Trà - Những Thiên Cổ Sự (Kỳ 7/11)

Trước khi pha trà thì dùng nước sôi tráng ấm chén cho nóng và sạch sẽ. Tùy theo độc ẩm, song ẩm, tam tứ ẩm hay quần ẩm mà dùng các loại bình lớn nhỏ khác nhau.

Cho lượng trà vừa đủ vào ấm (ít quá thì nhạt, nhiều quá thì đắng chát). Lần đầu rót nước vừa xâm xấp mặt trà để “rửa trà”rồi đổ đi. Tửu tam trà nhị là thế (rượu nước thứ ba mới ngấm, trà nước nhì mới ngon). Lượt kế cho nước gần đầy bình rồi rót thêm một ít lên mặt ấm để lấp lỗ thông hơi trên nắp ấm nhằm giữ hương trà.

Cuối cùng ngũ quần anh là bạn trà. Bạn trà còn khó chọn hơn bạn rượu. Rót trà cũng là một nghệ thuật nữa. “Rượu trên be, chè dưới ấm”mà. Chè dưới ấm mới đậm, mới ngon. Thế nên phải rót ra chén tống mới mới chia đều ra các chén quân. Hoặc là chỉ rót lần lượt mỗi chén từng ít một, sau đó rót ngược trở lại đề mỗi chén sẽ có lượng nước trà đậm như nhau.

(Thưởng trà. Nghệ thuật uống trà ở Việt Nam, http://thuongtra.org/tang-t…/nghe-thuat-uong-tra-o-viet-nam/)

Khó nhỉ. Nên tại hạ không nghiện trà là thế.

Khi rót lại còn phải thấp tay cho dòng nước chảy nhẹ nhàng. Rót ồng ộc e bị chê là ngưu ẩm.

Quán trà thời Tống

Trà trong thư tịch và thơ văn

Tá vấn tửu gia hà xứ hữu

Mục đồng dao chỉ Hạnh Hoa thôn

(Đỗ Phủ _ Thanh minh)

Hỏi thử nơi đâu là quán nhậu

Trai làng tay chỉ đó bia ôm

(Dân nhậu Sài Gòn dịch)

 Chúa Trịnh Sâm (1739-1782) nói Rượu tướng Trà nô. Uống rượu thì phải hào hùng như tướng quân ra trận, nhưng trà là của trời nên phải làm nô bộc cho nó. (Lục Vũ, tác giả bộ Trà Kinh đời Đường được xưng tụng là Trà thần, nên Trịnh Sâm muốn tự xưng mình là Trà nô. Phải không?).

Nói đến Trịnh Sâm không thể không nhắc tới Tuyên phi (hay Bà Chúa Chè) Đặng Thị Huệ và loạn kiêu binh:

Đặng Thị Huệ là giai nhân bậc nhất trong phủ chúa Trịnh Sâm. Quê ở làng Trà Hương, Phù Đổng, Kinh Bắc. Vốn là thôn nữ hái chè nên khi nhập cung, được phong Tuyên phi, dân gian gọi là Bà Chúa Chè. Được sủng ái, bà làm loạn cả triều đình, khi tìm cách phế ngôi Thế tử của Trịnh Khải để dành cho con mình là Trịnh Cán. Khi Trịnh Sâm mất (1782), Trịnh Cán lên nối ngôi hiệu là Điện Đô Vương, Tuyên phi được phong lên Vương Thái phi. Nhưng chỉ một tháng sau, lính Tam phủ (hay kiêu binh), mưu đảo chính phò Trịnh Khải (còn có tên là Trịnh Tông) lật đổ Trịnh Cán. Trịnh Cán, chỉ mới 5 tuổi, bị bệnh và tháng sau nữa thì qua đời. Đặng Thị Huệ bị bắt nhưng được tha cho về hầu ở lăng Trịnh Sâm. Sau bà uống thuốc độc tự tử vào ngày giỗ Trịnh Sâm. (Hoàng Lê nhất thống chí ghép tội bà làm loạn triều chính, gây ra loạn kiêu binh, mầm mống để Tây Sơn xô đổ triều vua Lê chúa Trịnh, nhưng cách mà dân gian gọi bà, Bà Chúa Chè, cho thấy một thái độ khác, một cái nhìn tôn trọng và khoan dung về phận nữ nhi thời ấy).

Mỹ nhân tự cổ như danh tướng

Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu.

Hay lời than thở của Nguyễn Du:

Đau đớn thay phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.

Là cách mà hậu sinh suy ngẫm về cuộc đời bà.

 

Thôi ta trở lại chuyện trà kẻo lỡ chén trà thơm:

Nhất bôi xuân lộ tam lưu khách

Lưỡng dịch thanh phong kỷ dục tiên

Một chén trà xuân lưu khách lại

Hai làn gió mát hóa thành tiên

(Dân không nghiện trà diệt)

Hay là:

Hà thời kết ốc vân phong hạ

Cấp giản phanh trà cẩm thạch miên

(Nguyễn Trãi _ Loạn hậu đáo Côn Sơn cảm tác)

Bao giờ dưới ngọn mây về ở

Nước suối chè tươi ngủ thạch bàn

(Đào Duy Anh dịch)

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết