Nguồn cội (Kỳ 3/4)

Vậy là ta chỉ biết mơ hồ ông tổ người Việt là người Phi châu. Các vấn đề còn lại vẫn phải chờ thêm các bằng chứng khoa học và khảo cổ. Vì các cuộc tranh luận vẫn chưa ngả ngũ mà.

Trong khi chờ đợi, ta đi loanh quanh xem hoa cỏ. Ví dụ như:

Giáo sĩ Đắc Lộ đã nói tiếng Việt nghe líu lo như tiếng chim, hoặc người Việt nói như hát. Ngay đến người Tàu vốn rất tự phụ với tiếng Hán của họ và miệt thị các ngôn ngữ khác, nhưng vẫn nhận tiếng Việt như tiếng chim hót. Có giai thoại kể ông Mạc Đĩnh Chi đi sứ bên Tàu, bị một viên quan Tàu ra một vế đối:

“Quých thiệt chi đầu đàm Lỗ luận: Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri.” Nghĩa là Miệng lưỡi chim chích trên đầu cành bàn sách Luận ngữ: ‘Biết thì nói biết, không biết thì nói không biết, đó mới là biết.’

Ông Mạc Đĩnh Chi đối lại: “Oa âm trì thượng độc Chu thư: lạc dữ thiểu nhạc lạc, lạc dữ chúng nhạc lạc, thục lạc?” (Tiếng ếch nhái đọc sách nhà Chu trên bờ ao: vui nhạc với ít người, vui với nhạc nhiều người, đằng nào vui hơn?”

Vì đối phương trích sách Luận ngữ của Khổng tử dùng các âm “tri chi tri chi” để diễu tiếng Việt như tiếng chim hót, nên ông Mạc Đĩnh Chi trích sách Mạnh tử, với những âm “lạc nhạc lạc nhạc” để chê tiếng Tàu như tiếng ếch nhái.

Và khi Giáo sĩ Đắc Lộ soạn quyển tự điển Việt Bồ La, ông thừa nhận học nó quá khó, ông không biết rằng công trình của ông khi hoàn thành, nó, tiếng Việt, trở thành quá dễ, 400 trăm năm sau đó.

Sự kết hợp hoàn hảo giữa tiếng Việt và ký tự La tinh giúp tiếng Việt trở nên một thứ ngôn ngữ gần như độc nhất vô nhị ở châu Á sử dụng ký tự La tinh để ghi âm khiến việc học tiếng Việt dễ dàng.

(Nhiều tác giả đã phân tích về những nét độc đáo trong chữ quốc ngữ, chẳng hạn như Đào Mộng Nam và Nguyễn Tiến Văn, Chữ Việt chữ Nho và nguồn gốc ngôn ngữ Việt, https://luocsutocviet.wordpress.com/2019/07/31/391-?-chu-viet-chu-nho-va-nguon-goc-cua-ngon-ngu-viet/ )

 

(Đồng thời với Việt Nam, việc La tinh hóa chữ Hán và chữ Nhật cũng do các giáo sĩ Tây phương thực hiện, lại không thành công lắm, không rõ tại sao. Nhưng hiện nay đã khác. Trung hoa đã có cách đọc Pinyin, như thủ đô Bắc kinh viết là Beijing, chứ không phải Peking như cách ghi của Âu Mỹ, nhưng thực ra Pinyin là cách ghi phiên âm chứ không phải là ghi âm như tiếng Việt; hay Nhật có cách ghi Romanji, như Fujisan là núi Phú Sĩ. Họ phải mất thêm vài trăm năm nhờ nỗ lực của chính người Hoa và Nhật hiện thời chứ không phải các giáo sĩ).

Chữ quốc ngữ như hiện nay dĩ nhiên chỉ là phương tiện ghi âm, không phải là chữ biểu ý như tiếng Hoa, vẫn có những bất tiện và thiếu sót ( ví dụ trong tiếng Việt có rất nhiều chữ đồng âm dị nghĩa nhưng viết giống nhau, phải phân biệt bằng ngữ cảnh hay các phụ từ như đường (thức ăn) không phân biệt với đường (đi); nước (thức uống) không khác với (đất) nước…Điều này chỉ các nhà ngữ âm học nhận ra, còn người bình dân không thấy có gì là bất tiện.

Trở lại với chữ Việt cổ. Nếu những gì Thiền sư Lê Mạnh Thát tìm ra là đúng ( viết trên giấy mật hương), thì chữ Việt đã hoàn toàn biến mất. Trên đất sét, trên da dê, trên thẻ tre, thì còn có thể tìm thấy ở đâu đó, trên giấy thì đã hơn 2.000 năm, không còn chút dấu vết nào hết.

Có thể viết trên tấm lá đồng không ? Việt Nam đang lưu giữ 12 cuốn sách đồng, một số tìm thấy ở chùa, chép kinh Phật. Xưa nhất có lẽ là sách đồng ở chùa Láng (Hà Nội) tương truyền do Từ Đạo Hạnh cho khắc, nhưng cổ vật này đã bị mất năm 1946. Tất cả đều là chữ Hán, một vài chữ Nôm.

Sau khi dành được độc lập, thời nhà Lý đã bắt đầu xuất hiện chữ Nôm, được Hàn Thuyên, 1229-? (làm quan dưới thời Trần Nhân Tông) phát triển và được sử dụng rộng rãi cho đến tận đầu thế kỷ 20. Cấu tạo chữ Nôm dựa trên chữ Hán, muốn học chữ Nôm lại phải biết chữ Hán trước. Điều này khiến ta nghĩ rằng nếu những nhà phát kiến ra chữ Nôm, tại sao không cố tìm lại chữ Việt cổ, nếu như có chút dấu vết nào đó, như hiện nay một số ý kiến cho rằng chữ Việt cổ lần khuất đâu đó trong chữ các dân tộc thiểu số ở miền biên viễn, mà lại phải cất công đi mượn ngay chữ Hán. Thế kỷ 10-12 đi tìm chắc dễ hơn bây giờ.

E rằng chữ cổ ở Bãi đá Sapa chẳng phải chữ Việt.

Ý kiến cho rằng chữ Khoa đẩu (hay chữ Nòng nọc), đã bị người Hoa cướp mất rồi phát triển thành chữ Giáp cốt không phải là không có lý. Người ta có khuynh hướng đi tìm những gì vốn là của mình, nên các nhà nho thời Lý dùng ngay tiếng Hán, cải sửa nó thành tiếng Nôm, hẳn là có ý riêng của mình: các vị ấy chỉ lấy lại những gì đã mất..

Những áng văn thơ cổ hay nhất của nước ta, Kim Vân Kiều, bản dịch Nôm Chinh phụ ngâm, hay Cung oán ngâm khúc, đều là những áng thơ Nôm tuyệt tác (bản dịch Nôm Chinh phụ ngâm còn hay hơn bản gốc chữ Hán, hay như bản dịch Nôm Tỳ Bà hành, vượt xa bản gốc chữ Hán và đã có một đời sống riêng). Thử đọc mấy bài thơ Đường, hay thơ đời Lý Trần xem. Đọc theo âm Hán nghe cứ nằng nặng, ồm ồm, nhưng theo âm Hán Việt (cách gọi này cũng gây tranh cãi) nghe rất hay dù chẳng hiểu nghĩa. Đây là bài Hoàng Hạc lâu đọc theo âm Hán Việt và âm Pinyin:

Hoàng Hạc lâu
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du.
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

Huáng Hè Lóu (Pinyin)

Xï rén yî chéng huáng hè qù
Cî dì köng yú huáng hè lóu
Huáng hè yï qù bú fù fân
Bái yún qiän zâi köng yöu yöu
Qíng chuän lì lì hàn yáng shù
Fäng câo qï qï yïng wû zhöu
Rì mù xiäng guän hé chù shì
Yän bö jiäng shàng shî rén chóu

 

 

Đọc 2 câu Nhật mộ hương quan hà xứ thi, Yên ba giang tượng xử nhân sầu, ta chỉ muốn theo Từ Thức vào núi Thiên Thai. Và đọc hai câu Rì mù xiäng guän hé chù shì, Yän bö jiäng shàng shî rén chóu, thì cứ như thời cách ly lại bị loa karaoke kẹo kéo tra tấn vậy.

 Các nhà nghiên cứu cho rằng phương bắc vì khí hậu và môi trường khắc nghiệt nên lắm triết gia, chính trị gia, và cả chiến binh vừa thiện chiến vừa hiếu chiến như người Viking, Mông Cổ; phương nam khí hậu ôn hòa, đời sống dễ chịu do nông nghiệp phát triển nên nhiều văn thi sĩ như dân Pháp, dân Ý. Ngoại lệ là dân La Mã, thích chinh phạt. Có phải vì vậy mà đa số người Việt yêu thích thơ ca, chuộng lối sống êm đềm, và tiếng Việt nghe du dương như hát, đầy nhạc tính.


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết