CON TÀU CỦA ÔNG NÔ Ê VÀ THÁNH GIÓNG

CON TÀU CỦA ÔNG NÔ Ê VÀ THÁNH GIÓNG

CON TÀU CỦA ÔNG NÔ Ê

Kinh thánh ghi chép trận Đại hồng thủy xảy ra vì Chúa Trời nhận thấy đạo đức con người suy đồi quá độ nên muốn huỷ diệt chỉ trừ một vài người, như ̀ông Nô ê, được Chúa báo trước, ông đóng một con tàu thật lớn, đưa những người ông chọn lựa cùng các giống vật mỗi loại một cặp đực cái để bảo tồn.

(Đức Chúa Trời nhận ra rằng, loài người càng sinh sôi nhiều thì họ càng phạm tội đến nỗi không thể cứu chữa. Ngài hối hận vì đã tạo ra loài người nên quyết định sẽ hủy diệt tất cả thế giới bằng trận đại hồng thủy. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời thấy ông Nô-ê là người công chính nên không nỡ loại trừ cả ông. Đức Chúa Trời phán truyền cho ông Nô-ê: "Ngươi sẽ làm tàu thế này: chiều dài một trăm năm mươi thước, chiều rộng hai mươi lăm thước, chiều cao mười lăm thước. Ngươi sẽ làm một cái mui che tàu, và đặt mui cách phía trên tàu nửa thước. Cửa tàu, ngươi sẽ đặt ở bên hông; ngươi sẽ làm tầng dưới, tầng giữa rồi tầng trên." (Sáng Thế 6:15-16).

 

Ngoài ra, Đức Chúa Trời cũng hướng dẫn ông Nô-ê cách thức để sinh tồn và bảo tồn giống động thực vật trong tàu: "Trong mọi sinh vật, mọi xác phàm, ngươi sẽ đưa vào tàu mỗi loại một đôi, để giữ cho chúng sống với ngươi; phải có một con đực và một con cái. Trong mỗi loại chim, mỗi loại gia súc, mỗi loại vật bò dưới đất, mỗi loại một đôi sẽ đến với ngươi, để ngươi giữ cho chúng sống. Phần ngươi, hãy lấy mọi thứ ăn được và tích trữ cho mình; đó sẽ là lương thực của ngươi và của chúng." (Sáng thế 6:19-21).

 

 

Sau trận lụt kinh hoàng, nước rút dần khỏi mặt đất thì ông Nô-ê thả một con chim bồ câu bay ra khỏi tàu xem tình hình bên ngoài. Lần thứ nhất, con chim bồ câu không tìm được chỗ đậu chân vì nước chưa rút, nên nó bay về lại tàu. Bảy ngày sau, con bồ câu được thả ra lần nữa, và lần này nó bay trở về, trên mỏ ngậm cành lá ô liu tươi. Ông Nô-ê biết là nước đã giảm xuống, mặt đất đã hòa bình vì Đức Chúa Trời đã thôi cơn thịnh nộ.

 

Đến tháng bảy, ngày mười bảy, chiếc tàu tấp trên núi Ararat (Sáng thế 8:4).

 

 

Người ta cho rằng con tàu chỉ là truyền thuyết cho đến khi một viên đại úy quân đội người Thổ nhĩ Kỳ, Llhan Durupinar, năm 1959, qua không ảnh trong chuyến bay viễn thám, tìm thấy trên đỉnh núi Ararat, cao hơn mực nước biển chừng 2.000m, một hình thù kỳ lạ và về sau, năm 1987 được chính phủ Thổ nhĩ Kỳ xác nhận nó chính là con tàu Nô ê !

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Có phải con tàu của ông Nô ê? Tạp chí Life đăng lại tấm ảnh do Đại úy Durupinar phát hiện.

Năm 1960, tạp chí Life đăng tấm ảnh trên. Và trong năm đó, một toán khảo sát người Mỹ, Archeological Research Foundation,  theo chân Đại úy Durupinar đến địa điểm trong tấm hình. Sau một ngày đào bới, họ không tìm thấy gì và kết luận vật thể lạ chỉ là kiến tạo tự nhiên.

Năm 1977 Ron Wyatt, nhà thám hiểm tài tử người Mỹ, được chính quyền địa phương cho phép, đã khai quật và tìm được trong vật thể hình con thuyền ở núi Ararat gồm: gỗ hóa thạch, phân động vật hóa thạch, lông mèo, và ly kỳ hơn cả là mẫu gỗ dán gồm 3 lớp có keo dán và cả đinh sắt (xem hình ảnh các mẫu vật này ở các trang web dưới đây)

This Is Noah’ s Ark (http://www.arkdiscovery.com/noah%27s_ark.htm)

Con tàu Nô-ê đã tìm thấy và cơn Đại Hồng Thủy trong Kinh Thánh là có Thật (tinconggiao.net)

Liệu có phải con tàu của Noah đã được tìm thấy ở Thổ Nhĩ Kỳ? (trithucvn.org

Ron Wyatt và hình ảnh con tàu Nô ê

 

Chính phủ Thổ nhĩ kỳ và rất nhiều tín đồ Thiên chúa giáo tin là như thế (nhiều khoa học gia Thổ và Trung quốc lập hẳn một đoàn khảo sát, Noah’s Ark Ministries International, chuyên về đề tài này). Và nhà làm phim Yeung Wing-cheung, của đoàn, tuyên bố, “chúng tôi không chắc 100% nhưng có đến 99,9% là nó {tức con tàu Noah} Nhưng các nhà khảo cổ và sử gia tỏ ra hoài nghi. Như Paul Zimansky, chuyên gia về Trung Đông thuộc Đại học Stony Brook, New York nói, “tôi chưa từng biết có chuyến thám hiểm nào đi tìm con tàu, và cũng chẳng tìm ra nó”.

CÁC BẰNG CHỨNG CỦA PHE ỦNG HỘ

  1. Có hình dáng của con tàu: mũi nhọn, đuôi bo tròn
  2. Chiều dài chính xác như mô tả trong Kinh thánh: 160 mét
  3. nó nằm trên ngọn núi ở phía đông Thổ nhĩ kỳ, khớp với Kinh thánh: “ con tàu nằm … trên dãy Ararat”. Sáng thế ký 8.4. Ararat là tên xứ Urartu xưa bao gồm miền đất này.
  4. Có chứa gỗ hóa thạch, phân tích của phòng thí nghiệm đã chứng minh.
  5. Các lỗ mộng có chứa hợp kim sử dụng công nghệ cao; hợp kim nhôm, và titan cho thấy chúng là đồ nhân tạo.
  6. Gỗ ở sườn tàu bao gồm cấu trúc thượng tầng của con tàu. Các thanh xà dọc và ngang cũng thấy ở phần boong tàu.
  7. Cư dân ngôi làng cổ tại vị trí con tàu nằm ở độ cao 2.000 mét, tương ứng với lời Flavius Josephus, sử gia Do Thái, năm 90, “ cư dân vẫn còn thấy tàn tích của nó cho tới ngày nay”.
  8. Tiến sĩ Bill Shea tìm thấy một mảnh gốm cổ, cách con tàu chừng 18m, chạm hình một con chim, một con cá, một người đàn ông cầm búa, đội mũ có tên ‘Noah”. Thời xưa, dân làng làm những món đồ này để bán cho du khách.
  9. Chính phủ Thổ nhĩ kỳ đã công nhận nơi này là Công viên quốc gia và là Bảo vật quốc gia của Thổ nhĩ kỳ.
  10. Chính phủ xây dựng các cơ sở lưu trú cho du khách xác nhận tầm quan trọng của địa điểm.
  11. Đã tìm thấy những tảng đá mỏ neo gần con tàu và làng Arzap, cách đó 24km, treo phía sau tàu ̣để giữ nó ổn định
  12. Con tàu nằm trên núi Cesnakidag, (hoặc Cudi Dagi) nghĩa là ‘Núi định mệnh’.
  13. TS. Salih Bayraktutan viện đại học Ataturk nói rằng, “đây là cấu trúc nhân tạo và chắc chắn nó là con tàu Noah. Địa điểm này nằm ngay dưới núi Al Judi, mà tên này, trheo kinh Coran nghĩa là ‘nơi yên nghĩ của con tàu’.
  14. Radar cũng cho thấy nhiều cấu trúc cây gỗ bên trong thân tàu. Kết quả phân tích cho thấy chúng là những thanh gỗ sống tàu, sống phụ, mép tàu, các buồng ở, các buồng động vật, hệ thống thang (con tàu có 3 tầng), cánh cửa phía mũi mạn phải, 2 cái thùng lớn ở gần mũi tàu kích thước 14 x 24 inch, và một giếng trời nhỏ ở khu vực chính giữa con tàu để thông khí cho toàn bộ 3 tầng của con tàu tiền sử vĩ đại này.
  15. Mới đây, Năm 2016, scan thăm dò độ phân giải cao đã được thực hiện tại địa điểm này, cũng cho thấy những yếu tố nhân tạo tương tự như kết luận Ron Wyatt.

(Noah's Ark Overview (arkdiscovery.com)

Nhưng các bằng chứng này đều bị phản đối kịch liệt. Chẳng hạn:

_ Hình dạng con tàu qua máy dò đã bị gán ghép, và không hề có dáng đều đặn.

_ Đinh sắt, giá đỡ nói là tìm thấy trên tàu chỉ là hàng quảng cáo của các tạp chí săn kho báu.

_ Thành nhìn từ bên ngoài có dáng của sườn tàu thật ra là bùn cô đặc chứa vài tảng đá.

_ Các khoa học gia đã đến khảo sát địa điểm này chưa từng nhìn thấy mẩu gỗ hoá thạch nào cả. Tiến sĩ, nhà địa chất học Bayraktutan nói rằng một số mẩu gỗ hóa thạch ở địa điểm này là từ nơi khác đem đến. (cũng vị Bayraktutan này được phe ủng hộ viện đến trong mục 13 liệt kê ở trên !)

_ Hắc ín được cho là để quét lên cấu trúc gỗ của con tàu nói là tìm thấy ở di chỉ đã không được trưng bày công khai và không được đem đi phân tích.

_ Động vật đã đi lại trên các sườn núi ở Thổ nhĩ kỳ hàng ngàn năm nay nên chuyện tìm thấy phân hóa thạch, lông thú, gạc hươu ở di chỉ này là chuyện đương nhiên.

v.v… và v.v… (xem bài của David Mikkelson, Was Noah's Ark Found by Explorers in Eastern Turkey? | Snopes.com)

Gần đây nhất, trên tờ Express ngày 9.1.2019, có đăng tấm ảnh chụp từ vệ tinh một hình ảnh bất thường có hình con tàu trên dãy Ararat, khu vực biên giới giữa Thổ nhỉ kỳ, Iran và Armenia. Đây là khu vực bất ổn về quân sự nên hình ảnh ở đây được xếp loại mật (Gọi là mật nhưng không hiểu sao báo lại có để đăng ?). GS Porcher Taylor thuộc trường đại học Richmond, cho rằng đây chắc chắn là con tàu do người đóng, có tỉ lệ khớp với con tàu của ông Nô ê ghi trong Kinh thánh , tỉ lệ chiều dài so với chiều rộng là 6:1. (Tờ Express vẫn bị gán cho là báo lá cải ). (Xem ở: Bible PROOF? 'Noah's Ark anomaly' on Turkish mountain probed by satellite | Weird | News | Express.co.uk)

Hình ảnh đăng trên tờ Express

QUAN ĐIỂM CỦA PHE PHẢN ĐỐI

Paul Zimansky, nhà khảo cổ và sử gia, đại học Stony Brook, chuyên gia vùng Cận Đông, cho rằng, “ bạn phải chấp nhận mọi thứ ngoại trừ Kinh thánh, may ra mới hiểu được, mà chúng thì không hợp chút xíu nào với Kinh thánh”.

Nhà khảo cổ đại học Cornell, Peter Ian Kuniholm, nói, “bằng chứng về các khám phá rất yếu ớt.”

Zimansky chỉ ra rằng Genesis (Sách Sáng thế) xác định dãy Urartu là nơi con tàu đỗ lại chứ không nói đến ngọn núi riêng biệt nào. Qua nhiều thế kỷ, ngọn Ararat và cấu trúc đá hình con tàu bỗng trở thành nơi thích hợp cho các tay săn con tàu tìm đến.

Nhóm thám hiểm đặt căn cứ ở Hồng Kông, Noah’ s Ark Ministries International, nói tuổi các cấu trúc ở núi Ararat là 4,800 năm, và đề nghị xem đây là nơi nuôi súc vật, nhưng thiếu các bằng chứng nơi cư ngụ của người… vậy bạn cứ đoán đi !

Zimansky nói ông mong được nghe nhiều hơn về di chỉ này, và chờ đợi các báo cáo khoa học, chứ không phải là các bài báo, báo chí không phải là nơi ngành khảo cổ tiến bộ. Ông không nghi ngờ gì việc tìm thấy gỗ ở độ cao ấy, “ nhưng tìm thấy gỗ không có nghĩa là tìm thấy con tàu”.

Ngoài ra còn vài khoảng trống khác. Tuổi carbon có chính xác không. Ai là người định tuổi. Các cấu trúc này là của con tàu huyền thoại hay chỉ là nơi trú ẩn. Có bằng chứng nào là có trận lụt khủng khiếp dâng tới tận đỉnh Ararat 4.800 năm trước không.

Kuniholm nói, thế giới không có đủ nước để con tàu lên tới tận đỉnh núi.

(Alan Boyle, Science Editor, NBC News

https://www.nbcnews.com/sciencemain/noahs-ark-found-not-so-fast-6c10404024)

Jason Sasson, chuyên gia Do thái học và Kinh thánh, đại học Vanderbilt, bang Tennessee, nhận xét, “ thật kỳ cục, kinh thánh nói con tàu đậu lại đâu đó ở Urartu, vương quốc cổ phía đông Thổ nhĩ kỳ, chỉ sau khi người ta liên kết Ararat với Urartu”.

Zimansky cũng đồng ý, “không ai liên kết ngọn núi này với con tàu”, cho đến thế kỷ thứ mười TCN, cũng không có bằng chứng địa chất nào cho thấy có trận lụt lớn khoảng 4.000 năm trước.

Về các cấu trúc gỗ, Zimansky cho rằng đó có thể là nơi các tín đồ Công giáo hành hương thuở xưa, vì họ tin rằng đó là nơi có con tàu huyền thoại.

Trong bất kỳ trường hợp nào, chúng không xưa đến 4.000 năm. “Lúc ấy, Kinh thánh còn chưa được viết ra”.

(https://www.nationalgeographic.com/adventure/article/100428-noahs-ark-found-in-turkey-science-religion-culture)

 

Nhưng nặng ký nhất là quan điểm phản bác của Linda Gunderson trong bài Noah’ s Ark, The Ark of Covenant and Ron Wyatt (https://tccsa.tc/articles/wyatt.html).

Ron Wyatt có hẳn một viện bảo tàng, Wyatt Archaeological Museum, ở tiểu bang Tennessee. Nhưng mỗi khi các nhà khảo cổ chuyên nghiệp, các nhà khoa học hay các chuyên gia yêu cầu ông cho xem bằng chứng, ông đều từ chối.

Về tuyên bố của Wyatt là đã tìm thấy con tàu của ông Nô ê, tác giả cho rằng nó chỉ là chóp của băng sơn.

Tác giả còn cho biết ý kiến của Tiến sĩ Jim Fleming, người sáng lập và nguyên giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thánh kinh Jerusalem, Jerusalem Center for Biblical Studies. Năm 1993, ông được Wyatt mời làm cố vấn trong cuộc khai quật núi Calvary. Có lần, J.Fleming nhìn thấy Wyatt thả rơi chiếc búa xuống khe núi. Sau đó Wyatt cung cấp bằng chứng là máy dò kim loại chỉ ra có kim loại trong khối đá. Fleming không tham gia cuộc khai quật nữa ngay sau đó.

Còn lại là chuyện Đại hồng thủy.

Trận Đại hồng thủy phải xảy ra thì mới có con tàu

Liệu rằng trận đại hồng thủy lớn như vậy có thực sự xảy ra hay không. Trên lý thuyết, nhiều nhà khoa học cho rằng điều đó là không thế. Tuy nhiên, các nhà địa chất William BF Ryan và Walter C. Pitman tới từ Đại học Columbia lại đưa ra ý tưởng rằng trận lụt lớn là kết quả khi mực nước Biển Đen tăng nhanh sau quá trình băng hà, thời gian vào khoảng 5600 năm trước công nguyên.

Giả thuyết về “Lũ của Noah” được các nhà địa chất cho rằng xuất phát từ các đỉnh băng tan trên biển Địa Trung Hải, thông qua eo biển Bosporus tới Biển Đen với lưu lượng lớn. Kết quả là làm lũ lụt trên phạm vi khoảng 96.560km vuông trên trái đất. Trong năm 2007, các nhà nghiên cứu tìm thấy bằng chứng cho thấy một chỏm băng tan của Greenland làm tăng mực nước biển toàn cầu lên 1,4 mét trong khoảng thời gian những năm 8740 và 8160 trước công nguyên. Vụ việc này đã khiến nhiều người phải di tản để thoát khỏi khu vực lũ.

Nhưng phần lớn giới khoa học vẫn rất hoài nghi về lý thuyết này và cho rằng nó chưa đủ tầm cỡ cũng như khả năng tạo ra “tàu Noah”.

(https://khoahoc.tv/huyen-thoai-con-tau-noah-co-that-hay-khong-47029)

 

THÁNH GIÓNG

Sự tích Thánh Gióng được ghi chép trong các sách Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh tập. Đại Việt sử ký toàn thư và cả trong chuyện cổ dân gian.

Lĩnh Nam chích quái

Câu chuyện về Phù Đổng Thiên vương trong Lĩnh Nam chích quái được hợp nhất với Sóc Thiên vương của Việt điện u linh tập.

Tóm tắt truyện Đổng Thiên vương trong Lĩnh Nam chích quái, bản dịch Lê Hữu Mục:

Đời Hùng vương thứ ba, lấy cớ thiếu lễ triều cống, vua nhà Ân giả cách tuần thú để lấy cớ xâm chiếm nước ta. Hùng vương được thần báo mộng ba năm sau giặc sẽ sang đánh, phải huấn luyện sĩ tốt và tìm người tài ra giúp.

Ba năm sau, quả giặc sang đánh, vua y lời cho sứ giả đi khắp nước tìm người tài. Đến làng phù Đổng, huyện Vũ Ninh có ông già đã sáu mươi tuổi mới có đứa con trai ba tuổi không biết nói cười. Bỗng khi sứ giả đến, đứa bé ngồi dậy nói với sứ giả rằng về bảo vua đúc cho ta ngựa sắt, kiếm sắt. Ta sẽ đánh cho giặc tan tành.

Đó rồi đứa bé bảo mẹ nấu thật nhiều cơm cho nó ăn. Không đủ nên hàng xóm phải phụ thêm thịt cá. Giặc đến Trâu Sơn, đứa bé bỗng vươn mình đứng dậy thành viên tướng cao hơn mười trượng, nhảy lên ngựa sắt, phi ra trận, quan quân theo sau, đánh giặc Ân chạy không còn manh giáp.

Giặc tan, tướng quân cưỡi ngựa đến Sóc Sơn, bỏ áo, cùng ngựa bay lên trời, biến mất.

Sau Lý Thái tổ phong làm Xung thiên thần vương, lập miếu tại làng Phù Đổng (nay ở huyện Tiên Du) bên chùa Kiến Phúc, tạc tượng ở núi Vệ Linh, xuân thu đều có lễ tế vậy.

 

 

Đại Việt sử ký toàn thư

Đại Việt sử ký toàn thư phần Ngoại kỷ toàn thư, kỷ Hồng Bàng Thị ghi chép lại về Thánh Gióng như sau:

 

Đời Hùng Vương thứ 6, ở hương Phù Đổng, bộ Vũ Ninh có người nhà giàu, sinh một con trai, đến năm hơn ba tuổi ăn uống béo lớn nhưng không biết nói cười. Gặp lúc trong nước có tin nguy cấp, vua sai người đi tìm người có thể đánh lui được giặc (Toàn thư không ghi đây là giặc Ân như Lĩnh Nam chích quái).

Ngày hôm ấy, đứa trẻ bỗng nói được, bảo mẹ ra mời sứ giả vào, nói: "Xin cho một thanh gươm, một áo giáp sắt và một con ngựa, vua không phải lo gì". Vua ban cho gươm và ngựa, đứa trẻ liền phi ngựa vung gươm tiến lên trước, quan quân theo sau, đánh tan quân giặc ở chân núi Trâu. Bọn giặc giẫm đạp lên nhau mà chạy. Thánh Gióng đuổi theo, tới chân núi Sóc thì dừng. Đứa trẻ cởi áo giáp, phi ngựa lên trời mà đi. Vua sai sửa sang chỗ vườn nhà của đứa trẻ để lập đền thờ, tuế thời cúng tế.

Về sau, Lý Thái Tổ phong là Xung Thiên Thần vương. (Đền thờ ở cạnh chùa Kiến Sơ, hương Phù Đổng)

Ghi chép của Nguyễn Đổng Chi

Kho truyện cổ tích của nhà sưu tầm lớn Nguyễn Đổng Chi cũng ghi lại truyền thuyết này, song lại thêm một số yếu tố hoàn toàn khác.

 

Vào thời Hùng Vương (không ghi rõ thời nào), có một người đàn bà đã nhiều tuổi nhưng sống một thân một mình. Một hôm sáng dậy bà đi thăm nương, bỗng nhìn thấy một vết chân giẫm nát cả mấy luống cà. Bà kinh ngạc kêu lên: "Ôi! Bàn chân ai mà to thế này!". Bỗng bà cảm thấy rùng mình khi đưa bàn chân ướm thử vào dấu chân lạ. Từ đó bà mang thai. Đủ ngày tháng, bà sinh được một đứa con trai bụ bẫm đặt tên là Gióng. Nhưng thằng bé lên ba tuổi rồi mà vẫn nằm ngửa đòi ăn, không biết ngồi biết lẫy, cũng không biết nói biết cười gì cả.

Ngày ấy có giặc Ân kéo vào cướp nước ta. Giặc Ân rất hung hăng tàn ác, cầm đầu là một viên tướng tên gọi Ân vương, hình dung cổ quái dữ tợn. Chúng nó đi đến đâu là đốt phá nhà cửa, giết người cướp của đến đấy. Quân đội Hùng Vương nhiều phen xuất trận, nhưng đánh không nổi. Vua Hùng lấy làm lo lắng vội phái sứ giả đi khắp nơi trong nước tìm bậc tướng tài để giúp vua cứu nước. Một hôm sứ giả đi đến làng chú bé Gióng. Nghe tiếng loa rao nói đến việc nhà vua cầu người tài, bà mẹ Gióng đang ru con, liền bảo đùa con rằng: "Con ơi! Con của mẹ chậm đi chậm nói làm vậy, thì biết bao giờ mới đi đánh giặc giúp vua được đây!"

Không ngờ Gióng nhìn mẹ mở miệng bật lên thành tiếng: "Mẹ cho gọi sứ giả vào đây cho con!" Nói xong lại im bặt. Bà mẹ vừa mừng vừa sợ, vội đi kể chuyện với xóm giềng. Mọi người đổ tới, ai nấy cho là một sự lạ. Sau cùng một người nói: "Ta cứ đi mời sứ giả đến xem thử nó muốn cái gì".

Khi sứ giả của nhà vua bước vào nhà nhìn thấy chú bé Gióng liền hỏi rằng: "Mày là đứa trẻ lên ba mới học nói, mày định mời ta đến để làm gì?" Gióng trả lời rất chững chạc: "Về bảo với vua rèn cho ta một con ngựa sắt, một thanh gươm sắt, một giáp sắt và một nón sắt, ta sẽ đánh đuổi giặc dữ cho!"

Ai nấy đứng nghe khôn xiết lạ lùng. Cho là thần nhân xuất hiện, sứ giả lập tức phi ngựa về tâu vua. Nghe nói, Hùng Vương mừng rỡ liền ra lệnh cho thợ rèn góp tất cả sắt lại rèn ngựa, gươm, áo giáp và nón như lời xin của chú bé. Mọi thứ rèn xong nặng không thể tưởng tượng nổi. Hàng chục người mó vào thanh gươm mà không nhúc nhích. Vua Hùng phải cho hàng ngàn quân sĩ tìm mọi cách chở đến cho chú bé Gióng. Khi được tin quân sĩ khiêng ngựa sắt sắp đến làng, mẹ Gióng sợ hãi chạy về bảo con: "Con ơi! Việc nhà vua đâu phải là chuyện chơi. Hiện quân sĩ đang kéo đến ầm ầm ngoài bãi, biết làm thế nào bây giờ?"

Nghe nói thế, Gióng vụt ngồi dậy, nói: "Việc đánh giặc thì mẹ đừng lo. Nhưng mẹ phải cho con ăn thật nhiều mới được!"

Mẹ vội thổi cơm cho con ăn, nhưng nấu lên được nồi nào Gióng ngốn hết ngay nồi ấy. Mỗi lần ăn một nồi cơm thì Gióng lại lớn thêm một ít và đòi ăn thêm. Mẹ càng cho con ăn thì con lại càng lớn như thổi, bỗng chốc đã thành một chàng thanh niên khỏe mạnh. Hết gạo, bà mẹ đi kêu gọi xóm làng. Mọi người nô nức đem gạo khoai, trâu rượu, hoa quả, bánh trái đến đầy một sân. Nhưng đưa đến bao nhiêu, Gióng ăn vợi hết bấy nhiêu, mà vẫn đòi ăn không nghỉ. Sau đó, Gióng lại bảo tiếp: "Mẹ kiếm vải cho con mặc".

Người ta lại đua nhau mang vải lụa tới may áo quần cho Gióng mặc. Nhưng thân thể Gióng lớn vượt một cách kỳ lạ, áo quần vừa may xong đã thấy chật, thấy ngắn, lại phải mang vải lụa tới để chắp nối thêm. Không mấy chốc đầu Gióng đã chạm nóc nhà. Ai nấy chưa hết kinh ngạc thì vừa lúc quân sĩ đã hì hục khiêng được ngựa, gươm, áo giáp và nón sắt tới. Gióng bước ra khỏi nhà vươn vai một cái, người bỗng cao to sừng sững, chân dài hơn trượng, hét lên một tiếng như tiếng sấm: "Ta là tướng nhà Trời!"

Thế rồi Gióng mặc giáp sắt, đội nón sắt, tay cầm gươm múa quanh mấy vòng. Đoạn từ biệt mẹ và dân làng, nhảy lên lưng ngựa. Ngựa sắt bỗng chồm lên, phun thẳng ra đằng trước một luồng lửa đỏ rực. Gióng thúc chân, ngựa phi như bay, sải từng bước dài hàng chục con sào, rung chuyển cả trời đất. Chỉ trong chớp mắt, ngựa đã xông đến đồn trại giặc bấy giờ đang đóng la liệt cả mấy khu rừng. Lưỡi gươm của Gióng vung lên loang loáng như chớp giật. Quân giặc xông ra chừng nào chết chừng ấy. Ngựa thét ra lửa thiêu cháy từng dãy đồn trại, lửa thiêu luôn cả mấy khu rừng. Khói bụi mịt mù, tiếng la hét kêu khóc như ri. Nhưng tướng giặc Ân vương vẫn cố gào thét hô quân xáp tới, Gióng càng đánh càng khỏe, thây giặc nằm ngổn ngang đầy rừng. Bỗng chốc gươm gãy. Không bối rối, Gióng thuận tay nhổ những bụi tre hai bên đường quật tới tấp vào các toán giặc đang cố gắng trụ lại theo lệnh chủ tướng. Chẳng mấy chốc quân giặc đã tẩu tán khắp nơi, Ân vương bị quật chết tan xác. Bọn tàn binh giặc lạy lục xin hàng. Quân đội của Hùng Vương cũng như dân các làng chỉ còn việc xông ra trói nghiến chúng lại. Không đầy một buổi, Gióng đã trừ xong nạn nước. Lúc bấy giờ ngựa Gióng đã tiến đến chân núi Sóc-sơn. Đến đây, Gióng bèn cởi giáp bỏ nón lại, rồi cả người lẫn ngựa bay thẳng lên trời. Sau khi thắng trận, để nhớ ơn người anh hùng, vua Hùng sai lập đền thờ Gióng ở làng quê, phong làm Phù Đổng Thiên vương.

Ngày nay chúng ta còn thấy dấu vết những dãy ao tròn nối nhau kéo dài suốt từ Kim Anh, Đa Phúc cho đến Sóc Sơn, người ta bảo đó là những vết chân ngựa của Thánh Gióng. Khu rừng bị ngựa sắt phun lửa thiêu cháy nay còn mang cái tên là làng Cháy. Những cây tre mà Gióng nhổ quật vào giặc bị lửa đốt màu xanh ngả thành màu vàng và có những vết cháy lốm đốm, ngày nay giống ấy vẫn còn, người ta gọi là tre là ngà (hay đằng ngà).

 

Khảo dị

Câu chuyện về Phù Đổng Thiên vương, qua thời gian trở thành Thánh Gióng là kết quả của cả một quá trình thêm thắt kéo dài của dân gian. Truyện trên do Nguyễn Đổng Chi sưu tầm là một ví dụ điển hình, nó đã được thêm thắt và gần như tách biệt hẳn so với những ghi chép từ Lĩnh Nam chích quái hay cả Toàn thư. Về sau, truyện về Thánh Gióng còn được nhân dân một số địa phương vùng Bắc Ninh, Bắc Giang phát triển, thêm thắt, ghép vào một số tình tiết hoặc thần kỳ hoặc không, làm cho câu chuyện phong phú hơn. Ví dụ:

 

Sau khi thắng trận, Thánh Gióng đến một nơi, buộc ngựa sát vào hai cọc đá lớn ngồi nghỉ. Ngày nay một cột đá còn thấy ở làng Cựu-tự cao khoảng ba thước vòng rộng sáu tấc, xâu thẳng xuống một bệ đá tự nhiên hình bầu dục. Ngựa sắt mệt quá sủi bọt mép thành một bãi cát trắng xóa lấp lánh dưới ánh mặt trời. Bãi này nay thuộc xã Ngọc Xá, huyện Quế Võ, đặc biệt ở cách xa bờ sông, người ta gọi là Bạch-nhạn-sa.

Thánh Gióng đi qua một làng nọ ven sông Cầu, ở đây có một bà lão bán nước vối. Thánh Gióng dừng lại xin nước uống. Bà lão dâng bầu rượu. Uống xong, Thánh Gióng khen bà lão có lòng tốt, đặt tên là làng Bầu và dặn lúc nào hạn, cho phép cầu mưa sẽ linh nghiệm. Từ đấy, mỗi khi đại hạn, ở đây (nay gồm bảy làng gọi là tổng Bầu) có hội cầu mưa, người ta thường rước Thành hoàng làng lên Sóc-sơn để xin nước.

(Wikipedia)

Các nhà nghiên cứu văn học nói rằng truyền thuyết, huyền thoại, cổ tích chứa trong nó một phần sự thật.

Huyền thoại con thuyền của ông Nô ê được liên kết với trận Đại hồng thủy mà lịch sử địa chất ghi nhận. Và vì Kinh thánh cho biết con tàu đậu lại trên núi Ararat nên người ta mới đến đó tìm.

Trong truyện Thánh Gióng, bỏ qua các yếu tố thần thoại hoang đường, có hai chi tiết để ta có thể theo dấu: giặc Ân và ngựa sắt, kiếm sắt.

Các nhà sử học nói nhà Ân đây là nhà Thương bên Trung quốc trong lịch sử (Hạ, Thương, Chu).

Vậy nhà Ân là nhà nào.

Nguyễn Hiến Lê viết Theo Từ Hải và các bộ sử cũ thì nhà Thương bắt đầu từ khoảng 1766 trước công nguyên và chấm dứt năm 1122 trước công nguyên. Nhưng theo Eberhard  thì những niên đại đã được ghi nhận là sai. Nhà Hạ chỉ dài khoảng 300 năm từ 1800 đến 1500 trước công nguyên (phỏng chừng) chứ không phải từ 2201đến 1760 trước công nguyên, và nhà Thương bắt đầu từ khoảng 1450, chấm dứt khoảng 1050 trước công nguyên

Chúng ta chỉ biết đại khái rằng vua Thành Thang khi diệt vua Kiệt rồi, khai sáng nhà Thương, quy tụ được nhiều bộ lạc và đất đai nhà Thương gồm các tỉnh Sơn Tây, Sơn Đông, Hà Bắc, Hà Nam ngày nay. Kinh đô mới đầu ở đất Bạc, sau bị các dân tộc du mục ở phía Tây lấn, phải dời chỗ bảy lần, lần cuối cùng tới Ân Khư (khư nghĩa là đồi) ở phía Đông, gần An Dương, đổi quốc hiệu là Ân, và thời đó phải chiến đấu rất thường xuyên với các bộ lạc chung quanh.

(Nguyễn Hiến Lê, Sử Trung quốc)

Nhà Thương qua 3 thời kỳ: màu đỏ là Nhị Lý đầu (Erlitou); màu vàng là Nhị Lý cương (Erligang); màu tím là An Dương (Anyang).

Vậy triều đại nhà Thương (Shang Dynasty, tk 17-11TCN) nằm ở giữa lưu vực sông Hoàng hà (Yellow River), nơi hiện nay là tỉnh Hà Nam (Henan) và phần phía tây tỉnh Sơn đông (Shendong).

(http://www.chinaknowledge.de/History/Myth/shang-map.html)

Nếu địa bàn nhà Thương ở mãi bên kia sông Hoàng hà, thì nước Văn Lang của vua Hùng phải ở gần đâu đó (vùng Hồ Động Đình, Dương tử). Chứ từ vùng Hoàng hà đến Văn Lang (Phú Thọ) khoảng cách địa lý phải đến 3.000km. Thời xưa đi bộ là chính, đường xá không có, kéo nhau vượt qua 3.000km chỉ để đòi quà triều cống thì e phí công quá. (Tổ tiên loài người từ Phi châu toả đi khắp thế giới là chuyện chẳng đặng đừng; vì hạn hán, vì lũ lụt mới phải đi xa kiếm cái ăn).

Vấn đề còn lại là thời kỳ đồ sắt có từ bao giờ, thời Hùng Vương có đồ sắt không?

Cho đến nay, các nghiên cứu khảo cổ học, lịch sử cho thấy người Việt cổ luyện kim thành thạo từ sớm, với những dấu vết của luyện kim đồng thau ngay từ giai đoạn kết thúc của văn hóa Phùng Nguyên (niên đại 4000-3500 năm cách ngày nay). Đối với đồ sắt, các phát hiện khảo cổ học gần đây cũng cho thấy dấu hiệu của nghề luyện sắt từ thế kỷ 2-3 trước Công nguyên với những vết tích lò luyện sắt, hòn quặng sắt, xỉ sắt hình giọt nước tại di chỉ Đồng Mỏm, xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Các hiện vật sắt, gỉ sắt không rõ hình dạng, chức năng cũng được phát hiện tại di chỉ Đường Mây, Cổ Loa, Hà Nội. Các nhà khảo cổ học, lịch sử vẫn đang tiếp tục tìm kiếm những minh chứng mới về nghề luyện sắt của người Việt cổ.

(Thời đại đồ sắt và nghề luyện sắt của tổ tiên người Việt (tiasang.com.vn)

Thời đại đồ sắt bắt đầu từ tk 12 TCN. Dấu vết đồ sắt ở Việt Nam có từ tk 2-3 TCN. Nhà Thương xuất hiện vào TK 17-11 TCN.

Để khớp với nhà Thương (tức nhà Ân) thì thời Hùng Vương trễ nhất phải ở vào tk 11 TCN. Nhưng ta biết không phải như đồ đá, đồ đồng tìm thấy khắp nơi trên thế giới, sắt là chất liệu rất dễ bị tiêu hủy (do bị oxid hoá). Cọc sắt mà Ngô Quyền, và Hưng Đạo vương cắm trên sông Bạch Đằng vào tk 10 và 13 để chống quân Nam Hán và quân Nguyên, đến nay đã không còn gì. Vậy thì ngựa sắt, kiếm sắt có từ xưa hơn thời Ngô Vương và Hưng đạo vương đến cả ngàn năm, ví như có thật, thì còn lại gì để mà tìm kiếm.

Vả lại, ông Nô ê đậu thuyền trên núi Ararat, nên người ta mới đổ xô đến đó, còn Thánh Gióng đã bay lên trời thì đi tìm làm gì nữa. Tre đằng ngà và dấu chân ngựa Ngài còn để lại là dấu tích cho câu chuyện của ngàn xưa.

Tháng 4.2021

NTH

 

 

 

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết