TRỞ LẠI GOBEKLI TEPE

TRỞ LẠI GOBEKLI TEPE

(Gobekli Tepe, tiếng Thổ nhĩ kỳ nghĩa là Đồi Béo Bụng, Potbelly Hill)

Trong khoảng 30 năm trở lại đây, Gobekli Tepe (GT) nổi lên là di chỉ khảo cổ nổi bật nhất, sáng chói nhất. Nó làm đảo lộn những quan niệm cũ về thời điểm ra đời của các nền văn minh, làm lật nhào cách nhìn về cái gọi là lối sống của con người Thời Đồ Đá.

Nằm ở miền đông nam Thổ nhĩ kỳ, nơi gọi là vùng Thượng Mesopotamia, cách nơi phát sinh ra nền văn minh đầu tiên của nhân loại (văn minh Lưỡng Hà hay văn minh của người Sumer) không xa mấy. Thế nhưng chỉ mới gần đây thôi, nó mới được phát hiện ra.

Từ năm 1963, Đại học Istambul và Chicago (Mỹ) đã tìm thấy nó, nhưng chỉ là vài phiến đá trơ trụi, nên họ thấy nó giống với vô vàn địa điểm khác trên quả địa cầu, nơi nào mà chẳng có dấu chân người tiền sử. Và nó nhanh chóng rơi vào quên lãng.

Giữa những năm 1980, người nông dân Yildiz tìm thấy 2 pho tượng trong cánh đồng của gia đình, ông đem đến bảo tàng Sanliurfa, nhưng bị cho là đổ giả và đưa vào kho cất giữ.

Đến 1981-1993, cuộc khai quật Nevali Cori (chỉ cách GT hơn  60km) chấm dứt, những hiểu biết ở đây giúp rọi thêm tia sáng vào GT. Và như thế…

Năm 1994, Klaus Schmidt, nhà khảo cổ người Đức, sau khi kết thúc đợt khảo sát Nevali Cori, quay lại đây, ông choáng váng khi tận mắt nhìn thấy một công trình vĩ đại, có tuổi đời lên tới 12.000 năm TCN, nghĩa là do những con người Thời Đồ Đá làm nên chỉ với bàn tay và vài công cụ đá.

Với sự đồng ý của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, cùng sự hợp tác của Viện Khảo cổ Istanbul, ông đã chọn nơi này làm nhà, miệt mài ở đó cho đến năm 2014, khi ông qua đời, ông cho rằng mình chỉ mới thực hiện chừng 1/10 dự án.

Mới chỉ chừng ấy thôi, giới khoa học, khảo cổ, sử học, thiên văn học đã nổ ra những cuộc tranh cãi bất tận với hai câu hỏi chính, AI, TẠI SAO và ĐỂ LÀM GÌ.

Với thời gian chưa tới 30 năm, quá ngắn để kết luận một điều gì về nó. Cứ mỗi ngày qua, một phát hiện mới lại xô đổ những ý kiến của ngày hôm trước.

Vậy những thu nhặt ở đây chưa hẳn đúng với những gì tìm thấy trong tương lai.

Không thiếu vô số thuyết âm mưu chung quanh GT, ngoài quan điểm cho nó là ngôi đền đầu tiên, nơi tôn giáo ra đời, còn là ý cho rằng nó là đài quan sát thiên văn. Và quan trọng hơn hết, là nơi mà người ngoài hành tinh làm căn cứ, nơi gieo rắc giống nòi của họ.

Hẳn nhiên, phe nào cũng có bằng chứng của riêng mình. Và không chỉ mỗi phe tranh cãi với nhau, trong từng phe, cũng nổi lên những trường long tranh hổ đấu.

Các bằng chứng, cả khoa học và phản khoa học, hay còn gọi là cận hay giả khoa học (pseudoscience) nhiều như cát sông Hằng. Xin kể rất vắn tắt, nhưng vì nhiều quá, cũng thành không vắn tắt mấy. Thôi thì ráng tóm lược vậy.

Như sau:

Để hiểu bản chất vấn đề, không gì bằng nghe ý kiến của chính người trong cuộc, người khai quật GT, Klaus Schmidt.

  1. THÁNH ĐỊA THỜI ĐỒ ĐÁ

Tiểu luận của nhà khảo cổ Klaus Schmidt.

Tóm tắt:

Chuyển từ sản xuất không lương thực đến xã hội nông nghiệp thời Tân Thạch khí Tiền-Gốm (Pre-Pottery Neolithic) diễn ra đầu tiên ở vùng Cận Đông, ngay sau khi kết thúc Thế Cánh Tân (Pleistocene), thiên niên kỷ thứ 10-8 TCN. Câu hỏi làm đau đầu nhiều thế hệ các nhà khảo cổ là tại sao con người lại từ bỏ lối sống săn bắn hái lượm và chuyển sang thuần hóa thực vật và động vật. Nghĩa là, tại sao cuộc cách mạng Tân Thạch khí hay Đồ Đá mới (Neolithic) diễn ra. Những phát hiện mới ở GT sẽ làm lật nhào cách giải thích cũ kỹ của nhiều học giả.

GT mở ra một viễn ảnh thời Tân Thạch khí Sớm. Con người thời ấy hẳn đã biết đến thần thoại , có khả năng trừu tượng. Câu hỏi các trụ chữ T cách điệu tượng trưng cho ai vẫn còn bỏ ngỏ, và ta cũng không chắc chắn rằng thời ấy đã có quan niệm về thần thánh hay chưa. Chức năng các vòng (enlosure, Unesco lại gọi là building, công trình xây dựng, có tác giả gọi các cấu trúc này là temple, đền đài) vẫn còn là bí mật. Nhưng rõ ràng các trụ tượng ở trung tâm các vòng là một thực thể (being) đầy quyền năng. Nếu các vị thần hiện diện ở đây, thì các trụ chữ T chính là biểu tượng uy nghiêm đầu tiên mà con người biết đến.

Trụ 18, vòng D, năm 2006

(Klaus Schmidt, Viện Khảo cổ Đức, lãnh đạo dự án khai quật GT)

Vị trí GT, nhìn từ hướng tây nam

Sơ đồ khu khai quật, sườn phía nam, 2010. Ở tiền diện là vòng D, tiếp theo là C, B, A.

Có chừng 20 vòng, chỉ mới khai quật được 6 vòng

Mẩu trụ trong đống đổ nát ở vòng D

Hình chạm phụ nữ ở lớp II

Trụ 18, đai lưng trang trí, nhìn từ hướng tây nam, 2010

Đầu người, đá vôi bằng kích thước người thật, cao 23cm, GT.

Tượng người có râu, đá vôi, cao: 66cm

Ô cửa, vòng B

Vòng C, 2 trụ trung tâm đặt trên bệ cắt từ khối nền, 2008

Vòng B, khối đá ô cửa đặt ngay giữa

Chạm nổi thú ăn thịt, có lẽ là một phần của khối đá ô cửa ở vòng D, dài 53cm

Tái tạo cột vật tổ ở Nevali Cori, cách GT chừng hơn 60km, Tuổi: 10.000-8.000 TCN

Và cột vật tổ ở GT, tìm thấy năm 2010

(Klaus Schmidt, GT – Stone Age Santuaries, 2010)

  1. Gobekli Tepe và Thiên văn học

Các nhà thiên văn vẫn đang tranh luận về vị trí ngôi sao mà các nhà xây dựng GT hướng đến khi cho rằng đây là đài quan sát thiên văn đầu tiên của nhân loại.

Guilio Magli, nhà cổ thiên văn học, đại học bách khoa Milan, cho rằng sao Sirus, sáng thứ tư trên bầu trời đêm sau Mặt Trăng, sao Kim (Venus) và sao Mộc (Jupiter). Do Trái đất rung lắc trên trục nên các sao ở đường chân trời phía nam khi ẩn khi hiện. Sao Sirius chỉ hiện ra vào các năm 9100 TCN, 8750 TCN, 8300 TCN. Magli nói, “ tôi đề nghị ngôi đền này (GT) được xây dựng để ghi nhớ ngày ra đời của một vì sao mới. Một vật thể mới hiện ra trên bầu trời khởi đầu cho một tôn giáo mới”.

 

Andrew Collins và Rodney Hale nói rằng không phải sao Sirus mà chính là sao Deneb trong chòm Cygnus, mới là nơi mà trụ đá đỉnh vòm (keystone) số 43 hướng đến (trụ 43 nằm trong vòng D, có nhiều hình chạm khắc nhất trong số các trụ đã tìm thấy. Nó là chủ đề trong rất nhiều cuộc tranh luận).

Hai ông cho là sao Srius, vào thời điểm xây dựng GT, rất mờ và di chuyển chậm, không khiến ai chú ý. Trái lại sao Deneb, trong chòm Cygnus, nằm trong vạt sáng trên lối vào dải Ngân Hà, mới là trung tâm quan sát.

Sirus ở cao độ 0,5 độ, 9100 TCN, so sánh độ sáng với các sao khác

 

 

Trái: trụ 43, vòng D, con kên kên giang cánh giống con thiên nga (Cygnus). Phải: con kên kên và bò cạp trên Vạt Tối (Dark Rift) nhìn thấy vào năm 9400 TCN

Sơ đồ vòng D cho thấy vị trí trụ 43 (còn gọi là trụ Kên kên) và trụ có đục lỗ nằm theo hướng bắc tây bắc của vòng tường bao. Mũi tên chỉ sao Deneb vào năm 9400 TCN

(Andrew Collins và Rodney Hale, GT and the Rebirth of Sirius)

Deneb, sáng nhất trong chòm Cygnus, cánh chim thiên nga trên bầu trời, ở đó nó không bao giời lặn, nên còn có tên Thập tự phương bắc. Trước 9500 TCN, nó ở vùng cực, sau đó nó mờ dần trên đường chân trời bắc-tây bắc.

(Ozgur Baris Etli, nhà văn và nhà thiên văn, GT: Possible Astronomical  Observatory)

III. QUAN ĐIỂM KHÁC

Tín ngưỡng thờ sọ người ở GT.

Các tác giả Julia Gresky, Juliane Haelmand, Lee Clare với bằng chứng là các mảnh sọ, đã được xác định là sọ người tìm thấy ở GT, lại cho GT là nơi có tín ngưỡng thờ sọ người.

C

  1. Vị trí GT, đông nam Thổ nhĩ kỳ, Thượng Mesopotamia
  2. Toàn cảnh nơi khai quật, cho thấy vị trí có sọ. Sọ 1 (a); sọ 2 (b); sọ 3 (c). Nguồn: Erhan Kucuk, viện khảo cổ Đức (DAI)
  3. Ấn tượng của cảnh quan chung
  4. Mẩu xương trán, nhìn từ trên và phía sau
  5. Mẩu xương trán, nhìn từ trên và một bên
  6. Mẩu xương trán, nhìn từ trên và một bên

Chi tiết các mẩu xương tái tạo

(A)Sọ 1: mẩu xương trán và nét chạm; (B) Mẩu xương đỉnh trái và lỗ khoan; (C) Sọ 2:Mẩu xương đỉnh phải và nét chạm; (D) Sọ 3: Mẩu xương trán và nét chạm. Nguồn: Julia Gretsky DAI

Mô tả các dạng nhân hình ở GT

(A): tượng người bị chặt đầu. Cao: 60cm, Nico Becker DAI; (B) Tượng người nhận cầm đầu trong tay, cao: 26cm, Dieter Johannes DAI; (C) Trụ số 43, vòng D, chạm nổi hình người không đầu, tay giơ cao, dưới bên phải, Klaus Schmidt DAI

(Modified human crania from Gobekli Tepe provide evidence for a new form of Neolithic Skull cult (science,org) )

  1. GT, NƠI TÔN GIÁO RA ĐỜI

 

 

Cột vật tổ (totem pole), tìm thấy năm 2010 ở GT. Miêu tả tay chân con thú ôm lấy đầu người ở trên.

Cột 43, vòng D. Vô số con thú, người không đầu, kên kên vờn trái banh. Các nhân vật như đang kể chuyện.

Trụ 2, vòng A. Bò rừng, cáo, sếu.

Bò rừng và thú 4 chân

Vịt xếp hàng. (Andrew Collins gọi nó là con Dodo)

Thú ăn thịt bò xuống bên cạnh trụ đá

(Cult as a driving force of human history, Oliver Dietrich, Laura Dietrich, Jens Nortropp)

Các tác giả trên cho rằng sinh vật cũng có linh hồn và họ tôn thờ chúng. Cũng giống như người Ai cập cổ thờ rắn, thờ cá sấu. Người da đỏ châu Mỹ thờ ngựa, người Ấn độ thờ bò, người Việt ta thờ rồng, thờ phụng…

  1. GIẢ THUYẾT VỀ NGƯỜI NGOÀI HÀNH TINH

Có những sự việc trên Trái Đất này rất khó giải thích cho xuôi. Hoặc thiếu chứng cớ, hoặc ngoài tầm hiểu biết của con người. Các nhà khảo cổ, sử gia, vẫn cho rằng nền văn minh đầu tiên trên thế giới là nền văn minh của người Sumer, vùng Lưỡng Hà (Mesopopamia)

Đây là vùng châu thổ của 2 sông Euphrates và Tigris, gồm phần lớn lãnh thổ của Iraq, Kuwait, đông nam Thổ nhĩ kỳ, đông Syria, dọc biên giới Thổ nhĩ kỳ, Syria, Iran, Iraq. Người Sumer thống trị vùng này từ 3100 TCN, tức cách nay chừng hơn 5.000 năm.

12.000 TCN, con người đang ở thời Đồ Đá, họ là những người săn bắn-hái lượm, mối lo duy nhất là kiếm cái ăn hàng ngày. Vậy ai xây dựng nó ?

 

Thiết kế và tuổi của GT đã làm xôn xao công luận nhiều thập kỷ nay và kéo theo đó là vô số thuyết âm mưu. Có người cho là đài thiên văn, có người lại cho nó là Vườn Địa đàng trong Kinh thánh.

2 luồng ý kiến chính về tính vũ trụ của GT: địa điểm này thẳng hàng với sao Sirius vì người dân ở đây tôn thờ ngôi sao này như nhiều nền văn hóa khác hàng ngàn năm về sau. Thứ hai là những hình tượng chạm khắc để ghi lại sự va chạm giữa sao chổi với Trái đất vào cuối Kỷ Băng hà.

Nhưng nhóm khảo cổ làm việc ở đây bác ý kiến này vì: thời gian có thể làm thay đổi mọi thứ. Có bằng chứng cho thấy các cột đá đã bị dời chuyển và dựng lại chỗ khác, các nông dân cũng có thể đã kéo chúng đi và phá hủy chúng.

Các nhà nghiên cứu cố phục hồi lại vị trí nguyên thủy của chúng, nhưng đâu mới là vị trí ban đầu. Còn một lý do quan trọng hơn: nó có thể có mái che, mà nếu vậy, còn quan sát được gì nữa.

GT, vòng C. Mũi tên chỉ vị trí vết cắt và lỗ mộng trên đầu trụ đá, cho thấy có thể có mái che. Ảnh: Andrew Collis, 2013, GT and the Worship of the Star

Gobekli Tepe nhìn từ trên không. Toàn thể ngọn đồi này là do bàn tay người tạo dựng từ hơn 10.000 năm trước.

(Erhan Kücuk/German Archaeological Institute)

Các nhà khảo cổ cho rằng con người chỉ tạo dựng nên xã hội, kiến trúc sau khi đã tạo ra nông nghiệp, còn tôn giáo thì xuất hiện sau cùng.

Nhưng GT đã làm lật nhào những lý thuyết ấy. Nó nằm ở vị trí trung tâm của Lưỡi liềm phì nhiêu (Fertile Crescent), là địa chỉ lịch sử của Trung đông, nơi khai sinh ra nông nghiệp, chữ viết và nhiều thứ khác. Thế mà GT lại là một xã hội tiền nông nghiệp, nó được kiến tạo trước khi con người ở đây bắt đầu cày cấy.

Trên ngọn đồi cao chừng 15m và rộng hơn 300m, con người đã xây dựng những vòng tròn đá, chạm khắc tỉ mỉ, rồi lại vùi chúng đi bằng cát.

Khám phá đã làm chấn động giới khảo cổ vì nông dân không thể xây dựng nó. Nông nghiệp chưa từng tồn tại ở đây. Thêm nữa, cũng không tìm thấy gia súc được thuần hóa hay công cụ kim loại. GT chỉ được xây dựng bằng những công cụ thô sơ và bàn tay con người.

Người ta đã tìm thấy mỏ đá vôi trên đỉnh đồi, cách nơi xây dựng chừng 100-500m. Chỉ với vài công cụ bằng đá núi lửa, họ làm sao vận chuyển ước chừng hơn 200 trụ đá, cao từ 3-6m, nặng đến 6-7 tấn. Phải cần đến 500 con người để làm công việc này.

Với số tuổi 12.000 năm, nó xưa hơn Kim tự tháp Ai cập 4.500 năm, hơn Stonehenge ở Anh 5.000 năm, hơn Nabta Playa, di chỉ thiên văn cổ nhất 7.000 năm. Thậm chí ở vài chỗ, GT có thể xưa đến 14.000, 15.000 năm trước.

Lạ lùng hơn nữa không có dấu vết con người sống ở đây. Không có nơi chôn cất, không có nơi cư trú. Và các nhà khoa học phải tìm quanh xem ai là người khách đến viếng nơi này.

Và họ thấy rằng, nhiều thế kỷ trước khi GT xuất hiện, những người săn bắn-hái lượm Thời Đồ đá đã sống quần tụ ở những nơi cố định để chia sẻ nguồn thức ăn, và nếu thế họ đã khởi sự tạo nên xã hội.

Nhưng những cộng đồng này có thực sự tụ tập để cùng xây dựng GT không ?

Đó vẫn cứ là một trong những bí mật lớn nhất.

Còn bí mật hơn nữa là có vẻ như để làm nên vòng này, họ lại lấp đi vòng kia. Rồi sau cùng, họ đổ cát, sỏi lấp hết. Tại sao lại chôn dấu nó đi ?

Đa số các vòng tròn là một chuỗi những trụ đá hình chữ T, chạm hình động vật như chim, bò cạp, bò rừng. Mỗi vòng chạm theo chủ đề một con thú riêng biệt, một số lại chạm nhiều con khác nhau. Như trụ số 43, chạm 1 con kên kên, 1 con bò cạp, vài con chim, một vài hình trừu tượng khác. Klaus nói là không hiểu ý nghĩa của chúng. Các nhà nghiên cứu cho rằng dân săn bắn-hái lượm thời đồ đá thờ sinh vật và cho là chúng có linh hồn.

Nhóm của Klaus Schmidt cũng cho là trụ chữ T là cách điệu hóa hình tượng người không đầu, có thuyết cho rằng một số nền văn hóa thời xưa thờ sọ người.

Dù là gì thì các hình chạm đều là tuyệt tác. Người thợ làm ra chúng hiểu rõ và nắm vững cách tạo tác ra các hình khối.

Klaus cho rằng hình tượng chữ T ở GT là hiện tượng độc nhất và duy nhất, không lập lại ở bất kỳ đâu trên trái đất.

Các nhà nghiên cứu cho rằng một va chạm dữ dội đã làm thay đổi khí hậu Kỷ Băng hà.

Năm 2017, các kỹ sư nói là các hình thú chạm ở GT tương ứng với vị trí các chòm sao nhiều thiên niên kỷ trước, và đặc biệt con kên kên trên trụ số 43 là “dấu ấn thời gian, date stamp”, ám chỉ thảm họa va chạm với sao chổi 13.000 năm trước. Người ta đã tìm thấy dấu vết va chạm ở Greenland thời kỳ này, kích hoạt giai đoạn Younger Dryas, thời kỳ Tiểu băng hà kéo dài khoảng 1.000 năm, trước khi kết thúc Kỷ Băng hà cuối cùng làm thay đổi mãi mãi khí hậu Trái đất. Martin Sweetman, Đại học Edinburgh tuyên bố, một trong các trụ đá GT là để tưởng niệm sự va chạm kinh hoàng ấy, ngày tồi tệ nhất trong lịch sử từ khi kết thúc kỷ băng hà.

Tất nhiên là nhóm khai quật phản bác kịch liệt, “lôi chuyện trên trời xuống đây là chuyện buôn dưa lê. Những thợ săn thời Tân Thạch khí (Neolithic) ở miền Thượng Mesopotamia không thể nào biết rõ các chòm sao bằng các học giả Ai cập, Ả rập và Hy lạp được.”

Mà những chuyện này còn thua xa các truyền kỳ về GT và những người xây dựng nó.

Như Graham Hancock, tác giả Fingerprints of the Gods. Ông này tuyên bố mà không đưa ra bằng chứng gì, rằng một nền văn hóa bí ẩn có khả năng theo dấu các vì sao để in dấu những sự kiện lớn lao cho nhiều thế hệ không thể nào quên. Ví dụ ông đưa ra là GT, ông gọi đó là “địa điểm thiên văn linh thiêng” và cho rằng con kên kên và các hình chạm trên trụ số 43 là biểu đồ chòm sao thời cổ thể hiện thời điểm đông chí.

Còn Klaus Schmidt, nhà khảo cổ người Đức, người phát hiện và dẫn đầu nhóm khai quật, đã qua đời năm 1914, nhưng nhóm của ông vẫn tiếp tục công cuộc, để tìm cho ra câu trả lời cho câu hỏi AI và TẠI SAO,  đã xây dựng công trình này.

Và cho dù không có bằng chứng nào liên kết địa điểm này với một đài thiên văn, nhưng không có nghĩa là sẽ không có gì được đem ra ánh sáng. Có lẽ dấu vết các vì sao ẩn hiện trong nó còn lẩn khuất đâu đó sâu dưới lớp cát dày kia.

(Theo Eric Betz, Astronomy.com, 2020)

Vậy các lý thuyết gia về giả thuyết người ngoài hành tinh thời cổ đại nói gì ?

Đây là các bằng chứng họ đưa ra:

Các nhà khảo cổ nói không tìm thấy dấu vết gì về nơi sinh hoạt của những người xây dựng và công cụ để xây dựng, không có bếp ăn, không có dụng cụ kim loại. Làm thế nào họ dựng được những khối đá cao từ 3-6m, nặng chừng vài tấn.

Cách GT chừng 400 dặm, hơn 600km, là hệ thống hang ngầm dưới đất. Hiện nay đây là thành phố ngầm Derinkuyu, vùng Cappadocia, Thổ nhĩ kỳ, điểm du lịch nổi danh. Có lỗ thông hơi, có giếng chứa nước. Có thể chứa được 20.000 con người. Giới sử học nói đó là nơi các tín đồ Cơ đốc lánh nạn khi đạo Cơ đốc bị bách hại 1500 năm trước.

Nhưng người ta đã tìm được dấu vết công cụ đá có từ 12.000 năm trước. Đây có thể là nơi ẩn trú và sinh hoạt của những người xây dựng GT.

 

 

 

Hệ thống các hang ngầm ở Derinkuyu

  

Bản dựng bằng composite mẫu vật tổ trên

Đây là trụ đá mà Klaus Schmidt gọi là cột vật tổ. Nhưng dưới mắt của thuyết người ngoài hành tinh, thì hai bàn tay là của người ngoài hành đang ôm lấy người phụ nữ trái đất, hình tượng đứa bé ở dưới cùng là bào thai, kết quả của việc giao phối này. Phần mặt đã bị hủy, do chính người ngoài hành tinh, họ không muốn người Trái Đất nhìn thấy chân dung họ.

Còn sao Deneb trong hình trên, thuyết người ngoài hành tinh nói GT được xây dựng chỉ nơi mà tổ tiên loài người từ đó ra đi.

Cần biết rằng chòm Cygnus, trong có sao Deneb, cách Trái Đất chừng 1.400 năm ánh sáng.

(Return to Gobekli Tepe, trong bộ phim tài liệu Ancient Aliens)

  1. LÀ NÉT CHỮ ĐẦU TIÊN CỦA NHÂN LOẠI ?

Mới đây nhất, (2019), 2 tác giả Manu Seyfzadeh và Robert Schoch, Viện Nghiên cứu nguồn gốc văn minh, Đại học Boston, đã đề ra một giả thuyết táo bạo khác. Trụ chữ T là tượng trưng các vị thần, (có thể là bò mang hình người canh giữ lối vào của kiếp sau), được tạo ra bằng cách bắt chước hình ảnh các thiên thể thấy trên bầu trời đêm còn hình chạm giống chữ H có 2 hình bán nguyệt bao quanh chính là chữ chỉ vị thần (god). Chúng là sáng tạo của những người săn bắn-hái lượm khi đi hành hương đến ngọn đồi Gobekli Tepe, rồi con cháu họ dần chuyển thành ngôn ngữ nói và viết cho miền đất này (Anatolia và phụ cận) hàng ngàn năm sau đó.

 

 

 

Bầu trời phương bắc nhìn từ GT, 9600 TCN, sáng nhất là sao Vega, dấu tròn. Vùng này dầy đặc cách chòm như Hercules, Draco, Cygnus, Aquilla, Lyra và Bootes. (Manu Seyfzadeh và Robert Schoch, Archeological Discovery, 2019)

VII. VÀ ĐÂY, NHỮNG PHÁT HIỆN MỚI NHẤT VÀ GIẢ THUYẾT MỚI NHẤT

Dựa trên những phát hiện gần đây (2019), tác giả Andrew Curry trong bài viết tháng 6/2021 trên tạp chí Archeology Discovery cho biết những điều GT còn ẩn dấu làm kinh ngạc chúng ta.

Lúc mới được phát hiện, hàng chục cấu trúc ở GT đầy những đất, đá, hàng ngàn bộ xương dã thú. Moritz Kinzel, Lee Clare, viện khảo cổ Đức, DAI, tiếp tục công việc sau khi Klaus Schmidt đã qua đời (2014), thấy có những cột có thể là cột đỡ mái che. Họ thấy có cả phân, bếp lò, đáy lò, đá vụn, nghĩa là đầy những hơi hướng của nơi ăn chốn ở. Họ còn thấy các công trình lớn có dấu vết sửa chữa hoặc xây dựng lại nhiều lần. Kinzel bảo, chúng được sử dụng trong đời sống nhiều hơn người ta tưởng.

Mới đây, toán khai quật còn tìm được những chất liệu hữu cơ: gỗ cháy thành than, thực vật còn thừa, hạt khoáng trong mô thực vật (phytolith): đó là chứng cớ của cây gì đang mọc, món gì đang nấu hơn 10.000 năm trước. Laura Dietrich, cũng thuộc DAI, khảo sát hàng ngàn mẩu đá mài, chất vữa, thùng đá lớn chứa được chừng 160 lít bia hay cháo. Thực phẩm đủ dùng không những cho lễ lạc mà còn cho sinh hoạt hàng ngày.

Một khám phá quan trọng khác là cái hồ hay giếng chiều ngang 7,6m và sâu 2,4m, khoét dưới lớp đá nền, có thể là bể chứa nước. Có cả một con mương mà họ nhận xét là máng chứa nước mưa. Clare nói, đó là nước dùng cho mùa màng, dấu chỉ đời sống định cư.

Các nhà nghiên cứu của DAI cho rằng GT là địa chỉ cuối cùng của những người săn bắn-hái lượm. Họ dần quen với thuần hóa gia súa, gieo trồng muà màng. Không tìm thấu dấu vết của hạt giống không có nghĩa là không có. Tác giả nhắc lại ý đã nói đến ờ đầu bài: chỉ mới khai quật được chừng 1/10 nên những phát hiện trong tương lai sẽ cho phép đánh giá lại. Cho tới lúc ấy, những đền đài của GT nhắc nhở chúng ta rằng, tổ tiên xa xưa của chúng ta có lẽ chẳng khác chúng ta là mấy. Họ cũng phức tạp, cũng có tính cộng đồng, cũng đầy mâu thuẫn và có khả năng xây dựng những công trình vĩ đại.

(Andrew Curry, Last Stand of the Hunter-Gatherers?, Archeology Magazine, May/June-2021)

 

THAY LỜI KẾT

Hình ảnh này là trang bìa trong cuốn sách ảnh của Thành phố Saliurfa, nơi có di tích Gobeklitepe, phát hành năm 2019, để tưởng nhớ Giáo sư Tiến sĩ Klaus Schmidt.

Gobekli Tepe, Zero Point In Time: nơi bình minh của nền văn minh nhân loại bắt đầu. Thế là, văn minh Mesopotamia bị rớt hạng. Có phải không ?

GT nằm phía trên Mesopotamia, cách không xa mấy. Những người xây dựng GT có thể là tiền nhân của người Sumer chăng ?

Học giả Nguyễn Hiến Lê trong biên khảo Bán đảo Ả rập, có cho biết khoảng 10.000-7.000 năm trước những người thời đồ đá từ phía tây lại, hòa nhập với người Semitic, đã tạo ra văn minh Ai cập. Những người thời đồ đá này có liên quan gì với những người đã xây dựng GT không ?

Thánh kinh đặt Vườn Địa đàng ở Mesopotamia, ông Adam được Chúa trời nặn bằng đất sét cũng ở đây. Thuyết người ngoài hành tinh cũng nêu vấn đề con thuyền của ông Noah đậu lại nơi đây, Gobekli Tepe. Chả là GT cũng gần đỉnh Ararat, nơi đồn rằng con thuyền Noah đậu lại. Họ nói những con thú chạm trên trụ đá có thể là những cặp thú ông Noah đem lên thuyền đi lánh nạn lụt. (Vậy ông Noah đem cả bò cạp, kên kên lên thuyền làm gì ?)

Tại sao những con người chỉ biết săn bắn, hái lượm bỗng quần tụ cùng nhau xây nên một công trình vĩ đại, thể hiện óc tưởng tượng bay bổng, trình độ nghệ thuật tuyệt vời, khả năng xây dựng vượt ngoài trí tưởng. Rồi tuyệt tích giang hồ suốt hàng ngàn năm. Để hơn 7.000 năm sau mới có một nền văn minh khác xuất hiện trở lại ở Mesopotamia, Ai cập. Hay có một đường dây liên kết khác giữa hai nền văn minh này mà con người chưa tìm ra ?

Tháng 9.2021

NTH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết