SƠ ĐỒ ANGKOR, THEO MŨI TÊN ĐỎ ĐỂ ĐI TUA TỰ CHỌN
Du khách lần đầu nhìn thấy những ngọn tháp của Angkor vươn cao từ khoảng trống trong rừng theo con đường từ thành phố Siem Reap. Đi theo con hào của đền, ta sẽ đến tháp chính phía tây. Tiếp tục đi về hướng bắc, vượt qua ngọn đồi cao 60m, Phnom Bakheng, trên đó, nhà vua, người xây dựng Angkor đã dựng ngôi đền núi của mình. Đi xa hơn chút nữa, ta đến thành phố Angkor Thom có tường vây, vị trí có đền Bayon với những hình chạm tuyệt mỹ và những bộ mặt trầm tư. Các đền và tường của khu cung điện cổ này, có sân thượng voi và người cùi làm bình phong, chạy về phía bắc. Con đường ở phía bắc và phía đông các bức tường của thành phố sẽ đưa du khách qua các ngôi đền khác, những con đập và hồ chứa nước để tưới ruộng rộng mênh mông, một số đã cạn khô, sẽ đưa du khách về lại Angkor Thom. Bản đồ sử dụng màu đỏ để chỉ các ngôi đền và tường, màu xanh để chỉ sông và đường hào vẫn còn nước trong mùa mưa.
Các vũ công Cambodia soi bóng ở cổng chính dẫn vào Angkor Vat
Rằng đất nước này chỉ có một vương triều duy nhất. (Các giáo sĩ hoàng gia thuật lại sự sùng kính của các vua trong tấm bảng trong đền hiện lưu giữ tại Bảo tàng quốc gia, Bangkok)
Jayavarman II thấy rằng nước mình phải triều cống Java. Năm 802 ông triệu tập một thầy tu Bà la môn “pháp thuật cao cường” yêu cầu cử hành một buổi lễ để đặt uy quyền tối thượng vào đức vua thần thánh và tuyên bố nền độc lập của Kampuja. Họa sĩ Fiévet diễn tả nhà tu đang xức dầu thánh cho vị thần Ấn độ giáo Siva trong nghi thức thánh hóa Jayavarman (bên phải) như là devaraja, vua-thần và khiến cho “ đất nước Kampuja không thể trung thành với Java nữa”. Trong 6 thế kỷ sau đó người Khmer đã thống trị vùng Đông Nam Á.
Thế rồi Đức Ngài... thiết lập thành phố hoàng gia
Một trong những hành động đầu tiên của Jasovarman I, vị vua cai trị nửa thế kỷ sau Jayavarman II và xây dựng Angkor là dựng ngôi đền “núi” trên đỉnh ngọn đồi cao 60m gọi là Phnom Bakheng. Tranh diển tả vị vua đội mũ giáp, bao quanh là các vệ sĩ mang giáo, thầy tăng, người cầm dù, đứng trên đỉnh cung điện chỉ về hướng hoàng thành tương lai. Đoạn sông Siem Reap thẳng tắp hình thành nên con hào ở phía đông. Hồ Đông hình chữ nhật , con hồ chứa nước để tưới ruộng dài 6,4km, nối với con sông; nhà vua đã hoàn tất nó chỉ trong năm đầu tiên dưới triều đại mình. Các vị vua sau đó đã biến nó thành thành phố lớn nhất châu Á với chừng 1 triệu người sinh sống. Không còn một dấu vết nào những ngôi nhà bằng gỗ của họ.
Di tích đã được dọn quang Phnom Bakheng, nơi Yasovarman I dựng ngôi đền của ông, xuyên thủng rừng già. Bức tường phía nam Angkor xuất hiện như vết nứt trong rừng, phía trên phải. Bụi rậm và lúa che phủ con hào. Những người kế tục Yasovarman đã 2 lần dịch chuyển trung tâm Angkor để cho ngọn đồi và lăng miếu nằm ngoài vòng thành của thành phố.
Những cây bông vải như con bạch tuộc quấn nghẹt và bẩy tung các hành lang đá chạm đền Preah Khan, một trong những đền thờ Phật giáo của Angkor vào thế kỷ 12. Một cách chậm chạp đến không cảm thấy được, các mặt sàn bị bẩy lên và các bức tường đổ nghiêng ngả.
Các đoàn voi kéo những khối đá khổng lồ để xây dựng Angkor
Họa sĩ Fiévet chép lại chi tiết ở đền Bayon, mô tả lao động của một thế hệ. 2 công nhân ở tiền diện đang khoan lỗ đóng chốt để vận chuyển, toán thợ ở bên phải đang đẩy một khối đá lui tới cho tới khi nó khít vào mà không cần hồ vữa; còn người ngồi trên giàn giáo đang thấm nước để giảm ma sát cho sợi dây. Toán ở bên trái đang dùng dây thừng và ròng rọc để nâng một khối đá. Những người ở xa đang bắc giàn để hoàn tất hành lang bên dưới.
Đức Ngài (Suryavarman II) ra mệnh lệnh cho các thợ hoàng gia. Họ đang dựng tháp, đào hồ.
Một bi ký dâng tặng cho vị tăng sĩ phục vụ dưới 3 triều đại, gồm cả Suryavarman II có nói đến việc triệu tập những đội ngũ lao động để phục vụ cho các kế hoạch của hoàng gia.
Những người thợ điêu khắc Khmer đã biến các bức tường dài 800m của Angkor Wat thành những hành lang đầy tranh vẽ. Nhiều bức chạm diển tả các chuyện cổ và thần thoại Ấn độ. Tấm panô lịch sử trình bày 2 chân dung của Suryavarman, người xây dựng ngôi đền. Bức thứ nhất vẽ ông ngồi cùng các cử tọa và quần thần, bức thứ hai vẽ ông đang cưỡi voi
Suryavarman được xức dầu thánh năm 1113 và lên ngôi 6 năm sau đó. Ông nối lại ngoại giao với Trung quốc, kết thúc sự gián đoạn trong 3 thế kỷ, phát động chiến tranh với Việt Nam và Chiêm Thành. Nhưng ông bất tử với việc xây dựng Angkor, một kinh đô tuyệt mỹ của Khmer.
Angkor Wat là một ngôi đền núi như các lăng tẩm Khmer khác. Không như với các giáo đường tây phương, nó được thiết kế không nhằm để chứa một số lớn người mà là biểu tượng ngự trị của các thần linh và là lăng mộ chứa tro cốt các vua khi thăng thiên cùng với các thần.
Cũng như người da đỏ Maya ở Tân thế giới, người Khmer không bao giờ phát triển được kỹ thuật đá đỉnh vòm của các vòng cung (keystone arch). Thay vì thế, họ áp dụng kỹ thuật tay đỡ (corbel – flat stone upon flat stone)
Nhìn từ trên không, Angkor Wat để lộ ra vẻ cân đối tuyệt diệu. Bức tường và con hào rộng 182m viền quanh chân đền. Con đê ở trên cao bên phải băng ngang con hào dẫn vào cổng chính. 2 toà tháp nhỏ lọt thỏm vào giữa là tu viện Phật giáo mới dựng thời nay. Cây cối mọc trùm lên hết thảy trước khi các nhà khảo cổ dọn quang đi.
Lấp lánh cùng ánh lửa của nữ trang, bi ký ở đền Ban Theat mô tả vẻ chói ngời của một mệnh phụ.
Chu Đạt Quan viết, “ Nói chung, đàn bà cũng như đàn ông, họ quấn một mảnh vải ngang hông, để ngực trần, trắng như sữa. Họ búi tóc và đi chân không. Ngay cả các bà vợ vua cũng thế”
Hoạ sĩ Fiévet, dựa theo các sử liệu này, các phù điêu và bi ký, mô tả một cô công chúa đang trang điểm trong phòng. Có người hầu quạt và người chơi đàn harp giải khuây. Vài người hầu khác đang đeo vòng tay, giải đeo tay và xuyến cổ. Gương bằng đồng đánh bóng. Các mệnh phụ trong triều đình Khmer trở thành các nhà chiêm tinh, học giả tiếng Phạn và cả quan toà nữa.
Những vũ công trên thiên đình, các nàng apsara mềm mại nhảy múa trên các đóa hoa sen. Chạm thành từng đôi và ba, những tượng này trang trí cho các cột ở đền Bayon, đền trung tâm ở Angkor Thom.
Kiếm trong tay, Đức vua ngự triều trong cửa sổ bằng vàng.
Là giáo chủ tôn giáo và thế tục, quốc vương Khmer thiết triều ngày 2 lần ở Angkor Thom. Vị giáo sĩ Bà la môn, nhận ra nhờ chỏm tóc trên đầu và sợi dây trắng khoác ngang vai, đứng dưới tán dù trình bày thỉnh nguyện, có thể là món quà của nhà vua. Những người cung cấp lương thực đang dâng các giỏ trái cây, nằm phủ phục. Chu Đạt Quan viết, “ phòng nghị triều có những khung cửa sổ bằng vàng.”
Các thượng thư và dân thường... dập trán xuống đất. Chu Đạt Quan, nhà du hành người Trung quốc, cho chúng ta biết về nghi thức chào kính đối với nhà vua.
Vàng son chói lọi trong triều thần ở hoàng cung. Chu viết, “ nghe thấy tiếng nhạc dìu dặt ở xa xa trong cung điện. Bên ngoài, người ta thổi tù và bằng ốc xà cừ đón chào đức vua. Tôi nghe nói ngài chỉ dùng kiệu vàng... Giây lát sau, người ta thấy có 2 cung nữ đưa những ngón tay mảnh mai vén bức màn, rồi nhà vua, kiếm trong tay, xuất hiện trong cửa sổ vàng.”
Chu cho rằng kiếm của vua là biểu tượng của vương quyền. Các phù điêu trong đền cũng cho thấy các vị vua cầm thanh kiếm như thế. Cả 2 triều đình Cambodia và Thái ngày nay đều có Thanh kiếm Chiến thắng. Truyền thuyết cho rằng thanh kiếm của người Cambodia là của vua Jayavarman II, nhưng hình dạng của nó không cho thấy vẻ cổ xưa đến thế. Vỏ nạm châu báu, nó hiện được giữ trong kho báu của hoàng gia ở Phnom Penh và do một toán lính Bà la môn bảo vệ.
Dù giương lên, quạt phe phẩy bày tỏ lòng tôn kính đức vua Suryavarman II
Được vô số bàn tay người ve vuốt, những phù điêu bằng sa thạch sáng lên như đá hoa đánh bóng. Người thánh thiện thì lên thiên đường (hàng trên), kẻ tội lỗi phải chịu đọa đày (hàng dưới)
Thuyền chiến lao vào trận: người Chàm đánh bại người Khmer trên sông Tonle Sap.
Ai là Khmer, ai là Chàm? Họa sĩ Fiévet không nhấn mạnh, nhưng các phù điều chạm trên đền Bayon không cho thấy sự khác biệt nào về trang phục. Mũi của 2 chiến thuyền đều mang hình thần Garuda, vật cưỡi nửa người nửa chim của thần Vishnu. Trong khi các chiến binh đang hò hét, giơ giáo và vung khiên, thì một thuỷ thủ quăng dây có móc sắt về phía cung của kẻ thù. Những kẻ sống sót từ chiếc thuyền chìm vơ lấy các mảnh vỡ. Cái giống như ngà voi ở đầu mũi tàu sơn hình miệng cá hình như để đâm vào tàu địch. Tấm màn che ở mép để bảo vệ cho các tay chèo.
Vua Chiêm thành tấn công Kampuja bằng một hạm đội hùng mạnh. Mã Tuấn Linh (Ma Tuan-lin), sử gia người Trung quốc, thuật lại ngày tàn thảm khốc của Angkor vào năm 1113, đỉnh điểm của cuộc chiến 30 năm
Mã viết, “ Một viên quan người Trung quốc đắm tàu ở bờ biển Chiêm Thành. Ông thấy cả hai bên đều dùng voi ra trận, không bên nào có ưu thế. Ông bày cho vua Chiêm dùng kỵ binh trang bị cung tên, rồi dạy cho kỵ binh cách dùng cung trên lưng ngựa. Thành công là rất lớn, chiến thắng cho phía Chiêm thành.
Tiếp đó là tấn công bằng thuỷ quân. Viên quan nói trên hướng dẫn quân Chiêm ngược dòng Mekong tiến vào sông Tonle Sap, đến tận cửa Angkor. Chiến thắng, quân Chiêm cướp phá kinh thành và bức tử nhà vua.
Jayavarman VII, vị hoàng tử Khmer bị lưu đày, dấn thân vào hỗn loạn và ổn định lại trật tự. Gầy dựng lại binh bị và thuỷ quân, ông đuổi quân Chiêm về xứ, thoát khỏi thân phận chư hầu.
Cùng thời với Richard, Trái tim sư tử của Anh quốc, Jayavarman VII trở thành nhà xây dựng chính của Kampuja, kiến tạo đền đài, cung điện, đường xá trên khắp vương quốc. Nơi mà trước đây chỉ có hàng rào gỗ che chở cho Angkor, Jayavarman dựng lên những bức tường đá vững vàng mà ngày nay còn tồn tại.
Thủ cấp bị chặt đứt lăn tròn.Quân Khmer tấn công, vồ lấy kẻ thù bằng họng, đầu gối và tay. Voi dày đạp lên các chiến binh gục ngã do trúng tên của người cưỡi. Người Kampuja đẩy lùi cuộc xâm lăng của người Chàm.
Cuộc chiến đấu ác liệt trên các bức tường của Bayon. Quân Khmer ở hàng trên tấn công quân Chàm trong cánh rừng; ở hàng dưới, các thuyền chiến dày đặc chiến sĩ ngồi từ mũi tới lái trong cuộc tổng tấn công _ tài liệu về trận chiến gần 800 năm trước. Những người bị đánh ngã xuống nước bơi giữa đàn cá khổng lồ.
Cá sấu há họng táp chân một chiến sĩ bị rơi khỏi thuyền trong trận thuỷ chiến. Loài quái vật này trong các con hào ở thành phố làm nhụt chí kẻ xâm lược
Các phụ nữ nhà quyền quý đeo rất nhiều ngọc thạch
Chu Đạt Quan thuật lại rằng, “ Nhà vua có 5 vợ, 1 ở phòng riêng và 4 bà kia ở 4 hướng chính. Còn thị tì và cung nữ tôi nghe nói có từ 3.000 đến 5.000.” Marco Polo đến viếng xứ Chiêm thành gần đó vào năm 1280, thì viết, “ Ở vương quốc ấy, không phụ nữ nào được phép kết hôn nếu nhà vua chưa nhìn thấy cô ta. Nếu làm nhà vua hài lòng, ông sẽ lấy cô làm vợ, nếu không, vua sẽ cho cô một món hồi môn để đi lấy chồng.”
Trống và đàn dây để giải trí cho các mệnh phụ khi đi tắm.
Tù và, kèn và chiêng báo hiệu đức vua vi hành qua Angkor trên lưng voi. Tiến về hướng một trong các cổng của thành phố có 4 mặt, các triều thần mang trên vai chiếc rương chứa ngọn lửa thiêng. Một người hầu mang huy hiệu hoàng gia, tượng Vishnu và Garuda nhỏ. Cờ, cờ đuôi nheo và lọng dù trông như tai nấm phất phới trong gió. Voi của hoàng gia mang vương miện vàng và khăn thêu kim tuyến đỏ tươi, lớp lá vàng bọc ngoài ngà của chúng. Ngày nay triều đình Cambodia và Thái mang biểu trưng giống nhau.
Nhà vua, đứng trên lưng voi, ngà bọc vàng. Chu Đạt Quan thuật lại khi chứng kiến một đám rước.
“ Khi đức vua tiến ra, đội kỵ binh hộ tống ngài. Tiếp theo là cờ hiệu và âm nhạc. Từ 300 đến 500 cung nữ, với hoa cài trên tóc và đuốc trong tay, hình thành một đội quân; ngay giữa ban ngày, đuốc vẫn được thắp sáng.
“ Tiếp đến là các cung nữ mang những đồ dùng bằng vàng và bạc của hoàng gia cùng đủ mọi loại trang sức... Rồi là các cung nữ mang giáo và khiên. Đây là đội cận vệ riêng của nhà vua, họ cũng hình thành một đội quân. Rồi đến xe dê và xe ngựa cũng đều trang trí bằng vàng.
“ Các thượng thư và hoàng tử cưỡi trên lưng voi, khi họ tiến về phía trước , trông như rất xa; họ mang dù đỏ nhiều vô số kể. Sau họ là các bà vợ và thị tì của vua, đi kiệu, đi xe hay cưỡi voi. Tôi chắc là họ có hơn 100 chiếc dù trang trí bằng vàng. Sau họ là nhà vua.
Con voi săn dùng vòi nhấc con bò rừng bị người cưỡi dùng giáo hạ được. Hàng đoàn những tượng thú có kích thước như thật dài hàng trăm mét dọc Hành lang Voi ở Angkor Thom, đối diện quảng trường hoàng gia.
Voi đi diễu dưới những bộ mặt khắc trong đá ở cổng nam Angkor Thom
Đầu bếp Khmer đang nấu heo trong nồi. Vô số hình khắc mô tả sinh hoạt hàng ngày của người dân trên các bức tường Bayon, phụ nữ trông sạp hàng trong chợ, đàn ông đánh bạc, đá gà, cá và lưới đánh cá.
Chim trĩ và khỉ nhìn xuống đám đóng trại trong rừng
Bức tường đôi đưa ra bài toán khó về kỹ thuật xây nếp cuốn. Sau khi xây xong bức tường trong và trang trí bằng những hình chạm, các kỹ sư xây dựng Angkor Thom lại thêm bức tường ngoài vì lý do gì không ai hiểu nổi.
Cái gọi là Sân Thượng Người Cùi ở trên các bức tường này có lẽ dùng để hoả táng người của hoàng gia. Truyền thuyết về một ông vua Khmer bị bệnh cùi vẫn còn ở Cambodia. Theo trí tưởng tượng của quần chúng, ông được mô tả bằng hình ảnh Ấn giáo ngồi trên sân thượng.
Nhà vua leo lên tháp lầu để hiện diện trong buổi lễ hội _ Chu Đạt Quan
Đám xiếc điêu luyện này xuất hiện hầu như không đổi trên các bức chạm ở đền Bayon. Người đàn ông khoẻ mạnh đỡ 3 chú lùn. Nghệ sĩ tung hứng xoay bánh xe bằng chân và người đi trên dây, tất cả đều gợi lên hình ảnh những người biểu diễn tạp kỹ ngày nay. Hàng rào lính cầm gươm, khỉ nhảy nhót trên cọc. Ban nhạc đàn dây và trống giúp vui cho vua, đang ngồi trên bệ ở đàng xa. Dân Khmer thích giải trí cũng đang xem chọi trâu, đá gà và voi trong quảng trường đối diện hoàng cung.
2 cánh tay đã bị mất, Jayavarman VII ngồi trong viện bảo tàng ở Phnom Penh. Bức tượng này, đầu bị vỡ, được phục hồi từ đống đổ nát của Angkor.
Vinh quang của Ngài toả từ Ngài ra 4 hướng.
Hoàng hậu Indradevi, bằng ngôn ngữ Phạn hoàn hảo, tán dương đức ông của bà, Jayavarman VII.
Các nghệ sĩ tạc rất nhiều tượng tròn, nhưng thực ra mọi sáng tạo của họ đều tập trung vào các thần, các vị hộ pháp ở đền, và động vật. Chân dung trầm tư đang được tạo dáng dưới lưỡi đục của nhà điêu khắc này là của Jayavarman VII, vị vua vĩ đại nhất của Angkor.
Các nhà khảo cổ đã tìm được 2 bức tượng của ông, 1 ở Phimai, phía đông Thái lan, 1 trong kho báu Angkor, hình ở trên. Đầu của tượng thứ ba mới được khai quật trong thị trấn phía đông Angkor, nơi hình như Jayavarman đã sống trước khi lên làm vua.
4 mặt trên vô số ngọn tháp và cổng do vua xây dựng lập lại những diện mạo đặc trưng của pho tượng này. Chúng tượng trưng cho Lokesvara (Quan Âm), vị thánh sống trên trái đất để làm việc thiện, nhưng gần như chắc chắn chúng là chân dung cách điệu hóa của Jayavarman VII, một phật tử thuần thành.
Khi Jayavarman lên ngôi vào năm của “ mặt trăng, bầu trời và kinh Veda”, năm 1181 sau công nguyên , hoàng hậu của ông, Indradevi, viết, “ Ngài đứng lên để cứu vớt mặt đất đầy dẫy tội lỗi.”
Là nhà xây dựng lớn nhất của Angkor, Jayavarman VII đã tái thiết kinh đô. Ông hoạch định những cung điện, đình tạ và Sân Thượng Voi huy hoàng trải dài 365m dọc Quảng trường Hoàng gia; ông dựng lên một ngôi đền trung tâm khổng lồ, đền Bayon, lớn thứ 2 so với Angkor Wat.
Nhưng vua vẫn chưa thấy hài lòng. Ông dựng những trung tâm tu viện lớn, Preah Khan, Ta Prohm, và Banteai Kdei _ kề cận kinh đô. Ông còn xây dựng những điện thờ và những thành phố lộng lẫy ở xa nữa. Một văn bia ghi lại rằng ông đã cho xây hơn 100 nhà thương và nhà nghỉ trong khắp vương quốc.
Thể chất khoẻ mạnh, Jayavarman sống đến hơn 90 tuổi và dùng những năm tháng đời mình để trải rộng biên cương Khmer đến những nơi xa xôi nhất. Jayavarman rất có thể đã nói như thế này với thần dân của ông : “ Những công việc tốt đẹp ta đã hoàn thành, các ngươi phải giữ gìn, vì chúng cũng là của các ngươi nữa.”
Pháo hoa bừng sáng trên không: nhà vua, triều đình và người dân đón năm mới.
Hai bên là các quý tộc và người hầu, quốc vương ngồi trên bệ xem đội vũ nhạc múa điệu múa ma thuật đầy màu sắc và chuyển động. Khi cái bóng khổng lồ của Bayon in vào nền trời màu tím, những lá cờ phất phơ dưới những tia pháo bông bừng nổ. Người Trung hoa, đã biết sử dụng thuốc súng từ lâu, có lẽ đã dạy cho người Khmer cách trộn nitrate, than bột, lưu huỳnh để phóng pháo bông hình lóng tre.
Pháo nổ lớn như súng liên thanh làm rung chuyển cả thành phố
Đón năm mới ở Angkor, Chu Đạt Quan mô tả lễ hội tưng bừng kéo dài suốt 2 tuần
Chu viết, “ trước cung điện người ta dựng cái bệ lớn chứa được cả ngàn người, rồi che lại bằng đèn lồng và hoa. Đối diện với nó... họ chọn những cây cột gỗ cột lại để tạo thành cái đài cao... Mỗi đêm họ dựng 3 hoặc 4 hoặc 5 hoặc 6. Trên đầu họ đặt pháo bông và pháo nổ. Chi phí do chính quyền tỉnh và giới quý tộc chịu...
“ Giới quan lại và quý tộc tham dự lễ hội với nến và quả cau. Phí tổn rất lớn. Nhà vua mời cả các sứ thần ngoại quốc tham dự lễ hội. Lễ hội kéo dài suốt nửa tháng.
Tường thuật của Chu và văn bia trong đền đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc múa đối với triều đình và lễ lạc trong đền. Ông viết, một lễ hội gọi là ngai-lan , có nghĩa là nhảy múa.
Tấm bảng mô tả đám rước lễ trong đền và thêm, “ nhạc khí gây tiếng ồn náo nhiệt làm quyến rũ đến cả thần linh. Rồi tất cả đàn ông đàn bà cùng quay tròn nhảy múa”.
Những vũ công trong đền chính là bản sao trần thế của các nàng apsara diễm lệ trên thiên đàng, người giúp vui cho các thần, mà hình dung của họ được các nghệ sĩ Khmer diển tả trên các bức tường trong đền.
Ngày nay một đội múa rạng rỡ , do đích thân hoàng hậu Cambodia giám sát, vẫn múa giúp vui cho triều đình ở Phnom Penh. Các nghệ sĩ trẻ diển những cảnh trong chuyện cổ và chuyện dân gian Ấn độ, nhưng trang phục thay đổi. Những thứ họ mặc ngày nay giống với váy và mũ miện của Thái lan, nhấn mạnh đến sự trao đổi kỳ lạ giữa Cambodia và Thái lan xuất phát từ hậu quả của việc người Thái chinh phục Angkor 5 thế kỷ trước. Khi cướp phá Angkor, họ mang theo các thầy tu, nghệ sĩ, vũ công và thợ thủ công để nâng tầm triều đình của họ cho giống với người Khmer. Đến lượt người Cambodia lấy từ Thái lan, những truyền thống và điệu múa, mà xét về nguồn gốc chính là của họ.
8 thế kỷ đứng giữa các vũ công của hoàng gia và những tiền bối của họ chạm trên Angkor Wat. Cảnh vẫn y nguyên, nhưng trang phục đã thay đổi: những nàng apsara chỉ mặc nửa người không còn nữa.
Trong những phẩm chất cần thiết, thì tri thức là cái xếp hạng nhất
Tấm bảng của Khmer, trích Luật Manu, sách giáo luật Ấn độ cổ, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc học.
Ở đây các trí giả đang chuẩn bị viết chữ trên lá cọ. Dùng kim khắc con chữ rồi bôi mực, sau đó xóa bề mặt cho sạch, để lại lớp cặn đen trên chữ. Người Bà la môn ở góc dưới phải đang xếp chồng những lá văn bản đã hoàn tất để xâu dây cột lại.
Người Khmer cũng viết trên da nữa nhưng hoả hoạn và sự mục ẩm trong rừng đã phá huỷ hết những cuốn sách mong manh ấy từ lâu. Chỉ những bi ký trong đền là còn tồn tại, một số bằng tiếng Khmer, số khác bằng tiếng Phạn, ngôn ngữ thiêng liêng của người Bà la môn. Một bi ký viết, nhà vua “ say sưa trong rượu tiên của tri thức... ngài trao nó cho người khác uống.”
Chà mực trên giấy để đồ lại bi ký Khmer trên đá. Trẻ con cũng làm tương tự khi chà bút chì trên giấy và đồng xu
Tác giả, ở Preah Khan, đang khảo sát tấm bi ký trong đền dâng tặng cho một vị vua, “người tán dương không ngớt gót chân Đức Phật.” Giống như tấm bia đá tương tự ở Ta Prohm, bi ký này chi tiết hóa những hình ảnh, con người và tiếp liệu trong đền.
Ngày tàn của Angkor: quân chiến thắng Thái lan cướp phá thành phố và dẫn giải tù nhân đi; năm 1432, một năm sau thảm họa, người Khmer bỏ hoang kinh thành .
Mặt đất bị nhấn chìm vào biển hoang tàn do quân thù gây ra
Sau 1431, không ai để lại ghi chép nào về cuộc chinh phục cuối cùng của người Thái ở Angkor. Tiểu tựa đau thương này của chúng tôi trích từ cuộc thất trận trước đó và ít kinh hoàng hơn.
Đạt đến đỉnh điểm sau cuộc chiến tranh kéo dài một thế kỷ, quân Thái tràn ngập Angkor sau cuộc vây hãm suốt 7 tháng. Bọn phản quốc và cái chết của vua Khmer đã kích động quân thù. Quân Thái cướp đi tất cả những gì mà chúng mang đi được.
Khi người Thái đưa con trai nhà vua của họ lên làm chúa tể Kampuja, người kế tục chính thống đã ám sát ông và chiếm ngôi. Nhận thấy Angkor không thể chống lại những cuộc tấn công sau đó, nhà vua dời triều đình về phía nam và bỏ kinh đô. 5 thế kỷ vinh quang đã lụi tàn, rừng xâm chiếm nó.
Gánh nặng trong việc duy trì những lăng miếu trang trí lộng lẫy góp thêm phần làm nó suy vong và tàn lụi. Thế lực đang lên của những vương quốc chung quanh cướp đi của đế quốc Khmer một thời thống trị những đồ triều cống, thuế má và sức lao động trên những gì mà họ xây dựng nên sức mạnh của mình. Hơn nữa, Phật giáo Đại thừa (Hinayana Buddhism) đã trở thành tôn gíáo phổ biến, gặm mòn sự sùng bái vua-thần quyền uy.
Trong vài thế kỷ kế tiếp, vương quốc vẫn duy trì được độc lập và tiến hành chiến tranh với người Thái và Annam lân cận. Rồi suy yếu dân, nó còn nhỏ hơn cả một nước đệm giữa người An nam và người Thái.
Vào năm 1860, người Pháp bắt đầu thống trị vùng đất này, nhưng đánh mất nó vào tay người Nhật vào năm 1941. Ngay sau thế chiến thứ hai, người Pháp tái khẳng định chủ quyền nhưng sau cùng trả lại độc lập cho nó.
Cambodia là tên tây phương để chỉ Kampuja lấy lại độc lập vào năm 1949, dân số chừng 5 triệu người.
Những gương mặt ma quái liếc nhìn từ các ngọn tháp của đền Bayon
Ban đầu là đền thờ Phật giáo, đài tưởng niệm Jayavarman VII trở thành đền thờ Siva. Sau nhiều thế kỷ bị quên lãng, rễ cây làm nứt nẻ mái và tường, nhưng nhiều bức chạm vẫn tồn tại. Bạn đếm được bao nhiêu bộ mặt ?
Các hộ pháp nửa người nửa khỉ liếc mắt trên các bậc cấp của đền Banteai Srei
Nghệ thuật mái vòm thế kỷ 10 của Khmer, ngôi miếu nhỏ này cách Angkor 32km. Khi được tìm thấy trong rừng, các ngọn tháp và tường của nó chỉ còn là đống đổ nát; các nhà khảo cổ Pháp đã lắp ráp lại. Những bức tường và trán tường bằng sa thạch hồng vẫn nở ra những bông hoa, rắn hổ mang và các hình tượng khác. Banteai Srei nghĩa là “ ngôi thành của phụ nữ”.
Những cây đa như con mãng xà siết chặt lấy khuôn mặt đá khổng lồ như chiếc ê tô vậy
Suốt 5 thế kỷ rừng già ngự trị Angkor, những cây đa, cây bông vải và các loại dây leo ôm siết lấy các ngôi đền và tháp ở Angkor, còn rễ của chúng trườn đi phá huỷ hết các bức tường. Cái đầu này nằm trong lồng gỗ bảo vệ cho cổng vào đền Ta Som
Giống như những giây cuối cùng trong một hiệp đấu có thưởng, chủ gà và các tay cá độ chuẩn bị cho gà lao vào trận: chi tiết ở đền Bayon. Chẳng mấy chốc, cựa và lông sẽ bay tung, một phe sẽ thua cuộc.
ΩΩΩΩΩ
9.11.2010 NTH
-
Cahokia, thành phố bị quên lãng< Trang trước
-
ANGKOR, VIÊN NGỌC GIỮA RỪNG THẲM, Kỳ 1Trang sau >