Thành Diên Khánh và Tháp Bà Nha Trang (Kỳ 2/4)

Chiến Trận Quanh Đồn Cũ Hoa Bông (Tức Thành Diên Khánh Sau Này)

‘Dấu binh lửa nước non như cũ

Kẻ hành nhân qua đó chạnh thương’

(Chinh phụ ngâm)

Trước khi quân Nguyễn Ánh chiếm được rồi xây thành trì vững chắc, đồn Hoa Bông đã là bãi chiến trường khốc liệt. Quân Tây Sơn và quân Nguyễn Ánh dành đi chiếm lại mấy lần

Năm Quý Sửu, 1793, tháng 5. Thuyền vua tiến đóng ở cửa biển Nha Trang. Sai Hiệu úy tiền chi Trung quân là Nguyễn Văn Đắc, Hiệu úy tả chi là Vũ Văn Lượng đánh bảo Hoa Bông. Quân giặc bỏ chạy, lấy được phủ Diên Khánh.

1793, mùa đông tháng 10, truy lục các tướng sĩ chết vì việc nước ở 2 phủ DK và Bình Khang. Dụ rằng:”Báo đức đền công là điển hậu của nhà nước. Từ thuở Tây Sơn gây loạn, hai phủ Bình Khanh, Diên Khánh, cho đến miền thượng đạo, những người theo nghĩa lập công, vì nước bỏ mình, thực là không ít... (Thực lục, tập 1).

Tổ chức một buổi truy lục trọng hậu nghĩa là dân và quân chết vì chiến trận ở thành DK là rất nhiều. Và điều này cũng cho thấy tính nhân văn trong hành động của Nguyễn Ánh.

Chinh phu tử sĩ mấy người

Nào ai mạc mặt nào ai gọi hồn

Tháng 11.1793, triệu Nguyễn Văn Thành (đang trấn giữ thành DK) về, sai Đông cung nguyên soái Cảnh quận công (tức Hoàng tử Cảnh năm ấy 14 tuổi) trấn thành DK, sai Bá đa Lộc và bọn thị học đi theo. Khi đi vua dụ rằng:”Đất DK bốn mặt đều là chiến trường, dân chúng lầm than lắm rồi. Ta ngày đêm vất vả, nếm đủ đắng cay mới lấy được miếng đất ấy. Con phải chuyên tâm, trong giữ yên dân, ngoài lo chống giặc.”(TL 1)

 Nguyễn Ánh đã phải thốt lên”“Đất Diên Khánh bốn mặt đều là chiến trường... ta ngày đêm vất vả, nếm đủ đắng cay mới lấy được..."“. Làm chúng ta nhớ lại mùa hè đỏ lửa 1972, 72 ngày đêm không ngớt tiếng súng ở cổ thành Quảng Trị.

Xông pha gió bãi trăng ngàn

Tên reo đầu ngựa giáo lan mặt thành.

Năm Giáp Dần, 1794, mùa hạ, tháng tư. Tướng giặc Trần Quang Diệu đem thủy binh vào cửa biển Nha Trang, bộ binh của Nguyễn Văn Hưng đến Bình Khang, họp quân tiến sát thành DK. Vây ba mặt, đánh thành mấy ngày liền. Vua thân đem đại binh giải vây. Giặc nghe tin bèn giải vây DK, quân thủy chạy về Quy Nhơn, quân bộ lui về Phú Yên.

1794, tháng 9, vua đem quân về Gia Định, để Chưởng hậu quân Võ Tánh ở lại trấn thành DK.

1794, tháng 11 nhuận, giặc lấn vào địa đầu Bình Khang. Vua dụ rằng:”Nay đang mùa gió bấc, giặc nhân thuận gió đem quân thủy bộ vào cướp, ý giặc là ở DK. Thành này chứa lương thực và chiến cụ nhiều. chính để làm kế cố thủ. (TL 1)

Thành DK chứa lương thực và chiến cụ nhiều, đó là một căn cứ hậu cần vững chắc, làm bàn đạp tiến ra Quy Nhơn. Vì thế mà Tây Sơn quyết chiếm cho được thành DK.

Tháng 11 nhuận, 1794, Tổng quản giặc là Trần Quang Diệu đem quân đánh thành DK.

Tháng 12, 1794, Trần Quang Diệu chặt đứt đường lấy nước của thành DK. Quân giặc lăn sát vào để lên thành, bị súng trên thành bắn chết rất nhiều. Giặc càng đánh gấp. Trong thành thiếu muối, tướng sĩ ăn uống rất khổ. (TL 1)

Từ tháng 11, 1794 cho đến tháng 5 năm 1795, chiến sự rất ác liệt quanh thành DK.

“Trước từng trải Xiêm La Cao Miên về Gia Định mới dần ra Khánh -Thuận, đã mấy buổi sơn phong hải lễ, trời cao phong soi rõ chí kiên trinh,

Rồi lại từ Đồ Bàn, Nam-Ngãi, lấy Phú Xuân mà thẳng tới Thăng Long, biết bao phen vũ pháo vân thê, đất Lũng Thục lăn vào nơi hiểm cố.”

(Văn tế chiến sĩ trận vong, Nguyễn Văn Thành, tổng trấn Bắc thành.)

Năm Ất Mão, 1795, mùa xuân, vua thân đem thủy quân cứu viện DK. Trần Quang Diệu vẫn vây thành chưa chịu lui binh.

Tháng 5, 1795, Võ Tánh đem tướng sĩ đêm mở cửa thành đốt trại giặc từ núi Sĩ Lâm đến cầu Hoa Bông. Giặc vỡ chạy, chết và bị thương vô số.

Mùa thu tháng 7, năm 1795, giải vây được thành DK. Trần Quang Diệu bỏ chạy (về Quy Nhơn), để lại voi, đại bác và khí giới nhiều không kể xiết. (TL 1). (Chú thích riêng đoạn này: theo tác giả Nguyễn Đình Tư trong Non nước Khánh Hòa thì do các tướng sĩ Tây Sơn lục đục nhau nên Trần Quang Diệu mới rút quân về).

Tháng 10, 1793 tổ chức lễ truy lục, đại khái như là lễ tế chiến sĩ trận vong. Rồi tiếp liền tháng 11 năm ấy, khi cho Đông cung Cảnh ra trấn thành Diên Khánh, Nguyễn Ánh đã nhắc đi nhắc lại tình hình chiến sự ở đó là cực kỳ gian hiểm. Từ đó cho đến tháng 7 năm 1975, thành bị quân Tây Sơn vây chặt, đến nổi tướng sĩ trong thành thiếu nước uống, thiếu muối ăn. Những sự kiện này cho phép ta thấy thành DK là vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng với quân Nguyễn Ánh. Mất DK nghĩa là mất Gia Định, mà mất Gia Định là thua một cuộc chiến.

Trần Quang Diệu cũng nhận ra điều này. Ông vây chặt thành DK hơn nửa năm trời  (từ tháng 11, 1794 đến tháng 7, 1795) mà không hạ nổi. Quân Nguyễn Ánh quyết tử thủ giữ cho được.

‘Non Kỳ quạnh quẽ trăng treo

Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò

Hồn tử sĩ gió ù ù thổi

Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi.’

Biết bao chàng trai ra trận, biết bao dân phu phục vụ chiến trường. Và biết bao oan hồn tử sĩ để nuôi mộng công hầu cho những ai kia.

‘Hẹn cùng ta Lũng Tây nham ấy

Sớm đã trông nào thấy hơi tăm

Ngập ngừng lá rụng cành trâm

Buổi hôm nghe dậy tiếng cầm xôn xao

Hẹn nơi nao Hán Dương cầu nọ

Chiều lại tìm nào thấy tiêu hao

Ngập ngừng gió thổi chéo bào

Bãi hôm tuôn dẫy nước trào mênh mông.’

Và đó cũng là nguồn cơn cho câu ngạn ngữ Cọp Khánh Hoà, Ma Bình Thuận.

Dân số Khánh Hoà (dẫn theo Quách Tấn_ Xứ Trầm Hương), dưới thời Gia Long là 5.000 người (năm ngàn), đến tời Tự Đức là 8.563. Đến năm Thành Thái 1898 lên được 11.218 và năm 1906 là 11.700 người. Rất thưa thớt. (Không rõ ông QT dẫn theo tài liệu nào. Nếu cho đây chỉ là suất đinh chịu thuế nên có tên trong sổ bộ, thì mỗi gia đình phải cộng thêm 1 người già, 1 phụ nữ và 2 trẻ em, thì nhân con số này cho 4 hoặc 5 lần. Vậy dân số thời Gia Long cũng chỉ chừng 20.000 người. Không đông lắm. Diện tích Khánh Hòa theo số liệu thống kê năm 2000 là hơn 5.000 cây số vuông trong đó riêng quận Diên Khánh là 1.153 cây số vuông. Quá rộng cho một bãi chiến trường).

Ta có thể suy đoán trong khoảng 1790-1800, dân số phủ Diên Khánh chì chừng 2.000- 3.000.

Tướng sĩ tham dự trận chiến ở thành DK là từ các nơi khác đến, dân sự sinh sống cách khá xa, nên chắc ít có chuyện tên bay đạn lạc.

Thế nên,

‘Xót người lần lữa ải xa

 Xót người nương chốn hoàng hoa dặm dài

Xót người hành dịch bấy nay

Dặm xa mong mỏi hết đầy lại vơi.’

Từ sau năm1795, khi quân Tây Sơn đã dần kiệt quệ, thì thành DK khá yên ổn. Chiến sự chuyển ra vùng Phú Yên-Quy Nhơn, Quảng Nam.

Khi thực dân Pháp xâm chiếm nước ta, DK nằm ở Nam Trung bộ, về hình thức do triều đình nhà Nguyễn cai trị, nhưng dưới quyền thống trị của Pháp. Thời Cần Vương những cuộc khởi nghĩa như của Trịnh Phong nổi lên ở Ninh Hòa, thành Diên Khánh thì có các vị Nguyễn Khánh, Nguyễn Dị và Nguyễn Lương nhưng lực yếu nên chì được vài tháng rồi tan. Vậy trên thực tế sau cuộc chiến với Tây Sơn thì phủ Diên Khánh khá yên bình.

Dưới đây là bản đồ cổ thời Nguyễn cho thấy vị trí quan trọng của thành DK:

Ghi chú:

Vòng tròn màu đỏ là thành Diên Khánh, các đường mũi tên màu đỏ là đường quan lộ từ bắc vào nam, đường màu xanh là sông Cái. Thành DK nằm ngay ngã ba sông, chắn ngang đường quan lộ. Từ thành DK, có một nhánh đường chạy lên miền thượng đạo, quân Tây Sơn thường theo đường này tập kích xuống thành. Sau lưng là núi, trước mặt là biển, vị trí cực kỳ thiên hiểm.

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết