Trà - Những Thiên Cổ Sự (Kỳ 8/11)

Trà Kinh của Lục Vũ đời Đường ghi: “Người phương Nam có cây qua lô giống như lá trà non mà nhụy đắng, giã nát ra pha trà mà uống thì suốt đêm không ngủ. Ở Giao Châu và Quảng Châu người ta rất quí thứ này, hễ có khách đến nhà thì trước hết bày ra đãi khách”. (cây qua lô đây có phải là cây dã lô ở Mộc Sách, vùng thượng nguồn sông Đà mà Nguyễn Trãi nhắc đến trong Dư Địa chí không?)

Còn truyền thuyết về trà thì kể:

Thần Nông (2737-2697 TCN) là người phát minh ra nông nghiệp và y dược trong truyền thuyết thần thoại của Trung Hoa cổ đại. Ông biết rõ tính chất của các loại cây cỏ. Mỗi ngày, ông đều tự mình nếm thử hàng trăm loại cây lá, phát minh ra các loại thuốc từ thảo dược rồi truyền dạy cho con người cách sử dụng để chữa bệnh. Một lần, Thần Nông lên núi và ăn một loại lá cây. Chỉ trong chốc lát, cả dạ dày và ruột đều giống như được tẩy rửa sạch sẽ, cảm giác vô cùng nhẹ nhàng khoan khoái và thoải mái. Thần Nông nhớ kỹ loại lá cây này và đặt cho nó cái tên là “Trà”. Về sau, mỗi khi ăn vào một loại đồ ăn nào đó có độc, ông sẽ lập tức ăn một ít lá Trà, để nó tiêu độc cho thân thể. Đây chính là truyền thuyết về sự ra đời của cây Trà.

Ông Thần Nông tìm ra dược tính giải độc của trà nhưng người đời sau chỉ dùng nó để:

Giải khát: trà đá vỉa hè

Tĩnh tâm: trà thiền

Đàm đạo (hay bình dân hơn, tán dóc): trà ẩm

Buôn bán: Trà Mã cổ đạo từ Vân Nam sang Phúc Kiến, từ Trung hoa sang châu Âu, Trà thuyền cổ giang từ Vân Nam về Việt Nam và khắp nơi trên thế giới.

Nhật cũng có huyền thoại về trà:

Truyện kể rằng Đức Đạt Ma Sư Tổ của Thiền phái Thiếu Lâm Tự Trung Hoa, đã ngủ quên trong lúc tọa thiền nên tức giận tự cắt mí mắt của mình quăng xuống đất và nơi ấy mọc lên một thứ cây kỳ lạ, hái lá nấu nước uống khiến cho tâm hồn tỉnh táo, được gọi là Trà. Từ đó trà trở nên thức uống thông dụng của thiền môn.

Vậy cũng dễ hiểu khi các vị thiền sư đã bảo quên thế sự mà lại nghiền trà. Vì trà mọc từ mí mắt của Đạt Ma sư tổ mà. Lỡ quên kinh Phật thì uống một tách trà là sư tổ sẽ nhắc cho mà nhớ!

 

Liêu Trai chí dị cũng có hẳn một sự tích:

Đồn rằng Bồ Tùng Linh sau khi thi rớt lại buồn thế sự mở quán trà ven núi, bất kỳ ai vào đều được ông mời kể chuyện ma. Gom góp nhiều năm thành thiên cố sự Liêu Trai.

Tác phẩm này có bài đề từ của Vương Ngư Dương rất nổi tiếng:

Cô vọng ngôn chi cô thính chi,

Đậu bằng qua giá vũ như ti.

Liệu ưng yếm tác nhân gian ngữ,

Ái thính thu phần quỷ xướng thi.

Nói láo mà chơi nghe láo chơi,

Giàn dưa lún phún hạt mưa rơi.

Chuyện đời đã chán không buồn nhắc,

Thơ thẩn nghe ma đọc mấy lời.

(Tản Đà dịch)

Cảnh thưởng trà đầy vẻ tiêu sái

(Hay đây là quán trà của Bồ Tùng Linh trong giai thoại kể trên)

 

 

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết