HÀ GIANG DU KÝ BẰNG HÌNH, P1

 

HÀ GIANG DU KÝ BẰNG HÌNH, P1

TỪ KM 0, TP HÀ GIANG ĐẾN NHÀ PAO

Là tỉnh biên giới phía bắc với Trung quốc, điểm cực bắc của tỉnh cũng là điểm cực bắc của tổ quốc, Lũng Cú.

Thời Hùng vương, An Dương vương là bộ lạc Tây vu. Thời bắc thuộc, là huyện Tây vu thuộc quận Giao chỉ.

Đến thời Lý, 1075, là châu Bình Nguyên. Thời Trần gọi là châu Tuyên quang, thuộc lộ Quốc oai.

Tên Hà giang xuất hiện lần đầu trên bài minh khắc trên chuông chùa Sùng Khánh, huyện Vị xuyên đời vua lê Dụ tông, 1707.

Khi Pháp chiếm Hà giang năm 1887, đến 1891 lập tỉnh Hà giang.

Đến 1991, sau nhiều lần tách rồi nhập, thì tỉnh Hà giang được tái lập.

Diện tích chừng 7.800km2, dân số hơn 800.000 người.

Có đến 49 ngọn núi cao từ 500-2.500m. Năm 2010, UNESCO chính thức công nhận Cao nguyên đá Đồng văn là công viên địa chất toàn cầu.

Có 3 sông chính: sông Lô, sông Gâm bắt nguồn từ Trung quốc và sông Chảy. Còn có các phụ lưu như sông Miện, sông Bạc, sông Nho quế…Sông Lô là nguồn cung cấp nước chính cho tỉnh.

Đoàn chúng tôi chỉ đi cao nguyên đá Đồng Văn, gồm trong 4 huyện là Yên Minh, Quản Bạ, Đồng Văn và Mèo Vạc.

Người đầu tiên bên trái là anh Tâm, hướng dẫn viên, vui vẻ, nhiệt tâm, cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho đoàn

Vẫn là người đầu tiên bên trái, anh Bản, tài xế, tay lái lụa. Người với thần kinh thép, tay lái vững vàng, đã đưa đoàn đi đến nơi, về đến chốn.

 

Cột cây số 0, tp Hà Giang

Sông Lô, trong địa phận huyện Vị Xuyên, nhìn qua cửa xe. Sông Lô là phụ lưu của sông Hồng, nguồn từ Vân Nam, Trung quốc. Chảy vào Việt Nam ở xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Sách xưa của Việt Nam gọi là sông Cả, Pháp thì gọi là Rivière Claire, Sông Trong, chứ không phải Rivière sans Retour (River of no Return, Dòng sông không trở lại, phim có cô đào lừng danh Marilyn Monroe đóng)

 

Ăn sáng ở khách sạn Phoenix, tp Hà giang

KS Phoenix, tp Hà Giang, chiều muộn

Cảnh quan phía sau khách sạn Phoenix, nơi sông Lô ôm lấy núi.

“Nước kia dù hãy còn đi

Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui

Nghìn năm giao ước kết đôi

Non non nước nước không nguôi nhời thề”

(Thề non nước _ Tản Đà)

 

 

 

Dừng chân ở… không phải quán bên đường

Nơi trưng bày sản phẩm của tỉnh Hà Giang

Khu bán hàng lưu niệm

Cô bé bán hàng ở khu bán hàng lưu niệm, thành phố Hà Giang. Hẳn cô là người Tày, dù rằng ở Hà Giang, người Hmong chiếm đa số

 

Nhà thờ đối diện khu bán hàng lưu niệm

Vị trí chân dốc Bắc Sum, nơi có cầu Bản Thàng

Cầu Bản Thàng, điểm đầu dốc Bắc Sum. Hay đây là cây cầu biên giới…

… nơi lặng nghe dòng đời… từ từ trôi

 

Và, từ đây nhìn xa xa, là biển tên trên núi đá, Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn

Rừng thông Yên Minh, nhìn qua cửa xe. Một thoáng êm đềm, trước khi vào những con dốc ngoằn ngoèo, hiểm trở

 

Vì dốc cao…

… và đèo thẳm…

… là chuyện thường ngày ở Hà Giang

Ăn trưa ở Yên Minh, nhà hàng Phúc Cải. Tái dê, bò xào, gà luộc, canh củ cải trắng, đậu que luộc…Bữa trưa ngon miệng hiếm hoi

Nghĩa trang liệt sĩ, Vị Xuyên, Hà Giang

Nén hương tưởng nhớ những người ngã xuống để gìn giữ biên cương

 

“Áo bào thay chiếu anh về đất”

(Tây tiến _ Quang Dũng)

Và, đây là đoạn đèo Thẩm Mã trứ danh

Nhìn từ đỉnh đèo Thẩm Mã

 Vào một sớm mai sương

Vách đá trắng nơi dốc Thẩm Mã

Và, đừng quên…

Những bông hoa héo trên dốc Thẩm Mã

Học thổi sáo trên đèo Thẩm Mã

“dừng nơi xóm cũ xóm hoang vu
đôi mái nhà tranh lòng núi thu
hỏi ai ai biết là ai nữa
mấy trăm năm mây nổi sương mù”

(Ngày xưa Từ Thức, Phạm Thiên Thư)

Xóm nhỏ dưới chân đèo, nhìn qua cửa xe.

Là nơi có phim trường “Chuyện của Pao”

Ngôi nhà trong phim “Chuyện của Pao”

Những chú bé ở khu Nhà Pao, đãi khách phương xa bằng khèn và sáo. Mũ (và gùi) là vật bất ly thân của người Hmong.

Khèn, ban sơ là công cụ giao tiếp với thần linh. Dần về sau, khi lên nương, lúc xuống chợ, nó thành nhạc cụ diễn đạt tình cảm.

 “Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”

(Tây tiến _ Quang Dũng)

Sáo, là nhạc cụ thuần tuý, để giải trí, để kết bạn giao duyên nam, nữ. Người Miêu cho là sáo có khả năng diễn đạt ngôn ngữ của họ.

Cây Khèn trưng bày gần nhà hàng Phúc Cải, huyện Yên Minh

Chiếc khèn được làm thủ công bằng các loại vật liệu thiên nhiên. Thông thường, chiếc khèn của người Mông có 6 ống làm từ trúc rừng gắn trên 1 cái bầu bằng gỗ khoét rỗng được gắn kết bằng nhựa cây và vỏ cây đào rừng. Bộ phận duy nhất làm từ kim loại là lam đồng (lưỡi gà). Bầu đàn thường được làm từ gỗ cây thông đá, kim giao... Chế tác khèn cũng vô cùng độc đáo, không có quy chuẩn chung

(Chiếc khèn trong đời sống của người Mông - Báo Cao Bằng điện tử (baocaobang.vn)

Tranh thủy mặc mô tả những đôi nam nữ Miêu tộc múa với lô sanh. Một tác giả Trung quốc đã mô tả Lô sanh (Khèn Hmong) từ 1664

(Nghệ thuật Khèn của người Mông – Wikipedia tiếng Việt)

Sáo của người Hmong thường được làm bằng ống nứa loại dày hoặc trúc. Cây sáo có độ dài trung bình tầm 20cm và có đường kính 0,7cm. Trên đầu ống gắn lưỡi gà, còn trên thân ống có 8 lỗ bấm và 1 lỗ để định âm. Sáo đôi nhằm tăng thêm âm vực để có thể thổi được nhiều bản nhạc khác nhau.

(Sáo Mèo Là Gì? (saotrucbinhtran.com)

Người Hmong chẳng thiếu tâm hồn nghệ sĩ.

Ngõ sâu như không mầu, trong nhà Pao. Tường đá là nét kiến trúc đặc sắc của người Hmong. Đó là nơi ngăn cách các nhà với nhau, như bờ rào giậu trong các làng người Việt vậy.

(Hàng rào đá: Nét văn hóa kỳ thú của người dân tộc Mông (laodong.vn)

Đá, đủ kích cỡ, xấp liền nhau, không cần chất kết dính.

(HỒI KÝ TUỔI THƠ - Hàng Rào Dâm Bụt Cái bờ dậu ấy, hồi... | Facebook)

“Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái

Một tiếng trên không ngỗng nước nào”

(Tam nguyên Yên Đỗ)

 

Và bờ giậu, chẳng khác gì nhau. Vì, đá-và-cây-cỏ, cũng có linh hồn.

(xem lời bàn của Dã sử thị, chuyện “Thạch thanh hư” trong Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh:

Vật kỳ lạ chỉ mang họa tới, thế mà muốn đổi mạng sống lấy vật, cũng thật là si mê quá đáng. Nhưng rốt lại đá cũng cùng người có thủy có chung, ai nói rằng đá vô tình? Người xưa nói, “Kẻ sĩ chết cho người biết mình”, thì không phải là sai. Đá còn như thế, huống chi là người sao !

Những nét mà ta gọi là nét riêng dân tộc, đôi khi, giống nhau đến lạ kỳ. Chỉ khác ở cách diễn đạt thôi.

 

Dưới bóng cây hạnh phúc

Cành mai trắng mộng

Giáng Hương hái trộm hoa. Tiếc thay, Từ Thức đã vắng xa rồi

“người dong ngựa trắng nhuốm giang hà
vào Hội Hoa – ai nỡ buộc hoa
trao tấm áo chuộc nhành hương giáng
nhìn hương bay khuất núi mù sa…”

(Ngày xưa Từ Thức _ PTT)

“rừng đào hoa…

… tuôn suối hoa đào”

(NXTT, PTT)

Tháng 3, là mùa hoa đào nở rộ ở Hà Giang

“cả cõi đào hoa bỗng nhuộm sương

bỗng sa giọt biếc bỗng phai hường”

(NXTT_PTT)

Gió núi, mây ngàn hội ngộ trong nhà Pao

Trong nhà người Hmong. Bàn thờ với những vật kỷ niệm, đều được dán trên tờ giấy vì họ quan niệm rằng mọi vật đều có linh hồn. Tờ giấy là nơi lưu giữ mảnh linh hồn.

Như vài chiếc lông gà này, dán trên giấy. Có lẽ, con gà là một kỷ niệm thân thương

 

 

 

 

 

 

Gian bếp của người Hmong, cột gỗ nghiến, tường trình. Bếp lò đắp bằng đất, thường có 2 ngăn, bếp nhỏ nấu mèn mén (cháo ngô), bếp lớn nấu rượu hay cám lợn.

Vật dụng thường ngày của người Hmong

Thịt gác bếp. Trong tập biên khảo Histoire des Miao, 1930, Linh Mục François Marie Savina viết:

Ngoài đám cưới, đám tang, lễ mừng năm mới, vài buổi thăm viếng, còn thì người Miêu không bao giờ ăn thịt; họ gầy ốm quanh năm, suốt tháng. Có những du khách chỉ đi ngang qua nhà họ đã nói rằng họ ăn ngon hơn người An Nam và người Thổ; đó là một sai lầm; những du khách này đã bị đánh lừa vì nhìn thấy vài lát thịt hun khói, treo ở gác bếp. Số thịt này, phần còn lại của con lợn đầu năm, không phải để dành cho gia đình, mà để dành cho những vị khách quý. Rất ít dân tộc sống quá nghèo như thế.”

Đó là chuyện đời xưa. Giờ đã khác. Những lát thịt này, để bán cho khách, chứ không để đãi khách.

Thời gian trôi và việc đời thay đổi.

Phơi cỏ làm chất đốt

 

 

 

Vách đá đối diện nhà Pao. Ở Đài Tưởng niệm TNXP, gần đèo Mã pí lèng, cũng có đá vách đá trắng hay vách đá thần rất nổi tiếng, nhưng vị trí nguy hiểm nên ít người thấy được. Vách đá này có lẽ đẹp chẳng kém

“hồn quê dâng ngược suối trời sa”

(NXTT _ PTT)

“vó ngựa qua cầu còn mây mù
khói phù hư dong nốt phù du”

(NXTT _ PTT)

“quán chợ mây đà tan phiên họp

đời gió bay đâu dễ tầm hương”

“con bướm trần sầu cất cánh bay
gửi đêm nay cho một quán say
cạn bầu rượu gặp bầu hư mộng
hình hài tan theo gợn gió may”

(Ngày xưa Từ Thức, Phạm Thiên Thư)

Cảnh quan nhà Pao. Hàng sa mộc thẳng tắp còn thấy ở nhà Dinh nhà Vương.  Có lẽ sa mộc chỉ có ở hai nơi này.

 

Tháng 8. 2023

NTH

 

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết