MAYA, Vinh quang và tàn lụi

Maya, vinh quang và tàn lụi

( Dịch từ :The Maya, glory and ruin, National Geographic Magazine, August 2007)

 

Sự huy hoàng bất hạnh của người Maya mở ra trên nền những cánh rừng mưa ở phía nam Mexico và Trung Mỹ. Tại đây, nền văn minh cổ xưa của người Maya đã đạt đến những đỉnh cao tưởng như bất khả. Để phác họa một nền văn hóa có gốc rể từ thời tiền cổ ngược về 3.000 năm trước, chúng ta hãy bắt đầu với những bằng chứng mới cho thấy rằng việc xuất hiện vị lãnh chúa ở miền trung bộ Mexico đã mở đường cho một thời đại huy hoàng với những tuyệt phẩm như mặt nạ người chết của vua Pakal thuộc bộ tộc Palenque. Kế tiếp là  danh mục những ngôi đền vươn dậy từ những cánh rừng già như để tuyên ngôn cho nền văn hóa Maya tuyệt mỹ . Nhưng các đế quốc chỉ mọc lên để lụi tàn. Trong chuyện kể dưới đây, chúng ta hãy nhìn những tầng thảm họa_ do thiên nhiên và do chính con người_ đã làm đổ nhào nền văn minh Maya cổ điển, để cho thiên nhiên lấy lại vẻ hùng vĩ của nó.

 

TRỔI DẬY

NGƯỜI TẠO DỰNG CÁC VÌ VUA

Xuất phát từ Teotihuacan, thành phố thần thánh ở phía tây, Lãnh chúa Lửa Sinh Ra (Fire Is Born) tạo dựng những vương triều mới mang lại vẻ huy hoàng không gì sánh nổi  trong thế giới Maya.

Người lạ đến khi mùa khô bắt đầu làm khô cứng những con đường mòn trong rừng, để quân đội dễ hành quân qua. Có các chiến binh hộ tống, ông tiến quân vào thành phố Waka, vượt qua những đền đài, chợ búa, và những quảng trường rộng lớn. Dân chúng hẳn phải há hốc miệng, sửng sốt không chỉ vì sự phô diễn  lực lượng, mà còn vì những con người mang lông chim sặc sỡ trên đầu, những ngọn lao, những chiếc khiên sáng như gương_ những biểu trưng của một thành phố vương giả.

Các văn bia cho biết đó là ngày 8, tháng giêng, năm 378, và tên người lạ này là Lửa Sinh Ra. Ông đến Waka, ngày nay là Guatemala, với tư cách đại diện cho những thế lực hùng mạnh ở cao nguyên Mexico. Trong những thập kỷ sau đó, tên ông xuất hiện trên các đền đài khắp lãnh thổ Maya, nền văn minh rừng già của miền Trung Mỹ. Và với sự trổi dậy của ông, người Maya đã đạt đến thời kỳ cực thịnh suốt 5 thế kỷ.

Người Maya luôn là điều khó hiểu. Nhiều thập kỷ trước, hào quang những thành phố hoang tàn, những bản văn rất đẹp nhưng chưa được giải mã của họ đã khiến nhiều nhà nghiên cứu hình dung một xã hội thượng lưu gồm các tu sĩ và ký lục . Khi các nhà nghiên cứu văn bia đã giải nghĩa được văn tự của người Maya, thì một vấn nạn khác lại xuất hiện, về những vương triều hiếu chiến, những đối thủ trong triều đình, và những cung điện cần đưa ra ánh sáng. Lịch sử Maya trở thành một tấm thảm thêu trên đó những tháng năm rõ ràng và những cá nhân có họ tên sống động.

Nhưng những bí ẩn sâu thẳm nhất vẫn tồn tại, trong số đó là bí ẩn gì đã đẩy người Maya nhảy vọt lên trở thành vĩ đại. Trong khoảng thời gian mà danh tiếng Lửa Sinh Ra đang lan rộng, những làn sóng thay đổi đã cuốn qua thế giới Maya. Một tập hợp những thành – bang,  mở rộng mối liên kết với các láng giềng, các nền văn hóa khác, và đạt đến đỉnh cao thành tựu nghệ thuật đã xác định thời kỳ Maya cổ điển.

Những chứng tích mới, khai quật lên từ những phế tích bị rừng che lấp, bóc ra từ những văn bản vừa được giải mã, đều chỉ về phía Lửa Sinh Ra như khuôn mặt trung tâm trong chuyển biến này. Từng mảnh một, các bằng chứng rõ dần lên trong thập niên qua đều cho thấy kẻ ngoại xứ bí ẩn này đã tái tạo lại quyền lực chính trị trong thế giới Maya. Hoà trộn ngoại giao và sức mạnh, ông rèn thành các liên minh, thiết lập các vương triều mới, lan toả ảnh hưởng của thành bang xa xôi mà ông là người đại diện, đại đô thị Teotihuacan nằm gần Mexico City hiện nay.

Các học giả còn bất đồng về bản chất di sản ông để lại_ có phải là ông mở đầu cho  thời kỳ kéo dài sự thống trị của ngoại bang hay là sự thay đổi mang tính tự lực cánh sinh có chất xúc tác . Cũng có thể là người Maya đã được  trời dành sẵn cho sự vĩ đại, và Lửa Sinh Ra đã chọn đúng thời điểm để xuất đầu lộ diện. Nhưng không ai thắc mắc về việc ông xuất hiện đã đánh dấu cho một bước ngoặt. Nikolai Grube thuộc Đại học Bonn nói rằng, “ Tôi không biết liệu có phải Lửa Sinh Ra đã phát minh  hệ thống mới không, nhưng ông ấy đã hiện diện ở đó ngay từ đầu.”

Thậm chí ngay trước thời Lửa Sinh Ra, người Maya đã đạt đến những đỉnh cao nào đó trong  vùng đất khắc nghiệt. Ngày nay, hoa lợi của những vùng đất thấp ở phía nam Mexico và vùng Peten thuộc Guatemala còn thấp dưới ngưỡng chịu đựng của dân bản xứ. Học giả chuyên về Maya, Arthur Demarest thuộc đại học Vanderbilt bảo là, “ một nền văn minh cao thì không có chuyện buôn bán ở đó.”

Việc thiết lập đô thị cổ Waka, hiện nay là El Peru, mà phần lớn là đã sẵn có, khi người Maya đầu tiên đến, có lẽ vào khoảng năm 1000 trước công nguyên _  vùng rừng mưa dày đặc, nơi những con vẹt đỏ thắm, chim tucăng (toucan), và kền kền làm tổ trong những cây lá rộng cao như ngọn tháp ở miền nhiệt đới. Những bầy khỉ nhảy nhót trên cành và dây leo, tiếng khỉ hú ở xa xa. Ở Peten khi trời mưa, muỗi lúc nhúc như những đám mây, đến nỗi hiện nay người Maya  phải xua chúng đi bằng đuốc tẩm nhựa cây.Vào mùa khô, cái nóng làm khô cả các đầm lầy, các con sông biến mất và hạn hán đe dọa. Đó là vùng đất của dao rựa và bùn, rắn và mồ hôi, và mèo, đặc biệt là báo, chúa tể của rừng xanh.

Những kẻ đi tiên phong có lẽ không có sự chọn lựa nào khác – Nạn nhân mãn đã đẩy họ đến với môi trường khắc nghiệt này. Nhưng khi đã ở đó, họ thắng được mọi thách thức. Cư trú gần sông, hồ và đầm lầy, họ học được cách bắt vùng đất bạc màu này phải sinh sôi hết cỡ. Họ khai quang rừng để trồng bắp,bí, và các loại mùa màng khác, bằng cách chặt và đốt, như người Maya ngày nay vẫn làm, rồi làm giàu cho đất bằng cách thay đổi loại cây trồng và cho đất nghỉ ngơi (không trồng trọt).

Khi dân số gia tăng, họ áp dụng các phương pháp thâm canh : bón phân, đắp nền cao, dẫn nước vào ruộng, họ đổ đất vào đầm lầy biến nó thành ruộng nương, chuyển bùn và rác rưởi ở những vùng trũng biến nó thành những khu vườn  có bờ bao. Những hồ nhân tạo để nuôi cá, những sân nuôi hươu, và trò chơi phấn khích từ rừng. Rốt cuộc thì người Maya cổ cũng ép được vùng đất xác xơ này phải sản sinh ra đủ thức ăn cho vài triệu con người, gấp nhiều lần số người hiện đang sinh sống ở đó.

Qua nhiều thế kỷ, trong khi người Maya học được cách làm giàu lên từ những cánh rừng mưa, các khu dân cư phát triển dần thành những thành-bang , văn hóa trở nên tinh tế hơn. Người Maya xây dựng những cung điện có nhiều phòng trang nhã, trần có mái vòm, các ngôi đền vươn cao hàng chục mét trên bầu trời. Đồ gốm, tranh tường, đồ điêu khắc có phong cách riêng biệt, rối rắm và đầy màu sắc. Cho dù họ không sử dụng bánh xe hay công cụ kim loại, họ đã phát triển một hệ thống chữ tượng hình phức tạp, hiểu được khái niệm về số không, và áp dụng nó vào những tính toán hàng ngày. Họ cũng có một năm 365 ngày, và đủ tinh tế để có  các năm nhuận. Họ thường xuyên quan sát các vì sao, dự báo nhật thực và đo góc những đài tế  để có thể đối diện với mặt trời lặn hay mọc vào những thời điểm đặc biệt trong năm.

Các vua chúa Maya, kuhul ajaw hay đức thánh chúa  là trung gian giữa trời và đất, họ nhận sức mạnh này từ thần linh. Họ vừa là pháp sư, diễn dịch tôn giáo và ý thức hệ, vừa là nhà cai trị đất nước trong chiến tranh và  hoà bình. Demarest và vài người khác mô tả những trung tâm của người Maya như là những “tiểu bang nhà hát”  trong đó vị kuhul ajaw điều khiển nghi thức của cộng đồng để tạo ý nghĩa siêu hình cho các chuyển động của bầu trời, thay đổi lịch pháp, và sự kế tục của vương triều.

Đằng sau lớp áo lễ nghi, các thành phố Maya hoạt động như các quốc gia, liên minh, gây chiến, buôn bán trao đổi hàng hóa trên một vùng lãnh thổ  trải rộng từ nơi mà ngày nay là miền nam Mexico, qua Petén đến miền duyên hải Caribbe thuộc Honduras. Những con đường mòn vẹt, những lề đường trát vữa đan chéo nhau trong rừng, xuồng chằng chịt trên các con sông. Nhưng cho tới khi Lửa Sinh Ra đến, người Maya vẫn duy trì những manh mún chính trị, các thành-bang vẫn giải quyết các vấn đề riêng của họ ở trong rừng.

Vào năm 378, Waka là 1 trung tâm có uy tín, gồm 4 quảng trường chính, hàng trăm toà nhà, đền cao tới 90m, những điện tế phủ lớp vữa sơn phết màu mè, và những sân trong trông duyên dáng nhờ có các bệ thờ bằng đá vôi chạm khắc. Một thế lực về mậu dịch, chiếm vị trí chiến lược trên sông San Pedro, con sông chảy về hướng tây từ trung tâm Petén. Các ngôi chợ đầy ắp thực phẩm của Maya như bắp, đậu, ớt, lê, cùng với nhựa cây xapôchê để làm keo, và mủ cây cao su để làm quả bóng tròn trong các trò chơi khi hành lễ. Hàng ngoại nhập cũng tìm đường đến Waka. Cẩm thạch  dùng làm đồ điêu khắc, trang sức, lông chim dùng trong trang phục từ các vùng núi đi xuống miền nam, đá vỏ chai  dùng làm vũ khí, đá pyrite làm gương soi từ bình nguyên Mexico đi sang phía tây, lãnh địa của Teotihuacan.

Một đại đô thị trải dài có hơn 100.000 dân_ có lẽ là thành phố lớn nhất thế giới vào thời đó_ Teotihuacan không để lại ghi chép nào cho người ta giải mã. Nhưng động cơ trong việc phái Lửa Sinh Ra đến lãnh thổ của người Maya khá rõ ràng. Lửa Sinh Ra ngồi trên mũi đất dõi mắt nhìn phụ lưu của sông San Pedro, nơi có cảng được canh phòng, thích hợp cho xuồng lớn neo đậu. Nhà khảo cổ David Freidel thuộc đại học Giáo lý Nam, ghi nhận rằng, “ Đó là một khu vực luyện quân hoàn hảo, dành cho các hoạt động quân sự.” Điều này có lẽ cũng là chủ ý của Lửa Sinh Ra.

Waka hình như là điểm chiến lược cho các cuộc hành binh : để đưa toàn bộ trung tâm Petén vào quỹ đạo của Teotihuacan, bằng điều đình nếu có thể, hoặc dùng vũ lực nếu cần. Mục tiêu chính của ông là Tikal, vương quốc nằm cách Waka  80km về phía đông. Tikal là thành bang có ảnh hưởng nhất ở vùng trung tâm Petén. Khống chế được Tikal, các thành phố khác sẽ ngã theo.

Đội quân của Lửa Sinh Ra là đội quân gây sốc nhất. Được huấn luyện để chiến đấu dũng mãnh và trung thành tuyệt đối. Ông cần có viện binh và ông lấy lực lượng này ở Waka. Đổi lại, ông bày tỏ thiện ý với người bảo trợ mình, một lãnh tụ bí ẩn các văn bia ghi  tên là Cú Ném Lao ( Spear-Thrower Owl), có lẽ là ông vua trên miền cao nguyên, mà cũng có thể là lãnh chúa của Teotihuacan.

Thủ lãnh Waka, Báo Mặt Trời ( Sun-faced Jaguar) , hẳn nhiên rất chào đón Lửa Sinh Ra. Dựa vào các chỉ dấu trong văn bản ở Waka và vài nguồn khác, Freidel và đồng giám đốc dự án, Hector Escobedo, và chuyên viên giải mã , Stanley Guenter, cho rằng 2 thủ lĩnh này đã liên kết với nhau bằng cách xây dựng một cung điện lửa làm nơi ngự trị cho ngọn lửa thiêng của Teotihuacan.

Có sự hỗ trợ tinh thần này, Lửa Sinh Ra yên tâm củng cố quân đội. Lực lượng viễn chinh của ông mang theo máy phóng lao và bắn đá theo mẫu của Teotihuacan và mặc giáp bằng đá pyrite sáng lấp lánh, chắc để làm loá mắt quân địch khi quân sĩ vừa chạy vòng quanh vừa phóng lao ra. Ngày nay , các chiến binh ở Petén, vũ trang rìu đá và dao ngắn, mang đầy tước hiệu bên mình. Để làm áo giáp, nhiều người mặc áo vải bông đính hạt muối. 1.100 năm sau, quân chinh phạt Tây ban nha lột bỏ áo giáp sắt trong rừng mưa vì mê thích áo khoác của người Maya.

Những cuộc viễn chinh hầu như đều nhắm đến Tikal, bằng thuyền chiến, đi về phía đông, ngược dòng San Pedro. Đến đầu nguồn, quân đổ bộ rồi hành binh hoặc dọc bờ sông hoặc men theo các hẽm vực.

Lực lượng đồn trú có lẽ đóng dọc đường đi. Tin tức về đội quân này chắc phải bay đến Tikal. Ở đâu đó dọc bờ sông hoặc trên đường, hay một hẻm núi nào đó cách thành phố 25km, quân của Tikal cố chận đứng đà tiến quân của Lửa Sinh Ra. Các văn bia dựng ở Tikal ghi nhận rằng quân phòng vệ đã lên đường. Lực lượng của Lửa Sinh Ra tiếp tục tiến quân vào thành phố. Ngày 16, tháng giêng năm 378,_ chỉ một tuần sau khi đến Waka _ quân chinh phục đã ở Tikal.

Ngày tháng nói trên được ghi lại trong tấm bia đá số 31 rất nổi tiếng ở Tikal, tấm bia đã tiết lộ rất sớm tầm quan trọng của Lửa Sinh Ra khi David Stuart thuộc đại học Texas giải mã nó vào năm 2000. Đoạn thứ hai trong tấm bia ghi lại những gì đã xẩy ra khi thành phố thất thủ : vua Tikal, Vuốt Báo Vĩ đại ( Great Jaguar Paw), chết ngay trong ngày hôm ấy, ắt hẳn dưới bàn tay của kẻ chiến thắng.

Lửa Sinh Ra xuất hiện , buông rơi tấm mặt nạ của một nhà ngoại giao  thiện chí. Lực lượng của ông tàn phá gần hết những đền đài ở Tikal _ những tấm bia do  14 đời thủ lĩnh đặt ở đó. Một kỷ nguyên mới đã bắt đầu, và những đền đài xây dựng về sau chỉ vinh danh kẻ chiến thắng. Tấm bia số 31, dựng rất lâu sau cuộc chinh phạt này, mô tả Lửa Sinh Ra như là Ochkin Kaloomte, Lãnh chúa miền Tây, chắc là ám chỉ gốc gác của ông ở Teotihuacan. Có vài chuyên viên Maya đưa ra ý kiến khác : Lửa Sinh Ra đại diện cho một thành phần trôi dạt về phía tây _ đến Teotihuacan_ sau cuộc đảo chánh do cha của Vuốt Báo Vĩ đại cầm đầu nhiều năm trước và bây giờ quay về nắm quyền.

Có một điều rõ ràng là Lửa Sinh Ra phải mất một thời gian để ổn định Tikal và vùng phụ cận. 1 năm sau khi đến, các đền đài ở Tikal đã ghi nhận rằng ông chủ tọa buổi lễ lên ngôi của  nhà vua mới, người ngoại quốc. Các văn bia xác nhận ông là con trai của Cú Ném  Lao, người bảo trợ cho Lửa Sinh Ra ở Teotihuacan. Theo bia số 31, nhà vua mới ít hơn 20 tuổi, do vậy chắc là Lửa Sinh Ra là người nhiếp chính của Tikal. Ông nghiễm nhiên là lãnh chúa không chính thức của thành phố này.

Trong những năm sau đó, Tikal tiếp tục các cuộc tấn công, mở rộng tầm ảnh hưởng ra ngoài phạm vi lãnh thổ của Maya. Lửa Sinh Ra lại là thủ lĩnh tinh thần cuộc chiến chinh này, hay ít nhất cũng là người khởi xướng . Những điều ám chỉ về ông được xác minh ở mãi tận những nơi xa xôi như Palenque, 240km về hướng tây bắc. Nhưng bằng chứng quan trọng nhất về đế quốc do ông thiết lập đến từ Uaxactún, chỉ cách Tikal 20km. 1 bức tranh tường ở đây diễn tả cảnh một quý tộc Maya bày tỏ lòng kính trọng với một chiến binh mang biểu trưng Teotihuacan _ có lẽ là một trong các quân sĩ của Lửa Sinh Ra. Có  tấm bia  mô tả một chiến binh tương tự canh giữ lăng mộ , trong đó các nhà khảo cổ đã tìm ra di cốt 2 phụ nữ, một người đang có thai, một trẻ em và một hài nhi. Freidel và các người khác kết luận rằng đó là di hài của gia đình hoàng tộc Uaxactún, bị quân Tikal tàn sát. Người ta phỏng đoán là nhà vua đã bị  bắt đến Tikal và hy sinh ở đó.

Nhiều thập kỷ sau khi Lửa Sinh Ra đến Tikal và rất lâu sau khi ông mất, các thủ lĩnh hiếu chiến ở Tikal vẫn còn cầu khẩn đến ông và quốc gia bảo trợ của ông, Teotihuacan. Năm 426, Tikal chiếm Copán, 270km về phía nam của nơi hiện nay là Honduras, và đưa lên ngai vàng nhà vua riêng của họ, Kinik Yax Kuk Mo, người đã lập ra một vương triều mới. Một bức chân dung thực hiện sau khi ông chết cho thấy ông mặc y phục tiêu biểu của miền trung bộ Mexico _ ám chỉ Teotihuacan_ và cũng như Lửa Sinh Ra, ông mang tước hiệu Lãnh chúa miền Tây.

Cũng có chuyên gia Maya tin rằng Tikal là quốc gia chư hầu của Teotihuacan, mở rộng lãnh thổ của mình xuống đến các vùng đất thấp của Maya, và Lửa Sinh Ra đóng vai trò  thống đốc quân sự. Có người lại xem nhẹ vai trò nhà chinh phục của ông và coi ông như chất xúc tác để kích thích Tikal mở rộng thế lực và tầm ảnh hưởng.

Số phận của ông còn là điều bí ẩn. Không có ghi chép nào về cái chết của ông, không có bằng chứng nào cho thấy ông đã cai trị vương quốc Maya. Nhưng thanh danh ông vẫn tiếp tục tồn tại. Bia đá ở Tikal ghi nhận việc ông xuất hiện chỉ được dựng mãi một thế hệ sau đó, cho thấy rằng chuyến viếng thăm trước đó rất lâu của Lửa Sinh Ra vĩ đại còn là vấn đề thể diện quốc gia.

Sau thời ông người Maya không bao giờ giống như thế nữa. Các thủ lĩnh sau đó đã biến Maya thành một siêu thế lực như Nikolai Grube và Simon Martin thuộc đại học Pennsyvania mô tả. Trong cả 2 lãnh vực tôn giáo và nghệ thuật, Maya cổ điển bắt đầu đi theo phong cách ngoại lai, thêm thắt tính phức tạp và loè loẹt vào nền văn hóa vốn đã quá hoa mỹ rồi.

Chẳng bao lâu sau, sự phát triển về chính trị đã nuôi dưỡng cho văn hoá nở hoa. Vào thế kỷ thứ 6, các lãnh chúa kan (rắn) ở Calakmul,  thành phố nằm ngay trên phía bắc Petén, bắt đầu bành trướng. Vào lúc Calakmul khởi sự thách thức Tikal, 2 đối thủ này đã xâu xé thế giới Maya. Cũng giống như cuộc chiến tranh lạnh trong thế kỷ 20, cuộc đối đầu này đã thúc đẩy được nhiều thành tựu, nhưng nó cũng gieo mầm cho sự căng thẳng và xung đột. Nhưng khác với cuộc chiến tranh của chúng ta, cuộc chiến tranh lạnh của người Maya đã kết thúc trong thảm họa.

 

SỤP ĐỔ

NHỮNG ĐỐI THỦ TIỀN ĐỊNH

 

Cuộc chiến bùng nổ vượt ngoài tầm kiểm soát cộng thêm những căng thẳng khác _ nạn nhân mãn, môi trường bị huỷ hoại, hạn hán và thói ngông cuồng_ đã đẩy nền văn minh Maya cổ vào chỗ diệt vong.

Một ngày vào năm 800, thành phố Cancuén yên bình của người Maya gặt phải cơn bão. Vua Kan Maxx chắc chắn phải biết rằng bất trắc đang đến vì ông cố xây dựng những công sự tạm thời ở các lối vào toà cung điện 200 phòng . Ông đã không kết thúc đúng thời gian. Những kẻ tấn công nhanh chóng tràn ngập ngoại ô thành phố, ào ạt tiến vào trung tâm hành lễ Cancuén. Tốc độ tấn công  nhanh như chớp giật. Các công trình xây dựng còn nằm ngổn ngang. Những đền đài bằng đá chạm khắc dang dở lăn lóc trên đường. Những chai lọ, chén bát rải rác trong bếp cung điện.

Bọn xâm lăng bắt đi 31 con tin. Đồ trang sức tìm thấy trên hài cốt cho thấy họ là giới quý tộc, có lẽ là thành viên trong gia đình Kam Maxx, hoặc khách của hoàng gia. Những người bị bắt gồm đàn bà và trẻ em, có 2 người đang mang thai.

Tất cả bị đưa đến sân trong của cung điện và bị hành quyết có hệ thống. Bọn giết người sử dụng giáo và rìu, đâm hoặc chặt đầu nạn nhân. Chúng bỏ xác trong bể nước của cung điện. Bể dài 9m, sâu 3m, có những đường vạch bằng vữa màu đỏ và lấy nước từ một con suối ngầm dưới đất. Những xác này cùng với đề tế lễ và trang sức quý giá, nằm lọt khít trong đó. Kan Maxx và hoàng hậu cũng không được dung thứ. Họ được chôn cách đó khoảng 100m trong 2 bệ dưới chân cung điện . Nhà vua vẫn còn mặc trang phục hành lễ rất chải chuốt, mang chuỗi ngọc trai xác nhận ông là đức thánh chúa của Cancuén.

Không ai biết kẻ giết người là ai và chúng tìm gì. Của cướp được rõ ràng không làm chúng quan tâm. Khoảng 3.600 mảnh ngọc thạch, có cả một số khối lớn, bị bỏ lại, những đồ gia dụng trong cung điện và đồ gốm trong gian bếp khổng lồ của Cancuén còn nguyên vẹn. Nhưng đối với các nhà khảo cổ đã đào bới di tích này suốt nhiều năm qua, thông điệp của kẻ xâm lăng là rất rõ ràng. Arthur Demarest cho biết, bằng cách bỏ xác trong bể nước, chúng đã làm ô nhiễm giếng ăn. Chúng cũng băm nát những bộ mặt trên các hình khắc, và xô đổ xuống, cho mặt úp lại, “ Địa điểm này đã bị giết theo đúng nghi thức.”

Cancuén là một trong những quân cờ domino cuối cùng ngã xuống trong thung lũng sông Pasión, một phần của Maya cổ , nơi hiện nay là Guatemala. Nhiều thành phố khác cũng cũng gặp phải kết cuộc tương tự, và trên toàn vùng đất thấp  ở Trung Mỹ, việc sụp đổ của Maya cổ là quá rõ ràng. Nền văn minh thống trị vùng đất này hơn 500 năm đang rơi vào cuộc suy thoái kéo dài không cưỡng lại được nữa.

Trong khi chiến cuộc đang xóa sạch một số thành –bang đang run lên vì sợ, thì một số khác tàn tạ dần đi. Các đức thánh chúa, kuhul ajaw, những người tôn vinh sự nghiệp của mình trong các tranh tường, tượng điêu khắc, và kiến trúc không còn thực hiện những công trình mới nữa. Chữ tượng hình trở nên hiếm, và ngày tháng trong tất cả lịch vạn niên ( Long Count calendar) biến mất trong các đền đài. Dân số suy giảm trầm trọng. Giới quý tộc bỏ hoang phế cung điện và bọn chuyên đi chiếm đất ùa vào, nấu ăn ngay trong cung vua, dựng chái bên những bức tường đổ. Và khi bọn này rời đi, rừng chiếm nốt những gì còn lại.

Đâu đó trong vùng trũng Petén thuộc Guatemala và phía nam Mexico, sự sụp đổ còn kéo dài hơn. Ngay cả khi Cacuén suy tàn, các thủ lĩnh của thành bang Tikal hùng mạnh còn đang xây dựng những đền đài tế lễ. Nhưng 30 năm sau, dân số Tikal cũng bắt đầu suy giảm nghiêm trọng như vậy. Ngôi đền cuối cùng được  ghi chép vào năm 867. Đến năm 1.000, Maya cổ chấm dứt sự hiện diện của mình.

Câu hỏi vẫn làm mê hoặc giới nghiên cứu và dư luận  từ khi các tay thám hiểm khám phá ra “những thành phố mất tích” ở Petén là : làm thế nào mà một trong những nền văn minh vĩ đại nhất của thế giới cổ lại biến mất một cách đơn giản như vậy ?

Các nghiên cứu ban đầu tập trung vào những thảm họa đột ngột : núi lửa, động đất hay cuồng phong dữ dội. Hay có lẽ, trận dịch bệnh bí ẩn nào đó mà ngày nay không còn dấu vết_ chẳng hạn như bệnh dịch than ở châu Âu thời trung cổ, hay bệnh đậu mùa đã quét sạch dân châu Mỹ bản xứ vào đầu thời thuộc địa. Tất nhiên, các nhà nghiên cứu hiện nay đều bác bỏ các giả thuyết này, vì sự suy vong kéo dài ít nhất cũng hơn 200 năm. M. Rice thuộc đại học Illinois bảo, “ không có một lý do nào được mọi người cùng đồng ý”.

Thay vì vậy, các nhà nghiên cứu thử kết hợp nhiều thảm họa trong nhiều vùng khác nhau của thế giới Maya, bao gồm cả nạn nhân mãn , sự huỷ hoại môi trường, thiếu ăn và hạn hán. Rice bảo, “ Rồi bạn sẽ không còn nghĩ rằng bất cứ điều gì cũng có thể là thảm họa.”

Họ tập trung vào  sự kiện duy nhất đã xảy ra khắp mọi nơi trong suốt thời suy vong kéo dài “ Các nguồn tài nguyên trở nên hiếm hoi, các kuhul ajaw mất đi vầng hào quang thần thánh, mà có nó, thần dân mới tin tưởng, cả quý tộc lẫn thường dân.Sự mất ổn định và tình cảnh khốn cùng đã làm mồi lửa cho các cuộc chiến tranh huỷ diệt. Kẻ chiến thắng dành vinh quang trong những buổi tế lễ, còn kẻ bị bắt thì làm nô lệ, những sự việc như thế đã giết chết Cancuén. Simon Martin thuộc đại học Pennsyvania bảo, “ Hệ thống đã gãy đổ, và vượt ra ngoài tầm kiểm soát.”

Trong hơn một thiên niên kỷ người Maya đã giao phó niềm tin tôn giáo và hạnh phúc trần thế của họ cho các đức thánh chúa. Các thủ lĩnh này đã hiển lộ sự uy nghiêm cao cả của họ trong những lễ nghi hào nhoáng và phô trương, trong nghệ thuật và kiến trúc đầy tính xa xỉ, và trong các bản văn khắc trên đá, tranh tường, đồ gốm, nói về những thành tựu của họ.

Cả hệ thống trở nên giàu có- trên thực tế, sự quá độ của nó đã tạo ra những thành tựu nghệ thuật và khẳng định Maya như một trong nền văn minh lớn của thế giới cổ đại_ chừng nào miền đất này còn thoả mãn được những nhu cầu cơ bản của con người. Lúc đầu, việc này khá là dễ dàng vì các tài nguyên còn phong phú, nhưng theo thời gian , dân số gia tăng, lớp quý tộc bành trướng ra, và sự đối địch giữa các thành bang làm căng thẳng thêm những giới hạn của môi trường.

Ngày nay, Petén, về mặt địa lý là tỉnh lớn nhất của Guatemala, dân số 367.000 người, sống trong những thị trấn biệt lập nằm rải rác trong một cánh rừng bao la. Theo vài ước lượng, vào thế kỷ thứ 8, có 10 triệu dân sống trong các vùng đất thấp. Toàn cảnh như một công trường chen chúc những nông trại , vườn tược , làng mạc, liên kết nhau nhờ  mạng lưới những đường mòn, những con lộ có lề đường nối liền những thành-bang toàn những đền đài.

Người nông dân Maya được đào tạo chu đáo về kỹ thuật khai thác tối đa tài nguyên của đất. Nhưng lúc đầu vào thế kỷ thứ 9, như các nghiên cứu về trầm tích ở đáy hồ cho thấy, một loạt những trận hạn hán kéo dài đã đánh quỵ người Maya, đặc biệt nghiêm trọng ở những thành phố như Tikal, nơi người dân vốn lệ thuộc vào nước mưa, cả nước sinh hoạt lẫn nước tưới cho đồng ruộng. Các cảng sông như Cancuén có thể tránh được nạn thiếu nước, nhưng trên hầu hết những vùng khác của người Maya, các trầm tích ở đáy hồ cho thấy các lớp đất bị bào mòn, bằng chứng của việc phá rừng và tận dụng  đất đai quá mức.

Khi hạn xấu đến, các kuhul ajaw chẳng giúp gì được cho dân mình. Việc độc canh_ trồng một loại lương thực chủ yếu có thể tích trữ cho những lúc khó khăn hay để buôn bán, không thể duy trì ở miền rừng mưa. Thay vì thế, mỗi thành bang sản xuất nhiều loại lương thực khác nhau, mỗi loại một ít như bắp, đậu, bí, ca cao. Lúc đầu thì cũng đủ nuôi sống vương quốc, nhưng để dành thì chẳng được bao nhiêu.

Trong khi đó, xã hội Maya đang phát triển quá mức và trở nên nguy hiểm. Chế độ đa thê và hôn nhân đồng tộc giữa các thành viên hoàng gia đã làm giai cấp cai trị trương phình ra. Các lãnh chúa đòi hỏi ngọc thạch, vỏ sò, lông chim đuôi seo , gốm có hoa văn, đồ dùng tế lễ xa xỉ, để xác định vị thế của họ trong xã hội Maya. Ông vua nào không đáp ứng được những đòi hỏi của họ hàng sẽ bị xa lánh.

Sự thù địch truyền kiếp giữa các quốc gia chỉ làm vấn đề thêm trầm trọng. Các kuhul ajaw cố gắng vượt lên các láng giềng, xây đền lớn hơn, cung điện đẹp hơn, tổ chức đám rước lộng lẫy hơn. Tất cả đều đòi hỏi phải có thêm lao động, rồi việc này lại yêu cầu có thêm dân, và có lẽ, phải gây thêm chiến tranh để bòn rút tiền thuế ở kẻ bại trận. Sưu cao thuế nặng, hệ thống chính trị Maya bắt đầu rạn nứt.

Kẻ thù lớn nhất đã giúp đưa Maya lên tới đỉnh cao, và rồi xé nát họ ra. Bắt đầu vào thế kỷ thứ 5, thành bang Tikal, có lẽ được Teotihuacan trên cao nguyên Mexico ủng hộ, bành trướng ảnh hưởng của mình, giành được các đồng minh và các nước chư hầu ở về phía nam băng qua thung lũng sông Pasión tới Copán, nơi hiện nay là Honduras. Một thế kỷ sau, lại một đối thủ nổi lên : thành bang phía bắc Calakmul, nơi hiện nay là vùng đất thấp Campeche thuộc Mexico, giả dạng là đồng minh của các thành bang trong khắp Petén, phía bắc đến Yucatán, phía đông đến nơi hiện nay là Belize. 2 đồng minh hùng mạnh này đối đầu nhau trong thế thù địch trong hơn 130 năm.

Thời kỳ này đánh dấu giai đoạn vàng son của nền văn minh Maya cổ. Các kuhul ajaw nở rộ trong 2 đồng minh này, cạnh tranh nhau  về nghệ thuật , đền đài và cả trong những cuộc chiến tranh nhỏ nhưng thường xuyên. Calakmul đánh bại Tikal trong 1 trận đánh quan trọng vào năm 562, nhưng không hủy diệt thành phố này và dân trong đó. Sau cùng thì Tikal nổi lên trở lại và đánh bại Calakmul, tiếp sau đó đã xây dựng  nhiều ngôi đền độc đáo.

Simon Martin và Nikolai Grube thuộc đại học Bonn đã so sánh 2 kình địch Tikal-Calakmul với cuộc đấu tranh giữa các siêu cường trong thế kỷ 20, khi Mỹ và Liên Xô cạnh tranh nhau trong các lãnh vực từ vũ khí cho tới không gian. Trong tình hình không bên nào giành được thế thượng phong, có thể cho rằng cuộc Chiến Tranh Lạnh đã mang lại sự ổn định, đó cũng là sự cân bằng trong thế giới Maya. Nhà khảo cổ Guatemala, Héctor Escobedo, bảo là, “Tình trạng đối đầu này gây ra tàn phá nhưng có mức độ và đó cũng là sự cân bằng.”

Nhưng chuyện đó kéo dài không lâu. Martin cho rằng, bản chất sự cân bằng này không ổn định, giống như sự cạnh tranh giữa các thành bang ở Hy Lạp cổ hoặc thế đối đầu căng thẳng giữa 2 miền nam bắc nước Mỹ đã dẫn đến cuộc nội chiến. Hoặc cũng có thể, môi trường quá căng thẳng đã ảnh hưởng tới các thế lực Maya kiêu hãnh, đẩy các đối thủ đến tình thế tuyệt vọng. Dù bằng cách nào đi nữa, manh mối bắt đầu từ một lực lượng nhỏ đóng ở Dos Pilas, hạ lưu sông Pasión thuộc Cancuén.

Vào năm 630, Tikal,  cố xác định lại sự hiện diện của mình dọc trục thương mại sông Pasión đã bị Calakmul khống chế, bằng cách mở rộng 1 tiền đồn gần 2 dòng suối lớn_ pilas, theo tiếng Tây ban nha. Dos Pilas không trồng trọt được gì, không bán buôn được gì. Các nhà nghiên cứu gọi nó là “ quái vật ăn thịt”, ngụ ý là nó lệ thuộc vào đồ cống nạp của các vùng chung quanh. Đối với Dos Pilas, chiến tranh không chỉ là nghi thức tôn vinh các ông vua mà còn để giải khuây cho các thần linh. Chiến tranh là những gì mà Dos Pilas thực hiện để tồn tại.

Lịch sử đầy bạo lực và tráo trở của vương quốc này bắt đầu khi Tikal đưa một trong những ông hoàng của họ, Balaj Chan Kawii, lên làm thủ lĩnh Dos Pilas vào năm 635.  Đội quân nhỏ cùng một kinh đô giả tạo cho ông hoàng trẻ, dùng các mặt tiền chạm khắc để che dấu cấu trúc sơ sài và lỏng lẻo. Năm 658, Calakmul tràn ngập Dos Pilas và đày Balaj Chan Kawii đi biệt xứ.

Chúng ta biết được chương kế của bi kịch này nhờ  trận cuồng phong lật nhào một cây cổ thụ ở Dos Pilas vào 6 năm trước, để lộ ra  cầu thang chạm khắc bị rễ cây che khuất. Văn bản khắc trên cầu thang tiết lộ rằng Balaj Chan Kawii đã trở về sau 2 năm bị lưu đày_ nhưng với tư cách là người đại diện của Calakmul. Ông vua phản bội của Dos Pilas này đã giúp Calakmul củng cố tầm ảnh hưởng trên thung lũng Pasión suốt 2 thập kỷ sau đó. Rồi Calakmul loan đi những tin gở. Các thủ lĩnh của Calakmul hạ lệnh cho Balaj Chan Kawii gây chiến với anh (em) mình ở ngay Tikal.

Năm 679, ông tấn công thành phố quê hương mình. Văn bản trên cầu thang ghi lại, “ Núi xương chồng chất và sông máu chảy tràn”. Balaj Chan Kawii thắng trận và anh ông ta chết ở trận tiền. Chiến thắng đưa Calakmul đến cực thịnh và biến Dos Pilas thành lãnh chúa miền Petexpatún, ở tây nam Petén.

Tikal hồi sinh, xây dựng lại, và chưa đầy 20 năm sau, tấn công và đánh bại Calakmul. Các điêu khắc ở vệ thành trung tâm Tikal miêu tả một quý tộc Calakmul đang sắp bị hành hình. Đó là  thất bại mà Calakmul không bao giờ hồi phục lại được, còn chính Tikal cũng không còn như xưa nữa. Robert Sharer thuộc đại học Pennsyvania bảo, “ cho dù sau cùng Tikal thắng trận, nó không bao giờ kiểm soát tình hình được hoàn toàn.”

Còn chuyện gì xảy ra sau đó không có gì là rõ ràng. Thế lực của Calakmul đã tan vỡ, song các đồng minh của nó, gồm cả Dos Pilas tiếp tục chiến đấu với Tikal nhân danh Calakmul. Dos Pilas củng cố quyền lãnh đạo của mình trong vùng Petexbatún qua các đồng minh và chiến tranh. Các thủ lĩnh tiếp tục xây dựng đền đài mới và một kinh đô thứ hai.

Nhưng vào năm 761, vận may của Dos Pilas đã hết. Các đồng minh và chư hầu cũ đã chinh phục được nó và tống thủ lĩnh của Dos Pilas đi đày biệt xứ. Dos Pilas không còn ổn định nữa, và khi xóa sạch nó đi, thế giới Maya đã vạch ra con đường phân chia. Thay vì thiết lập lại trật tự, các cuộc chiến chỉ làm mất ổn định hơn; thay cho việc  thủ lĩnh là kẻ chiến thắng trong  trận quyết chiến, thì mỗi cuộc xung đột chỉ tạo ra một kẻ chiến thắng nhất thời. Chiến thắng, thay vì là niềm cảm hứng để xây dựng những đền đài cung điện mới, thì chỉ là những gì tạm bợ và chẳng đáng lưu tâm. Thất bại làm những con người tuyệt vọng phá nát hết đền tế, dùng đất đá xây lại những tiền đồn nhỏ để mong ngăn chận được bọn xâm lược trong tương lai. Đơn giản là họ đã ngừng tồn tại.

Các đất nước nhỏ cố gắng tự bảo vệ mình trong cơn hỗn loạn càng lúc càng lan rộng, nhưng không nước nào làm được gì nữa. Thay vì thế, các nước lâm chiến chỉ đi tìm mối lợi nhất thời trong một vùng đất mà tài nguyên ngày càng cạn kiệt. Những người dân bình thường có lẽ đã lẩn trốn, phiêu dạt, và chết đi.

Trong một thời gian, những quý tộc trôi nổi chắc cũng tìm được chốn nương thân ở Cancuén,  cảng yên bình ở đầu nguồn sông Pasión. Mặc cho các thành phố ở hạ lưu chìm ngập trong hỗn loạn, Cancuén vẫn sung túc nhờ buôn bán những món xa xỉ, và cung cấp chỗ trọ lộng lẫy cho đám khách kiêu sa. Kiến trúc sư của thời vàng son này là nhà vua Taj Chan Ahk, lên nắm quyền vào năm 757 lúc 15 tuổi. Cancuén có lịch sử dài là điểm giao thương chiến lược nhưng Taj Chan Ahk đã biến thành phố này thành  trung tâm hành lễ tuyệt diệu. Trái tim của nó là  cung điện  hoàng gia có 3 tầng, rộng 25.000m2, trần có mái vòm, 11 sân trong, làm bằng đá vôi rất cứng và trang nhã, nằm trên mũi đất dọc bờ sông. Đó là  sân khấu hoàn hảo dành cho vị thần vương Maya, và Taj Chan Ahk là chúa tể của vở diễn này, cho dù nó đang hấp hối ở  nơi khác.

Không có bằng chứng nào cho thấy Taj Chan Ahk đã phát động  cuộc chiến tranh hay là chiến thắng trong  trận đánh nào. Thay vào đó, ông đã thống trị miền thượng lưu sông Pasión trong gần 40 năm bằng cách tận dụng thể chế bảo trợ và các đồng minh. Một đài thờ ở Cancuén năm 790 diễn tả ông đang tham dự trò chơi banh nghi lễ với một quý tộc vô danh, có lẽ để kỷ niệm  hiệp ước nào đó hay đón mừng  vị quốc khách.

Taj Chan Ahk chết năm 790, lên kế vị là con trai ông, Kan Maxx, tôn vinh cha mình bằng cách mở rộng cung điện. Nhưng hào nhoáng và hình thức là cái bẫy xưa cũ của các vương triều, đã không còn gắn kết vũ trụ Maya được nữa. Trong vòng 5 năm, những hỗn loạn đã lan tới cổng thành. Trong một ngày kinh hoàng, vinh quang của nó đã lịm dần đi, thêm một ánh sáng nữa đã tàn trong thế giới Maya cổ. ۩

 

28.5.2010 NTH

 

 

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết