Angkor, viên ngọc giữa rừng thẳm
Bài W. Robert Moore, Hình vẽ Maurice Fiévet, Ảnh của tác giả
(Dịch từ Natgeo Apr, 1960)
Đã 400 năm thành phố đá vĩ đại nằm hoang lạnh, thiêu cháy và nứt nẻ dưới ánh mặt trời nhiệt đới, mưa mùa quất rát bỏng. Nơi một triệu con người đã từng làm việc, hát ca và cầu nguyện, nơi chỉ có dã thú và dơi quanh quẩn làm những công việc lặng lẽ của chúng. Rắn bò qua những sân thượng đá, dây leo và các loài thực vật khác bóp nghẹt những con đường rộng và những hồ nước mênh mông. Chẳng bận tâm gì cả, rừng già khép lại.
Một thế kỷ trước, nhà tự nhiên học người Pháp, Henri Mouhot, trong khi đi khảo sát đất nước Cao Miên xa xôi, đã nghe kể về “ thành phố mất tích” khổng lồ. Hoài nghi nhưng tò mò, ông thuyết phục được giáo đoàn địa phương hướng dễn ông đến đó. Ban đầu họ đi bằng canô, sau đó đi bộ. Cuối cùng, băng qua gai bụi, Mouhot nhìn thấy di tích của những gì mà hiện nay chúng ta gọi là Angkor.
Những ngôi đền đá vĩ đại nằm đó, dây leo quấn quanh. Những cánh cổng khổng lồ, những bức tường chạm khắc, những sân thượng trang trí nằm lẫn trong các cây bông gòn khổng lồ và những cây đa tua tủa rễ. Nhưng không có bóng người nào. Chỉ có tiếng chim kêu khuấy động bầu không khí u tịch khi ông bò qua những tảng đá lổng chổng rồi kinh ngạc trước những di tích kỳ lạ.
Vì quá um tùm, lúc đầu Mouhot đã không thể nhận thấy hết vẻ tuyệt mỹ của đế đô ông đang bước đi trên nó, hàng chục ngôi đền, hàng km đường, một hệ thống phức tạp những kênh đào, những con đê (causeway), những hào và hồ chứa nước.
Những con người vô danh nào đã xây dựng nó ? Tại sao họ bỏ hoang nó ? Họ bỏ đi lúc nào ?
Khi Mouhot, sửng sốt và cảm thấy khó hiểu, đặt các câu hỏi này cho những người Cao Miên sống gần đó, họ chỉ trả lời được đôi điều.
Họ bảo thế này, “Đó là công trình của Pra – Eun, vua của các thần”, hoặc là “ Đó là công trình của các vị khổng lồ” , hoặc đơn giản hơn, “ Nó tự có đấy.”
Tiếng trống “poom-poom” vang vọng trong khu phế tích
Khi tôi đến Angkor cuối mùa xuân qua, là lần thứ bảy, tôi thấy quang cảnh khác hẳn với những gì Mouhot đã thấy. Phần lớn khu rừng _ và cũng là phần lớn bí ẩn _ đã được dọn quang. Ngày nay đã có đường tốt từ Siem Reap đi lên phía bắc, và hàng ngàn du khách đã đến viếng thăm thành phố cổ xưa này.
Hiện thời người Cao Miên vẫn đến những ngôi đền cổ ấy để cầu nguyện vào dịp năm mới của họ, tháng tư. Đứng trên khối kiến trúc bằng đá khổng lồ, tôi nhìn xuống đoàn người hành hương, tay cầm nến, và nghe xa xa tiếng trống poom poom của người bản xứ, tôi hầu như quên mất Angkor đã từng bị bỏ hoang.
Nhưng khi tôi hỏi người khách hành hương già có dáng phong trần “ Ai xây nó ?”, tôi gần như chỉ nhận được câu trả lời như Mouhot một thế kỷ trước. Người khách hành hương trả lời , “Các thần linh. Chỉ thần linh mới làm được vậy”.
Song cứ nhẩn nha từng chút một, các nhà khảo cổ đã giải được phần lớn bài toán Angkor. Ngày nay chúng ta biết rằng thành phố này từng là kinh đô của vương quốc Khmer, vương quốc đã thống trị phần lớn vùng Đông Nam Á trong suốt 6 thế kỷ. Chúng ta gọi nó là Angkor Thom, ( có nghĩa là “thành phố lớn”), tên gốc của nó là Yasodharapura.
Ý nghĩa trong các hình tượng của người Khmer không còn là bí ẩn nữa. Chúng ta đã hiểu biết chúng đủ để sau đây nghệ sĩ Maurice Fiévet vẽ lại cuộc sống hằng ngày của họ một cách chính xác và chi tiết, những khi làm việc, cầu nguyện, chơi đùa một cách hào hoa.
Khác với Mouhot, ta sẽ thấy họ như những con người : là ngư dân, nông dân, người xây dựng và chiến sĩ. Nhiều người trong số họ đã sống, như các hậu duệ của họ ngày nay, trong những căn nhà mái rơm, vắt vẻo trên những chiếc cọc quanh vùng đại hồ Tonle Sap. Trên mặt nước ngầu bùn này, họ đánh cá để ăn với gạo hàng ngày.
Trước hết, họ là nông dân, và lúa là mùa vụ chính. Rất nhiều nghi lễ tôn giáo liên quan đến nông nghiệp. Họ tổ chức lễ hội cày cấy bằng việc cày đường cày đầu tiên mang tính thiêng liêng, một lễ hội khác cho vụ gặt để mừng những thành quả đầu tiên,và nghi lễ “nấu cơm” . Họ biết cách trồng 2, có khi 3 vụ mùa mỗi năm, bằng cách sử dụng một trong những hệ thống dẫn thủy nhập điền độc đáo nhất trên thế giới.
Những kỳ công về thủy lợi của họ còn nổi bật hơn cả những ngôi đền với các tác phẩm điêu khắc trên đá tuyệt mỹ mà họ để lại sau lưng. Họ thêu dệt xứ sở này bằng vô số vịnh , kênh đào, hồ, hào, và hồ chứa, liên kết chúng với nhau bằng một hệ thống phức tạp. Một số kênh đào, cũng dùng làm đường đi, chạy thẳng tắp như mũi tên suốt 60km.
Chúng ta đã biết người Khmer là những chiến sĩ tài ba, họ chiến đấu với quân xâm lược bằng giáo, máy bắn tên cực mạnh, và những con voi chiến trang trí lộng lẫy. Có sử gia Trung hoa kể họ khoe họ có đội tượng binh lên đến 200.000 con.
Chúng ta còn biết họ là những nhà kinh doanh nữa _ họ buôn bán lông chim bói cá (hay chim trĩ ?) , sừng tê, và hương liệu để đổi lấy đồ sơn mài, lọng che, gốm sứ của Trung hoa. Và ta có thể hình dung họ đang trong giây phút giải trí, tiêu khiển bằng trò xiếc tung hứng hay đắm mình trong những trò đá gà.
Hiển nhiên là chúng ta không bao giờ biết về họ đầy đủ như biết về những nền văn minh để lại phía sau cả một di sản văn hóa. Sách vở cũa người Khmer, viết trên da, trên lá cọ và trên giấy, đã bị huỷ hoại từ lâu do chiến tranh, hỏa hoạn, mối mọt, hoặc mục nát rất nhanh vì khí hậu nóng ẩm miền nhiệt đới. Những cung điện hoàng gia và nhiều đền thờ khác của người Khmer có sớm hơn , xây dựng bằng gỗ, rất có thể đã tan thành tro bụi.
Nhưng có kiểu ghi chép độc đáo _ một loạt những bức chạm linh hoạt và đầy sức sống trên tường ngôi đền Bayon, nếu như nhà nghệ sĩ Fiévet, trong các bức vẽ cảnh sinh hoạt thường ngày, đủ tài năng diễn tả nó như thật.
Về lịch sử sự trỗi dậy của Khmer, sự toàn thịnh và ngày suy tàn, chúng ta mang ơn các nhà khảo cổ và học giả người Pháp của Viện Viển đông bác cổ ( École Franҫaise d’Extrême- Orient ), họ đã làm lộ diện nhiều phế tích bị rừng che phủ và kiên nhẫn lần tìm từng dấu vết.
Các thiên tài Khmer đã tỏa sáng từ thời huyền sử nhờ các thương nhân và học giả Ấn độ. Đã thấy phát triển nền văn minh Ấn hóa rực rỡ _ đặc biệt ở tầng lớp triều đình và tăng lữ _ cũng nẩy nở như thế ở bất cứ đâu khác trong vùng Đông Nam Á và Indonesia. Nhưng người Khmer lại uốn nền văn hóa này theo những đặc điểm riêng và bằng những nhát đục tài tình, họ đã tái tạo lại nền nghệ thuật mang bản sắc riêng của họ.
Kỳ lạ là hầu hết những hiểu biết của chúng ta về thuở ban đầu của người Khmer lại đến từ những biên niên sử của Trung hoa. Vào đầu công nguyên, người Khmer xuất hiện thành 2 quốc gia riêng rẽ, người Trung hoa gọi là Phù Nam ( Funan), định cư ở hạ lưu châu thổ sông Mekong, và Chân Lạp ( Chenla), ở sâu hơn trong đất liền. Ghi chép của Trung hoa vào thế kỷ thứ 3 cho biết, “ Họ đen và xấu xí. Tóc họ quăn. Họ ở trần và đi chân không. Tuy nhiên, những ghi chép sau đó của triều đình cũng nói thêm là, “Con trai nhũng gia đình giàu có thì quấn sarong thêu kim tuyến ... Người Phù Nam làm nhẫn và xuyến bằng vàng, lọ bình bằng bạc”.
Nhiều phái đoàn ngoại giao và thương mại Trung hoa đã viếng Phù Nam, và đã có những trao đổi văn hóa diễn ra. Vào thế kỷ thứ 3, vua Phù Nam có gởi đoàn nhạc công đến Trung hoa, và hoàng đế Sun Ch’uan (Tôn Quyền?) đã mê mẩn vì loại âm nhạc kỳ lạ của họ.
Angkor Wat tột đỉnh của nghệ thuật Khmer
Vào giữa thế kỷ thứ 6, vương quốc Chân Lạp trong đất liền, đã chiếm được người láng giềng ở miền châu thổ, Phù Nam, để hình thành một quốc gia duy nhất _Kambuja, hay Kampujadesa, mà người tây phương gọi là Cambodia.
Để rồi 2 thế kỷ sau, bắt đầu một giai đoạn gọi là thời kỳ Angkor của người Khmer. Nó đã phát triển dưới hơn 30 triều đại trong suốt 600 năm, đạt tới đỉnh điểm là kiến trúc vĩ đại Angkor Thom và Angkor Wat. Bị bỏ hoang sau trận chiến hủy diệt của người Thái năm 1431, và Angkor bị rừng xâm chiếm trong hơn 4 thế kỷ, để chờ đợi cái nhìn kinh ngạc của Henri Mouhot.
Ngày nay Angkor không còn bị rừng già u tịch bóp nghẹt nữa. Đã có đường đến tận các cung điện chính. Đại khách sạn ở Siem Reap, thành phố gần di tích nhất, thậm chí đã có những tua du lịch bằng xe buýt.
Tất nhiên là cũng có những người bán hàng rong tập trung ở khu di tích. Họ bán bưu thiếp, sách hướng dẫn, chụp đèn bằng da trâu có đục lỗ, cung, dao, và nhiều vật lưu niệm khác. Vài đồng riel đổi lấy đô la Mỹ theo hối suất chợ đen.
Ban đầu tôi đi Angkor Wat, như Mouhot một thế kỷ trước đã đi, và như nhiều du khách ngày nay cũng đi, vì nó gần Siem Reap.
Mouhot đã viết về ngôi đền, “ ... địch thủ với những đền đài của Solomon, do những Micheal Angelo xưa dựng lên ... vĩ đại hơn bất kỳ cái gì khác mà Hy Lạp và La Mã để lại cho chúng ta.”
Ngôi đền sừng sững như ngọn núi đá
Thực vậy, xây dựng vào nửa đầu thế kỷ 12, Angkor Wat đứng sừng sững như chúa tể của nền nghệ thuật Khmer cổ điển. Tất cả những sự dò dẩm ban đầu, rồi phát triển và trở nên tinh vi trong các kiến trúc tôn giáo của các vua chúa Khmer qua nhiều thế kỷ đều tìm thấy được ở đây, cả tính vĩ đại lẫn chi tiết trang trí đều được biểu đạt một cách tối đa.
Song, cái nhìn đầu tiên qua những cung đường trong rừng cho ta rấy ít ý niệm về ngôi đền khổng lồ này. Khi tôi đến được đường hào bao quanh nó, tôi vẫn thấy những ngôi tháp đá có vẻ nhỏ bé, xa xăm.
Và không ngạc nhiên. Con hào và bức tường bao quanh ôm lấy hình chữ nhật mỗi chiều khoảng 1,6km _ kích thước đủ cho một thành phố cỡ lớn. Con hào rộng hơn 180m. Cổng là ngôi tháp 3 tầng chạy xuyên qua bờ đường (causeway) ở lối vào chính hiện ra thật ấn tượng.
Khi tôi đi trên những bậc thang bằng đá dài chừng 400m dẫn đến cung điện chính, có vẻ như nó càng lúc càng cao hơn, mạnh mẽ hơn và hùng vĩ hơn. Và khi tôi vào đến hành lang thứ nhất, trèo qua những bậc thang để đến sân thượng thứ hai, rồi bò lên cầu thang đá dốc ngược để đến sân thượng thứ ba, ngôi tháp hình 5 búp sen vẫn còn vươn cao trên đầu tôi.
Vâng, Angkor Wat là ngọn núi đá, dựng theo một sơ đồ độc đáo _ ngọn núi có 3 tầng sân thượng, hình chữ nhật, vây quanh là các hành lang và sân hình chữ thập, và trùm lên tất cả là 5 ngọn tháp.
Trên thực tế, theo biểu tượng của Khmer, thì đền chính là núi _ tượng trưng cho Núi Meru thần thoại, ngự trên đó là các thần của Ấn độ giáo.Cùng các vị thần này thì các quốc vương Khmer, gọi là devarajas, hay các vương thần ( god-kings),đã hoà lẫn vào nhau.
Hầu hết các vua Khmer đều chọn Siva làm vị thần linh chính yếu, nhưng Suryavarman II, người xây dựng Angkor Wat, lại tôn thờ thần Vishnu. Và ở đây, nơi thánh đường này, nơi chân đế của tháp trung tâm, ông cho đặt bức tượng Vishnu. Bằng cách đó, ông tự coi mình như thần vương. Ngôi đền đứng sừng sững đó minh chứng cho nỗ lực tuyệt vời của Suryavarman nhằm tôn vinh thần linh và cũng để tôn vinh chính mình. Mọi bằng chứng đều cho thấy ông xây dựng ngôi đền này làm lăng mộ cho ông.
Chỉ xét về hình khối thôi thì việc kiến lập đền đã là một công trình kỳ vĩ. Còn việc đục đẽo và lắp khít các tảng đá chỉ là công sức lao động.
Các nghệ sĩ đã trang trí gần kín hết bề mặt bằng những nét chạm trổ. Ở vài chỗ chỉ là nét phác rất nhẹ nhưng tinh vi đến nỗi hình như bạn có thể sờ vào nó để biết là có nó. Những hình trang trí đầy sinh lực có ở nhiều nơi. Devata và apsara, các thiên thần, ca hát, từng đôi một, hay từng nhóm, hình như sẵn sàng từ trong các bức tường và cột bước vào cuộc sống.
Để xem tác phẩm nhiều tham vọng nhất của nhà điêu khắc và cũng để trốn ánh mặt trời thiêu đốt miền nhiệt đới _ tôi tìm đến hàng hiên phủ đầy bóng râm ở hành lang tầng dưới thấp. Mặt ngoài của nó mở ra, đỡ bởi 2 hàng cột, bức tường rắn chắc bên trong là tấm toan bằng đá dài đến 800m.
Bên trên nó diễn tả cảnh chiến tranh dữ dội không ngừng giữa các thần linh và ác quỷ, các chiến binnh đang phóng lao và bầy khỉ đang cào xé. Đây là những hoạt cảnh rất ấn tượng trích từ thánh kinh và sử thi của Ấn độ, Ramayana và Mahabharata, trong đó nhà vua được xem như biểu tượng của sự sống và sự thánh hóa.
Ở hành lang phía đông, những người khổng lồ và quỷ đang lôi rắn thần nhiều đầu naga để quậy Biển Sữa thần thoại.
Ở tấm panô khác, Ngày Phán Xét, các thần linh đang vươn lên chiếm lấy sảnh đường. Những kẻ xấu xa bị đày vào 32 tầng địa ngục để chịu khổ hình như bẻ xương, bỏ vào vạc dầu sôi, bị trói giật vào giá đỡ hay bị bỏ cho thú dữ ăn thịt.
Tuy nhiên với tôi, panô phía nam mang đậm tính lịch sử mới là tấm quan trọng nhất, vì ở đó có 2 chân dung lộng lẫy của Suryavarman. Một thể hiện ông đang ngồi trên ngai vàng, có dù che và quạt mát, hội kiến với các thượng thư. Còn phía xa kia, ông đang duyệt cuộc diễn binh cùng các thần chiến tranh và quân sĩ.
Vị rajahotar của ông, tức vị giáo sĩ của hoàng gia, có mặt trong đám diễn hành, cùng những người tham dự mang chiếc hộp (ark) chứa ngọn lửa thiêng. Ban nhạc thổi kèn ốc và tù và, đánh trống và chiêng. Có những chú hề nhảy cẫng lên.
Nhiều bức phù điêu như thế sáng bóng như gương. Tôi sớm hiểu được nguyên nhân : hầu như người khách hành hương nào đi qua cũng đưa tay ve vuốt các bức chạm.
Từ Angkor Wat tôi đến Angkor Thom. Cổng phía nam của nó nằm hơi chếch về phía bắc chừng 2km so với bờ đường (causeway) dẫn vào đền.
Trước khi đến đó, tôi đi trên lề đường đáng chú ý hơn : Phnom Bakheng. 2 con sư tử đá ngồi khom lưng trong bóng cây. Khoảng trống giữa các cành cây để lộ ra con đường dốc dẫn đến đỉnh của phnom, tức núi, bị rừng bao phủ.
Đây chỉ là ngọn đồi của Angkor. Về mặt lịch sử, nó là chỉ dấu nổi bật, vì nó đã trở thành “ngọn núi trung tâm thần thánh” của kinh đô mới, Yasodharapura, kinh đô mà Yasovarman I đã thành lập trước năm 900.
May mắn cho các sử gia, các đấng quân vương Khmer rất thích khoa trương công trình của họ trên các bức chạm hiến dâng trong những ngôi đền đá. Những tay thợ chạm hoàng gia tâng bốc đến hết mức khi mô tả Yasovarman : “Đức vua cao quý nhất ... bó đuốc sáng rực nhất”, và , “ Trong mọi khoa học và trong mọi môn thể thao ...,ca, múa, và trong tất thảy, Ngài là người tài ba nhất như thể Ngài là người sáng tạo ra họ.
Và, đây là lời xưng tụng đệ nhất: “Khi nhìn Ngài, đấng sáng thế cũng phải kinh ngạc và hẳn phải tự nhủ, ‘ Tại sao ta lại đi tạo ra địch thủ cho chính mình trong hình hài của vị vua này ? ”
Tôi không biết Yasovarman làm cách nào, hay có thường xuyên, leo lên điện thờ Siva thiêng liêng mà ông đã xây dựng trên đỉnh núi không. Mấy năm trước tôi có cưỡi voi lên đó. Lần này tôi đi bộ, vác theo máy chụp hình và vài dụng cụ khác.
Những đám mây bướm vàng lượn lờ trước mặt tôi, vài con khỉ nhốn nháo trên cành như trêu chọc tôi. Trước khi đến được cung điện, tôi đã ước ao mình có được sức mạnh thần kỳ như những người xây dựng Angkor đã khoa trương.
5 tầng bậc thang, dốc ngược như bất kỳ nơi nào khác ở Angkor, ngự trên 5 sân thượng của cung điện. Trên bậc cao nhất là 5 ngọn tháp gồm cả cung điện chính. Tôi đi tìm bóng mát ở tháp trung tâm. Tôi thoải mái ngắm nhìn những dấu mốc của lịch sử Khmer có trước khi xây dựng kinh đô vĩ đại này.
Gần cuối thế kỷ thứ 8, một sự kiện hùng tráng mà lợi ích của nó được minh chứng bằng sự phát triển phi thường của vương quốc Kambuja. Nó tập trung trên vị vua trẻ nhiệt tâm mà tên tuổi chúng ta không hay biết.
Một khách du lịch Ả rập là tác giả của ghi chép sau. Theo ông ta, vị vua trẻ và các cố vấn có lần bàn về Sailendra, tức “Sơn Vương” (King of the Mountain), triều đại trị vì vương quốc hùng mạnh chịu ảnh hưởng Ấn độ gồm cả Java, Sumatra và Malaysia.
Ganh với thế lực của Sailendra, mà hẳn đã kiểm soát 1 phần vùng biển của Chân Lạp, nhà vua trẻ Khmer bảo rằng, “ Ta có một điều ước mà ta muốn thỏa nguyện”. Viên cố vấn hỏi, “ Tâu bệ hạ, đó là ước muốn gì ?”
“ Ta muốn thấy trước mặt ta cái đầu của vua nước Jabag để trên đĩa ( Jabag là tên Ả rập chỉ Java). Điều ước của nhà vua đến tai vua Sailendra. Quốc vương Sailendra bèn tập hợp 1.000 chiến thuyền, và hành quân đến kinh đô Khmer.
Bắt được vị vua trẻ, ông bảo, “Nhà ngươi khoác lác muốn được thấy cái đầu của ta đặt trên đĩa. Nếu như ngươi cũng muốn chiếm đất nước của ta, vương quốc của ta, hoặc giả là chỉ tàn phá một phần, thì ta cũng làm điều tương tự cho Khmer. Vì ngươi chỉ ao ước điều thứ nhất, nên ta chỉ xử ngươi như ngươi muốn xử ta, và ta sẽ quay về nước mà không lấy thứ gì của người Khmer ... Chiến thắng của ta sẽ là bài học cho những kẻ kế nghiệp ngươi.”
Cắt đầu nhà vua trẻ xong, vua Sailendra nói với tể tướng Khmer rằng, “ Tìm người xứng đáng làm vua thay cho tên ngốc này.”
Người Khmer đào hệ thống kênh vĩ đại
Việc chọn lựa vị vua mới của viên tể tướng đã cho thấy sự khôn ngoan có thừa. Đó là Jayavarman II _ đấng quân vương đã tuyên bố Kampuja độc lập với mọi thế lực ngoại bang.
Vì bị giảm bớt quyền lực, Jayavarman tất nhiên cảm thấy không an toàn. Ông dời kinh đô không dưới 5 lần. 2 trong số trung tâm này nằm trong vùng phụ cận Angkor; một nơi khác là thành trì ông xây dựng trên đỉnh núi Kulen, 40km về phía đông bắc. Núi này cung cấp rất nhiều đá sa thạch cho việc xây dựng các đền đài Angkor.
Những năm sau đó, Jayavarman trở về Hariharalaya ( Roluos), nơi trước đó ông đã cai trị một thời gian ngắn, 2 vua kế tục Yajavarman rất có thể đã lấy Hariharlaya làm kinh đô. Và tại đây, Yasovarman I, vị vua cao quý nhất, ngự trị và mở rộng các kiến trúc để hình thành kinh đô mới của ông.
Kinh thành Yasodharapura mà Yasovarman tạo dựng chắc hẳn đã trở nên vững mạnh, nhưng ông đã khởi đầu nó một cách vinh quang để ngày nay chúng ta gọi nó là Angkor Thom vĩ đại. Ông đã đánh dấu mốc cho vùng đất rộng hơn 10km vuông. Ông đã uốn thẳng dòng sông Siem Reap để làm đường hào phía đông cho nó, đào những con kênh để viền các cạnh kia và nạm những con hồ khắp trong thành phố.
Ông cũng đào Hồ Tây Baray vĩ đại, hồ chứa nước dài 7,2km và rộng hơn 1,6km. Mối bận tâm về nước của Yasovarman cũng được các nhà vua Khmer chia sẻ. Các vương thần tự cho mình là ông chủ tuyệt đối của mọi đất đai và nguồn lợi kinh tế lúa gạo. Mỗi ông vua mới đều thêm vào công trình của các tiên vương những con sông , hồ chứa, đường hào để kết nối nó vào phức hợp nước vĩ đại.
Các đời vua về sau đã tô điểm thêm cho kế hoạch lớn lao của Yasovarman trong công trình Yasodarapura, đã 2 lần dời thành phố xích lên phía bắc . Sau cùng thì Phnom Bakheng đã nằm ngoài các bức tường.
Từ trên đồi nhìn xuống, tôi liếc qua những ngọn tháp Angkor Wat cao ngạo về hướng bắc, và về phía tây, những tia sáng mặt trời lấp lánh trên mặt nước hồ Tây Baray, hồ chứa nước để tưới ruộng khổng lồ khác của người Khmer. Tất cả đều là màu xanh của rừng ngoại trừ vài mảnh ruộng và lờ mờ ngôi làng Siem Reap.
Tôi bước xuống Phnom Bakheng và đi tiếp đến cổng phía nam thành phố. Tôi ngừng ở đây, vì 100 bộ mặt đang nhìn tôi, bộ mặt của những người khổng lồ, của những con quỷ trên hàng lan can ở bờ hào, cả những bộ mặt trên cánh cổng có 3 tầng tháp nữa.
Lúc tôi đến viếng, những công nhân đang phục hồi bờ đường (causeway), các ông khổng lồ và ác quỷ đứng đó không đầu, như trò chơi ráp hình của trẻ con: đi tìm khuôn mặt.
Nhưng ở những cổng khác, các bức tượng đứng hai bên bờ đường. Người khổng lồ đối diện tôi bên trái, ác quỷ bên phải. Dù tượng ở tư thế quỳ, chúng vẫn cao hơn đầu tôi. Chúng nắm chặt trong tay thân mình đồ sộ của rắn thần naga nhiều đầu.
5 cánh cổng khổng lồ, tất cả đều giống nhau, chọc thủng các bức tường của thành phố bằng laterite, loại đá có lỗ bọt giống như đất sét. Các cổng đều có điêu khắc trang trí , nhưng chính các bộ mặt trên tháp mới gây sự chú ý _ có 4 mặt nhìn về 4 hướng của la bàn. Đó là những bộ mặt bí hiểm, miệng hơi mỉm cười gợi nhớ tới nụ cười của Mona Lisa. Du khách gọi chúng là nụ cười “Angkor”.
Các bộ mặt trang trí cho nhiều tháp của đền Bayon, ngôi đền trung tâm lớn nhất của thành phố; các bộ mặt cũng nhìn từ cổng các cung điện ở hướng chính đông của tường thành. Và tôi nhìn những bộ mặt trầm tư trong ánh chiều tím của rừng già, cho dù rễ đa như nhũng chiếc vòi quấn quanh mắt và bám chặt lấy môi. Những khuôn mặt này tượng trưng cho đấng bồ tát từ bi, người Khmer gọi là Lokesvara. Nhưng chúng và các kiến trúc mà nhờ chúng thêm phần duyên dáng, cũng là biểu tượng của một người, nhà vua xây dựng Angkor, vị vua vĩ đại sau cùng , Jayavarman VII.
Đúng vậy, phần lớn những di tích còn lại của Angkor Thom, cũng như hầu hết những cung điện nằm xa xôi khác đều có thể gán cho nhà xây dựng phi thường này.
Biến cố bi thảm làm rung chuyển đế quốc
Jayavarman sống đồng thời với Richard, Vua trái tim sư tử của Anh quốc. Ông lên ngai _ bằng con đường chiến đấu _ sau một trong những biến cố bi thảm nhất làm rung chuyển đế quốc Khmer, người Chàm (vương quốc của họ là Chiêm Thành) vào cướp phá (kinh thành) Yasodharapura.
Trong nhiều năm, hai xứ này lâm vào cảnh chiến tranh triền miên trong đất liền. Rồi bỗng nhiên, năm 1177, người Chàm tập hợp được hải đội rất mạnh, liều lĩnh ngược dòng Mekong vào Tonle Sap, cướp bóc và tàn phá kinh đô.
Đối với Jayavarman VII, người mà trước đó đã khước từ lên ngôi để nhường cho kể tiếm vị, phải lãnh trách nhiệm tống xuất người Chàm. Ông đã chứng minh năng lực của mình. Ông đã đánh đuổi người Chàm, lập lại trật tự trị an trong vương quốc Kampuja, và bắt đầu công cuộc tái thiết vĩ đại..
Ông đã xây dựng lại hoàn toàn kinh đô, cho dựng những bức tường bằng laterite để bảo vệ thay cho hàng cột gỗ trước kia. Ông mở rộng đế quốc Khmer đến những biên cương xa xôi nhất, đẩy Chiêm Thành xuống hàng một tỉnh phiên thuộc, và công cuộc xây dựng của ông lớn lao hơn bất kỳ con người nào khác trên trái đất này.
Quả vậy, vài sử gia nghiên cứu văn minh Khmer tin rằng ông đã làm xứ sở này kiệt quệ đến nỗi chính việc xây dựng đã góp phần làm nó suy tàn.
Đức vua nhân từ mang căn bệnh thời sự
Khác với hầu hết các đấng tiên vương, Jayavarman là người theo Phật giáo. Và hình như ông rất yêu thương dân tộc mình, điầu không thấy có ở các đời vua trước. 102 nhà thương ông cho xây là ví dụ hùng hồn nhất. Trên nền những nơi này, còn thấy những hàng chữ khắc sau đây : “ Ngài mang bệnh của thần dân nhiều hơn bệnh của chính ngài; vì chính nỗi thống khổ của thần dân gây ra nỗi thống khổ của các đấng quân vương, chứ không phải đó là nỗi thống khổ của các ngài.”
Chắc chắn rằng bất kỳ cấu trúc nào đã từng dựng lên cũng phức tạp hơn hoặc chỉ là thất bại so với thiết kế kiến trúc của Bayon. Dựng trên nền những kiến trúc xưa, nó được mở rộng, trau chuốt hơn, và thay đổi nhiều đến mức nó trở thành mê cung những hành lang, điện thờ, nhà nguyện. Nó trở thành đền thờ phức hợp, nơi ngự trị các thượng đẳng thần cùng chư vị thần linh mà vua tôn thờ.
Nghệ thuật Bayon hẳn không phải là nghệ thuật Khmer đẹp nhất ; chắc chắn kiến trúc của nó có khuyết điểm vì xây dựng vội vàng. Nhưng đền thờ này là sự thổ lộ tâm hồn lai láng. Nơi mà Angkor Wat là công thức khô khan, nét chạm chính xác, hình tượng trích từ thần thoại thì Bayon thân mật, thấm đẫm tình người.
Cũng có các phù điêu chiến tranh, nhưng là chiến tranh trần tục giữa người Khmer và người Chăm. Và đây nữa, là những trận thuỷ chiến, giao tranh thật sự với người Chăm. Những chiến thuyền hình rắn nhiều đầu với các hàng tay chèo lao vào nhau, quân sĩ từ trên boong bị ném vào miệng cá sấu hung tợn.
Các hình chạm là bản sao cuộc sống hàng ngày
Các bức tường Bayon thể hiện vua và các tu sĩ đang hành lễ, hoàng gia đang xem các môn thể thao, nhưng chúng cũng thể hiện những cảnh sinh hoạt rất con người, rất đời thường.
Phụ nữ chuyện trò trong chợ giữa các sạp hàng trái cây và cá. Đàn ông đánh bạc và xem đá gà. Các chú hề, xiếc đu dây, những chú lùn biểu diễn hoà theo dàn nhạc dây và trống, ngư dân quăng lưới trong dòng nước lúc nhúc loài cá có vẩy, rùa và cá sấu.
Đàn ông, đóng trại trong rừng, người thì cho con heo vào nồi , người thì nấu cơm hay nướng những xiên cá. Trên cành cây, bầy khỉ nô đùa, sóc và chim chăm chú nhìn họ. Một con trâu nước cho con bú và đồng thời gãi đầu bằng móng sau.
Tôi thăm thú các phù điêu của Bayon trong nhiều giờ liền, thích thú trước các cảnh gia đình, và ngạc nhiên trước biết bao nhiêu là cảnh đời được sao chép lại trong cuộc sống ở Cambodia hôm nay.
Trong các hậu duệ của người Khmer, đàn bà vẫn lo việc chợ búa, đàn ông vẫn đánh bạc và đánh cá với cùng kiểu lưới tròn như thế. Những chiếc xe bò, như chỉ tạm ngừng trên đá, ì ạch trên nhứng con đường mòn đầy bụi rậm, bánh xe nghiến ken két vì trục khô dầu.
Trong khi chụp cảnh chiến trận để ghi lại thứ khí giới người Khmer sử dụng, giáo, cung, dao, và những cỗ súng bắn đá nặng nề gắn trên lưng voi và loại xe 2 bánh _ tôi tình cờ liếc nhìn về phía sân thượng nơi có người đàn ông đang cắt cỏ. Ông ta dùng cái phkeak, loại dao lưỡi cong giống như gậy đánh gôn , hình dạng giống như thứ khí giới nhà vua đeo trong các hình chạm trên đá.
Có tài liệu khác so sánh các bức phù điêu này với cuộc sống đương thời ở Yasodharapura. Một du khách Trung hoa, Châu Đạt Quan ( Chou Ta – Kuan), đã sống ở kinh đô này trong 11 tháng trong các năm 1296-97, và ghi chép lại rất nhiều những gì ông thấy.
Ông đã thu nhặt được những mẩu thời sự mà nhà du lịch khắp châu Á Marco Polo đã bỏ sót hoàn toàn chỉ mấy năm trước. Marco đã nhìn thấy miền bắc Miến Điện ( Burma), đã chạm đến duyên hải Chiêm Thành, nhưng đã không nhìn thấy Kampuja. Kết quả là thế giới phương tây không bao giờ biết đến sự tồn tại của Angkor mãi cho đến khi xương cốt của nó bị rừng thẳm che phủ lộ ra ánh sáng.
Vào thời gian Châu Đạt Quan viếng xứ này, nó đã bị chiến tranh tàn phá, nhưng vẫn thấy nó có vẻ lộng lẫy thật đặc biệt.
Vài mô tả của ông được xem như hướng dẫn để phát lộ cho những gì còn lại hôm nay. Ông lưu ý đến những bờ đường (causeway) và cổng (gateway) với các hàng chấn song gồm người khổng lồ và rắn naga, nhưng điều nhấn mạnh không giải thích được của ông là các cổng có 5 bộ mặt thay vì 4.
Ông mô tả đền Bayon có nhiều tháp, bảo rằng nó lấp lánh vàng. Ông viết , “ Ở cánh phía đông là cây cầu vàng, bên mỗi mặt có 2 con sư tử vàng, ngoài còn 8 tượng Phật vàng đặt ở nền các gian phòng bằng đá.
Ông nhắc đến ngôi đền gây ấn tượng khác, gọi nó là “tháp bằng đồng”. Đó là Baphuon, nằm ở tây bắc Bayon.
Đức vua gặp rắn trong ngôi tháp vàng
Các nhà khảo cổ đã xác nhận tháp Baphuon, ngôi tháp hình chóp nhiều tầng, là roarnadri _ “ núi vàng” _ do vua Udayadityavarman II dựng khoảng năm 1060. Nó vẫn còn đồ sộ, dù những tháp nhọn hình vương miện đã bị mất từ lâu,người ta cho là những tháp này làm bằng gỗ mạ vàng, hoặc bọc đồng như Châu Đạt Quan cho biết.. Trên đó những nghệ sĩ Khmer đã chạm những phù điêu trang trí đầu tiên của họ.
Ngôi tháp hình chóp nhỏ hơn, xưa hơn, nằm xa hơn về phía bắc ngay tâm của ¼ cung điện, làm Châu Đạt Quan tò mò hơn nữa. Ông gọi nó là “ ngọn tháp vàng”. Ngày nay nó được gọi là Phimeanakas _ “ ngọn tháp giữa trời” (aerial palace)
Ông đã làm vọng lại niềm tin của thường dân trong thành phố, nhấn mạnh rằng đó là nơi nhà vua đến viếng mỗi chiều. Ông viết, “ Trong tháp là linh hồn con rắn 9 đầu, chủ nhân đất đai toàn vương quốc. Hàng đêm nó hiện ra dưới hình dạng ngườì phụ nữ … Nếu đêm nào mà linh hồn rắn này không xuất hiện, thì đó là giờ chết của đức vua. Nếu đức vua chỉ một đêm không đến, ông sẽ gặp bất hạnh.
Đó là câu chuyện kể hấp dẫn, nhưng sự thật trần trụi là Phimeanakas chỉ là ngôi tháp, không phải cung ̣điện.
Quốc vương hiện ra ở cửa sổ vàng
Châu Đạt Quan kể về những cung điện,những đại sảnh triều kiến (audience halls) mạ vàng và lót gương, mà vào thời ấy trùm lên nó là sân thượng voi tuyệt mỹ ( Elephant Terrace). Nhưng ông nhấn mạnh, “ Tôi có nghe nói bên trong cung điện này còn nhiều chỗ lộng lẫy nhưng sự cấm đoán rất nghiêm khắc nên không thể vào được.”
Ông viết rất sống động về việc nhà vua xuất hiện mỗi ngày 2 lần ở đại sảnh có khung cửa sổ mạ vàng để giải quyết việc triều chính và xử kiện những vụ việc thần dân đưa tới.
Từ những mô tả của Châu Đạt Quan, người ta có thể hình dung những nghi lễ chói lọi làm rạng rỡ cả kinh thành Yasodharapura : những buổi lể mừng năm mới với pháo hoa bắn suốt nửa tháng, lễ tắm Phật, lễ hiến dâng những cây trái đầu mùa bằng việc nấu cơm, và các đám rước hoàng gia đến đền thờ.
Như một phóng viên không biết mệt, Châu Đạt Quan kể rằng tất cả các gia đình trừ những người nghèo nhất đều có nô lệ, bọn này sống cùng dưới mái nhà dựng trên cột với gia chủ.
Ông mô tả loại thuốc cao làm từ gạo phụ nữ dùng khi sinh nở, việc phân xử các vụ tranh cãi bằng cách thử xem ai có tội, và việc vất thây người chết bằng cách bó chiếu hoặc vải rồi đem ra ngoài thành bỏ cho kên kên và chó ăn thịt.
Một số phong tục của người Khmer làm ông bị choáng. Ví dụ: người ta tắm và gội với cùng một thứ .Đối với ông, người Khmer trông cục mịch và đen đúa, nhưng ông cũng thừa nhận rằng “phụ nữ ở các gia đình thượng lưu sáng bóng như ngọc thạch”.
Nghệ sĩ Fiévet đưa chúng ta vào một vài nơi mà Châu Đạt Quan đã không được vào. Ông trỏ cho ta thấy một số bà mệnh phụ trắng như ngọc thach : nàng công chúa đang trang điểm với các món trang sức, và vài người trong số 3.000 đến 5.000 nũ tì và thị tì đang tắm.
Hiện nay, vài hồ trong cung điện đã được khai quật. Khi tôi tìm ra chúng, một nhóm người Cambodia đang ngồi ăn bữa trưa dưới bóng mát cây đa cổ thụ bên bờ hồ. Toán thiếu niên nước da nâu bóng, nước da chỉ có dưới ánh mặt trời và những giọt nước nhỏ dòng dòng đang đua nhau leo lên leo xuống các bậc thang đá nơi mà các mỹ nhân trong triều đình đã từng xuống tắm.
Rễ cây rừng lan trên cung điện hoang tàn
12 ngôi tháp đá, thường gọi là Tháp của Các Vũ Công Múa Dây, đứng đối diện với Cung điện Hoàng gia. Châu Đạt Quan xác nhận rằng đó là nơi thử thách dành cho những người thưa kiện, nhưng người ta còn tranh luận về mục đích của chúng.
Những cung điện khác có kích thước khác nhau, cũ mới khác nhau, và các giai đoạn bảo tồn rải rác khắp trong thành phố. Nhưng hiện nay rừng vẫn còn bao phủ phần lớn Angkor Thom. Các kênh đào và hồ tắm đã biến mất ; những rễ cây rừng đâm sâu vào các cung điện và nhà cửa hoang vu, đổ nát.
Ngoài những vòng tường của thành phố, còn nhiều ngôi đền khác vươn lên, mỗi cái đều có kiến trúc riêng, lịch sử riêng, yêu cầu bảo tồn riêng.
Đi ra theo cổng phía bắc, tôi đến Preah Khan, 1 ngôi đền tu viện giống như mê cung với các hành lang và điện thờ nối nhau mà Jayavarnan xây dựng trên bãi chiến trường ông đã thắng quân Chăm. Ông đề đạt nó với phụ vương và có lẽ đã lấy nó làm kinh đô trong khi tái thiết Yasodharapura.
Rừng đã phá hủy cung điện này gần hết. Dù đã được dọn quang phần nào, các bức tường vẫn ngã đổ lỏng chỏng.
Ra khỏi Khải Hoàn Môn phía đông trong một chuyến đi khác, tôi đến chiếc cầu đá cổ xưa của người Khmer. Trong 14 nhịp còn lại vài phần, ngày nay dòng sông Siem Reap chảy qua uốn tròn quanh một đầu. Gần đó là Ta Prohm, thành phố tu viện tương tự như Preah Khan, do Jayavarman VII xây dựng và dâng tặng cho mẹ ông.
Lang thang quanh Ta Prohm, tôi thấy nó như một trong những di tích lôi cuốn nhất của Angkor. Vì ở đây, bên cạnh những lối đi đã được dọn quang, những người bào tồn _ các học giả Pháp, những người đã phục hồi Angkor _ đã để các kiến trúc lại như khi lần đầu họ nhìn thấy chúng, bị rừng già trùm lấp.
Những cây bông vải, cây đa khổng lồ, đứng chống đỡ và các đấng quân vương của rừng khác xoắn những chiếc rễ tọc mạch của chúng vào những tàng đá của ngôi đền, và đan cành của chúng thành chiếc lọng dày đặc trên đầu. Ở đây những tua nhỏ như sợi chỉ dò dẫm tìm vết nứt trong mạch hồ. Những chiếc vòi khác phồng lên thành những cánh tay ôm siết. Đám rễ khổng lồ xoắn tít lại để lật nghiêng những phiến đá, làm nứt toác cả bức tường và các mái đỡ vòng cung, và lật nhào các mặt tiền trang trí.
Rêu phủ kín hết những tảng đá ngả nghiêng, trùm tấm màn màu xanh lên những tượng tròn mềm mại, những gương mặt mỉm cười. Con nhện đang giăng tơ trên khuôn ngực trần thiếu nữ. Những vệ binh gác cửa đứng như người cùi vì địa y.
Vâng, Ta Prohm như người tù bị trói bị gông bằng những sợi thừng nặng nề. Bị đọa đày suốt nửa thiên niên kỷ, nó không chịu quy hàng. Nó tạo ra đường đi một chút ở nơi này, một chút ở nơi kia , thế hệ này tiếp thế hệ khác trong khi những kẻ tấn công tiếp tục đứng lên siết chặt gông cùm.
Sau khi đã viếng Ta Prohm, có cảm giác như bất ngờ được giải thoát khi nhìn thấy bầu trời xanh và những ngôi tháp khác đã dọn quang cây bụi. Giống như thể những chiếc gông nặng nề trên người tôi bỗng nhiên đứt lìa vậy.
Các thủ thư đã chạm sử vào đá
Có một văn bia ở Ta Prohm ghi lại rõ ràng tình trạng của ngôi đền. Ta Prohm, như văn bia này ghi nhận, thờ phụng hình ảnh người mẹ của Jayavarman ( được tôn xưng là Prajnaparamita, “trí thông minh hoàn hảo” ) và 260 tượng khác. 18 tu sĩ cao cấp, và 2.740 tu sĩ cấp thấp tham dự trong các buổi lễ, có 2.232 trợ tế, trong số đó có 615 vũ nữ. Đã từng có 12.640 người sinh sống trong đền, 66.625 đàn ông và phụ nữ tiếp tế lương thực và làm các việc vặt khác _ tổng cộng có gần 80.000 người ràng buộc với chỉ một tu viện này.
Trong danh sách còn cả số lượng gạo, đậu, hạt kê, bơ, sữa đông và phụ phẩm, mật đường, long não, mù tạc, sáp ong, tiêu, dầu và nhiều tiếp liệu khác dùng dâng cúng trong đền.
Chúng tôi nghe kể kho tàng của nó gồm những bình chứa hơn 5.000kg vàng, cũng chừng đó bạc, 35 viên kim cương, 40.620 viên ngọc trai, 4.540 viên đá quý, 967 khăn quàng của Trung hoa, 523 chiếc dù ...
Thử tưởng tượng, vẻ huy hoàng của những ngôi đền khác còn lớn hơn thế nữa.
Trâu thơ thẩn trong hồ tắm hoàng gia
Nằm gần tiếp giáp với góc đông nam của Ta Prohm là Bantei Kdei, hình ảnh thu nhỏ của Ta Prohm, cũng do Jayavarman VII xây dựng. Nhìn thú vị hơn ngôi đền là Sras Srang ( hồ tắm hoàng gia ), từ sân thượng trang trí rắn naga và sư tử trải dài về phía đông.
Hồ này không bao giờ khô cạn và tôi thấy trên mặt nước sáng như gương của nó vẫn có hàng đoàn người Cambodia đến tắm táp nô đùa. Ở một góc xa là bầy trâu đằm mình tới mũi.
Cách Sras Srang chừng 1,5km là Pre Rup, nơi điện thờ có 3 tầng sân thượng, 5 ngọn tháp, do Rajendravarnan II xây dựng vào giữa thế kỷ thứ 10.
Người Cambodia hiện nay bảo Pre Rup là nơi táng cốt. Nhóm thiếu phụ đi theo tôi chỉ cho tôi thấy khoảng sân có tường vây hình chữ nhật nằm ở chân cầu thang phía đông , được coi là nơi thiêu xác. Huyền thoại kể rằng, trong số đó có cả ông vua vì mê dưa ngọt mà mất ngai vàng.
Chuyện kể rằng, ông vua này rất mê loại dưa người làm vườn trồng trong khoảng sân ông đặc biệt dành riêng. Ông cho người làm vườn cây giáo , căn dặn phải đề phòng kẻ trộm.
Đêm nọ, vì quá thèm dưa, nhà vua đi xuống vườn. Người làm vườn cảnh giác, không nhận ra đức ngài, đã đâm ông chết. Như kết thúc có hậu, người làm vườn được đưa lên làm vua, vì nhà vua quá cố không có người nối dõi.
Chuyến hành trình dài hơn 30km bằng xe jeep trên con đường đầy ổ gà đưa bạn đến ngôi đền Bantei Srei có vào thế kỷ thứ 10, tuyệt tác đá chạm ( cameo) của nghệ thuật Khmer cổ, điển hình tái tạo của những nhà bảo tồn Angkor. Khi được tìm thấy trong rừng, nó chỉ là đống đổ nát. Ngày nay thì các cổng, thư viện, và 3 ngọn tháp đứng rất vững chải.
Bantei Srei nghĩa là thành trì của phụ nữ. Và thực tế, nó có vẻ nhỏ nhắn và duyên dáng của người phụ nữ Đông phương. Xây bằng sa thạch hồng, Bantei Srei hình như cũng ửng lên nét hồng trên gò má thiếu nữ. Bề mặt được chạm rất sâu; những mẫu lá và hoa xoáy tròn, những hình tượng sống động như muốn bật ra khỏi nền đá.
Những khuôn ngực đầy, những vũ công mỉm cười, những vệ binh nam nghiêm trang chạm đày đặc trong các hốc tường. Cuộc chiến giữa thần, khỉ, voi trên mặt tiền thư viện.
Bantei Srei được trang trí rất nữ tính, các nét mặt rất mềm mại. Như thể kiến trúc sư của nó, Rajendravarman II tìm cách sửa lại bằng cách đặt những bước chân kỳ dị, quỳ gối, những thân người với đầu sư tử, những con chim mỏ khoằm, những con vượn mồm há hốc.
Bantei Srei hình như muốn trở thành khuôn mẫu, một thứ đồ chơi, để ngày nào đó, các mẫu trang trí phong phú của nó sẽ được đưa vào ngôi đền chính tráng lệ hơn. Các ngọn tháp của nó không cao quá 9 m, cửa đi chỉ chừng 1,2m, bậc cấp chừng 8 hay 10 cm.
Khi ngôi đền đồ sộ Angkor Wat, được xây dựng một thế kỷ rưỡi sau, một vài nét diễm lệ cổ điển và những đường chạm hoàn hảo của Bantei Srei đã được đưa vào. Nhưng Angkor Wat trở nên to lớn, cứng cáp, nam tính. Loại đá sa thạch xám tạo cho nó vẻ cách biệt lạnh lẽo, trang nghiêm, mừng rỡ vì thiếu đi vẻ e thẹn của Bantei Srei nhỏ bé, những mặt đá chạm như thêu.
Những bộ mặt trầm tư canh giữ cho đế quốc đã chết
Người ta có thể mất cả đời để đi tìm và nghiên cứu các đền đài của Khmer mà vẫn không thấy hết chúng. Hàng trăm kiến trúc lớn nhỏ rải rác trong các cánh rừng Cambodia ngày nay, một số nằm ở Thái Lan và Lào.
Một số là di tích của những kinh đô thời kỳ đầu, một số nằm ẩn trong các núi thánh. Một số, như Bantei Chmar, ở đông bắc Cambodia, cùng với Beng Mealea và Preah Khan ở Kampong Svai, phía đông Angkor, là những gì còn lại của các thành phố tuyệt đẹp một thời, các cung điện của chúng lộng lẫy không thua gì các cung điện ở kinh đô.
Có biết bao đền đài , cung điện người Khmer xây dựng bằng gỗ _ vì họ trước hết là bậc thầy chạm trên gỗ _ chúng ta không đoán ra được. Chỉ khi dời về Angkor, người ta mới sử dụng đến laterite và sa thạch.
Khi nhìn lại nền văn hóa thoảng qua của người Khmer, người ta luôn hướng về những bộ mặt trầm tư. Chúng nghiêm trang nhìn về cánh rừng bao quanh. Chúng không đánh dấu ngày tàn của Angkor, nhưng chúng trỗi lên gần lúc bắt đầu tàn lụi.
Một ông vua đã tạo ra chúng, người đã làm hồi sinh đế quốc từ đống tro tàn. Chúng nhìn về các đấng quân vương kế tục nhau, những người trong suốt 200 năm sau Jayavarman VII, không xây dựng công trình nào quan trọng cả.
Những ông vua này sống rất huy hoàng, cử hành những nghi lễ vương thần tôn vinh họ, nhưng tỏ ra rất kém quyền uy. Người Thái, người Việt, người Lào càng lúc càng lớn mạnh, tước đoạt của các vua chúa Khmer đất đai, thuế má, phẩm vật triều cống và sức lao động nữa.
Những bộ mặt này cũng nhìn thấy Phật giáo Đại thừa ( Hinayana Buddhism ) cao nhã, khiêm nhường chịu nhún trước các thần vương cao ngạo, đi tìm lời thỉnh cầu trong đám đông quần chúng.
Rồi sau cùng, mùi khói bụi của cướp bóc, mùi hôi thối của chiến tranh đã xộc vào những cánh mũi đá nở rộng. Các ông vua bôn tẩu đến những nhà trạm tầm thường, những kinh đô nhỏ bé, và rừng bước chân vào.
Ngày nay, 500 năm sau, các bộ mặt vẫn trang nghiêm mỉm cười. Con người đã đến để khám phá lịch sử Angkor. Du khách đến để xem và để sửng sờ.
Ở Hồ Tây Baray, tôi ngắm các kỹ sư của Bộ Nông Nghiệp , với sự trự giúp của người Mỹ, đang lái xe ủi đất, xe trộn bê tông, xe xúc. Họ đang cải tạo những hồ chứa cổ, đào lại những con kênh để đưa nước vào ruộng, nơi có thời từng là những cánh đồng bao la có nước tưới đầy đủ.
Người Khmer đã đến như thế, họ đã phát triển như thế và họ đã khởi hành như thế. Trong phần kết cuốn sách Đế quốc Khmer Cổ ( The Ancient Khmer Empire ), Lawrence Palmer Briggs viết, “Người Khmer không để lại cho thế giới hệ thống quản trị, giáo dục, đạo lý như người Trung hoa; không văn chương, tôn giáo, hay hệ thống triết học như người Ấn độ, nhưng ở đây nghệ thuật kiến trúc và trang trí Đông phương đã đạt đến cực điểm.”
Ngay tại đây, vây bọc bởi rừng già, sừng sững những di tích đền đài của người Khmer. Và ngay tại đây, những bộ mặt trang nghiêm, trầm tư vẫn nhìn chăm chú như để nhớ lại một trong các nhà xây dựng kiêu hùng, vị thần vương hay người khổng lồ, người đã xây dựng Angkor tráng lệ sau cùng.
PHỤ LỤC
BIÊN NIÊN SỬ KHMER
1 – 800 SAU CÔNG NGUYÊN : Những vương quốc Khmer đầu tiên trỗi dậy, ban đầu là Phù Nam ở dọc duyên hải, sau đến Chân Lạp trong nội địa.Những phe cánh hiếu chiến rốt cuộc đã hình thành 2 quốc gia riêng rẽ.
802 - 850 : Nhà vua Khmer hùng mạnh đầu tiên, Jayavarman II, thiết lập đất nước thống nhất Kampuja (Cambodia), kinh đô nằm gần Angkor. ( Từ Angkor nghĩa là thành phố ).
889 – 1100 : Vào năm 859, vua Yasovarman I xây dựng kinh đô mới gọi là Yasodharapura, ngay trên vị trí di tích Angkor ngày nay. Suốt 2 thế kỷ sau, các vua Khmer tiếp tục mở rộng thành phố, xây dựng thêm các đền đài.
1113 - 1150 : Suryavarman II xây dựng trong kinh thành ngôi đền Angkor Wat vĩ đại _ nguyên nghĩa là “thành phố đền đài ( city temple ).
1177 – 1180 : Người Chăm, từ Chiêm Thành, đánh bại người Khmer trong trận thủy chiến, cướp phá kinh thành. Vua Jayavarman VII tập hợp người Khmer, đánh đuổi người Chăm.
1181 – 1220 : Jayavarman VII , nhà xây dựng Khmer vĩ đại nhất, mở rộng đế quốc và tái thiết kinh đô, dựng lên một thành phố có tường bao, chúng ta gọi là Angkor Thom, “ thành phố vĩ đại”.
1431 – 1432 : Quân Thái vây hãm và chiếm được Angkor Thom. Người Khmer rời bỏ nơi này.
-
ANGKOR, VIÊN NGỌC GIỮA RỪNG THẲM, Kỳ 2< Trang trước
-
Địa danh và thắng tích ở Khánh Hòa - Kỳ 6/6Trang sau >