Con tàu đắm đời Đường

Con tàu đắm đời Đường

(NatGeo, June 2009)

Làm ở Trung quốc

Một con tàu đắm 1200 năm tuổi mở ra cánh cửa nhìn vào nền thương mại thời cổ.

Nền nghệ thuật hiếm có

Hàng hóa trên con tàu Belitung minh họa cho sức sáng tạo và kỹ thuật phát triển dưới triều nhà Đường ở Trung quốc

Phát hiện con đường giao thương

Trong nhiều thế kỷ con đường tơ lụa trên biển nối liền Trung Đông với Trung quốc qua Ấn Độ và các cảng ở giữa

 

Nền kinh tế thế giới vào thế kỷ thứ 9 có hai thế lực. Một là triều nhà Đường ở Trung hoa, vương quốc trải dài từ biển nam Trung hoa, cho đến biên giới Ba Tư, có nhiều hải cảng mở ra cho mọi thương buôn đến từ khắp nơi trên thế giới. Nhà Đường chào đón đủ hạng người đến kinh đô Changan(Trường An) của họ, nơi ngày nay là Xian(Tây An) và các nhóm đa sắc tộc sống cạnh nhau trong thành phố 1 triệu dân _ số dân không thành phố nào ở phương Tây sánh bằng mãi đến khi có Luân đôn vào đầu thế kỷ 19. Thế rồi, cũng như ngày nay, Trung quốc là một cường quốc kinh tế _ và phần lớn sức mạnh ấy dựa trên thương mại.

Cỗ máy kinh tế kia là Baghdad, kinh đô của triều Abbasid từ năm 762 trở đi. Triều đại này kế thừa thế giới Hồi giáo ở Trung Đông; vào năm 750 nó lan rộng mãi đến sông Indus( sông Ấn) ở phía đông và Tây Ban Nha ở phía tây, và cùng với nó là thương mại, mậu dịch và đạo Hồi ( nhà tiên tri Muhammad từng là nhà buôn).

Nối liền hai thế lực kinh tế này là Con Đường Tơ Lụa và đối trọng của nó là Con Đường Tơ Lụa Trên Biển. Con đường bộ thường được sử dụng nhưng tàu thuyền rất có thể vẫn chạy con đường biển giữa Trung hoa và vịnh Ba tư từ thời chúa Jesus. Hợp với chu kỳ của gió mùa, mạng lưới các con đường biển cùng hải cảng này nối liền Đông và Tây khi liên tục trao đổi hàng hóa và tư tưởng.

Nhà Đường Trung quốc rất thiếu hàng dệt tốt, ngọc trai, san hô, hương liệu từ Ba Tư, Đông Phi và Ấn Độ. Đổi lại, Trung quốc buôn bán giấy, mực và nhất là lụa. Lụa, nhẹ và dễ cuốn, có thể đi đường bộ. Nhưng vào thế kỷ thứ 9 hàng gốm từ Trung quốc đã trở nên phổ biến, mà lạc đà lại không thích hợp để vận chuyển những thứ bát đĩa sành ( cứ nghĩ đến mấy cái bướu xem). Thế là gia tăng số lượng đĩa đựng thức ăn cho các thương nhân Vịnh Ba Tư giàu sụ chở đến bằng đường biển trên những con tàu Ả rập, Ba Tư và Ấn Độ.

Ấy là một chuyến hành trình dài và nguy hiểm. Đôi khi con tàu nào đó biến mất như chiếc phi cơ không hiện trên màn hình radar.

Từ thuở xa xưa những con tàu đã gặp phải tai họa trong eo biển Gesala, lộ trình có hình phễu  nằm giữa các đảo nhỏ hẹp Bangka và Belitung thuộc Indonesia, nơi mà làn nước màu ngọc lam che dấu mê cung những giải san hô và đá ngầm. Một thập kỷ trước, bất chấp hiểm nguy, các thợ lặn vẫn làm việc trong vùng này, và dưới 15m nước, họ bơi qua một khối san hô có nhiều món đồ gốm dính chặt trong đó. Trong một cái vại lớn họ lôi ra được vài cái bát còn nguyên vẹn, đem lên bờ và bán đi.

Các thợ lặn đã vô tình có một phát hiện khảo cổ quan trọng nhất ở vùng biển Đông Nam Á: chiếc thuyền buồm Ả Rập có từ thế kỷ thứ 9 chở hơn 60.000 món đồ thủ công vàng, bạc và đồ gốm đời Đường. Con tàu và hàng hoá, giờ đây được gọi là con tàu đắm Belitung, là một bằng chứng thời gian cho thấy rằng Trung quốc đời Đường,cũng như Trung quốc thời nay, đã sản xuất đại trà hàng hóa mậu dịch và xuất đi bằng đường biển, Luân phiên làm việc cho tới khi gió mùa ngừng thổi, toán thợ lặn đã lấy được nhiều món đồ tạo tác thời cổ.

Kho báu này _ hoặc phần lớn trong số đó_ được làm để dùng trong nghi lễ đời Đường, được gọi là bát Changsha, gọi theo tên lò Changsha ở Hồ nam(Hunan) nơi làm ra chúng, Những chiếc vại bằng đá cao dùng làm công-ten-nơ trên tàu vào thế kỷ thứ 9, mỗi chiếc chứa hơn một trăm cái bát xếp lồng vào nhau và có thể lúc đầu được lót rơm, một loại đệm hữu cơ. Các nhà nghiên cứu đã biết là những cái bát uống trà đơn giản này đã được xuất đi khắp thế giới từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 10. Người ta đã tìm thấy các mảnh vỡ của chúng ở những nơi xa mãi tận Indonesia và Ba Tư. Nhưng chỉ một số ít còn nguyên vẹn.

Ngày nay biển Java còn cất giữ một lượng hàng hóa_ phần lớn được bảo tồn hoàn hảo_ được bảo vệ trong những vại đá và được cát dưới đáy biển cọ sạch bùn. Cọ sạch bọt biển, nước bóng của chúng vẫn sáng ngời như ngày chúng được nung trong lò. John Miksic, giáo sư người Mỹ ở đại học quốc gia Singapore, chuyên gia khảo cổ trong khu vực Đông Nam Á, bảo là những cái bát làm bằng tay này cho thấy bằng chứng về nền sản xuất mang tính cơ xưởng. Chúng là những mẫu xuất khẩu đầu tiên được biết tới. Miksic nói, “những hàng hoá này cho thấy tài năng của nhà tổ chức, và số nguyên liệu thô nhập khẩu là rất lớn. Chẳng hạn như cobalt để làm đồ gốm men trắng xanh nhập từ Iran, mãi về sau Trung quốc mới khai thác nó từ quặng.

Cho dù các nhà hàng hải Ả rập rõ ràng là đã khai thác Con Đường Tơ Lụa Trên Biển, trao đổi với mật độ dày trong những không gian rộng lớn, song John Guy, thành viên ban quản trị Nghệ thuật Nam và Đông Nam Á của Bảo tàng Metropolitan, New York, nói là, “ đây là lần đầu tiên tìm thấy con tàu Ả rập trong thuỷ lộ Đông Nam Á. Và là lượng hàng ký gửi bằng vàng và gốm lớn nhất, phong phú nhất trong một kho báu duy nhất ở biển nam Trung hoa vào đầu thế kỷ thứ 9  tìm thấy được.”

Bản phục hồi con tàu này cho thấy nó tương tự như loại tàu buồm vẫn được tìm thấy ở Oman và được gọi là baitl qarib . Dài 18m, phần mũi và đuôi dốc nghiêng, đóng bằng gỗ châu Phi và Ấn độ, thích hợp với buồm vuông. Điểm đặc biệt nhất là thay vì đóng đinh hoặc chốt, phần sườn và các thanh xà lại được may, theo đúng nghĩa đen, bằng xơ dừa, loại chỉ làm bằng vỏ dừa.

Cảng khởi hành và nơi đến của con tàu Ả rập này còn chưa biết chắc. Không sổ hải trình, không vận tải đơn, không bản đồ. Nhưng đa số học giả tin rằng hành trình của nó là Trung Đông, có lẽ là thành phố cảng Al Basrah (nay là Basra), thuộc Iraq. Có thể nó dong buồm từ Guangzhou, thành phố cảng lớn nhất liên kết trong Con đường Tơ lụa Trên biển. Vào thế kỷ thứ 9, ước chừng 10.000 nhà buôn ngoại quốc, đa số là Ả rập và Ba Tư, sống ở Quangzhou.

Trong số hàng ngàn chiếc bát Changsa tìm thấy trong chiếc tàu đắm, có một cái khắc đoạn văn sau: ngày thứ 16, tháng thứ 7, năm thứ 2, triều đại Baoli”, tức năm 826, sau Công nguyên theo lịch Tây phương. Thời điểm nung cái bát này gần như chắc chắn rồi. Và cũng như ngày nay, hàng đâu có nằm lâu trên bến, nó cũng được chất lên tàu ngay sau đó.

Hành hóa sắp theo từng loại ( ngoài bát ra, còn có 763 bình mực giống nhau, 915 lọ đựng hương liệu nhiều kích cỡ, 1635 bình đựng nước) và tính đa dạng của sản phẩm về mặt địa lý ( từ ít nhất là 5 lò nung nằm rải rác trên khắp Trung quốc) cho thấy rằng đây là những mặt hàng xuất khẩu làm theo đơn đặt hàng. Trang trí đáp ứng cho tính chiết trung của thị trường toàn cầu. Một vài loại dùng cho mọi người: những biểu tượng và chủ đề hoa sen của đạo Phật từ Trung Á và Ba Tư. Những vật  trang trí kỷ hà và chữ khắc kinh Koran rõ ràng là nhắm đến thị trường đạo Hồi. Đồ gốm trắng, những cái bát và bình nước lốm đốm xanh lục rất phổ biến ở Iran. Có 1 cái bát khắc 5 hàng chữ rời rạc theo hàng dọc mà có nhà nghiên cứu đã diễn dịch ra ý nghĩa vang đầy sức mạnh trong thế giới ngày nay: Allah.

Cũng như những con tàu chất đầy giày hoặc hàng điện tử dán nhãn “Made in China” ngày nay, phần lớn hàng tìm thấy trên con tàu Ả rập này đều là hàng trao đổi. Nhưng ở đuôi tàu, thợ lặn đã tìm thấy vàng, bạc và đồ sứ cao cấp mà tầm quan trọng của chúng vẫn còn là điều bí ẩn.

Alvin Chia vừa bóc lớp giấy trắng như bông không có a-xit vừa giơ chiếc tách trong đôi tay mang găng, “ Đây là chiếc tách đời Đường lớn nhất tìm thấy được.” Chia là ủy viên ban quản trị Tổ hợp giải trí Sentosa của Singapore, liên kết với chính phủ Singapore đánh dạt các viện bảo tàng để mua trọn bộ số hàng hóa trong năm 2005 với giá hơn 30 triệu USD. Ngày nào đó, số hàng này có thể sẽ thuộc về Viện Bảo tàng Con đường Tơ Lụa Trên biển.

Chia chỉ ra rằng 2 người đàn ông mô tả trên tách trông giống người Trung Á hơn là Trung quốc vì có tóc dài, xoăn và râu rậm. Trên thành tách là những hình nhân chuyển động: một vũ nữ Ba Tư vỗ tay trên đầu, các nhạc sĩ chơi nhiều loại nhạc cụ khác nhau. Chia giải thích, ở Trung quốc thời Đường, nhạc và vũ miền đông Ba Tư rất được hâm mộ.

1 chiếc bình cổ nhỏ lớn bằng bạc có thể cho thấy ý nghĩa của kho báu này. Chia hỏi, “ Thấy đôi vịt của quan chưa ? Chúng là biểu tượng của mối hôn nhân hoà hợp. Trên các hộp trang trí, mọi thứ đều có đôi: đôi chim, đôi hươu, đôi dê.” Có lẽ đây là quà tặng dành cho đám cưới hoàng tộc trong Vịnh Ba Tư _ loại kho báu dành cho cô dâu hiếm khi được nhìn thấy bên ngoài Trung quốc.

Từ khi Trung quốc bắt đầu buôn bán với thế giới hơn 2.000 năm trước, nó cứ mở và đóng cứ như cái vỏ ốc vậy. Suốt thời Đường (Tang), cái vỏ ốc này mở rộng và duy trì suốt nhiều thế kỷ. Một chuỗi những phát minh _ thuốc súng, giấy, nghề in, luyện sắt _ đã đưa Trung quốc vào vị trí thế lực kinh tế hàng đầu thế giới. Giao thương với phương Tây phát triển ổn định và các thuỷ thủ Trung quốc ngày càng giữ vai trò thống trị.

Khi viên đô đốc vĩ đại Trịnh Hoà (Zhang He) giong buồm ra khơi vào năm 1405 cùng hạm đội 317 chiếc, Trung hoa đã ngự trên đầu ngọn sóng. John Miksic bảo, “ Nếu bạn ngồi trên con tàu không gian nhìn xuống Trái đất, bạn đã nhìn thấy những phát triển từ thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ 15, hẳn bạn sẽ nghĩ rằng người Trung quốc phải có bước đi kế tiếp _ khám phá Đại tây dương và trở thành nền văn minh hàng đầu thế giới” Nhưng trong suốt lịch sử Trung quốc, còn có một thế lực khác mạnh tương đương: sự bất tín của các thương buôn và những ảnh hưởng ngoại lai mà họ nhập vào ngược về tận thời Khổng Tử, người cho rằng mậu dịch và thương mại sẽ không áp chế văn hóa và các giá trị của Trung quốc.

Năm 878 sau Công nguyên, hơn nửa thế kỷ sau khi con tàu Belitung chìm, một thủ lĩnh quân phiến loạn tên Huang Chao, đốt phá cướp bóc GuangZhou, giết chóc hàng ngàn người Hồi giáo, Do thái giáo, Cơ đốc, Bái hoả giáo. Và không lâu sau chuyến hải trình của Trịnh Hoà, khi Columbus đến Tân thế giới, thế giới quan Khổng giáo thắng thế trong thời đại này; Trung quốc đốt hết các hạm đội và quay mặt vào trong. Con đường Tơ lụa và Con đường Tơ lụa Trên biển, đã từng nối kết Trung quốc với thế giới, trở nên vô dụng. Người Bồ Đào Nha tiến vào Ấn Độ Dương, vào cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18, Âu châu bắt đầu thống trị nền thương mại thế giới. Miksic bảo rằng, “ Toàn bộ lịch sử thế giới hẳn đã khác đi nếu như người Trung quốc không chui vào vỏ ốc suốt 500 năm.”

Ngày nay Trung quốc đang cạnh tranh với Ấn Độ để là công xưởng của thế giới. Trung quốc đang mở cửa như chưa bao giờ mở và một lần nữa lại buôn bán với các đối tác cũ ở Trung Đông. Iran, chẳng hạn, cung cấp cho Trung quốc 12% lượng dầu. Đổi lại, Bắc Kinh cung cấp máy móc và xe lửa, xây dựng xa lộ và thiết lộ, giúp Teheran khai thác nguồn tài nguyên khổng lồ, khép lại đường tròn có từ thế kỷ thứ 9 khi cobalt lên tàu từ Ba Tư sang Trung quốc để làm thành đồ sứ xanh-trắng tìm thấy trên con tàu Belitung.

Wang Gungwu, sử gia thuộc Viện Đại học quốc gia Singapore, bảo là, “ mạng lưới cổ xưa đã được phục hồi thông qua nền công nghiệp và các cơ xưởng trong một thế giới đã được toàn cầu hóa.”

Trong bao lâu, điều này là tuỳ ở suy đoán của bất kỳ ai.

KHÁM PHÁ LỘ TRÌNH THƯƠNG MẠI

Chất nặng hàng hóa Trung quốc, con tàu Belitung chìm ngoài khơi vào đầu thế kỷ thứ 9 là một con tàu Ả rập. Con tàu đắm này đã tạo cho các nhà nghiên cứu lớp vỏ thời gian chưa từng có để tìm hiểu về Con đường Tơ lụa Trên Biển, trong hàng thế kỷ đã là mối dây liên kết nền thương mại quốc tế. Lợi dụng những cơn gió mùa, các thương buôn và thuỷ thủ đã nối liền Trung Đông với Trung quốc qua Ấn Độ và các cảng trung gian ở giữa.

Bám đầy các sinh vật biển, chiếc bình gốm thời Đường này tìm thấy ngoài khơi quần đảo Belitung, Indonesia.

Hàng hóa trên con tàu Belitung minh họa cho óc sáng tạo và tài khéo léo rất phát triển dưới triều nhà Đường ở Trung quốc, chẳng hạn như chiếc cốc uống rượu và xuyến làm từ vàng nguyên chất này.

Món đồ gốm xanh trắng cobalt xuất xứ từ Trung quốc còn nguyên vẹn này là món đồ xưa nhất tìm thấy được.

Cũng được tìm thấy trong kho báu Belitung là chiếc bình bằng bạc mạ vàng được chạm cực kỳ tinh xảo.

Chiếc gương đồng có hoa văn trang trí này đã là đồ cổ khi con tàu giong buồm ra khơi.

Con tàu chở khoảng 55.000 chiếc bát làm để xuất khẩu trong các lò ở tỉnh Hồ Nam (Hunan). Đa phần có chiều ngang từ 15-20cm, và nhiều chiếc được xếp trong cái vại lớn.

Cá, hoa, biểu tượng tôn giáo và cả thơ ca nữa, đều được sử dụng để vẽ trên nước men có pha trộn đồng và sắt, tô điểm cho hàng gốm.

Chú vịt con canh gác bên trong lòng cái tách cao 8,8cm, có lẽ để giữ cho rượu không có cặn.

 

Cái nút hình đầu rồng tuyệt đẹp này có lẽ là phần đầu của cái bình đựng nước cao 88cm, có kích thước và kiểu dáng rất độc đáo.

Cùng với đồ gốm gia dụng làm trong các lò ở Changsha, con tàu Belitung còn chở tượng con chó có hoa văn trang trí cao 7,6cm. Có lẽ ban đầu toàn bức tượng có nước men xanh lục pha xanh dương, giờ đã tróc đi gần hết, nhưng tư thế canh giữ sống động thì vẫn còn nguyên.

Con xúc xắc bằng xương và trái dẻ bằng sừng cao 2,5cm_ chắc là đồ chơi _ để giải trí và giết thì giờ cho hành khách và thuỷ thủ đoàn trên con tàu khẳm hàng. Chuyến hành trình đã kết thúc không may, nhưng những gì còn lại của nó đã làm phong phú cho cái nhìn của chúng ta về nền thương mại dài lâu của Trung quốc.

 

20.5.2010-14.4.2011 NTH

 

 

 

 

 

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết