Nguồn cội (Kỳ 4/4)

Chữ Nôm nếu không vì sự tình cờ của lịch sử, hẳn vẫn còn sử dụng cho đến nay, và chắc sẽ đi song song với chữ quốc ngữ như Trung hoa, Nhật và Hàn. Chữ Nôm, vốn dựa vào chữ Hán, là chữ tượng hình, biểu ý, nên có những ưu điểm mà chữ quốc ngữ không có được. Hiện vẫn có một vài tổ chức (Nôm Foudation), nhiệt thành với công cuộc phục hồi chữ Nôm.)

Trong 4 nước chịu ảnh hưởng của Nho giáo, Việt Nam là nước không còn sử dụng chữ biểu ý, và là nước nghèo nhất. Điều này có liên quan gì với chữ không?

Có người cố tìm trong thơ ca truyền khẩu, phổ biến nhất là ca dao, xem như là đặc sản của người Việt. Chứng tích này cũng khá mơ hồ. Ai chứng minh được đó là sáng tác của người đồng thời, hay chỉ sau một thời gian ngắn. Hay chỉ là công trình của người đời sau gán cho tiền nhân.

Thôi thì có gì dùng nấy. Sau đây là một số bài ca dao về thời xa xưa ấy.

(Dẫn theo Đào Đức Chương, Ca Dao, Nẻo vào Lịch sử, http://vietlifestyles.com/ca-dao-neo-vao-lich-su-hinh-thanh-va-cung-co-quoc-gia-2879-tcn-1428/)

 

Họ Hồng Bàng (2879-258 TCN):

Ông Thần Nông thị

Người ở đời xưa

Dạy dân cày bừa

Khỏi đói khỏi khổ

Nay dâng một cỗ

Xin người hưởng cho

Xin người giúp cho

Giúp cho lúa tốt

Lúa tốt khắp đồng

Nhiều hột nhiều bông

Đầy kho đầy lẫm

Thái bình no ấm

Dân sự cậy nhờ

(Giáo sư Nguyễn Đổng Chi cho biết đây là bài ca cổ người dân quê ở Nghệ An vẫn đọc trong buổi lễ cúng cơm mới hàng năm).

Đế Minh

Ngày xưa xưa lắm

Có vua Lạc Long

Người thuộc về dòng

Rồng thiêng cao quý

Cả nước Xích Quỷ

Đều mến thương ngài

Dòng giống Tiên Rồng

Sau vua Đế Lai

Gả cho công chúa

Dáng như phượng múa

Đẹp như bài thơ

Tên là Âu Cơ

Thuộc dòng tiên thánh

Vai kề gối sánh

Được mấy năm tròn

Hạ sinh bọc con

Chứa đầy trăm trứng

Mùa xuân mới hửng

Thì ôi lạ thay

Trứng rồng nở ngay

Trăm trai tuấn tú

Giổ Quốc tổ Âu Cơ

Tháng năm ngày tết Đoan Dương

Là ngày giổ mẹ Việt Thường Văn Lang

(Vậy ngày tết Đoan Dương hay Đoan Ngọ là của người Việt ta, chẳng phải của Trung hoa).

Cuộc chia ly Tiên Rồng

Một chiều trời động

Sóng biển gầm gào

Rừng cây xôn xao

Cảm điều chia rẽ

Lạc Long cặn kẻ

Nói với bà Âu

Rằng ta ở lâu

Với nàng không được

Ta, Rồng thuộc nước

Nàng, Tiên thuộc non

Đành chia trăm con

Mỗi người một nửa

Âu Cơ lệ ứa

Yên lặng đưa chồng

Cùng lũ con Rồng

Theo cha xuống bể

Đoạn rồi gạt lệ

Đưa các con bà

Lướt gió bôn ba

Lên vùng rừng rú

Đến mùa nước lũ

Thì bà Âu Cơ

Bẻ lá đề thơ

Gởi về biển rộng

(Đọc đến đây thì các con cháu bà cũng hai hàng lệ ứa)

Lời giản dị, ý chân thành. Phải chăng đây chính là lời của người đương thời Hùng Vương dựng nước.

Thế nên ta hãy cứ tự hào là dòng giống Tiên Rồng.

 

Bình Thạnh, tháng 6.2020

Ng T. Hải

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết