Thưa thầy, vậy sao

Buổi trưa hôm đó, bên mái hiên nhỏ của một căn nhà nằm trong một góc hẻm cụt, chúng tôi, dăm ba người từng là bạn học của nhau cách đây 50 năm túm tụm quanh người Thầy của mình, năm nay đã gần 80 tuổi.

Ảnh minh họa: Đào Ngọc Thạch

Chúng tôi vẫn tự nhận là mình thật may mắn khi còn đó cái không khí đơn giản và trong sáng, cái thật thà và vui tươi của những tháng năm học sinh quần xanh áo trắng mỗi lần chúng tôi được cùng nhau đứng ngồi cười đùa giữa những trân trọng của tình Thầy - Trò.

Thầy tôi nói rằng, cuộc sống như một cây thang tre, tuổi tác sẽ đẩy chúng ta bước lên những nấc thang cao nhất, và rồi dù là Thầy - Trò, Cha - Con, Chú - Cháu, tất cả sẽ cùng ở một cái mực gần nhau. Ở bậc thang cuối cùng đó, không ai lên cao được nữa và mọi người thường nhìn lại quá khứ để yên tâm về những gì mình đã gieo trồng. Có lẽ vì điều đó mà mỗi năm, khi thời gian với Thầy không còn là con số để đếm hay để nhớ, Thầy vẫn không quên việc bồi đắp tâm hồn cho những lớp học trò xưa, đôi mắt Thầy ngày càng thêm ấm áp trong từng lời khuyên nhủ.

Mỗi khi gặp nhau, Thầy vẫn nói: chúng tôi giống như một vườn hoa

Bọn tôi dẫu tóc đã hoa râm vẫn cứ trẻ thơ để Thầy chỉnh sửa - răn dạy, để được hưởng sự chăm sóc từ tình yêu ấy. Rất mê những khi bỗng dưng Thầy hờn dỗi vì một câu nói chạnh lòng… Thầy giáo già mà bỗng hóa trẻ thơ.

Trường chúng tôi trước đây là một trong những mô hình giáo dục mới, trường cấp 3 nam và nữ học chung. Vì khi học cấp hai, chúng tôi đã quen học trong môi trường học đường nam - nữ cách biệt, nên khi cùng ngồi vào một lớp có cả 2 giới, tất cả chúng tôi đều trở nên lúng túng, từ việc ăn nói đến cách thể hiện. Những nhận xét về nhau giấu kín trong những ánh mắt xa xăm. Nhóm con trai mới lớn giọng nói thì lúc trong, lúc đục, mồ hôi thì cứ vả ra và phải quẹt vội để trông có vẻ cứng rắn và sạch sẽ… Mọi thứ tự dưng cứ lung tung lên khi ngồi hàng sau và nhìn về phía trước là lưng một người con gái. Trong khoảng cách xa xa, gần gần đó, Thầy chúng tôi xuất hiện như một khoảng đệm chêm vào, vừa dẫn dắt, vừa làm chắc thêm sự tự tin cho cánh học sinh nam chúng tôi… Vậy mà trong buổi trưa họp mặt hôm ấy, thằng Thịnh dám bông đùa rằng: Thầy đẹp trai nhất lớp…, các bạn nữ cứ tranh nhau nói về Thầy làm nó cứ mất tự tin mỗi khi gặp bạn Đào… Thầy cười rất vui, rồi nó lãng xẹt: Thầy cho mấy bạn nữ điểm cao hơn vì thiên vị.

Thằng bạn tôi giờ đang là một Thầy giáo, chúng tôi thường hay nói: Thịnh là truyền nhân duy nhất của Thầy. Chắc có lẽ, vì một sự tương đồng nghề nghiệp và cũng là người duy nhất trong lớp thường xuyên gần gũi và chia sẻ những khó khăn cùng Thầy nên nó mới dám nói như vậy.

Không hiểu vì sao, sau bao nhiêu năm, sau bao lần gặp, có những năm tháng thật sự đảo lộn những tâm tình, có những lúc mòn mỏi bởi bao gánh nặng cơm áo nhưng mỗi khi ngồi bên Thầy, chúng tôi luôn được sưởi ấm và khuyến khích bởi ánh sáng của lòng tự trọng luôn tỏa sáng từ Thầy. Điều mà bạn Thịnh mới nói, dường như đã cố tình tắt đi ngọn đèn đó khiến Thầy bỗng giận lên, hai bàn tay xiết chặt vào nhau, dẫu giọng nói vẫn ôn tồn. Lúc đó Thịnh mới cười phá lên: Thầy ơi, cảm xúc của Thầy còn o-ri-zin lắm!!!

Thầy chúng tôi dạy mộn Việt Văn và Triết học Phương Đông, nhưng cũng rất giỏi cả Anh văn và Pháp văn. Ngay từ những ngày còn đi học, Thầy vẫn giành thời gian giảng cho chúng tôi nghe về những mối tương đồng trong ngôn ngữ. Vì sinh ra giữa ruộng đồng của một vùng cù lao nằm giữa sông Tiền, chịu ảnh hưởng của sự chơn chất đặc sệt miền Nam nên trong cách giảng dạy, Thầy đã pha trộn được sự uyên bác khoa học cùng với chất mộc mạc dân gian thật dễ nhớ và duyên dáng. Thầy không chỉ truyền lại cho chúng tôi sự đa dạng của kiến thức ngôn ngữ mà còn âm thầm chuyển đi một khái niệm về Mỹ học Ngôn ngữ. Cho đến tận hôm nay, khi đã ngã hẳn về bên kia sông theo ánh nắng, Thầy vẫn thường nhắc rằng, đừng để một tâm hồn đau bệnh do những lời nói vô chừng và vô cảm. Theo Thầy, ngôn từ làm người nghe buồn vui, mát ngọt hoặc cay đắng nhiều hơn người nói. Vì vậy cần thận trọng khi nói và trau dồi khả năng thấu hiểu một con người thông qua ngôn ngữ khi nghe.

Đó cũng là một đề tài được trao đổi khá thường xuyên mỗi khi chúng tôi có dịp được ngồi cùng với Thầy. Những ví dụ được lấy ra từ các trang mạng xã hội hay cá nhân, cách nhắn tin nhanh của các bạn trẻ hiện nay, cách truyền đi một thông điệp “mỳ ăn liền” trong các pha quảng cáo… được đưa ra như các ví dụ cho niềm trăn trở: những đổi thay xã hội đang hướng dòng chảy ngôn ngữ đi về đâu? Cái đề tài chưa thể kết luận ấy khiến không khí các lần họp mặt luôn sôi động và hữu ích. Thầy cứ điềm tĩnh lắng nghe, quan sát, ủng hộ một chút, phản biện một chút. Thầy không bao giờ để không khí trở nên gay cấn vì tranh luận, Thầy dí dỏm tán thưởng hoặc mời mọi người uống nước để xóa đi các khoảng lặng bất chợt do mâu thuẫn. Và trong mọi tình huống Thầy thích hát một câu trong nhạc phẩm Tình khúc tháng sáu “Hãy nói mình yêu nhau bằng tiếng loài người… ”. Thầy vẫn khuyên chúng tôi, một lũ bạc đầu ngồi xung quanh, như vậy.

Thầy vẫn thường nhắc rằng, đừng để một tâm hồn đau bệnh do những lời nói vô chừng và vô cảm


Để cố nhận thêm những bài học từ tâm tình cao thượng của một người Thầy, chúng tôi vẫn sắp xếp thời gian hàng tháng đều đặn đến với Thầy. Cùng ngồi dưới mái hiên bé nhỏ được che bởi những cọng thân cây bông giấy gầy còm, loe ngoe, đứa ghế thấp đứa ghế cao, mở ra những gói bánh, gói xôi bình dị, thưởng thức và khen tặng công chuẩn bị của một bạn nào đó. Khoảng sân tráng xi măng trước cửa nhà cũng là lối đi chung của nhà hàng xóm thường được Thầy cẩn thận quét dọn khi chúng tôi họp mặt vốn không có tiếng chim, không có bóng cây, bờ cỏ. Nhưng mỗi khi gặp nhau, Thầy vẫn nói: chúng tôi giống như một vườn hoa. Sinh động một đời Thầy.Nghe Thầy kể lại, trong những năm tháng khó khăn vì sự phân biệt người mới, người cũ trong ngành giáo dục, Thầy đã đi bán vé số kiếm sống. Theo từng bước chân Thầy là chiếc áo trắng đã từng gắn bó như hình bóng với Thầy trên bục giảng. Chiếc áo đã sờn vai và Thầy còn nhiều sự lựa chọn, nhưng Thầy vẫn chọn màu áo ấy mưu sinh. Thầy tự tay giặt để mặc mỗi ngày. Chúng tôi nhiều lần nói với nhau: không biết con cháu mình sau này có được cái may mắn, được gặp một người Thầy để xưng tụng và hoan hỷ như chúng tôi không?

Thưa Thầy - Vậy sao!

 

Quách Đạt

20/11/2020


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết