Cậu Tám Cung

Viết về một người mình đã từ lâu không gặp gỡ thật là khó. Vì phải lục lọi các chi tiết mờ nhạt từ những ngóc ngách hẹp nhỏ, ngoằn ngoèo của kí ức.

Nhưng thật là thiếu sót nếu không có đôi dòng cho một nghệ sĩ, một đàn anh, một bậc cha chú, một người đã một thời cùng làm việc với Kim Sơn, góp phần rất lớn làm nên tên tuổi Kim Sơn:  Họa sĩ-Điêu khắc gia Phạm Cung, người vừa qua đời ở tuổi 85 tại nhà riêng ở Sài Gòn.

 

Ông Phạm Cung là cậu ruột của bạn học tôi, anh Cao Văn Vĩnh , vì thế tôi cũng gọi ông bằng cậu, như bạn tôi vẫn gọi. Tôi biết ông khi Cao Vĩnh đưa đến nhà ông chơi, không phải để giới thiệu tôi với cậu, mà ngược lại, để giới thiệu tôi với những vật dụng xinh xắn, đa năng trong một ngôi nhà nhỏ ở 26 Trần Cao Vân, Sài Gòn, do chính chủ nhân thiết kế và thực hiện - những chiếc kệ, tủ, giường đóng từ các mảnh ván ép cũ của Mỹ bỏ lại. Lúc đó vào khoảng 1980-1990, thời khó khăn của mọi người, mọi nhà.

Do biết tài năng của ông nên khi lập xưởng Mỹ nghệ Đá Kim Sơn, mấy anh em đã tìm đến nhà ông để mời cộng tác. Dĩ nhiên là chúng tôi đã nhận được một cái gật đầu thật là mau mắn, một cái ừ thật là nồng nhiệt.

Sau đó, do phải thường xuyên đi ra Trung, ra Bắc để tìm kiếm nguyên liệu đá cho xưởng nên tôi ít khi có dịp gặp ông, nhưng tác phẩm của ông thì thấy nhiều.

Thời ấy, đá mà MNKS sử dụng quanh quẩn chỉ có vài thứ: Pagodite, Diệp thạch núi lửa Thủ Đức, Sa thạch Tam Bố và Serpentine- một loại đá Talc có sợi thô lấy vùng Phước Sơn, Tam Kỳ Quảng Nam.

Bình, dĩa, triện, hộp, tượng… đa số làm từ Pagodite, vốn mịn màng về da thịt và sáng sủa về màu sắc, nhưng dường như ông không mặn mà gì lắm. Ông hay nói: thứ này là bột chứ có phải là đá đâu, cho tao làm cái gì cho giống đá chút đi! Nghe ông nói vậy, chúng tôi mừng rơn, và thế là từ ấy các sản phẩm của KS, từ nguyên liệu thô đến bán thành phẩm, cái nào mà chai cứng, sần sùi, xấu xí-vốn là những thứ anh em nghệ nhân khác rất ngán khi đụng tới, là chúng tôi trút hết cho ông! Và chúng tôi cũng không ngờ rằng những khối đá xấu tướng, thô ráp ấy- Sa thạch tím Tam bố, Serpentine lục xám, qua bàn tay tài hoa của ông đã nhập thần, hóa kiếp thành các thiếu nữ thanh tân, những hảo hán phong trần mà sau này chúng ta vẫn hay thấy xuất hiện trên tranh sơn dầu và tượng đồng, tượng gốm của ông.

 

Tranh, tượng của HS Phạm Cung dưới tầm nhìn hạn hẹp của dân ngoại đạo như tôi, có lẽ khó bị nhầm lẫn với bất kỳ họa sĩ hay điêu khắc gia nào. Thiếu nữ có lẽ là đề tài ông yêu chuộng, vì chiếm tỉ lệ rất cao trong kho tàng tranh sơn dầu của ông. Họ, các thiếu nữ  luôn thật mềm mại, uyển chuyển, tươi sáng, rực rỡ và gần như trong suốt trong lớp voan mỏng đủ dầy để che dấu da thịt trinh nguyên, nhưng vẫn cứ gần, cứ xa, mờ mờ, tỏ tỏ, hư hư, thực thực trong cõi mộng đan xen cõi người.

Ngược lại, tượng của ông gần như không bao giờ ta thấy lại sự mượt mà, tinh tế như trong tranh vẽ. Đề tài hầu hết là chân dung bằng hữu, những nhà thơ, nhà văn, nhà chính trị nổi tiếng mà ông ngưỡng mộ hoặc quen thân như Pham Duy, Bùi Giáng, Tạ ký, Ngô Đình Diệm…Họ, dưới tay ông đều thô ráp như cái chất liệu sần cứng của đá ông yêu thích ngày nào. Nhưng dù hiền hậu, chân chất, điềm tĩnh hay ngang tàng, tất cả tượng ông làm luôn có cái thần khí thật sự của nhân vật ông miêu tả.

Nhưng nói như thế là chưa đủ, vì thật sự trong mảng tranh, bên cạnh các thiếu nữ khỏa thân hay ăn mặc kín đáo, vẫn gặp lác đác các hình ảnh khác. Có thể là bà mẹ già, em bé, thiếu phụ hoặc hiếm hoi hơn là những gã đàn ông. Và ở đây, trong mảng đề tài hẹp này, họ không còn vô tư, phơi phới, mơ mộng nữa. Thay vào đó là những nét ưu tư, khoắc khoải, âu lo, chờ đơi, hy vọng hay có khi dữ dội hơn, là nét cuồng nộ, phẩn uất trước một thế lực đen tối nào đó.

Như vậy đó, tuy không được nói chuyện nhiều, làm việc, sống nhiều với ông Phạm Cung, người mà anh em Kim Sơn vẫn hay gọi bằng một đại từ thân mật gần gũi: Cậu Cung hay Cậu Tám, nhưng qua những gì thấy được trong tranh, tượng ông đã sáng tác, tôi vẫn cảm nhận được trong con người của ông cái hy vọng, mơ mộng, yêu đời vốn bảng lãng trong màu sắc tươi sáng của y phục, dịu hiền trên khuôn mặt, tân kỳ trong vóc dáng của những thiếu nữ thanh xuân; xen lẫn với những ưu tư trước thời cuộc, những đau khổ trước những nổi đau con người, của dân tộc mà thế hệ của ông đã chứng kiến, nếm trải suốt cuộc đời.

Những dòng hồi ức này được viết vào ngày mà Họa sĩ-Điêu khắc gia Phạm Cung- Cậu Tám- Cậu Cung, đã thực sự trở thành tro bụi, trở lại với sự khởi đầu của mọi sinh thể như chúng ta vẫn quan niệm. Ông sẽ lại hóa thân làm hạt phần màu, khối đá, hay vụn đồng vốn là chất liệu gắn bó với ông, đi với ông gần hết tuổi người, hay lại trở thành một nghệ sĩ tương lai khác, để làm nốt cái chưa làm xong trong kiếp này, để tung tăng cho thật đầy đặn những giấc mơ ông chưa bay trọn.

 

TK-Trọng Kim, 9/12/2020

 

Kèm theo bài viết là thủ bút của cậu Tám, ghi tên các bức tượng, tranh mà tôi ngỏ ý mượn của cậu cách nay gần 20 năm để giới thiệu trong một trang web của MNĐKS. Việc giao dịch mua bán trên web bất thành, trang web đã hủy từ lâu, nhưng các tấm ảnh này rất may mắn là tôi vẫn còn lưu giữ. Nay xin được trưng ra đây để chúng ta cùng chiêm ngưỡng lại.

[Xin xem một số bức ảnh chụp tác phẩm của Cậu Tám (Kim còn lưu giữ ) ở mục "BÀI VIẾT LIÊN QUAN"]

 

 

 

  


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết