Trà - Những Thiên Cổ Sự (Kỳ 5/11)

Thời Lê-Trịnh là thời của những kiểu cách phong lưu. Và chè chuyên gần như là một thứ Trà Đạo. Chè chuyên là nghệ thuật của những cái nhỏ nhắn, tinh tế, tỉ mỉ chẳng kém gì Nhật Bản. Chén hột mít, ấm quả quýt, và những trà cụ cầu kỳ như “vòi ấm thẳng thì nước không đọng, đỉa phẳng thì đặt chén không nghiêng, rế lò dày mà lỗ thưa thì than lửa không bốc nóng quá, lòng ấm siêu lồi lên và mỏng thì sức lửa dễ thấu, chóng sôi”(Vũ trung tùy bút, Phạm Đình Hổ).

Cảnh pha trà và thưởng thức

Và khi nước đã thanh bình ba trăm năm cũ, hay không khí thanh bình chỉ có trong cung cấm, thì cách thưởng thức trà cũng trở thành phiền phức, nhiêu khê. Ví dụ như cách ướp trà sen dưới thời nhà Nguyễn. Người ta gói trà vào từng gói giấy bản nhỏ (mực tàu, giấy bản ấy mà), thả vào từng bông sen. Đêm xuống, bông hoa khép cánh lại, ấp dúm trà suốt đêm.Hay để ướp số lượng nhiều, người ta gỡ lấy hạt trắng ở đầu nhụy hoa gọi là “gạo sen”đem trộn với trà, ủ kín. Đợi khi gạo sen teo lại, thì sấy khô trà bằng than ở nhiệt độ vừa phải để giữ mùi hoa (không biết đây có phải là cách của vua Tự Đức không, vì ông vua này có câu thơ rằng “Đập cổ kính ra tìm lấy bóng. Xếp tàn y lại để dành hơi”).

Các vị sành trà nói rằng nghệ thuật uống trà của người Việt gói gọn trong câu “Nhất thủy, nhị trà, tam bôi, tứ bình, ngũ quần anh”. (Một ngạn ngữ khác: nhất thủy, nhị trà, tam pha, tứ ấm. Một là nước quý, hai là trà ngon, ba là cách pha, bốn là bộ đồ trà hợp cách)

Các cụ giải thích như sau:

Trà chỉ thích hợp với nước tự nhiên thanh khiết. Nước pha trà ngon nhất là nước đọng trên lá sen, hay nước mưa đọng trên tàu cau. (Thường nghe kể nhà giàu cho con gái sáng sớm chèo thuyền trên hồ sen, vớt từng giọt sương đọng trên lá về để pha trà. Truyền thuyết cho đó là chúa Trịnh Sâm). Người kỹ tính còn trộn nước giếng với nước mưa gọi là nước âm dương.

Nước phải đun trên bếp lò đốt bằng than. Dùng than vì nó không bốc mùi hôi như củi khô hay dầu. (Thời trước thế chiến thì dùng bếp cồn như Thập Vạn Đại Sơn Vương vẫn dùng đun nước pha cà phê và nhân tiện pha trà luôn, khi đang hành hiệp trên đường, hay bây giờ người ta dùng ấm điện và bình đun siêu tốc). Đun vừa đủ sôi. Với trà sen thì đun sôi sủi tăm, với các loại trà ướp hương (trà sen, trà nhài, trà cúc…) thì đun độ sôi đầu nhang. Nếu không đủ sôi thì trà không đậm, sôi quá thì trà lại nồng, gọi là cháy trà.

Chén thì dùng chén hạt mít hay mắt trâu (chén: bôi, nhớ câu bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi, dạ quang bôi là chén lưu ly, chén này để uống rượu; có một loại chén bằng ngọc lưu ly khác dùng để uống trà như Vương Hồng Sển cho biết trong Sài Gòn năm xưa, khi ông đến thăm một bà mệnh phụ: “còn đây là bộ chén trà bằng ngọc lưu ly, khi rót nước vào thì vun chùn lên như miệng chén được be thêm).

 

Đĩa để ấm chuyên

(Kỹ thuật của người Annam t.3)

 

Chén tống. Ghi chú trên hình: chén do người Thanh làm

(Kỹ thuật của người Annam t.3)

 

 

 

 

 

 

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết