Họ lịch sự như tiên phú quý như giời, quất con ngựa rong chơi ngoài ngõ liễu.
Ta trồng cỏ đầy vườn vãi hoa đầy đất, gọi hề đồng pha nước trước hiên mai.
Ông Tú Hải Văn
Uống trà trên đường (EpochTimes)
Trà là thứ thức uống vô cùng tao nhã. Nó có cùng thời với ông Thần Nông. Các bác bên Tàu bảo thế. Mình nghe vậy biết vậy. Nói về trà thì các bài nghiên cứu, khảo cứu, phiếm luận, đàm luận, tranh luận và cãi… luận, nhiều vô thiên lủng. Tại hạ vốn không nghiện trà, lại chẳng sành trà nên bàn về trà không khác gì múa rìu qua mắt thợ. Nên chỉ dám gọi vài dòng lăng quăng bên đường là trà… chém gió (xin mượn chữ của bác Dũng Cận ở đây).
Trà khởi nguồn từ châu Á (Trung hoa), rồi sang châu Âu và đi khắp thế giới. Việt Nam ta hẳn phải biết uống trà từ rất sớm. Nhưng một ngàn năm bị đô hộ khiến không có dòng thư tịch nào ghi nhận việc thưởng thức trà trong thiên niên kỷ thứ nhất cả.
Nhưng trước, sau và cả trong nghìn năm đô hộ ấy, dân ta vẫn độc lập trong nhiều mặt. Chẳng hạn như trà xanh, trà vối, và về sau này là trà Huế (người Huế còn uống trà theo mùa nữa, gọi là thời trà), thì cách uống không giống Tàu chút nào. Mà trà vối, trà xanh lại vô cùng quen thuộc với người nông dân Việt Nam.
Mãi đến đời Lý Trần (Thế kỷ XI-XIV), một ít thi văn mới nhắc đến trà, như câu thơ của Thiền sư Viên Chiếu,
Tặng quân thiên lý viễn. Tiếu bả nhất âu trà.
Tặng người ngàn dặm cách xa. Cười dâng chỉ một âu trà thế thôi.
Bài Phúc Hưng viên của Thượng tướng Trần quang Khải:
Thử lai yêu khách kiêu trà uyển
Vũ quá hô đồng lý dược lan
Nắng lên, mời khách pha chè thưởng
Mưa tạnh, sai đồng giở thuốc coi
(Ngô Tất Tố dịch)
Bài Tặng sĩ đồ tử đệ của Huyền Quang thiền sư:
Phú quý phù vân trì vị đáo
Quang âm lưu thuỷ cấp tương thôi
Hà như tiểu ẩn lâm tuyền hạ
Nhất tháp tùng phong trà nhất bôi
Giàu sang đến chậm như mây nổi
Năm tháng trôi vèo tựa nước sa
Rừng suối chi bằng về ẩn quách
Gió thông một sập, chén đầy trà
(Huệ Chi dịch)
Bài Xuân đán của Chu Văn An:
Bách huân bán lãnh trà yên yết
Khê điểu nhất thanh xuân mộng tàn
Hương bách tiêu tan trà hết khói
Chim kêu bên suối mộng xuân tàn
(Đào Phương Bình dịch)
Bài Tống Lãm Sơn Quốc Sư Hoàn Sơn của Phạm Nhã Khanh:
Tùng viện chữ trà hương mạc mạc
Hạc tuyền tẩy bát thủy sàn sàn
Trà đun thơm ngát hương Tùng viện
Bát rửa trong veo nước Hạc tuyền
(Việt Nam Phật giáo sử luận, Nguyễn Lang)
Bàì Cửu nguyệt tam thập dạ hữu cảm của Trần Nguyên Đán:
Hương độ tiểu đang tân đạo chúc
Yên ngưng cổ đỉnh thục lan trà
Niêu nhỏ hương thơm mùi gạo mới
Đỉnh xưa khói tụ ấm chè pha
(Lương Trọng Nhàn dịch)
Bài Tống bắc sứ Ngưu Lượng của Trần Nghệ Tông:
An Nam lão tế bất năng thi
Không bả trà âu tống khách quy
Viên Tản sơn thanh, Lô thủy bích
Tùy phong trực nhập ngũ vân phi
Tể tướng An Nam thơ chẳng hay
Ấm trà đưa khách buổi chia tay
Núi Tản viên xanh, Lô nước biếc
Cưỡi gió vào mây ngũ sắc bay
(Trung tâm nghiên cứu quốc học dịch)
(Thơ văn đời Lý Trần, nhiều tác giả)
(Lược thảo Lịch sử văn học Việt Nam, Nhiều tác giả)
(Việt Nam Phật giáo sử luận, Nguyễn Lang)
Bưng nước pha trà
Kỹ thuật của người Annam, t.3
-
Trà - Những Thiên Cổ Sự (Kỳ 2/11)< Trang trước
-
Corona Virus và Đế quốc Mông Cổ : đại dịch toàn cầuTrang sau >
Bài viết liên quan
- Trà - Những Thiên Cổ Sự (Kỳ 11/11)
- Trà - Những Thiên Cổ Sự (Kỳ 10/11)
- Trà - Những Thiên Cổ Sự (Kỳ 9/11)
- Trà - Những Thiên Cổ Sự (Kỳ 8/11)
- Trà - Những Thiên Cổ Sự (Kỳ 7/11)
- Trà - Những Thiên Cổ Sự (Kỳ 6/11)
- Trà - Những Thiên Cổ Sự (Kỳ 5/11)
- Trà - Những Thiên Cổ Sự (Kỳ 4/11)
- Trà - Những Thiên Cổ Sự (Kỳ 3/11)
- Trà - Những Thiên Cổ Sự (Kỳ 2/11)