TẦN THỦY HOÀNG, MỘT CÁI NHÌN KHÁC

TẦN THỦY HOÀNG, MỘT CÁI NHÌN KHÁC

Những ghi chép đầu tiên về Tần Thủy Hoàng trong Sử Ký, khiến cho đời sau có cái nhìn gay gắt với Tần vương. Thế nhưng, có thuyết cho rằng Tần Thủy Hoàng bản kỷ, trong bộ Sử ký lại là phần viết thêm của Giả Nghị, đời Hán, chứ không phải của Tư Mã Thiên.

Hán là triều đã lật đổ Tần, nên để chính danh,  sử gia đời Hán sẽ quy phần tội nhiều hơn phần công cho Tần triều.

Triều Tần, cai trị bằng hình pháp, đặt ra do Thương Ưởng, từ thời Xuân Thu Chiến quốc, gay gắt, khắc bạc, không dung thứ cho ai. Tịch thu đất phong của giới quý tộc, vương hầu, cấp lại cho nông dân. Cùng với đó là việc gom 120.000 nhà hào phú trong cả nước về Hàm Dương, đất của họ cũng được chia cho dân. Cưỡng bách lao dịch đi xây dựng nhiều công trình vĩ đại, để thỏa mãn thói hoang phí xa xỉ: cung A phòng, Vạn lý trường thành, 200 toà cung điện ở Hàm Dương. Cung A phòng, đã bị Hạng Vũ đốt, sử sách ghi cháy suốt 3 tháng để nói lên tầm vóc đồ sộ của cung, nhưng tang vật đã bị tiêu hủy rồi, thì còn ai biết nó ra sao. Vạn lý trường thành tuy tốn kém nhưng đã bảo vệ cho Trung hoa suốt hàng trăm năm. Đây là các đoạn tường đắp bằng đất, đá, nối thêm vào các đoạn đã được xây từ trước do các nước ở phía bắc là Yên, Triệu, Tề, Ngụy, thực hiện. Tường thành đời Tần đã bị hư hại hoàn toàn; Vạn Lý trường thành ta thấy ngày nay do nhà Minh xây dựng; còn 200 toà cung điện lại là xây dựng dành cho các gia đình thế lực nhất trong số hơn 12 vạn nhà hào phú bị dồn về Hàm Dương , chứ không dành cho triều đình nhà Tần. Sử Ký ghi chép lăng mộ Tần Thủy Hoàng có 700.000 người tham gia xây dựng, cả binh lính và thợ thủ công, nhưng nhà sử học người Anh John Mann lại cho rằng, dựa vào nền móng của lăng mộ, chỉ có chừng 16.000 người xây dựng trong 2 năm ((Man, John. The Terracotta Army, Bantam Press 2007 p125). Do vậy, những gì đời sau ghi chép rằng có từ 300.000 đến 1 triệu người đã chết khi xây dựng Vạn lý trường thành trong những điều kiện khắc nghiệt, là con số cần phải xem lại. (Tuy vậy, nếu xét đến đội binh đất nung chôn trong lăng mộ mà mãi đến 1974 mới tình cờ tìm thấy, ước chừng 8.000 tượng đất, cùng vô số đồ tùy táng chế tác công phu như cỗ xe tứ mã, thì thời gian hoàn thành lăng mộ phải mất nhiều năm chứ không thể là 2 năm).

Sử ký ghi rõ, chính Hồ Hợi tức Tần Nhị thế mới là người ra lệnh chôn sống tất cả những người ở hậu cung, binh lính và thợ thủ công tham gia xây lăng mộ để giữ bí mật về lăng mộ này.

 

(Có điều khó hiểu là tất cả nhưỡng người tham gia xây dựng lăng mộ Tần Thủy Hoàng đều bị giết hay chôn sống để giữ bí mật thì làm sao, hơn trăm năm sau, Sử Ký lại biết mà ghi chép về sự kiện này. Dưới đây là đoạn trích Sử ký, Tần Thủy Hoàng bản kỷ, Phan Ngọc dịch:

Thái tử Hồ Hợi lên nối nghiệp làm Nhị Thế Hoàng Đế. Tháng 9, chôn Thuỷ Hoàng ở Ly Sơn. Khi Thuỷ Hoàng mới lên ngôi đã sai đào núi Ly Sơn. Đến khi thôn tính được thiên hạ, thì dời hơn 70 vạn người trong thiên đào ba con suối, ở dưới đổ đồng và đưa quách vào. Đem những đồ quý báu của các cung, của trăm quan xuống cất đầy ở dưới. Lại sai thợ làm máy bắn tên, có ai đào gần đến gần thì bắn ra. Sai lấy thuỷ ngân làm một trăm con sông, sông Trường Giang, sông Hoàng Hà và biển lớn. Các máy móc làm cho nước sông và biển chảy vào nhau. Ở trên có đủ thiên văn, ở dưới có đủ địa lý, lấy dầu cá nhân ngư (con hải báo) để thắp đuốc, trù tính thế nào để cháy lâu không tắt.

Nhị Thế nói:

- Những người ở hậu cung của tiên đế nếu không có con mà cho ra ngoài thì không tiện. Sai chôn theo tất cả. Số người chết rất nhiều. Sau khi chôn cất xong, có người nói: những người thợ làm máy và cất giấu đều biết chỗ cất giấu, thế nào họ cũng tiết lộ việc lớn. Cho nên sau khi cất giấu xong, sai đóng đường hầm đi đến huyệt, lại sai đóng cửa ngoài cửa hầm. Những người thợ và những người cất giấu của cải không làm sao thoát ra được.  Rồi sai trồng cây, trồng cỏ lên trên để có vẻ như trái núi.” )

Vài số liệu khác để tham khảo:

Tổng dân số Trung hoa thời Tần: 29 triệu người (và tổng dân số thế giới lúc ấy là 190 triệu người)

Lực lượng quân đội: 500.000 người

(The Formation of Qin: A Socio-Technical System of Systems_Gregory L. Mayhew, Saint Louis University)

 

 

Và các công trình lớn lao, phục vụ cho quốc kế dân sinh, lại  không được nhắc tới, như:

Tần trực đạo, dài 800km, từ Hàm Dương lên Nội Mông phía bắc. Có lẽ mục đích chính là phục vụ cho việc vận chuyển nhân vật lực cho việc xây đắp Vạn lý trường thành, rồi trở thành tuyến vận tải hàng hóa.

Đô Giang Yến, công trình thủy lợi lớn ở Tứ Xuyên, vẫn còn tác dụng cho tới ngày nay.

Kênh Trịnh Quốc, dài 150km, tưới tiêu cho hàng ngàn khoảnh ruộng ở Quan Trung, đưa miền đất này từ khô cằn trở nên phì nhiêu.

Kênh Linh Cừ, nối 2 con sông Châu Giang và Dương tử, dài 30km, phục vụ cho các chiến dịch hành binh, mở rộng đất đai về phương Nam.

Những công cuộc cải cách lớn lao khác, giúp nước Tần thống nhất sau khi gồm thâu lục quốc, như điển chế văn tự, dùng chữ Tiểu triện (trước kia, mối nước dùng một lối chữ khác nhau), chuẩn hóa cân lượng, tiền tệ, đo lường và cả đường xá (quy định xe đều có độ dài trục như nhau, khiến việc đi lại dễ dàng): đó là chính sách xa đồng quỹ, thư đồng văn.

Ngoài ra, tước bỏ chế độ đất phong cho vương hầu, cả nước chia làm 36 huyện, quan lại do triều đình bổ nhiệm (quan Thú lo việc hành chánh, quan Úy lo quân sự, nhưng trên hết lại có Giám Quan, giám sát cả Thú, Úy và báo cáo trực tiếp cho vua. Mỗi 6 tháng, vua trực tiếp vi hành để kiểm tra, đôn đốc). Đó là chế độ trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử Trung hoa. Thuế nông nghiệp thu từ đất cấp cho nông dân là nguồn ngân quỹ nuôi lực lượng quân sự, và thực hiện các công trình xây dựng.

Những phát hiện gần đây cho thấy phần nào quy mô của những công cuộc do Tần Thủy Hoàng và thừa tướng Lý Tư cho thi hành:

Giao thông:

Mạng lưới đường xá được xây dựng nhằm vận chuyển quân đội chống rợ Hung nô. Mạng lưới này mở rộng lên phía bắc đến Vạn Lý trường thành, phía nam đến tận Phúc Kiến, Quảng đông, Quảng tây.

Xa lộ có hình dạng thống nhất liên kết với các trung tâm chính trị, kinh tế, quân sự. Các tuyến chính rộng 69m, hai bên có tường thành bảo vệ. Các tuyến nhánh dẫn đến các vị trí kinh tế, chiến lược ít quan trọng hơn. Đường phụ rộng 34,5m, đường nhánh rộng 11,5m. Tổng số tuyến chính dài 5.200 dặm.

Để so sánh, vào năm 150 CN, tổng chiều dài đường xá của La Mã là 3.750 dặm và chỉ rộng 8,5m.

Hệ thống “Xa lộ Liên bang” thời Tần (Qin Interstate Highway System)

 

Toán học:

Năm 2002, các nhà khảo cổ tìm được tấm thẻ tre có từ đời Tần, ở thị trấn Liye, tỉnh Hồ Nam, Trung quốc, ghi các bảng tính nhân, từ 9 lần 9 xuống đến 1 lần 1.

Luật lệ:

Và phát hiện quan trọng nhất, năm 1975, tìm được trong ngôi mộ một viên quan thời Tần, một số lớn thẻ tre (1155 thẻ nguyên vẹn và 80 mảnh vở không phục hồi được, chừng 200.000 ngàn chữ), ghi chép công văn hành chánh, luật lệ, văn học, y học. Đã xác định, viên quan này tên Hi (Xi), chôn cất vào năm 217 TCN, làm chức lại (thư ký biên chép công việc ở quận huyện), kiêm cả việc ngục quan.

Thẻ tre trong mộ thời Tần.

Nội dung về luật pháp đời Tần rất rộng, không chỉ là hình pháp khắc nghiệt và tàn bạo như Sử ký ghi chép. Ngoài hình pháp có từ thời Chiến quốc gồm 6 luật như Đạo (trộm cắp); Tặc (đánh nhau); Tù (điều tra, thẩm xét, phán quyết, chấp hành); Bộ (việc bắt phạm nhân); Tạp (các tội lặt vặt như vượt tường, giảo hoạt, đánh bạc, dâm dật…); Cụ (quy định tội danh và tiêu chuẩn mức độ hình phạt)…với rất nhiều quy định chi tiết.

Phần chính là 18 luật lệ của triều Tần, bao gồm một phạm vi rất bao quát, từ tổ chức nông nghiệp đến việc nuôi ngựa của triều đình, kho chứa thóc, thứ bậc trong dân, lao dịch, chợ búa, tiền tệ, thợ thủ công, quân sự, bổ nhiệm quan lại, luân chuyển viên chức địa phương hàng năm, cho đến việc chuyển phát công văn và liên lạc giữa chính quyền trung ương và địa phương.

Một số điều lệ của Tần luật, đặc biệt trong phần liên quan đến hôn nhân và gia đình, có phần giảm nhẹ, so với luật thời Chu và Xuân Thu Chiến quốc, nhưng sang thời Hán và các đời sau nữa, lại bị hủy bỏ hoặc có chiều hướng tăng nặng. Điểm son này của Tần Thủy Hoàng đã bị khuất lấp suốt hai ngàn năm.

Các nhà làm luật thời Tần đã rất đắn đo, cân nhắc mọi nhẽ khi soạn luật. Đó là việc thật sự gây kinh ngạc cho nhà làm luật thời nay.

TRÍCH DẪN MỘT SỐ ĐIỀU LUẬT NHÀ TẦN

Tội trộm cắp:

Nếu có 5 người cùng phạm tội trộm cắp, số tiền vượt quá 1 quan, bị xử chặt chân trái và xâm (lên mặt), bị phạt lao dịch. Nếu ít hơn 5 người, số hàng đánh cắp nhiều hơn 660 quan, bị xâm, xẻo mũi và lao dịch. Nếu giá trị trong khoảng 220-660, bị xâm và lao dịch. Nếu ít hơn 220 bị đi đày.

(Dựa vào điều luật này, các sử gia đời sau đều cho luật nhà Tần quá khắc nghiệt)

Tội trộm do cáo giác:

Người đang canh gác lao động khổ sai đánh cắp 110 quan, nhưng khi bị phát hiện, y đã tự đầu thú. Phạt thế nào?

Phạt cạo râu và làm phục dịch theo giao ước.

(Ghi chú: thời xưa cho rằng râu tóc là của cha mẹ ban cho nên bị cạo râu cắt tóc là phạm tội bất hiếu)

Trách nhiệm và ý đồ

Dân thường ăn cắp con dê. Trên cổ dê có sợi dây đáng giá 1 quan. Xử thế nào?

Ý đồ tên trộm là ăn cắp con dê. Sợi dây chỉ là phương tiện để lôi con dê đi. Ý đồ này vượt quá phạm vi con dê.

(Quy định rất công bằng)

Trộm cắp và ân xá

Có kẻ đánh cắp 1.000 quan trước khi có lệnh ân xá. Sau khi ban hành lệnh ân xá, thì y đã tiêu hết số tiền và bị bắt. Án thế nào?

Không kết án y.

(Luật không có tính hồi tố)

Đánh nhau

Khi có kẻ đánh nhau và cùng bị thương. Cả 2 có bị kết án không?

Cả 2 cùng có tội.

(Hiện nay ở nhiều nước, đây chỉ là vấn đề của cá nhân, luật không xét đến, nhưng Tần luật xem là tội. Đây là quy định mang tính dân sự, nhằm tăng tính ổn định và trật tự cho xã hội)

Bạo lực gia đình

Người vợ không phục tùng, bị chồng đánh đập, kéo rách tai, bị gãy tay chân hay ngón tay hay trật khớp. Chồng bị án thế nào?

Y bị cạo râu.

(Đây là tội liên quan đến bạo lực gia đình, một vấn đề thời sự hiện nay trên toàn thế giới. Thế nhưng, từ hơn 2.000 năm trước, nhà Tần đã đưa vào luật)

Thương tổn danh dự

Dân thường A rút kiếm đánh nhau, cắt bay chỏm tóc của B. A có bị phạt không?

A không bị phạt cắt xẻo (tức là bị chặt chân hay xẻo mũi), nhưng bị phạt lao dịch (lao động khổ sai)

(Tội dân sự: làm thương tổn thân thể người khác)

Khai gian

A cáo giác B ăn cắp con bò và cố ý đả thương người. Nhưng B không có tội (không ăn cắp bò, không đả thương người). A bị tội gì?

Nếu khai có mục đích, đây là tội cáo gian. Nếu không có ý đồ, thì là vô ý khi làm chứng.

(Luật có xét đến sự trung thực của lời khai)

Hiệu lực công vụ

Người có chức hàm (bậc thấp thứ 2 trong 18 cấp hàm) ăn cắp con lợn. Trước khi bị đưa ra xử, y lại cáo gian người khác ăn cắp con lợn. Xử thế nào?

Y thoát tội cắt xẻo, nhưng bị xử lao dịch .

(Chức việc nhà nước có tội cũng bị xử như thường dân)

Trách nhiệm làng xóm

Tên trộm đột nhập nhà A và cố ý gây thương tích nặng cho A. A la lên, “Có cướp”. 4 nhà hàng xóm trong nhóm liên gia, trưởng xóm và các trưởng lão đều đi vắng. Họ có bị tội không?

4 nhà hàng xóm đi vắng nên không có trách nhiệm, nhưng trưởng xóm và các trưởng lão có thì có.

(Quy định trách nhiệm rất cụ thể, người có chức vụ phải có trách nhiệm)

Sửa chữa sai lầm

Viên chức đánh mất công văn giấy tờ, bảng kê hàng hóa, dấu triện, quả cân, đã bị xét xử và làm án. Nhưng sau đó, y lại tìm được những thứ bị mất. Án có bị hủy không?

Không.

(Án có hiệu lực tại thời điểm phạm tội, không có hồi tố)

Điều tra và xử án

Điều tra

Trong tất cả mọi vụ án, phải nghe nhân chứng và viết rõ ra, phải để người bị xét hỏi khai theo ý họ. Dù điều tra viên cho là khai gian, không được bức cung họ. Khi thẩm vấn xong, nếu lời khai không thuyết phục, cần xem lại để củng cố tình tiết có tội. Nếu can phạm vẫn cố tình khai gian, không nhận tội, cho phép dùng nhục hình. Trong trường hợp này, phải ghi rõ trong biên bản: “ Phạm nhân cố ý khai gian và không cung cấp bằng chứng thuyết phục, nên đã dùng nhục hình”

Xét xử

Trong một vụ tố tụng mà biên bản ghi theo lời khai của can phạm, có đủ chứng cớ mà không dùng nhục hình là thượng sách. Nhục hình chỉ là hạ sách. Vì khi bị đánh đập, người ta sợ hãi, mọi việc đều hỏng.

( Theo:The Law of Qin, Indiana University, History G340, Robert Eno)

(Việc tố tụng tôn trọng lời khai của can phạm, không khuyến khích dùng nhục hình)

Quy định về lao dịch

Khi phu dịch được triệu đi, nếu tắc trách không thực hiện, bị phạt vạ nộp 2 bộ áo giáp; nếu  đến trễ thời hạn từ 3-5 ngày, bị khiển trách, nếu trễ từ 6-12 ngày, bị phạt vạ 1 tấm khiên; nếu trễn quá 12 ngày, phạt 1 bộ áo giáp.

Khi nhận đủ người, việc lao dịch phải nhanh chóng tiến hành. Nếu trời mưa, hủy bỏ việc lao dịch.

Khi tuyển đủ phu dịch cho một công trình, phải có lệnh bảo đảm các tường đất tròn một năm. Nếu tường đổ trước một năm, đốc công và chỉ huy công trường phải chịu trọng tội.

Các lao dịch có liên quan phải đắp lại tường. Việc này không được tính là quy định lao dịch.

(Theo: Quotation 1, From the chapter on the statute labor (Corvée) _Shuihudi Qinmu zhujian (www.chinaknowledge.de)

(Quy định xem ra có phần nhẹ nhàng, lỗi từ nhẹ đến nặng đều có hình thức phạt thích đáng, nhưng thực ra hình thức phạt vạ là rất nặng: chi phí đền bù tấm khiên hay áo giáp không hề nhẹ so với mức sống của người dân. Việc phu dịch nặng nề là một phần gây tâm lý bất mãn cho nông dân. Ở đây ta lưu ý có châm chước khi xét đến yếu tố khách quan: nếu trời mưa, sẽ hủy bỏ việc lao dịch)

 

NHÂN VẬT KINH KHA

Sử ký, phần Thích khách liệt truyện (Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê dịch) chép như sau:

“Thái tử Đan từng làm con tin ở nước Triệu mà Tần vương Chính đẻ ở đất Triệu, lúc nhỏ vẫn chơi đùa với Đan. Khi Chính được lập làm Tần vương và Đan vẫn làm con tin ở Triệu thì Tần vương đãi Đan không được tử tế nên Đan trốn về. Trốn về để mưu việc báo thù Tần vương nhưng hiềm vì nước nhỏ, không đủ sức…”

Ta thấy nguyên nhân báo thù , ngoài việc thế tực của Tần ngày càng lớn, các nước nhỏ khác lần lượt bị Tần chiếm, nên Thái tử Đan lo cho ngai vàng nước Yên, còn thì lý do chính là cái thù cỏn con khi lúc nhỏ là bạn, khi lớn bị Tần vương xử bạc: lý do hết sức ngớ ngẩn.

Thế là hình ảnh kiêu hùng của Kinh Kha bên sông Dịch, đại nghĩa mà Thái tử Đan dày công gầy dựng đổ sập chỉ vì cái lý do cỏn con ấy. Nếu thế, cái tiếng bạo chúa của Tần Thủy Hoàng có còn đúng nữa không?

Bao nhiêu văn thơ nhạc kịch chỉ tôn sùng hình ảnh của Kinh Kha, như bài thơ của Lạc Tân vương đời Đường :

Dịch Thủy Tống Biệt

Thử địa biệt Yên Đan

Tráng sĩ phát xung quan

Tích thời nhân dĩ một

Kim nhật thủy do hàn.

 

Đất này biệt chú Yên Đan,

Tóc anh tráng sĩ tức gan dựng đầu.

Người xưa nay đã đi đâu,

Lạnh lùng sông nước cơn sầu chưa tan.

Tản Đà dịch.

Xem ra đã ca ngợi sai đối tượng.

 

Quân Tần chỉ mới ở biên giới, chưa vào nước Yên. Nước Yên chưa bị dày xéo, dân Yên chưa bị bóc lột, đàn áp, và cũng chẳng biết Tần Thủy Hoàng là ai. Thái tử Đan sợ ngai vàng lung lay, tước vương nước Yên e khó thành. Nhìn một góc khác, âm mưu ám sát chỉ là tư thù cá nhân của Thái tử Đan, không phải là mối hờn căm của dân nước Yên, kết thành cao trào mà Kinh Kha là người đại diện.

Thế nên câu hát bên bờ sông Dịch của Kinh Kha:

Phong tiêu tiêu hề, Dịch thủy hàn

Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục phản

Gió hiu hắt chừ, sông Dịch lạnh ghê

Tráng sĩ ra đi chừ, không bao giờ về

Chỉ là cao trào của  một vở kịch dở dang. Kinh Kha là một nhiệm vụ cá nhân thất bại, không là một tráng sĩ kiêu hùng. Cũng gần gần giống với nhân vật Chiêu Lỳ, trong tác phẩm Tiêu Sơn tráng sĩ của nhà văn Khái Hưng: Than ôi, chí lớn trong thiên hạ không đong đầy đôi mắt mỹ nhân. (Ở đây thay cho đôi mắt là đôi tay mỹ nữ dâng rượu mà vì Kinh Kha buộc miệng khen, Thái tử Đan chặt đôi tay ngọc biếu tặng Kinh Kha để mong Kinh Kha dốc sức đãi ơn tri ngộ)

Vụ hành thích thứ hai, do Cao Tiệm Ly, bạn Kinh Kha thực hiện, lại là một mối thù cá nhân khác. Cao Tiệm Ly trả thù cho bạn. Không trả thù cho Thái tử Đan. Càng không trả thù cho dân nước Yên.

Chỉ có vụ hành thích thứ ba, do Trương Lương, một công hầu của nước Hàn, do bị Tần diệt nên muốn ám sát Tần vương, là phần nào đó có thể gọi là nợ nước, thù nhà.

Nhưng vụ hành thích của Trương Lương cũng thất bại. Và vì Kinh Kha đã được đẩy làm hình ảnh tiêu biểu nên Trương Lương không được chú ý đến nữa.

 

Trả lại cho Ceasar những gì Ceasar. Trích dịch ở đây, đoạn tóm tắt những gì mà Tần triều với hai nhân vật vĩ đại, Tần Thủy Hoàng và thừa tướng Lý Tư, làm được cho đất nước Trung hoa, theo nhận xét của giới sử học Tây phương:

Foremost Qin achievement is creating a centralized, nonfeudal, nonhereditary, highly-effective system of governance for 29 million citizens in 221 BC. For overwhelming majority of citizens, daily life was significantly improved by transforming them from feudal slaves to independent farmers. Standard coins, weights, and measures provided common interfaces to facilitate commerce and yield economic prosperity. Universal script improved communication effectiveness for government, commerce, and education. Civil infrastructure systems such as roadways and waterways enhanced interoperability. The military system provided national defense and enforced orderly governance of 29 million citizens in a pre-Roman era.

(The Formation of Qin: A Socio-Technical System of Systems_Gregory L. Mayhew, Saint Louis University)

Trước hết, thành tựu của triều Tần là tạo ra một chính phủ trung ương tập quyền, hủy bỏ chế độ phong kiến, không kế lập, một hệ thống cai trị có hiệu quả rất cao cho 29 triệu dân Trung hoa vào năm 221 TCN. Với đại đa số người dân, cuộc sống hàng ngày đã được cải thiện rõ rệt, từ nô lệ của các vương hầu phong kiến thành người nông dân tự do. Sự thống nhất tiền tệ, cân lượng, đo lường tạo phương tiện cho thương mại và kinh tế phát triển. Văn tự thống nhất khiến cho việc quản trị, thương mại và giáo dục vừa dễ dàng vừa hiệu quả. Những hệ thống siêu cấu trúc phục vụ dân sinh như đường xá, thủy lộ khiến khả năng tương tác giữa các vùng lên rất cao. Còn hệ thống quân sự cung cấp khả năng phòng thủ và củng cố chế độ cai trị đối với 29 triệu công dân thời tiền La Mã.

 

Tên mà Tây phương gọi nước Trung hoa xưa, Chine hay China, là bắt nguồn từ tên của nước Tần: Qin, hay Ch’in.

Triều Tần không đặt thụy hiệu hay miếu hiệu. Tần Thủy Hoàng là đời thứ nhất (thủy: đầu tiên, số một). Sau đó là Nhị thế, Tam thế. Như cách đặt tên của tây phương: Charles Đệ tam. Louis Đệ tứ, Williams Đệ nhị…

Nên không lạ khi, học giả phương tây rất khâm phục Tần Thủy Hoàng. Họ gọi ông, và cả thừa tướng Lý Tư, là những nhà cải cách vĩ đại.

Nhưng cách thi hành của ông vượt quá giới hạn: chế độ quân dịch và lao dịch quá khắt khe: tất cả nam giới từ 17 đến 60, đều phải phục vụ quân đội trong 2 năm, rồi hàng năm, phải đi lao dịch 1 tháng phục vụ các công trình ờ địa phương. Điều này khiến người dân bất mãn. Thêm giới vương hầu quý tộc mất hết quyền lợi, càng căm hờn ông. Nên Tần triều chỉ tồn tại trong thời gian ngắn ngủi, 37 năm, và thời gian Tần Thủy Hoàng chính thức là Hoàng đế chỉ có 15 năm. Những gì ông làm được, các đời sau, Hán, Đường, Tống, Nguyên đều được hưởng lợi, và còn ảnh hưởng đến hàng ngàn năm.

 

Tháng 5. 2022

NTH

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết