ERICH MARIA REMARQUE, Tình bạn và Tình yêu

Nổi tiếng ở Việt Nam với các tác phẩm Phía Tây không có gì lạ ( hay Mặt trận miền tây vẫn yên tĩnh), Ba người bạn ( hay Chiến hữu), Một thời để yêu và một thời để chết. Một tác phẩm khác ít nổi tiếng hơn nhưng kể về một tình yêu rất đẹp là Đêm Lisbon.

Chiến hữu đã tạo ra một phong trào đọc truyện  Remarque ở miền nam trước 1975. Truyện kể về tình bạn giữa 3 người vốn là cựu chiến binh Đức trong thế chiến thứ nhất, thời mà nước Đức trải qua nạn lạm phát phi mã, hậu quả của chiến tranh.

Tình bạn trong văn học thế giới có rất nhiều. Điển hình là tình bạn tri âm tri kỷ của Bá Nha, Tử Kỳ.

Nghe Bá Nha đàn nơi núi cao, Từ Kỳ khen: ‘ Hay thay, vời vợi tựa núi cao’. Nghe Bá Nha đàn bên dòng nước, Tử Kỳ khen: ‘ Hay thay, mênh mang như sông nước.’

Ấy là khúc Cao sơn Lưu thủy. Rồi khi biết Tử Kỳ đã mất, Bá Nha đập đàn mà thề không bao giờ cầm đàn nữa vì biết không còn ai nghe và hiểu tiếng đàn của mình.

Rằng, nghe nổi tiếng cầm đài

Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ

( Truyện Kiều, Nguyễn Du)

Than rằng lưu thủy cao san

Ngày nào nghe đặng tiếng đàn tri âm

( Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu)

Có lẽ tiểu thuyết gia Kim Dung ấn tượng với tình bạn này mà tạo ra đôi bạn tri âm khác là Khúc Dương, Lưu Chính Phong với bản đàn Tiếu ngạo giang hồ, tên nhạc phổ và cũng là tên truyện.

‘ Tiếng đàn nghe rất thanh nhã. Lát sau lại có tiếng sáo nhu hòa nổi lên họa với tiếng đàn. Hai người còn nghe rõ là tiếng đàn thất huyền cầm âm điệu hòa bình trung chính, dóng đôi với tiếng tiêu thanh cao u nhã làm rung động lòng người…

Tiếng đàn dần dần lên cao vòi vọi còn tiếng tiêu lại dần dần trầm xuống nhưng không dứt, tựa hồ như tiếng gió thoảng qua mà liên miên bất tuyệt khiến người nghe không khỏi bâng khuâng trong dạ…

Tiếng đàn đột nhiên choang choảng ra chiều sát phạt. Một hai tiếng đàn tưởng như chọc vào màng tai khiến người nghe phải kinh tâm động phách, còn tiếng tiêu vẫn dịu dàng uyển chuyển. Một lát sau tiếng đàn trở lại ôn hòa khi lên bổng khi xuống trầm. Đột nhiên tiếng đàn tiếng tiêu biến đổi thình lình, tựa hồn bảy tám cây đàn cùng bảy tám ống tiêu cùng tấu lên một lúc.

Lệnh Hồ Xung kinh ngạc thò đầu nhìn trộm, thì thấy bên vách đá vẫn chỉ có ba người. Té ra người gảy đàn và người thổi tiêu đã đến chỗ thần diệu ghê hồn. Một thành hai, hai thành bốn, bốn thành tám. Trong một nhạc khí mà phát ra nhiều âm thanh khác nhau…

Đột nhiên cung đàn rít lên một tiếng cấp bách. Dây đàn đứt mấy sợi rồi tiếng đàn ngừng bặt. Tiếng tiêu cũng chấm dứt. Bốn bề trở nên yên lặng như tờ…

Lưu Chính Phong cười mát nói: Nhưng có thế thì anh em mình mới được hợp tấu một khúc. Từ nay trở đi trên đời không còn âm điệu cầm tiêu này nữa.

Khúc Dương thở dài nói : Ngày trước Kê Khang lúc bị hành hình còn tấu một khúc nhạc cuối cùng, rồi từ đó khúc “ Quảng Lăng tán” không còn tồn tại ở thế gian nữa. Ha ha, khúc Quảng Lăng tán dù tinh diệu nhưng bì thế nào được với khúc “Tiếu ngạo giang hồ của chúng ta.

Lưu Chính Phong cười nói : Đêm nay chúng ta đã tấu khúc Tiếu ngạo giang hồ đến chỗ lâm ly tận trí. Trên đời có khúc nhạc này mà chúng ta đã tấu nó đến độ chót. Tưởng người đời được đến thế thì còn điều chi phải ân hận nữa. ‘

( Trích hồi 41, Khúc Tiếu ngạo từ đây bặt tiếng, Tiếu ngạo giang hồ ký. Kim Dung )

 

Khúc Quảng lăng tán của Kê Khang cũng như như khúc Cao sơn Lưu thủy của Bá Nha tuyệt tích giang hồ khi không còn bạn tri âm. Còn khúc Tiếu ngạo giang hồ, may thay truyền lại được cho Lệnh Hồ Xung cùng Nhậm Doanh Doanh để trở thành khúc hoan ca phu phụ ( nhưng chỉ là trong trí tưởng tượng của Kim Dung tiên sinh mà thôi).

 Hay tình bạn âm thầm lặng lẽ nhưng bền chặt đến cuối đời của hai nhà nho Nguyễn Khuyến, Dương Khuê:

Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước

Vẫn sớm hôm tôi bác cùng nhau

Bạn chẳng ở dẫu van chẳng ở

Tôi tuy thương lấy nhớ làm thương

Tuổi già hạt lệ như sương

Hơi đâu chuốc lấy hai hàng chứa chan

( Khóc Dương Khuê, Nguyễn Khuyến)

Khi Dương Khuê đã khuất, Nguyễn Khuyến thở than:

Câu thơ nghĩ đắn đo muốn viết

Viết đưa ai ai biết mà đưa.

Đó cũng chính là nỗi lòng của Bá Nha khi hay tin Từ Kỳ đã mất. Ông bày đồ lễ, sầu thảm khóc lóc, tấu lên khúc nhạc u hoài rồi đập đàn vào đá vì biết rằng không còn ai là bạn tri âm.

Vẳng nghe khúc nhạc, chiều ly biệt

Cao sơn Lưu thủy, tuyệt mù khơi

_ _ _

 

Mênh mông lả lơi

Đàn trần xa lánh cõi đời

Mênh mông lả lơi

Lạnh lùng em đã rời tôi

Khoan, khoan, hò ơi

Người về xa tắp không lời

Khoan, khoan, hò ơi

Lệ sầu rụng xuống đàn tôi

Khoan, khoan, hò ơi

Đàn lìa dương thế xa vời

Khoan, khoan, hò ơi

Lệ sầu rụng xuống đàn tôi

( Tiếng đàn tôi, nhạc Phạm Duy)

 Buồn như tiếng đàn ly biệt của Bá Nha khóc thương Tử Kỳ, kết cuộc của Chiến hữu cũng đầy những biệt ly.

"Ba người bạn" là một câu chuyện tình bạn đẹp của Otto Koster, chủ một gara sửa xe, Gottfried Lenz và Robert (Robby) Lohkamp cùng làm chung gara. Họ có chung đam mê xe hơi, mê rượu và cả thuốc lá ( chuyện xảy ra sau thế chiến I, nên mê thuốc lá là chuyện thường tình). Đan xen với tình bạn của ba người là một tình yêu đẹp không kém của Robby va Patrice (Pat). Ban ngày họ vất vả kiếm cơm bằng nhiều nghề, lái tắc xi, đua xe, chơi dương cầm. Đêm về kéo nhau vào quán rược để quên đời: “Rượu cognac rót ra vàng óng, rượi gin lóng lánh như ngọc xanh màu nước biển và rượu rum chính là cuộc đời. Chúng tôi ngồi lì lợm trên những chiếc ghế kê trong tiệm, âm nhạc ướt át, sự tồn tại thật sáng sủa và mạnh mẽ; rượu chảy ào ào qua lồng ngực chúng tôi, chúng tôi quên đi nỗi phiền muộn trong những gian buồng cho thuê trống trải, quên đi nỗi tuyệt vọng của sự hiện hữu, quầy rượu trong tiệm là buồng chỉ huy con tàu và chúng tôi ồn ào lướt sóng vào tương lai.”

Rồi Pat hiện ra trong đời Robby như một giấc mơ. Họ vui sướng kết Pat vào hội toàn bợm nhậu.

Nhưng đời không như là mơ. Cuối truyện, Lenz bỗng nhiên bị bắn chết. Koster bán đi chiếc xe mà anh quý như sinh mạng mình để giúp Pat và Robby chữa bệnh, rồi bán nốt xưởng. Pat mắc bện nan y rồi mất bỏ lại Robby bơ vơ.

Cái kết buồn này được nhắc lại trong tình yêu của Đêm Lisbon. Remarque là nhà văn phản chiến nên ông không cho cả tình bạn lẫn tình yêu trong chiến tranh có đoạn kết đẹp. Chiến tranh tàn phá tất cả, hủy diệt tất cả.

Bối cảnh của truyện là một đêm nào đó trên bến cảng Lisbon, thủ đô Bồ Đào Nha, nơi mà những người trốn chạy chế độ phát xít Đức trông chờ có được tấm vé độc đắc, tấm vé may mắn lên chuyến tàu đến nước Mỹ tự do. Một người đàn ông có được 2 tấm vé lên con tàu sắp sửa khởi hành gặp một người đàn ông tuyệt vọng khác đang ao ước có tấm vé ấy. Và thế là câu chuyện được kể lại về cuộc đời của Schwarz, một tình yêu mang đầy nỗi thống khổ, lồng trong trốn chạy kinh hoàng với những mất mát đau thương.

Schwarz là người Do Thái bị chính anh vợ mình bắt giam ở trại tập trung, nhưng chạy thoát và lánh ở Paris. Vì quá yêu thương vợ nên anh tìm về nước Đức để gặp cô. Rồi từ đó hai người trốn chạy từ Đức qua Thuỵ Sĩ, đến Tây ban nha, lần sang Pháp rồi cuối cùng đến Bồ đào nha. Trên bến cảng Lisbon, họ may mắn có được 2 tấm vé sang Mỹ. Nhưng ngay trước đêm lên tàu thì nàng bị Thần Chết mang đi. Nàng bị ung thư. ( sao chủ đề này giống hầu hết các bộ phim Hàn quốc hiện đại thế không biết ? )

Chúng tôi bám vào nhau trên bờ vực của một thế giới khác. Không có cách nào quay lui, chẳng rõ nơi đến, chỉ biết là cùng bay lên, cùng với nhau và cùng thất vọng, một nỗi thất vọng trầm lặng, siêu thực; nó uống cạn những giọt nước mắt thầm lặng vì chỉ biết rằng cứ phải đi, không đường trở lại, mà cũng chẳng có nơi nào để đến.

(Schwarz, Đêm Lisbon).

Truyện Chiến hữu làm nhớ lại một tình bạn đẹp khác trong phim From here to eternity ( với Burt Lancaster, Montgomery Cliff, Deborah Kerr đóng vai chính). Phim kể về  những xích mích, va chạm trong một trại lính Mỹ đồn trú trên hòn đảo nào đó ở Thái bình dương trước khi quân Nhật tấn công Trân châu cảng. Một người bạn của Montgomery bị một tên lính hung hăng đánh chết. Anh tìm tên lính này trả thù rồi đêm về, trong sân doanh trại, anh ôm kèn, thổi lên khúc nhạc biệt ly. Tiếng kèn áo não làm cả trại thức giấc, và hình ảnh Monty trổi tiếng kèn ly biệt là hình ảnh đẹp nhất trong phim:

( Cảnh Montgomery Cliff thổi kèn nhớ bạn trong phim From Here To Eternity)

 

Truyện Đêm Lisbon cũng làm nhớ lại phim Casablanca, thành phố và là hải cảng chính của nước Marốc. Đây cũng là nơi mà dân tị nạn trên khắp châu Âu đổ về để tìm đường sang Mỹ khi thế chiến thứ hai nổ ra.

Đây là bộ phim tình cảm được xếp vào một trong 10 phim tình hay nhất thế giới. Bản nhạc chủ đề tên là As Time Goes By. Phim ra mắt năm 1942, 2 vai chính là Humphrey Bogart và Ingrid Bergman Và 40 năm sau, năm 1982, Bertie Higgins sáng tác bài hát Casablaca, nổi đình đám khắp Âu Mỹ. Giai điệu buồn bã, nhưng lời không đặc sắc lắm Thế nên không nên hiểu lời bản nhạc này làm gì. Chỉ nên nghe thôi.

Nghe thử vài đoạn:

I thought you fell in love with me watching Casablanca

Holding hands beneath the paddle fans in Rock’s Candle lit café

Hiding in the shadows from the spies Moroccan moonlight in your eyes

Making magic at he movies in my old chevrolet



I guess there’ re many broken hearts in Casablaca

You know I’ ve never really been there, so, I don’ t know

I guesse our love story will never be seen on the big wide silver sreen

But it hurt just as bad when I had to watch you go

Please come back to me in Casablanca

I love you more and more each day as tome goes by



Và thử nghe bài Chuyến tàu hoàng hôn, tả cảnh chia tay:

Chiều nao, tiễn nhau đi khi bóng ngả xế tà
Hoàng hôn. đến đâu đây màu tím dâng trong hồn ta
Muốn không gian đừng tan, níu đôi chân thời gian
Ngừng trôi cho giây phút chia ly này kéo dài,
Trước khi phân kỳ, ước sao cho tàu đừng đi.

Xe lăn êm êm lúc ga chiều sắp lên đèn
Mưa thu bay bay vắt ngang trời ướt vai mềm
Hoàng hôn dần buông,
Mà ai còn đứng im trong chiều sương xuống.

Tâm tư cô đơn trách con tàu nỡ sao đành,
Đem yêu thương đi đến nơi nao - cách đôi tình.
Đường bao nhịp nối, tình trăm nghìn mối,

Tà dương khuất trong sương là mỗi lần ngóng chờ,
Nhìn theo phía chân mây, đợi chuyến xe xưa về chưa,
Còn đem yêu thương rắc lên muôn vạn oán hờn,
Nếu mai đây về, cũng trên chuyến tàu hoàng hôn...

 

Thấy não nề, não ruột, não lòng và cùng não tình như nhau !

 

 Cảnh kết phim Casablanca

Kể lại một kỷ niệm cũ:

Khoảng năm 1987, 88 gì đó, đi cùng bác Dũng cận lên Đà lạt chơi. Ở nhà anh Thành. Đêm cùng bác Dũng, anh Thành, anh Phiên ra quán cà phê Tùng . Rồi khoảng 8 giờ tối, ( lúc ấy Đà lạt làm gì có khách du lịch nên 8 giờ mà cứ tưởng nửa khuya), 4 anh em đi lang thang qua bờ hồ Xuân Hương, rẽ về Nhà thờ Con gà, trên đường, anh Thành nhắc lại vài kỷ niệm khoảng những năm 1973, 74, mỗi lần từ Đà lạt về Sài Gòn, lại ghé qua nhà trọ ở Nguyến Huỳnh Đức thăm anh em Sơn, Hải. Anh Thành rất thích truyện Chiến hữu. Lần nào ghé lại kể truyện Chiến hữu. Anh Phiên thì kể chuyện đá banh. Cứ thế mà đi bộ về đến nhà. Hôm sau, anh Dũng mượn đâu được chiếc xe gắn máy. Hai anh em đi thăm Thung lũng Tình yêu mà bác Dũng bảo là tuyệt đẹp. Tới nơi…, thì… trước sau nào thấy bóng người. Quanh thung lũng cỏ dại mọc đầy. Hai anh em ngậm ngùi đếm cỏ khô, đếm bụi trần gian rồi lếch thếch quay về.

Chớp mắt đã hơn ba mươi năm. Hai bác Phiên, Thành đã ra người thiên cổ…

 

Tháng 12. 2020

NTH

 

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết