Thành Diên Khánh và Tháp Bà Nha Trang (Kỳ 1/4)

Lịch Sử Thành Diên Khánh

Tỉnh Khánh Hoà ngày nay còn lại 2 di tích, một của người Chàm là Tháp Bà ở Nha Trang và một là thành Diên Khánh.

Tháp Bà theo như Quách Tấn (Xứ Trầm Hương) thuật lại thì nhà khảo cổ Henri Parmentier cho biết tháp lớn nhất do vua Chiêm là Harivarman I xây dựng vào đầu thế kỷ IX, các tháp còn lại xây vào tk VII, VIII.

Thành Diên Khánh thì do Nguyễn Ánh cho xây vào năm 1793 theo kiểu thành Vauban (theo sách ảnh du lịch Việt Nam và bia kỷ niệm dựng trước cổng thành phía Đông.)

Tháp Bà tuy đã hơn 10 thế kỷ nhưng được xây kiên cố nên dẫu có điêu tàn với thời gian trông vẫn nguyên vẹn hình dáng xưa.

Còn thành Diên Khánh chỉ mới hơn 200 năm mà giờ chỉ còn lại cổng thành Đông, Tây và Bắc mà mỗi năm lại khoác một màu vôi mới (chắc là tuỳ theo ý vị trưởng phòng Thông tin Du lịch địa phương.

Các sách sử hiện đại (Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, Việt sử tân biên của Phạm Văn Sơn) không nhắc gì đến thành Diên Khánh. Chỉ có Tạ Chí Đại Trường trong Lịch sử nội chiến, có gián tiếp đề cập việc xây thành, khi ghi rằng theo tài liệu tây phương, Olivier de Puynamel và Lebrun xây thành Gia Định theo yêu cầu của Nguyễn Ánh vào năm 1790 và thành Diên Khánh là em sinh sau của thành Gia Định.

Tham khảo Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện, Đại Nam nhất thống chí (các bộ sử do sử quan nhà Nguyễn soạn), ta sẽ biết rõ hơn, thành Diên Khánh do ai xây và vào thời gian nào.

Các bộ sử này do  sử quan nhà Nguyễn soạn, khởi từ thời Minh Mạnh mãi đến thời Khải Định mới xong. Do viết bằng chữ Hán nên chỉ phổ biến trong phạm vi hẹp của giới chuyên môn. Mãi đến năm 1978, bộ Đại Nam thực lúc mới được dịch ra chữ quốc ngữ và xuất bản ra cho công chúng. Bộ Đai Nam liệt truyện còn trễ hơn nữa. Và đó là lý do chính khiến nhiều người trong chúng ta không biết gì về sử liệu nước nhà nhìn qua con mắt của sử quan người Việt.

Nhân nói đến sử quan, xin nhắc lại ở đây một sự tích. Sử ký của Tư Mã Thiên kể chuyện Thôi Trữ giết vua như sau: Khi Tề Trang Công bị giết, quan thái sử nước Tề chép: Thôi Trữ giết vua là Quang. Thôi Trữ bắt chép khác đi, thái sử không chịu nên bị giết. Người em thái sử chép lại y như vậy vào quốc sử nước Tề. Thôi Trữ giận giết luôn người này. Đến người em thứ ba chép y nguyên cũng bị giết. Tới người em thứ tư vẫn không chịu thay đổi, Thôi Trữ đành thôi, không dám giết sử quan nữa.”

Các sử quan nhà Nguyễn (Trương Đăng Quế, Phan Thanh Giản, Lâm Duy Thiếp, Cao Xuân Dục, Lê Quang Định…) đều là những nhà nho tài năng và khí tiết. Xem những đoạn nói về nhà Tây Sơn, tuy gọi đó là ngụy tặc, nhưng cách viết khá vô tư, nên có thể xem đây là nguồn tư liệu đáng tin cậy.

 

Đại Nam thực lục, quyển 1 ghi:

Năm Quý Sửu (1793), tháng 5, lấy được phủ Diên Khánh. Thấy bão cũ (bão tức là đồn) Hoa Bông địa thế tốt, đánh hay giữ đều tiện, bèn sai quân và phát 3000 dân Bình Thuận, 1000 dân Thuận Thành khởi đắp 1 tháng thì thành xong, gọi là thành Diên Khánh, cao 1 trượng, chu vi hơn 510 trượng, mở 6 cửa, đông và nam đều 1 cửa, tây và bắc đều 2 cửa, trên cửa có lầu, 4 góc có đồn đất.

Đại Nam nhất thống chí, quyển III, tập 93 ghi:

Thành Diên Khánh trước là thủ sở Nha Trang. Năm Quý Sữu (1793), quân nhà vua (tức quân Nguyễn Ánh) tiến đánh Quy Nhơn, lúc trở về xa giá dừng ở Diên Khánh, xem xét thế đất, sau nhân bão cũ Hoa Bông, đắp thành bằng đất, thành mở 6 cửa, đều có nhà lầu, 4 góc thành có núi đất, ngoài thành đào hào, thật là nơi thiên hiểm, nay bỏ bớt 2 cửa. Pháo đài và núi đất vẫn còn.

Vậy thành xây theo lệnh Nguyễn Ánh, còn cụ thể do ai xây.

Đại Nam liệt truyện (ghi chép công tích các công thần theo từng người) ghi:

Mục viết về Vũ Viết Bảo:

Mùa hạ năm Quý Sửu (Vũ Viết Bảo) theo đi đánh Quy Nhơn, đến khi về đắp thành Diên Khánh. Vua cho Võ Tánh ở trấn, cho Bảo làm Cai đội…

Mục viết về Tôn Thất Hội:

Năm Quý Sửu (1793), Tôn Thất Hội được thăng Khâm sai bình tây Đại tướng quân, tước quận công. Mùa hạ năm ấy, vua theo đường thủy đến đánh Quy Nhơn. Binh vào cửa Thị Nại, Bảo là con ngụy Nhạc thua chạy về Quy Nhơn. Hội cùng đạo binh bao vây. Giặc có quân cứu viện đến, bèn giải vây về đắp thành Diên Khánh.

Vậy chẳng có 2 ông tây Olivier de Puynamel và Lebrun nào xây thành Diên Khánh cả mà thành do Tôn Thất Hội và Vũ Viết Bảo xây theo lệnh Nguyễn Ánh.

2 vấn đề còn lại là đồn cũ Hoa Bông do ai xây và có từ lúc nào. Ngoài ra tất cà tài liệu hiện nay đều cho là thành Diên Khánh xây kiểu Vauban. Vậy Vauban là kiểu thành gì.

Đại Nam liệt truyện, tập 1 ghi ở mục Hùng Lộc như sau:

Hùng Lộc, không nhớ họ, không biết là người ở đâu, làm quan đến Cai Cơ. Năm Quý Tỵ, mùa xuân (1653) Chiêm Thành xâm lấn Phú Yên, chúa (tức chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần) sai Hùng Lộc làm Thống binh đem 3000 quân đi đánh, đại phá được giặc. Chiêm Thành quốc vương Bà Tấm trốn chạy. Hùng Lộc lấy đất đến sông Phan Rang. Chúa cho đặt sông này làm ranh giới. Từ phía đông sông ấy đến đầu cõi Phú Yên, đặt làm doanh Thái Khang cho Hùng Lộc trấn giữ, từ phía tây sông ấy trở vào trả cho Chiêm Thành.

Đoạn sử này cho thấy Hùng Lộc, năm 1653, đã chiếm đất của Chiêm Thành đến sông Phan Rang và có thể ông là người cho xây đồn Hoa Bông đề ngăn quân Chiêm lấn trở ra.

Vauban, 1633-1707, kỹ sư người Pháp, sáng tạo ra kiểu thành ngôi sao hay thường gọi là thành Vauban với các pháo đài lồi ra ở các góc, mang tính phòng thủ.

Đây là kiểu thành Vauban điển hình:

Ở sơ đồ này, ta thấy hệ thống thành Vauban rất phức tạp, có đến 3 lớp thành, ở các góc lồi là nơi đặt pháo tháp và cũng là nơi quan sát, các đoạn tường thành xây hình chữ chi (khúc khuỷu).

Còn đây là không ảnh thành Diên Khánh (ảnh của quân đội Mỹ chụp vào năm 1968), nhìn theo hướng bắc nam:

 

Không ảnh nhìn theo hướng đông tây:

 

Còn đây là sơ đồ thành Diên Khánh trích từ tập san BAVH:

 

Để tham khảo, đây là sơ đồ thành Phượng Hoàng ở Nghệ An, nơi mà vua Quang Trung định đặt kinh đô. Thành quách của vua Quang Trung nên chắc chắn đây là kiểu thành của Việt Nam:

Nhìn qua sơ đồ thành Phượng Hoàng và thành Diên Khánh, ta thấy chỉ khác kiểu dáng, còn đường nét giống hệt nhau. (Thành Việt Nam thường có hình vuông, riêng thành Diên Khánh không phải xây mới mà xây trên nền đồn cũ Hoa Bông nên có 6 cạnh).  Ở các góc là thành cao để dễ quan sát, tường thành đắp đất và chạy dài nối các góc, ngoài đào hào để tăng tính phòng vệ.

Không có ông Vauban nào ở đây cả.

Tóm lại, lịch sử thành Diên Khánh như sau:

Năm 1793 sau khi chiếm được doanh Bình Khang của Tây Sơn, Nguyễn Ánh sai Tôn Thất Hội và Vũ Viết Bảo, trên nền đồn cũ là đồn Hoa Bông, đắp thành Diên Khánh, trong 1 tháng thì xong, để Nguyễn Văn Thành đồn trú.

Đến 1794, cho xây sửa lớn, vì Thực Lục ghi là sửa xong đãi các quan ăn yến. Cũng năm này, sai Hoàng tử Cảnh ra giữ thành (để học nghề binh và cai trị). Có lẽ là nơi hoàng gia thường trú ngụ nên có cả điện Thái Hoà và hành dinh cho các quan.

Năm 1795 lại tu sửa lần nữa, làm thêm kho tàng và để Tôn Thất Hội trấn giữ.

Khi Gia Long lên ngôi, 1802, Diên Khánh trở thành trung tâm hành chánh, chính trị của doanh Bình Khang, tức tỉnh Khánh Hòa ngày nay cho đến năm 1945, trụ sở hành chánh của tỉnh mới chuyển xuống Nha Trang.


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết