Địa danh và thắng tích ở Khánh Hòa - Kỳ 1/6

1. Thành Hồ

Nhắc đến thành Hồ, bỗng nhớ lại câu thơ sau:

“Chàng về Hồ, thiếp cũng về Hồ,

Chàng về Hồ Hán, thiếp về Hồ Tây.”

Là đề từ cho một truyện kiếm hiệp (không nhớ truyện gì), đăng trên một tạp chí gì đó (quên tên rồi), đọc lúc còn nhỏ ở Nhatrang.

Bây giờ về già, lại đi tìm gốc tích của thành Hồ. Quả là chuyện đời”đi năm phút, lại về chốn cũ”.

Không có một tài liệu nào khảo tả chi tiết Thành Hồ ở Nhatrang nên đành mượn Thành Hồ ở Phú Yên để hình dung.

Đại Nam Nhất thống chí chép về thành Hồ Phú Yên hay thành cổ An Nghiệp như sau:

“Thành cổ An Nghiệp ở phía bắc sông Đà Diễn, xã An Nghiệp, huyện Tuy Hòa, tương truyền do người Chiêm Thành xây tục gọi thành Hồ. Năm 1578 quận công Lương Văn Chánh đánh lấy được thành, nay vẫn còn nền cũ.”

Nhà khảo cổ Ngô Văn Doanh khi đến đây vào năm 1980, mô tả cụ thể:

“Thành Hồ có bình đồ gần chữ nhật, tường thành phía nam chạy dọc theo bờ bắc sông Đà Rằng dài 824m, tường phía tây 940m, tường phía đông 732m. Trong thành còn có bức tường thứ năm chạy theo hướng bắc nam, song song và cách tường phía nam 700m, chia khu thành thành 2 khu đông và tây. Song song về phía ngoài bức tường phía tây là bức tường thứ sáu, xây ngay trên sườn núi, dài 360m. Ngoài 4 chòi canh ở 4 góc, tại tường thành phía đông còn 1 chòi canh thứ năm. Chòi canh có bình đồ vuông, mỗi cạnh dài 11m, cao hơn mặt thành 3m. Mặt tường thành rộng khoảng 7m. Tất cà tường thành và chòi canh đều bằng đất, ốp mặt ngoài và trong bằng tường gạch dày 1,5m. Thành có 8 cổng. Trong và ngoài thành có hào nước và 3 hồ lớn”.

(NVD, Thành cổ Chămpa, 2011)

Tác giả Nguyễn Đình Tư, trong Non nước Phú Yên (1965), ghi như sau về thành Hồ ở Phú Yên:

“Vì trong thành có hồ sen lớn nên gọi thành Hồ, Toà thành nằm trên tỉnh lộ 7, ở cây số 13, trong làng An Nghiệp, xã Hòa Định. Thành ngoại hình chữ nhật, chiều Đông Tây khoảng gần 1km, chiều Bắc Nam khoảng 1,5km. Thành dựa lưng vào núi, phía Tây là sông Đà Rằng. Bờ thành có chân rộng 30m, cao 6-7m, mặt thành rộng 1-1,5m. Trên mặt thành, tại bốn góc và cứ cách khoảng hai đến ba trăm mét, thành lại được xây cao lên như pháo đài, có lẽ là chòi canh. Theo các cụ già, xưa các cụ còn lên chạy chơi trên đường thành ấy, các cụ kể rằng, mỗi phía thành có mở 2 cửa ra vào, gọi là cửa sinh và cửa tử, cửa tử để cho địch vào. Khi Lương Văn Chánh đánh thành Hồ, tướng Cao Cát vào thành bằng cửa tử nên đã tử trận.

Thành nội cách thành ngoại 150m, không có đường rãnh và pháo đài. Mỗi mặt thành cũng có cửa sinh và cửa tử. Giữa thành có hồ hình bán nguyệt.

Thành nội và ngoại đã bị đổ xuống sông. Khi đắp đập Đồng Cam (1924-1929), người Pháp đã cho đào mương chảy qua thành Hồ.”

Một đoạn tường Thành Hồ Phú Yên

 

Sơ đồ thành Hồ Phú Yên

Cũng NĐT, trong Non Nước Khánh Hòa, ghi về thành Hồ ở Nhatrang như sau:

“Vùng núi quận Ninh Hoà, các xã Ninh Hưng, Ninh Hà, Ninh Lộc, có hòn Giáp Thơ (còn gọi là núi Đá Vách hay gò Thạch Lũy). Xưa người Chiêm thấy nơi này hiểm trở nên đắp lũy phòng vệ nên gọi Thạch Lũy. Dấu tích thành vẫn còn, thành toàn bằng đá, xếp có thứ lớp, dưới chân thành có hồ nước trong và sâu, quanh hồ cũng xếp đá thành bờ. Tại núi này có đèo Rọ Tượng, là ranh giới 2 quận Vĩnh Xương và Ninh Hòa.”

(Đèo Rọ Tượng có tên khác là đèo Ruột Tượng, NĐT giải thích vì xưa trên núi này có nhiều voi, dân đặt rọ để bắt nên thành tên. Gọi Ruột Tượng vì khúc giữa đèo rộng ra như cái ruột tượng).

Theo tác giả NĐT thì vì trong thành có hồ nước nên gọi thành Hồ.

Tg Ngô Văn Doanh, trong Thành cổ Chămpa (2011), có chép lại về thành Hồ ở Phú Yên như NĐT, đồng thời cũng có đến khảo sát thực địa. Riêng thành Hồ ở Nhatrang, NĐT chỉ ghi sơ sài như trên, NVD thì không nhắc đến.

Đại nam nhất thống chí chép như sau:

“Lũy cũ Chiêm Thành, ở xã Phú Thịnh, huyện Vĩnh Xương có một đoạn lũy Chiêm Thành tục gọi đồn Chiêm. Năm Minh Mệnh thứ 17 san bằng đi, nay vẫn còn dấu vết”.

(Chỉ ở Phú Yên và Khánh Hòa mới có tên là Thành Hồ. Còn thành cổ ở Huế, tục gọi là Thành Lồi (tức thành Khu Túc hay Điển Xung, toà thành được xem là kinh đô đầu tiên của Lâm Ấp, tức Chămpa sau này). Ở Quảng Nam lại gọi là Vệ Thành (tức là thành Trà Kiệu), ở Bình Định là Thành Cha, hay Chà Bàn tức Đồ Bàn.

Tất cả các toà thành kể trên, từ Thành Lồi ở Huế đến Thành Hồ ở Phú yên, đều bằng đất ốp gạch, chỉ riêng Lũy Chiêm ở Nhatrang là bằng đá).

Người Chăm, do đã tiếp xúc với Trung hoa từ sớm, đầu Công nguyên hay sớm hơn, nên chắc phải biết binh pháp Tôn Tử hay trận đồ Khổng Minh, vậy nên xây thành có bố trí cửa sinh, cửa tử. Rốt cuộc rồi thành tan, nước mất. Như số phận thành Gia Định mà Gia Long cho xây, cũng kiểu bát quái tứ tượng gì đấy, chỉ thọ được 45 năm (1790-1835). Khi dẹp loạn Lê Văn Khôi, Minh Mệnh cho phá thành để lấy vật liệu xây thành nhỏ hơn, thành này rồi cũng bị giặc Pháp phá hủy vào năm 1859. Còn thành Diên Khánh, do xây trên nền đồn cũ Hoa Bông, có hình ngũ giác (xem không ảnh do Mỹ chụp năm 1968), chắc hợp với yếu tố ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) nên vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt. (cái này là đoán mò thôi).

Đèo Rọ Tượng (nơi có Lũy Chiêm), ảnh chụp năm 1967-68.

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết