ANGKOR, PHẾ TÍCH BỊ LÃNG QUÊN

ANGKOR, PHẾ TÍCH BỊ  LÃNG QUÊN

(Dịch từ The forgotten ruins of IndoChina, NatGeo, Mar.1912, Jacob E. Conner )

Ngoài người Thái và Cambodia, chẳng mấy ai biết tới Angkor, nơi có một dân tộc Khmer đã từng sống, chinh phạt, lao động và bị tiêu diệt trên mặt địa cầu. Ngay ở Mỹ, đến tận bây giờ(1912), ngưởi ta vẫn còn ngờ là không biết có mấy người đã nghe nói đến Angkor Wat và Angkor Thom, những phế tích lộng lẫy bị rừng già Cambodia vùi kín và bị những chướng ngại vật thiên nhiên tách rời với thế giới văn minh.

Ngược lên thời gian gần đây,không nhiều khách du lịch đến viếng Angkor, và trong số đó có vài người không bao giờ trở về để kể lại câu chuyện về một xứ sở mà từ ngàn xưa không hề tỏ ra thân thiện với viễn khách.Người ta kể rằng người La Mã đã từng gởi một phái bộ đến đây vào thời cực thịnh. Người Trung hoa đôi khi cũng có cử  phái bộ đến và ký vài hiệp ước, chính họ có những mô tả sớm nhất về vùng đất này. Marco Polo thì có nói tới nhưng chưa hề thấy nó.

Người Hà Lan, vào thế kỷ 16, có gởi một viên đại sứ đến đây, nhưng bị người bản xứ giết mất. Sau đó người Bồ đào nha và Tây ban nha có đến viếng, nhưng xứ này vẫn cứ là một vùng đất bí ẩn và xa lạ, nô lệ cho người Thái trong suốt nhiều năm.

Thế rồi người Pháp đến, vào giữa thế kỷ trước, và những giới hạn về mặt địa dư tình trạng bảo hộ nước Cambodia thế là được xác định.

Trong suốt nhiều thế kỷ tách biệt và cô lập, những toà đền này vẫn được bảo tồn một cách dị thường. Song le, chúng vẫn giữ lấy những bí mật của riêng mình, cho dù có biết bao nhà nghiên cứu về chúng, những bí ẩn về cách xây dựng chúng vẫn chưa được giải mã. Nhưng nếu bí ẩn về nguồn gốc của chúng  gây khó khăn cho các nhà khảo cổ thì các nghệ sĩ và kiến trúc lại hào hứng chiêm ngưỡng vẻ đẹp cấu trúc và các chi tiết trang trí trải ra trước mắt họ, mà những cái này, may thay, lại không cần giải mã.

Không có đường xá tới Angkor, ngoại trừ đường dành cho vài chiếc xe bò tồi tàn, bắt đầu ở con sông cách chừng năm, sáu cây số và chấm dứt ở ngay di tích. Từ thế giới bên ngoài không có một phương tiện nào khả dĩ đến gần được ngoại trừ đường thuỷ, với một số trở ngại. Một chướng ngại hiển nhên là cái hồ cạn nằm vắt qua con đường. Vào cuối mùa mưa, từ 15 tháng 10 đến 15 tháng 12, cái hồ này đủ sâu để đi lại bằng thuyền chèo. Với những điều kiện thuận lợi, thời gian này có thể kéo dài thêm 2 tuần trước hoặc 2 tuần sau, còn ngoài thời gian này thì vô phương.

Một chuyến đi bất kỳ đâu, cũng phải có mốc khởi điểm, mốc này  ở Saigon, rìa Đông Nam Á, vì Sàigòn là hải cảng khả dĩ gần nhất. Ở Angkor chẳng có khách sạn, cũng chẳng có ai hay người nào cung cấp cho bạn cái ăn hay chổ ở. Ở đó có một nhà nghỉ, nhà này có mái có sàn và bốn bức vách, vậy thôi.

Và đó là lý do tôi khởi hành đến phế tích trên một con tàu chạy bằng hơi nước với lỉnh kỉnh quần áo để mặc ở miền nhiệt đới, một tấm nệm hơi, một cái lều làm giường ngủ, một cái mền kiểu Cao Miên ( một vật xa xỉ), lương thực và một người đầu bếp Trung Hoa.Chuyến hành trình bằng đường sắt dài 70 cây số đưa tôi đến Mỹ Tho. Từ đây, chuyến đi ngược dòng Mê kông mênh mông bằng tàu hơi nước kéo dài 24 giờ, và bạn sẽ không hối tiếc khi nó kết thúc, dù chẳng có chút tiện nghi nào.

Mekong là một trong những dòng sông lớn nhất thế giới: nó là con sông vĩ đại trên bán đảo Đông Dương. Nếu đi ngược dòng, bạn sẽ thấy đầu nguồn của nó không xa bình nguyên trung tâm châu Á là mấy. Ở đoạn giữa, nó là một dòng sông hùng vĩ, còn ở hạ lưu, nó chính là một châu thổ Mississipi, vươn dài ra ôm lấy vùng châu thổ mà nó tạo ra, và sau cùng ra tới biển qua vô số chi lưu. Vài năm trước, cá sấu và tê giác còn thường lui tới hai bên bờ, nhưng hiện nay chúng đã rút lên thượng nguồn.

Một lớp nước  vàng rộng hơn một cây số chung quanh là dừa và thốt nốt(arica palm); vài cây đa, chuối, những mớ dây leo rối bời, một hai con chim bay lạc, một chiếc  tam bản của dân bản xứ, một chiếc thuyền mành của người Trung hoa, vài mảnh ruộng, đôi ba đầm lầy; không có lấy  ngọn đồi nào để giảm bớt vẻ đơn điệu _ đó là viễn cảnh  ngày đầu tiên của chuyến hành trình sẽ đưa bạn tới Phnom Penh, thủ đô tân thời của xứ Cao Miên.

Một nơi nhỏ nhưng quyến rũ là Phnom Penh, các lề đường được lát đẹp đẽ. Người Pháp đã mất nhiều thời gian để làm những con đường tốt và giữ cho nó tốt _ một cơn gió mùa nhẹ làm dịu bớt không khí; vài toà nhà nổi bật của hoàng gia, gợi lên cái mùi mục nát nhẹ nhàng; một ngôi chùa sàn lót bạc và Đức Phật ánh mắt lơ đãng bằng thủy tinh vây chung quanh là đoàn tuỳ tùng gồm các vị sư bằng vàng chói ngời ánh kim cương; một thư viện không có cuốn sách nào; hàng đoàn những vị sư Phật giáo áo choàng vàng sáng rực; dân bản xứ y phục bằng lụa và vải bông màu sáng; và trên hết là Phnom, toà kiến trúc nổi lên như một ngôi đền có nhiều nét đẹp đẽ hơn là kỳ dị.

Đức vua Sisowath xuất hiện, vẻ thanh thản, ung dung; và đó là khao khát lớn nhất của một vị vua thống trị quốc gia ở miền nhiệt đới. Vây quanh ông là một đoàn tùy tùng. Ông có các thượng thư và tổng quản phò tá, ông trả lương cho họ và tránh được những hậu quả đáng tiếc và những tiểu tiết phiền phức. Ông thượng thư bộ binh chịu trách nhiệm bầy voi cho ông, bầy voi này chỉ để duyệt binh hơn là để phục vụ chiến trận.

Người ta kể là mấy năm trước , như bất kỳ một nhà vua thức thời nào, ông cảm thấy cần phải có hải quân cho ông thống lãnh. Viên toàn quyền đã tử tế cấp cho ông một tàu tuần duyên đã tháo gỡ hết súng ống và nhà vua đã đến thăm vương quốc Annam. Sau khi trở về, toàn thể hoàng gia đều dùng thuyền tam bản, cứ như họ đã quen dùng nó vậy, còn chiếc tuần duyên không đáng tin cậy kia bị đẩy đi làm tàu kéo, và quay về Phnom Penh là cả một đoàn toàn là thuyền tam bản.

Nếu nghe mấy người Cao Miên nói chuyện cười cợt, ta có thể giật cả mình, nhất là đối với những người đã quen nghe tiếng Việt Nam hay Trung hoa, thứ tiếng sau là tiếng đơn âm và không thể thay đổi chất giọng mà không thay đổi nghĩa của từ, trong khi ngôn ngữ châu Âu âm điệu có thể lên xuống tuỳ ý, gây biểu cảm và uyển chuyển hơn. Khi bạn nghe giọng ngân nga của người Cao Miên, bạn nhận ra ngay sự khác biệt, và bạn nhìn lại những bộ mặt này lần nữa mong nhận ra nét quen thuộc, nhưng không hề có.

Không, những con người này nằm ở điểm hội họp của hai nền văn minh, Aryan và Mongolian. Ngôn ngữ, tôn giáo, và tất thảy nền văn minh của họ bắt nguồn từ Hindu(Ấn độ giáo); nhưng chủng tộc của họ có nguồn gốc từ đâu thì còn phải nghiên cứu lâu nữa, nếu muốn biết rõ họ.

Tại Phnom Penh, chúng tôi từ giã sông Mekong để ngược dòng lên một trong các phụ lưu của nó. Đó thực sự là một phụ lưu, nước từ hồ chảy thành dòng rất mạnh vào nó. Tonle Sap, vài tháng sau đó sẽ chảy vào theo một ngã khác. Chẳng bao lâu quang cảnh thay đổi: các con suối mở rộng hơn, đồi đã xuất hiện nơi đường chân trời. Chúng tôi đến làng Kompong Chnang.

Người ta cho chúng tôi biết là Kompong là nơi buông neo, và nhìn trên bản đồ, chúng tôi thấy là hầu hết các ngôi làng đều được chì rõ. Điều này nghĩa là gì? Tại sao, các làng đều được buông neo; để cho chắc, thử tìm làng này. Kompong Chnang là một làng chài; không có nhiều thuyền tam bản cột dính vào nhau và cùng di chuyển, như ở Quảng đông(Canton), nhưng các ngôi nhà, có vẻ to lớn, một vài nhà cất theo kiểu Tây phương, nằm trên những cây cột tre cắm thẳng xuống nước. Tre là một loại ngăn kín không thấm nước, cột đầu này vào đầu kia và nó nổi như cộng rơm vậy. Đằng xa kia là một cái gì đó giống như cây cầu, bắt đầu từ bên phải giữa dòng nước, chạy về nơi xa khuất, chắc là đang đi tìm nền đất cứng.Trong khi đó, các ngôi nhà đang cúi chào nhau một cách thân mật, vì như một công dân Sài gòn chính hiệu tham dự chuyến du thám, và như thế chúng tôi chia tay họ.

Đêm xuống khi chúng tôi đi vào trong lòng hồ và ngoặc về hướng đối diện. Nước đang rút rất nhanh và trong vài tuần nữa nước hồ sẽ cạn tới mức một chiếc tam bản cũng không xoay trở được cho dù lúc cạn nhất thì nó cũng sâu tới 20 mét. Dài 112km và ngang 36km, hiện giờ mặt nước phẳng lặng và đẹp, song vào đầu mùa mưa nó chỉ như một khối bùn rộng hàng km vuông. Lúc nửa đêm chúng tôi đến một nơi nằm ở bờ đối diện với nguồn một con suối nhỏ _ thì ít nhất chúng tôi cũng nghe nói là có một con suối ở đó. Tất cả những gì nhìn thấy được là mặt nước của hồ, một hàng cây cách xa non cây số, rõ ràng là đánh dấu cho bờ hồ, những chiếc tam bản được lệnh trước chờ đưa bạn lên bờ; vì đây là nơi bạn rời con tàu hơi nước và lệ thuộc hoàn toàn vào nguồn tiếp tế chủa chính bạn.

Vào lúc 1giờ, những rương hòm xiểng và Van, người đầu bếp Trung hoa không thể thiếu, được chuyển qua chiếc tam bản và 2 người Cao Miên chèo về hướng hàng cây. Ở khoảng trống hơi hẹp, tôi mới nhận ra tại sao lúc đầu tôi không nhìn thấy con suối nhỏ là bởi nó nằm khuất nhiều mét dưới mặt hồ, và tôi cũng nhận ra hàng cây không phải ở bờ hồ mà là ở bìa một cánh rừng nhô ra. Phải mất 5 giờ chèo thuyền chúng tôi mới đến được Siem Reap, một làng nhỏ, nơi mấy chiếc xe bò chờ sẵn để tiếp tục cuộc hành trình.

Đó là một chuyến đi không dễ chóng quên,  cuộc hành trình từ nửa đêm cho đến sáng xuyên qua một cánh rừng với ánh trăng vằng vặc trên đầu dưới bầu trời trong veo. Những hàng cây đầu, trông cao hơn và khoẻ hơn những cây còn lại, quy luật tái sinh tự nhiên của rừng, và ngoài những trảng cây bụi cỏ, còn thì khắp mọi nơi là nước. Những tán cây tròn vươn trên mặt nước từ 3 -5m, và những chiếc lá xoè ra kiêu hãnh. Những cây nhỏ, bị che khuất, không có chiếc lá nào vươn ra,  cào sồn sột vào mạn thuyền, như một con vật gì đó bị trấn nước , vùng vẫy để sinh tồn, đang đe dọa chụp lấy con thuyền.

Đó là một cảnh tượng đẹp kỳ dị, hoang đường, và cây cối là kẻ thống trị. Chỉ vài tháng mùa khô ,khi ở hoàn toàn trên mặt nước chúng can trường xâm chiếm biển cả, chấp nhận tình thế mới mẻ này và lại chờ cho đến khi đất khô ráo.

Và ngẫu nhiên nó sẽ trở thành vùng đất khô ráo. Vào ban ngày, người ta nhìn thấy được đỉnh Phnom Crom, nằm ngay trên bờ hồ, trơ trụi không có lấy một bóng cây, trên các sườn nâu đầy những vết nứt sâu hoắm, giống y như cái đầu bọc đường đang tan ra từ từ. Nhìn quanh , người ta có thể thấy được những ngọn núi hay mô đất khác , đang tan vào hồ, vậy là ngày chiến thắng của cây cối đang gần tới.

Những điều này là cơ sở vững chắc cho câu chuyện về nghề cá của người Cambodia, vì hồ này rõ ràng là cái bẫy cá tự nhiên. Khi nước rút đi vào cuối mùa khô, cá phải tụ tập vào những con suối nông nuôi sống chúng. Vất vài mẩu bánh mì xuống nước là nghe tiếng quẫy của hàng đàn cá quanh thuyền, nhưng cũng đồng thời là những tiếng càu nhàu khó chịu của các tay chèo người Cao Miên, khi thấy những miếng bánh mì ngon lành lại đi hoang phí cho lũ cá mà không phải là để cho họ.

Họ để sang bên những điếu thuốc tự cuốn lấy, ngấu nghiến thưởng thức món bánh mì khô. Tôi cho họ mỗi người một điếu xì gà còn cả nhãn. Những con người nghèo khổ ấy gỡ nón kẹp dưới tay, cung kính cúi đầu chìa tay ra. Lòng biết ơn được bày tỏ quá mức cần thiết.

Khi tôi đến Siem Reap trời đã sáng tỏ, sau 5 giờ chèo thuyền qua bùn, nước, muỗi; thêm một giờ rưỡi dằn xóc trên xe bò, và xuyên qua  rặng cây là những ngọn tháp của đền Angkor Wat.

Nhìn sơ người ta cũng nhận ra di tích này qua ngọn tháp tròn thấp thoáng trong tán lá cách chừng non 2 km, và chỉ giây lát nữa thôi, bạn sẽ có mặt ở đó. Đây là Angkor Wat, như vừa mới hôm qua, được bảo tồn quá tốt, cổ xưa nhất, tô điểm cho tất cả, dù không phải là lớn nhất. Còn nhiều ngôi tháp khác nằm rải rác trong vùng đồng bằng rộng lớn này, gồm cả Angkor Thom, cách đó chỉ non 2 km, nhưng tất cả đã là phế tích cho dù wat( chùa) vẫn được gọi là đền đài.

Đứng trước sân đền (wat), bạn có thể thấy một con hào rộng chừng 150m(30 rods) bao quanh công trình này như toà lâu đài thời trung cổ, có một con đê chạy ngang dẫn đến lối vào chính. Lối vào này tự nó là một ngôi tháp khổng lồ, cặp hai bên là hai ngôi tháp khác chỉ nhỏ hơn nột chút, tạo thành một bức tường khép kín.Toàn thể tường bao này dài chừng 800- 1.000m, chiếm diện tích khoảng 70ha. Đi qua lối vào, bạn nhìn thấy con đê bằng đá có bậc cấp, hai bên có rất nhiều đền nhỏ dẫn lên tới toà tháp ở xa.

Ngay từ xa bạn đã cảm thấy được sự to lớn của các mặt bên, vì toàn thể kiến trúc hay từng nhóm kiến trúc nằm ngay trên một bình nguyên bằng phẳng, không khao khát và hầu như không gây cảm hứng. Nó được đặt ở một vị trí nhô lên, và chỉ cách vài mét chứ không nhiều _ nhưng để làm gì ? Những nhà xây dựng chắc phải có lý của họ, nhưng bây giờ thì họ không thể đưa ra được.

Dĩ nhiên là không ngạc nhiên lắm khi nhìn tháp trung tâm và nghe nói rằng chiều cao từ đỉnh đến mặt bằng là 65m.

Cho đến khi người ta bắt đầu đi vào các hành lang và đo đạc các khoảng cách thì mới cảm nhận được tầm vĩ đại và ấn tượng nó tạo ra. Những tháp tròn này bây giờ vọt lên  cao và ngôi đền ở bên trong vươn lên trên  hành lang vây quanh, hành lang này đến lượt nó tạo thành một cái nền cao trên một hành lang ở ngoài nữa, cho đến khi mái của cái này ngang với nền của cái kia. 2 hành lang bao quanh  và ngôi đền nằm ngay giao điểm hình chữ thập tạo ra sự cân đối  trong bản thân nó là những chi tiết chính trong sơ đồ mặt bằng của ngôi chùa tháp (wat) này.

Chất liệu xây dựng chính trong kiến trúc này là đá sa thạch xám, người Pháp gọi là “gres”. Nó cũng tương tự như đá cẩm thạch (marble) về độ nén và độ mịn của hạt, nó lại rất bền với thời tiết. Ở những chi tiết trang trí bị tay người không nén được lòng thán phục sờ mó đến, thì mặt đá mịn như được đánh bóng vậy. Màu sắc chắc chắn đã mờ đục đi như có thể cảm nhận được, và nhìn nó tàn tạ đi thì cũng đau buồn như thấy màu xám xịt của cái chết vậy.

Tất cả những khối đá nặng hàng tấn này được lấy từ Phnom Coulen, cách đó chừng 35km. Bằng cách nào, đường bộ chăng ? Không thể được. Nếu cánh rừng kia mà kể lại được câu chuyện của nó thì họa may chúng ta mới biết về một thời kỳ khi cả Coulen và Angkor đều nằm ở bờ của Tonle Sap và những chiếc thuyền chở đá đi lại giữa hai nơi này. Nhưng cánh rừng chiến thắng kia , đã đẩy lùi cả biển khơi, để tạo nên cánh đồng lầy chứa nguy cơ bệnh sốt rét nằm gần di tích chỉ là một trong các vũ khí phòng vệ của nó thôi.

Người Cao Miên, tất nhiên, chiụ đựng nổi chuyện này và những cái lán mỏng manh của các vị sư nằm rải rác quanh chân ngôi chùa tháp vẫn gìn giữ truyền thống nguồn gốc của họ là một tu viện Phật giáo.. Tiếng họ lào xào nghe đều đều trong không khí nóng bức, oi ả, khi họ cầu kinh hay đọc sách lớn tiếng.

Họ ít để ý tới những loại cây cối luôn tỉnh táo, những lùm cỏ, bụi cây, những cây luôn làm việc khi chúi mũi vào những tàng đá lát nền, và đung đưa các cây cột. Cũng có những hàng cột bằng đá vỡ nát dưới chân tường như bờ dốc ở chân đồi, những trang trí mặt ngoài và những phần không cần thiết. Những sảnh và hành lang hầu như còn nguyên vẹn và ít cần phải dọn dẹp thường xuyên. Không ngạc nhiên là chỉ có các vị sư coi sóc ngôi chùa tháp này sau hàng bao nhiêu lâu đã bị bỏ phế cho dơi, chim, rác rưởi và thinh lặng, một sự thinh lặng cô độc giống như cái chết; vẻ hoang liêu của nó khiến người ta rùng mình khi quay sang một góc thì thấy đối diện với mình là một tượng Phật bằng đá, tay giơ lên như thể van xin ta đừng quấy rầy sự yên tĩnh đã hàng thế kỷ.

Nếu cả khối kiến trúc này là cực kỳ đồ sộ, số lượng các tác phẩm điêu khắc trên nó, chỉ nói về số lượng thôi, thì còn hơn thế nữa. Bên ngoài và bên trong , từ đáy lên đến đỉnh, nó là một khối lượng đồ sộ những điêu khắc bằng đá. Người ta cũng tìm thấy vài khoảng trống, đa số nằm trong toà tháp chính, là chỗ dành cho những nghệ sĩ lớn, những người không bao giờ đến(?). Cả những hành lang bao quanh gồm một hàng cột vuông ở phía ngoài, một cửa vòng cung bên trên và mũ cột bên trong  (entablature). Và mọi thứ đều được trang trí, bốn mặt của các cột, các bức tường, các chỏm cột, các trần bằng gỗ mà ngày xưa tựa trên nó cho thấy rằng cửa vòng cung là nơi không được trang trí.

Quanh chân kiến trúc này là một hàng gồm nhiều cột nằm tập trung, có thể đã được thêm vào nhiều thế kỷ sau đó. Những cột này rất giống với cột của người Moor, chỉ có điều hệ thống kênh không sâu bằng; và hơn nữa phần đầu cột rất giống kiến trúc  của Byzantine. Nhưng với phần còn lại, bạn nhìn thấy những cột vuông có ở khắp mọi nơi, có cùng kích thước từ chân đến đỉnh, những hàng dài ở các hành lang; một hàng cột tạo thành hình chữ thập trên sân thượng, hoặc biến thành các trụ áp tường khi nằm kề các cửa đi.

Những mẫu đẹp nhất trong nghệ thuật trang trí Angkor được tìm thấy trong các cột này, nhất là những cột dưới dạng trụ áp tường có dầm đỡ ở trên. Cách phần chân vài tấc , người ta thường thấy một tượng Phật có râu, và trên nữa là một mảng họa tiêt đường nét cực kỳ tinh xảo và mềm mại như một bức thêu tuyệt mỹ vậy.

Phía ngoài đôi khi trông rất kỳ dị, chúng có dạng như mặt tiền hoặc phần trán tường (pediment), trên một lối vào, chủ đề đôi khi là một vũ công hoặc thông thường hơn là một bầy khỉ rối rắm. Cần phải biết rằng những mẫu trang trí này nói cho đúng chỉ là làm cho đầy bố cục với mục đích rõ ràng là không bỏ sót một khoảng trống nào mà không có trang trí. Thực tế là rất nhiều mẫu được lập đi lập lại, nhưng số lượng và tính biến đổi vẫn làm ta kinh ngạc.

Có lẽ chi tiết hấp dẫn nhất trong các mẫu trang trí là một loạt những phù điêu (bas-relief), trước hết là ở số lượng. Dưới đây là tóm tắt một phần bức phù điêu đám rước:

  1. Trận chiến giữa người và khỉ _ một chủ đề ưa thích _ dài 50m .
  2. Trận chiến giữa người Ấn và kẻ thù không rõ là ai, dài 50m.
  3. Đám săn bắn, dài 40m .
  4. 3 cảnh chiến trận nữa, dài 54, 68m, 90m .
  5. Đám rước rắn thần Naga, dài 40m .
  6. Cảnh thiên đàng và địa ngục, chiều dài không xác định được, ít nhất cũng 48m .

Chính là trong các phù điêu này mà những nét bi thảm trong đời của những người thợ xây dựng hiện ra. Đặc biệt trong các phù điêu chiến tranh, có rất nhiều chủ đề và chi tiết , người thợ điêu khắc đã kể cho người xem nhiều hơn là những gì họ muốn nói. Bạn nhìn thấy những cuộc hội quân không rõ là quân của ai, một số mặc trang phục có khăn quàng đầu của người Ấn, còn có rất nhiều binh sĩ khác  đội kiểu mũ Hy lạp.

Hai bên đều vũ trang bằng giáo, khiên, áo giáp và gậy chiến. Các chỉ huy vũ trang bằng kiếm, cung, tên và che nắng ngay trong lúc đánh nhau bằng những chiếc dù khổng lồ. Họ cưỡi voi, ngựa, bò, và như thể không đủ còn có cả những vị thần khổng lồ theo trí tưởng tượng của các nghệ sĩ.

Người ta có thể cho đây là huyền thoại hơn là lịch sử, song cũng có những cảnh chém đầu, như người bản xứ đã từng áp dụng, cũng có những chiếc xe bò y như chiếc tôi đã đi vào buổi sáng, nhưng được sử dụng như một công cụ tra khảo. Điều này rất đáng tin. Đây ắt hẳn là lịch sử.

Những phù điêu ở mặt trước toà đền này có lẽ là đẹp nhất. Chúng được thực hiện rất chi tiết và rất có ý thức, như là đã được hiểu rõ, và trông rất sinh động. Có 2 điểm họ làm rất dở là mắt và chân. Trong từng hàng hay hàng trăm hàng người, cặp mắt nào cũng y như nhau, chẳng có chút biểu lộ tình cảm nào _ đã từng có điêu khắc gia nào không gặp rắc rối với chân không nhỉ ? Trong trường hợp này, hình như mọi thứ đều được nhiều người thợ khác nhau lần lượt thử qua, chắc chắn là vậy, và bạn sẽ  thấy cả một, hai thước dài những đoàn người mà phần chân đều quay ra ngoài về hướng người thợ chạm, như là nhà nghệ sĩ muốn bạn chỉ nhìn phần thân trên thôi; phần thân trước và phần nhìn ngang của cẳng chân cũng vậy. Phải, phần chân thì cũng cổ xưa  như người Hy Lạp và Ai Cập vậy.

Phù điêu đoàn người ở Thiên đường và Địa ngục thật ra là một bộ ba trải dọc theo bức tường theo thứ tự song song. Phần dưới là những người đang chịu khổ hình, và cũng đáng quan tâm khi thấy là rất nhiều hình tượng này đều láng mịn vì tay người xem sờ vào. Phù điêu thiên đường là một bộ đôi, chạm những con người vui sướng nhẹ nhàng ở phía dưới và được đấng tối cao ban phúc ngồi trong một hốc  nhỏ nhìn khắp cả thế giới như chổ ngồi trong một nhà hát vậy.

Ở một chổ rất đáng xem chạm cảnh đi săn là các vì vua và các đấng linh thiêng khác, mỗi người đều có một câu chạm khắc chắc là tên và chức vụ. Trông còn rất mới và vẫn chưa một từ nào được giải mã. Nhiều cột ở ngôi đền trong đều có chữ chạm khắc và đang chờ được dịch nghĩa.

Angkor Thom có chu vi 3,5 và 4 km, nghĩa là có kích thước gấp 10 lần Angkor Wat. Tương tự, bao quanh nó là một bức tường, có những cổng vào vĩ đại. Những di tích chính là Bayon, Baption, và Pimean Acas, cùng vô số các phế tích không phân biệt được nữa.

Chỉ riêng Bayon, với 53 ngọn tháp, mỗi tháp đều có các tượng Phật 4 mặt, nhìn về 4 hướng chính của la bàn, có lẽ cũng lớn như ngôi đền tháp vậy. Người ta đoán chừng rằng đây là kho báu của hoàng gia và máu tham đã nổi lên trong nhiều cuộc tìm kiếm vô vọng những kho báu tưởng tượng này. Những cây cao ngất vươn lên trên các di tích này, và những bầy khỉ, sóc thản nhiên nhảy nhót. Pimean Acas là một ngọn tháp hình chóp 4 mặt khổng lồ, nhưng trong tình trạng hiện thời trông rất ghê gớm, dù sao, như mọi kiến trúc khác, nó cũng để lộ ra những tác phẩm tuyệt đẹp bằng đá.

Ai đã xây dựng những công trình này và  khi nào ?

Chúng tôi đã nói rằng người Khmer đã xây chúng; nhưng họ là ai, họ từ đâu đến, họ xây khi nào và tại sao, và sau rốt vì sao họ biến mất, không ai có thể trả lời chắc chắn được. Sử gia Trung hoa thì cho rằng một tiểu vương Ấn độ cùng với đoàn tuỳ tùng trốn khỏi xứ vì bị một tiểu vương rất hùng mạnh khác đánh đuổi, ông ta đã chinh phục được dân ở đây và bắt họ xây dựng nên những công trình bằng đá vĩ đại này.

Nhưng còn những văn bia cần phải được hiểu rõ, rồi sẽ có ngày người ta sẽ làm được và chúng ta sẽ biết rõ hơn. Con chữ thì rất giống với chữ của người Thái và chữ Cao Miên hiện thời, công việc giải mã có lẽ không khó khăn lắm.

Ngẫu nhiên mà người ta thấy là dáng dấp những con người trong các phù điêu có những nét giống với người Cao Miên ngày nay, và không lẽ nào chìa khóa đi vào quá khứ lại nằm lẩn khuất trong các tu viện của họ. Còn hiện tại thì giả thiết khả dĩ nhất về thời gian xây dựng là như sau :

Với Angkor Thom,là thế kỷ thứ 9 sau công nguyên, trùng với thời gian trị vì của Alfred Vĩ đại ở nước Anh . Với Angkor Wat, là thế kỷ thứ 12, hoặc 100 năm sau cuộc chinh phục của người Norman.

Cũng có người liều lĩnh cho là vào thế kỷ thứ 4 trước công nguyên, một ông hoàng trẻ tuổi người Ấn độ gây chiến với cha mình để đòi một phần vương quốc, nhưng bị đánh bại và bị trục xuất cùng hàng ngàn tuỳ tùng của ông. Họ đi về phía tây, vượt qua sông Hằng, sông Irrawaddy và Menam, nhưng không đi quá sông Mekong; tại đây họ tìm thấy những bộ lạc thổ dân bị họ khuất phục dễ dàng. Rồi họ xây dựng vương quốc Cao Miên, đánh đuổi người Xiêm, người Annam, bắt tất cả những bộ lạc trên bán đảo Đông Dương phải thần phục, trở nên rất giàu có và hùng mạnh. Trong nhiều thế kỷ họ xây dựng một  số kinh đô trên miền đất họ thống trị, và trong số đó, Angkor Thom là lớn nhất. Sử gia Trung hoa ( có lẽ là Châu Đạt Quan,Tcheou Ta Kouan) chúng tôi nhắc đến ở trên, có đến viếng xứ này vào thế kỷ thứ 13, và ngay trước đó, họ đã bị người Xiêm và người Annam đánh bại. Những gì sử gia này cho biết về sự giàu có và huy hoàng của họ gần như không thể tin được, số của cải của họ là không tưởng tượng nổi, những bộ tộc mà họ chinh phục, đất đai phì nhiêu, những mỏ ruby ở Battambang vẫn còn đang hoạt động. Có phải là sự giàu có đến mức hoang đường của xứ Ấn độ đã khiến cho Columbus liều lĩnh đi về phía Tây rồi tình cờ khám phá ra tân thế giới chăng ?

                                   SƠ ĐỒ VỊ TRÍ ANGKOR

Ngôi chùa trong hoàng cung, sàn bằng bạc ở Phnom Penh. Nằm trong cung điện Vua Sisowath, như mọi kiến trúc gần đây nhất của Cao Miên, nó mang ảnh hưởng của Xiêm.

NGÔI CHÙA CỦA NHÀ VUA QUÁ CỐ Ở PHNOM PENH

LĂNG MỘ CÁC NHÀ SƯ, TRONG CHÙA CỦA VUA NORODOM

Kích thước của tháp hoặc lăng mộ tượng trưng cho sự thiêng liêng  của tro cốt  các nhà sư chứa trong đó

ĐÀN ÔNG VÀ PHỤ NỮ CAO MIÊN TIÊU BIỂU

Dân tộc Cao Miên là sự pha trộn giữa người Mã lai, Việt Nam và Trung hoa

PHỤ NỮ CAO MIÊN ĐIỂN HÌNH

Chú ý đến sarong, cải biên từ trang phục của người Xiêm, cả đàn ông và phụ nữ đều mặc

PHỤ NỮ CAO MIÊN

Khác với các dân tộc châu Á, đàn ông Cambodia rất yêu quý phụ nữ, họ không để phụ nữ làm bất kỳ công việc gì

ĐƯỜNG ĐI XUYÊN RỪNG CAO MIÊN

CÁC VŨ ĐIỆU RẤT PHỔ BIẾN TRONG CÁC TRIỀU VUA CAO MIÊN, NÓ TƯỢNG TRƠNG CHO LỊCH SỬ ĐẦY HUYỀN THOẠI CỦA HỌ, CẢNH TRONG TRƯỜNG CA RAMAYANA

Trong hình là cảnh khỉ chiến đấu với người khổng lồ. Chú ý khán giả đang chăm chú xem

CÁC NHÀ SƯ ĐẾN THĂM LÀNG ĐỂ NHẬN KHẤT THỰC

Hàng ngày các nhà sư tập hợp trước chùa để đến những làng bảo trợ họ. Đi theo họ là trẻ con những gia đình quyền quý, xem việc chờ đón các nhà sư là vinh dự, các gia đình này mang đến gỉỏ đựng quà biếu, đa phần là gạo. Tất cả trẻ con Cao Miên đều phải làm công quả ở chùa trong một thời gian, ít nhất là 3 tháng

SƠ ĐỒ CHỈ DẪN NHỮNG DI TÍCH CỦA ANGKOR

TRÁI:ANGKOR WAT,  TƯỢNG PHẬT NHIỀU TAY VỚI KIỂU ÁO CÓ MŨ KỲ DỊ ; PHẢI: ĐẦU TƯỢNG KHỔNG LỒ NHIỀU MẶT

 

 

 

TRÁI:ANGKOR WAT: CHÂN ĐỨC PHẬT ; PHẢI: RẮN THẦN NAGA 7 ĐẦU TRANG TRÍ ĐƯỢC ƯA THÍCH Ở ANGKOR WAT. Hình chạm ở đầu lan can

                                                              

ANGKOR WAT: TIỀN DIỆN 1 NGÔI ĐỀN

Từ lối vào con đê bằng đá dẫn đến vị trí này, nơi các bậc cấp đi lên mặt bằng của hành lang ngoài

ANGKOR WAT: ĐỀN TRUNG TÂM, THÁP GIỮA CAO 64M VÀ 3 TRONG 4 THÁP Ở CÁC GÓC

Trong, ngoài và từ trên xuống dưới dày đặc những hình chạm

ANGKOR WAT :CẦU THANG DẪN LÊN ĐIỆN THỜ CỦA THÁP TRUNG TÂM

Từ chân đến đầu cầu thang cao 12m. Các bậc  đã cao lại rất hẹp, nên để trèo lên vừa khó lại vừa nguy hiểm. Lưu ý 4 tượng điêu khắc ở mặt trước bên trái và các mảng chạm tinh xảo trên chúng. Hầu như mỗi tấc vuông , cả ngoài lẫn trong, của ngôi đền này đều có những trang trí cực đẹp như thế, chạm trong đá.

NHÌN TỪ CHÂN THÁP TRUNG TÂM XUỐNG

Hình cho thấy mái của các hành lang bao quanh, mặt nam; ta cũng thấy các loại thực vật miền nhiệt đới chưa thắng được công trình của con người. Những nhóm tượng trang trí cho các khoảng trống giữa chấn song cửa sổ. Mỗi tấc vuông cả trong lẫn ngoài đều chạm đầy những trang trí tinh xảo

MỘT GÓC HÀNH LANG THỨ HAI, TRÙM LÊN TRÊN PHẦN NỀN CAO 6M

Những hàng cột chạm che khuất các cửa sổ giả, hành lang được chiếu sáng từ một sân trong. Trong hành lang là vô số tượng đá hoặc gỗ mạ vàng, vẫn là những linh vật đối với các tín đồ. Lưu ý đến 4 người ở bên phải phía trước và hàng tượng chạm bên trái họ

ANGKOR WAT: CỬA ĐI Ở HÀNH LANG THỨ HAI

Bên trên là rắn thần Naga cuộn mình quanh 50 vị anh hùng trong trường ca Ramayana

CÁC VỊ SƯ CAO MIÊN HÀNH HƯƠNG ĐẾN NGÔI ĐỀN VĨ ĐẠI ANGKOR WAT

Họ mặc cà sa vàng, đến từ Thái lan và Cao Miên, tiếng họ đọc kinh to dần lên làm giảm bớt vẻ tĩnh mịch của ngôi đền

NGÔI ĐỀN NHỎ NẰM TRONG HÀNH LANG NỘI TÁCH BIỆT VỚI ĐỀN CHÍNH

Nhìn thấy được mái hành lang bao quanh và sườn bên cạnh ngôi đền chính. Mỗi hành lang có 4 mặt bên, bao lấy đền chính, các bức tường trong đầy những phù điêu

MỘT GÓC KHÁC CỦA NGÔI ĐỀN NHỎ

Chú ý tới vô số hình chạm lên tới đỉnh kiến trúc

 

ANGKOR WAT: MÁI CỔNG VÀ HÀNG CỘT BAO QUANH THÁP TRUNG TÂM

Trang trí vẫn đứng vững bất chấp những cơn mưa sầm sập suốt 800 năm qua. Từ đầu này đến đầu kia các bức tường của hành lang phủ đầy những hoa văn xoắn tuyệt đẹp này

CHI TIẾT CỦA HÌNH TRÊN NHÌN TỪ MỘT GÓC KHÁC

Chấn song cửa sổ trông như bàn tính thường được sử dụng ở phương Đông,được làm từ cùng một chất liệu

ANGKOR WAT:TRỤ ÁP TƯỜNG, MÁI VÒM VÀ DẦM CỬA, VẪN LÀ CƠ MAN HÌNH CHẠM TRÊN ĐÁ NHƯ THƯỜNG LỆ

Trên mỗi tấc cả trong lẫn ngoài các bức tường của hành lang, ngay cả trên sàn cũng đầy những trang trí. Lềnh khênh những tượng thần. Hầu hết là nữ thần, diễm lệ và đầy biểu cảm. Y phục áo có mũ, trang sức đầy người, kiềng cổ, kiềng tay, mắt cá chân cũng đeo kiềng. Nhiều tượng bóng láng vì tay khách hành hương sờ vào

CÙNG MỘT VỊ TRÍ THÌ CÁCH LÀM GIỐNG NHAU

Cửa dẫn đến hàng hiên ở tháp trung tâm, nơi tín đồ cầu nguyện các vị Bồ tát hàng ngày, được trang trí bằng các trụ áp tường, chạm kín hết. Các Bồ tát, cầm hoa sen trên tay, là hình ảnh phổ biến nhất

THÁP TRUNG TÂM, HÀNH LANG HÌNH CHỮ THẬP NHÌN TỪ BÊN TRONG

Tất cả cột trong ảnh này đều là đá nguyên khối, phần chân chạm các bô lão, nét rất tinh tế. Bên trên là những đường gờ tuyệt mỹ mang hình các vũ công dạng xoắn. Nguyên thủy các mái đỡ hình vòm bị che khuất bằng những tấm panô gỗ chạm, như còn thấy được một phần ở góc trên bên phải

MỘT PHẦN TẤM TRẦN BẰNG GỖ CHẠM Ở CÁC HÀNH LANG

Nó dùng để dấu đi mái đỡ hình vòm, vốn không được trang trí. Ngày nay chỉ còn lại vài tấm

ANGKOR WAT: TIÊN NỮ MÚA

Mẫu này rất thường lập lại ở các chi tiết trang trí của ngôi đền. Vũ ba lê rõ ràng không phải là nghệ thuật hiện đại. Trong triều đình Cambodia ngày nay, các vũ công vẫn múa những điệu múa người ta cho là có từ thời Angkor

MŨ CỘT TRONG HÀNH LANG CHỮ THẬP Ở ĐỀN ANGKOR WAT, CHO THẤY HÌNH TƯỢNG QUEN THUỘC “TIÊN NỮ MÚA”, ĐƯỢC TRANG TRÍ DÀY ĐẶC, VÀ MỘT PHẦN TẤM TRẦN BẰNG GỖ

ANGKOR WAT: MỘT PHẦN TRỤ NGẠCH CHO    TRANG TRÍ Ở CHÂN TRỤ ĐỠ  HÀNH LANG CHO THẤY MỘT CHIẾN BINH CƯỠI RỒNG

Khuôn mặt được trang trí ở cằm giống như hình trên và từ trên xuống là những hoa văn trông như đồ ren

                   

                                                                                                                                           

ANGKOR WAT:  PHẦN KHÁC CỦA TRỤ NGẠCH

TRÁI: MẢNG TRANG TRÍ TRÊN ĐÁ Ở ANGKOR THOM. PHẢI:1 TRONG CÁC GÓC CỦA NGÔI THÁP NHỎ Ở PIMEAN-ACAS

ANGKOR WAT, TRANG TRÍ TRÊN TƯỜNG Ở THÁP TRUNG TÂM:  HOÀNG HẬU ĐỘI  VƯƠNG MIỆN CÓ 5 NGÙ

1 PHẦN MŨ CỘT TRONG ĐỀN ANGKOR WAT, CHO THẤY TÍNH PHONG PHÚ TRONG CÁC CHI TIẾT TRANG TRÍ

Có 7 kiểu mẫu cách nhau bằng các ruy băng hẹp trang trí ít hơn. Các kiểu  hình như theo truyền thống đều có hình hoa huệ nước màu vàng, mọc nhan nhản ở xứ này, có 2 mẫu là lá sen. Tất cả đều chạm trên đá

1 MẪU ĐĂNG-TEN MỸ LỆ TRÊN ĐÁ

Một phần mũ cột và chóp trụ đỡ, trong hàng lang tháp trung tâm. Vẻ kỳ dị ở đầu rồng, nét tinh vi đan xen với các đường chỉ mịn  là đặc điểm của tác phẩm này

ANGKOR WAT: PHẦN MÁI CỦA HÀNH LANG BAO QUANH ĐỀN CHÍNH

Chú ý là ngay cả phần chóp mái cũng được trang trí. Mái này ở bên phải của đền

CỬA GIẢ Ở 1 TRONG CÁC THÁP TẠI BAKONG, CHẠM TRÊN ĐÁ

CỬA GIẢ TRÊN THÁP Ở LOLEY

Không phải là đồ ren mà là chạm trên đá. Không một đồ tiểu mỹ nghệ nào sánh bằng cái gọi là cửa giả này. Hãy thử đếm số hình

MỘT TRONG CÁC CỬA GIẢ Ở THÁP ME-BAUNE, VỚI CÁC MẢNG TRANG TRÍ TUYỆT ĐẸP TRÊN ĐÁ

Rõ ràng các cửa giả này chỉ nhằm để trang trí. Có rất nhiều cửa giả tuyệt mỹ như thế này trong các di tích ở Cao Miên, nhưng không đâu bằng Angkor, vì có lẽ chúng thuộc về một thời kỳ muộn hơn và huy hoàng hơn

MỘT PHẦN CỦA BAYON, DI TÍCH QUAN TRỌNG NHẤT CỦA ANGKOR THOM

Bạn thấy được bao nhiêu mặt tượng Phật. Angkor Thom có diện tích gấp 19 lần Angkor Wat và được xây dựng trước 300 năm, ngày nay chỉ còn là đống đổ nát

1 TRONG 53 THÁP CỦA BAYON

Những khuôn mặt Phật khổng lồ nhìn về 4 hướng chính của la bàn. Không chỉ trong 53 tháp mà ở  nhiều nơi khác của di tích này cũng có rất nhiều mặt tượng Phật như thế. Mỗi một trong 53 tháp đều có 4 mặt Phật

ANGKOR THOM: ĐOÀN VOI TRÊN TƯỜNG SÂN THƯỢNG LỚN

Những lỗ trống là chỗ trang trí ban đầu

CỬA KHỔNG LỒ: 1 PHẦN DI TÍCH Ở KOMPOMG- CHNANG

Một trong rất nhiều nơi trên các bình nguyên của Cambodia nơi người Khmer để lại dấu vết của họ

ANGKOR WAT: KHIÊNG RẮN THẦN NAGA 7 ĐẦU

ANGKOR WAT: TRÍCH ĐOẠN MỘT TRONG CÁC PHÙ ĐIÊU DIỄN TẢ  CẢNH  VỊ HOÀNG TỬ TRÊN LƯNG NGỰA BAO QUANH LÀ CÁC CUNG NỮ

Ngay dưới bức phù điêu này là cảnh trong trường đoạn diễn tả cảnh tù nhân bị phạt.Rất khủng khiếp

1 PHÙ ĐIÊU KHÁC Ở ANGKOR WAT, THUYỀN CỦA HOÀNG GIA

Chỗ mũi thuyền là các nhạc công và vũ công; dưới màn trướng hoàng gia đang tiêu khiển; ở phần lái đám người hầu đang xem đá gà, y như ngày nay vậy, còn bên dưới các nô lệ đang vung tay chèo qua vùng biển lúc nhúc cá

ANGKOR WAT:TRÍCH ĐOẠN PHÙ ĐIÊU Ở HÀNH LANG TÂY NAM,  CẢNH TRONG TRẬN CHIẾN GIỮA PANDAVAS VÀ KAURAV (TRƯỜNG CA MAHABHARATA)

Hình nhân nằm nghiêng không phải bị giáo đâm, mà do tên rơi xuống. Những hình nhân ở dưới đang cầm cán quạt bằng lá sen

ANGKOR WAT: CẢNH ĐI SĂN, DÀI  98M

Chú ý rừng nhiệt đới diễn tả theo truyền thống, dù che cho các thợ săn hoàng gia và chân những người đi bộ. Đây chỉ là 1 trong nhiều cảnh của phù điêu này, các nét chính thay đổi rất nhiều. Chân người như duỗi dài ra vô tận.Đoạn trích này dài 3m, cao 2,4m.. Toàn cảnh có đến hơn 1.000 người

ANGKOR WAT: HANUMUNT (HANUMAN), VUA KHỈ

Để phô diễn sức mạnh kinh hồn , vị thần này chụp lấy 2 con rồng, kẹp chặt đến nỗi chúng mất hết sức lực rồi dùng tay ôm siết chúng

ANGKOR WAT: 1 CHI TIẾT KHÁC TRONG CÁC TRẬN CHIẾN CỦA TRƯỜNG CA RAMAYANA

ANGKOR WAT: TRẬN CHIẾN GIỮA NGƯỜI VÀ KHỈ

Đây là trung tâm của trận chiến, nơi hai bên xáp vào nhau. Các địch thủ tập trung dày đặc trong cuộc loạn chiến đến mức không còn chỗ cho hậu cảnh. Đây là bức phù điêu đẹp nhất, dài 48m. Trích đoạn này chỉ dài chừng 3m. Toàn cảnh có hơn 1.000 người và khỉ, và như mọi phù điêu khác, chạm trên đá

ANGKOR WAT:VUA KHỈ HANUMUNT, BỊ ĐÁNH BẠI TRONG TRẬN CHIẾN VỚI CON NGƯỜI, CHẾT TRONG VÒNG TAY HOÀNG HẬU, VÂY QUANH LÀ CÁC ĐẠI THẦN KHỈ ĐANG THƯƠNG KHÓC

 

28.12.2009 – 12.11.2010 NTH

 

 

 

 

 

 

 

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết