CHỮ QUỐC NGỮ

CHỮ QUỐC NGỮ - TỪ NGUỒN GỐC LATINH ĐẾN THƯ PHÁP

 

Sách quốc ngữ – Chữ nước ta,

Con cái nhà – Đều ρhải học.

Miệng thì đọc – Tai thì nghe

Đừng ngủ nhè – Chớ láu táu

Con lên sáu – Đang vỡ lòng

Học cho thông – Thầγ khỏi mắng.

(Trích bài thơ Lên Sáu, thi sĩ Tản Đà viết 1913)

 

Tản Đà, nhà nho lỡ vận, một trong những người theo đuổi con đường khoa cử cuối cùng, với Tú Xương, cũng là một trong những nhà thơ tiên phong của phong trào Thơ mới. Ảnh hưởng của nghiêm cẩn, của vần điệu chặt chẽ, của nho phong có phải là tiền đề cho những vần thơ phóng túng, bay lượn, vượt ngoài khuôn phép của Tống biệt không:

Đá mòn, rêu nhạt

Nước chảy, huê trôi

Cái hạc bay lên vút tận trời

Trời đất từ đây xa cách mãi

Cửa động

Đầu non

Đường lối cũ

Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi

Tiên sinh là đại diện xuất sắc cho những người đầu tiên dùng chữ quốc ngữ, không những chỉ để đọc thông, viết thạo, mà còn là viết văn, làm thơ.

Khai sinh ra chữ Việt hay chữ Quốc ngữ, theo các nhà nghiên cứu (đặc biệt là công trình của TS Roland Jacques), không phải là Alexandre de Rhodes, mà là Giáo sĩ Francisco de Pina, người Bồ đào nha, bắt đầu từ 1620, tại một làng quê xứ Quảng Nam, làng Thanh Chiêm.

Nhưng không thể phủ nhận công lao của Alexandre de Rhodes, với 2 công trình là tập đại thành cho chữ Việt, Tự điển Việt Bồ La và Phép giảng tám ngày. Năm 1867, khi cuốn truyện Lục Vân Tiên in bằng chữ Việt, và tờ Gia Định báo, tờ báo đầu tiên in bằng chữ Việt, cho đến nay, đã hơn 150 năm.

Họ đều là những người Tây phương nhưng rất thông thạo chữ Nôm. Vì sao họ không dùng chữ Nôm để truyền đạo? Hẳn là họ phải thấy những khó khăn, vì chữ Nôm còn khó học hơn cả chữ Hán.

Nhưng 1967, một trăm năm sau ngày chữ quốc ngữ trở nên phổ thông, thì nhà văn nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Văn Xuân lại cho rằng: Nhưng tiếng Việt đó có phải Quốc ngữ không? Thật tình tôi không rõ vì không đủ sức bàn vấn đề ấy.

Một vài ý khác của ông về chữ quốc ngữ:

“ Tây lai mẫu tự “ như thế là chỉ thành công riêng ở Việt Nam. Nó hiện đang hết sức thịnh đạt, đã lên đến đại học Việt Nam. Ban đầu, Tàu Nhật xôn xao dùng nó, ta những tưởng rồi nó sẽ đắc thắng, vì nó thuận lợi trăm chiều, nào cho việc viết, việc học, việc in, việc đánh máy chữ ( hình như đến nay, người Trung Hoa vẫn chưa có kiểu đánh máy chữ nào thích dụng )… Nhưng cuối cùng có lẽ chỉ còn mình chúng ta chính thức dùng nó trong một vùng có trên một tỉ dân… Nó vẫn ung dung tiến tới, đạt được những thành tích đáng kể dù mang những khuyết điểm hết sức lớn lao, những khuyết điểm mà đến nay chữ Nôm đã thật lỗi thời, nhưng lại đã không mắc phải.

Một thế kỷ huy hoàng từ ngày ấn hành Lục Vân Tiên và “ chàng “ Quốc ngữ “ một mình lướt trận xông vô “ đã đánh tan chữ Nôm, đánh bại chữ Hán, đánh tiêu chữ Pháp.

Quốc ngữ lên đài văn học, Quốc ngữ toàn thắng!

Nhưng tương lai nó sẽ ra sao?

Tôi không hỏi tương lai tiếng Việt sẽ ra sao vì tương lai ấy chỉ có đi tới, mỗi ngày một vững chắc tinh luyện. Nhưng chính vì sự vững chắc tinh luyện của tiếng Việt mà tôi hỏi về tương lai chữ Quốc ngữ.

(Nguyễn Văn Xuân, 100 năm văn học chữ Quốc ngữ)

Ông dẫn ví dụ từ NHẢY:

Thí dụ khi gặp một tiếng giản dị như tiếng nhảy. Chữ đó có bốn nghĩa: 1/ cất mình lên cao. 2/ Nói về thú ( theo tôi nghĩ là sự ) giao cấu: nhảy cái. 3/ Nhảy mũi. 4/ Sanh chòi, sanh tượt thêm: chuối nhảy con.- ( Đó là tôi còn chưa thấy ông đề cập đến nghĩa: nhảy sông, nhảy suối: tự tử ở sông, ở suối ). Đối với một người học chữ Quốc ngữ thì nhảy nào cũng hoàn toàn như nhảy nào. Nhưng với người viết chữ Nôm xưa, thì họ phải cố gắng phân biệt đến mức tối đa để khỏi lầm lẫn chữ này sang chữ nọ. Với chữ nhảy thứ nhất đương nhiên họ nghĩ đến cái chân (    ), với chữ nhảy thứ hai, họ nghĩ đến súc vật (    ) và họ sẽ ghép một bộ ấy vào một chữ cái gần chữ nhảy hơn hết. Người đọc khi cầm bản viết, tự nhiên có ý tưởng khá rõ rệt ngay về khái niệm mà từ ngữ ấy bao quát, đồng thời họ còn được cái thú là mở thêm óc tưởng tượng theo từng bộ: với bước chân, với súc vật, với cây cối… chứ không khô khan và gọn lỏn một cách đáng thương và thiếu sót như với chữ quốc ngữ hiện nay.

 

Những “thiếu sót đáng thương” ấy, ngay trong ca dao, là văn chương của giới bình dân, giới được xem là ít học của dân tộc Việt Nam, đã nhận ra từ lâu. Chẳng hạn:

Bà già đi chợ cầu Đông

Bói xem một quẻ có chồng lợi chăng

Thầy bói xem quẻ đoán rằng

Lợi thì có lợi… nhưng răng không còn.

Để bù vào đấy, ca dao không thiếu những từ ngữ đơn giản về hình thức, nhưng nghĩa thì phong phú lạ kỳ:

Đêm qua ra đứng bờ ao,
Trông cá, cá lặn, trông sao, sao mờ.
Buồn trông con nhện giăng tơ,
Nhện ơi nhện hỡi, nhện chờ mối ai?
Buồn trông chênh chếch sao Mai,
Sao ơi sao hỡi nhớ ai sao mờ?
Đêm đêm tưởng dải Ngân Hà,
Chuôi sao tinh Đẩu đã ba năm tròn.
Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn,
Tào Khê nước chảy hãy còn trơ trơ.

Những câu, những chữ mộc mạc, chân chất lại chuyên chở tâm trạng phức tạp, diễn tả tâm lý tài tình. Nhưng bài giảng tâm lý học với vô số ngôn từ sâu xa có giảng được như thế không ?

 

Có những ví dụ khác cho thấy tiếng Việt phong phú nhường nào  chứ không khô khan và gọn lỏn một cách đáng thương và thiếu sót như với chữ quốc ngữ hiện nay.

Như một chữ rất thông thường, chữ ĂN, ta có vô số thành ngữ :

Ăn đầu sóng, nói đầu gió

Ăn không, nói có

Ăn không, ngồi rồi

Ăn cháo, đá bát

Ăn không được, thì đạp đổ

Ăn trông nồi, ngồi trông hướng

 

Đó là ví dụ để chứng tỏ tiếng Việt Nam không nghèo mà ngược lại rất phong phú không kém bất cứ tiếng nước nào.

 

Nhà văn Nguyễn Văn Xuân muốn chữ Việt đơn âm, nhưng đừng đa nghĩa. Như chữ Nôm vậy, tức chữ nào nghĩa ấy. Đã hơn 50 năm, từ ngày ông viết bài biên khảo trên. Từ ngữ thì thêm nhiều, từ phiên âm đến tạo mới, nhưng có vẻ không được mỗi ngày một vững chắc tinh luyện, trong thời đại internet ngày nay.

Tiếng Việt vẫn đơn âm mà đa nghĩa như xưa. Nhưng không ai hiểu lầm cả. Sự trong sáng của tiếng Việt nằm ở cách nhấn âm, ở ngữ nghĩa. Câu không dài hơn, cũng chẳng cần giải thích. Người nghe tự hiểu, người nói không cần thêm thắt gì. Ngoại trừ những văn bản ngoại giao, thương lượng hợp đồng. Chỉ khác nhau ở cách dùng từ.

Hẳn là tá giả Nguyễn Văn Xuân còn lưu luyến với chữ Nôm. Nhưng chữ Nôm, nói gì thì nói, vẫn dựa hoàn toàn vào chữ Hán, dù bằng cách nào, mượn âm, mượn nghĩa, mượn cả âm và nghĩa hay tự tạo ra chữ mới, đều là mượn từ gốc chữ Hán.

Chữ Nôm không có đời sống độc lập.

Trong khi chữ Việt, dựa vào các ký tự Latinh, hay La mã, nhưng là thứ chữ viết độc lập, không mượn chữ Hy lạp, La mã, không nhờ gì đến chữ Anh, chữ Pháp, chữ Đức, chữ Tây ban nha.

Là vì các ký tự Latinh không tự nó tạo thành chữ có nghĩa. Nó phải ráp ít nhất là từ 2 ký tự trở lên. Thế nên công lớn của các nhà truyền giáo Tây phương là chỉ mượn ký tự đó để ghi âm tiếng nói của người Việt.

Nó là ngôn ngữ độc lập, duy nhất của châu Á, dùng ký tự La tinh.

Nó đang ngày càng trong sáng, dễ hiểu, dễ học. Dĩ nhiên, sự rắc rối từ tính đa nghĩa của nó gây phiền phức cho người nước ngoài rất nhiều. Nhưng không hề gây cản trở.

Sự quyến rũ của nó đến từ thanh điệu, lên bỗng xuống trầm, nói như hát vậy. Xem cách ghi âm của giáo sĩ Francisco de Pina thì rõ:

Di cảo của Pina, chữ quốc ngữ những năm 1623 - Ảnh: T.L.

(Trần Nhật Vy, Chữ quốc ngữ ra đời lúc nào? - Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn))

Ông, tức giáo sĩ F. de Pina, xem tiếng Việt như lời hát, nên ghi ký âm chữ Việt trong khuôn nhạc.

Để chứng tỏ tiếng Việt Nam êm ái và nhiều nhạc tính như thế nào, thi sĩ Bàng Bá Lân từng giới thiệu bài thơ “ĐÊM MƯA“ của Huy Cận mà ông cho là có nhiều câu giàu nhạc.

Tai NƯƠNG NƯỚC giọt mái nhà,

Nghe trời NẰNG NẶNG, nghe ta BUỒN BUỒN.

Nghe đi RỜI RẠC trong hồn,

Những chân XA VẮNG, DẶM MÒN LẺ LOI.

 

Tiếng Việt không chia “thì”, tức là một động từ không có quá khứ, hiện tại, tương lai, không có tiếp đầu ngữ, vị ngữ, thế thì có gì khó.

Giáo sĩ Marini, người đã từng đến Đàng Trong những thập niên đầu thế kỷ 17, viết: "Khi đọc, người Việt không cần phải thay đổi tiếng mà vẫn làm cho một tiếng ấy có nhiều nghĩa khác nhau, bởi vì họ chỉ cần lên giọng hoặc hạ giọng tùy theo cường độ và nhịp điệu"

(Lịch sử chữ quốc ngữ, Đỗ Quang Chính, NXB Tôn Giáo 2012, trang 15).

Tiếng Việt khó là thế. Lại thêm một từ mang theo nó rất nhiều nghiã khác nhau. Thứ tiếng độc âm rất ngắn ngủi, gọn gàng ấy không phải bao giờ cũng có tiền danh tự qui định rõ ràng tiếng danh từ, có biến dạng khi là động từ, tĩnh từ, trạng từ gì cả mà bao giờ cũng giữ nguyên hình thái cố định. Tuy thế, khi nói còn có thể dễ hiểu vì lời nói có thể rườm rà, dài dòng, cắt nghĩa lung tung, lại có kèm theo cử chỉ, nét mặt.  Chứ khi viết thì cần phải rất gọn và thường thường văn viết bao giờ cũng hàm xúc, cao kỳ, bóng bẩy, cho nên mỗi chữ có khi không chỉ mang một phần cái nghĩa, mà có khi “ muốn rạn nứt ra vì cái nghĩa sâu xa rộng lớn của nó “ như ta vẫn thấy trong Cung Oán Ngâm khúc, trong truyện Kiều, hoặc phải mang đôi ba nghĩa một lúc trên mình như ta thấy trong thơ Hồ xuân Hương…

(Nguyễn Văn Xuân, 100 năm văn học chữ quốc ngữ)

Chữ Nôm, gốc từ chữ Hán, không mắc khiếm khuyết này. Mỗi chữ mang một nghĩa, không lầm được.

Đó là điều khiến cho nhiều người luyến tiếc chữ Nôm.

Các bộ tự điển lớn các ngôn ngữ như Pháp (Larousse), Anh (Webster, Oxford…), ngoài việc ghi nghĩa, luôn có phần ghi nguồn gốc của từ, cái gọi là từ nguyên (étymologie, etymology, root word). Đây là phần mà tất cả các bộ tự điển tiếng Việt từ xưa đến nay, đều thiếu.

Cho nên, tiếng Việt thuần, chữ Việt gốc, chẳng có căn cứ nào để bảo là từ đâu. Nhiều tiếng Việt gốc từ tiếng Hán, một số ít từ tiếng Pháp, Anh, Tây ban nha, Bồ đào nha, Mã lai, Chăm, Miên…

Có bao nhiêu là tiếng Việt “chính chủ” ? Không ai dám nói chắc.

 

Ông Khổng nói, “Chính Danh Định Phận”, có danh mới có phận. Trong gia tài văn tự của nhân loại, chữ Việt đã được thừa nhận: Bộ Bách khoa thư hệ thống các chữ viết của nhân loại (The Blackwell Encyclopedia of Writing Systems, Florian Coulmas, 2006) liệt kê chữ Việt trong 2 mục, chữ Nôm (viết nguyên văn)  và chữ quốc ngữ (Vietnamese alphabet).

Cho dẫu cả 2 thứ chữ này, Nôm và quốc ngữ, đều là vay mượn. Cả một nền văn hóa Tây phương đồ sộ cũng có văn tự riêng đâu. Chữ của họ, thứ chữ gọi là Latinh ấy, là đi mượn của người Phoenicia mà.

Bảng chữ hình nêm, cuối thiên niên kỷ thứ 4, TCN

Chữ hình nêm, phát minh vĩ đại của người Sumer, được người Phoenicia tiếp thu cải sửa. Người La mã tóm lấy, hệ thống nó rồi định hình từ đầu Công Nguyên, thành cái mà ta gọi là chữ Latinh hay La mã ngày nay.

Mẫu tự của người Phoenicia

 

Mẫu tự La tinh tiến triển qua nhiều thời kỳ:

* Thời cổ _ Đế quốc La mã

* Hậu La mã _ có các kiểu chữ Uncial (to tròn) và Insular (hẹp ngắn)

* Thời Trung cổ

* Thời Phục hưng

* Thời Baroque (đặc trưng là hoa mỹ thái quá)

* Thời hiện đại

Mỗi thời kỳ lại có rất nhiều kiểu chữ. Để tránh rườm rà, ở đây chỉ liệt kê vài kiểu chữ được sử dụng nhiều nhất, tức là có tầm ảnh hưởng nhất:

Ký tự Latinh có vào khoảng 700 TCN và kiểu chữ hoa, vuông xuất hiện vào đầu thế kỷ I, ở Rome.

 

CHỮ ROMAN CAPITALS

Chữ Hoa La mã (Roman Capitals): là kiểu chữ mang tính lịch sử và có tầm ảnh hưởng nhất, vẻ đẹp của nó nằm ở tính hình học và tính chân xác. Nó tiêu biểu cho vẻ tinh tế của kiến trúc và văn hóa thời kỳ này.

Bức vẽ và chạm của Eric Gill, chữ Hoa La Mã

 

CHỮ GOTHIC

Tiếp theo là ký tự Gothic, thời Trung cổ, nhưng đã phát triển từ thời hậu La mã. Ngày nay được nhiều thư pháp gia sử dụng.

1 trang trong Thánh thi Vulgate, chữ Gothic

 

Đặc trưng Gothic là các nét gò ép, dày, thẳng, góc cạnh.

Chữ Gothic thống trị suốt thời Trung cổ, phục hưng. Chỉ một người duy nhất công khai chê nó thiếu tính thực tiễn. Đó là Francesco Petrarca. Ông cho là chữ Gothic nhìn từ xa thì lôi cuốn nhưng đến gần thì lại nhoè, nó nhằm cho cái gì khác hơn là để đọc.

Từ đó mà chữ Humanist Minuscule ra đời.

 

CHỮ HUMANIST MINUSCULE

1 trang trong Book of Hours, của Giovanni II, Bentivoglio, Bologna, khoảng 1497-1500. Kiểu chữ Humanist minuscule với một số ký tự riêng lẻ được tô màu và trang trí.

Humanist minuscule là kiểu chữ quan trọng nhất và đặc trưng nhất trong các ký tự Tây phương. Rất phổ biến ở Ý trong thời kỳ này.

 

CHỮ CANCELLARESCA (CHỮ NGHIÊNG hay ITALIC)

Là kiểu chữ cập nhật cho thích hợp với nhu cầu và chức năng viết.

Học giả Niccolò de’ Niccoli không hài lòng với kiểu chữ Humanist miniscule vì quá tốn công sức, nên đã tạo ra kiểu chữ nghiêng ít nét hơn và có thể nối liền với các chữ khác.

Chữ Italic, chữ nghiêng

Chữ Cancellaresca là cơ bản cho cách viết tháu mà chúng ta đang sử dụng hiện nay.

 

VÀI MẪU THƯ PHÁP HIỆN ĐẠI

 

CHỮ COPPERLATE SCRIPT

Tên Copperlate là do chữ được chạm trên các lá đồng, để các thư pháp gia trình bày các mẫu in cho các tác phẩm tuyệt đẹp của họ.

Bức thư pháp chạm trên lá đồng của Tri Le

 

CHỮ SPENCERIAN

Do Platt Rogers Spencer phát triển từ Mỹ quốc vào thế kỷ 19, từ kiểu chữ viết bằng bút mực. Trở nên phổ biến vì ngoài vẻ đẹp nó còn có chức năng nằm trong cách viết. Người ta nói là chữ Spencerian nổi tiếng vì là logo của hãng Coca Cola, logo có tính biểu tượng nổi tiếng nhất thế giới.

 

Chữ Spencerian, trong lá thư của TS Joseph Vitolo viết năm 1884

 

CHỮ FOUNDATIONAL HAND

Là phát minh của Edward Johnston đầu thế kỷ 20, là mẫu tự biểu tượng nhờ sự rõ ràng và đặc điểm riêng có, biến cải từ chữ Carolingian

Thư pháp của Edward Johnston, 1906

 

CHỮ NEULAND CAPITALS

Công trình của thư pháp gia Rudolf Koch, là kiểu chữ hoa được dùng rộng rãi dành cho các tác phẩm trưng bày và có tỉ lệ lớn. Dùng trong logo phim Công viên kỷ Jura, Jurassic Park

 

 

 

ĐẾN THƯ PHÁP CHỮ VIỆT

Gốc gác chữ La tinh chẳng hề hấn gì đến thư pháp chữ Việt. Ảnh hưởng cả ngàn năm với bút lông, mực tàu, giấy bản khiến cho cây bút sắt dù có bay bướm, hoa mỹ như chữ Roman, chữ Humanist Minuscules, chữ Copperlate, vẫn cứ gây cảm giác gò bó, hạn hẹp. Khó lòng tung hoành, phóng dật, như chữ Hành, chữ Thảo.

Thế nên khi nhà văn, nhà thơ Đông Hồ Lâm Tấn Phát trình bày những bức thiếp, bài thơ viết chữ Việt thì thiên hạ ngẩn ngơ

Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ.

(thơ Huy Cận)

Bây giờ thì thư pháp không chỉ trên giấy, còn có thư pháp trên nia tre, trái bầu khô, trên cả dưa hấu, trên bưởi, trên đá…

Từ những chi, hồ, dã, giả, mà các nhà tân học thời Pháp chê bai, đến những đồ, di, câu, cải, mà các cụ đồ nho cuối cùng thời Khải Định, còng lưng giảng giải cho lũ trẻ thò lò mũi xanh, đã trở thành nét hoa bay lượn, nét sổ ngang tàng, nét chấm dứt khoát… và một thoáng bâng khuâng ở những nét móc lửng lơ.

Bút tích của nhà thơ Đông Hồ - Ảnh: TRỌNG NHÂN chụp lại

 

Nhưng hiện nay, với ảnh hưởng của internet và các mạng xã hội, tiếng Việt ngày càng kém tinh luyện, có phải do cách viết của ngôn ngữ lập trình làm biến dạng chữ Việt ?

Như vài câu chữ nhặt được trên các mạng xã hội:

Ăn j k (ăn gì không)

Đ lun đ (đi luôn đi)

Ks có view đẹp wa (khách sạn có cảnh quan đẹp quá)

 

Nhưng thôi, ta chỉ nói về nguồn gốc và ảnh hưởng của chữ Việt đến một khía cạnh mang tính mỹ thuật của nó: Thư pháp hay nghệ thuật viết chữ đẹp. Và chỉ nói đến nguồn gốc Latinh của chữ Việt.

Thư pháp, Calligraphy, nghĩa là thuật viết chữ đẹp, gốc từ chữ Hy lạp: Kallos là đẹp và Graphein là viết. Nhưng từ “Thư pháp” mang ý nghĩa khác xa với “viết chữ đẹp”.

Thư pháp là nghệ thuật của cái đẹp, như hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh. Đó là cách nhìn sự sống và kể lại như ta thấy.

Qua Thư pháp, ta học được tính cân xứng, những không gian mờ tỏ, cảm nhận độ sâu và ánh sáng.

Bằng Thư pháp, ta gióng lên một thông điệp, để con người đáp ứng với một nghệ phẩm được trau chuốt. Nó đưa ta đến ý nghĩa tri thức của từ ngữ.

Điều khiến thư pháp trở nên có ý nghĩa là niềm đam mê và cách mỗi nghệ sĩ có thể thể hiện bản thân mình thông qua ngôn từ và đường nét của loại hình nghệ thuật này.

Đó là quan điểm của phương Tây. Còn phương Đông nói sao ?

Vương Hy Chi, ông tổ thư pháp Trung hoa, tóm tắt như sau:

Mỗi nét ngang là một đám mây trong một thế trận, mỗi nét móc là một cây cung giương lên, có sức mạnh khác thường, mỗi nét chấm là một tảng đá rơi xuống từ đỉnh núi cao, mỗi nét phẩy là một cái móc bằng đồng, mỗi nét sổ dài là một thân cây cổ kính, mỗi nét phóng khoáng mảnh mai là một lực sĩ chạy thi ở tư thế sẵn sàng lao lên phía trước.

Xin mượn ý của một thân hữu (anh ĐĐH):

Trong nghệ thuật thư pháp có 5 phong cách viết là CHÂN (hay còn gọi là KHẢI), TRIỆN, LỆ, HÀNH và THẢO với những quy luật đặc trưng riêng về đường nét, cách thức thể hiện.

Những thư pháp gia nổi tiếng thường được nhắc tên như Vương Hy Chi (đời Đông Tấn) hay Tề Bạch Thạch (đời nhà Thanh).

Tiêu chuẩn để đánh giá một tác phẩm thư pháp thường bao gồm nhiều yếu tố rất khắt khe như điểm hoạch (đường nét), kết thể (bố cục), thần vận (cái hồn của tác phẩm)...

Phương Đông thường chú trọng đến triết và đạo nên Thư pháp có khi chỉ có một từ, một câu ngắn, rất đôi khi mới là bài phú dài, hay bài tự mở đầu cho một văn uyển.

 

Thư pháp của Ryo Kwan, thế kỷ 19. Ảnh trích từ The Tao of Physics, Fritjof Capra, 1975.

Nhà Vật lý Fritjof Capra hẳn là nhìn thấy quỹ đạo của một hành tinh nào trong bức thư pháp này, hay ông muốn diễn tả tư tưởng của Lão tử: “Không”, là gọi cái bản thủy của trời đất; “Có” là gọi mẹ sinh ra muôn vật.

Công thức vật lý Tây phương diễn tả theo nguyên lý Đạo học Đông phương. Một hình thức khác của Thư pháp. Ảnh trích từ The Tao of Physics, 1975

 

Phương Tây, trước khi máy in ra đời, thư pháp nằm trong các thủ bản, bản chép tay Kinh thánh, một vài lời hay ý đẹp … Trang đầu sách, trang đầu mỗi chương, chữ đầu câu, là những vị trí được trang trí hay vẽ vời rất công phu.

Bản mẫu của Đức ông Beaulieu, cuốn sách hiếm về các mẫu thư pháp, 1599

(Calligraphy | Art, Examples, & Alphabet | Britannica)

Tấm gương soi về thư pháp, của Jan Van de Velde, 1605, Thư viện đại học Columbia, New York.

(Calligraphy | Art, Examples, & Alphabet | Britannica)

2 trang trong Sách chỉ Giờ của Geoffroy Tory, 1531

(Calligraphy | Art, Examples, & Alphabet | Britannica)

John Seddon,  Thiên đường tạo bằng bút, 1695

(Calligraphy history: Where does calligraphy come from? | HowJoyful)

Caroline Leake, trích Beaudelaire, 1987, viết bằng ngòi Gillott 404, mực Higgin Eternal, vẽ bằng bút chì.

(Calligraphy history: Where does calligraphy come from? | HowJoyful)

 

Những người viết thư pháp chữ Hán, Nôm cuối cùng ở Việt Nam, hẳn là Cao Bá Quát (trong truyện ngắn Chữ Người Tử Tù), và Tam nguyên Yên Đỗ Nguyến Khuyến trong rất nhiều giai thoại về ông (Tập truyện Chơi Chữ, Lãng Nhân Phùng Tất Đắc)

Chữ của “Thánh Quát” và của Tam nguyên Yên Đỗ, đã tuyệt tích giang hồ, nên đành xem vài chữ Nôm sót lại, qua các bản Kiều và tuồng Nôm.

Trang đầu bản Kiều Nôm có minh họa, 1894 – Kim Vân Kiều Tân Truyện

Một trang trong bản tuồng Nôm, Kim Thạch kỳ duyên (A specimen of chữ nôm writing from the drama The Marvellous Union of Gold and Jade, The Blackwell Encyclopedia of Writing Systems, Florian Coulmas, 2006).

Thấy gì không ?

Với rất nhiều người, nếu không nói, hẳn sẽ cho đây là chữ Hán.

Chữ Latinh cùng chữ Hán, đã có lịch sử hơn 2.000 năm. Và thư pháp của cả 2 thứ chữ này cũng có lịch sử lâu như thế.

Thích hay không, yêu hay ghét, trong lãnh vực nghệ thuật thật là vô cùng.

 

Tiền Xuất sư biểu (“First Memorial on Dispatching the Troops (Chu Shi Biao).” của Gia cát lượng (Zhuge Liang), qua thư pháp hành thảo của Nhạc Phi. Một phần bản rập trên bi ký dựng ở đền Vũ Hầu (WuHou), tỉnh Hà Nam (Henan), Nhạc Phi (Yu Fei) viết lại bài Tiền Xuất sư biểu theo yêu cầu của vị đạo sĩ (Taoist Priest) ở đền, khi ông nghỉ đêm lúc hành quân qua đây, năm 1138.

( Appreciation of the Calligraphy by Yue Fei, a National Hero of China | Falun Dafa - Minghui.org)

Nhạc Phi (1103-1142, danh tướng đời Nam Tống) và Gia Cát Lượng đều là trung thần, tận trung báo quốc, nên dễ cảm thông nhau, hiểu tấm lòng của nhau. Nhạc Phi viết lại bài Xuất xư biểu, cũng là viết ra nỗi lòng của ông.

Cho nên, qua nét bút, ta cảm được lòng trung, tính chính trực và tình yêu nước nồng nàn của ông.

 

 

 

Và, thư pháp Đông Hồ:

 

(https://www.facebook.com/media/set/?set=a.333122776709324.76217.148462111842059&type=3

 

Rõ ràng, trong sáng mà vẫn tha thiết, nồng nàn, là những gì thấy được qua thư pháp Đông Hồ.

Từ bước chân ban đầu ấy, hơn năm mươi năm đã trôi qua. Thư pháp tiếng Việt nay đã khác xưa rất nhiều. Và nó làm ta thêm yêu chữ Việt, tiếng Việt.

 

Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời người ơi!
Mẹ hiền ru những câu xa vời.
À à ơi! Tiếng ru muôn đời.

Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui .
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi!
Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi.
Thoắt ngàn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi!

Tôi yêu tiếng ngang trời.
Những câu hò giận hờn không nguôi!
Nhớ nhung hoài mảnh tình xa xôi.
Vững tin vào mộng đẹp ngày mai.

 

Tháng tư 2024

NTH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết