PHÚ THỌ, VÙNG ĐẤT TỔ CỦA TỘC VIỆT

PHÚ THỌ, VÙNG ĐẤT TỔ CỦA TỘC VIỆT

với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông
một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông.

(Mùa xuân đầu tiên, Văn Cao)

ĐẤT VÀ NGƯỜI

Hùng Vương, mở nước và dựng nước ở kinh đô Văn Lang, nay thuộc tỉnh Phú Thọ. An Dương Vương, kế tục Hùng Vương, chọn Cổ Loa (nay thuộc Đông Anh, Hà Nội) làm kinh đô.

An Dương Vương Thục Phán, được thần Kim Quy ban nỏ thần. Triệu Đà cho con trai Trọng Thủy sang làm rể để mưu đánh cắp nỏ thần. Mị Châu, trái tim lầm lỡ để trên đầu, nỏ thần vô ý trao tay giặc, nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu (thơ Tố Hữu).

Khi An Dương Vương cưỡi ngựa chở theo Mị Châu chạy ra biển trốn, thần Kim Quy hiện lên bảo, giặc ngồi sau lưng ngươi đó, An Dương Vương quay lại rút kiếm chém chết Mị Châu. Những con trai vùng biển ấy ngậm giọt máu oan khuất của nàng, nếu được rửa bằng nước giếng, nơi Trọng Thủy, gieo mình tự vẫn để theo nàng về chín suối, sẽ trở nên sáng lạ thường. Dân gian kể như vậy, và tôi tin như vậy.

Mênh mông góc bể chân trời

Những người thiên hạ ai người tri âm

Buồn riêng thôi lại tủi thầm

Một duyên hai nợ ba lầm lấy nhau

Nàng không lầm, vì Trọng Thủy đã tự vẫn để chết theo. An Dương Vương và Triệu Đà mới là những người lầm lẫn.

Phú Thọ có hai vùng văn hóa có thể là cái nôi của người Việt cổ: Sơn Vi và Phùng Nguyên.

Tuổi văn hóa Sơn Vi cũng thuộc Phú Thọ: 10.000-30.000 năm ( cũng có giả thuyết đẩy xa hơn, 30.000-50.000 năm).

Văn hóa Sơn Vi là một nền văn hóa ở Việt Nam vào hậu kỳ thời đại đồ đá cũ cách ngày nay khoảng 30 ngàn đến 10 ngàn năm. Đây là nền văn hóa kế trước văn hóa Hòa Bình. Sơn Vi là tên một xã thuộc huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, nơi đầu tiên tìm ra những di chỉ của nền văn hóa này. Đến nay đã có khoảng 160 địa điểm thuộc văn hóa Sơn Vi đã được phát hiện.

 

Không gian của văn hóa Sơn Vi bao trùm các vùng thuộc Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị. Những người nguyên thủy chủ nhân của văn hóa Sơn Vi sống thành từng bộ lạc. Họ chủ yếu sống ngoài trời trên các đồi gò trung du ở trung lưu sông Hồng, thượng lưu sông Lục Nam, thượng lưu sông Hiếu. Chỉ một số ít sống trong hang động, mái đá.

 

Công cụ lao động của người nguyên thủy trong văn hóa Sơn Vi làm từ đá cuội được ghè đẽo thô sơ. Họ sống bằng săn bắn và hái lượm, chưa có trồng trọt và chăn nuôi.

(Wikipedia)

                                                                       

Hiện vật văn hoá Sơn vi

Sưu tập hiện vật đá văn hoá Sơn Vi:

 

 (Hậu kỳ thời đại đồ đá cũ 25 đến 20 nghìn năm cách ngày nay). Hiện vật văn hoá Sơn Vi chủ yếu được sưu tầm qua các đợt điền dã ở Sơn La, Phú Thọ... Đây là những tiêu bản công cụ ghè đẽo từ đá cuội với những loại hình đặc trưng như công cụ ½; ¼ viên cuội; mũi nhọn; chặt thô… Sưu tập hiện vật văn hoá Sơn Vi tuy không nhiều về số lượng nhưng với đầy đủ các loại hình thể hiện một cách cụ thể và tiêu biểu kỹ thuật ghè đẽo, chặt, bổ cuội đặc trưng cho giai đoạn hậu kỳ đá cũ Việt Nam.

(Bảo tàng Nhân học, ĐHQG Hà Nội, https://baotangnhanhoc.org/vi/gioi-thieu/suu-tap-hien-vat-va-mau-vat/17-hin-vt-vn-hoa-sn-vi)

KỸ THUẬT CHẾ TÁC ĐÁ

Đồ đá Sơn Vi còn rất thô sơ, chì ghè đẽo một mặt rồi đem sử dụng, không mài hay tu chỉnh. Hàng vạn năm sau đến thời Hùng Vương tức văn hóa Phùng Nguyên, kỹ thuật đồ đá mới đạt đến đỉnh cao, điêu luyện và tinh xảo. Các di chỉ từ Phùng Nguyên đến Đông Sơn đều tìm thấy nhiều vòng tay, hoa tai, được mài nhẵn, đánh bóng rất đẹp. Nhà sử học Hà Văn Tấn cho biết, khuyên tai đá Phùng Nguyên là nguồn gốc khuyên có mấu của Đông Nam Á. Người thời Hùng Vương đã biết chọn loại đá phù hợp với từng loại hình công cụ, đá cứng làm công cụ sản xuất hay vũ khí, đá mềm hạt mịn làm đồ trang sức. Tác giả Võ Quý nhận xét, “đá làm vòng tay có độ cứng không lớn, có cấu tạo hạt mịn và dẻo, màu đẹp”.

 

 

 

(Đôi nét về đồ đá văn hóa Phùng Nguyên (covattinhhoa.vn) )

 

Phùng Nguyên là tên làng ở xã Kinh Kê, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Tuổi văn hoá Phùng Nguyên: 2000-1500TCN.

Những tiến bộ trong các ngành khảo cổ học, dân tộc học và nhất là di truyền học đã dẫn đến hai luồng ý kiến khác nhau về nguồn gốc tộc Việt mà cụ thể là hai nền văn hóa Phùng Nguyên và Đông Sơn.

 

Người Việt nguồn gốc từ người cổ rời khỏi châu Phi, tới vùng Đông Nam Á qua ngã Nam Á vào hai đợt cách ngày nay 60.000 và 30.000 năm trước, tại đây họ xây dựng nền văn hoá Hòa Bình.

Cách ngày nay 33.000 đến 20.000 năm, đã diễn ra đợt băng hà lớn cuối cùng, khiến mực nước biển xuống thấp ở mức 120-130mét, làm lộ ra vùng đồng bằng rộng lớn ở vịnh Bắc bộ và vùng thềm lục địa phía Nam Việt Nam, hình thành nên nơi sinh sống thuận lợi cho cả người cổ Hoà Bình trên núi và người ở vùng đồng bằng. Nghiên cứu di truyền của lúa nước đã xác định lúa được thuần hóa cách nay 10.000 năm tại vùng đồng bằng sông Châu (tỉnh Quảng Tây, Trung quốc) và có lẽ cư dân Bắc bộ đã học được cách trồng lúa này.

Tới đây thì có hai quan điểm:

Người cổ bản địa ở Bắc bộ phát triển từ văn hóa Hoà Bình đến  Phùng Nguyên và kế tiếp là Đông Sơn. Nền văn hóa Phùng Nguyên và Đông Sơn là văn hóa bản địa.

 Quan điểm thứ hai cho rằng tới thời điểm 12.000 năm cách ngày nay, nước biển dâng trở lại làm người cổ Đông Nam Á mất đất sống. Họ phải di cư lên phía bắc tìm nơi ở mới, tới vùng trung lưu và hạ lưu sông Dương Tử, một số còn đi xa hơn, tận vùng bắc Đông Á, vùng đồng bằng sông Hoàng Hà.

(Đợt biển dâng này có lẽ là trận Đại Hồng thủy mà Kinh thánh ghi nhận lại, cũng còn phảng phất trong truyện cổ tích của rất nhiều dân tộc trên khắp thế giới).

Cách nay 5.300 năm, cư dân bắc Đông Á di dân về vùng Động Đình, Dương Tử hình thành nên tộc Việt. (Thế nên mới có chuyện Nguyễn Trãi soạn Đư Địa chí có ghi: nước ta mở nước có núi có sông, phía đông giáp bể, phía tây giáp Thục, phía nam tới Chiêm Thành, phía bắc tới Hồ Động Đình và vua Quang Trung định khởi binh đòi lại đất hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây. Các huyền thoại, truyền thuyết, cổ tích nhắc đến gốc tích dân tộc Việt ở Hồ Động Đình đã được khoa học chứng minh).

Rồi đến 4.000 năm cách ngày nay xảy ra nạn hạn hán lớn làm tộc Việt phải tiếp tục di dân làm hai đợt: cách ngày nay 4.000 năm hình thành văn hóa Phùng Nguyên, đợt hai cách ngày nay 2.700 năm hình thành văn hóa Đông Sơn. Nền văn hóa Phùng Nguyên và Đông Sơn không mang tính bản địa.

(Lang Linh, Khảo cứu về nền văn hóa Đông Sơn, https://luocsutocviet.wordpress.com/2020/10/11/502-khao-cuu-ve-nen-van-hoa-dong-son/)

 

 

ĐỒ GỐM

Đồ gốm Phùng Nguyên hầu hết đều là đồ dùng trong sinh hoạt, như đồ đựng và nấu: bát, đĩa, nồi, bình, vò…Sử dụng kỹ thuật bàn xoay với hoa văn trang trí đơn giản, hình tròn đồng tâm, chữ S, đường thẳng song song, đối xứng…

Đồ gốm cổ Việt Nam ra đời khoảng 10.000 năm trước, trong văn hóa Hòa Bình – Bắc Sơn và đến giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên, kỹ thuật chế tác đồ gốm đã đạt đến đỉnh cao cả về kỹ thuật và nghệ thuật. Phùng Nguyên là tên một nền văn hóa tiền Đông Sơn nổi tiếng, phân bố trên một vùng khá rộng ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Tên gọi của nền văn hóa này được lấy từ tên của một di chỉ khảo cổ học: di chỉ Phùng Nguyên (xã Kinh Kệ, Lâm Thao, Phú Thọ) được phát hiện từ năm 1959.

 

 

 

 (219. Hoa văn trang trí trên đồ gốm Phùng Nguyên – Lược Sử Tộc Việt (wordpress.com) )

 

Phú Thọ là quê hương những cây công nghiệp danh tiếng: cọ, sơn.

Nón quai thao, loại nón đặc trưng của người Việt, làm từ nguyên liệu chính là lá cọ. Đây là loại nón đẹp và sang trọng, các bà các cô chỉ đội hoặc mang trong những dịp lễ tết, hội hè.

 

Chiếc nón quai thao thường có kích thước khá lớn, đường kính mặt nón ước chừng 70-80 cm, che rợp cả khuôn mặt người đội, tạo nên một không gian rộng, thoáng và mát. Mặt phẳng trên nón lợp lá gồi hoặc lá cọ, sát phía dưới là thành nón cao độ 10-12 cm. Giữa nón gắn một vành tròn như nắp tráp vừa đầu đội cao khoảng 8 cm, gọi là cái “khua”. Khua cần phải cứng để chịu đựng được nón nặng.  Khua nón làm công phu lắm: Nó là những sợi tre nhỏ chuốt bóng khâu lại với nhau bằng chỉ tơ nhiều màu sắc. Những sợi chỉ đan chéo nhau thành hình hoa lá, chim muông thật đẹp mắt. 

(dec.edu.vn/243/NON-QUAI-THAO-%E2%80%93-DI-SAN-VAN-HOA-VIET)

Sơn, hay cây sơn ta Phú Thọ rất nổi tiếng. Đây là cây công nghiệp và đừng lầm với cây sơn hay cây mật gấu dùng trị mụt trị nám da…  Sơn để làm gì? Để làm sơn chứ làm gì nữa. Là chất liệu chính tạo thành một thể loại tranh riêng biệt: tranh sơn mài. Nổi tiếng nhất là bức Vườn xuân Trung Nam Bắc của Họa sĩ Nguyễn Gia Trí.

Nguyễn Gia Trí – Vườn xuân Trung Nam Bắc. 1970-1989. Sơn mài. 200x540cm (trích mảng giữa). Bảo tàng Mỹ thuật Tp. HCM (Ảnh chụp năm 2003)

 

Phú Thọ có một ngã ba rất nổi tiếng, ngã ba Hạc hay ngã ba Bạch Hạc. Đó là nơi tụ hội của ba dòng sông: sông Lô, sông Đà và sông Thao.

Trong Hồi ký, học giả Nguyễn Hiến Lê nhắc đến ngã ba Bạch Hạc với nhiều nỗi nhớ. Trích đôi dòng ở đây:

 

Sông Hồng và sông Đà cơ bản chảy song song theo hướng tây bắc - đông nam. Sông Đà khúc chót đổi hướng, chảy từ nam lên bắc, đổ vào sông Hồng. Nơi Hồng gặp Đà là ngã ba Trung Hà. Sông Hồng tiếp tục chảy khoảng mười cây số nữa thì gặp sông Lô. Nơi Hồng gặp Lô là ngã ba Bạch Hạc.

Ngã ba Bạch Hạc mùa lũ rộng mênh mông chắc do cù lao giữa sông chìm mất nhiều hơn là do tràn bờ? “Cây gạo cổ thụ (...) cùng với nhà cửa ở Việt Trì nhô lên lần lần”. Nhớ Sơn Nam cũng có lần viết: “Sông Cửu Long, mùa nước nổi (...) sông rộng, mặt nước như nổi vồng lên, rặng dừa bên kia bị khuất gốc chỉ thấy ngọn”.(1)

“Tản Đà” tiêu biểu cho Hà Tây. “Tản Hồng” tiêu biểu cho Bắc bộ, cho cả nước Việt Nam (vì Bắc bộ là đất gốc của dân tộc Việt Nam).



(1) Một mảnh tình riêng (hồi ký), nxb. Văn Nghệ TPHCM, VN, 2000, tr. 100.

 

 




Một cảnh nữa (cảnh trên là núi Ba Vì) tôi cũng lưu luyến là cảnh sông Hồng ở bến đò Vân Sa qua Việt Trì. Phải qua sông vào mùa nước lũ – tháng 6 tháng 7 âm lịch – mới thấy được sự bát ngát, hùng vĩ của núi sông. Mùa đó, chỗ ngã ba Bạch Hạc này – một nơi danh tiếng trong lịch sử - mênh mông có tới ba cây số. Nước chảy băng băng và ta liên tưởng tới câu “Đại giang đông khứ” của Tô Đông Pha. Chiếc thuyền thúng bập bồng trên sóng, không khác chi một cánh bèo. Phải ngược dòng một khúc xa rồi mới qua sông, có khi mất hai giờ mới tới bờ bên kia. Cây gạo cổ thụ, trơ trọi, gốc lớn không biết mấy ôm, cùng với nhà cửa ở Việt Trì nhô lên lần lần. Cảnh ở đây sao hợp với cảnh trước Phượng Hoàng đài ở Kim Lăng thế:

“Tam Sơn bán lạc thanh thiên ngoại,
Nhị thủy trung phân Bạch Lộ châu.”
 (Lý Bạch)

“Ba non rớt nửa ngoài trời biếc,
Hai nước chia đôi bãi Lộ bồi.”

Cũng hai dòng nước: dòng sông Đà nước trong veo và dòng sông Hồng cuồn cuộn nước đỏ như son; cũng một bãi cò trắng (bạch lộ), tức bãi Vân Sa chạy lên tới Chiểu Dương, nơi có một vườn vải danh tiếng nằm sát bờ sông; còn núi thì phía tây nam có ba ngọn núi Tản, phía bắc có ngọn núi Hùng. Kim Lăng là cố đô của Trung Hoa, thì đây, trên bờ con sông Hồng có làng Cổ Đô (không rõ là kinh đô thời nào), lại có huyện Bạch Hạc, xưa là đất Phong Châu, nơi Hùng Vương đóng đô. Nỗi hoài cổ của ta bát ngát như dòng sông.

Sông Hồng và núi Tản thật hùng vĩ xứng nhau, mà lại ở gần nhau như vậy thì đây chính là đất thiêng của dân tộc; tổ tiên ta lựa nơi đây làm nơi phát tích, dòng giống tất trường cửu và uy hùng như sông núi.


(Trích 
Hồi ký Nguyễn Hiến Lê, nxb. Văn Học, 1992)

 

Ngã ba này đã đi vào văn học với bài phú của tiến sĩ Nguyễn Bá Lân (thời vua Lê-chúa Trịnh):

 

Vui thay! Ngã ba Hạc;
Vui thay! Ngã ba Hạc.

Dưới họp một dòng;
Trên chia ba ngác.

Ngóc ngách khôn đo rộng hẹp, dòng biếc lẫn dòng đào; Lênh lang dễ biết sâu nông, nước đen pha nước bạc.

Nhớ xưa:
Vũ trụ mơ màng;
Càn khôn xếch xác.

Vua Bàn Cổ khai lò tạo hoá, hồng mông đà phơi phới hơi xuân;
Họ Hữu Ngu khơi mạch sơn hà, cương giới vẫn rành rành dấu tạc.

Vậy có:
Nắm đất Đoài phương;
Cạnh giời Nam quốc.

Ba góc bờ chia vành vạnh, huyệt kim quy hẻm đá rộng hông hênh;
Hai bên cỏ mọc lâm dâm, hang anh vũ giữa dòng sâu huếch hoác.

Mọi thú mọi vui;
Một chiều một khác.

Lơ thơ đầu ông Lã thả cần;
Trần trụi mặc Chử Đồng ngâm nước.

Bè khách thương bạ bến, cắm neo quỳ gối lắc cày xuôi;
Thuyền ngư phủ thuận dòng, giương nách khom lưng chèo tếch ngược.

Dùi điểm thùng thùng trống gọi, cửa tuần ty rộn rã khách chen vai;
Chày đâm văng vẳng chuông đưa, nền Phật tự lao xao người rén bước.

Khác gì:
Những chốn Tiêu Tương;
Đồ Tranh thuỷ mặc.

Trên lọ phải vén quần vua Tống, ra sức anh uy;
Dưới cũng vỗ bụng giời Nghiêu, dắng ca canh tạc.

Ta nay:
Qua miền Tam Đái, dứt dải sông lô;
Thấy ngã ba Hạc vui thay, làm chơi một đạc.

Ai hữu tình ngắm lại mà coi;
Kể làm cực nhân sinh chi khoái lạc.


Ngã ba Hạc là chỗ hợp lưu của ba sông là sông Đà (hoặc sông Bờ), sông Lô (hoặc sông Tuyên) và sông Nhị Hà, ở giáp huyện Bạch Hạc (nay thuộc Vĩnh Yên).

Nguồn: Việt Nam thi văn hợp tuyển, Dương Quảng Hàm, Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, Hà Nội, 1951

 

Và đây sông Lô:

Sông Lô sóng ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u.
Thu ru bến sóng vàng từng nhà mờ biếc chìm một màu khói thu
Sông Lô, sóng ngàn kháng chiến cháy bờ lau thưa đã tàn thôn trang
Ai qua bến nắng hồng lặng nhìn màu nước sông Lô xưa.

(Trường ca Sông Lô, Văn Cao)

 

Sông Lô bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) với tên gọi Bàn Long Giang. Sông chảy vào Việt Nam bắt đầu từ xã Thanh Thủy (huyện Vị Xuyên – tỉnh Hà Giang). Sông chảy qua địa bàn tỉnh Hà Giang, tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc và hòa dòng với sông Hồng tại ngã ba Bạch Hạc – Việt Trì. Sông Lô dồi dào phù sa, lưu lượng nước lớn, với nhiều loài tôm cá và khoáng sản trữ lượng lớn, vốn là nguồn lực nuôi sống bao thế hệ người dân hai ven bờ.

Trước kia, sông Lô là một trong những con đường giao thương thuận lợi chuyên chở hàng hóa xuôi ngược. Nhất là vào dịp cuối năm, những chuyến tàu chở hàng Tết tấp nập nối đuôi nhau như cánh én thắp lên ngọn lửa xuân thì. Về sau này, đường bộ được đầu tư xây dựng khang trang, thời gian vận chuyển được cắt giảm đáng kể nên các lái buôn chuyển qua hình thức vận tải khác, dòng sông bớt đi phần nào náo nhiệt cảnh trên bến dưới thuyền.

 

Nơi ngã ba sông huyền thoại này có ngôi đền Tam Giang, xây từ thế kỷ VII. Tương truyền vào buổi đầu dựng nước, Lạc Long Quân từ trên núi Nghĩa Lĩnh nhìn về phương Nam thấy ba con sông hợp lưu với bãi phù sa trù phú, có đàn hạc đậu trắng một vùng nên gọi đó là Bạch Hạc – nơi đất lành chim đậu, nơi lan tỏa vượng khí núi sông. Đền thờ Đức Thánh Hạc (Thổ Lệnh Đại vương), đức thánh Bà (Quách A Nương), đức ông Sáu (Trần Nhật Duật). Đây là ba vị thần nhân có công cứu giúp dân, đánh giặc giữ nước, và khi thác, các thần đều phù hộ cho quốc thái dân an. Thuở sinh tiền, Thổ Lệnh đại vương chữa bệnh giúp dân nghèo, chống bão lụt, thống thủy binh đánh giặc giữ nước. Quách A Nương chiêu binh mãi mã theo Hai Bà Trưng đánh quân Hán xâm lược. Trần Nhật Duật, suốt 30 năm giữ phòng tuyến Tam Giang Bạch Hạc chống quân Mông cổ.

Thần thoại thờ Hùng Vương có vô số thần linh, thần núi và thần nước đương nhiên là hai vị nổi tiếng nhất.

Tản Viên là thần của các tỉnh Sơn Tây, Vĩnh Yên, Phú Thọ. Theo địa bạ thời Gia Long, làng Giáp Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây đã dâng 278 mẫu ruộng để thờ thần Tản Viên. Trong thời kỳ hiện đại, vào năm 1902, lần đầu tiên Muselier - Công sứ Pháp tại Sơn Tây - đã xâm nhập vào vùng núi này (hiện nay, Ba Vì, có núi Tản Viên đã thuộc Hà Nội).

Thần núi Tản Viên là vị thần quan trọng nhất của người Việt (còn gọi là Tản Viên Sơn thánh, Sơn tinh hay Thanh Sơn đại vương), một trong tứ bất tử (ba vị kia là Phù Đổng thiên vương hay Thánh Gióng, Chữ Đồng tử và Liễu Hạnh công chúa hay Mẫu Thượng thiên).

Từ vị thần núi, Tản viên sơn thần trở thành Sơn thánh, làm rể Hùng Duệ Vương, quản lĩnh quân binh chống lại Thục chúa. Lai lịch Tẩn viên có chép ở Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh tập.

Truyền thuyết phổ biến nhất cuộc hôn nhân Sơn tinh-Ngọc Hoa mà dân gian thường gọi là Sơn tinh-Thủy tinh. Nguyễn Nhược Pháp kể chuyện này bằng bài thơ cực kỳ duyên dáng:

Ngày xưa, khi rừng mây u ám
Sông núi còn vang um tiếng thần,
Con vua Hùng Vương thứ mười tám,
Mỵ Nương, xinh như tiên trên trần.
Tóc xanh viền má hây hây đỏ,
Miệng nàng hé thắm như san hô,
Tay ngà trắng nõn, hai chân nhỏ:
Mê nàng, bao nhiêu người làm thơ.
Hùng Vương thường nhìn con yêu quá,
Chắp tay ngẩng lên giời tạ ân;
Rồi cười bảo xứng ngôi phò mã,
Trừ có ai ngang vì thần nhân.
Hay đâu thần tiên đi lấy vợ!
Sơn Tinh, Thuỷ Tinh lòng tơ vương,
Không quản rừng cao, sông cách trở,
Cùng đến Phong Châu xin Mỵ Nương.

Sơn Tinh có một mắt ở trán,
Thuỷ Tinh râu ria quăn xanh rì.
Một thần phi bạch hổ trên cạn,
Một thần cưỡi lưng rồng uy nghi.
Hai thần bên cửa thành thi lễ,
Hùng Vương âu yếm nhìn con yêu.
Nhưng có một nàng mà hai rể,
Vua cho rằng thế cũng hơi nhiều!
Thuỷ Tinh khoe thần có phép lạ,
Dứt lời, tay hất chòm râu xanh,
Bắt quyết hò mây to nước cả,
Dậm chân rung khắp làng gần quanh.
Ào ào mưa đổ xuống như thác,
Cây xiêu, cầu gẫy, nước hò reo,
Lăn, cuốn, gầm, lay, tung sóng bạc,
Bò, lợn, và cột nhà trôi theo.
Mỵ Nương ôm Hùng Vương kinh hãi.
Sơn Tinh cười, xin nàng đừng lo,
Vung tay niệm chú. Núi từng dải,
Nhà lớn, đồi con lổm cổm bò
Chạy mưa. Vua tuỳ con kén chọn.
Mỵ Nương khép nép như cành hoa:
“Con đây phận đào tơ bé mọn,
Nhân duyên cúi để quyền mẹ cha!”
Vua nghĩ lâu hơn bàn việc nước,
Rồi bảo mai lửa hồng nhuốm sương,
Lễ vật thần nào mang đến trước,
Vui lòng vua gả nàng Mỵ Nương.

II

Bình minh má ửng đào phơn phớt,
Ngọc đỏ rung trên đầu lá xanh.
Ngọn liễu chim vàng ca thánh thót,
Ngự giá Hùng Vương lên mặt thành.
Mỵ Nương bên lầu son tựa cửa,
Rèm ngọc lơ thơ phủ áo hồng.
Cánh nhạn long lanh vờn ánh lửa,
Mê nàng, chim ngẩn lưng giời đông.

Rừng xanh thả mây đào man mác,
Sơn Tinh ngồi bạch hổ đi đầu
Mình phủ áo bào hồng ngọc dát,
Tay ghì cương hổ, tay cầm lau.
Theo sau năm chục con voi xám
Hục hặc, lưng cong phủ gấm điều,
Tải bạc, kim cương, vàng lấp loáng,
Sừng tê, ngà voi và sừng hươu.
Hùng Vương trên mặt thành liễu rủ,
Hớn hở thần trông, thoáng nụ cười.
Thần suốt đêm sao dài không ngủ,
Mày ngài, mắt phượng vẫn còn tươi.

Sơn Tinh đến lạy chào bên cửa,
Vua thân ngự đón nàng Mỵ Nương.
Lầu son nàng ngoái trông lần lữa,
Mi xanh lệ ngọc mờ hơi sương.
Quỳ lạy cha già lên kiệu bạc,
Thương người, thương cảnh xót lòng đau.
Nhìn quanh, khói toả buồn man mác,
Nàng kêu: “Phụ vương ôi! Phong Châu!”
Kiệu nhỏ đưa nàng đi thoăn thoắt,
Hùng Vương mơ, vịn tay bờ thành.
Trông bụi hồng tuôn xa, xa lắc,
Mắt nhoà lệ ngọc ngấn đầm quanh…

Thoảng gió vù vù như gió bể,
Thuỷ Tinh ngồi trên lưng rồng vàng.
Yên gấm tung dài bay đỏ choé,
Mình khoác bào xanh da giời quang.
Theo sau cua đỏ và tôm cá,
Chia đội năm mươi hòm ngọc trai,
Khập khiễng bò lê trên đất lạ,
Trước thành tấp tểnh đi hàng hai.
Hùng Vương mặt rồng chau ủ rũ,
Chân trời còn phảng bóng người yêu,
Thuỷ Tinh thúc rồng đau kêu rú,
Vừ uất vì thương, vừa bởi kiêu.
Co hết gân, nghiến răng, thần quát:
“Giết! Giết Sơn Tinh hả hờn ta!”
Tức thời nước sủi reo như thác,
Tôm cá quăng ngọc trai mà hoa.

III

Sơn Tinh đang kèm theo sau kiệu,
Áo bào phơ phất nụ cười bay.
(Vui nhỉ mê ai xinh, mới hiểu)
Thần trông kiệu nhỏ, hồn thêm say.
Choàng nghe sóng vỗ, reo như sấm,
Bạch hổ dừng chân, lùi, vểnh tai.
Mỵ Nương tung bức rèm đỏ thắm,
Sơn Tinh trông thấy càng dương oai.
Sóng cả gầm reo lăn như chớp,
Thuỷ Tinh cưỡi lưng rồng hung hăng.
Cá voi quác mồm to muốn đớp,
Cá mập quẫy đuôi cuồng nhe răng.
Càng cua lởm chởm giơ như mác;
Tôm kềnh chạy quắp đuôi xôn xao.
Sơn Tinh hiểu thần ghen, tức khắc
Niệm chú, đất nẩy vù lên cao.
Hoa tay thần vẫy hùm, voi, báo.
Đuôi quắp, nhe nanh, giơ vuốt đồng,
Đạp long đất núi, gầm xông xáo,
Máu vọt phì reo muôn ngấn hồng.
Mây đen hăm hở bay mù mịt,
Sấm ran, sét động nổ loè xanh.
Tôm cá xưa nay im thin thít,
Mở quác mồm to kêu thất thanh.
Mỵ Nương kinh hãi ngồi trong kiệu,
Bỗng chợt nàng kêu mắt lệ nhoà.
(Giọng kiêu hay buồn không ai hiểu,
Nhưng thật dễ thương): “Ô! Vì ta!”

Thuỷ Tinh năm năm dâng nước bể,
Đục núi hò reo đòi Mỵ Nương.
Trần gian đâu có người dai thế,
Cũng bởi thần yêu nên khác thường!

4-1933

 

Nguyễn Tuân, trong Vang bóng một thời, cũng kể lại trong tiểu truyện Trên đỉnh non Tản với hai câu ca dao mở đầu:

 

Núi cao sông hãy còn dài

Năm năm báo oán đời đời đánh ghen

 

Nguyễn Nhược Pháp nhìn thần yêu rất dí dỏm: khác thường. Còn dân gian thấy thần chẳng khác người thường: năm năm báo oán đời đời đánh ghen.

Núi Tản sông Đà còn là quê hương của nhà thơ Tản Đà, tác giả những bài thơ Cảm thu_Tiễn thu hay Thề non nước đi vào văn học sử. Ông cũng là người dịch bài thơ Hoàng hạc lâu của Thôi Hiệu đời Đường. Cả nguyên tác lẫn bản dịch đều là thơ của tiên, của thánh:

 

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du.
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

 

Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?
Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ.
Hạc vàng đi mất từ xưa,
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay.
Hán Dương sông tạnh cây bày,
Bãi xưa Anh Vũ xanh dày cỏ non.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn.
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?

 

Hay đến nỗi đọc xong ta lại muốn ngâm nga lần nữa :

Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

Quê hương khuất bóng hoàng hôn.
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?

Có phải là cảm hứng để nhạc sĩ Văn Cao viết:

với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông
một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông.

 

VĂN HỌC DÂN GIAN

Đó là những truyện về nguồn gốc trời đất và muôn loài, về buổi khai mạc của vũ trụ : truyện về thần trụ trời, thần xây núi, thần trồng cây, thần đào sông, thần làm sao, thần tát biển...như câu hát còn ghi lại :

...Ông Đếm cát / Ông Tát bể
Ông Kể sao / Ông Đào sông
Ông Trồng cây / Ông Xây núi
Ông Túi trời / Ông Cời cua
Ông Lùa chim / Ông Tìm sâu
Ông Xâu cá....

 

 

Vài mẩu cổ tích thế sự và chuyện làng, trích từ Địa chí Vĩnh Phú, Văn hóa dân gian vùng đất tổ (1986) :

Truyện Cao Biền yểm đất:

Cao Biền là thầy địa lý được vua Đường Ý Tông phái sang cai trị Giao Châu nhằm triệt phá hào khí anh linh nước ta.

Làng Sơn Dương nằm trên mảnh đất hình Bạch Mã, và thôn Phùng Nguyên (thuộc xã Kinh Kệ) là đầu ngựa, Sơn Dương là cổ và yên ngựa còn thôn Tứ Xã là đuôi ngựa. Bên con ngựa có dải đất chạy dài, theo phong thủy đó là  lưỡi gươm nên địa lý Sơn Dương có tên “Sơn Dương mã kiếm đề”, đất dụng võ.

Để triệt, Cao Biền cho yểm bùa và đào hai cái giếng đúng vào mũi gươm và yên ngựa. Ngựa không yên, không kỵ sĩ, gươm cụt mũi tất không dùng được. Sau dân làng lấp hai hố ấy đi.

Truyện Tàu để của:

Làng Sơn Dương có một Hoa kiều ngụ cư buôn bán. Hắn hỏi một cô gái xinh đẹp nhà nghèo trong làng làm nàng hầu. Một hôm hắn nói đưa nàng về Tàu. Biết nguy, cô mang theo một ít vừng. Hắn đưa cô đến một cái gò nổi giữa đồng, xô cô xuống hầm đào sẵn, cho ngồi lên cỗ ngai sơn son thếp vàng. Hắn cho cô ngậm sâm, gắn miệng cô bằng nhựa trám, khấn vái phong cô làm thần giữ của.

Sau cô chết vì gia đình không tìm hạt vừng cô rắc trên đường đi.

Văn hóa dân gian cũng ghi nhận các lối hát Xoan, hát Ghẹo, hát Ví giao duyên.

Truyền rằng nghệ thuật hát Xoan có từ thời Hùng Vương dựng nước. Sự tích hát Xoan như sau:

“ Vợ vua Hùng mang thai đã lâu, đau bụng mãi mà không đẻ được. Có người tâu có nàng Quế Hoa xinh đẹp múa giỏi hát hay, đón nàng về múa hát có thể làm đỡ đau sinh nở được.

Quế Hoa theo lời triệu đến chầu. Nàng môi đỏ, mắt trong, tóc dài da trắng, giọng ca trong vắt như chim, tay uốn, chân đưa. Vợ vua mãi nghe hát, xem múa, không thấy đau, sinh được ba người con trai khôi ngô tuất tú.

Vua Hùng vui mừng, khen ngợi và bảo các mị nương học lấy. Lúc Quế Hoa vào chầu là mùa Xuân, nên điệu hát ấy gọi là hát Xoan.

Hát Ghẹo là hình thức hát nước nghĩa trong dịp hội làng giữa người Kinh và người Mường. Nguyên xưa làng Nam Cường bị cháy ngôi đình thờ nữ tướng Xuân Nương nên phải cử trai tráng lên rừng tìm gỗ về dựng lại. Khi đóng bè thả gỗ về tới thác Thần, thuộc địa phận làng Hùng Nhĩ thì mắc cạn. Các cô gái Mường ở làng Hùng Nhĩ đi hái măng bắt gặp mới nói rằng, đây là thác Thần, bè nào qua cũng bị mắc cạn, cứ hát là thần cho qua. Thế là trai Nam Cường , gái Hùng Nhĩ cứ hát đối đáp nhau, và bè cứ nhích dần xuôi về bến đậu.

Từ đó hình thành lối hát Ghẹo hay hát ‘nước nghĩa’ ( có lẽ lấy ý rằng từ lời ca tiếng hát trên dòng nước mà nên nghĩa).

Hát Ví giao duyên thường là những mẩu chuyện vui về ví. Chẳng hạn như chuyện dưới đây:

Một cô gái xinh tươi quang gánh đi qua chợ huyện. Có anh lính lệ đứng chơi ở chợ huyện nắm quang gánh lại buông lời chòng ghẹo, cô đốp chát “…có cái ba vạn đây này, chợ trưa dưa héo còn đùa mãi”. Anh lính bị bẽ mặt chốn đông người, nắm chặt tay cô gái bắt phải hát ví câu “ba vạn” mới cho đi. Cô mỉm cười, suy nghĩ rồi cất tiếng:

Ba vạn là chín nghìn người,

Đôi bên hàng xứ đứng cười đôi ta.

Anh lính thích hai chữ “đôi ta” quá, buông tay cho cô vào chợ.

 

MỸ THUẬT ĐÔNG SƠN

Mỹ thuật Đông Sơn để lại cho muôn đời sau những giá trị độc đáo sau đây:

Tính bản địa: một nền nghệ thuật mang tính gốc rễ, không lai tạp với bất kỳ nền văn hóa nào. (Nhưng yếu tố này vẫn còn tranh cãi).

Phản ảnh tâm hồn và con người thời đại: tính hồn nhiên, lòng yêu thiên nhiên, cuộc sống và tinh thần thượng võ.

Ý thức cộng đồng: các hình chạm khắc trên trống đồng có rất nhiều hình chim thú, và những con người tập hợp thành từng nhóm, không riêng lẻ, Đó là những đoàn người múa hát, chèo thuyền, phóng lao, cùng nhìn về hướng mặt trời…

(Địa chí Vĩnh Phú, văn hoá dân gian vùng đất tổ)

(Tác giả Lang Linh cho rằng văn hoá Đông Sơn và tiền thân của nó, văn hóa Phùng Nguyên không mang tính “bản địa”, vì do hai đợt di dân từ vùng Dương Tử, hồ Động Đình mang về: https://luocsutocviet.wordpress.com/2020/10/11/502-khao-cuu-ve-nen-van-hoa-dong-son/)

Cổ vật văn hóa Đông Sơn rất tinh xảo, đa dạng về loại hình và có kiểu dáng rất đặc trưng, có ảnh hưởng rộng lớn trong vùng Đông Á và Đông Nam Á. [Nguồn cổ vật: Martin Doustar, BST Phạm Lan Hương, BST Bảo tàng Barbier-Mueller, Bảo tàng Guimet, Bảo tàng Dân tộc học Vienna, Áo.]

(502. ? Khảo cứu về nền văn hóa Đông Sơn – Lược Sử Tộc Việt (wordpress.com) )

 

KỸ THUẬT CHẾ TÁC ĐÁ

Đồ đá Sơn Vi còn rất thô sơ, chì ghè đẽo một mặt rồi đem sử dụng, không mài hay tu chỉnh. Hàng vạn năm sau đến thời Hùng Vương tức văn hóa Phùng Nguyên, kỹ thuật đồ đá mới đạt đến đỉnh cao, điêu luyện và tinh xảo. Các di chỉ từ Phùng Nguyên đến Đông Sơn đều tìm thấy nhiều vòng tay, hoa tai, được mài nhẵn, đánh bóng rất đẹp. Nhà sử học Hà Văn Tấn cho biết, khuyên tai đá Phùng Nguyên là nguồn gốc khuyên có mấu của Đông Nam Á. Người thời Hùng Vương đã biết chọn loại đá phù hợp với từng loại hình công cụ, đá cứng làm công cụ sản xuất hay vũ khí, đá mềm hạt mịn làm đồ trang sức. Tác giả Võ Quý nhận xét, “đá làm vòng tay có độ cứng không lớn, có cấu tạo hạt mịn và dẻo, màu đẹp”.

 

 

 

 

 

 

ĐỒ GỐM

Đồ gốm Phùng Nguyên hầu hết đều là đồ dùng trong sinh hoạt, như đồ đựng và nấu: bát, đĩa, nồi, bình, vò…Sử dụng kỹ thuật bàn xoay với hoa văn trang trí đơn giản, hình tròn đồng tâm, chữ S, đường thẳng song song, đối xứng…

 

ĐỒ ĐỒNG

Đồ đồng đạt tới đỉnh cao mang tên văn hóa Đông Sơn. Đông Sơn là tên làng ở Thanh Hóa nơi phát hiện những đồ đồng tuyệt đẹp mà tiêu biểu là trống đồng Ngọc Lũ.

Văn hóa Đông Sơn là văn hóa có đặc trưng đồ đồng tinh xảo và rất đa dạng về loại hình, cổ vật được đúc và sử dụng cho nhiều mục đích: đồ vật sử dụng trong lễ tế như trống, thạp, chuông, rìu, lư hương…; dụng cụ lao động như lưỡi cày, cuốc, đục, rìu…; vũ khí như lao, qua, kiếm, mũi tên… Các cổ vật thể hiện trình độ và tri thức rất phát triển của văn hóa Việt thời kỳ này với kỹ thuật đúc và tạo hình vượt trội, các loại hình cổ vật đều có tính đặc trưng cao.

(502. ? Khảo cứu về nền văn hóa Đông Sơn – Lược Sử Tộc Việt (wordpress.com) )

 

Hình thuyền trên thân trống đồng Ngọc Lũ.

(Ý nghĩa những hình vẽ trên bề mặt trống đồng Ngọc Lũ – VLOS (thuvienkhoahoc.com) )

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

KIẾN TRÚC

Nhà sàn là kiến trúc tiêu biểu cho vùng đất này. Đất đồi, gò, nhiều rừng rậm, lắm thú dữ, nắng lắm mưa nhiều, nên nhà sàn là thích hợp nhất, xem hình khắc trên trống đồng, ta chỉ thấy nhà sàn. Sách Lĩnh Nam chích quái chép: “Buổi đầu dựng nước, đồ ăn của dân chưa đủ, lấy vỏ cây làm áo, dệt cói làm chiếu, lấy hèm gạo làm rượu, lất bột quang lang làm bánh, lấy thịt chim muông, cá tôm làm bánh, lấy gừng làm muối, cấy bằng dao. Đấ nhiều gạo nếp, lấy ống tre nấu cơm, gác gỗ làm nhà để tránh hổ lang ăn thịt.”

Có hai kiểu nhà sàn, một kiểu mái cong hình mui thuyền, sàn thấp, đuôi mái gối sát sàn nhà, và nhà không có vách. Kiểu thứ hai hơi võng giữa, hai mái đổ xuống hai bên.

Kiểu kiến trúc này có thể là tiền thân cho mái đình làng quen thuộc của người Việt sau này. Đình làng to, rộng, để đủ chỗ cho các cụ và dân bàn việc làng. Vì to, rộng nên có thành ngữ chuyện tày đình hay to tày đình.

(Địa chí Vĩnh Phú, văn hóa dân gian vùng đất tổ)

Trong mỹ thuật thời đại Hùng Vương chưa thấy xuất hiện những hình tượng quái đản, những cảnh tượng dữ dội, những nhân vật quyền uy (thần, vua...) như trong nghệ thuật một số quốc gia phương Đông cổ đại như ở Ấn Độ, Ai Cập, Lưỡng Hà, cũng chưa thấy xuất hiện những hình mẫu mang tính chất thần thoại, huyền bí lối thao thiết như trong nghệ thuật thời đại đồ đồng ở Trung Quốc. Ở nền nghệ thuật thời đại dựng nước, luôn luôn nổi bật tính chất bình dị, hiện thực phóng khoáng về cuộc sống dân chủ bình đẳng của cộng đồng làng chạ Việt cổ.

(Lê Văn Hảo, Hành trình về thời đại Hùng Vương dựng nước)

Xem thêm một số đồ đồng đồ gốm của Ai Cập, Trung Hoa, Hy Lạp xưa, ta sẽ hiểu thêm về nhận xét trên của nhà nghiên cứu Lê Văn Hảo:

AI CẬP

( Egyptian Art in the Age of Pyramids)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

TRUNG HOA

 

 

 

 

(The Great Bronze Age of China)

 

 

 

 

 

 

 

 

HY LẠP

 

 

(Greek Bronzes and Greek Vase Painting)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tên gọi Cổ Loa:

Các cụ già ở Cổ Loa gọi làng mình bằng cái tên cổ kính của nó là chạ Chủ, gọi cánh đồng Cổ Loa là cánh đồng Chủ, thành Cổ Loa là thành Chủ, vua Thục An Dương là vua Chủ, đền Thượng thờ vua là đền Chủ và ngày hội mồng 6 tháng giêng là hội đền Chủ. Cám ơn các vị bô lão ấy đã giúp chúng ta tìm ra được từ nguyên của địa danh Cổ Loa . Dựa trên phương pháp của ngữ âm học lịch sử, chúng ta biết rằng Chủ xưa đọc là Trủ, mà trước thế kỷ XVIII, âm tr trong tiếng Việt cũng đọc là bl hay kl. Vậy Chủ hay Trủ đã được đọc là Blủ hay Klủ, từ đó nó được phiên âm chữ Hán là Khả Lũ, rồi được đổi thành Kim Lũ, được đọc là Kẻ Chủ, Kẻ Lủ và cuối cùng là Cổ Loa.

(Lê Văn Hảo, Hành trình về thời đại Hùng Vương dựng nước)

Bản đồ mô phỏng thành Cổ Loa dựa trên tư liệu khảo cổ.

 

 

Trong quá trình nghiên cứu về thời kỳ nước Âu Lạc của An Dương Vương, các nhà khảo cổ Việt Nam và quốc tế đã phát hiện và tiến hành khai quật khu di tích thành Cổ Loa, với những khám phá quan trọng tại khu thành cổ này, di tích này đã chứng minh quy mô to lớn của mình, là cơ sở để các nhà nghiên cứu cho rằng thời kỳ này phải có một lực lượng quân sự hùng mạnh, với sự quản lý kiểu nhà nước kiểu tập trung hóa mới có đủ khả năng để xây dựng nên một công trình lớn như vậy.

(502. ? Khảo cứu về nền văn hóa Đông Sơn – Lược Sử Tộc Việt (wordpress.com) )

 

VĂN HÓA ĐÔNG SƠN CÓ CHỮ VIẾT HAY KHÔNG

Văn hóa Đông Sơn nằm trong giai đoạn đồ đồng, là điểm kết của một quá trình phát triển rất lâu dài đời sống văn minh của cư dân tộc Việt và tiền Việt tại vùng nam Đông Á. Câu hỏi người Việt có chữ viết trong thời kỳ này hay không đã gây tranh cãi khá gay gắt, tạo thành nhiều luồng quan điểm đối ngược nhau.

Nhưng từ sự phát triển trong quá khứ đã phác họa ở trên qua các nghiên cứu di truyền, thì người Việt đã có một trình độ văn minh cao, có đủ cơ sở để cho rằng tới thời kỳ Đông Sơn, là giai đoạn cuối của tiến trình phát triển, người Việt đã tạo ra chữ viết. Những dữ liệu khảo cổ là bằng chứng chắc chắn nhất chứng minh chữ viết của người Việt, và các dữ liệu khảo cổ với các chữ được khắc trên đồ đồng Đông Sơn đã thể hiện rõ nét một hệ thống chữ phát triển trong thời kỳ Đông Sơn.

Công trình khảo cứu: Sự hình thành và phát triển của chữ Việt cổ của Giáo sư Lê Trọng Khánh, ông đã tìm thấy nhiều chữ viết được thể hiện trên các cổ vật bằng đồng thời văn hóa Đông Sơn, bằng kiến thức uyên bác của mình, ông đã khảo cứu và đối chiếu hệ thống chữ thu thập được trên các cổ vật đồng Đông Sơn với các hệ thống chữ Thái cổ và chữ Chăm để xác định được đây là một hệ thống chữ thời Đông Sơn.

 

Các cổ vật của văn hóa Đông Sơn có thể hiện chữ viết được Gs. Lê Trọng Khánh khảo cứu.

 

Trên cơ sở những hiện vật giải mã ở trên, đã phát hiện được những chữ cái Đông Sơn gồm 18 phụ âm và 9 nguyên âm:

Sau khi so sánh, đối chiếu và khảo cứu kỹ lưỡng, Gs. Lê Trọng Khánh đưa ra kết luận:

“Chữ viết Đông Sơn là phương tiện ghi lại bằng đồ hình hình thức biểu đạt âm thanh của ngôn ngữ Việt cổ. Mỗi chữ, có khi một tổ hợp chữ ghi lại một âm vị.”

“Khảo sát các văn bản thuộc chữ viết Đông Sơn, có những nguyên âm đứng sau hoặc dưới phụ âm nguyên âm còn làm chức năng thay thế, trở thành biến âm. Chữ Sumer các kết hợp ngữ pháp hình thành nhờ có phụ tố chữ viết. Đông Sơn đã thấy xuất hiện phụ âm cao và thấp, liên quan trực tiếp đến vấn đề thanh điệu.” 

Như vậy hệ thống ký hiệu trên các cổ vật của văn hóa Đông Sơn đã thể hiện một hệ thống chữ ghi âm, mỗi chữ ghi một âm. Đây là bằng chứng vững chắc khẳng định thời Đông Sơn người Việt đã có chữ viết, và chữ viết trong thời kỳ này đã tiến tới giai đoạn ghi âm. Hệ thống chữ viết này đã bị thất truyền và thay thế bằng chữ Hán trong giai đoạn 1000 năm Bắc thuộc.

Các hệ thống chữ cổ của người Thái và người Chăm còn giữ lại được là những cơ sở rất quan trọng giúp chúng ta có thể khôi phục lại hệ thống chữ viết cổ của người Việt trong thời văn hóa Đông Sơn.

(https://luocsutocviet.wordpress.com/2021/03/14/511-chu-viet-cua-nguoi-viet-thoi-hung-vuong/)

VĂN HÓA VIỆT THIÊN VỀ ĐỜI SỐNG TÂM LINH VÀ TINH THẦN

Qua việc nghiên cứu toàn diện về văn hóa Đông Sơn và các văn hóa gốc nguồn của nó, thì chúng tôi (lời tác giả Lang Linh) nhận thấy có thể nói văn hóa tộc Việt hay văn hóa giai đoạn đồ đồng là Đông Sơn là nền văn hóa thiên hẳn về đời sống tâm linh và đời sống tinh thần. Khía cạnh vật chất được thể hiện trên các cổ vật từ đồ đá, đồ ngọc, tới đồ đồng, các di vật đã thể hiện trình độ văn minh của tộc Việt, tuy nhiên di sản về vật chất là các công trình đồ sộ như các nền văn minh lớn khác trên thế giới thì hầu như không có.

Điều này thể hiện một tư duy khá tiến bộ của tộc Việt, bởi việc xây dựng các công trình lớn yêu cầu rất nhiều công sức, tiền của, thậm chí rất nhiều nhân mạng. Thay vì vậy họ tập trung nhiều hơn vào phát triển đời sống tâm linh và tinh thần.

Về khía cạnh cổ vật, tuy cũng thể hiện khả năng chế tác tinh xảo, nhưng các cổ vật đa phần được chế tác để phục vụ những mục đích thực tế trong văn hóa tộc Việt, trong đó bao gồm đời sống tâm linh phong phú: thờ Trời, thờ cúng Tổ Tiên và vật Tổ, bên cạnh đó là các cổ vật được chế tạo cho các hoạt động nông nghiệp, bảo vệ lãnh thổ và đời sống thường ngày, họ cũng tận dụng những nguyên liệu thiên nhiên nơi địa bàn sinh sống của mình để chế tạo nên các dụng cụ đáp ứng các nhu cầu và công việc hằng ngày. Các cổ vật trong các giai đoạn đều có tính thực tế và hữu dụng, ít có sự tập trung phát triển vật chất như đặc trưng văn hóa Hoa Hạ.

Như cách mô tả của Tôn Quang Hiếu trong bài “Đền Bồ Tát của người Man”, thì người Việt (man, theo cách gọi có tính miệt thị của người Hoa Hạ) “cầu cúng nhiều”, đây là một đặc trưng của nền văn hóa thiên về tâm linh:

Mộc thiên hoa ánh tùng từ tiễn
Việt cầm thanh lý xuân quang liêu
Đồng cổ chỉ Man ca
Nam nhân kỳ trại đa

(Ngôi đền nhỏ trong bụi cây tỏa ánh hoa Mộc thiên
Trong tiếng hót chim Việt thấy ánh sáng ban mai mùa xuân
Trống đồng và bài hát Man
Người Nam cầu cúng nhiều[50]

Văn hóa tinh thần của cư dân tộc Việt cũng rất phát triển, thể hiện trên nhiều khía cạnh như các ngày lễ, tết, các hoạt động văn hóa, hội hè, các thể loại dân ca, âm nhạc… Nhiều di sản của họ như các ngày Tết âm lịch, Tết Đoan Ngọ còn thể hiện sức ảnh hưởng lớn trong vùng Đông Á.

Văn hóa tộc Việt cũng là một nền văn hóa của sự cân bằng, có nguồn gốc từ văn hoá âm dương, với tư duy lưỡng hợp Tiên – Rồng, hai khía cạnh đối lập nhau, một âm – một dương, một trên núi – một dưới nước, sự đối lập đó đem lại sự cân bằng trong tâm hồn và xã hội của người Việt. Sự cân bằng âm dương vẫn luôn tiềm ẩn trong mọi khía cạnh của văn hóa Việt và tâm hồn người Việt cho tới tận ngày nay.

(502. ? Khảo cứu về nền văn hóa Đông Sơn – Lược Sử Tộc Việt (wordpress.com) )

 

ĐÔI ĐIỀU SUY NGẪM

Văn hóa Đông Sơn là có thật. Nhưng chủ nhân của nó vẫn là bí ẩn của lịch sử. Nhiều nghiên cứu tìm cách xác định chủ nhân văn hóa Đông Sơn là triều đại Hùng Vương. Tên tuổi 18 vua Hùng chỉ được ghi nhận trong Ngọc phả, không có tài liệu nào khác xác nhận. (Xem toàn văn Hùng Vương Ngọc Phả ở: https://luocsutocviet.wordpress.com/2019/09/16/455-toan-van-hung-vuong-ngoc-pha/)

Xem qua các di vật của Ai Cập, Trung Hoa, Hy lạp: Ai Cập là hình khối, hình kỷ hà, khô cứng và thiếu cảm xúc; Trung Hoa đầy vẻ nghiêm cẩn, nặng nề; Hy Lạp mang tính bay bổng và sáng tạo. Văn hoá Đông Sơn phần nào đó giống Hy Lạp.

Cả Ai Cập, Hy Lạp và Trung Hoa đều để lại văn tự riêng, và đều để lại những kiến trúc vĩ đại. Kim tự tháp ở Ai Cập, Vạn Lý trường thành ở Trung Hoa, điện Parthenon ở Hy Lạp.

Chỉ Đông Sơn là không có một chút dấu vết nào của văn tự. Nhìn những món đồ, dù chỉ là đồ dùng sinh hoạt thường ngày, những nghệ sĩ Đông Sơn cũng đặt hết tâm hồn và tài năng của họ vào đó, ta phải ngạc nhiên tại sao Đông Sơn không có văn tự.

Những khảo cứu của GS Lê Trọng Khánh đã cho thấy văn hóa Đông Sơn có văn tự, còn để lại dấu vết ở chữ Thái và Chăm cổ. Sau khi Mã Viện đánh bại Hai Bà Trưng, hầu hết trống đồng và đồ đồng của dân tộc Việt đã bị tịch thu để đúc thành cột đồng Mã Viện với lời ghi, đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt. Không loại trừ rất nhiều đồ đồng và những hiện vật khác mang hình thái chữ viết của tộc Việt đã bị tiêu hủy. Một ngàn năm nô lệ tăm tối sau đó đã tận diệt nền văn minh sông Hồng. Và văn tự Việt đã gần như không còn dấu vết trong lịch sử.

Đông Sơn hiện ra rồi biến mất như ánh chớp giữa trời quang. Sau thời Hai Bà Trưng, không có sử sách nào ghi nhận về nền văn hóa này nữa.

Tác giả Lang Linh nhắc đến đời sống nặng về tâm linh và tinh thần nên người Việt xưa không chú trọng việc xây dựng đền đài to rộng, thành quách kiên cố. Ngoài ra, kinh nghiệm xây thành Cổ Loa cũng là một yếu tố tác động đến những công trình xây dựng về sau: nền đất yếu, vật liệu xây dựng không có sẵn; nguồn đá granite, đá vôi ở miền trung Việt Nam thì vào thời ấy là đất của Chiêm Thành.

Và, có phải khi Tây Vương Mẫu mở hội Bàn đào, bà đã cho người xuống trần mượn tạm đồ dùng của Đông Sơn rồi không trả nữa, khiến những hậu sinh chúng ta đây mãi vất vã đi tìm ?

 

Tháng 4. 2021

NTH

 

 

 

 

 

 

 



 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết