Võ sĩ đạo

VÕ SĨ ĐẠO

 

Võ sĩ đạo và tinh thần võ sĩ đạo là điều gì đó rất đặc trưng của người Nhật, như rượu Sake và Hoa đào vậy. Tinh thần này được mô tả trong phim ảnh Nhật của đạo diễn lừng danh Akira Kurusawa, tác giả phim Seven Samurai (1954), được Holywood phỏng theo để dựng thành phim cao bồi nổi tiếng không kém The Magnificent Seven (1960). Mới đây, Holywood còn làm bộ phim 47 Ronin, kể về 47 chàng võ sĩ đạo thời xa xưa.

Sử gia Will Durant, trong phần viết về nước Nhật, có dành riêng một chương về võ sĩ đạo, và ta sẽ thấy, tinh thần võ sĩ đạo không phải chỉ có ở các võ sĩ chuyên nghiệp mà cả ở những con người bình thường, các thiếu niên. Trích dịch dưới đây:

 

 

Võ sĩ đạo

Vị hoàng đế không quyền lực – Thế lực của các sứ quân – Thanh gươm võ sĩ đạo – Điều luật của võ sĩ đạo – “Hara-kiri” – Bốn mươi bảy chàng hiệp sĩ – Bản án được giảm

 

Về mặt lý thuyết, đứng đầu quốc gia là vị hoàng đế thiêng liêng. Chính sách cai trị thực tế _ chế độ sứ quân cha truyền con nối_ cấp cho hoàng đế và triều thần số tiền tương đương 25.000 dollar mỗi năm để duy trì sự hoang tưởng hữu ích và hào nhoáng, một thứ luật lệ không bị gián đoạn. Một số triều thần làm đồ thủ công gia đình để tự nuôi sống bản thân. Người thì làm dù, người thì làm đũa, có người làm tăm xỉa răng hay chơi bài. Các sứ quân Tokugawa đặt ra nguyên tắc là không để cho vua có chút quyền hành gì, tách rời ông khỏi dân chúng, cho phụ nữ vây quanh ông, làm ông yếu mềm đi bằng thói nhu nhược và sự vô công rỗi nghề. Hoàng gia nhẹ nhàng nhường lại quyền hành của mình rồi bằng lòng với việc tạo ra những mẫu y phục quý tộc.

Trong khi ấy giới sứ quân sống xa hoa khi nước Nhật dần thịnh vượng lên, nắm lấy những đặc quyền mà bình thường ra là của hoàng đế. Khi ông ngự trên xe bò hay cáng đi qua đường phố thì quân cảnh vệ ra lệnh cho mọi nhà dọc hai bên đường, mọi rèm cửa sổ đều phải đóng  và kéo kín; lửa phải dập tắt; chó mèo phải nhốt lại; người dân phải quỳ hai bên đường, tay để trên mặt đất và đầu úp vào tay. Sứ quân có đám tuỳ tòng riêng rất đông, trong đó có 4 anh hề, 8 mệnh phụ có học được hiến tặng để mua vui cho ông. Ông có một hội đồng cố vấn gồm 12 người; 1 “Đại quan” (Great Senior), 5 “Thượng Quan” (Senior) hay thượng thư (minister); 6 “Thứ huynh” (sub-elder), tạo thành một tiểu hội đồng. Giống như ở Trung quốc, một Ủy ban Giám sát (a Board of Censor) quản lý tất cả viên chức hành chánh, ngó chừng các lãnh chúa phong kiến. Những lãnh chúa này, tức Daimyo, là “Đại Danh”, (Great Name), hiểu rằng chỉ trung thành với hoàng đế; và vài người trong bọn họ như dòng họ Shimadzu, cai trị vùng Satsuma, đã thành công khi hạn chế được quyền hành của bọn sứ quân, và cuối cùng lật đổ được nó.

Dưới lãnh chúa là nam tước, dưới nữa là địa chủ; phục vụ cho lãnh chúa là hàng triệu hay nhiều hơn nữa các Samurai_ tức võ sĩ mang kiếm. Nguyên tắc căn bản của xã hội phong kiến Nhật Bản là mỗi quý tộc là một người lính và mỗi người lính là một quý tộc; ở đây có sự khác biệt sâu xa giữa Nhật và Trung quốc  là Trung quốc quan niệm rằng  mỗi quý tộc phải là một học giả hơn là một chiến sĩ. Dù họ yêu thích và phần nào đó, hình thành bản chất trên những tiểu thuyết chiến tranh, chẳng hạn như cuốn Tam quốc chí của Trung quốc, họ vẫn khinh miệt việc chỉ biết cắm cúi học và gọi giới văn học là bọn nghiện có mùi sách. Bọn họ có nhiều đặc quyền: được miễn thuế, lãnh lương bằng gạo ở các nam tước mà họ phục vụ, được miễn lao động ngoại trừ đôi khi chết cho xứ sở. Họ nhìn tình yêu như một trò chơi dễ thương và thích tình thân hữu kiểu Hy Lạp hơn. Họ kinh doanh việc bài bạc và giải quyết các vụ cãi cọ, dùng kiếm để thi hành nhiệm vụ đao phủ, chặt đầu những kẻ bị kết án. Thanh kiếm của họ, theo một câu nói trứ danh của Iyeyasu là “ linh hồn của Võ sĩ đạo”  và tìm được cách phô diễn thường xuyên khi kéo dài nền hoà bình cho đất nước. Theo Iyeyasu, họ có quyền triệt hạ ngay lập tức bất cứ kẻ nào thuộc giai cấp thấp hơn xúc phạm đến họ; khi lưỡi thép của họ còn mới và muốn thử, họ có thể thử trên một kẻ ăn xin hay con chó. Longford nói “ Khi một kiếm sĩ có kiếm mới, anh ta tìm một chỗ trên cầu Nihon Bashi (cây cầu trung tâm ở Yedo) để chờ có cơ hội thử nó.Rồi tất sẽ có một nông phu mập mạp đi tới, say khướt, kiếm sĩ sẽ giáng cho ông ta đòn Nashi-wari ( đòn cắt đôi quả lê) mạnh đến nỗi chẻ ông ta từ đầu cho đến háng. Người nông phu cứ tiếp tục đi, không biết chuyện gì xảy ra, rồi vấp phải người phu, té xuống làm 2 mảnh gọn gàng. Có sự khác biệt giữa những hậu quả không đáng kể như thế, một trở ngại cho các triết gia, về Cái Một và Cái Đa Số.

Giới Võ sĩ còn có những thói dễ thương khác hơn là cái thói giết người không ghê tay đó, khi họ biến thời gian thành vĩnh cửu. Họ chấp nhận điều luật rất khắt khe về danh dự _ Bushido_ tức là Đạo của Hiệp sĩ (the Way of the Knight), mà lý thuyết trung tâm là định nghĩa về đức hạnh: “ sức mạnh khi phải quyết định cách ứng phó cần hợp với lý lẽ, chết khi cần phải chết, đánh khi cần phải đánh”. Họ được thử thách bằng luật của chính họ, còn nghiêm hơn cả luật lệ thông thường. Họ khinh thường hết thảy mọi của cải vật chất và lợi lộc; từ khước chuyện vay, mượn hay phải đếm tiền; họ ít khi thất hứa và sẵn sàng hy sinh mạng sống bất kỳ ai nhờ đến họ. Họ đề ra nguyên tắc sống khắc khổ và cần kiệm; họ tự giới hạn mình chỉ ngày một bữa , quen với việc ăn bất cứ thức ăn nào đến tay và họ sẽ giữ chặt lấy nó. Họ lặng lẽ chịu đựng mọi thiếu thốn; đè nén mọi cảm xúc; vợ họ được dạy dỗ phải vui vẻ khi nghe chồng mình đã chết trên chiến trường. Họ không chấp nhận sự ép buộc nào ngoại trừ việc trung thành với chúa của họ; điều này đối với họ còn cao cả hơn tình phụ mẫu hay nghĩa anh em. Tự mổ bụng khi chúa của họ chết là chuyện thường tình để phục vụ và bảo vệ chúa ở thế giới bên kia. Khi sứ quân Iyemitsu hấp hối vào năm 1651, ông nhắc viên tể tướng Hotto về nhiệm vụ junshi, tức đi theo vào cõi chết; Hotto tự sát mà không thốt lấy một lời và nhiều cận thần cũng theo gương ông. Khi hoàng đế Mutsuhito đi theo tiên tổ vào năm 1912, tướng Nogi và vợ cũng tự sát để tỏ lòng trung thành. Ngay cả truyền thống của các chiến binh La Mã tài ba nhất cũng không tạo dựng được lòng can đảm hơn thế, luật của Võ sĩ đạo yêu cầu họ phải tuân theo chủ nghĩa khắc kỷ và tự chủ.

Luật Bushido cuối cùng là hara-kiri, tự sát bằng cách mổ bụng. Trong giới Samurai chuyện này xảy ra nhiều vô kể và thường xuyên đến nỗi người ta không lưu ý đến nữa. Nếu một người có địa vị nào đó  bị kết tội chết, anh ta được phép, như là cách bày tỏ lòng tôn kính với hoàng đế, dùng lưỡi gươm nhỏ mà anh luôn mang theo mình để làm việc này, cắt ngang bụng từ trái qua phải rồi xuống dưới ổ bụng. Nếu bị thất trận hay bị buộc phải đầu hàng, anh ta sẽ không mổ bụng. ( Hara-kiri nghĩa là cắt bụng; đó là từ thô tục người Nhật ít khi dùng, họ thích gọi là seppuku hơn.) Vào năm 1895, khi Nhật bị châu Âu ép phải nhượng Liêu Đông (Liaotung), 40 quân nhân đã hara kiri để phản đối. Trong trận chiến năm 1905, nhiều sĩ quan và binh sĩ Nhật đã tự sát chứ không để cho quân Nga bắt. Nếu bị thượng cấp xúc phạm, Samurai giỏi sẽ tự làm bị thương cho đến chết trước cổng nhà chủ. Nghệ thuật seppuku _ nghi lễ thực hiện vết rạch chính xác_ là một trong những đề mục đầu tiên trong chương trình giáo dục của các Samurai trẻ tuổi; và ý nguyện cuối cùng dành cho người bạn là đứng bên cạnh và cắt đầu anh ngay khi đã rạch bụng xong. Sự huấn luyện này, và các truyền thống gắn chặt với nó, đưa đến kết quả là người lính Nhật, nói một cách chung chung, không sợ chết.

Giết người, cũng như tự sát, đôi khi được chấp nhận để thay cho luật pháp. Nhật Bản thời phong kiến, tiết kiệm được lực lượng cảnh sát, không những vì có nhiều nhà sư, mà còn vì cho phép con trai hay anh em trai của người bị giết được tự tay thực thi pháp luật; việc thừa nhận quyền báo thù này, dù nó là nguồn cảm hứng cho phân nửa số tiểu thuyết và vở kịch trong văn học Nhật, đã ngăn chận được rất nhiều tội ác. Tuy nhiên, đôi khi Samurai cảm thấy có nghĩa vụ phải hara-kiri sau khi đã thực hiện xong việc báo thù. Khi 47 chàng Ronin danh tiếng ( Ronin: Wave Men: unattached Samurai: các võ sĩ không bị ràng buộc) để báo thù cho cái chết (của chủ) đã cắt đầu Kotsuke no Suke bằng thái độ cung kính tối đa và bằng những lời xin lỗi cực kỳ tao nhã; sau đó họ từ bỏ các chức vụ mà Sứ quân đã ban cấp để bảo toàn danh tiết, rồi tự sát một cách gọn gàng (năm 1703). Các nhà tu đã trả đầu Kotsuke cho các tuỳ tòng của ông, họ đưa lại tờ biên nhận đơn giản như sau:

BẢN GHI NHỚ:

Mục: 1 cái đầu

Mục: 1 gói giấy

Các khoản ở trên cho hay đã nhận được

( Ký nhận)               Sayada Mogobai

                              Saito Kunai

Đây có lẽ là sự kiện nổi tiếng nhất và tiêu biểu nhất trong lịch sử nước Nhật, nó cũng là yếu tố quan trọng nhất để hiểu được tính cách của người Nhật. Trong mắt nhân dân, những vai chính này vẫn sống mãi như những người hùng và bậc thánh; đến tận ngày nay, những người sùng kính họ vẫn dọn dẹp trang hoàng cho nấm mồ của họ và khói hương vẫn bất tuyệt trước nơi họ yên nghỉ.

Cuối thời nhiếp chính của Iyeyashu, 2 anh em Sakon và Naiki, 24 và 17 tuổi, cố tìm cách giết ông vì những lỗi lầm mà họ nghĩ là ông đã gây ra cho cha họ. Họ bị bắt khi đột nhập doanh trại và bị kết án tử hình. Iyeyashu xúc động vì lòng can đảm của họ và giảm án xuống cho tự mổ bụng; theo đúng phong tục thời ấy, ông gộp cả người em nhỏ là cậu bé Hashimaro 8 tuổi vào bản án khoan thứ này. Viên y sĩ đi theo các cậu bé để lại cho chúng ta bản miêu tả sự việc như sau:

Khi họ đã ngồi vào hàng chờ giây phút cuối, Sakon quay sang cậu em út và bảo: “ Em đi trước đi, vì anh muốn thấy em đã làm đúng.” Cậu bé đáp rằng, vì chú chưa bao giờ nhìn thấy cách seppuku , chú muốn thấy cách các anh chú làm việc đó, rồi chú sẽ làm theo. 2 người anh cười giữa 2 dòng nước mắt, “ Chú em nhỏ nói hay lắm. Không hổ danh là con của cha chúng ta.” Thế rồi họ đặt chú ngồi vào giữa, Sakon chọc lưỡi gươm vào bụng trái của mình và nói, “ nhìn đây, em. Hiểu chưa nào. Chỉ có điều đừng chọc gươm sâu quá, em sẽ té ngửa ra sau đấy. Nghiêng người về phía trước và giữ gối cho đúng tư thế”. Naiki cũng làm như vậy và nói với chú bé, “ Mở to mắt ra, kẻo em lại trông giống mụ đàn bà hấp hối. Nếu em thấy gươm có gì vướng bên trong và em không đủ sức, hãy lấy hết can đảm và nỗ lực gấp đôi mà cắt ngang.” Cậu bé nhìn hết người này đến người kia, và khi cả hai đã chết, chú bình thản lột trần nửa người, làm theo những gì chú đã nhìn thấy.

 

 

( Trích dịch từ The Story of Civilization,vol.1, Our Heritage Oriental, Book 3: The Far East, phần B: Japan, của Will Durant)

 

Tiện thể xem qua bộ áo giáp, và bộ vũ khí của Samurai cùng một số tranh minh họa. Ảnh trích từ Art of The Samurai, Japanese Arms and Armor 1156 – 1868. Catalogue xuất bản năm 2010 .

 

Trái: GS Suzuki Keizo mặc giáp thế kỷ 12 phục chế và mang khí giới thời kỳ Kamakura.

Phải: nhìn từ phía sau

Trận tấn công ban đêm cung điện Sanjo. Thời kỳ Kamakura, nửa sau tk 13. Bảo tàng Nghệ thuật Boston

Chi tiết bức tranh trên

Tranh cuộn Moko Shurai ekotoba, 1293. Bảo tàng hoàng gia Nhật bản. Fukuda Taika sao chép từ nguyên bản, 1846, Bảo tàng quốc gia Tokyo.

Trận chiến Nagashino, thời kỳ Edo, tk 17

Trận chiến Kawanakajima. Trên:trái. Dưới: phải. Thời kỳ Edo, tk 17.

Chi tiết bức tranh ở trên.

Cuộc diễn hành của các Daimyo đến Edo, chi tiết. Thời kỳ Edo, tk 19, bảo tàng nghệ thuật Tokugawa. (Daimyo là chức danh quý tộc, tiếng Việt gọi là Đại danh)

Thời kỳ Edo, tk 18, bảo tàng nghệ thuật Hayashibara

 

 

 

Vũ khí của cung thủ: cung và 4 loại tên

Dao găm, Tanto, thời kỳ Muromachi, tk 16, bảo tàng lịch sử Saitama.

Đao, Taichi (Thái đao) thời kỳ Muromachi, tk 15. Bảo tàng quốc gia Tokyo.

Kiếm, Katana, thời kỳ Momoyama, tk 17. Bảo tàng thành phố Fukuoka

Bộ kiếm đôi, Daishô. Thời kỳ Momoyama, tk 16

Chokuto, loại kiếm đầu tiên trong lịch sử làm kiếm của Nhật. Lưỡi thẳng và rất sắc bén. Khai quật trong mộ Eda Funayama, 438 TCN

Các loại đao (Tachi) và kiếm (Katana)

Dao găm (Tanto)

 

Tháng 1.2021

NTH

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết