NHỮNG VỤ ÁN OAN TRONG LỊCH SỬ

NHỮNG VỤ ÁN OAN TRONG LỊCH SỬ

Dĩ nhiên, án oan ở đâu và thời nào cũng có.

Hai vụ để lại hậu quả sâu xa nhất là vụ án Alfred Dreyfus mà từ đó những vận động trên khắp thế giới cho ra đời nhà nước Israel.

Vụ thứ hai, xưa hơn cả hai nghìn năm, ở một nước Trung hoa xa xôi. Vụ án tướng quân Lý Lăng đầu hàng Hung nô. Hậu quả không phải là những biến động chính trị mà là một tác phẩm văn học ra đời: bộ Sử Ký của Tư Mã Thiên. Cho đến nay, đây vẫn là bộ sử vĩ đại nhất của nhân loại.

Vụ thứ ba, cách đây cả nghìn năm, là vụ án Thái sư Lê Văn Thịnh, triều vua Lý Anh Tông. Vị Thái sư đầu tiên làm quan qua khoa cử, vị sĩ tử khoa hoạn đầu tiên của nước ta. Vụ án này, đến nay vẫn chìm khuất trong mây mờ của lịch sử, như làn sương mù trên hồ Dâm Đàm che mất sự thật trong vụ án này.

VỤ ALFRED DREYFUS

Alfred Dreyfus

Alfred Dreyfus, sĩ quan Pháp gốc Do Thái, bị buộc tội làm gián điệp cho Đức trong một phiên toà năm 1894. Bị kết tội phản quốc, nhận án lưu đày 10 năm. Sau nhiều phiên tòa khác, nhiều cuộc vận động của gia đình, của giới văn học, tri thức và cả chính trị, đến 1906, ông được Tối cao pháp viện minh oan và tha bỗng. Đỉnh điểm những phản kháng của công luận là bản cáo trạng của nhà văn Pháp, Émile Zola, dưới hình thức một bức thư ngỏ gởi Tổng thống Cộng hoà Pháp, đăng trên tờ L’Aurore.

Sơ lược vụ án như sau:

Alfred Dreyfus là một Đại úy quân đội Pháp, xuất thân trong một gia đình gốc Alsace theo Do Thái giáo.

Vào năm 1894, một gián điệp của Pháp trong Đại sứ quán Đức phát hiện 1 lá thư bị xé nát trong thùng rác tại văn phòng của một tùy viên quân sự Đức. Ngay lập tức, người ta cho rằng một sĩ quan nào đó trong quân đội Pháp đã cung cấp những thông tin bí mật cho Chính phủ Đức.

Dreyfus bị nghi ngờ, do ông vốn là người Do Thái duy nhất ở Bộ Tổng tham mưu và vì ông làm việc ở bộ phận có thể  nắm được các thông tin mật của Chính phủ Pháp. Hơn nữa, các nhà chức trách quân đội tuyên bố rằng chữ viết tay của Dreyfus tương tự nét chữ trên bức thư.

Bất chấp những lời kêu oan, Dreyfus vẫn bị kết tội phản quốc trong một phiên tòa quân sự bí mật, trong đó ông đã bị từ chối khi muốn được kiểm tra bức thư - bằng chứng mạnh mẽ chống lại mình.  

Vị đại úy này bị tước quân hàm và phải chịu án chung thân trên đảo Quỷ, khu vực ngoài khơi bờ biển Nam Mỹ thuộc Pháp.

2 năm sau khi Dreyfus bị kết tội, Trung tá Georges Picquart được bổ nhiệm làm Giám đốc lực lượng tình báo quân đội. Thấy có nhiều điểm vô lý, Picquart đã tiến hành xem xét các chứng cứ và điều tra chi tiết vụ án. Kết quả, kẻ phản bội thực sự phải là Thiếu tá Walsin Esterhazy.

Picquart nhanh chóng thông báo lên Bộ tham mưu nhưng họ quan tâm đến việc giữ gìn hình ảnh của mình hơn là thực thi công bằng nên đã từ chối xem xét lại quyết định cũ. Và khi Picquart cố gắng mở lại vụ án, ông đã bị thuyên chuyển tới Tunisia. Esterhazy được tha bổng cho dù có những bằng chứng thuyết phục về tội lỗi của mình.

Tuy nhiên, Émile Zola, nhà văn và nhà báo,  đã lên tiếng tố cáo quân đội che giấu thông tin về vụ án này. Sau đó, được hưởng ứng bởi nhà báo Bernard Lazare; chủ tịch danh dự của Thượng viện Auguste Scheurer là Kestner; Georges Clemenceau (một cựu nghị viên và nhà báo), vụ án được lật lại.

Dreyfus thực chất chỉ là nạn nhân trong một âm mưu nhằm gây tổn hại đến uy tín của quân đội Pháp. Vụ bê bối này đã gây ra một chuỗi những cuộc khủng hoảng chính trị và xã hội ở Pháp, bộc lộ những rạn nứt trong nước Pháp dưới nền Đệ tam cộng hòa, khi mà sự tranh cãi giữa hai phe đã dẫn tới những cuộc luận chiến hết sức gay gắt về chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa bài Do Thái.

Vào tháng 9/1899, Tổng thống Pháp ký lệnh ân xá cho Dreyfus nhưng phải đến năm 1906, sau 12 năm chịu oan sai – sự vô tội của ông mới được thừa nhận chính thức. Được phục hồi danh dự và cấp bậc, Dreyfus trở lại quân ngũ với quân hàm thiếu tá.

 

Bản án năm 1894 đối với đại úy Dreyfus – về tội để lộ những tài liệu bí mật của Pháp cho người Đức –xuất phát từ nỗi căm thù của Pháp với Đức sau chiến tranh Pháp-Phổ cộng với sự thù ghét người Do Thái. Sự phanh phui vụ bê bối năm 1898, của Émile Zola trên bài báo tựa đề « Tôi kết tội...! » (J'Accuse...!), đã gây ra một chuỗi những cuộc khủng hoảng chính trị và xã hội có một không hai ở Pháp. Nó chỉ thực sự chấm dứt vào năm 1906 khi một bản án của Tối cao pháp viện Pháp minh oan và phục hồi danh dự hoàn toàn cho Dreyfus.

Lá thư ngỏ của Émile Zola, hay bản cáo trạng nền tư pháp của Pháp quốc, với tựa là “J’accuse”, Tôi buộc tội, cho đến nay vẫn được xem là bài báo hay nhất trong lịch sử báo chí.

Hay không nhờ văn phong báo chí mà hay vì thái độ can đảm và trái tim trong sáng của người cầm bút đã đánh thức lương tâm của một dân tộc.

Lá thư rất dài, nên chỉ trích vài đoạn tiêu biểu:

Kính gửi Ngài Félix Faure,

Tổng thống nước cộng hòa

Thưa tổng thống,

Cho phép tôi bày tỏ lòng biết ơn sự chào đón ân cần tổng thống dành cho tôi, khi đã quan tâm tới vinh quang của Ngài, cũng để thưa với Ngài rằng, ngôi sao của Ngài, cho đến nay vẫn sáng chói biết bao, lại đang bị đe dọa bằng một vết nhơ tủi hổ, không thể xóa nhòa. TT đã vượt qua mọi vu khống và bình an, chiến thắng được mọi trái tim. TT xuất hiện sáng chói với niềm hân hoan trong buổi lễ tôn vinh lòng yêu nước mà đồng minh Nga dành cho TT. Ngài đang chuẩn bị chủ trì lễ khải hoàn long trọng Triễn Lãm Toàn cầu của chúng ta, toả vầng hào quang trên một thế kỷ lao động, chân lý và tự do vĩ đại của chúng ta. Nhưng một vết bùn nhơ cho thanh danh Ngài _ tôi phải nói là ngay trong nhiệm kỳ của Ngài _ vụ án Dreyfus đáng ghê tởm ấy ! Một hội đồng chiến tranh, theo lệnh trên, vừa mới đây, đã dám tuyên trắng án cho tên Ezterhazy, kẻ kêu gào mọi xác tín, mọi công lý. Và thế là kết thúc, nước Pháp mang vết nhơ trên má, lịch sử sẽ viết rằng dưới triều đại của Ngài, một tội ác xã hội đã xảy ra. Vì người ta đã dám làm, nên tôi cũng dám (nói). Sự thật, tôi nhấn mạnh, vì tôi hứa sẽ nói ra, nếu công lý, thường xuyên bị bó buộc, đã không thực thi, đầy đủ và trọn vẹn. Nhiệm vụ của tôi là phải nói ra, tôi không muốn là kẻ đồng loã. Hằng đêm tôi vẫn bị bóng ma của người vô tội kia ám ảnh, lại còn bị tra tấn dã man, vì cái tội mà anh không hề phạm phải. Và, thưa TT, tôi gào lên với chính Ngài đấy, sự thật này, với tất cả sự phản kháng của một người công chính nhất. Vì danh dự của Ngài, mà tôi đoan chắc, Ngài không hề biết. Và tôi phải tố cáo tên tội phạm thực sự đáng tởm với ai đây, nếu không phải là Ngài, vị quan tòa tối cao của đất nước ?

Trước tiên là sự thật về phiên tòa và sự kết tội Dreyfus. Một kẻ bất chính đã dẫn dắt mọi thứ, làm mọi thứ, là viên trung tá Paty de Clam, khi ấy chỉ là viên chỉ huy. Đó là toàn bộ vụ Dreyfus, mà chúng ta không biết gì về nó, cho đến khi có một cuộc điều tra công bằng về mọi hành động và trách nhiệm trong vụ án ấy. Hắn ta xuất hiện như một kẻ ám muội nhất, một linh hồn phức tạp nhất, bị ám ảnh vì những âm mưu lãng mạn, đắm chìm trong những tiếu thuyết nhiều kỳ, những giấy tờ bị đánh cắp, những bức thư nặc danh, gặp gỡ ở những nơi hoang vắng, những phụ nữ bí ẩn mua bán các chứng cớ tràn ngập trong đêm tối. Chính hắn là kẻ tưởng tượng ra lệnh đẩy tội lỗi sang cho Dreyfus; chính hắn là kẻ mơ màng nghĩ đến việc nghiên cứu hồ sơ trong căn phòng lạnh lẽo; chính hắn ta là người mà chỉ huy Forzinetti muốn đóng thế vai, trang bị một chiếc đèn lồng lặng tắt, muốn được đưa đến gần bị cáo đang ngủ, để chiếu vào mặt anh ta một luồng ánh sáng bất ngờ và do đó để gây bất ngờ cho tội lỗi của anh ta, trong tiếng chuông báo thức của đồng hồ. Và tôi không cần phải nói ra tất cả mọi thứ,  chúng ta tìm kiếm, chúng ta sẽ tìm thấy. Tôi chỉ đơn giản nói rằng chỉ huy Paty de Clam, chịu trách nhiệm điều tra vụ Dreyfus, với tư cách là viên chức tư pháp, theo thứ tự ngày tháng và trách nhiệm, là thủ phạm đầu tiên của vụ phá hoại công lý kinh hoàng. Vụ đổ tội nằm trong tay Đại tá Sandherr, giám đốc văn phòng tình báo, người đã bất động vì liệt toàn thân một thời gian. "Rò rỉ" đã xảy ra, giấy tờ đã biến mất, trong khi hiện nay nó vẫn còn; và tác giả của nó bị truy nã, khi  dần dần rõ ràng rằng tác giả đầu tiên này chỉ có thể là một sĩ quan của bộ tổng tham mưu và một sĩ quan pháo binh: một lỗi xảy ra đến hai lần, cho thấy chúng ta đã nghiên cứu điều này hời hợt như thế nào.

Nhưng thư đã dài và đã đến lúc kết thúc. Tôi buộc tội viên Trung tá Paty de Clam, là nhân viên quỷ quyệt của hệ thống tư pháp sai lầm, trong ba năm qua, đã bảo vệ cho công việc tai tiếng của mình bằng những mưu mô hèn mọn nhất và bẩn thỉu nhất.

Tôi buộc tội Tướng Mercier là kẻ đồng lõa, chí ít là do tài sơ trí mọn, với một trong những nỗi bất công lớn nhất của thế kỷ này.

Tôi buộc tội Tướng Billot, dù đã có trong tay bằng chứng vô tội của Dreyfus, nhưng đã dấu nhẹm đi, làm tổn hại nhân loại, tổn hại công lý, để cứu lấy đám nhân viên nhơ nhuốc.

Tôi buộc tội Tướng Boisdeffe và Gonse, là đồng lõa trong cùng tội ác, người thì vì chìm đắm vào tôn giáo, người kia vì niềm tin, đã biến văn phòng chiến tranh thành cung thánh bất khả xâm phạm.

Tôi buộc tội Tướng Pellieux và Thiếu tá Ravary đã tiến hành một cuộc điều tra gian dối, tôi muốn nói cuộc điều tra tư vị và kỳ quặc nhất, một điển hình bất diệt về sự táo bạo ngây ngô.

Tôi buộc tội ba vị chuyên viên tự dạng (chữ viết tay), Sieurs Belhomme, Varinard và Couard, đã báo cáo sai sự thật và gian lận, trừ khi một cuộc kiểm tra y tế tuyên bố họ mắc bệnh về thị lực và khả năng phán đoán.

Tôi buộc tội các văn phòng chiến tranh đã thực thi chiến dịch nhằm vào báo chí, đặc biệt là  tờ L’Éclair và L’Écho de Paris, một chiến dịch ghê tởm, nhằm đánh lừa dư luận và che đậy tội lỗi của họ.

Cuối cùng tôi buộc tội hội đồng chiến tranh thứ nhất đã vi phạm pháp luật, bằng cách kết án bị cáo dựa vào một tài liệu mật, và tôi cáo buộc hội đồng chiến tranh thứ hai đã che đậy sự bất hợp pháp này, bằng cách phạm tội một cách cố ý khi tha bổng cho một kẻ họ biết chắc là có tội.

Khi đưa ra những cáo buộc này, tôi biết rằng tôi đang đặt mình dưới sự che chở của các điều 30 và 31 của luật báo chí ngày 29 tháng 7 năm 1881, trừng phạt các tội phỉ báng. Và tôi tự nguyện đưa đầu chịu báng.

 Còn những người mà tôi tố cáo, tôi không biết họ, tôi chưa từng nhìn thấy họ, tôi không hề oán hận hay thù ghét họ. Đối với tôi, họ chỉ là những thực thể, những linh hồn của tệ nạn xã hội. Và hành động tôi đang làm ở đây chỉ là một cuộc cách mạng để thúc đẩy sự bùng nổ của sự thật và công lý.

 Tôi chỉ có một niềm đam mê, đó là ánh sáng, nhân danh con người đã chịu nhiều đau khổ và có quyền được hạnh phúc. Sự phản kháng rực lửa của tôi chỉ là tiếng kêu của linh hồn tôi. Vì vậy, Ngài có dám đưa tôi ra xét xử và để cho cuộc điều tra diễn ra! Tôi chờ.

 Xin hãy chấp nhận, thưa Tổng thống, lòng tôn trọng không cùng của tôi.

Ảnh hưởng của vụ án thật sâu xa. Nhà báo Theodore Herlz người Áo-Hung gốc Do Thái, chua xót với số phận người Do thái, đã khởi động và khai sinh phong trào phục quốc Do Thái. Và kết quả là quốc gia Israel ra đời năm 1948 và gia nhập Liên hiệp quốc vào năm sau, 1949.

Và ảnh hưởng của lá thư buộc tội cũng thật chua xót cho Émile Zola. Ngay sau khi đăng lá thư, ông phải tìm đường trốn sang Anh tị nạn. Cuối đời, người ta ngờ rằng ông chết vì bị ám sát. Cho dù, năm 1908, di hài ông được đưa vào điện Panthéon, nơi chỉ dành cho những bậc vĩ nhân của nước Pháp.

 

VỤ ÁN LÝ LĂNG

Tư Mã Thiên

Vụ Lý Lăng xảy ra vào thời Hán Vũ Đế. Năm 99 TCN, Vũ đế phái hai tướng Lý Quảng Lợi và Lý Lăng lên phía bắc đánh nhau với quân Hung nô. 5.000 quân của Lý Lăng bị Hung nô vây chặt. Lý Lăng đành đầu hàng để bảo toàn lực lượng. Hán Vũ Đế và đa số các quan trong triều cho rằng tội trạng thuộc về Lý Lăng. Chỉ mình Tư Mã Thiên bênh vực Lý Lăng và có ý mỉa mai Lý Quảng Lợi ỷ thế gia tộc : "...Lý Lăng đã dẫn 5000 binh mã tiến sâu vào đất giặc, cự với hàng vạn hùng binh của chúng luôn 10 ngày, giết được vô số. Vua tôi giặc là Vu Thuyền hoảng sợ đã dốc hết kỵ mã cả nước bao vây. Lăng một mình chiến đấu ở ngoài nghìn dặm, cứu binh của Lý Quảng vì đố kỵ không tới, thất bại là hiển nhiên. Lý Lăng dù can trường nhưng đơn thương độc mã tác chiến, vì tên đạn hết, lương thảo kiệt, đường về bị cắt, người chết và người bị thương chất chồng, nhưng họ vẫn nghe lời hô hào của Lý Lăng, phấn chấn, vuốt máu mặt, anh dũng giơ nắm tay không xông vào quyết chiến. Thần cho rằng Lý Lăng rất xứng danh với các dũng tướng thời xưa. Tuy thất bại nhưng ông ta vẫn nuôi chí, mong có dịp báo đền ơn nước..." Hán Vũ Đế cho rằng Tư Mã Thiên, qua việc bảo vệ Lý Lăng đã ngầm chê Lý Quảng Lợi (anh vợ của Vũ Đế), là nhút nhát. Đồng thời Lý phu nhân bênh vực Lý Quảng Lợi, yêu cầu nhà vua trị tội Tư Mã Thiên. Hán Vũ Đế sau đó đã hạ lệnh tống ngục Tư Mã Thiên, khép vào tội khi quân, giao cho Đỗ Chu xét xử và phạt cung hình.

Lời Tư Mã Thiên bênh vực Lý Lăng:

“Lăng hầu hạ mẹ già có hiếu, đối với sĩ tốt có tín, thường phấn đấu quên mình để phục vụ quốc gia lúc nguy nan. Ông ta tu dưỡng đã lâu mới có được phong độ quốc sĩ. Nay làm việc mới một lần thất bại, sao lại vì đám bề tôi chỉ có khả năng bảo vệ vợ con thêu dệt lỗi lầm của ông ta, thật khiến người ta đau lòng! Huống hồ bộ tốt của Lăng chưa đến 5000, thâm nhập vào giữa lòng địch, kháng cự mấy vạn quân đội, khiến giặc thương vong không đếm xuể, phải dốc hết dân chúng ra cầm cung cùng vây đánh họ. Chiến đấu ngàn dặm, tên hết đường cùng, binh sĩ thì cung không còn tên, tay không tấc sắt, quay mặt về phương bắc tranh nhau liều chết với địch; có được bộ hạ liều chết ra sức như thế, dẫu là danh tướng đời xưa cũng không hơn được. Lăng rơi vào vòng vây mà thất bại, nhưng đánh giết một phen cũng đủ để nổi tiếng khắp nơi. Ông ấy không chết, hẳn là muốn lập công chuộc tội cho nhà Hán đấy!

Nhưng lời kêu oan của Tư Mã Thiên chắc gì đã đúng. Về sau, Lý Lăng uất hận vì vua Hán giết mẹ già và cả nhà ông, lại được chúa Hung Nô trọng dụng, nên suốt đời ở lại với Hung Nô, không về Hán nữa. Triều Hán Vũ đế được coi là rực rỡ nhất thời Tây Hán mà  vẫn để xảy ra vụ oan khuất của Tư Mã Thiên.

Những phẫn uất của Tư Mã Thiên được dồn nén hết vào bộ Sử Ký mà trước đó ông đã để tâm chuẩn bị.

Trích vài đoạn trong lá thư ông gởi bạn là Nhiệm An, tự Thiếu Khanh, sắp bị xử tử. Ông vội viết thư giãi bày tâm sự để người sống kẻ chết khỏi phải mang hận:

Tôi và Lý Lăng đều giữ chức thị trung, từ trước chưa có chút giao tình, ai đi đường nấy, chưa từng uống với nhau lấy một chén rượu, ân cần tiếp đãi, hoan hỉ cùng nhau lấy một lần. Nhưng tôi xét người ấy, là người biết tự giữ khí tiết lạ, thờ cha mẹ có hiếu, thủ tín với kẻ sĩ, về tiền bạc thì thanh liêm, trọng nghĩa, về sự phân biệt trên dưới thì có lễ nhượng; tánh cung kiệm, khiêm tốn, thường hăng hái, chẳng tiếc thân, hi sinh cho quốc gia lúc nguy cấp, xét chỗ hoài bảo của ông ấy, thì có phong độ một vị quốc sĩ. Bậc nhân thần ra vào chỗ vạn tử mà chẳng đoái hoài tới đời mình, ứng phó với cơn nguy của quốc gia như vậy, tôi cho là đã là lạ rồi. Nay ông ấy hành động, cử sự có điều không thoả đáng, bọn bề tôi chỉ lo bảo toàn thân mình để nuôi vợ con kia bèn nhân đó mà xoi mói gây vạ cho ông ấy, lòng tôi riêng thật buồn thay!

Vả lại Lý Lăng dắt theo không đầy năm ngàn bộ binh vào sâu chiến địa; giẫm lên vương đình của Hung Nô, như nhử mồi miệng cọp, khiêu động cường Hồ, tấn công hàng vạn hàng ức địch, giao chiến với thiền vu mười mấy ngày liền, số quân địch bị giết lớn hơn số quân của mình, đến nỗi chúng không kịp cứu những kẻ tử thương. Các chúa bận áo nỉ và lông cừu đều hoảng sợ, phải vời cả hai viên tả, hữu hiền vương thống suất bọn đeo cung trong toàn quốc, tấn công mà vây ông. Lăng xông đánh xa đến ngàn dặm. Đường nghẽn, tên hết, cứu binh không tới, sĩ tốt bị tử thương, thây chất thành đóng. Vậy mà Lý Lăng hô lên một tiếng uỷ lạo quân sĩ thì không ai không phấn khởi, nước mắt ròng ròng, máu chảy đầy mặt, nghẹn ngào nuốt lệ, lại giương cây cung hết tên để chống với lưỡi gươm trắng, hướng về phía bắc, tranh nhau chết với địch.

Hồi Lý Lăng chưa bại trận, sai người về báo tiệp, các công khanh vương hầu đều nâng chén chúc thọ vua. Vài ngày sau thư chiến bại truyền về, Chúa thượng vì đó ăn hết ngon, ra triều hết vui; các vị đại thần lo lắng không biết làm sao. Tôi trộn tự liệu thân mình hèn mọn, thấy Chúa thượng thê thảm bi thương, những muốn gắng tỏ hết tấm ngu trung của mình cho rằng Lý Lăng từ trước cùng với các tướng sĩ đồng cam cộng khổ nên mới được họ tận lực giúp đỡ, như vậy dù các danh tướng thời xưa cũng không hơn ông. Hiện thân ông tuy đã đầu hàng nhưng xem chắc là đợi cơ hội thuận tiện để chuộc tội với nhà Hán. Sự tình không biết làm sao được rồi, nhưng cái công trước khi đánh Hung Nô tàn bại cũng đủ phơi ra trong thiên hạ. 

Tôi muốn trình bày lẽ đó nhưng chưa có cơ hội thì gặp lúc Chúa thượng vời hỏi, tôi bèn tỏ rõ công lao của Lăng như trên, để lòng Chúa thượng mở rộng ra, mà những lời thù hằn hãm hại bị lắp đi. Nhưng tôi chưa bày tỏ hết lẽ mà minh chúa đã vội không hiểu, cho rằng tôi ngăn cản Nhị sư tướng quân, thuyết hộ Lý Lăng và giao tôi cho quan coi ngục. Tấm lòng trung thực của tôi, tới cùng không sao bày tỏ được. Vì phạm tội vu hoặc Chúa thượng, nên cứ theo kiến nghị của các quan mà xử.

Nhà tôi nghèo không có tiền để tự chuộc tội, bạn bè không ai ngó ngàng cứu giúp, mà các quan tả hữu cận thần cũng không ai nói hộ cho một lời. Thân không phải là gỗ đá (sao mà không đau xót), chỉ chung chạ với viên coi ngục trong khám thâm u, còn biết giải bày cùng ai? Điều đó chính Thiếu Khanh cũng đã tự trông thấy, việc làm của tôi chẳng phải như vậy ư? Lý Lăng đã đầu hàng, làm huỷ hoại gia thanh, mà tôi lại bị giam trong nhà kín, thực bị thiên hạ cười chê. Thương thay! Thương thay! Việc đó dễ gì một hai đem nói với người đời được.

Tôi tuy khiếp nhược, muốn được cẩu hoạt nhưng cũng phân biệt được lẽ phải chăng, mà sao đến nỗi tự ghìm vào cái nhục cùm trói vậy. Bọn tôi tớ, tì thiếp còn biết giữ tiết, tự quyết được, huống hồ là tôi lại không hiểu cái lẽ có khi bất đắt dĩ phải chết sao? Tôi sỡ dĩ ẩn nhẫn cẩu hoạt, chịu sống tối tăm trong cảnh nhơ nhuốc là hận rằng lòng riêng có chỗ chưa bộc lộ hết, bỉ lậu mà chết thì văn chương không tỏ rõ được với đời sau…

Tôi trộm tự lượng sức mình, gần đây tự kí thác chí hướng vào lời văn thô thiển, thu thập những việc cũ tản mát trong thiên hạ, khảo cứu qua loa về các sự tích, tung hợp đầu đuôi, ghi lại những mối thành bại hưng vong, trên từ đời Hiên Viên, dưới tới ngày nay, viết mười thiên Biểu, mười hai thiên Bản Kỷ, tám chương Thư, ba mươi thiên Thế Gia, bảy mươi hai thiên Liệt Truyện, gồm cả thảy một trăm ba mươi thiên, cũng là muốn nghiên cứu đạo lý trong thiên hạ, tìm hiểu những lẽ biến thiên xưa nay, lập thành một học thuyết của một nhà. Viết chưa xong thì gặp hoạ đó, tiếc công việc chưa thành, nên chịu cực hình mà không có sắc giận. Tôi như quả viết xong bộ đó, đem cất vào danh sơn, truyền nó cho đồng chí, quảng bá ra tới khắp các nới đô ấp thì cũng bù được cái nhục bị trách phạt trước kia rồi, dẫu có vạn lần bị giết cũng không hối tiếc gì cả. Nhưng điều đó có thể nói với bậc trí giả mà khó nói với người đời được!

(Sử ký Tư Mã Thiên, Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê dịch)

Ảnh hưởng của Sử Ký lớn tới mức hễ nói đến “sử ký” (chép sử) thì người ta nghĩ ngay đến tác phẩm của ông, do đó tiếng “sử ký” vốn là một danh từ chung đã biến thành một danh từ riêng để trỏ riêng bộ Thái Sử Công Thư Chí.

Cho tới nay ông vẫn là sử gia vĩ đại nhất của Trung quốc và các sử gia tây phương vẫn nhận Sử Ký là tác phẩm bất hủ của nhân loại.

Tư Mã Thiên cảm xúc đã triền miên mà lại rất có hùng tâm: dám chê Hán Cao Tổ là bất hiếu, vô học, chê Lữ Hậu là tàn nhẫn, chê Hán Vũ Đế tin dị đoan; và có nhiều ý mới: đề cao bọn du hiệp, khuyến khích sự làm giàu, ghi chép về kinh tế, núi sông, về các nước láng giềng, chú trọng tới ảnh hưởng của phụ nữ trong việc nước...

Chưa có một sử gia nào mà cảm thông với người trước như ông - ông đặc biệt quí những người có chí lớn mà không gặp vận - tìm hiểu đời họ, đọc sách họ, coi di tích của họ, rồi tưởng tượng nỗi lòng của họ, than thở cho họ. Chưa có một sử gia nào để lộ tấm lòng của mình, những yêu ghét, buồn tủi, uất hận của mình trong văn chương như ông.

Bút pháp đó có hai đặc điểm: lời bình dị, cốt đạt ý - mà cảm xúc triền miên.

Trong thư cho Nhiệm An, ông viết:

“Đời xưa những kẻ giàu sang mà tên tuổi tiêu ma, có biết bao nhiêu mà kể, chỉ những người lỗi lạc phi thường mới lưu danh thôi.”

Đúng là một “dãy dài triển lâm các chân dung” như Chavannes đã nói. Hết thảy gồm non hai trăm nhân vật rải rác trên hai ngàn năm lịch sử, trong đủ các giới, từ những triết gia tới bọn thương nhân, từ những tể tướng tới bọn ẩn sĩ, văn sĩ, từ bọn thầy thuốc, tới bọn thích khách, nịnh thần... Có nhân vật ông chép kỹ hành động như Ngũ Tử Tư, Lữ Bất Vi, có nhân vật ông chỉ ghi tên như vài triết gia trong thiên 74. Đưa cả bọn thầy bói, con buôn, hoạt kê (pha trò) vô sử thì quả thực là một quan niệm mới mẻ và táo bạo. Mà nội cái việc chép tiểu truyện cũng là một sáng kiến ở thời đó nữa. Trước Tư Mã Thiên, có lẽ chưa ai làm công việc ấy, và sau ông, có vô số người bắt chước, chẳng hạn Lưu Hướng (79- 8 trước T.L.) có Liệt nữ truyện, Ban Cố có phần Liệt truyện trong Hán Thư, Hoàng Phủ Mật có Cao sĩ truyện...

(Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê, sđd)

Như đánh giá của nhà văn Lỗ Tấn:

SỬ GIA CHI TUYỆT XƯỚNG, VÔ TẬN CHI LY TAO (TUYỆT XƯỚNG CỦA SỬ GIA, KHÚC LY TAO KHÔNG VẦN).

 

 

VỤ THÁI SƯ LÊ VĂN THỊNH

Tượng Thái sư Lê Văn Thịnh trong đền thở ở Bắc Ninh

Lê Văn Thịnh, 1050-1096?, là người đỗ đầu trong khoa thi đầu tiên của Nho học Việt Nam (1075), được bổ làm quan, ban đầu là thầy dạy học cho vua dần trải qua chức Nội cấp sự lên Binh bộ thị lang (1076) đến chức Thái sư triều Lý (1085). Năm 1084, ông thành công trong việc bàn nghị về việc cương giới với quan nhà Tống, khiến nước này phải trả lại 6 huyện 3 động thuộc châu Quảng Nguyên (nay thuộc Cao Bằng) cho Đại Việt. Tuy nhiên đến năm 1096 thì ông bị  lưu đày rồi mất, sau khi xảy ra "Vụ án hồ Dâm Đàm" (1096).

Vụ án hồ Dâm Đàm:

Sách Đại Việt sử lược (khuyết danh), vào thời Trần, kể lại vụ án như sau:

"Mùa đông, tháng 11, năm Bính Tý (1096), nhà vua (Lý Nhân Tông) xem đánh cá ở Diêu Đàm (hay Dâm Đàm, nay là Hồ Tây, Hà Nội). Lúc bấy giờ vua ngự trong một chiếc thuyền nhỏ, thị vệ theo hầu rất ít. Thái sư Lê Văn Thịnh vốn có mưu gian, nhân cơ hội ấy mới dùng ảo thuật làm khói sương nổi thoắt lên bao phủ cả mặt hồ, ban ngày mà tối tăm mù mịt. Một lát, nhà vua nghe tiếng mái chèo sắp đến gần, vua có ý sợ xảy ra tai biến mới lấy cái mác phóng ra. Khói sương theo cái mác mà tan biến đi thì thấy thuyền của Lê Văn Thịnh đã đến gần, với đồ hung khí. Vua sai người bắt giữ Lê Văn Thịnh lại rồi hạ chiếu đem an trí ở miệt Thao Giang đầu (nay là huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ). Trước kia, trong nhà Lê Văn Thịnh có tên đầy tớ là người Đại Lý (tức Vân Nam, Trung Quốc ngày nay), giỏi làm ảo thuật, Lê Văn Thịnh học được phép của nó. Và, đến đây thì làm phản".

Sau đó, sách Đại Việt sử ký toàn thư, 1697, ra đời vào thời Hậu Lê chép vụ án với vài điểm khác:

"Mùa xuân, tháng 3, năm Bính Tý (1096) Lê Văn Thịnh mưu làm phản, tha tội chết, an trí ở Lương Giang. Bấy giờ vua Lý Nhân Tông ra hồ Dâm Đàm, ngự thuyền nhỏ xem đánh cá. Chợt có mây mù nổi lên, trong đám mù nghe có tiếng thuyền bơi đến, tiếng mái chèo rào rào, vua lấy giáo ném. Chốc lát mây mù tan, thấy trong thuyền có con hổ, mọi người sợ tái mặt, nói: "Việc nguy rồi!". Người đánh cá là Mục Thận quăng lưới trùm lên con hổ, thì ra là Thái sư Lê Văn Thịnh. Vua nghĩ Thịnh là đại thần có công giúp đỡ, không nỡ giết, đày lên trại đầu Lương giang đầu. Trước đấy Lê Văn Thịnh có gia nô người nước Đại Lý có phép thuật kỳ lạ, cho nên mượn thuật ấy toan làm chuyện thí nghịch.

Nội dung kể đại khái là giống nhau. Khác ở thời điểm: ĐVSL kể mùa đông, tháng 11, năm Bính Tý (1096). ĐVSKTT kể mùa xuân tháng 3, năm Bính Tý, 1096. ĐVSKTT có thêm chi tiết rất hoang đường là thấy có hổ trên thuyền và có thêm người đánh cá Mục Thận.

Có người nói vì ông bị nghi kỵ nên bị hạ bệ; có người nói ông là nạn nhân bởi "sự xung đột ý thức hệ giữa Phật giáo (thời ấy được xem là Quốc giáo, mà người đứng đầu là Thái hậu Ỷ Lan và vua Lý Nhân Tông) và Nho giáo (mà đứng đầu là ông) v.v...

Cả hai bộ sử đều ghi thống nhất là Lê Văn Thịnh có gia nô là người Đại Lý, giỏi ảo thuật, ông học được phép từ người này nên có ý phản.

Ta biết là năm 1084, ông từng làm Chánh sứ, thương thuyết với sứ nhà Tống, ông khéo léo biện bác lấy lại được đất 6 châu 3 động vốn bị Tống chiếm trước chiến tranh. Rất có thể tay gia nô Đại Lý này là người của nhà Tống đưa vào để làm hại ông. Nhà Tống vẫn tiếc vụ này từng có thơ rằng:

Nhân tham Giao Chỉ tượng,

Khướt thất Quảng Nguyên kim.

Nghĩa là:

Vì tham voi Giao Chỉ,

Bỏ mất vàng Quảng Nguyên.

(ĐVSKTT, việc trong năm Giáp Tý, 1084)

(Tài biện bác của ông thể hiện như sau:

Năm 1084, Vua Lý đã cử Lê Văn Thịnh, khi đó là Thị lang Bộ Binh dẫn đầu phái đoàn tới trại Vĩnh Bình thương nghị. Vào hội nghị, phía Tống khẳng định, chỉ trả lại những đất quân Tống đã chiếm, còn đất do những người coi giữ mang nộp để theo nhà Tống thì khó trả lại. Lê Văn Thịnh nói: “Đất thì có chủ. Những người coi giữ mang nộp và trốn đi thì đất ấy thành vật ăn trộm của chủ. Việc chủ giao mà tự ý lấy trộm đã không tha thứ được, mà trộm của hay tàng trữ của ăn trộm cũng là phạm pháp. Huống chi nay chúng lại mang đất ăn trộm dâng lên để làm nhơ bẩn nhà Tống”… Ông đã dùng lý lẽ về quyền sở hữu để biện luận. Bên lề hội nghị, ông còn viết thư cho quan cai trị Quảng Tây là Hùng Bản để vận động. Sau khi Hùng Bản làm tờ trình, Tống Thần Tông phải chấp nhận trả cho ta 6 huyện 3 động. Theo TS sử học Quỳnh Cư: “Cuộc đàm phán hòa bình về tranh chấp lãnh thổ do Trạng nguyên Lê Văn Thịnh cầm đầu thắng lợi chỉ xảy ra một lần trong toàn bộ lịch sử mối quan hệ Việt Nam - Trung Hoa thời phong kiến”.

Thái sư Lê Văn Thịnh: Công lao to lớn, án oan ngút trời (congly.vn)

Thật là trùng hợp, người đồng thời với ông, tể tướng Vương An Thạch (1021-1086), đời Tống, cũng chủ trương nhiều cải cách lớn, gọi là tân pháp hay biến pháp, cũng bị giới quan lại thủ cựu chỉ trích, dèm pha. Và cuối cùng phải từ chức.

Tuy nhiên, sai lầm lớn nhất của Vương là xúi giục vua Tống xua quân xâm chiếm Đại Việt để lấy uy với nước Liêu và Tây Hạ (đang có xung đột với Tống ở phía Bắc). Rốt cục quân Tống không những không đánh thắng được Đại Việt, hao binh tổn tướng rất nhiều mà còn bị Đại Việt đem quân đánh phá 3 châu Khâm, Liêm, Ung.( Vương An Thạch nhà Tống cầm quyền chính đem lời tâu với vua Tống, rằng là, nước ta đã bị Chiêm Thành khuấy phá, ngoài ra, dân đông không đầy vạn người, nên có thể theo cái kế trong một ngày là lấy được. (ĐVSL và ĐVSKTT)

 

Từ Lý Nhân Tông đến các đời vua Lý sau này đều không bổ ai làm Thái sư nữa. Mãi đến đời Trần, mới có Thái sư Trần Thủ Độ.

Năm 1042, Lý Thái Tông sai trung thư san định luật lệ, chấn chỉnh cho thích ứng với thời thế, chia ra môn loại, biên thành điều khoản thành sách Hình thư của một triều đại (nay đã thất truyền).

Ngay sau khi ban hành luật, nhà Lý cho ban hành thể lệ chuộc tội: những người già trên 70 tuổi, trẻ con dưới 15 tuổi, người có nhược tật, những người họ nhà vua và người có công nếu phạm tội có thể chuộc tội bằng tiền, trừ khi người đó phạm phải những tội trong thập ác. Nội dung thập ác như sau:

Mưu phản: làm nguy xã tắc

Mưu đại nghịch: làm nguy tông miếu, cung khuyết

Mưu bạn nghịch: nổi loạn theo giặc

Ác nghịch: đánh giết ông bà cha mẹ

Bất đạo: giết người vô tội

Đại bất kính: dùng những đồ dành riêng cho vua, trộm và giả mạo ấn vua

Bất hiếu: mắng chửi hay không để tang ông bà cha mẹ

Bất mục: đánh giết những người thân thuộc gần

Bất nghĩa: dân giết quân, trò giết thầy, lính giết tướng, con giết cha

Nội loạn: thông dâm với họ hàng thân thiết, thiếp của ông hay cha

 

Bộ Hình thư do vua Lý Thái Tông cho ban hành từ năm 1042 đã định rõ nếu phạm tội thập ác sẽ không được miễn thứ hay chuộc bằng tiền. 2 tội mưu phản và đại nghịch là 2 tội xếp đầu bảng. Mắc cả 2 tội này mà Lê Văn Thịnh chỉ bị lưu đày thì quả là lạ. Trước đó năm 1082, quan Chi hậu hoành Nguyễn Ba tư mắc tội mưu phản đã bị xử tội chết. Vậy sao đã biết có ý mưu phản (chỉ cần tội mưu phản là đã phạm tội nặng nhất trong Thập ác của Hình thư) sao không bắt tội ngay mà chờ đến khi có việc mưu sát vua mới bắt tội? Lại nữa, nếu có ý mưu phản thật, hẳn phải biết vua chỉ đi thuyền nhỏ với rất ít thị vệ, ông sẽ chuẩn bị quân đông với đủ vũ khí. Vua bắt được ông dễ dàng thì hóa ra ông không đáng mặt từng là Binh bộ thị lang, từng là Chánh sứ, đòi lại được đất từ nhà Tống, Thái sư đương triều. Sự việc kể có rất nhiều điểm vô lý. Giống như chép lại từ một chuyện kể dân gian.

Nếu cho rằng ông từng là thầy dạy vua và có công lớn với nước, vua Lý Nhân Tông lại nhân từ (như ý của sử gia Ngô Sĩ Liên) nên phạt nhẹ ông thì có phần vô lý. Ta nhớ rằng, trước đó năm 1072 vì nghe lời Ỷ Lan Thái hậu mà vua ra lệnh chôn sống Thượng dương Thái hậu và 72 cung nữ ; còn vào năm Nhâm Tuất 1082, quan Chi hậu hoành là Nguyễn Ba Tư mưu phản bị tội chết (theo ĐVSL, còn ĐVSKTT lại không ghi việc này). Ngoài luật nghiêm khắc, còn là những tranh chấp quyền lực trong cung đình.

Cả 2 bộ sử sớm nhất chép vụ án này (ĐVSL và ĐVSKTT), chép khác nhau ở 3 điểm chính:

­_ Thời điểm:

ĐVSL: mùa đông tháng 11 năm Bính Tý, 1096; ĐVSKTT: mùa xuân tháng 3 năm Bính Tý, 1096.

_ Sự kiện:

ĐSSL: Lê Văn Thịnh có mang đồ hung khí; ĐVSKTT: có thêm người đánh cá Mục Thận quăng lưới chùm lên con hổ tức Lê Văn Thịnh.

_ Nới lưu đày:

ĐVSL: Sông Lương (tức sông Chu, nay thuộc Thanh Hóa); ĐVSKTT: sông Thao (nay thuộc Phú Thọ).

Một sự việc quan trọng mà khác nhau đến 3 điểm. Có vẻ như 2 bộ sử này chép từ các nguồn khác nhau. Ngoài ra, chi tiết trước đó Lê Văn Thịnh đã có ý làm phản, nay thì lộ rõ và việc có nuôi tên gia nô người Đại Lý biết phép thuật, Lê Văn Thịnh học phép từ tên này là chi tiết có vẻ như được gán ghép thêm để củng cố mưu đồ làm phản chứ không phải là một sự kiện có thật.

Vậy có thể Thái sư Lê Văn Thịnh chỉ bị tội nhẹ nên mới bị đày. Ông bất mãn vì việc gì? Hay là năm 1088 phong cho sư Khô đầu làm quốc sư, cùng Tể tướng xét việc trên điện nên ông thấy mình bị giảm bớt quyền lực. Hay vua và Thái hậu Ỷ lan quá sùng mộ Phật giáo, cho xây nhiều chùa chiền, lại cho nhiều sư tăng tham gia triều chính khiến phái Nho học bị yếu thế?

Chỉ là sự kiện ông bị đi đày, nhưng không có tài liệu nào ghi chép, nên các sử gia đời sau phải thêm thắt ra vụ án cho có vẻ hợp lý ?

Tài liệu nguồn không thống nhất, thêm việc trong cung cấm mà không chép rõ thì dễ bị ngoa truyền.

Triều Lý Nhân Tông được coi là thời thịnh trị nhất của triều Lý. Vua thông hiểu Phật pháp, còn là người văn võ song toàn. Ông cũng là đời vua cai trị dài nhất trong lịch sử quân chủ xưa: 56 năm, từ 1072 đến 1127. ĐVSKTT ghi nhận: “Vua trán dô, mặt rồng, tay dài quá gối, sáng suốt thần võ, trí tuệ hiếu nhân, nước lớn sợ, nước nhỏ mến, thần giúp người theo, thông âm luật, chế ca nhạc, dân được giàu đông, mình được thái bình, là vua giỏi của triều Lý. Tiếc rằng mộ đạo Phật, đó là điều lụy cho đức tốt”.

 

Dreyfus được Émile Zola kêu oan. Tư Mã Thiên được triều Vương Mãng giải oan. Danh thần Nguyễn Trãi được vua Lê Thánh Tông giải oan. Thái sư Lê Văn Thịnh mãi mãi mang tiếng oan là mưu giết vua. Các đời sau không ai nhắc gì đến ông cả. Vụ án của ông mãi mãi chìm lấp trong sương mù hồ Dâm Đàm.

Nhờ cách viết như thông sử của Tư Mã Thiên, mà chúng ta biết lịch sử của một đất nước không chỉ có vua chúa, vương hầu khanh tướng mà còn có tuần lại (quan tốt như Tây Môn Báo đả phá thói mê tím dị đoan của cả một vùng), khốc lại (quan xấu), còn có du hiệp mà giờ gọi là giới giang hồ, còn có thích khách (như Nhiếp Chính, Kinh Kha) hay giờ gọi là sát thủ, còn có thầy bói, thầy thuốc, anh hàng thịt với tiếng sáo mê ly Cao Tiệm Ly), anh hề, những thương gia đại tài (như tướng công Phạm Lãi với danh xưng Đào Chu công)…

Cả VSL và ĐVSKTT là sử biên niên, nên sự việc chỉ ghi vắn tắt theo dòng thời gian, đã vậy vài sự kiện quan trọng như vụ Thái sư Lê Văn Thịnh lại được ảo hoá qua trò phép thuật của tên gia nô Đại Lý. Sự thật còn biết đâu mà lần.

 

Tháng 7.2022

NTH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết