KÍCH TÔN SƠN BÁ TƯỚC VÀ CÁC BẢN PHÓNG TÁC

KÍCH TÔN SƠN BÁ TƯỚC VÀ CÁC BẢN PHÓNG TÁC

 

 

 

 

 

 

 

Bản in 1845

Thế kỷ 18, 19 là thời vàng son của văn học Pháp. Rất nhiều nhà văn trong hai thế kỷ này đã trở thành những danh nhân, những người bất tử của nước Pháp. Trong số ấy có Alexander Dumas, 1802-1870.

Ông viết rất nhiều, số tác phẩm ông để lại chừng 250, nhiều nhất là tiểu thuyết, ngoài ra ông còn viết kịch, phóng sự, bút ký. Nổi tiếng nhất và có nhiều người đọc nhất, không những ở Pháp mà trên toàn thế giới là hai tiểu thuyết, Ba chàng ngự lâm pháo thủ (Les Trois Mousquetaires) và Kích Tôn Sơn Bá tước (Le Comte de Monte-Cristo). Ba chàng ngự lâm được dựng thành phim nhiều lần ở nhiều nước. Còn Bá tước Kích Tôn Sơn lại được phóng tác thành truyện ở nhiều nước. Ví dụ như ở Việt Nam, nhà văn Hồ Biểu Chánh phóng tác thành Chúa tàu Kim Quy (1922). Ngoài ra, khoảng đầu thế kỷ 20, Nhà văn Lê Hoằng Mưu dịch là Tiền căn báo hậu đăng trên Lục tỉnh tân văn (1907), Phan Khôi dịch một phần (tựa là Bá tước Monte-Cristo) đăng trên Đông Pháp thời báo (1926).  Có lẻ tựa “Kích Tôn Sơn bá tước” là của dịch giả Vương Hoài An

Nhà văn Anh, Jeffrey Archer phóng tác thành Kẻ Mạo Danh, A Prisoner of Birth vào năm 2008.

Danny Cawright, thợ máy, chủ một gara sửa xe nhỏ, tổ chức lễ đính hôn với cô bạn thuở ấu thơ, Beth. Một bọn thanh niên nát rượu, gồm 3 tên, chọc ghẹo bạn gái anh, dẫn đến ẩu đả. Bernie, bạn Cawright, bị 1 trong bọn kia đâm chết. Nhưng cả 3, kết hợp với viên cảnh sát địa phương, làm chứng gian, đổ vấy tội cho anh. Lãnh bản án 22 năm. Trong tù anh quen với Nicholas Moncrieff, một quý tộc Scotland, giống anh như đúc. Nick Moncrieff dạy cho anh mọi tri thức, từ sách vở tới trường đời. Và chỉ trong 2 năm ngắn ngủi, Danny đã trở thành nhà quý tộc Nick. Nick bị giết trong tù, Danny nhờ một người bạn tù khác của Nick, thu xếp để thành Danny,người đã chết. Còn anh, mang thân phận của Nick, thoát ra khỏi ngục.

Sau đó là hành trình thâm nhập vào giới quý tộc và xã hội thượng lưu. Bắt đầu kế hoạch trả thù.

Nội dung Bá tước Monte Cristo của tác giả A. Dumas :

Bản ebook Anh ngữ do Project Gutenberg thực hiện

Câu chuyện bắt đầu với việc chiếc tàu Pharaon của hãng buôn Morrel cập cảng Marseille, người điều khiển con tàu là Edmond Dantès, một thanh niên 18 tuổi và là thuyền phó của tàu. Trong chuyến đi lần này, thuyền trưởng tàu là Leclère bị bệnh qua đời, trước khi mất, ông đã đưa cho Dantès một bức thư và dặn anh phải trao tận tay cho Napoléon Bonaparte lúc này đang ở đảo Elba. Dantès đã làm theo lời ông và sau đó Napoléon lại bảo anh trao một bức thư cho ngài Noitier ở Paris. Lúc trở về Marseille, Edmond được ông Morrel thăng chức thuyền trưởng, Edmond xin phép nghỉ 2 tuần để đi Paris trao bức thư và sau đó tổ chức lễ cưới với cô Mercédès xinh đẹp.

Danglars, một tên kế toán của tàu Pharaon, luôn ghen ghét Dantès, đã lập ra một kế hoạch để hãm hại anh. Hắn mời Fernand Mondego, anh họ của Mercédès, một người say mê nàng nhưng không được đáp lại, cùng với Caderousse, hàng xóm của Edmond đi uống rượu. Danglars viết một bức thư nặc danh tố giác Edmond cấu kết với Napoleon rồi xui Fernand gửi lên chính quyền.

Edmond bị bắt ngay trong lễ cưới. Người hỏi cung anh là phó biện lý Villefort. Lúc đầu, nhìn vẻ mặt lương thiện của Edmond, hắn định tha cho anh, nhưng khi thấy tên Noitier trên bức thư, hắn rất bàng hoàng và vội vàng đốt bức thư, sau đó hắn cho giam Edmond vào nhà tù If. Ở đây, Edmond may mắn gặp được cha Pharia-một người thông thái. Cha đã truyền cho chàng những kiến thức lịch sử, vật lý, ngoại ngữ và đặc biệt hơn cả là bí mật về kho báu.

Sau khi cha Pharia qua đời, Edmond đã vượt ngục thành công và sở hữu một số của cải khổng lồ. Ông bí mật đổi tên thành bá tước Monte Cristo và thâm nhập vào giới thượng lưu Paris. Bá tước đã lần lượt trả ơn những người đã giúp đỡ và trừng phạt thích đáng những kẻ tâm địa xấu xa đã từng hại mình.Bá tước Monte Cristo là câu chuyện thể hiện sâu sắc quy luật nhân quả ở đời: ở hiền gặp lành, ác giả ác báo.

 

Nội dung Chúa tàu Kim Quy:

 

Bối cảnh của câu chuyện được xây dựng dưới thời Minh Mạng.
Em gái Lê Thủ Nghĩa bị Trần Tấn Thân xâm phạm tiết hạnh, nên Thủ Nghĩa đánh Tấn Thân gãy tay. Ðể trả thù Tấn Thân đút tiền cho quan huyện vu cáo Nghĩa theo đạo Thiên Chúa, nên chàng bị án chung thân. Trong khám chàng kết thân với một người Khách trú và học nói tiếng Quảng Ðông. Trước khi chết người Khách trú tỏ thật cho chàng biết, ông ta là cháu bốn đời của Mạc Cửu. Cha của ông có giấu nhiều vàng bạc tại đảo Kim Quy, một hòn đảo nhỏ ở phía nam đảo Phú Quốc. Nhân khám bị hỏa hoạn Thủ Nghĩa thừa lúc lộn xộn trốn thoát trở về quê nhà thì được biết cha mẹ và em gái đã chết. Chàng tìm được kho tàng, giả làm khách Quảng Ðông mua tàu đi buôn và trở thành chúa tàu Kim Quy .
Chúa tàu Kim Quy tìm cách đền ơn em rể là Kỉnh Chi đã phải chịu điêu đứng vì lo lắng cho cha mẹ và em gái chàng, chàng tố cáo tội ác.

Nội dung Kẻ Mạo Danh:

Kẻ Mạo Danh kể về Danny Carwright, một chàng trai hiền lành đột ngột dính vào những rắc rối không hề báo trước.

Bạn thân của anh bị ám sát, và anh bỗng dưng trở thành nghi phạm lớn nhất trong vụ án này. Anh bị cáo buộc vào tội danh giết người với án phạt 22 năm tù. Tương lai của một người đàn ông trong phút chốc bị sụp đổ, anh vào tù trong sự oan ức không thể giải bày, bên cạnh đó vị hôn thê chưa kịp cưới và đứa con sắp chào đời của anh cũng bị bỏ lại bơ vơ.

Thế nhưng, bị đẩy vào tù chưa phải là dấu chấm hết cho cuộc sống của anh. Tại đây, anh gặp hai người bạn thân là Nick – một anh chàng có vẻ ngoài giống anh và Al Mập – một chàng trai tốt bụng. Biết được án phạt đầy oan ức của anh, cả hai quyết định giúp anh lên kế hoạch để tìm ra chân tướng những kẻ đã lập âm mưu hãm hại.

Với lợi thế giống nhau về ngoại hình, Danny và Nick đã có một sự hoán đổi thân phận, tạo nên một cái chết giả. Danny từ một người đàn ông hiền lành lại bị truy lùng với tội danh “kẻ vượt ngục”, liệu kế hoạch đó có giúp anh giành lại công lý về phía mình?

 

Bản gốc Le Comte de Monte Cristo tiếng Pháp dài hơn 1400 trang. Bản truyện A Prisoner of Birth dài chừng 700 trang. Còn truyện Chúa tàu Kim Quy chỉ non 100 trang.

Bố cục truyện Le Comte de Monte Cristo rất chi li, phong phú và đầy ắp tình tiết. Nhưng lối kể vẫn rành mạch, việc theo dõi rất thú vị, không bị lẫn. Nguyên nhân, hậu quả và diến tiến theo thời gian được trình bày hợp lý. Chàng trai trẻ bị hàm oan, bị giam và đày đọa trong ngục tối suốt 14 năm. Thời gian đủ dài để chàng học hỏi được từ vị thày tu Faria bác học đầy đủ mọi kiến thực sách vở và cà kinh nghiệm sống. Để rồi khi thoát khỏi nhà ngục, chàng mất thêm 10 năm để sắp xếp, bố trí dàn dựng kế hoạch trả thù trong một xã hội trí thức, quyền quý vượt xa tầm mức xuất thân của chàng. Và người đọc không cảm thấy sự vô lý nào.

Bối cảnh của truyện là xã hội nước Pháp khoảng từ 1815-1838, thời gian trị vì của vua Louis XVIII, khi Napoleon đang bị lưu đày trên đảo Elbe.

Truyện A Prisonner of Birth  độ dài chỉ bằng non nửa bản gốc. Cách kể rất hấp dẫn, nhưng thời gian cho nhân vật chính Danny Cawright, từ một chàng trai làm nghề sửa xe hơi, bị vu oan, lãnh bản án hơn 20 năm, vào tù, quen với một nhà quý tộc Scotland, chỉ mất 2 năm, đã học hỏi được mọi hiểu biết sâu rộng về lãnh vực ngân hàng, tài chính và cà luật nữa, thì hơi có chút vô lý. Dù thông minh đến đâu, lọc lõi đến đâu, tài chính, ngân hàng là một lãnh vực đòi hỏi một quá trình dài, ít nhất là trên 10 năm, mới có thể đua chen với những người trong giới tài phiệt.

Hơi một chút băn khoăn về nhân vật này. Có hợp lý không.

Bối cảnh của truyện là xã hội nước Anh khoảng cuối thế kỷ XX.

Chúa tàu Kim Quy đơn giản hơn. Tìm được kho báu do người Khách chỉ dẫn. Có tiền, lập kế trả thù. Chỉ vậy thôi. Nên truyện ngắn, ít tình tiết ly kỳ. Và giọng văn thuần Nam bộ hợp với độc giả miền Nam.

Tiền căn hậu báo của truyện được tóm thuật lại do chính người trong cuộc, qua đoạn kể sau đây:

Chúa tàu lật đật rót rượu mời uống thêm rồi biểu Cam nói rõ hết cho nghe chơi. Hai Cam xình xoàng nghe Chúa tàu hỏi phăng lần thì khoái chí nên uống cạn chung rượu rồi mới thuật rằng: “Chuyện hại Thủ Nghĩa tôi biết hết. Số là Thủ Nghĩa có một đứa em gái tên Thị Xuân, lịch sự lắm. Trần Tấn Thân ngó thấy nó muốn song muốn là muốn chơi cho qua buổi, chớ không phải muốn kết vợ chồng. Mà dầu nó muốn kết làm vợ chồng cũng không được, bởi vì cha mẹ nàng đã gả cho Kỉnh Chi ở dưới Cái Vừng rồi. Bữa nọ, nàng ấy đi đâu đó không biết, Trần Tấn Thân với Lý Thiên Hùng đi chơi gặp ngoài đồng, Trần Tấn Thân làm ngang, bắt ám sát. Thời may Thủ Nghĩa gặp đánh anh ta gần chết. Lý Thiên Hùng cõng về nói dối rằng leo cây bị té gãy tay. Đó, tại vậy nên mới sanh lòng oán hận Thủ Nghĩa. Chừng mạnh rồi, Thân với Hùng bày mưu đem năm chục quan tiền lên lo cho quan Huyện đặng hại Thủ Nghĩa. Hồi đó tôi vác tiền đem cho quan Huyện đa. Tôi không rõ mưu bày làm sao mà cách không đầy năm bữa quan Huyện cho lính bắt Thủ Nghĩa mà giam rồi làm tờ giải qua bên tỉnh, quan trên kêu án Thủ Nghĩa chung thân”.

(Trích Chương IX, Phần I, Chúa tàu Kim Quy, nxb Phụ nữ)

Chàng trai Thủ Nghĩa bị kết án chung thân giam trong ngục, gặp được ngươì Khách trong tù, chỉ cho chỗ cất kho báu của Mạc Cửu trên đảo hoang. Thoát khỏi ngục, chàng lấy được kho báu, giả làm người Khách, mua tàu đi buôn, hàm danh là chúa tàu Kim Quy.

Trần Tấn Thân bị án năm năm, mà chịu án mới có một năm rồi đau chết trong khám. Thằng Phục khôn lớn càng thương Kỉnh Chi, càng mến Thu Thủy, cứ tưởng mình là con của Kỉnh Chi mà thôi, chớ không dè chi hết, chừng được 24 tuổi thi đậu Tú tài. Thiệt là: Thiện ác đáo đầu chung hữu báo, Chi tranh lai tảo dữ lai trì”

(Trích Chương VIII, Phần II, Chúa tàu Kim Quy)

Quá nặng tính luân lý Á đông nên Chúa tàu Kim Quy không bám sát tính lịch sử như bản gốc. Diễn biến của truyện là thời vua Minh Mạng ở Nam bộ. Một xã hội nông nghiệp, đơn giản chứ không phức tạp như bố cục bản Le Comte de Monte Cristo hay A Prisoner of Birth. Giống với tiểu thuyết Tàu hơn là truyện của Tây. Tính tiểu thuyết giải trí không bằng các tiểu thuyết do ông sáng tác như Ngọn Cỏ Gió Đùa, Cha Con Nghĩa Nặng.

Dương Quảng Hàm trong Việt Nam văn học sử cho rằng Tiểu thuyết Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, xuất bản năm 1925 là tiểu thuyết viết bằng quốc ngữ đầu tiên. Nhưng thật ra, văn học Nam bộ đã có rất nhiều tiểu thuyết ra mắt sớm hơn nhiều. Đủ thể loại: tình ái ướt át, phiêu lưu, hành động…Chúa tàu Kim Quy là một ví dụ. (Hồ Biểu Chánh viết xong năm 1922, xuất bản năm 1923).

Trong nguyên tác, A. Dumas cũng dung tha cho kẻ thù như thế:

Bỗng nhiên một giọng nói trang nghiêm như từ đâu vọng tới làm Danglars dựng tóc gáy: - Vậy anh đã hối hận chưa? Y lờ mờ thấy một bóng người mặc áo choàng đứng đằng sau Vampa. - Ngài muốn tôi phải hối hận về việc gì? - Y nói không ra hơi. - Về tội ác anh đã gây ra! - Cũng vẫn tiếng nói đó. - Vâng vâng tôi hối hận lắm! - Danglars đấm ngực nói. - Nếu vậy tôi sẽ tha tội cho anh! - Người lạ mặt nói rồi tiến lên bỏ - Bá tước Monte Cristo! - Danglars kêu lên. - Anh nhầm rồi, ta không phải là bá tước Monte Cristo. - Thế ngài là ai? - Ta là người mà anh đã vu cáo và làm mất danh dự. Ta là người mà anh đã làm ta phải chia tay với người vợ chưa cưới của ta. Ta là người mà anh đã dùng làm cầu thang để bước lên danh vọng. Ta là người mà anh đã để cho người cha ta phải chết đói. Ta đã kết tội anh phải chết đói, nhưng ta tha tội cho anh vì ta cũng càn được Thượng đế khoan dung. Ta là Edmond Dantès. Danglars chỉ hét lên được một tiếng rồi đập đầu xuống đất. - Anh hãy đứng lên, ta tha tội chết cho anh. Hai thằng bạn của anh không được may mắn như anh đâu: một thằng đã hóa điên, một thằng đã tự sát. Anh hãy giữ lấy số tiền năm vạn đồng. Còn số tiền năm triệu là anh ăn cắp của các bệnh viện, ta đã hoàn lại người ta rồi. Vampa! Hãy cho người này ăn uống no nê rồi thả ra cho tự do! Danglars vẫn nằm phủ phục dưới đất. Lúc y ngẩng đầu lên, Monte Cristo đã quay gót, ung dung đi giữa bọn cướp đang cúi rạp người xuống chào vị thủ lĩnh. Theo lệnh của Edmond Dantès, Vampa dọn cho Danglars ăn một bữa rất thịnh soạn, có đủ rượu quý và những trái cây thơm ngon nhất nước ý, sau đó cho đóng ngựa vào xe chở y đi. Dọc đường, người ta bỏ y xuống, cho y ngồi tựa lưng vào một gốc cây. Đến sáng y tỉnh dậy, không biết mình đang ở chỗ nào. Rồi nhận thấy cạnh đấy có con suối, y thấy khát bèn bò lại. Lúc y cúi đầu xuống mặt nước để uống, y nhận ra tóc mình đã bạc trắng.”

(Trích Chương 116, Bá tước Monte Cristo, Mai Thế Sang dịch)

"Maximilien thân mến! Một chiếc thuyền buồm chờ hai người ở bến. Jacopo sẽ đưa hai người tới Livourne nơi mà ông già Noirtier đang mong đợi người cháu gái thân yêu trước khi hai người sẽ làm lễ thành hôn ở đấy. Tất cả những tài sản của tôi trong động này và toà nhà ở đại lộ Champs-élysées sẽ là tặng phẩm của Edmond Dantès tặng người con trai ông chủ hãng tàu Morrel. Tôi yêu cầu Valentine sẽ cúng vào các viện tế bần ở Paris tất cả gia sản mà cô thừa hưởng của người cha đã hóa điên và của người em trai đã chết theo ý nguyện của ông Noirtier. Còn anh Morrel, đây là bí quyết của cuộc sống: Trên đời này không có hạnh phúc mà cũng chẳng có bất hạnh, chỉ là sự chuyển biến từ trạng thái này qua trạng thái khác. Chỉ có những người nào đã trải qua cảnh khổ cực mới hưởng thụ được cảnh sung sướng. Chỉ có vẻ nào sắp chết mới biết cuộc sống là thiên đường. Hai anh chị hãy sống hạnh phúc bên nhau và nhớ kỹ rằng tất cả sự khôn ngoan của con người chỉ tóm tắt trong mấy chữ: hy vọng và đợi chờ".

"Edmond Dantès. - Bá tước Monte Cristo"

(Trích Chương 117, chương cuối, Bá tước Monte Cristo)

Ấy là lá thư cuối cùng Edmond Dantès, hay Bá tước Monte Cristo gởi con trai người chủ tàu, người chủ cũ của anh.

Ân đền oán trả.

Đông Tây giống nhau và cùng gặp nhau.

 

Và đây là bản án dành cho người vô tội Danny Cawrught:

Ngài thẩm phán gật đầu với người gác tòa. “Các thành viên bồi thẩm đoàn,” ông nói, “các vị quyết định người ngồi sau chấn song kia, Daniel Arthur Cartwright, phạm tội hay không phạm tội giết người?” Alex cảm thấy vài giây trước khi ông chủ tịch trả lời kéo dài đến hàng thế kỷ. “Phạm tội,” ông chủ tịch bồi thẩm đoàn tuyên bố. Sự kinh ngạc lan khắp phòng xử án. Phản ứng đầu tiên của Alex là quay lại nhìn Danny. Vẫn không có biểu hiện gì. Ở khu dành cho người đến dự phiên tòa có tiếng “Không!” cùng tiếng nghẹn ngào nức nở. Khi phòng xử án đã im lặng, ngài thẩm phán nói một đoạn mào đầu dài trước khi tuyên án. Từ duy nhất nằm im trong đầu Alex, không cách nào xóa đi, là hai mươi hai năm. Bố anh đã nói đừng bao giờ để phán quyết ảnh hưởng đến mình. Sau cùng, chỉ có một trong một trăm bị cáo bị kết án sai. Alex chắc chắn rằng Danny Cartwright chính là trường hợp đặc biệt này.

(Trích Chương 16, Kẻ Mạo Danh, Jeffrey Archer, Lê Đình Chi và Trần Hoàng Cương dịch)

Khi tất cả họ gặp nhau tại văn phòng của Alex vài ngày sau khi phiên tòa bị bãi bỏ, Danny đã hỏi Sir Matthew ý ông là gì khi nói “Vẫn chưa kết thúc đâu.” Ông thẩm phán già đã kéo Danny sang bên để Beth không nghe thấy những gì ông nói, rồi cho anh biết mặc dù Craig, Payne và Davenport đều đã bị bắt và khởi tố về vụ sát hại Bernie Wilson, cả ba vẫn một mực khẳng định mình vô tội, và rõ ràng cả ba gã đang cùng phối hợp thành một đội. Ông cảnh báo Danny rằng anh và Beth sẽ phải trải qua thử thách trước tòa một lần nữa, tại đó cả hai người sẽ phải làm chứng về những gì thực sự đã xảy ra vào đêm hôm đó với một người bạn nữa giờ đang yên nghỉ trong nghĩa địa của nhà thờ St Mary. Trừ khi, tất nhiên...

(Trích Chương 77, Kẻ Mạo Danh)

“Lawrence Andrew Davenport, ông bị buộc tội cản trở công lý, theo đó vào ngày hai mươi ba tháng ba năm 2000, ông đã đưa ra dưới tuyên thệ những bằng chứng mà ông biết rõ là sai sự thật. Ông trả lời ra sao, có tội hay vô tội?” Mọi con mắt trong phòng xử án cùng đổ dồn vào người diễn viên, một lần nữa lại nhận ra mình đang đứng ở vị trí trung tâm trên sân khấu. Lawrence Davenport ngẩng đầu nhìn lên hành lang dành cho công chúng, nơi em gái gã đang ngồi ở góc trong cùng của hàng ghế đầu tiên. Sarah dành cho anh trai cô một nụ cười động viên. Davenport cúi đầu xuống, dường như do dự trong giây lát trước khi nói với giọng thì thầm hầu như khó lòng nghe rõ, “Có tội.”

(Trích Chương 78, chương cuối, Kẻ Mạo Danh)

Diễn biến, khung cảnh, thuần túy là bối cảnh nước Anh. Những âm mưu của giới tài phiệt, những lọc lõi của giới luật sư chỉ có thể là Anh quốc.

Điểm giống nhau và khác nhau giữa hai nhà văn Hồ Biểu Chánh và Jeffrey Archer là vốn họ không phải nhà văn chuyên nghiệp. Họ là công chức cao cấp và là chính trị gia. Hồ Biểu Chánh là Đốc phủ sứ trong thời Pháp thuộc, và trong khi viết văn ông vẫn làm công chức. Còn Jefrrey Archer là nghị sĩ trong Thượng nghị viện Anh quốc, sau khi rời bỏ đời sống chính trị ông mới chuyển qua viết văn.

Nguyên nhân sâu xa dẫn đến hận thù đều từ một người phụ nữ. Trong Le Comte de Monte Cristo, đó là cô Mercédès, vợ chưa cưới của chàng thủy thủ Edmond Dantès, sau thành vợ một trong các kẻ thù của Bá tước Monte Cristo, Bá tước Morcef hay Fernando Mondego. Trong A Prisoner of Birth là cô Beth, hôn thê của nhân vật chính Danny, nhưng cô vẫn chung tình và chờ đợi Danny. Còn trong Chúa tàu Kim Quy, em gái của nhân vật chính Trần Thủ Nghĩa là người bị xâm hại.

Trong tập phóng sự tiểu thuyết “Đồng quê” của nhà văn nhà báo Phi Vân, giải thưởng văn học Hội Khuyến học Cần Thơ 1943, có một truyện vừa, “Dưới đồng sâu”, nội dung cũng gần giống Chúa tàu Kim Quy, nghĩa là cũng gần giống Bá tước Monte Cristo. Chỉ khác là nhân vật chính, khi mãn hạn tù, 15 năm, khi về làng cũ thì người xưa không còn nữa. Oán thù cũng dứt. Chỉ nhìn cảnh mà ngậm ngùi.

“Năm năm tù và mười năm biệt-xứ không dài bao nhiêu, nhưng nó thay trọn cuộc đời tôi. Tôi muốn người ta cho tôi ngồi trong khám mãi để mà quên đi, quên biệt, còn hơn cho tôi trở về với người đời.

Năm năm trong tù, tôi học rành chữ quốc-ngữ và mon-men được chút-đỉnh chữ tây.

Mười năm biệt-xứ khiến tôi có dịp dạn-dày với cuộc đời và nới rộng tầm con mắt.

Tù hạn trả xong, tôi lần về làng cũ. Cảnh-vật không còn như xưa nữa. Ông và bà thầy pháp đã về cảnh Tiên, Phật; thằng Út đã đi theo cải-lương; đất ông Chủ Nghĩa bán cho người khác; con tám Én đã có chồng với một dọc con dài: chồng nó là thằng tư Bồ.

Tôi cất tạm một căn nhà trên hòn Đá-bạc. Ở đó, ngày ngày nghe gió thét sóng gầm. Chỉ có gió thét sóng gầm mới an-ủi được lòng tôi.

Và chiều chiều, khi vừng thái-dương sắp chìm vào nước biển, tôi leo lên một mỏm đá cao chót-vót đứng nhìn về phía đất liền.

Sau rặng cây xanh bên ấy, chạy dài đồng nầy sang đồng kia, ruộng nầy sang ruộng khác. Trong những đồng ruộng mênh-mông, hiền-lành đó, ẩn-trú biết bao nhiêu là tá-điền và chủ điền...

Mà thôi, dĩ-vãng đã chết, còn nhắc lại làm gì nữa!...

Họ không phải là người gây nên tội-ác, họ chỉ là nạn-nhân của hoàn-cảnh xã-hội và của một thời-kỳ…”

(Trích đoạn kết, Phóng sự tiểu thuyết Dưới đồng quê, Phi Vân)

 Nhà văn Phi Vân chỉ muốn nói lên, vẽ ra những cảnh ngộ đau lòng mà hoàn cảnh, môi trường của chế độ thực dân Pháp để lại.

Từng có những nhân vật giữa đường thấy chuyện bắt bằng mà tha trong tiểu thuyết như chàng Lục Vân Tiên. Nhưng không thiếu những nhân vật như thế ngoài đời. Như Tư Mắt, một tay anh chị phá khám lớn Sài Gòn để cứu Phan Xích Long, thủ lĩnh kháng chiến. Như Cậu Hai Miêng, chuyên hành hiệp trượng nghĩa, mà lại là con trai Lãnh binh Huỳnh Công Tấn, tay sai của thực dân Pháp, kẻ thù của của người dân Nam bộ.

Phi Vân không muốn, không cho nhân vật của ông làm anh hùng. Chỉ là một nạn nhân bình thường của xã hội. Và vì tác phẩm của ông ghi là phóng sự tiểu thuyết nên con người cũng bình thường như bất cứ ai trong xã hội.

Phi Vân không đi theo nguyên tắc rập khuôn, không muốn có chuyện oan oan tương báo, cũng không lấy ân trả oán. Ông kể bằng giọng văn dửng dưng, bằng cây bút của người làm báo, bàng quang kể chuyện đời.

Và ta bỗng nhiên nhận ra ở ngay nước Pháp, nước Anh, nơi mà nền dân chủ đã thấm đẫm trong xã hội, những bất công của chính bản thân nền dân chủ lúc nào, đời nào cũng có…

 

SG, 2023

NTH

 

 

 

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết