VỀ HOA LƯ KINH ĐÔ XƯA NƯỚC VIỆT
Phần 2
HÀNH TRÌNH VỀ HOA LƯ
Năm 2013, cuối thu, gia đình Kim Sơn, cùng người thân ở Hà Nội, về Hoa Lư thăm cố đô. Chuyến đi chỉ gói gọn trong một ngày. Nên chỉ đi được hai nơi: Bái Đính cổ tự và Khu du lịch Tràng An. Vài cảm nghĩ và những hình ảnh chuyến đi ghi lại dưới đây.
THĂM BÁI ĐÍNH CỔ TỰ
Chùa cổ Bái Đính
Chùa Bái Đính cổ (xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, Ninh Bình) cách điện Tam Thế chùa Bái Đính mới 800m. Chùa tọa lạc trên ngọn núi cao 187m, nơi đây được Đức Thánh Nguyễn Minh Không phát hiện và sáng lập vào triều Lý, khi ngài về đây tìm thuốc chữa bệnh cho nhà vua. (Wikipedia)
Các tài liệu về lịch sử Phật giáo Việt Nam không ghi nhận việc Thiền sư Minh Không lập chùa trên núi Bái Đính. Chỉ riêng học giả Trần Văn Giáp ghi nhận ông tu ở chùa làng. Thiền Uyển tập anh, Lê Mạnh Thát dịch, ghi ông tu ở chùa Quốc Thanh, Trường An. Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Thích Thiện Hoa, ghi sau khi Minh Không chữa khỏi bệnh cho vua Lý Thần Tông vào năm 1136, vua phong ông làm quốc sư và cho lập chùa Linh Cảm.
Trải qua gần 1.000 năm lịch sử, chùa Bái Đính cổ ghi dấu những chứng tích lịch sử của Phật giáo Việt Nam. Khác với sự uy nghi, tráng lệ của khu chùa mới, chùa Bái Đính cổ lại trầm mạc, tĩnh lặng và linh thiêng. Các lối đi trong chùa vẫn còn là những lối mòn được lát đá...
Cũng tại nơi chùa Bái Đính cổ ngự trị, xưa kia Đinh Tiên Hoàng đế từng lập đàn tế trời cầu mưa thuận gió hòa. Sau này vua Quang Trung chọn làm nơi tế cờ động viên quân sĩ trước khi ra Thăng Long đại phá quân Thanh...
Lên thăm hang động ở núi Bái Đính phải bước trên 300 bậc đá, qua cổng tam quan ở lưng chừng núi. Lên hết dốc là tới ngã ba: bên phải là hang sáng thờ Phật và Thần, bên trái là động tối thờ Mẫu và Tiên.
Động thờ Phật và thờ Thần. Để lên được nơi trang nghiêm này, du khách phải leo qua 300 bậc đá. Bên ngoài sơn động này khắc 4 chữ do vua Lê Thánh Tông ban tặng là "Minh Đỉnh Danh Lam" (có nghĩa: Lưu danh thơm cảnh đẹp).
Bàn thờ Phật được đặt ngay chính giữa hang sơn động. Hang này được gọi là hang sáng vì xuyên qua núi. Bàn thờ trong lòng hang núi làm cho không gian nơi đây thêm linh thiêng, huyền bí nơi cửa thiền.
Hang sáng có chiều cao khoảng 2m, dài 25m, rộng 15m. Từ cửa chùa, đi hết sẽ có có cửa hang lớn trước mặt là thung lũng xanh. Khi đi qua hang, dễ nhận ra, trần hang động đã trở thành những mái chùa kiên cố, che chắn chốn thiêng ngự trị của Phật, của Mẫu đã hàng bao thế kỷ nay.
Khi lên vãn cảnh chùa, vua Lê Thánh Tông đã tạc một bài thơ chữ Hán ca ngợi vẻ đẹp nơi đây. Bài thơ có câu dịch: Đính sơn danh tiếng thật cao xa/ Che chở kinh thành tự thửa xưa/ Nhân kiệt địa linh nên vượng khí/ Núi thiêng cảnh đẹp vững sơn hà.
Đền thờ Thiền sư Minh Không (thánh Nguyễn), ông là người sáng lập ra chùa. Tương truyền, khi ông đi tìm cây thuốc quý chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông đã phát hiện ra hang động ở đây và thành lập chùa để thờ Phật tại đây.
Xem đoạn vấn đáp giữa Thiền sư Đạo Huệ và Thiền sư Trí Bảo (?-1190, họ Nguyễn, là cậu của Thái uý Tô Hiến Thành, đời Lý Anh Tông), ta sẽ thấy duyên do kiến lập Bái Đính cổ tự:
“Trí Bảo hỏi: sinh từ đâu tới, tử đi về đâu?
Đạo Huệ đáp: sinh không từ đâu tới, tử chẳng về đâu.
Trí Bảo hỏi: thế chẳng rơi vào chỗ trống không ư?
Đạo Huệ đáp: Chân tính tròn đầy mầu nhiệm, bản thể vốn không tịch, vận dụng tự tại không đồng với sinh tử. Vì lẽ đó mà sinh không từ đâu đến, chết cũng chẳng về đâu
Nghe câu nói ấy, Trí Bảo bèn lĩnh ngộ, thưa rằng:
- Chẳng nhờ gió cuốn mây bay sạch
Sao thấy trời thu vạn dặm xanh.
(Bất nhân phong quyện phù vân tận
Tranh kiến thanh thiên vạn lý thu.)
(Thiền Uyển tập anh, Lê Mạnh Thát dịch, sự tích thiền sư Trí Bảo)
Bái Đính cổ tự như một áng mây mờ, như hạt bụi giữa trần:
Ngã tinh ngã mệnh hề, Vô biên lạc tận vũ trụ không, Thiên hà vô bỉ ngạn (Ngô Văn Tạo, Hán tự Hài cú)
Chỉ là hạt bụi trần gian, Chỉ là một ánh sao băng qua trời, Sông Ngân một dải bến bờ là đâu (Bùi Giáng dịch)
Ngân giang một dải mây mờ. Xa xăm hạt bụi bến bờ là đâu.
Một phong cách chùa độc đáo nhất nước ta. Chùa rất nhỏ. Cổng tam quan có lẽ do người đời sau xây dựng. Chẳng thấy chính điện, chẳng có hậu liêu, không có tháp tổ, không thấy nhà tăng đâu cả. Chỉ có tượng Phật trong hang động, bàn thờ và bát nhang. Phật giáo đời Đinh, Lê, Lý, là dòng Thiền của Thiền sư Tỳ Ni Đa lưu chi, phái Nam tông, mở đầu, sau có thêm hệ phái Vô Ngôn Thông. Chỉ truyền tâm ấn, bất lập văn tự. Tinh thần Tam giáo đồng nguyên thể hiện ở việc thờ cả Phật, Thần và Mẫu. Thiền sư Minh Không làm thuốc cứu dân, và với công lớn chữa quái bệnh cho vua, ông có thể kêu gọi hay nhờ uy thế triều đình, xây hẳn ngôi chùa lớn (ông đã được vua phong làm Quốc sư). Nhưng ông không làm thế. Xong việc thì về. Vô ngôn. Vô tướng. Vô trụ. Vô hình. Vô ảnh. Và thậm chí, đời sau còn nhầm lẫn Minh Không với Không Lộ.
Có chữ rằng “Vạn cảnh giai không”. Các chùa xưa, dù lớn hay nhỏ, đều là di tích kiến trúc, điêu khắc, văn vật… nên thường là đối tượng bị trộm cắp. Hoặc bị tàn phá bởi chiến tranh, thời tiết; hoặc bị thờ ơ, quên lãng. Bái Đính cổ tự chẳng có gì cả. Vậy nên:
Ai đến đấy dưới trên ngồi lại
Của làm duyên chớ ngại bao nhiêu
Phép thiêng biến ít thành nhiều
Trên nhờ Tôn Giả chia đều chúng sanh.
Phật hữu tình từ bi phổ độ
Chớ ngại rằng có có không không.
(Nguyễn Du)
Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha.
(Qua rồi qua rồi, qua bên kia rồi, tất cả qua bên kia rồi, giác ngộ rồi đó!)
(Bát Nhã tâm kinh)
Bản thân ông là Phật sẽ thành, sắp thành và đã thành.
TRÀNG AN, TIÊN CUNG GIỮA LÒNG HẠ GIỚI
Tràng An, cách cố đô Hoa Lư chừng 3km, địa thế hiểm trở với sông, núi đá, rừng, hang động, hồ, đầm (31 hồ, đầm, nối thông với 48 hang động). Vua Đinh Tiên Hoàng đã chọn nơi này làm thành lũy phía Nam bảo vệ cho kinh đô. Với tuổi địa chất chừng 250 triệu năm, qua những biến đổi khí hậu, biến tiến thoái, nơi này có hệ sinh thái đa dạng, phong phú. Hoa Lư, Tràng An biến thành kinh thành tự nhiên với núi là thành, sông là đường đi, hang động là cung điện.
Đặc biệt nhất và có lẽ chỉ có ở Tràng An là nơi đây có thể tạo thành nhiều hành trình xuyên thủy khép kín mà không phải quay ngược lại. Quần thể hang động này được ví như một trận đồ bát quái. Các dãy núi, hồ nước và hang động tạo thành một thế trận liên hoàn. Mỗi hồ là một bức tranh thủy mặc khác nhau về thế núi, dáng núi và hồ nước. Mây trời, non xanh, nước biếc hòa quyện với nhau, thoắt ẩn, thoắt hiện. Ðiều diệu kỳ ở Tràng An là các hồ được nối liền với nhau bởi các gạch nối là các động xuyên thủy có độ dài, ngắn khác nhau. Những hang, động này chuyển tải nước đối lưu chảy thông từ khe núi này đến khe núi kia. Núi giăng thành luỹ bao bọc quanh hồ nước và ở giữa nổi lên khu đất với rừng cây mọc thành đảo. Xa xa trên triền núi, dưới tán cây rừng lúp xúp là những đàn dê núi leo trèo trên các tảng đá chênh vênh.
CÁC DI TÍCH VĂN HÓA Ở TRÀNG AN
Đền Trình
Đền Trình là nơi thờ 4 công thần Nhà Đinh là 2 vị Tả Thanh Trù và 2 vị Hữu Thanh Trù. Khi Thái hậu Dương Vân Nga trao mũ áo long bào nhường ngôi vua cho Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, các ông đã không khuất phục và tuẫn tiết tại khu vực này, nhân dân đã xây dựng ngôi Phủ bên sườn núi để thờ các ông.
Đền Tứ Trụ
Đền Tứ Trụ nằm cạnh đền Trình, là di tích thờ 4 vị đại thần Nhà Đinh gồm Tể tướng Nguyễn Bặc, Ngoại giáp Đinh Điền, Thái sư Lưu Cơ và Thượng thư Trịnh Tú.
Sách Đại Nam Quốc sử Diễn ca cũng như thơ ca dân gian thường nói đến Tứ trụ "Bặc, Điền, Cơ, Tú" tức là bốn người trụ cột của triều Nhà Đinh. Tứ trụ là 4 vị quan thân cận, cùng quê hương và cùng tuổi với Đinh Tiên Hoàng Đế, từng giúp vua Đinh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước.
Đền Trần
Đền Trần Ninh Bình do vua Đinh Tiên Hoàng xây dựng cùng thời với đền Hùng, sau này vua Trần Thái Tông về đây lập hành cung Vũ Lâm tiếp tục cải tạo bề thế hơn nên được gọi là đền Trần. Đền Trần là nơi thờ thần Quý Minh, vị thần trấn cửa ải phía nam Hoa Lư tứ trấn. Đền còn có tên là đền Nội Lâm (ngôi đền trong rừng). Đền Trần Nội Lâm cùng với Vũ Lâm, Văn Lâm hợp thành Tam Lâm dưới triều đại Nhà Trần.
Phủ Khống
Phủ Khống nằm trên một dải đất hẹp, lưng tựa vào hang Khống, bên phải là dãy núi đá dựng đứng, trước mặt là thung lũng nước mênh mông. Phủ Khống là nơi thờ 7 vị quan trung thần triều Đinh, gắn với các truyền thuyết khi vua Đinh Tiên Hoàng băng hà, 7 vị quan trong triều đình mang nhiều quan tài chôn theo các hướng rồi cùng tự sát để giữ kín những bí mật về ngôi mộ thật. Một vị tướng trấn giữ thành nam vô cùng cảm kích trước nghĩa khí của 7 vị trung thần liền lập bát nhang thờ cúng ở đây. Sau khi vị tướng này mất, nhân dân trong vùng đã lập đền thờ và trồng cây thị ngay trước cửa Phủ để tưởng nhớ các bậc trung thần. Cây thị nghìn năm tuổi mà quả có hai loại: 1 tròn và 1 dẹt.
Hành cung Vũ Lâm
Khu du lịch Hành cung Vũ Lâm nằm sâu trong khu vực rừng núi của Quần thể di sản thế giới Tràng An, để đến khu du lịch Hành cung Vũ Lâm, du khách sẽ được ngồi trên các con thuyền truyền thống do người dân địa phương chèo lái, trải nghiệm sự gắn kết gần gũi với thiên nhiên, cảm nhận vẻ đẹp thuần khiết, lộng lẫy của hang kỳ, đá lạ và trở về nét vàng son của lịch sử dân tộc trong quá trình dựng nước và giữ nước. Tại đây, Viện khảo cổ học Việt Nam đã khai quật, thám sát thung đã tìm thấy hàng nghìn hiện vật ở trên bề mặt và trong những hố đào. Trung tâm hành cung Vũ Lâm thờ vua quan Nhà Trần. Dưới triều của Nhà Trần có danh thần Trương Hán Siêu, ông gốc là người Ninh Bình, là một danh sĩ nổi tiếng thời Trần, và là môn khách đắc lực của Trần Hưng Đạo. Trương Hán Siêu có tính tình cương nghị, học vấn uyên thâm, có công lớn trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai và thứ ba. Trong giai đoạn vua Trần Nhân Tông về vùng đất này để tu hành thì sau đó danh thần Trương Hán Siêu cũng đã lui về ẩn tu và lập am tu tập tại quê hương Ninh Bình. Chính vì vậy mà Trương Hán Siêu cũng được nhân dân thờ tại khu di tích này.
Đền Cao Sơn
Đền Cao Sơn thờ thần Cao Sơn trấn Tây Hoa Lư tứ trấn. Thần Cao Sơn khi đi tuần tra vùng núi Vũ Lâm (Ninh Bình) đã tìm ra loại cây búng báng sử dụng thay gạo cứu đói, được nhân dân tôn thờ. Ngôi đền nằm trên 1 tuyến du lịch trong khu du lịch sinh thái Tràng An, cùng với các điểm tham quan khác là đền Suối Tiên và Hành cung Vũ Lâm.
(Wikipedia)
Đến Tràng An, không phải là đi tìm dấu tích người xưa, mà là đi qua nơi, khoảng 10.000 năm trước, người của nền văn hóa gọi là văn hóa Hòa Bình đã sống. Sông suối cho họ cá, ốc; rừng cho họ chim muông, quả, hạt. Hoà ca với họ là gió núi, mây ngàn.
Nơi mà chừng một ngàn năm trước, Đinh Bộ Lĩnh đã tập trận với cờ lau, rồi thu phục 12 sứ quân để lập ra nước Đại Cồ Việt, nhà nước tự chủ và độc lập đầu tiên của Việt Nam ta.
Nơi mà quân Tống đã bị đánh bại, nơi mà Tứ trụ của nhà Đinh, Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Lưu Cơ, Trịnh Tú, đã tuẫn tiết để giữ vẹn đức trung quân.
Nơi mà, 800 năm trước, khi quân Mông cổ tràn sang, dẫm nát kinh thành Thăng Long, vua quan nhà Trần đã rút về đây lập hành cung Vũ Lâm, náu mình chờ thời cơ phản công, để chỉ trong vài tháng, đã khởi binh thần tốc và dũng mãnh, đuổi Thoát Hoan, Ngột Lương Hợp Thai, A Bát Xích, Toa Đô, Ô Mã Nhi chạy không kịp thở, để nhớ đời rằng, không bao giờ dại dột quay lại nước Nam nữa.
Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu
Xã tắc hai phen chồn ngựa đá
Non sông nghìn thuở vững âu vàng
Ba phần tư thời gian qua Tràng An là đi trên sông nước. Khoảng thời gian còn lại là đi qua miền cổ tích. Thế nên không vương bụi trần, chỉ có bảng lảng bóng mây chiều, tiếng chèo khua nước… và chỉ thiếu tiếng sáo của Trương Chi…
Những miếu, những đền do người sau xây dựng, còn lại đó cây thị nghìn năm tuổi (ở ngay đầu đền Trình) là chứng nhân duy nhất kể mãi chuyện ngàn xưa.
Điều đáng tiếc duy nhất, không phải là không thăm được hết những di tích ở Hoa Lư, mà là không được thấy mùa thu miền bắc. Thôi thì, cứ tưởng như đang là Mùa Thu:
Đóa hoa phù dung trắng xóa
Ngàn cây hiu hắt tiếng nhạc
Mảnh linh hồn tôi thu nay
Là linh hồn tôi thu nào
Nắng đây vẫn là nắng ấm
Mùa thu thương nhớ mơ màng
Gió thu về đây mơn man
Hồ thu xanh biếc tràn lan
…
…những chiều mây vương
Có mùa thu vàng dâng hương
Nhịp chân ai đấy
Hay là gió thoảng xa xôi
Gió nào rung động tim tôi
Hay là dư âm thu rồi
(Lời bài hát Hoài Thu của nhạc sĩ Văn Trí)
Bái Đính sơn, Tràng An, 2013 - Sài Gòn 2022
NTH
-
Về Hoa Lư Kinh Đô Xưa Nước Việt Phần 3< Trang trước
-
Ve Hoa Lu Kinh Đô Xưa Nước Việt Phần 1Trang sau >