CHUYỆN GIA LONG TẨU QUỐC

CHUYỆN GIA LONG TẨU QUỐC

Những chuyện ly kỳ trong thời gian vua Gia Long bị quân Tây sơn rượt đuổi khắp miền nam được kể trong nhiều tài liệu khác nhau. Chánh sử (Đại Nam thực lục) cũng có, tiểu thuyết lịch sử có mà sự tích dân gian cũng có.

Chánh sử

Chẳng hạn như ĐNTL (Quyển 1) kể vắn tắt:

Rồi đó, vua dạt đi Định Tường và miền Hậu Giang. Cho người sang Xiêm cầu cứu. Còn Chân Lạp lại ngầm giúp Tây Sơn.

Nguyễn Huệ đem quân đuổi, vua lánh sang Rạch Gía, Hà Tiên. Có đàn rắn đội thuyền cho vua đi. Đến sông Đăng Giang lại có trâu nổi lên cho vua cưỡi. Nước triều lên mạnh, trâu chìm , cá sấu tiếp sức. Vua tiếp tục đi Phú Quốc.

Tiểu thuyết

Đây là chuyện Gia Long tẩu quốc, do nhà văn Tân Dân Tử thuật trong bộ truyện cùng tên, xuất bản năm 1930:

Gia Long tẩu quốc , tập 1, hồi thứ tư:

Đây nói về một đội quân Tây sơn ở rạch Mân thít qua tới Cần thơ, nghe đức Nguyễn Ánh và cung quyến đã chạy qua Rạch giá; tức thì đem binh rượt theo, khi đi ngang qua rừng tràm thình lình nghe hai bên rừng ré lên một tiếng dậy đất vang trời, đội quân Tây sơn hoảng kinh, vừa muốn kéo binh thối lại, thì hai bên rừng tên bắn tuôn ra như mưa; quân Tây sơn bị thương rất nhiều liền kéo nhau chạy đùa trở lại.

Toán quân này là do tướng Lê văn Quân lảnh làm hậu đội, để theo hộ vệ ngài trong lúc hành trình, nên khi thấy quân Tây sơn rượt theo, thì nhảy ra cản cự.

Khi đức Nguyễn Ánh cùng cung quyến đi nửa đường vô Rạch giá, bổng thấy ba người cưỡi ngựa chạy theo, ấy là Châu Văn Tiếp và hai quân nhơn. Ngài kinh nghi hỏi:

Khanh có việc chi cẩn cấp báo cho ta chăng?

Châu văn Tiếp xuống ngựa cúi đầu thi lễ, rồi nói rằng, Bẩm Điện hạ có việc cẩn cấp, nên tôi lật đật bôn tẩu về đây, đặng thông tin cho Điện hạ rõ, nói rồi liền đưa cái thơ lấy trong mình tướng giặc Bùi Khắc Phú dâng lên cho ngài xem.

Đức Nguyễn Ánh lấy thơ dở xem rồi có sắc kinh ngạc mà hỏi rằng:

Thơ nầy của Nguyễn Huệ gởi Bùi Khắc Phú mà sao nhà ngươi bắt đặng?

Bẩm Điện hạ tôi chận giết nó, xét trong mình nó đặng một phong thơ, thấy tướng Tây sơn Nguyễn Huệ nói rằng trong ba ngày nữa thì đem binh qua Cần thơ mà vô Rạch giá truy tầm Điện hạ  nên tôi vội vã trở về thông tin cho Điện hạ rõ, đặng lo tầm phương lánh nạn cho sớm…

Đức Nguyễn Ánh nghe rồi ngẫm nghỉ một hồi và nói với các tướng sĩ rằng: vậy thì chúng ta phải lập tức qua Cà Mau mới đặng, rồi liền dắt cung quyến và các tướng tùy tùng băng rừng mà đi.

Nguyên soái Tây Sơn là Nguyễn Huệ nghe tin lập tức phân làm hai toán, một toán vô Rạch giá và một toán tuốt qua Cà Mau, đặng rượt theo đức Nguyễn Ánh mà bắt.

Thảm thay cho đức Nguyễn Ánh cùng cung quyến của Ngài, ban ngày thì băng đồng lướt bụi, giải nắng dầm mưa, đi quanh lộn trong đường rừng, bất kể chông gai, không nề lao khổ, phía trước có tốp Cao Mên dẩn nẻo đưa đường, phía sau có đội quân nhơn tùy tùng hộ tống…

Đó rồi đức Nguyễn Ánh truyền các tướng sĩ sắm sửa ghe thuyền qua cù lao Thổ Châu mà tị nạn…(chú thích trong truyện: cù lao Thổ Châu, từ Rạch giá đi ra chừng 20 ngàn thước, kêu là Poulo-Panjang)

Cơm nước xong ngó ra thì trời đã tối, cả thảy vội vả kéo nhau xuống thuyền. Đức Nguyễn Ánh cùng cung quyến đi hai chiếc thuyền lớn ở giữa, bốn chiếc đi sau hộ tống, cứ theo ngọn sông ông Đốc đi ra. (sông ông Đốc: kêu là sông Đốc Huỳnh ở tại Cà Mau).

Khi đi đặng một khúc sông bỗng thấy mây giăng mờ mịt, rải rác mưa tro, hai bên chỉ thấy cỏ rậm rừng hoang, chẳng thấy nhà cửa xóm làng ai hết… một lát lại nghe hai bên mé rừng cọp kêu cà um dậy đất, dường như nó thấy thuyền đức Nguyễn Ánh thì rủ nhau áp ra hai bên mé sông, đặng mà đón ngăn chào hỏi.

Thuyền đi đặng một đổi nữa, khi ra gần tới cửa biển, có hai con sấu rất to, nổi lên trước mũi thuyền của ngài, mỗi con lớn và dài như chiếc ghe lườn, cất đầu lên cao rồi đập đuôi xuống nước đùng đùng, làm cho nước văng lên trắng giả, và cứ cản ngang trước thuyền, dường như không muốn cho thuyền của ngài đi tới.

Đức Nguyễn Ánh lấy làm lạ, bảo day thuyền tránh qua hướng khác mà đi, song thuyền tránh phía nào thì sấu cứ theo trước mũi thuyền cản mãi.

Các tướng sĩ người lấy chỉa muốn đâm, kẻ lấy súng đòi bắn.

Lúc bấy giờ có Trịnh Hoài Đức là văn sĩ tin cậy của Nguyễn Ánh ra cản, nói rằng:

Bẩm Điện hạ, sấu là giống ngạc ngư rất dữ trong loài thủy tộc, nay thuyền ta mới khởi hành mà gặp giống ấy cản trở, thế nào cũng có điềm gì lạ đây, xin Điện hạ hãy đình thuyền, sáng mai sẽ đi.

Đức Nguyễn Ánh liền cho đình thuyền, đậu dọc ngọn sông ông Đốc mà nghĩ, chờ sáng sẽ đi.

Trời vừa rạng sáng, các tướng sĩ cơm nước xong rồi, trương buồm bọc gió chạy ra cửa biển. Bổng gặp hai chiếc thuyền chài đương đánh cá theo mé biển Rạch giá, nói rằng: trong đêm ấy có một đạo chiến thuyền của giặc Tây Sơn rảo lại chạy qua trước cửa biển Cà Mau, đặng tìm đón thuyền ngài mà bắt.

Đức Nguyễn Ánh day qua nói với Trịnh Hoài Đức rằng, thật quả như lời khanh nói chẳng sai.

Các tướng sĩ nghe nói rất mừng, bước tới mà nói: Chúng tôi xin kính mừng Điện hạ thoát khỏi giặc Tây sơn, ấy cũng bởi hồng phước Điện hạ còn nhiều, nên đêm nay sấu cản thuyền ta chẳng cho ra cửa, nếu chẳng có sự ngăn cản ấy thì chúng ta đã bị quân Tây sơn đón bắt, vậy thì cái mạng Điện hạ rất lớn, nên có trời phật độ trì, quân giặc không thế nào hại đặng…

Thuyền Nguyễn Ánh vượt biển, gặp lúc trời êm gió thuận, chạy chưa đầy một ngày bổng thấy trước mũi thuyền một cái cù lao mù mù nổi lên giữa biển.

Các tướng sĩ mừng rỡ la lên, cù lao Thổ châu trước mắt chúng ta cà, xảy thấy một bầy chim én, chẳng biết mấy muôn con ở trên mấy hòn núi Thổ châu bay ra mịt trời, kêu la xăn xít, dường như thấy ngài tới bay ra chào mừng tiếp rước…

Chuyện dân gian

Hay học giả Vương Hồng Sển kể (trích Hồi ký Nửa đời còn lại):

Trở lại chúa Ánh gặp nhiều cơ hội may mới được sau này lên ngôi, tỷ dụ nhờ Tây Sơn giết vua Duệ Tông và cháu là Mục vương, nhờ vậy trống chỗ Ánh sau này lên ngôi báu, chớ thuở hai ông kia còn, thì ngôi vị Ánh còn xa lơ xa lắc. Nói tắt cho mau thì từ năm 1774 cho đến năm 1790, ngót dưới mười lăm năm chúa Ánh bị Tây Sơn đánh đuổi, chúa chạy gần khắp nơi trong Nam, khi thì về nương náu vùng Sài Gòn, còn là bụi và rừng lá, hoặc khi bị Tây Sơn đuổi nà thì lê gót lưu vong khắp miền Cà Mau (người Thổ gọi Tức Kh’ mau, Nước Đen), khi lại trốn ra hòn Phú Quốc (khoảng 1782-1786) và chớ quên mỗi năm, cứ đến mùa gió thuận, thì binh Tây Sơn dùng thuyền lớn vào Nam, ruồng kiếm quyết diệt cho sạch dòng Nguyễn Phúc. Ngày nay còn khá nhiều điển tích lúc chúa Ánh chạy trốn: trái bần chúa ăn với mắm sống bốc cơm ( và đó là cơm nguội sau một buổi chạy giặc tất tả); bốc cơm xé mắm sống bằng tay chớ không hề cầm đũa, chúa khen ngon đặt tên chữ cây bần là “thủy liễu”. Con cá nhỏ nhảy vào thuyền báo tin đừng sớm ra khơi, cứu chúa khỏi bị Tây Sơn chận ngoài biển, chúa đặt là “cá linh”. Còn tích “gặp rắn thì đi, gặp quy thì về” là có một lúc, thuyền chúa định ra khơi, bỗng có con kỳ đà lội qua sông chận đường, chúa sanh nghi không cho thuyền ra biển, sau rõ là nếu ra ắt là Tây Sơn làm khổ, và nay giới cờ bạc còn tin gọi “kỳ đà cản mũi”, và điều này hiểu lầm ra nhiều nghĩa khác.

Đất miền Nam, tóm tắt lúc đó bị chia ra ba vùng riêng biệt. Theo tôi biết riêng là vùng giồng đến sông Cửu Long là thuộc Đông Định vương Nguyễn Lữ. Thỉnh thoảng vua Quang Trung đem binh đến đây thì ngừng lại và không vượt qua Cửu Long giang, vì vùng giữa sông Mékong (Cửu Long) qua Bassac (Hậu giang) là riêng của Đông Sơn Đỗ Thanh Nhơn (đừng gọi Thành Nhơn, vì Nhơn là người đất Thanh Hóa ; các chú thích trong ngoặc đều của tác giả VHS) (chú thích riêng của người soạn bài này: trong truyện Gia Long tẩu quốc, Tân Dân Tử cũng viết Đỗ Thanh Nhân, Thanh không có dấu huyền). Còn vùng Hậu giang qua vịnh Xiêm La là vùng của Mạc Thiên Tứ. Ba vùng riêng biệt, san hà chia ba, và chúa Ánh nương nhờ đất Đỗ Thanh Nhơn, về sau ganh tị, sai giết Đỗ Thanh Nhơn, xuýt hư cơ đồ nghiệp lớn. Bởi theo tôi biết, chúa Ánh lúc lên ngôi với chức “Nguyên Soái”, tuổi vừa mười sáu hay mười bảy, vẫn về Sài Gòn lấy tin tức, khi thì ngồi trên vai cho một lực sĩ cõng, chúa ngồi chễm chệ bỏ hai chơn ra trước cho lực sĩ kềm gọi là “đòng đòng”, lực sĩ này về sau khi chúa lên ngôi, dời ông ra Huế để phong chức thì lực sĩ từ nan để ở lại đất Nam.

Lực sĩ không phải là một người mà do lắm lần, khi gọi là “Cai Việc Hạc” (vì tên thật là Trần Văn Hạc, làm chức Cai việc trong làng, và có nhà ở Rạch Mù U), khi khác gọi là “Quan Lớn Cái Da” (vì tránh gọi ngay tên tộc là Trương Tấn Bửu, sau phong là Long Vân Hầu, làm đến chức Phó Tổng Trấn Sài Gòn, thời Tả quân Lê Văn Duyệt làm Chánh Tổng Trấn.

Về Cồn Ngao, mà trong sách Alinot viết “Cửa Cung Hầu”, là danh từ để gọi một nhánh sông Cửu Long trổ ra biển, tôi truy ra không có địa danh Cửa Cung Hầu hoặc Cửa Công Hầu, và kỳ thật cửa biển ấy, đúng là Cửa Cồn Ngao, bởi Tây đọc Cồn Ngao ra “Cung Gao”, rồi có lẽ người có trách nhiệm ghi lại trên địa đồ, không dám hỏi chủ Pháp cho rõ ràng và tự tiện, sửa lại là “Cửa Công Hầu”, hoặc “Cửa Cung Hầu” , và cả hai đều sai bét. Cồn Ngao là do Ngao Châu, như trong câu “dầu dầu mây trắng cõi Ngao Châu” (thơ Đồ Chiểu khóc Phan Thanh Giản.

Một điển tích khác nói lúc chúa Ánh chạy ra vùng Sa Đéc được một nhà giàu viện trợ (cung cấp cơm nước, lương phạn cho chúa Ánh), nếu rủi thời bị Tây Sơn sanh cầm, thì vừa đầu (thủ cấp), vừa cả ba họ (tam tộc) sẽ không còn; cái gan lì của “Hậu” là một khía cạnh của dân trong Nam. Nhà giàu ấy, chúa tặng là “ông Bõ” (cha nuôi, tớ già) tên là Hậu, và để kỷ niệm việc này, chúa đặt lại địa danh ở vùng Sa Đéc, như Long Thắng, Long Hậu (đã chọn chữ “Long” sau này làm đế hiệu. Vả lại vùng này nước chảy mạnh, thuyền hay bị nạn, nên gọi “Nước Xoáy” chữ gọi “Hồi Oa” và một vùng khác nữa tên đúng là “Bến Tranh” nhưng trong nhiều sách Hán Nôm, khi gọi “Đồng Tranh” khi gọi “Đồng Chênh” đều sai lầm. Một sách cắt nghĩa “Tranh” là “chênh chênh bóng nguyệt” là hết nước nói.

Sông Lớn Vàm Cỏ gọi theo cổ là sông Vũng Gù, có một nhánh nữa cũng gọi là Rạch Vũng Gù, là nơi có điển tích chúa Ánh cỡi trâu hoặc lưng ngạc ngư để sang sông.Theo tôi hiểu biết riêng tích chúa nhờ lưng thú độ qua sông là do nịnh bợ vua, cho rằng chúa Nguyễn có chơn mạng làm vua, nên có linh thú phò trợ. Điều ấy theo tôi nên loại bỏ, và tôi hiểu có lẽ chúa Ánh nhờ một con trâu quen đường do Đỗ Thanh Nhơn đào tạo; chúa cỡi lưng trâu ấy lội qua sông lớn thì còn hiểu được, hoặc giả, nếu không cỡi trâu mà một chàng trai lối mười sáu, mười bảy tuổi, lội qua khúc sông rạch này, hoặc lội qua Vàm Vũng Gù, thì cũng đủ nổi danh “anh hùng”, có cần chi “cỡi trâu” , còn như “ngồi trên lưng cá sấu”, thì sấu đã nhai xương, chớ sấu nào cho ai cỡi lưng, cỡi cổ bao giờ ?

Nhiều điển nữa kể ra không xiết, tỷ như điển mà nhiều người biết rành hơn tôi, là tích người Lục tỉnh Nam kỳ cũ, vẫn đặt tên đứa con đầu lòng, luôn luôn là “Hai” rồi “Ba” v.v… và kiêng chữ “Cả”, bởi “Cả” riêng dành tưởng niệm “ông Hoàng Cả”  là “Đông cung Cảnh”, chỉ trừ trường hợp chữ “Cả” cũng để gọi Bá Đa Lộc là “Cha Cả”, là tiếng gọi cảm mến, mỗi khi người nào bị tội chém đầu, hể Cha Cả xin một tiếng là chúa tha ngay, nên đức ân còn nặng.

 

Tháng 1.2021

NTH

 

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết