Gia Lữ Sơn

Trích Đồng Khánh dư địa chí, tỉnh Khánh Hoà, phủ Diên Khánh, huyện Vĩnh Xương:

Núi sông:

“Núi Thơm, núi Phú Cảnh, núi Đồng đế, núi Cù Lao, núi Tinh Trung, núi Ngọc Hội, núi Kho, núi Cảnh Long, núi Giáng Hương, núi Diễn Sơn, núi Hoàng Ngưu, núi Thạnh Đức, núi Hòa Quân, núi Phong Lĩnh, Hợp Mỹ, núi Du Lâm, núi Nhược Đồ, núi Lữ Sơn.(Không có núi nào nổi tiếng).”

Trích Đại Nam Nhất thống chí:

Núi Lữ Sơn: cách huyện Vĩnh Xương 115 dặm về phía nam, thế núi cao vót, về phía tây núi non trùng điệp, là chỗ ở của người Man, người Lao, phía đông có đường trạm đi qua.”

Hầu hết núi ở tỉnh Khánh Hòa trong ĐNNHT đều ghi thế núi cao vót hay hiểm trở. Riêng trong mục ghi về núi Thịnh Đức có ghi, “gần đó có mọc ngọn núi nhỏ gọi là Hòn Tranh.”

Chỉ có 2 Hòn, là Hòn Lam Nguyên và Hòn Vân Phong hay Hòn Khói.

Không ghi độ cao.

Các sách địa dư quốc gia chỉ ghi các địa danh lớn, quan trọng. Địa danh nhỏ phải tham khảo địa phương chí. Mà địa phương chí cũng không có thì đành chịu. Chắc phải hỏi dân địa phương.

Dưới đây là vài ý kiến cá nhân(99% là sai):

Cả ĐNNTC và ĐKDĐC đều ghi núi Lữ Sơn(không có núi Dữ hay hòn Dữ). ĐNNTC ghi núi thế núi cao vót. Tạm cho rằng Lữ Sơn chính là Hòn Dữ(Xứ Trầm Hương của Quách Tấn và Non Nước Khánh Hòa của Nguyễn Đình Tư) chỉ ghi nhận Hòn Dữ ở Diên Khánh, riêng QT có cho biết thêm ở Vạn Ninh còn có Hòn Giữ( nghĩa là giữ gìn) tên chữ là Trấn Sơn.

Tên đúng của núi là Lữ Sơn. Sau vì dân địa phương thấy thế núi dữ dội, hiểm trở nên gọi trại đi thành Hòn Dữ. Rồi lấy tên Lữ đó đặt cho hòn núi nhỏ gần nhà là Gia Lữ( thêm Gia cho có vẻ chữ nghĩa).

Về những địa danh có từ Gia, QT có kể thêm:

“Sông Cù hay sông Cái hay sông Nhatrang(ĐNNTC ghi là sông Phú Lộc), dài chừng 60km, chảy qua 2 quận Diên Khánh, Vĩnh xương. Sông có nhiều nguồn, nguồn từ chính Tây chảy xuống như nguồn Gia Lai, nguồn từ Tây Bắc chảy vô như nguồn Gia toui, nguồn từ Tây nam chảy ra như nguồn Gia Lê.”

Vậy các tên Gia Lai, Gia Toui, Gia Lê hay hòn Gia Lễ chú Kim nhắc đến chỉ là tên thông thường, không liên quan gì đến Gia Long. Di tích duy nhất có liên quan là Lăng Bà Vú(hay Lăng Nhũ Mẫu). Khoảng 1785, khi Gia Long bị Tây Sơn truy đuổi, qua làng Mỹ Hiệp(quận Ninh Hoà), được người dân địa phương( tương truyền là bà Trương Thị Tiềm) cho tá túc, nuôi ăn, vắt sữa bò cho uống, rồi chỉ đường thoát thân. Khi lên ngôi Gia Long nhớ ơn cho người tìm về báo đáp, nhưng bà đã qua đời. GL cho xây lăng để tưởng nhớ.

Về các tên chỉ núi non, lúc gọi Hòn, khi gọi Núi. ĐNNHT ghi nhận chỉ núi cao vót hay hiểm trở mới gọi là Núi, thấp nhỏ mới gọi Hòn. Các tên hiện nay gọi lẫn lộn có lẽ là đối với dân địa phương, dù thấp nhỏ nhưng ở sát bên cũng thành lớn, gọi Núi cho nó sang. Ở xa, thì to cũng thành nhỏ, nên bị hạ bặc xuống thành Hòn.

 

Dinh Thái tử:

QT(XTH) kể về dinh Thái tử:

“Ở tại Xuân Đài, thôn Phước Lương, xã Diên Phước, nằm dưới chân núi Hòn Ngang. Miếu là một tiểu đình, mái ngói cột săn, tứ diện thông phong, đứng che một tảng đá vuông vức, nằm giữa một đống đá lởm chởm. Trong miếu không có bàn thờ. Chỉ có một bàn cờ bằng đá có đủ bộ con cờ cũng bằng đá, một đôi giày ̣á và một bộ cối chày đá. Truyền rằng tảng đá vuông là tượng Thái tử. Hỏi Thái tử là ai, thì người địa phương đáp là con vua Tần, vua Tần tức vua Chàm. Tên vua là gì không ai biết, cũng không ai rõ vì sao lại lấy đá làm tượng. Chỉ ai xưa thờ sao nay thờ vậy. Truyền rằng miếu rất thiêng, ai có điều gì oan ức, thường đến miếu thề

 thốt, thề xong cầm chày giã vào cối đá, vừa giã vừa lập lại lời thề. Dân địa phương rất kính sợ, ít dám lại gần.”

Vậy miếu có thể là của người Chàm, không liên quan đế Hoàng tử Cảnh. Vì Đại Nam thực lục chép là trong thành Diên Khánh có điện Thái hòa, có lẽ dành cho hoàng gia cư ngụ. Vả lại, vị trí miếu ở chân Hòn Ngang, cách thành Diên Khánh khá xa. Vào thời điểm ấy (1793-1794), tình hình chiến sự với Tây Sơn đang căng thẳng, không thể để Hoàng tử ở xa như vậy. Hoàng tử Cảnh cũng chỉ ở Diên Khánh khoảng 9 tháng, không thể có công tích gì để dân thờ phụng.

Vài niên biểu trong đời Hoàng tử Cảnh:

Sinh 1780. Năm 1783(3 tuổi) theo Bá Đa Lộc sang Pháp cầu viện, về lại Gia Định năm 1789. Năm 1793(13 tuổi) ra  thành Diên Khánh học nghề binh. Mất ở Gia Định vì bệnh đậu mùa năm 21 tuổi(1801).

Thêm vài địa danh ĐNNTC và ĐKDĐC ghi nhận:

 

Đồn lũy:

Theo ĐNNTC:

_ Bảo Bình Nguyên: ở xã Dục Mỹ, huyện Tân Định( bảo là đồn đắp bằng đất)

 để khống chế 7 sách thuế man ở Đồng Hương và Đồng Nãi.

_ Bảo Bình An: cách huyện 20 dặm về phía tây, phía nam là ngã ba sông Cầu, trước là bảo Bình Hòa, đến đời Minh Mệnh thì đổi như hiện nay.

_ Bảo Lâm Mộc: cách huyện Vĩnh Xương 28 dặm về phía tây, giáp 2 sách Man Tham Lợi và Tham Tuân, về phía nam có bảo Diêm Nại( Nại Muối).

_ Pháo đài Ninh Hải: ở vũng Nhatrang, dựng vào năm Minh Mệnh thứ 17.

Theo ĐKDĐC

_ Lục đồn: ở địa phận huyện Vĩnh Xương, phủ Diên Khánh, đắp đất, chu vi 36 trượng 4 thước, cao 7 thước, dày 7 thước 5 tấc.

_ Đồn Hiệp Khẩu: cũng ở Vĩnh Xương, đắp đất, chu vi 7 trượng 5 thước, cao 7 thước, dày 8 thước.

 

Đường đi: theo ĐKDĐC

_ một đường quan báo từ thành lỵ đi về phía nam đến trạm Hòa Thạnh, qua Hoà Du, Hòa Tân, Hòa Quân đến trạm Thuận Lai, tỉnh Bình Thuận, dài 155 dặm rộng dưới 1 trượng.

_ một đường quan báo từ thành lỵ đi về phía bắc đến trạm Hòa Thạnh qua Hòa Cát, Hòa Mỹ, Hòa Hoàng, Lương Hòa Mã đến trạm Phú Hòa, giáp sơn phận đạo Phú Yên, dài 155 dặm.

_ một đường nhỏ từ tỉnh thành đi về phía đông qua Thủy Vệ đế cửa tấn lớn Cù Huân, dài 20 dặm. Lại từ Thủy vệ Xá đi về phía đông đến cửa tấn nhỏ Cù Huân, dài 3 dặm, rộng dưới 3 thước.

một đường nhỏ từ tỉnh thành đi về phía tây đến tận cùng các sách Man, dài 38 dặm.( đây rất có thể là đoạn đầu con đường cổ đi lên Đà Lạt mà chú Kim nhắc đến.)

_ một đường biển, nam từ đảo Chông thuộc hải giới tỉnh Bình Thuận đi về phía bắc, qua các cửa tấn Cam Ranh, Cù Huân, Nha Phu, và Vân Phong, giáp cửa tấn Đà Nùng thuộc địa giới đạo Phú Yên, nếu thuận tiện chỉ đi hết 3 ngày đêm.

Cả ĐNNTC và ĐKDĐC có ghi chép một số đền miếu, nhưng không có miếu Thái tử.

 

Dân số:

_ tỉnh Khánh Hòa:

  _ Số đinh: 5435

  _ Số binh: 1308

Riêng phủ Diên Khánh:

  _ Số đinh: 2764

  _ Số binh: 653

Ghi chú:

1 dặm = 444mét.

1 trượng = 4 mét

1 thước = 40 cm

1 tấc = 4 cm

 

Bình Thạnh, tháng 9.2019

Ng T Hai


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết