Địa danh và thắng tích ở Khánh Hòa - Kỳ 6/6

5. Chùa cổ Kim Sơn

Nằm ở thôn Ngọc Hội, xã Vĩnh Ngọc, thành phố Nha Trang. Đây là ngôi chùa cổ không rõ có từ đời nào, sách Trung châu nhận vật ký ghi là có từ thế kỷ 13.

Tương truyền năm 1301, khi đi chơi Chiêm Thành đức Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông có ghé qua đây, trước cảnh đẹp của chùa, ngài làm đôi câu đối:

Kim âu lăng thủy ngọc hoàn quy

Sơn tự thiền tông hội phước trì

2 chữ Kim Sơn thành tên chùa, và Ngọc Hội chỉ tên làng.

Đến thế kỷ 17 đại lão hòa thượng Pháp An xây lại chùa hoàn chỉnh cho đến nay. Năm 1740 chúa Nguyễn Phúc Khoát cải tên chùa là Quy Tông và ban cho tấm đại tự ghi 4 chữ”Sắc Tứ Quy Tông. Năm 1845, vua Thiệu Trị sắc cho chùa tên cũ là “Sắc Tứ Kim Sơn tự”. Dưới triều Khải Định, có phu nhân một vị hưu quan xuất gia tu hành và trùng tu lại chùa, vì thế chùa còn có tên là “chùa Bà Nghè”

(https://phatgiao.org.vn/tham-chua-co-sac-tu-kim-son-khanh-hoa-d13257.html)

 (Đại Việt Sử Ký toàn thư  ghi rằng Thượng hoàng Trần Nhân Tông đi chơi các nơi, có đến Chiêm Thành từ tháng 3 đến tháng 11/ 1301 mới về, nhưng không ghi đến những đâu. Thời gian này đây vẫn là đất của Chiêm Thành, ảnh hưởng Bà La Môn giáo rất mạnh, nên nói ở đây có chùa Việt và làng người Việt thì nghe thật lạ ?).

Về cuộc vân du sang Chiêm Thành, thiền sư Lê Mạnh Thát ghi như sau:

“Đến tháng 3 năm Tân Sửu (1301), Thượng hoàng đi xuống phía Nam và ở tại am Tri Kiến của trại Bố Chính. 
Tri Kiến theo Ô Châu cận lục quyển 3 tờ 45a5 là nơi đóng cơ quan hành chính của trại Bố Chính:”Tri Kiến là nơi dựng của huyện xưa”(Tri Kiến cổ chi huyện kiến)1. Cho nên, am Tri Kiến chắc là ngôi chùa của lỵ sở Tri Kiến của Bố Chinh. Có thể nói đây là ngôi chùa đầu tiên được biết của vùng đất Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính, mà Lý Thánh Tông đã sát nhập vào bản đồ Đại Việt vào năm 1069 và nay là đất tỉnh Quảng Bình và hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh của Quảng Trị. Vùng đất này chắc hẳn có nhiều chùa khác nữa, nhưng ngày nay ta không biết tên tuổi. Rồi từ trại Bố Chính, Thượng hoàng đã đi sang Chiêm Thành. 

 

6. Thượng hoàng đi Chiêm Thành 

Việc đi Chiêm Thành này theo Trần Chí Chính trong lời đề từ cho bức tranh Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ có vẻ như là một cuộc vân du của một nhà truyền giáo và đã được vua Chiêm đón tiếp trong tư cách ấy. Trần Chí Chính viết: 
“Có lúc ngài viễn du hóa độ cho các nước lân bang, phía nam đến tận Chiêm Thành, đã từng khất thực ở trong thành. Vua nước Chiêm Thành biết được điều đó, hết sức kính trọng thỉnh mời, dâng cúng trai lễ, sắp sẵn thuyền bè nghi trượng, thân hành tiễn ngài về nước và đem đất hai Châu làm lễ cúng dâng cho ngài. Ấy là Thần Châu, Hóa Châu nay vậy”.”

(https://thuvienhoasen.org/p58a10911/chuong-vi-thuong-hoang-tran-nhan-tong-xuat-gia)

(Nghiên cứu Trần Nhân Tông, Con người và tác phẩm, 1999, trang 82)

(Như vậy theo LMT, am Tri Kiến là ngôi chùa đầu tiên của 3 châu Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính (Quảng Bình, Quảng Trị ngày nay)

 

7. Sắc Tứ Kim Sơn Tự

 

ĐNNTC ghi: “chùa Kim Sơn ở thôn Ngọc Tỏa, huyện Vĩnh Xương, không rõ dựng từ đời nào. Năm 1740, Thế Tông hoàng đế thứ 3 sắc đổi tên chùa là Qui Tôn. Đến năm Thiệu Trị thứ nhất, đổi tên lại như cũ”.

Tổ đình sắc tứ Liên Hoa tự, tọa lạc ở làng Xuân Lạc, xã Vĩnh Ngọc, huyện Vĩnh Xương do tổ Lâm Hòa thiền sư dựng vào cuối thế kỷ 17, một trong những ngôi chùa cổ nhất tỉnh Khánh Hòa. Ban đầu có tên Linh Phong tự. Năm 1734 chùa được chúa Nguyễn Phúc Khoát ngự chế đôi câu đối. Năm 1736 chùa bị bão lụt làm sập. Cụ Võ Triều Nguyên, tiền hiền của làng cùng dân làng dựng lại đặt tên là chùa Linh Sơn, khoảng 1852 lại bị cháy, dân làng dựng lại khoảng năm 1874 đặt tên là chùa Liên Hoa. Năm 1940, triều Bảo Đại, chùa được triều đình ban biển sắc tứ.

(https://phatgiao.org.vn/khanh-hoa-thanh-tinh-trang-nghiem-to-dinh-sac-tu-lien-hoa-d13689.html)

 

8. Chùa Linh Sơn

 

ĐNNTC ghi :”Chùa Linh Sơn, ở xã Xuân Sơn, huyện Vĩnh Xương, trước là chùa Liên Hoa, không rõ dựng từ đời nào. Bản triều đời Thế Tôn hoàng đế có  câu đối ngự chế vẫn còn”.

“Chùa Kỳ Lân, ở xã Đồng Thịnh, huyện Tân Định. Trước kia người vợ cả viên Cai bạ Cẩm Long hầu bỏ của ra xây chùa, trước chùa có 2 con kỳ lân bằng đá vôi, nên gọi tên thế”.

Còn hiện nay ở thôn Hiền Lương, xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa cũng có chùa Linh Sơn. Lịch sử chùa như sau:

Lập năm 1761, năm Cảnh Hưng 22 đời Lê Hiển Tông. Tổ khai sơn là ngài Đại Bửu Kim Cang, đắc đạo dưới cây kén đại thụ, hiện vẫn còn trong chùa. Ban đầu chùa tên Sa Long tự. Đời Tự Đức 21, 1867 chùa bị cháy, sau khi xây dựng lại chùa đổi tên thành Linh Sơn.

( Chùa Linh Sơn  https://mytour.vn/location/737-chua-linh-son-khanh-hoa.html)

 

Khánh Hòa còn khá nhiều chùa cổ, nhưng chỉ tạm ghi theo ĐNNTC thôi.

Các vua nhà Nguyễn ban sắc tứ cho khá nhiều chùa ở Khánh Hòa có lẽ ngoài việc vua Minh Mạng sinh ở chùa Khải Tường (Gia Định), còn có lý do khác là vào thế kỷ 18, 19 vùng nam Trung bộ (dinh Bình Khang, Bình Thuận) còn khá hoang vắng. Triều đình cần dân để khai khẩn đất hoang, để trấn giữ biên cương. Khi ban sắc tứ cho chùa, chùa sẽ nhớ ơn vua, truyền ân nghĩa này cho các tín đồ, chính là những người dân hàng ngày, hàng tuần đến chùa để tìm niềm tin nơi đấng thiêng liêng, để có thêm nghị lực chống chọi với thiên nhiên, với thú dữ, với giặc cướp.

 

Binh Thạnh, tháng 12.2019

Ng T Hải

 

 

 

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết