BỨC PHÙ ĐIÊU CƯỠI NGỰA ĐÁNH CẦU

BỨC PHÙ ĐIÊU CƯỠI NGỰA ĐÁNH CẦU

 

 

Niên đại: thế kỉ VII – VIII. 

Chất liệu: đá sa thạch. 

Kí hiệu : [24.4]. 

Xuất xứ: Thạch An (Quảng Trị)

 

     Tác phẩm vốn là thành bên trái của bậc thềm lên xuống cửa tháp, chạm trổ tinh xảo cảnh cưỡi ngựa chơi cầu. Hai người chơi cưỡi trên lưng hai con ngựa , tay cầm gậy. Đồ trang sức và trang phục của người chơi lặp lại phong cách nghệ thuật Chăm truyền thống. Mũ trùm đầu và búi tóc có lọn phía sau giống những nhân vật được thể hiện trên bệ thờ  Trà Kiệu.

 

     Cưỡi ngựa đánh cầu, hay còn gọi là chơi Polo, bắt nguồn từ đế chế Ba Tư ( Iran ngày nay ). Theo sử liệu, những người Ba Tư cổ đại đã biết chơi cưỡi ngựa đánh cầu từ cách đây khoảng 2500 năm. Băng qua những thảo nguyên Trung Á bao la, trò chơi được phổ biến đến các quốc gia Trung Hoa, Tibet, Ấn Độ và Nhật Bản. Đây là tác phẩm điêu khắc Chăm duy nhất thể hiện đề tài về trò chơi này, do đó tác phẩm gợi mở một ảnh hưởng từ Trung Hoa hoặc Ấn Độ lên Champa vào thời kì bấy giờ.

 

www.webdanang.com/da-nang/du-lich/tham-quan/Van-hoa-nghe-thuat/Bao-tang-cham/phong-trung-bay/phongquangtri

 

Điêu khắc không quá sắc sảo. Nhưng nội dung mới là phần đáng nói.

Để thong dong cưỡi ngựa đánh cầu như thế, đời sống vật chất người Chăm thời bấy giờ phải đầy đủ, nếu không nói là dư dật. Thì như ông bà ta đã nói đấy thôi, “phú quý sinh lễ nghĩa”.

 

Thế kỷ VII – VIII, nước ta còn chìm trong đêm dài nô lệ. Để đạt được trình độ phát triển xã hội tới mức nào đó, xã hội ấy phải trải qua một tiến trình dài lâu. Nếu cho rằng nước Lâm Ấp (tiền thân của Champa),  ghi danh vào lịch sử từ năm 192 thì đến thế kỷ VII, họ đã có chừng 500 năm phát triển.

 

Nhìn cây gậy đánh cầu, dễ hình dung ra môn chơi golf của người Scotland. Không biết dân Scotland có học gì từ môn này không.

 

Âm nhạc của Champa thì có đàn, sáo, trống. Múa thì có điệu vũ Tây thiên. Tôn giáo thì có đạo Bà La Môn, Phật giáo. Điêu khắc và kiến trúc thì khỏi bàn. Nếu nói họ ở đỉnh cao nhân loại về 2 lãnh vực này cũng không phải là quá lời.

 

Những tuyệt tác kiến trúc và điêu khắc của họ, phần chính nằm ở Quảng Nam ( Mỹ Sơn, Đồng Dương ), Bình Định, giờ chỉ còn là đống gạch vụn hoang tàn. Chiến tranh, sự phá hoại của thiên nhiên, sự thờ ơ của con người đã đóng góp nhiệt tình vào đó.

Xem các bản vẽ của nhà khảo cổ kiêm kiến trúc sư Henri Parmentier, ta mới phần nào hình dung vẽ diễm lệ của những tuyệt tác này.

 

 

Tham khảo môn chơi tương tự ở các nước khác:

 

Bức tiểu họa của Ba Tư vẽ cảnh các triều thần đang chơi polo, 1546 TCN, (Polo – Wikipedia)

Chơi Golf ở Scotland, 1540

Tranh vẽ môn ‘Chủy hoàn’ ở tỉnh Sơn Tây (Trung quốc), có từ thời Nguyên (1271-1368)

Xem qua các tranh trên, dễ thấy gậy trong phù điêu giống gậy đánh golf của Scotland hay môn Chủy hoàn của Trung quốc, nhưng cưỡi ngựa để chơi môn này thì giống môn Polo của Ba Tư. Ngựa không phải là thú bản địa ở Champa, nên ta có thể hình dung người chơi môn này phải là giới quý tộc, triều thần.

Vì chỉ có một bức duy nhất, lại không có tài liệu lịch sử gì nên người Chăm học môn này từ đâu là câu hỏi không có lời đáp.

Hay nó là một dạng định lý Fermat chăng ?

 

Tháng 4.2021

NTH

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết