Trà - Những Thiên Cổ Sự (Kỳ 10/11)

Trà sử nước ta qua Truyền Kỳ Mạn Lục của Nguyễn Dữ năm 1547, có truyện Gã Trà Đồng nguyên văn như sau:

Dương Đức Công tên Tạc, người phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam thượng, đời vua Huệ Tông nhà Lý, ông là phán quan ở Tuyên Quang, xử phạt rất công minh. Năm 50 tuổi vẫn không có con trai nối nghiệp nhà, chợt một hôm ốm nặng rồi mất, một hồi lâu sống lại và kể cho người nhà nghe rằng, vừa mới chết ta được đưa vào gặp Nam Tào, Bắc Đẩu, hai vị này dở sổ và sì sầm bàn bạc với nhau, trần gian hiếm ai có như ông này, chỉ tiếc số không thọ và dòng nam lại không có người nối dõi, việc này ắt phải tâu lên thượng đế. Bèn truyền cho ta nghỉ ở hậu liêu, nửa ngày sau, hai vị ấy trở lại và bảo, thượng đế có lời khen và ban cho ngươi thêm hai kỷ, thêm một thằng con trai. Vậy mau về đi, cố gắng làm điều âm đức cho mai hậu. Bà vợ cũng kể lại vào cuối canh một có ngôi sao nhỏ chui tọt vào bụng, rồi có mang, đầy năm sinh một đứa con dặt tên là Thiên Tích, lớn lên thông minh đĩnh ngộ, học giỏi, lại hay thích…uống trà. Sau mới biết gã là trà đồng, tức kẻ hầu trà cho Ngọc Hoàng, nay đầu thai nhà họ Dương.

 

Có thể vì vậy, cái bình trà trong dân gian được gọi nôm là…”cái ấm tích”chăng.

 

Đó là chuyện gã Trà đồng của Thượng đế. Còn đây là chuyện gã Trà đồng ở dương gian mắng chủ là kẻ bán nước.

Chuyện xảy ra vào đời Trần (1225- 1400) như sau: Nguyên con thứ của vua Trần Thái Tông tên là Trần Ích Tắc, tước phong Chiêu Quốc Vương, nổi tiếng thông minh, tài giỏi. Ông mở trường dạy học ở bên phủ, sĩ tử bốn phương kéo đến học tập rất đông đều được ông cung cấp lương thực và các chi phí khác. Mạc Đĩnh Chi, Bùi Phóng và phần lớn nhân tài đời Nhân Tông và Anh Tông đều là môn sinh của Ích Tắc. Ích Tắc tự phụ tài trí, có ý muốn cướp ngôi vua Thánh Tông. Năm Trùng Hưng nguyên niên (1285) đời vua Nhân Tông, quân Nguyên sang đánh nước ta. Ích Tắc bèn dẫn gia quyến ra đầu hàng, theo về kinh Bắc, được vua Nguyên phong làm An Nam quốc Vương. Sau khi quân ta hai lần đánh tan quân Nguyên, mộng làm vua của Ích Tắc bị vỡ. Ích Tắc phải ở lại Trung Quốc, vua Nguyên thương tình phong cho chức Bình chương ở Ngạc Châu (Tỉnh Hồ Bắc). Tháng 2 năm Trùng Hưng thứ 8 (1292), vua Nguyên sai sứ sang dụ vua Nhân Tông vào chầu. Vua lấy cớ đang có tang không thể đi được, cử Nguyễn Đại Phạp cùng Hà Duy Nham sang sứ nhà Nguyên để phân trần. Đại Phạp trước kia là trà đồng của Chiêu Đạo Vương Trần Quang Sưởng, anh ruột của Trần Ích Tắc. Sứ thần nước ta tới Ngạc Châu, vào yết kiến viên Bình chương ở đó. Đại Pháp thấy Ích Tắc ngồi ở sảnh đường, lờ đi không chào hỏi. Ích Tắc nổi giận chỉ tay vào mặt Đại Pháp nói: “Nhà ngươi là trà đồng ở thư phòng Chiêu Đạo Vương, sao dám vô lễ với ta?”. Đại Pháp ung dung đáp: “Việc đời đã đổi khác xưa. Đại Pháp nay tuy trước là trà đồng của Chiêu Đạo Vương nhưng nay đường đường là sứ thần một nước. Cũng như Bình Chương trước là Hoàng tử nhưng nay chỉ là kẻ hàng địch bán nước mà thôi”. Ích Tắc nghe nói cúi đầu hổ thẹn, lẻn trốn đi nơi khác. Từ đó, mỗi khi có sứ thần Việt Nam đến, Ích Tắc không dám ngồi ở sảnh đường nữa.

 

(Hoàng Anh Sướng, Trà Việt Nam trong dòng chảy lịch sử văn hóa dân tộc)

 

Cảnh ngộ trớ trêu của Trần Ích Tắc được Nguyễn Du tả lại:

 

Khi sao phong gấm rủ là

Giờ sao tan tác như hoa giữa đường

Mặt sao dày dạn gió sương

(Truyện Kiều)

 

Nguyễn Trãi sau khi giúp Lê Lợi bình định được giặc Minh chức quan làm đến Nhập nội Hành khiển, tước phong Tế Văn Hầu công danh vinh hiển rực rỡ vậy mà ông vẫn nghĩ đến thú vui tao nhã của người đi ở ẩn nơi núi thẳm,rừng sâu.

“Hà thời kết ốc vân phong hạ

Cấp giản phanh trà chẩm thạch miên”

Nguyễn Trãi (Loạn hậu quy Côn sơn cảm tác)

Nghĩa là:

Chừng mô nhà dưới gió mây
Trà khe,gối đá ta say giấc nồng

Viên Trân dịch

Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng thế. Ông yêu quý thiên nhiên và những tháng ngày rong ruổi ung dung, tự tại

“Khát uống trà Mai hương ngọt ngọt

Giấc nằm hiên nguyệt gió hiu hiu”

(Không biết trà Mai đây có phải là trà Hồng mai mà Nguyễn Du cũng nhắc đến không).

Còn như Nguyễn Khản, anh họ của thi hào Nguyễn Du, đỗ tiến sỹ đời Lê Hiển Tông(1740-1786) làm Quốc công trong phủ Chúa Trịnh,được Trịnh Sâm vô cùng yêu quý ban cho tước Kiều Nhạc Hầu. Nguyễn Khản bản tính rất phong lưu và nghệ sỹ, thích hát ả đào, làm thơ và nghiện Trà. Có lần trong phủ ông hết trà uống,biết bên Chúa lúc nào cũng có trà ngon nên ông viết vào giấy mấy chữ:

-“Thần Khản khất nhất lạng trà”

Nghĩa là: Thần là Khản xin một lang trà!

Rồi sai người mang qua phủ Chúa. Trịnh Sâm nhận được liền sai người ban cho một thùng trà hảo hạng.

Có tác giả ghi nhận trong thi ca của Nguyễn Trãi nhắc đến trà Hồng mai nhưng đã thất truyền. Nguyễn Du có lẽ đã thưởng thức nó nên ông ghi lại trong 2 câu Kiều (c.1991-1992):

Thiền trà cạn chén Hồng mai

Thong dong nối gót thư trai cùng về.

Thói phong lưu từ Nguyễn Khản đã truyền qua cho Nguyễn Du.

(Thiền: thiền định.­_ dhyāna_ Là trạng thái bất động cả thân và tâm, nhằm đạt tới sự giải thoát hay giác ngộ, như Đạt Ma sư tổ 9 năm nhìn vách đá)

Uống trà cũng là một cách tĩnh tâm để giải thoát những phiền trược. Đọc cả đoạn ta sẽ biết đây là lúc Hoạn Thư cho Kiều ra Quan Âm các trong vườn nhà để ‘giữ chùa tụng kinh’ lấy tên hiệu là Trạc Tuyền. Kiều lúc ấy lòng lo buồn trăm mối ngổn ngang, không hiểu có trà thiền nổi không? Vì ở cuối đoạn này ta sẽ thấy mọi chuyện ra sao xin xem hồi sau sẽ rõ:

“Nghĩ đi nghĩ lại quanh co

Phật tiền sẵn có mọi đồ kim ngân

Bên mình giắt để hộ thân

Lần nghe canh đã một phần trống ba

Cất mình qua ngọn tường hoa

Lần đường theo bóng trăng tà về tây.”(c. 2023-2028)

Nghĩa là Kiều gom sạch hết mọi nhang đèn bát hương cùng của bá tánh cúng dường trong Quan âm các trèo qua tường theo bóng trăng tà lẻn về tây trốn mất!)

Trà thì chưa đượm mùi thiền, nhưng lẽ sắc không thì Kiều hiểu rõ lắm.

“Kiếp phù sinh như hình bào ảnh,

Của trời ơi có có không không “.

(Văn tế thập loại chúng sinh, mạn phép cụ Nguyễn Du)

Một công án trà thiền kể:

Ba thiền sư Nam Tuyền, Qui Tông và Bảo Triệt đến yết kiến thiền sư Cảnh Sơn, đi đường gặp một bà già bán quán trà, ngài Bảo Triệt hỏi thăm đường. Bà già nấu một bình trà, bưng ba chung đến nói: Hòa thượng nào có thần thông thì uống trà. Cả ba chưa biết đối phó thế nào thì bà già nói tiếp: Xem già này trình thần thông đây. Nói xong, bà cầm chung nghiên bình rót trà rồi đi.

Giai thoại này sau trở thành một đề tài tham cứu cho các thiền sinh.

(Đức Chính, Trà thư)

 

Đói thì ăn, khát thì uống. Ba vị thiền sư này không thông hiểu điều giản dị ấy nên đã bị bà cụ già lỡm cho. Đi đường khát nước, được mời thì nghiêng bình rót uống ngay, hà cớ gì chờ hiển lộ thần thông cho nước trà tự chảy vào miệng hay ngộ đạo rồi mới uống.

Đào Duy Từ thuở hàn vi cũng nhắc đến chè:

Cơm ba bữa chuộng rau cùng muối

Thú bốn mùa ưa rượu với chè.

Chỉ có rau cùng muối, rượu trắng với chè xanh mà rồi làm nên nghiệp lớn. Đào Duy Từ (1572-1634), đệ nhất công thần của họ Nguyễn, kiến trúc sư của lũy Trường Dực, tác giả bộ binh thư Hổ trướng khu cơ và áng văn Nôm Tư Dung vãn.

Vũ Thế Ngọc trong Trà Kinh, có dẫn: “Triều Lê, Nguyễn Trãi (1380 – 1442) viết sách: “An Nam Vũ Cống”(Dư địa chí) ghi nhận tại châu Sa – Bôi (Quảng Trị) sản xuất loại trà lưỡi sẻ (Tước thiệt) rất thơm ngon.

Dương Văn An (1514 – 1591) triều Mạc Quang Bảo nhuận sắc tác phẩm “Ô Châu Cận Lục”cũng viết: trà ở huyện Kim trà (nay là Hương Trà – Thừa Thiên Huế) tên gọi lưỡi sẻ (tước thiệt) trồng tại vùng đồi núi An Cựu giải khát, trừ phiền, chữa thũng, đứng đầu trăm loại thảo, dược tính linh diệu.

 

Tiếc thay trà tước thiệt nay đã tuyệt tích giang hồ. Không rõ trà tước thiệt này với trà Thôi thiệt ở núi Quân sơn, trong Hồ Động Đình mà Nguyễn Trãi có nhắc đến ở phần gốc tích dân tộc ta có liên quan gì với nhau không?

 

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết