở hồ Động Đình, thuyền bè của ta được thuận gió”có lẽ là chỉ vào việc đó.

 

Truyền thuyết 3:

Năm 1804, một viên quan nhà Lê là Trịnh Hiến từ Trung Quốc về kể: khi vua Thanh Càn Long nhận sớ cầu phong của sứ thần Tây Sơn, các bầy tôi theo vua Lê Chiêu Thống không chịu ra sân để tránh chạm mặt, khiến Càn Long nổi giận, hạ chiếu đưa họ đi giam ở Yên Kinh. Khoảng năm 1796, vùng Hồ Nam bị đại hạn, người Trung Quốc đồn rằng đó là vì các viên quan Việt Nam vô tội bị giam. Sau đó, họ được thả ra…

Phạm Đình Hổ nhận xét: các bậc tiền bối của dân ta trước thường là thần bên Trung Hoa, phần lớn là thần ở hồ Động Đình. Kinh Dương Vương xưa lấy con gái vua hồ Động Đình mà sinh ra Lạc Long Quân, nên nước ta và vùng hồ Động Đình đời đời là thông gia tốt với nhau …Thần và người vẫn có quan hệ qua lại, dù núi sông cách biệt.

Ba truyền thuyết trên là thực hay hư, có đáng tin hay không, điều đó thật khó nói. Nhưng dễ thấy, chúng cũng phản ánh một tâm thức của các nhà nho Việt thời Lê về hồ Động Đình.

2.    Hồ Động Đình Trong Học Thuật

Kim Định (1915-1997) là một học giả rất nổi tiếng với hàng chục cuốn sách về văn minh và minh triết Việt cổ, được ông coi là nền tảng của

Nho giáo và văn minh Trung Hoa.2 Trong cuốn Triết lý cái đình, ông kết luận: “Hồ Ðộng Ðình là cái nôi nước Việt”.

Cho dù cách lý giải về tên hồ Động Đình của Kim Định đúng là “hơi”tùy tiện, ³ còn các luận cứ của ông (nói chung) đã bị Tạ Chí Đại Trường

(2008) phê phán xác đáng là “lan man, dây cà ra dây muống”nhưng kết luận trên của ông lại ngẫu nhiên trùng hợp với việc xác định ba nước Xích Quỉ, Việt Thường, La của tổ tiên người Việt Nam đều nằm ở vùng hồ Động Đình (Chương 5, 6, 7).

Nguyên Nguyên, một nhà ngôn ngữ học (Việt kiều) với nhiều bài viết về cổ sử Việt dễ tìm thấy trên internet, cũng có bài “Nước Sở: cái nôi của dân Việt”(2005), với bút danh Trần Thị Vĩnh Tường có bài: “Động Đình Hồ-cội nguồn của tộc Việt.

Đỗ Thành (Nhạn Nam Phi), một học giả gốc Triều Châu gần đây cũng công bố trên mạng bài viết Đụn Tiên: Động Đình Hồ, xác định từ Mộng tương ứng với từ bưng trong tiếng Việt Nam Bộ, từ đó tên gốc của Vân Mộng là Bưng Tiên, tên gốc của Động Đình là Đụn Tiên và tiếng Sở có họ hàng gần gũi với tiếng Việt.

Ba học giả trên, mỗi người một lĩnh vực nghiên cứu riêng nhưng có chung lòng nhiệt thành, kiến thức uyên bác, óc nghiên cứu độc lập và cởi mở. Các kết luận của họ cho thấy quan niệm về hồ Động Đình như vùng đất gốc của người Việt đã chuyển dần từ tâm thức dân gian sang tư duy khoa học.

 

3. Kết Luận

Truyền thuyết không phải là lịch sử, nhưng ít nhiều có cốt lõi lịch sử.

Những tư liệu khảo cổ học và ngôn ngữ học mới nhất đã khẳng định vùng hồ Động Đình là quê hương của nghề trồng lúa nước, nền tảng của lối sống và văn hóa Việt cổ truyền, là nơi phát sinh ra tiếng Nam Á cổ, tổ tiên của tiếng Việt mang hồn Việt bao đời nay. Đó cũng là vùng đất của ba nước Xích Quỉ, Việt Thường, La, ba nước của tổ tiên người Việt.

 

Vì vậy, dù ngược về cội nguồn lịch sử 10 000 năm hay 1700 năm, hồ Động Đình là một cội nguồn đích thực của người Việt và nước Việt.

 (Trích dẫn theo Tạ Đức, Nguồn gốc người Việt, người Mường)

 Lake Dongting: Hồ Động Đình

 

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết