Thành Diên Khánh và Tháp Bà Nha Trang (Kỳ 3/4)

SƠ LƯỢC VỀ THÁP BÀ

Những ghi chép đầu tiên về Tháp Bà là của Jean Yves Claeys, thành viên trường Viễn Đông Bác Cổ , trong tạp chí BAVH tập XXI, 1934.

Ở gần cửa con sông nhỏ đổ ra vịnh Nha Trang đã đột khởi một ngọn đồi nhỏ, mà ngày xưa đó là một bán đảo. Một trong những vùng kiều dân Ấn Độ đầu tiên đã định cư ở đó, vùng ấy có một hải cảng thống ngự, một thần tính do các kiều dân ấy mang đến; có nhiều đền tháp liên tục, mỗi lần trùng tu có nhiều sự săn sóc hơn một ít, và cuối cùng đã tạo nên một nhóm tháp đồ sộ thờ Pô Nagar. Vị thần chính thờ trong tháp đó, là một tượng nữ thần Umâ lộng lẫy có mười cánh tay, nhận được một sự thờ cúng nhiệt cuồng, đã tập hợp với nhiều người Annam, có người Malabare và những người Chăm chính thống lại trước bàn thờ thần. Ngay cả việc có một hội đồng thanh tra của người Chăm đã tồn tại, ban ngày vẫn còn có nhiệm vụ kiểm soát định kỳ xem sự thờ phụng có còn thực hành một cách sùng kính không. Thực ra đền tháp và thần tính đã bị đem bán đúng thủ tục cho người thắng trận vào lúc đế quốc Chămpa bị chia manh xẻ mún bởi người chiến thắng rồi.

Những thần linh cổ đại của đền tháp này đã chịu những nổi khổ thảm hại, như là sự cướp phá do người Mã Lai thực hiện vào năm 774, trong tiến trình cướp phá đó thì pho tượng bằng vàng đẹp nhất đã bị nấu chảy để đúc thành nhiều thoi vàng.

Theo các văn bia để lại dẫn theo Nguyễn Đình Tư (nt):

… hiện nay chỉ còn 4 ngôi tháp. Tháp chính là Poh Nagar (nghĩa là bà chúa một xứ, đây là xứ Kauthara) nằm về phiá bắc cao 23 thước và lớn nhất, trong tháp có tượng bà Thiên Y A Na. Tháp do ông Padro, thượng thư của vua Harivarman trông coi xây cất vào năm 817… Tháp bên phải thấp và nhỏ hơn, thờ ông bà tiều phu cha mẹ nuôi bà Thiên Y. Tháp phía nam nhỏ bé có cửa ván đóng kín, thờ hai con của bà. Phía sau tháp chính là tháp thứ tư, thờ thái tử Bắc hải. Phía sau còn dấu tích 2 ngôi tháp khá lớn đã bị đổ nát. Ngoài ra còn có 2 bia đá khắc chữ Hán do ông Phan Thanh Giản dựng ngày 20.5 năm Tự Đức thứ 9 (1856) kể sự tích bà Thiên Y A Na.

Cứ theo Nguyến Đình Tư thì Tháp Bà không thờ thần linh của người Chàm mà thờ thần và người đất Việt !

Bác sĩ Trần Văn Ký có một bài khảo cứu công phu về Tháp Bà. Ghi lại ở đây vài nét chính:

Tháp có 3 tầng, tầng 1 là tháp cổng nay không còn, tầng 2 gồm hai hàng cột lớn hình bát giác (mổi bên 5 cột), hai hàng cột nhỏ (mỗi bên 6 cột). Tầng trên cùng là các tháp chính. Giữa cá tầng có các bậc thang bằng đá nhưng hiện không sử dụng. Bậc thang đá ong phía nam tháp xây dựng vào những năm 60 thế kỷ trước do nhu cầu du lịch.

Ở tầng trên, có hai dãy tháp được bao quanh bởi bốn bức tường đá mà nay chỉ còn lưu lại tường phía tây và nam mà thôi. Dãy tháp phía trước chỉ có 3 ngôi, và dãy phía sau vốn có dấu vết của 3 ngôi tháp khác, thế nhưng nay chỉ còn một. Tháp thờ chính khá lớn và cao khoảng 23 thước, là tháp Po Nagar, mà ta hay gọi là tháp Bà. Nguyên thủy chính là tháp thờ thần Nagar, mà ta hay gọi là tháp Bà. Nguyên thủy chính là tháp thờ thần Parvati, vợ của Shiva (hay Xiva).

Trên các bia ký lưu lại ở tháp, nếu ghi bằng chữ Phạn cổ thì tên của Bà là Bhagavati Kautharesvati, và ghi bằng chữ Chàm thì gọi đầy đủ là Yang Po Inư Nagar, theo đó thì "Yang" là Thần; "Pô" là tôn kính, là ngài; Inư là mẩu, là mẹ; và Nagar: xứ sở, đất nước.

Tượng thờ của thần Po Nagar thực ra cứ bị quân xâm lăng tàn phá hoặc đánh cắp mãi. Bia đá ở tháp Bà còn ghi năm 918 vua Indravarman II dựng pho tượng Bhagavati (tức Po Nagar) bằng vàng; pho tượng này về sau bị người Chân Lạp (Khmer) xâm lăng cướp đi vào năm 950, và đã được thay thế bằng tượng bằng đá. Năm 1203 tháp Po Nagar lại bị quân Chân Lạp chiếm đóng tàn phá lần nữa, và 7 năm sau vua Paramesvaravarman II mới giải phóng được Chiêm thành cho trùng tu lại. Nhưng rồi loạn lạc vẫn tiếp diễn liên miên, cho đến gần đây pho tượng Bà vốn được tạc từ gỗ trầm hương, lại bị người Pháp cướp đi vào năm 1946, về sau được dân địa phương thay thế bằng một tượng khác mang màu sắc Việt, còn được gọi là Thánh mẫu Thiên Y A Na.

Bên cạnh tháp chính về phía nam khoảng 20 thước là một ngôi tháp khác bé và ít trang trí điêu khắc hơn, cao chừng 12 thước, có lẻ là tháp thờ thần Shiva. Cách ngôi này cũng về hướng nam là một tháp còn nhỏ hơn.ngôi thứ hai. Bên trong tháp không có bệ thờ mà chỉ có một linga (thạch trụ), và đây là tháp thờ thần Ganesa, thân người đầu voi, con của Shiva. Nhiều tác giả cho rằng linga là linh tượng có hình thù dương vật tượng trưng cho Shiva, dựa theo sự diễn dịch của Tây phương hơi thiên về tình dục. Điều này là một sự ngộ nhận đáng tiếc. Thực ra linga tiêu biểu là một trụ đá thấp có ba phần khác nhau tượng trưng cho ba linh thể: phần dưới là hình vuông tượng trưng cho Brahma, phần giữa hình bát giác tượng trưng cho Vishnu, và phần trên cùng hình tròn tượng trưng cho Rudra (hay còn gọi là Shiva). Vì thế ta nên gọi là "linh thạch trụ" thì thích hợp hơn.

Vậy tháp chính đương nhiên là thờ nữ thần Yang Po Inư Nagar, 2 tháp nhỏ phía nam thờ thần Shiva và thần Ganesha (thần hình người đầu voi, con Shiva), chứ chẳng phải là tháp thờ hai ông bà tiều phu và hai con của ông bà như Nguyễn Đình Tư diễn giải !

Một phát kiến độc đáo nữa của Trần Văn Ký là linga không phải là linh tượng hình dương vật như ngộ nhận của tây phương mà là trụ đá có 3 phần tượng trưng cho 3 linh thể, dưới là Brahma, giữa là Vishnu, trên cùng là Rudra hay Shiva.

Ở dãy tháp phía sau có một ngôi tháp tương đối ít hư hại nhất ở mạn bắc, với mái dài hình yên ngựa. Kiểu mái này chỉ thấy bắt đầu ở những tháp vùng Đồ Bàn - Vijaya (Bình định ngày nay) sau khi kinh đô được dời xuống từ Mỹ sơn, Trà Kiệu ở thế kỷ thứ 11. Ở tường lại có những hình điêu khắc như thần điểu Garuda, sư tử, các tiên nữ Apsara, xà thần Naga. Chính dưới nền của tháp này trong khi tu sửa đầu thế kỷ 20, thực dân Pháp đã khám phá và cuổm mất một kho tàng được cất dấu gồm những vật cúng dường bằng vàng và bạc.

Có khá nhiều huyền thoại về nữ thần Po Nagar tùy theo ảnh hưởng cương thịnh từng thời. Khi tháp Bà rơi vào thay người Việt và biến thành Thiên Y Thánh Mẫu thì vào năm 1856 Phan Thanh Giản cho khắc một truyền thuyết đầy màu sắc Việt lên bia đá được dựng ở tháp, và toàn văn bài bia Tháp cổ Thiên Y đã được chép lại vào sách Đại Nam Nhất Thống Chí.

Khu tháp Bà còn lưu lại nhiều bia ký cổ nhất của người Chàm. Bergaigne, một nhà khảo cứu người Pháp đã liệt kê các bia ký theo thời gian như sau: Nhóm A: trên bia đá hình lục giác, do vua Satyavarman dựng năm 781 ghi chuyện tháp bị giặc biển đốt phá năm 774, việc xây dựng tượng thần Sri Satya Mukhalinga vào năm 784. Nhóm B: do vua Vikrantavarman III ghi lại công lao xây dựng của các tiên vương. Hai nhóm C và D: do vua Vikrantavarman II ghi các lễ vật dâng cúng chư thần. Nhóm E ghi việc vua Indravarman II dựng pho tượng Bhagavati (tức Po Nagar) bằng vàng vào năm 918 (thực ra chữ Bhagavati chỉ là tiếng xưng tôn kính, chứ chẳng phải là tên thần, mà tác giả Ngô Văn Doanh ở trong nước hiểu nhầm); pho tượng này về sau bị người Khmer xâm lăng cướp đi, và đã được thay thế bằng tượng bằng đá vào năm 965. Bia đá ở hai bên cửa của tháp chính ghi việc cúng ruộng và dân công nô lệ cho nữ thần. Bia ở phía nam của tháp chính ghi việc vua (Jaya) Harivarman I ca tụng thần Yang Po Nagar vào năm 1178. Bia ở phía bắc tháp chính ghi việc dựng đền thờ thần Bhagavati Matrilingesvara vào năm 1256.

Ngoài ra còn bia đá dựng năm 1050 của vua Paramesvaravarman I ghi việc tái lập tượng Bà, việc dâng cúng ruộng đất và nô lệ đủ sắc tộc: người Campa (Chàm), Kvir (Khmer), Lov (Tàu), Pukan (Mã), Syam (Xiêm) vv... Bia của vua Rudravarman III (Chế Củ) dựng năm 1064 ghi việc xây cổng tháp rất tốn kém, và liệt kê những cống phẩm quí giá. Bia năm 1143 ghi lời xưng tụng Bà. Bia năm 1165 của vua Indravarman IV ghi việc dâng cúng một kim mão cho nữ thần Bhagavati Kautharesvati (Dựa vào lời ghi này ta có thể tạm dịch là”Đức thánh mẫu vùng Kauthara”và so sánh với các bia khác, có thể đoán là người Chàm chỉ thờ thần Parvati như Thánh Mẫu của từng địa phương; ví dụ ở Phú Yên và Ninh thuận cũng có tháp thờ Thánh Mẫu của vùng đó, chứ chưa hẳn là ở mức độ toàn xứ Chiêm thành, như tác giả Ngô Văn Doanh quyết đoán). Các bia sau cùng ở thế kỷ thứ 13 hay 14 tiếp tục ghi những vật dâng cúng Bhagavati.

Tóm lại, tháp Bà Nhatrang là chứng tích lịch sử tương đối còn nguyên vẹn nằm cạnh sông Eatran thuộc vùng Kauthara của nước Chiêm thành xưa. Dân tộc Chàm lập quốc rất sớm và kéo dài hơn 15 thế kỷ, từ năm 192 TL. Cho đến lúc vong quốc vào năm 1697, với nhiều quốc hiệu từ Lâm Ấp, đến Hoàn Vương và sau cùng là Chiêm thành. Người Chàm đã có một nền văn hóa khá rực rỡ nhưng vì cứ mãi lâm vào vòng chinh chiến nên kiệt quệ dần. Riêng vùng Kauthara đã bị Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần xáp nhập vào đất Việt vào năm 1653. Với ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Ấn độ, khu tháp Bà ban đầu được người Chàm xây dựng để thờ các vị thần Brama, Vishnu và Shiva của Ấn Độ giáo; nhưng họ lại đặc biệt tôn thờ các thần Parvati hay Uma là những biến tướng nữ của thần Shiva, được xưng tụng là Po Nagar (Thánh Mẫu) để cầu mong Bà che chở cho dân tộc Chàm. Đến khi người Việt làm chủ vùng này thì Bà được Việt hóa thành Thiên Y Ana.

 

Ngẫm cũng bồi hồi cho thế sự, thần linh cao cả rốt lại cũng không bảo vệ được cho một dân tộc luôn tôn thờ cầu khẩn khỏi bị diệt vong. Rồi một khi nước mất nhà tan, tín đồ phát tán để thần linh ở lại bơ vơ với kẻ lạ, cả tên cũng bị đổi. Thương thay!


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết