TÁO KHUYẾT VÀ TRĂNG KHUYẾT

TÁO KHUYẾT VÀ TRĂNG KHUYẾT

In one sense nothing was lost; only the dead had died. Byzantium had finished its role, and yielded its place, in the heroic and sanguinary, noble and ignominious procession of mankind.

Theo một nghĩa nào đó, không có gì mất đi, chỉ có người chết thì đã chết rồi. Byzantium kết thúc vai trò và nhường vị trí của mình, trong tiến trình thấm đẫm hùng ca và tàn bạo, cao quý và ô nhục của nhân loại.

(Will Durant, The Story of Civilization VI: The Reformation)

 

Nhìn trái táo khuyết là biết ngay cái gì rồi. Biểu tượng của hãng công nghệ Apple lừng danh toàn cầu. Cầm cái điện thoại thông minh có hình táo khuyết ở mặt lưng là mơ ước của nhiều người. Mà tại sao lại táo khuyết. Tròn không đẹp hơn sao. Tròn là đầy đủ, trọn vẹn. Khuyết là thiếu thốn một cái gì. Vậy mà khuyết mới nổi danh. Lạ thay.

Rob Janoff cho biết, khi thiết kế logo của Apple, Steve Jobs  không gửi yêu cầu cụ thể cho ông. Lý do quả táo của Apple có vết cắn dở là để tạo ra sự nhận biết. Vết cắn sẽ là thước đo giúp người xem nhận biết đó là quả táo to, giúp logo không bị nhầm lẫn thành quả anh đào bé dù xuất hiện ở kích thước nhỏ.

Lý do rất đơn giản. Không cầu kỳ, hoa lá, không ý nghĩa cao siêu gì cả. Tính thiết thực của người Mỹ.

Trăng khuyết là hình ảnh trên lá quốc kỳ của Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài vầng trăng khuyết còn có hình ngôi sao. Đây là hình ảnh có từ thời đế quốc Ottoman hùng mạnh thống chế toàn vùng Tiểu Á, Đông Âu và Bắc Phi suốt 6 thế kỷ .

Lịch sử quốc kỳ của Thổ lại có nhiều giả thuyết khác nhau:

Trăng khuyết là biểu tượng của đạo Hồi. Trăng khuyết và ngôi sao cũng là biểu tượng của Đế quốc Ottoman. Trăng khuyết có nguồn gốc từ Trung Á và dân tộc Siberia, nơi tôn thờ mặt trăng, mặt trời. Huyền thoại kể rằng Osman, người khai sinh đế quốc Ottoman, nằm mơ mặt trăng mọc lên từ ngực một vị thần và chìm vào lòng Osman. Rồi từ rốn của ông, cây mọc lên và phủ bóng che cả thế giới. Dưới bóng cây, thế giới lan rộng và được vầng trăng khuyết che chở.

Theo một thuyết khác, nữ thần Hy lạp Diana dùng các biểu tượng trăng khuyết và sao, còn màu là màu của thành phố Byzantium, sau là Constantinople. Vào thế kỷ IV TCN, hình trăng khuyết và sao đã được khắc trên đồng bạc và tấm khiên của Byzantine. Triều Ottoman chiếm Thổ nhĩ kỳ vào năm 1299, nhưng đến 1453, họ mới thêm hình trăng khuyết và sao vào lá cờ có màu xanh. Đến 1793, đổi màu cờ từ xanh sang đỏ và sau 1840, đổi ngôi sao 8 tia thành 5 tia.

(www.edarabia.com)

Đế quốc Ottoman từng là một cường quốc hùng mạnh nhất và tồn tại lâu dài nhất trong lịch sử thế giới. Lãnh thổ của họ gồm Trung Đông, Đông Âu và Bắc Phi, kéo dài trong 600 năm. Lãnh tụ của họ, gọi là Sultan, có quyền lực tuyệt đối cả chính trị và tôn giáo. Trong khi châu Âu xem họ là mối đe dọa thì nhiều sử gia xem họ là thế lực ổn định và an toàn, đạt những thành tựu quan trọng về nghệ thuật, khoa học, tôn giáo và văn hóa.

 

Tất cả các nguồn sử liệu đều gọi là Đế quốc Ottoman (Ottoman Empire). Chỉ riêng sử gia Will Durant lại gọi là Thủy triều Ottoman (Ottoman Tide). Có lẽ những cuộc xâm lăng của họ ví như những cơn thủy triều, những làn sóng không ngừng tràn tới , nuốt chửng tất cả, cuốn phăng tất cả. Nuốt hết những gì trên đường đi của nó.

(Xem: The Story of Civilization VI The Reformation, Chapter IX, The Ottoman Tide)

Táo khuyết, một đế chế công nghệ, một biểu tượng thành công từ hình ảnh cái gì đó dở dang, khiếm khuyết, không trọn vẹn.

Trăng khuyết, một đế quốc hùng mạnh bậc nhất, một vương triều tồn tại lâu nhất, để lại nhiều ảnh hưởng sâu xa trong các lãnh vực khoa học, y học, văn học, nghệ thuật với biểu tượng cũng là hình ảnh chơi vơi, chưa đầy đủ. (Bộ công cụ giải phẫu mà ngày nay vẫn còn sử dụng chính là phát minh của thời Ottoman: kẹp, ống thông đường tiểu, dao mổ, kềm và dao chích (forceps, catheters, scalpels, pincers and lancets).

 

Dĩ nhiên, táo khuyết không bao giờ đầy được. Nên nó sẽ luôn muốn thay bằng trái táo khác nguyên vẹn. Cho nên đế chế Apple luôn đổi mới, sáng tạo không ngừng. Khi chiếc điện thoại Iphone với màn hình cảm ứng ra đời, cả thế giới công nghệ rúng động, đẩy chiếc điện thoại Nokia huyền thoại lùi vào dĩ vãng.

Trăng khuyết rồi có khi đầy. Vì thế mà đế chế hay thuỷ triều Ottoman mới trở thành đế quốc hùng mạnh nhất và lâu dài nhất trong lịch sử nhân loại. Cho dù trên đường nó đi hay trong những làn sóng lan xa, đầy vinh quang và máu, cao quý và ô nhục. Khi  triều Ottoman chiếm được Constantinople, khắp châu Âu rúng động. Constantinople chính là bức tường thành che chở cho châu Âu khỏi thế lực và niềm tin Hồi giáo từ châu Á tràn sang, nơi mà các đội quân Thập tự chinh thay nhau dồn đến để bảo vệ cho thế giới Thiên chúa, bức tường ấy nay không còn nữa.

Trích dịch phần III trong chương IX nói trên:

NHỮNG NĂM CUỐI CÙNG CỦA THÀNH CONSTANTINOPLE 1373-1453

(Constantinople nay là Istanbul, kinh đô của Thổ nhĩ kỳ, xưa là kinh đô của Đế quốc La Mã (330–395), của Đế quốc Byzantine/Đông La Mã (395–1204 và 1261–1453), của Đế quốc La Tinh (1204–1261) và của Đế quốc Ottoman (1453–1922). )

Không nhà cầm quyền nào đáng bị sụp đổ như Byzantine. Mất ý chí tự vệ, không thuyết phục được người Hy lạp tinh khôn rằng nó đáng yêu, nó cao quý để chết cho quê hương, nó không gởi quân tham gia đội quân Thiên chúa ở Maritsa, Kosovo hay Nicopolis. Nó cung cấp 11.000 quân cho Sultan năm 1379; và nó là đội quân Byzantine mà theo lệnh John VII Palaeologus, ép buộc thành phố Philadelphia thuộc Byzantine thuộc Tiểu Á, phải đầu hàng người Thổ năm 1390.

Khi Bajazet (con trai của Murad I, quốc vương thứ ba của đế quốc Ottoman) tái vây hãm Constantinople (1401), đế quốc Byzantine buộc phải đầu hàng, Bajazet đã chế ngự cả vùng biển Marmora, kiểm soát Dardanelles, cai trị gần hết Tiểu Á và giúp đi lại an toàn giữa các kinh đô Á và Âu.

Giờ phút cuối cùng hình như đã điểm với thành phố bị bao vây. Những người Hy lạp chết đói quỵ xuống dưới các bức tường, đào ngũ sang phía người Thổ để kiếm cái ăn. Bỗng nhiên từ Hồi giáo phương Đông, một vị cứu tinh xuất hiện làm tiền đồn cho người Thiên chúa. Timur the Lame (Thiếp Mộc Nhĩ, hoàng đế Mông cổ) hay Tamerlane Đại đế, nhất quyết chế ngự thế lực Ottoman xấc xược đang lớn mạnh. Trong khi các bộ lạc Tatar tiến về phía Tây, Bajazet bỏ vòng cây Constantinople, vội vàng tái tập hợp lực lượng ở Anatolia. Người Thổ gặp người Tatar ở Ankara (1401); Bajazet bị đánh bại và bị bắt. Thủy triều Thổ nhĩ kỳ rút xuống trong một thế hệ. Có vẻ như cuối cùng Chúa đã ở về phía người Thiên chúa.

Dưới sự cai trị khôn ngoan của Manuel II, Byzantium khôi phục phần lớn Hy lạp và Thrace. Nhưng Mohammed I tái tổ chức quân đội Thổ với Murad II cầm đầu, và sau một thất bại quan trọng là những chiến thắng lớn lao. Người Hồi giáo vẫn hào hứng tin rằng tử vì đạo là được lên Thiên đàng dù chẳng có Thiên đàng nào và chẳng có tiên nữ nào, họ vẫn vô tư xem con gái Hy lạp là đẹp tuyệt vời. Mà người Thiên chúa thì không vô tư như thế.

Công giáo Hy lạp ghét Công giáo La mã và ngược lại.

Khi người Venice săn đuổi và tàn sát người Công giáo Hy lạp vì không chịu thừa nhận nghi lễ La mã và tôn sùng Giáo hoàng, Giáo hoàng Urban V đã là người theo chủ nghĩa nhân văn khi chúc mừng viên tổng trấn vì đã bảo vệ một Giáo hội thực sự. Giới tu sĩ cấp thấp chiếm đa số ở Byzantium đã không chấp nhận mọi nỗ lực nhằm tái hợp Thiên chúa Latinh và Hy lạp; và một nhà quý tộc Byzantine đã tuyên bố thà gặp người Thổ quấn khăn xếp hơn là gặp vị hồng y mũ đỏ La mã. Hầu hết các nước Balkan đều ghét láng giềng của họ hơn là ghét người Thổ và một số còn muốn quy phục Hồi giáo, vì đánh thuế thấp hơn cả giới cai trị Thiên chúa, ngược đãi dị giáo ít hơn hoặc không hề, và cho phép có bốn vợ.

Năm 1422, Murad II lại tấn công Constantinople. Một cuộc nổi dậy ở Balkan buộc ông phải bỏ dở cuộc bao vây và John VIII Palaeologus được phép cai trị trong không khí tương đối hoà bình với điều kiện cống nạp hàng năm cho người Thổ. Murad tái chinh phục Hy lạp, Salonika và gần hết xứ Albania. Serbia dưới quyền George Brankovic kháng cự anh dũng; một đội quân hỗn hợp Serbia và Hungaria dưới quyền Hunyady Janos đánh bại Murad ở Kunovitza (1444), và Brankovic cai trị Serbia đến năm 90 tuổi (1456). Sau những chiến thắng ở Varna và sau trận chiến thứ hai ở Kosovo (1448), Murad ký thỏa ước hoà bình với với Hoàng đế Constantine XI Palaeologus rồi nghỉ hưu ở Adrianople tới khi qua đời (1451).

Mohammed II, biệt danh nhà Chinh phục, lên ngai vàng Ottoman năm 21 tuổi. Ông thừa nhận hiệp ước với Constantine, đưa cháu là Orkhan vào triều đình Constantine (có thể là làm gián điệp).

Khi một thế lực Hồi giáo khác thách thức quyền lực của ông ở Tây Á, Mohammed xua quân băng qua eo biển, để lại các vùng đất châu Âu dưới quyền ông cho Vizier Khalil Pasha chịu trách nhiệm, ngờ là thân hữu với Byzantium.

Constantine can đảm có thừa nhưng thiếu khôn ngoan; ông báo cho Vizier rằng trừ phi tiền công chăm sóc cháu Mohammed tăng gấp đôi, còn không Orkhan sẽ phải đứng ra đòi hỏi ngai vàng Ottoman. Rõ ràng Constantine nghĩ rằng cuộc bạo loạn ở châu Á là cơ hội làm suy yếu người Thổ. Nhưng ông đã lơ đễnh không bảo đảm cho các đồng minh ở phía tây cũng như các đường liên lạc về phía nam. Mohammed dựng nền hoà bình với các kẻ thù của Hồi giáo và với Venice, Wallachia, Bosnia, Hungaria. Ngược về châu Âu, ông dựng lên một thành trì vững chắc ở Bosphorus bên trên Constantinople, từ đó bào đảm việc đi lại thông suốt giữa các đại lục và kiểm soát được mọi việc buôn bán vào Biển Đen. Chỉ trong 8 tháng ông đã tập trung đủ nhân vật lực.

Ông thuê thợ đúc súng Công giáo đúc những khẩu đại pháo lớn nhất chưa từng biết đến bắn những viên đạn đá nặng tới 600 pound (272kg). Tháng 6.1452, ông tuyên chiến, khởi sự cuộc vây hãm cuối cùng thành Constantinople với 140.000 quân. Constantine chỉ huy kháng cự trong tuyệt vọng. Ông trang bị cho 7.000 quân của mình bằng pháo nhỏ, thương, cung tên, đuốc và súng thô sơ bắn đạn chì nhỏ như quả hồ trăn. Chỉ ngủ vài giấc ngắn, hàng đêm ông giám sát việc sửa chữa các bức tường hư hỏng ban ngày. Dẫu sao thiệt hại ngày càng chồng chất trước những vũ khí tối tân hơn của người Thổ; giờ là lúc chấm dứt thành trì phòng thủ thời trung cổ.

Ngày 19.5, quân Thổ chiến đấu mở đường qua một con hào đầy xác quân địch, tràn qua những bức tường vào thành phố đang sợ hãi. Tiếng kêu gào của người hấp hối chìm trong tiếng kèn trống vang lừng.

Người Hy lạp cuối cùng tìm được sự can đảm, vị hoàng đế trẻ hiện diện khắp nơi trong những điểm nóng và những nhà quý tộc vây quanh chết để bảo vệ cho ông. Bị người Thổ vây, ông gào lên, “Không tìm được người Thiên chúa nào cắt đầu ta sao?” Ông ném vũ khí hoàng gia, chiến đấu như người lính bình thường, biến mất trong đám quân nhỏ hỗn loạn, và không bao giờ còn nghe gì về ông nữa.

Phe chiến thắng tàn sát hàng ngàn người, cho đến khi mọi kháng cự đều ngừng lại. Rồi họ bắt đầu cuộc cướp bóc khắp mọi nơi mà từ lâu đã là bản chất cho mọi nỗ lực của họ.

Những ai trưởng thành đều bị xem là phần thưởng, cả nữ tu cũng bị cưỡng hiếp trong cơn cuồng loạn; cả chủ tớ Thiên chúa đều bị cắt xén quần áo để chỉ tình trạng của họ, thấy mình bỗng giống như tên nô lệ. Cướp bóc không hẳn là không kiểm soát được, khi Mohammed II thấy một người Hồi giáo ngoan đạo phá hủy lề đường lát cẩm thạch ở St. Sophia, ông vung thanh đại đao hoàng gia chém y, tuyên bố rằng mọi công trình đều được dành riêng cho Sultan chiếm đoạt. St. Sophia được tu sửa thành thánh đường Hồi giáo, mọi dấu hiệu Thiên chúa đều bị gở bỏ, các tranh khảm bị sơn trắng xóa chìm vào quên lãng trong 500 năm.

Vào đúng ngày thành phố sụp đổ hay là ngày Thứ Sáu kế tiếp, một tu sĩ Hồi giáo trèo lên ngọn tháp cao nhất của Hagia Sophia, kêu gọi người Hồi giáo tập hợp cầu nguyện cho chiến thắng của thánh Allah. Mohammed II cử hành thánh lễ Hồi giáo trong cung thánh danh tiếng nhất của Thiên chúa giáo.

Việc chiếm đóng Constantinople gây sốc khắp các triều đình châu Âu. Bức tường thành đã đổ sập, bức tường đã che chở châu Âu khỏi châu Á suốt hàng ngàn năm. Sức mạnh và niềm tin Hồi giáo mà các cuộc Thập tự chinh hy vọng đẩy lùi sâu vào trong châu Á giờ đang trên đường bước qua xác Byzantium, và qua Balkan đến tận cửa ngõ Hungaria. Thể chế Giáo hoàng, mơ tưởng việc mọi Thiên chúa Hy lạp khuất phục trước sự cai trị của La mã, tuyệt vọng nhìn thấy sự hoán cải nhanh chóng hàng triệu người Đông Nam Âu thành Hồi giáo. Con đường giao thương từng mở cửa cho những con tàu Tây phương giờ nằm trong tay những kẻ xa lạ hoặc bị bịt kín trong tiếng chuông hoà bình hay đóng lại trong tiếng súng chiến tranh.

Nghệ thuật Byzantine, bị trục xuất khỏi quê hương, tìm được nơi trú ẩn ở Nga; trong khi ở Tây phương ảnh hưởng của nó biến mất với niềm kiêu hãnh. Các học giả Hy lạp di cư sang Ý và Pháp, đã bắt đầu từ năm 1397, giờ càng lúc càng gia tăng, đơm hoa nước Ý thành nơi cứu rỗi cho văn minh Hy lạp xưa.

Theo một nghĩa nào đó, không có gì mất đi, chỉ có người chết thì đã chết rồi. Byzantium kết thúc sứ mệnh và nhường vị trí của mình, trong tiến trình đầy vinh quang và máu, cao quý và ô nhục của nhân loại.

Theo quan điểm của Will Durant, cuối thế kỷ 14, học giả Hy lạp, sau khi Byzantine bị Ottoman chiếm đóng, đã di cư sang Ý và Pháp, đem theo văn minh Hy lạp nở hoa ở Ý. Và như thế, thời Phục hưng ở Ý chỉ là sự tiếp nối văn minh Hy lạp. Còn nghệ thuật Byzantine tìm đường lưu lạc sang Nga cho nên kiến trúc giáo đường ở Nga mang hơi hướng nghệ thuật Thiên chúa của Byzantine.

Ông cũng phần nào đó, chỉ trích Công giáo và khoan dung với Hồi giáo vì Hồi giáo ít hay không hề ngược đãi dị giáo, cũng như đánh thuế thấp hơn các nhà cầm quyền Công giáo.

Nhưng ẩn sau những điều tưởng như tốt đẹp ấy, Will Durant không thiếu mỉa mai với mặt trái của những nền văn minh: khi Mohammed II vung đao chém một người Hồi giáo ngoan đạo vì tội phá hủy lề đường lát cẩm thạch ở St. Sophia, ông ta tuyên bố rằng mọi công trình chỉ dành cho Sultan chiếm đoạt. Và sau khi chiếm thành đoạt đất, cướp bóc, giết chóc, hãm hiếp, diễn ra khắp nơi vì nó là bản chất của mọi cuộc chinh phục.

Và ta hiểu được vì sao Hồi giáo lan truyền đến các nước Đông Âu và Bắc Phi. Làn sóng thủy triều Ottoman lan đến đâu, Hồi giáo theo đến đó và nó được đón nhận với những lý do như đã nói trên.

 

Tháng 7.2022

NTH

 

 

 

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết