Trà - Những Thiên Cổ Sự (Kỳ 2/11)

Đến đời Hậu Lê (thế kỷ XV-XVIII), Nguyễn Trãi (1380-1442) khi soạn bộ Dư Địa chí, đã kể tên vàì loại trà và các vùng trồng trà. Và Phạm Đình Hổ (1768-1839) khi viết Vũ trung tùy bút, cho ta biết việc uống trà đã trở thành một thú vui, một cung cách thưởng ngoạn.

Ta hãy đọc thời Hùng Vương lập quốc trong Dư địa chí:

“Nước ta mở nước có núi có sông, phía đông tới bể, phía tây giáp Thục. Phía nam tới Chiêm Thành, phía bắc tới Động Đình.

Thục là tên nước nay là tỉnh Vân Nam, Chiêm Thành là nước Hồ Tôn xưa, Động Đình là tên hồ ở nước Sở, xung quanh đo được tám trăm dặm, trông bát ngát không thấy bờ, mặt giời lặn như là ở trong hồ. Các đất Mân Quảng đều dựa vào hồ. Trong hồ có hai núi. Một là Quân Sơn, thổ sản là quất hồng, chè Thôi Thiệt, trúc Đại mạo. Có đền thờ Tương Quân, con gái vua Nghiêu.Một núi nữa là Lộc Giác Sơn, Đào Chu xưa (tức Phạm Lãi) có nhà ở đó.

Vua trước tiên là Kinh Dương vương, từ khi bé đã có thánh đức, được phong tại Việt Nam, tức là tổ đất Bách Việt.

(Tương truyền nước Việt ta vua đầu tiên là Kinh Dương, là dòng dõi Viêm đế xứ bắc. Cha là Đế Minh đi tuần thú tới Hải Nam, lấy nàng Vụ tiên nữ, sinh ra con là Lộc Tục. Lộc Tục có đức độ một vị thánh minh, vua rất yêu quý muốn truyền ngôi. Lộc Tục cố từ chối, nhường cho người anh. Vì thế Đế Minh phong Lộc Tục ở Việt Nam, tức là Kinh Dương Vương.

Hùng Vương nối nghiệp đặt tên nước là Văn Lang, chia nước làm 15 bộ, Giao Chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Lục Hải, Vũ Đinh, Hoài Hoan, Cửu Chân, Bình Văn, Tân Hưng, Cửu Đức.

(Hùng Vương là con Lạc Long, cháu Kinh Dương. Nơi đóng đô gọi là Văn Lang. Tương truyền được 18 đời, đều xưng là Hùng Vương).

Vậy thì, người Việt ta đã biết uống trà từ đời Kinh Dương Vương và có phải Hùng Vương đã mang chè Thôi Thiệt ở Hồ Động Đình xuống Việt Nam không?

Nguyễn Trãi còn cho biết thêm ở Mộc Sách (thượng lưu sông Đà) có cây dã lô tháng 3 mới sinh lá nõn (không rõ cây dã lô có phải là cây chè hoang?); vùng Tam Nông (tỉnh Sơn Tây) có chè ngon; châu Sa Bôi (tỉnh Quảng Trị nay) có chè nhỏ lá (chè tước thiệt, lá nhỏ như lưỡi chim sẻ).

Nay xét mấy ngọn núi Am thiền, Am giới và Am các ở huyện Ngọc Sơn, tỉnh Thanh Hóa, đều sản xuất thứ chè ấy, mọc xanh om đầy rừng. Thổ dân hái lá chè đem về, giã nát ra, phơi trong râm, khi khô, đem nấu nước uống, tính hơi hàn, uống vào mát tim phổi, giải khát ngủ ngon. Hoa và nhị chè càng tốt, có hương thơm tự nhiên.”và “Có một làng tên là Vân Trai, giáp Bạng Thượng chuyên làm nghề chè giã nát để bán, gọi là chè Bạng. Chè sản xuất ở các làng sau này, đều là thứ chè ngon: làng Đồng Lạc thuộc huyện Kim Hoa, làng Đông Quy huyện Đông Ngân, làng Tuy Lai và Thượng Lâm huyện Chương Đức, làng Lệ Mỹ, An Đạo huyện Phù Khang.

Vân Nam cũng là vùng trồng trà có tiếng ở Trung Hoa. Nước Nam Chiếu tương đương thời nhà Đường, thì nước ta còn bị đô hộ. Đến khi Đại Lý nổi lên tức là thời nhà Lý, Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép chiến tranh biên giới giữa hai nước chỉ liên quan đến việc buôn ngựa của Đại Lý xâm phạm cương giới nước ta, nhưng việc buôn trà từ Đại Lý về đã được ca dao tục ngữ ghi nhận (trà Mạn Hảo, một địa danh ở tỉnh Vân Nam, tức nước Đại Lý cũ. Chỉ không rõ việc buôn bán này có từ bao giờ). Dư Địa chí cũng cho biết Đà Giang tuy là vùng lam chướng, nước độc, nhưng thuyền buôn đông như ngói lớp, khách buôn chen chúc trên bãi dưới sông. Cho đến cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 câu ca dao:

Làm trai biết đánh tổ tôm

Uống trà Mạn Hảo, ngâm nôm Thúy Kiều

Và:

Chồng em đi ngược về xuôi

Buôn trà Mạn Hảo, tháng ba thì về

 Cho thấy trà đã là một mặt hàng quan trọng trong giao thương giữa Vân Nam và Việt Nam.

Cảnh sông Nam Định, 1887, Việt Nam trong quá khứ qua tranh khắc Pháp. (Trong những con thuyền này, có chiếc nào ngược dòng Đà Giang buôn trà Mạn Hảo không?)

Đoạn ghềnh thác trên thượng nguồn sông Đà, con sông hùng vĩ và dữ dội nhất Việt Nam, hay nói như người Pháp, con sông hung dữ nhất Đông Dương

Vách đá Pá Huối Chỏ, nơi có tảng đá đề thơ của vua Lê Thái Tổ, nay đã cưa đem về đền bia Lê Lợi, gần thủy điện Lai Châu, khi đi dẹp loạn Đèo Cát Hãn (thị trấn Mường Lay cách thị xã Lai Châu 260km, nơi sông Đà chảy vào đất Việt). Bài thơ viết:

Cuồng tặc cảm bô tru

Biên manh cửu hề tô

Bạn thần tòng cổ hủ

Hiểm địa tự kim vô

Thảo mộc kinh phong hạc

Sơn xuyên nhập bản đồ

Đề thi khắc nham thạch

Trấn ngã Việt tây ngung

Giặc cuồng dám trốn chết

Dân biên chờ lâu rồi

Phản thần từ xưa có

Đất hiểm tự nay thôi

Cỏ cây kinh tiếng gió

Sông núi vào bản đồ

Đề thơ khắc đá núi

Trấn phía tây cõi bờ

(Phạm Trọng Điềm dịch)

Lòng sông xanh ngắt nhưng đầy đá ngầm

 

Huyện Mường Tè, Lai Châu, nơi cuối trời Tây Bắc

 

Vị trí ngã ba sông, bên trái là xã Mù Cả, bên phải là suối Nâm La chảy từ Trung quốc sang. Dòng suối là đường phân định ranh giới với Trung quốc

(Kẻng Mỏ, nơi sông Đà chảy vào đất Việt, https://tuoitre.vn/keng-mo---noi-song-da-chay-vao-dat-viet-567575.htm


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết