NGUYỄN CỬU ĐÀM VÀ LŨY BÁN BÍCH

NGUYỄN CỬU ĐÀM VÀ LŨY BÁN BÍCH

Khi Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh chúa Nguyễn vào Nam kinh lược và lập ra hai phủ Phước Long (sau là Đồng Nai) và Tân Bình (sau là Sài Gòn) năm 1698, thì đó là mốc để đời sau xem như ngày thành lập đô thị Sài Gòn. Nhưng để có hình hài như hôm nay, thì nhiều người lại xem Nguyễn Cửu Đàm mới là người xây dựng nền móng năm 1772, để rồi năm 1815, vâng lệnh Vua Gia Long, Trần Văn Học vẽ tấm bản đồ quy hoạch thành phố Sài Gòn.

Lũy Bán Bích được Nguyễn Cửu Đàm chỉ huy xây năm 1772 để bảo vệ Sài Gòn - Gia Định, đặt nền móng cho việc quy hoạch một thành phố hiện đại sau này.

Bản đồ Saigon xưa nhất do Brun vẽ 1795, theo bản đồ 1790 của Olivier. Mur d’ enceinte :Tường vây. Mur d’enceinte là Lũy Bán Bích. Dạng cong như nửa bức vách nên thành tên. Các hoạ đồ về sau chỉ vẽ tượng trưng như đường gấp khúc nên khó hình dung vì sao có tên Bán Bích.

 

Bản đồ Gia định và vùng phụ cận, Trần Văn Học vẽ theo lệnh vua Gia Long, 1815.

Lũy Bán Bích là đường vẽ hình tường thành ở giữa hoạ đồ

Bản đồ Trần Văn Học có chú giải

Nguyễn Cửu Đàm (không rõ năm sinh) - danh tướng và cũng là nhà doanh điền thời chúa Nguyễn trong lịch sử Việt Nam. Ông là con trai thứ năm của Chánh thống cai cơ Nguyễn Cửu Vân. Thời chúa Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777), ông làm võ quan với hàm Hữu quân Phó tiết chế, tước Đàm Ưng hầu.

(Nguyễn Cửu Vân là cha của Bà Nghè, người xây cầu Thị Nghè mà tên vẫn còn cho đến nay: “con gái của Vân Trường Hầu [tước hiệu của Nguyễn Cửu Vân] lấy chồng là Ông Nghè, cho xây cầu mang tên Bà: cầu Thị Nghè”_ theo Souvenirs historiques sur Saigon et ses environs, Pétrus Ký_ và Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức: “Bà Nghè là con gái đầu của Khâm sai chánh thống Vân trường hầu tên Nguyễn Thị Khánh, lấy chồng là thư ký, dân quen gọi là Bà Nghè mà không gọi tên thật. Nguyên bà khai khẩn đất ở, làm cầu bắc qua sông cho tiện đi lại nên dân gọi là cầu Bà Nghè, hay cầu Thị Nghè”. Hiện nay ở P. 17, Q. Bình Thạnh, TPHCM có đường mang tên Nguyễn Cửu Vân).

Sau khi chiếm Chân Lạp, tháng 10/1771 vua Xiêm La đem hai vạn quân thủy, bộ kéo sang vây đánh thành Hà Tiên. Quan tổng binh Mạc Thiên Tứ không giữ được phải rút chạy. Trước tình hình đó, năm 1772, chúa Nguyễn Phúc Thuần sai Chưởng cơ Nguyễn Cửu Đàm làm Khâm sai Thống suất đốc chiến và Cai bộ dinh Quảng Nam Trần Phước Thành làm Tham tán đem 10.000 quân thủy bộ và 30 chiến thuyền đi đánh quân xâm lấn. Quân Xiêm nhanh chóng bị đánh bật khỏi Hà Tiên.

Thừa thắng, Cửu Đàm đưa quân theo đường Tiền Giang phối hợp với các cánh quân khác tiến đóng giữ Châu Đốc rồi lên Nam Vang đánh đuổi quân Xiêm La giúp vua Chân Lạp là Nặc Tôn trở về nước. Sau cuộc tiến binh thắng lợi, Nguyễn Cửu Đàm cho quân rút về Gia Định giúp chúa Nguyễn củng cố các thành lũy, đặt các quan Cai cơ, Ký lục trông coi việc trấn giữ.

Việc này, sách Đại Nam nhất thống chí có chép: "Năm Nhâm Thìn đời Duệ Tôn (1772), người Xiêm La xâm lấn Hà Tiên, Nam Vang. Đàm làm Chánh thống suất, từ Tiền Giang, tiến đánh quân Xiêm ở Nam Vang, cả phá được, người Xiêm xin hòa, Chân Lạp lại được yên ổn".

Trong năm 1772, đề phòng sự tấn công trở lại của quân Xiêm, Cửu Đàm cho xây dựng lũy Bán Bích (còn có tên là lũy Tân Hoa) dài 15 dặm (hơn 8,5 km) ở địa giới hai huyện Bình Dương và Tân Long của đất Gia Định xưa (nay là quận 11, 10, 3) bao quanh đồn dinh. Lũy nối hai đầu rạch Bến Nghé và Thị Nghè, xuống đến cầu Bông, tạo một vòng cung bao quanh Sài Gòn như hòn đảo rộng khoảng 50 km2. Vì lũy có hình dáng như nửa bức tường, nên có tên gọi là Bán Bích.

Gia định thành thông chí mô tả: "Lũy cổ Bán Bích, ơ địa giới hai huyện Bình Dương và Tân Long, dài 866 trượng, hình dáng như nửa bức tường. Lại có lũy đất dài 1.323 trượng, Đốc chiến Tiên triều là Nguyễn Cửu Đàm đắp, nền cũ vẫn còn. Tên gọi Bán Bích là vì lũy có hình dáng như nửa bức tường".

Điều này cũng được ghi chép trong sách Đại Nam liệt truyện: "Duệ Tông Hoàng Đế năm thứ 7, Nhâm Thìn (1772)... Đàm dẫn quân về, đắp lũy Tân Hoa, dài 15 dặm, hình như bán nguyệt, bao quanh doanh trại chặn ngang đường bộ để đề phòng bất trắc".

Lũy Bán Bích đã làm cho Sài Gòn trở thành môt pháo đài bất khả xâm phạm trước các cuộc tiến công của ngoại xâm. Cùng với việc đắp lũy Bán Bích, Nguyễn Cửu Đàm còn chỉ huy đào kênh Ruột Ngựa (Mã Trường) giúp cho thuyền bè qua lại giữa lòng Sài Gòn với các tỉnh miền Tây thêm dễ dàng, thuận lợi.

Nguyễn Cửu Đàm vốn dòng dõi Phò mã Nguyễn Cửu Kiều, chồng Công nữ Ngọc Đỉnh, con gái thứ tư của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. (Công nữ Ngọc Đỉnh là em _hay chị?_ Công nữ Ngọc Vạn, vợ vua Chân lạp Chey Chetta II, người có ảnh hưởng rất lớn trong việc hình thành miền đất phương Nam, xem bài Công nữ Ngọc Vạn, anh thư nước Việt).

Trước khi có lũy Bán Bích, Đào Duy Từ đã xây dựng hai Luỹ Trường Dực và Đồng Hới, năm 1631, trong chiến tranh Trịnh Nguyễn (1627 – 1672). Nguyễn Cửu Đàm hẳn có biết về hai lũy này và không biết ông có học hỏi kinh nghiệm gì từ đó không ?

Nguyên nhân xây lũy Trường Dục và Đồng Hới như sau:

Tại cửa ngõ vào miền Nam và sát cạnh ngay miền Bắc, theo lời linh-mục Alexandro de Rhodes, có một hải-khẩu thường gọi là Cửa Sài là nơi mà các chiến thuyền nhà Trịnh muốn vào đất địch (đất Nguyễn) tất phải qua . Cho nên Cửa Sài và vùng phụ-cận là một nơi hiểm yếu mà người Bắc bao giờ cũng cố gắng để cướp lấy, và người Nam bắt buộc phải giữ-gìn. Chính trong thời-kỳ này Sãi-Vương đã cho xây hai lũy Trường-Dục và Đồng-Hới.

Văn bia ở đò Cầu Dài  đã chép việc này : « Mùa xuân, tháng hai, năm Canh-Ngọ (1630) nhằm năm thứ 17, đời Hi-Tôn Hiếu-Văn Hoàng-Đế (Sãi-Vương) Nội tán Đào-duy-Từ tâu cùng vua rằng : « Phàm mưu-đồ sự-nghiệp vương-bá, cốt-yếu là phải tìm cách vạn toàn. Cổ-giả có câu : « không chịu khó nhọc một phen thì không được thong-thả lâu dài, không chịu tốn kém một lần thì không được yên ổn mãi-mãi ». Thần xin đem quân dân hai trấn  ra đắp Trường Lũy, chạy từ núi Trường-Dục xuống đến phá  Hạc-Hải, nhân theo địa-thế hiểm-yếu mà đặt đồn lũy để củng-cố biên-phòng, quân địch dù có kéo đến cũng không thể làm gì chúng ta được ». Chúa bèn nghe theo và sai làm ngay lũy Trường-Dục »

Vị trí Lũy Thầy (Đồng Hới) và Lũy Trường Dục. (Tập San Sử Địa số 11)

Lũy Trường-Dục hiện còn giữ một ít vết tích, là một rặng lũy lớn bắt đầu từ chân núi đá vôi Chùa Non (Thần-đinh-Sơn) dọc theo bờ sông Rào đá (hữu ngạn sông Nhựt-Lệ) và sông Kiến-Giang. Lũy dài 2.500 trượng (khoảng 10-12km), vài nơi cao đến 3 thước (m) và chân rộng từ 6 đến 8 thước (m).

Còn lũy Đồng-Hới được gọi bằng nhiều tên : Cương mục và các tài-liệu khác gọi nó là Trấn-ninh-lũy (vì gọi theo tên làng ở về phía cực đông của lũy) ; Nhựt-lệ-lũy (vì nó nằm trên tả ngạn sông Nhựt-Lệ) ; Đồng hới-lũy, hay có thể là Động-Hải, Đồng-Hới hay tệ hơn nữa là Đồng-giãn do sự sai lầm của người khắc chữ. Đồng-Hới là làng nằm ở địa-đầu tỉnh Quảng-Bình. Dân gian gọi lũy này là Lũy Thầy vì muốn tỏ lòng trọng-vọng Đào-duy-Từ là người đã có công đắp lũy (theo Văn-Bia ở Đò Cầu Dài). Chữ Thầy viết thành chữ Hán Việt là Sài (nghĩa là củi) cho nên Lũy Thầy đôi khi còn được gọi là Lũy Sầy vì đọc trật. Những nhà truyền-giáo thì lại gọi là bức trường-thành của miền Nam, bức lũy ngăn cách hai miền v.v… Triệu-Trị năm 1842 gọi lũy là Định-Bắc Trường-Thành để kỷ niệm việc quân Nguyễn toàn thắng quân Trịnh.

Năm 1631, Đào duy Từ dùng quân-sĩ và dân phu đắp Trường-Lũy. Lũy bắt đầu từ cửa Nhựt-Lệ vòng xuống Nam, rồi kéo dài sang Tây cho đến sát giải Hoành-Sơn. Lũy cao một trượng, năm xích (độ 6m) ; mặt ngoài lũy chôn kè bằng gỗ lim, mặt trong đắp đất thành năm cấp, voi ngựa đều có thể đi được. Lũy dài trên 3.000 trượng nghĩa là hơn 30 lí. Cứ 3 hay 5 trượng (12 hay 20 thước) 53, thì lại xây một pháo đài trang bị súng lớn, cứ một trượng (4m) lại đặt một khẩu súng Khóa-Sơn. Hơn nữa, lại có nhiều ụ thuốc súng và đạn.

Tuy nhiên, đến năm 1885, một đạo-binh Pháp theo tiếng kèn, nhịp trống rầm rộ kéo vào thành Đồng Hới như vào chốn bình-địa không người. Lấy sức chọi sức thì được, chứ lấy sức chọi với văn-minh cơ-giới tối-tân thì không còn thành vấn-đề nữa. Từ đó Trường-Lũy và thành Đồng-Hới, oanh-liệt một thời ; không còn công-dụng gì trong việc chiến-thủ. Đá gạch cứ dần dần từ-biệt cố-lũy để dùng vào việc xây cất các dinh-thự quan-trọng và ích-lợi cho đương thời, và theo thời-gian, ruộng dâu hóa bể, Trường-Lũy Đồng-Hới nay chỉ còn là một cái tên không, dù rằng xưa đã từng đóng một vai trò quân-sự lớn lao trong lịch-sử hai triều Nam-Bắc.

1631 – 1885: 254 năm. Một thời gian khá dài.

Trong khi Lũy Bán Bích xây dựng năm 1772, đến 1885 khi Trương Vĩnh Ký viết Ký ức lịch sử về Saigon và vùng phụ cận, thì không thấy nhắc gì đến Lũy Bán Bích. Có lẽ khi ấy, lũy đắp đất, không có tác dụng phòng thủ, lại không có người bảo tồn  nên đã sụp đổ mất rồi. Chỉ chừng hơn 100 năm.

Lũy nhằm bảo vệ cho Sài Gòn chống quân Xiêm la là chính. Nhưng thực tế, quân Xiêm chưa bao giờ tiến đến đây.

Trận Rạch Gầm-Xoài Mút giữa quân Xiêm và quân Tây Sơn diễn ra năm 1785, tại nơi xưa là dinh Trấn Định, sau là Mỹ Tho, nay là tỉnh Tiền Giang. Để phòng xa, từ 13 năm trước Nguyễn Cửu Đàm đã cho xây Lũy Bán Bích để tạo bức tường phòng vệ cho Sài Gòn. Và vì chiến trận không bao giờ xảy ra ở đây nên lũy không được củng cố, tôn tạo. Và biến mất dần theo thời gian.

Chiến tranh Trịnh – Nguyễn kéo dài liên tục suốt 45 năm nên Lũy Đồng Hới, Trường Dục cần phải bền chắc. Và thực sự, nó đã được xây dựng kiên cố: chân kè bằng gỗ lim, đá và đất tôn cao nền, nhiều đồn dinh dựng dọc theo lũy, quân đội qua lại thường trực khiến nó càng vững vàng.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu trong Địa chí văn hóa TPHCM, nhận xét như sau về Nguyễn Cửu Đàm và Lũy Bán Bích:

“Sau khi thắng quân Xiêm năm 1772, Nguyễn Cửu Đàm đem đại quân về Gia Định, “đắp luỹ đất, phiá nam từ Cát Ngang, phiá tây đến cầu Lão Huệ, phiá bắc giáp thượng khẩu Nghi Giang, dài 15 dặm, bao quanh đồn dinh, cắt ngang đường bộ, để ngăn ngừa sự bất trắc”.

Trên bản đồ Trần Văn Học vẽ năm 1815 có ghi dấu Cựu lũy tức “Bán Bích cổ luỹ” này, chi tiết đúng như Trịnh Hoài Đức đã tả.  Nguyễn Cửu Đàm vừa là nhà quân sự có tài vừa là nhà quy hoạch thành phố có tầm nhìn lớn. Hai đầu luỹ nối vào hai đầu rạch Bến Nghé và Thị Nghè, tạo cho thành phố biệt lập như một hòn đảo. Nhìn tổng thể, bán đảo (ba mặt sông) với phần luỹ ở phiá Tây, coi như hình con cá lớn, đã có một diện tích gần một trăm dặm vuông (tức trên 50 km2), tới năm 1931 khi nhập Sài Gòn với Chợ Lớn làm đơn vị chung, vẫn chưa đô thị hoá hết diện tích đó”.

Cổ luỹ Bán Bích, do Điều khiển (Đốc chiến) Nguyễn Cửu Đàm xây năm 1772, dưới thời Võ Vương Nguyễn Phước Khoát, luỹ dài 15 dặm (8km586), bắt đầu từ rạch Bến Ngé (chùa Cây Mai) trong Chợ Lớn bao vòng lên trên Hoà Hưng, Tân Định, chạy đến rạch Thị Nghè, vừa là quy hoạch đầu tiên của vùng Sài Gòn Chợ Lớn ngày nay, vừa là thành luỹ ngăn quân Xiêm từ miền Tây sang quấy nhiễu. Theo Trịnh Hoài Đức, một năm trước, Nguyễn Cửu Đàm đã xây luỹ Tân Hoa: “Ở thôn Tân Hoa, tổng Chánh Mỹ. Năm Tân Mão (1771), trấn Hà Tiên thất thủ, quan đốc chiến Nguyễn Đàm đắp lũy để phòng ngự đường tiến của sơn man Thuỷ Vọt, nền cũ nay vẫn còn” (Gia Định Thành thông chí, Trấn Biên Hoà).

Luỹ Bán Bích là vòng thành lớn hơn nữa, bao vòng tất cả vùng Hoà Hưng, Tân Định, Sài Gòn, Chợ Lớn, với toàn bộ “đồn dinh” của hệ thống cai trị đương thời, : “Nếu tìm được vị trí phân bố các “Đồn dinh” quan trọng đó nằm giữa các sông rạch thiên nhiên và luỹ Bán Bích, ta có thể phác hoạ lại đại cương tấm bản đồ Sài Gòn 1772, một thành phố đã có tầm cỡ về mọi mặt từ trên 200 năm nay” .

Cùng năm ấy, Nguyễn Cửu Đàm đào kinh Ruột Ngựa: “Nguyên xưa từ cửa Rạch Cát ra phiá bắc đến Lò Gốm thì có một đường nước đọng móng trâu, ghe thuyền không đi lại được… Nguyễn Cửu Đàm… có đào con kinh thẳng như ruột ngựa, nên mới đặt ra tên ấy (tên chữ là Mã Trường Giang ,Trịnh Hoài Đức, Gia Định Thành thông chí.) Kinh này giúp cho sự đi lại giữa Sài Gòn với miền Tây thêm thuận lợi” .

Và ông kết luận: “Sài Gòn trở nên thành phố và khá phồn thịnh kể từ khi Nguyễn Cửu Đàm xây luỹ Bán Bích và đào kinh Ruột Ngựa vào năm 1772”

Chiến tuyến Chí Hoà của Nguyễn Tri Phương (màu cam) và chiến tuyến các ngôi chùa của quân Pháp (màu vàng).

Theo bản đồ này, và theo mô tả trong Gia định thành thông chí ở trên, thì đoạn nối Rạch Cát với Arroyo Chinois có thể là kênh Ruột Ngựa (góc dưới trái của hoạ đồ). Arroyo Chinois là Kênh Tàu Hủ do Vua Gia Long cho đào năm 1819.

Khi soạn Phủ biên tạp lục (khoảng 1776) Lê Quý Đôn cho biết: “Huyện Tân Bình có hơn 350 thôn, dân đinh hơn 15.000, số thuế điền hơn 2.000 hộc.”

Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí (khoảng 1820), cho biết rõ hơn về Trấn Phiên An (tức vùng Sài Gòn-Gia Định):

“Kẻ sĩ trọng danh tiết, phong tục chuộng sự xa hoa. Văn vật, nhà cửa, y phục, đồ dùng ở trấn Phiên An phần nhiều giống như Trung Quốc. Hai huyện Bình Dương, Tân Long dân cư trù mật, chợ phố chen chúc liền nhau, rường nhà mái ngói liền nhau. Nhiều người thạo tiếng nói người Phước Kiến, Quảng Đông, Triều Châu, Hải Nam, Tây Dương và Xiêm La. Tàu hải dương đến buôn bán qua lại cột buồm nối liền nhau, hàng hóa tấp nập, trở thành nơi đô hội to lớn của Gia Định cả nước không đâu sánh bằng. Quen nghề thương mãi phần đông là dân bận rộn thành thị. Có kẻ ở thuyền gọi là dân giang hồ, có đám xứ khác tụ họp gọi là dân tứ chiếng (chữ chiếng chánh nghĩa là người gốc ở bốn phương trôi nổi đến ở, tụ hội thành một chỗ) chợ Bình An gọi là ổ tụ tập dân anh chị. Tại hai huyện Phước Lộc và Thuận An, trong 10 nhà thì có 9 nhà làm ruộng, chỉ có 1 nhà buôn bán, nên tập tục hãy còn chất phác như xưa.”

“Trấn Gia Định xưa nhiều ao đầm rừng rú, thời chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) sai tướng vào mở mang bờ cõi, chọn nơi đất bằng rộng rãi, tức chợ Điều Khiển ngày nay (vị trí ở quận I), xây cất đồn dinh, ngoài ra thì cho dân trưng chiếm, lập làm xóm, phố chợ. Năm Canh Tuất, 1790 thế tổ Nguyễn Phúc Ánh cho đắp thành Bát Quái. Bên ngoài thành đường sá chợ phố ngang dọc được sắp xếp rất thứ tự. Đường cái quan bên trái từ cửa Chấn Hanh qua cầu Hòa Mỹ đến sông Bình Đồng tới trấn Biên Hòa; đường cái quan bên phải gặp chỗ nào cong thì giăng dây để uốn thẳng lại, đầu từ cửa Tốn Thuận qua chùa Kim Chương, từ phố Sài Gòn đến cầu Bình An qua gò chùa Tuyên đến sông Thuận An. Bến đò Thủ Đoàn đưa qua sông Hưng Hòa, trải qua gò Trấn Định rồi đến gò Triệu. Đường rộng 6 tầm, hai bên đều trồng cây mù u và cây mít là những thứ cây thích hợp với đất này. Cầu cống thuyền bến đều luôn được tăng gia việc tu bổ, đường rộng suốt phẳng như đá mài, gọi là đường thiên lý phía nam.”

Trong bài Lịch sử cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam (Tập San Sử Địa số 19, 20), học giả Phù Lang Trương Bá Phát, cho ta biết đến lúc ấy vùng đất Sài Gòn đã có những làng xã sau đây:

“Hanh Thông xã (Gò Vấp) trở nên xã năm Mậu Dần 1698, làng An Lộc trước kia gọi là An Khương trở nên xã năm Bính Thân 1716, làng An Phước năm Bính Dần 1746, xã Phú Thọ năm Đinh Mẹo 1747, xã Tân Sơn Nhất năm Kỉ Tỵ 1749, xã Tân Lợi Đông năm Tân Mùi 1751”.

Trong Lịch sử khẩn hoang miền nam, nhà nghiên cứu Sơn Nam cho biết thêm:

Năm 1782, Nguyễn Nhạc bị phục kích ở 18 thôn vườn trầu. “Nhạc bèn giận lây, phàm người Tàu không kể mới cũ đều giết cả hơn 10.000 người. Từ Bến Nghé đến sông Sài Gòn, tử thi quăng bỏ xuống sông làm nước không chảy được nữa. Cách 2, 3 tháng người ta không dám ăn cá tôm dưới sông. Còn như sô, lụa, chè, thuốc, hương, giấy, nhất thiết các đồ Tàu mà nhà ai đã dùng cũng đều đem quăng xuống sông, chẳng ai dám lấy. Qua năm sau, thứ trà xấu một cân giá bán lên đến 8 quan, 1 cây kim bán 1 quan tiền, còn các loại vật khác cũng đều cao giá, nhân dân cực kỳ khổ sở.”

Các đoạn trích này cho ta thấy quanh thành Bát Quái, đường xá chợ phố bến đò và ngay cả đường cái quan đều đã được quy hoạch cho một đô thị lớn và kinh tế khu vực Sài gòn-Chợ lớn rất phát triển, đời sống nhân dân khá sung túc.

Vậy kết luận của Nguyễn Đình Đầu rằng Sài gòn trở nên phồn thịnh từ khi Nguyễn Cửu Đàm xây lũy Bán Bích và đào kênh Ruột Ngựa năm 1772 là có cơ sở.

Theo sử liệu, năm 1777, Nguyễn Cửu Đàm chết trận trong chiến dịch Ký Giang cùng Nội tả Chưởng cơ Phó tiết chế Tuấn Đức hầu Nguyễn Cửu Tuấn nhưng chưa rõ giao chiến với ai. Do nhiều công lao, năm 1810 Nguyễn Cửu Đàm được vua Gia Long cho thờ ở miếu Trung tiết công thần tại Huế. Hiện ở quận Tân Phú, TP HCM có con đường mang tên ông và tên Lũy Bán Bích. (Trước khi mang tên Lũy Bán Bích, đường này có tên Hương lộ 14 thuộc quận Tân Bình)

Lũy Bán Bích đã đặt nền móng cho việc xây dựng thành phố Sài Gòn hiện đại sau này. Cho đến năm 1862, một người Pháp là Coffyn vẽ dự án quy hoạch thành phố Sài Gòn cho 500.000 dân cũng lấy Bán Bích làm địa giới. Vì vậy, người ta coi Nguyễn Cửu Đàm là một người có tầm nhìn xa trông rộng, nhà quy hoạch đầu tiên của thành phố Sài Gòn.

Dự án 1862 cho 500.000 dân Sài gòn, giới hạn phía bắc là lũy Bán Bích cổ

 

Năm 1790, sau khi lấy lại Gia Định từ nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh giao cho Trần Văn Học, Tôn Thất Hội  cùng một số người Pháp giúp sức, xây một thành trì lớn. (Năm Canh Tuất, mùa xuân, 1790, (Tôn Thất) Hội đắp thành đất ở Gia Định_. Năm Canh Tuất, 1790, đắp thành Gia Định, (Trần Văn) Học nêu đo phân đất và các ngả đường: Đại Nam Liệt truyện).

Đến 1829, Lê Văn Duyệt nghĩ Gia Định là trọng khẩn Nam Kỳ, bèn tâu xin thuê dân đánh đá ong, cấp thêm tiền gạo và lấy cả dân đinh, xây đắp thành hào cao rộng thêm để phòng thủ cho nghiêm. Vua Minh Mạng nghe cho làm: Đại Nam liệt truyện.

(Đoạn trích từ chính sử này cho ta thấy Tôn Thất Hội là người xây đắp thành Gia Định  và Trần Văn Học là người vẽ quy hoạch cho Gia Định và là đô thị Sài Gòn sau này. Ban đầu là thành đất, đến sau Lê Văn Duyệt mới cho xây thêm đá ong. Nên lúc đào đất xây nhà thờ Đức Bà ,1877-1880, mới phát hiện lớp gạch đá cháy vụn, theo Trương Vĩnh Ký và đến 1926, khi đào móng xây cao ốc ở góc Tự Do (Đồng Khởi) và Gia Long (Lý Tự Trọng) phát hiện nhiều đá ong lục lăng, theo Vương Hồng Sển ).

Và từ ấy, Lũy Bán Bích mất dần vị trí quan trọng của mình, chỉ còn là hàng rào ranh giới cho đô thị Sài Gòn sau này.

Dòng họ Nguyễn Cửu chỉ xuất hiện trong thời gian rất ngắn, nhưng để lại dấu vết rất sâu đậm ở nơi mà sau này sẽ trở thành chốn phồn hoa đô hội sầm uất và sôi động nhất cả nước: SÀI GÒN.

 

Tháng 10.2021

NTH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết