Phúc Kiến, Mân việt, Quảng nam, họ Đỗ và ... (Kỳ 11/14)

PHỤ LỤC

TƯ LIỆU GIA ĐÌNH NGƯỜI VIẾT

1.    Họ Đỗ

Trong hai đợt di cư của người Hoa từ Phúc Kiến đến Quảng Nam vào cuối thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18 đều không có họ Đỗ (theo ghi chép của gia phả họ Trương nói đến ở trên). Các đợt di cư rải rác sau đó không có tài liệu nên không thể biết có người họ Đỗ hay không.

Chỉ biết qua lời kể của Má (bà Đỗ Thị Lịch, 1914 – 1981), thì ông ngoại Đỗ Thứ hay Đỗ Thoại Sanh, đi một mình từ Phúc Kiến sang Hội An, ông làm nghề thuốc, ít giao du với người ngoài, ông được nhà văn Phan Khôi nhắc đến trong truyện ngắn “Ông Năm Chuột “với tên ông “Tám Thứ”. (không rõ Tám là gì, là thứ trong gia đình hay là gì khác, cũng không rõ Tám là thứ của ông ngoại hay bà ngoại).

Ông giỏi nghề thuốc và có lẽ giỏi cả thuật xem tử vi.

Về ông ngoại chúng ta chỉ biết rất sơ sài như thế thối.

Ông ngoại đi một mình từ Phúc Kiến sang nên chắc chắn là không liên quan gì đến dòng họ Đỗ ở Việt Nam. Họ Đỗ bên Trung hoa vài người có danh như Đỗ Dự, tướng nhà Tây Tấn, Đỗ Phủ, thi hào đời Đường cùng thời với Lý Bạch, Đỗ Mục nhà thơ đời Đường, hay Đỗ Khang, ông tổ nghề rượu, nhưng họ đều sống cách thời ông ngoại đến cả ngàn năm. Chỉ giống nhau mỗi cái họ, thử ADN chắc không giống nhau một mảy.

Bà ngoại họ Lê, Lê Thị Đáng, người Việt hẳn hoi, biết chữ và cũng biết làm thuốc, (Li Tana đã ghi nhận là khi Nguyễn Hoàng vào nam, có một thành phần ưu tú di thần của nhà Lê, cùng đi theo và định cư vĩnh viễn ở đây)

Ông ngoại có một đời vợ trước, mẹ của các dì Năm (mẹ anh Năm Giản, Phạm Phú Giản), dì Sáu (mẹ chị Thông, hiện ở Úc), dì Bảy (mẹ anh Xang, hiện ở Quảng Nam. Chồng của dì Năm, dì Sáu, dì Bảy đều làm quan lớn, hình như chồng dì Năm là quan Tổng đốc, tương đương với tỉnh trưởng bây giờ, ông tổ của vị này chính là Phạm Phú Thứ, Thượng thư bộ Hộ, Tham tri bộ Binh đời vua Tự Đức, Phó sứ trong sứ bộ sang Pháp năm 1863 điều đình xin chuộc 3 tỉnh miền tây, chánh sứ là Phan Thanh Giản)). Ông ngoại có với bà ngoại mình 3 người con. Chị cả (không rõ tên), là vợ dượng Trợ Dụng tức nhà thơ Khương Hữu Dụng (mẹ các chị Khương Băng Tâm, Băng Tuyết, Băng Kính, Băng Ngọc, và các anh Khương Hữu Xương, Hữu Hưng, đã mất), chị thứ hai là mẹ chúng ta, bà Đỗ Thị Lịch (1914 – 1981), cậu út là Đỗ Nên, mất sớm năm 24 tuổi (theo anh Sơn khoảng 1942, 1943).

Sau khi sinh cậu út, ông ngoại xem tử vi biết rằng số mình và số cậu út khắc nhau, nên tự bỏ đi xa rồi mất, (khoảng 1920, anh Sơn kể có nghe Má nói là ông ngoại mất khi cậu Nên được 3 tuổi, má thì chừng 5, 6 tuổi.)

Ông mất rồi, bà ngoại nối nghề ông làm thuốc, cũng rất nổi danh, người địa phương gọi là bà thầy Đáng. (theo anh Chương)

Khoảng năm 1942, ba từ bắc vào, làm cai ở xưởng dệt bao bố ở Hội An, má làm thợ dệt ở đó (theo anh Chương, nhưng theo chị Thanh thì ba có mang vào 100 chiếc máy dệt hùn vốn với một người tên Tùng để mở xưởng). Khi anh Chương được 5, 6 tuổi chi đó, thì ba má và anh Chương sống cùng bà ngoại ở Hội An. Anh Chương kể một kỷ niệm ở đây: anh đi học ở trường tiểu học gần nhà dì Bảy. Má ở nhà nuôi tằm, Ba đi buôn đường bắc nam bằng xe lửa. Một buổi chiều, anh đi đón Ba ở ga xép gần Trà Kiệu, thấy Ba mặc bộ complet lụa màu mỡ gà, đội nón cối thất thểu trong ga đi ra, xoa đầu anh và nói nhỏ, phải tăng bo nhiều lần, hàng hóa mất hết rồi con ơi. Từ ấy Ba ở nhà luôn cho đến khi chạy giặc.

Khoảng thời gian này, anh Năm Giản (con dì Năm hay dì Sáu, anh Chương không nhớ rõ) từ Duy Xuyên lên chơi, gặp chị Nhuận, Hai người phải lòng nhau, thường nhờ chim xanh là anh Chương trao thư từ liên lạc. Sau khi anh chị lấy nhau đi ở riêng mãi đến khi vào Nhatrang mới gặp lại.

 Khi loạn lạc nổi lên (có lẽ khoảng 1945), bà ngoại mất, gia đình ngoài anh Chương có thêm anh Phi, chị Phú tản cư đi Quế Sơn (vùng rừng núi ở Quảng Nam), rồi qua Quảng Ngãi, xuống Bồng Sơn (thuộc tỉnh Bình Định).

Đêm trước ngày tản cư, anh Chương còn nhớ phụ Ba chôn đồ đồng, chén kiểu ở bên hồ nước trong sân, trong khi tiếng súng nổ từ xa vọng lại suốt đêm, còn quanh nhà thì lao xao tiếng người kêu nhau chạy giặc.

Bá gánh một đầu là anh Phi, đầu kia là đồ đạc, anh Chương thì cõng chị Phú, Má tay xách nách mang, ngày đi đêm nghỉ suốt mấy ngày mới đến Quế Sơn. Ở Quế Sơn, gia đình tạm trú trong gia đình hai ông bà có một người con trai, họ giúp đở mình rất nhiều.

Tiếp tục chạy vào Quảng Ngãi, anh Chương nhớ là có ghé qua nhà chị Toa (một người bà con bên ngoại khác). Má dẫn anh Chương ra vùng quân Pháp tạm chiếm mua đá lửa, vải kaki, dấu trong người (nên có câu đầu phồng đá lửa, bụng chứa kaki), cùng vài đồ dùng khác đem về bán kiếm tiền sinh sống.

Rồi không rõ có ai đó chỉ dẫn, nhà mình dời về Bồng Sơn (thuộc tỉnh Bình Định), khoảng năm 1947, 1948, được dân địa phương giúp làm nhà tại chợ Bãi, gần nhà dì Lương (bà con bên ngoại), ông Bảy Đục (sau là chủ tiệm phở Tân Thành, đường Trần Quý Cáp, Nhatrang), chú Tư Kỳ, thợ may sau dời vô Cam Ranh, là người ba má nhờ chăm sóc mộ anh Hà (em anh Sơn, anh chú Hải, mất sớm) chôn gần ga xe lửa Bồng Sơn.

Sống ở Chợ Bãi một thời gian khá lâu. Ba má làm nhiều nghề như bán tạp hóa, làm đồ ăn, dệt vải, nhuộm, kéo chỉ, có lúc má còn làm bánh ít, bánh nậm bán trước nhà, nhiều khi ế, anh Chương phải mang lên phố bán.

Xóm Chợ Bãi trãi dài hơn một cây số theo hương lộ đi Định Trị, gần ga xe lửa, gần cầu bắc qua sông Lại Giang nên hay bị máy bay Pháp đánh phá, thả bom. Ba má phải dời nhà đi Định Trị, cách khoảng 5 cây số. Làng gần núi, xa đường chính nên yên ồn hơn. Được ông Xã Tấu, một nhà nông giàu có cho tạm trú, nuôi ăn trong khi chờ làm nhà gần bờ sông (ông bà Xã Tấu rất nhân hậu, nhưng đã chết thời cải cách ruộng đất).Chú Hải được sinh ra ở đây.

Nhà cũng được dân địa phương giúp làm, lợp lá gần bờ sông, bến đò. Ba tráng bánh ướt cho má bán cho người qua đường ăn với mắm nêm, và một hàng chạp phô nhỏ. Anh Chương theo dân làng vào rừng đốn củi cho nhà dùng, dư thì gánh lên Bồng Sơn bán kiếm tiền ăn học, anh cũng qua được lớp Nhất và lên Trung học, nhưng phải phụ gia đình là chính nên việc học dở dang. 

Hai năm sau, tình hình đỡ căng thẳng hơn, gia đình lại dời về Chợ Bãi làn thứ hai. Đã có thêm anh Sơn, chú Hải. Ba má chỉ ở nhà bán hàng nên đỡ vất vả hơn. Sáng sáng anh Chương ra sông gánh nước cho nhà dùng, rồi lên phố ở nhờ nhà người quen học làm nón bằng lá buông, nghề học từ chị Tâm truyền cho trước khi chị tập kết ra bắc.

Đầu năm 1955, ba má bán nhà, sang hết hàng hóa dọn vào Nhatrang. Lúc đầu ở góc đường Hoàng Hoa Thám và Lê Thánh Tôn, tráng bánh bỏ cho mấy tiệm phở, (sinh chú Kim ở đây) Sau đó dọn về đường Ngô Đức Kế, Xóm Mới. Chị Phú đã cùng má buôn bán ở chợ này, nuôi cả gia đình và cho các em ăn học. Đến sau 1975, khi các con trai đã vào Sài gòn đi học, đi làm, má để lại nhà ở Nhatrang cho anh Phi, chị Trung, cùng ba và chị Phú vào Sài gòn ở cho đến nay.

 Thời gian ở Bồng Sơn, gia đình mình ở gần gia đình các chị Tâm, Kính, Tuyết và Ngọc. Anh Sơn có kể lại vài kỷ niệm như những đêm trăng sáng được các chị dẫn đi xem văn nghệ ở Chợ Bãi, gần bờ sông, hay ngày cưới chị Tâm, anh Đoan, anh Sơn không được đi nên ở nhà khóc suốt.

2. Vài Tấm Ảnh Kỷ Niệm Chuyến Đi Bồng Sơn (Anh Chương, Anh Phi, Chú Kim, 2008)

 Ông Mai Ngọc Bích, cháu ô. Xã Tấu, chỉ vị trí nhà xưa

 

 

Bến đò cũ

 

 

Trước nền nhà cũ

 

Bến đò cũ, bên trái là nền nhà xưa của Ba Má

 

 

Cầu Lại giang

 

 

Đường sắt bên nghĩa địa cũ


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết