Ngoài cửa Thiên Đường (Kỳ 4/4)

Ông tiên ngủ Hi Di Trần Đoàn

Hơn ngàn năm sau Lão tử, ông tổ khoa tử vi, Hi Di Trần Đoàn xuất hiện, (khoảng cuối thế kỷ IX). Nhưng hình như Trần Đoàn chỉ hệ thống tổng hợp những kiến thức về tử vi đã có sẵn, dựa vào thiên văn, tượng số, kinh Dịch, cùng lý thuyết âm dương ngũ hành. Hệ thống môn tử vi gồm chòm sao Tử vi (6 sao) và chòm sao Thiên phủ (8 sao), và các chòm sao Thái Tuế, Trường Sinh…

Nhưng bỏ qua những chuyện ấy, người ta cho rằng ông sống trong hang ở núi Hoa Sơn, biết hết mọi chuyện trên đời, biết rõ ngày tháng lên ngôi vua của Tống Thái Tổ, Thái Tông, biết trước ngày chết của mình. Suốt ngày chỉ ông nằm ngủ, nên gọi là ông tiên ngủ. Hay gọi ông là tiên giáng trần chăng? Vì chỉ tiên mới biết chuyện của người đời. Ông là kiếp sau của Lão tử, hay ông là hiện thân của Thái thượng lão quân. Nào ai biết.

Việt Nam ta cũng có một vị tiên như thế. Ông là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Truyền rằng ông để lại Sấm ký, đoán trước những chuyện 500 năm sau. Ngay cả khi còn sống, những chỉ dẫn của ông giúp Nguyễn Hoàng hay chúa Trịnh giữ được cơ nghiệp. Vậy ông là nhà chính trị lão luyện hay nhà tiên tri hay cũng là một vị tiên mắc đọa?

Và cả thánh địa lý Tả Ao nữa. Tìm ra những cuộc đất phát công hầu khanh tướng trong nhiều thế hệ, ông là tiên chăng?

Sao ông thấy được những gì mà thượng đế dấu kín vậy?

 

Lễ Thất tịch (mồng bảy tháng bảy) thì kể qua sự tích Ngưu Lang Chức nữ:

Ngưu Lang là thần chăn trâu, Chức nữ là thần dệt vải của Ngọc hoàng. Ngưu Lang say mê nhan sắc của Chức nữ còn Chức nữ thì say mê tiếng tiêu của Ngưu Lang, bỏ bê công việc. Ngọc hoàng giận đày cà hai xuống thế. Sau thương tình cho gặp nhau mỗi năm một lần vào mồng bảy tháng bảy. Mỗi lần tiễn biệt họ khóc nhiều đến nỗi nước mắt hóa thành mưa, trần thế gọi là mưa ngâu. Vì sông Ngân không có cầu, Ngọc hoàng triệu các phường thợ mộc dưới thế lên làm cầu. Các phường thợ không hợp ý cãi nhau suốt không xong được cầu.Ngọc hoàng giận, bắt hóa hết thành chim quạ, lấy đầu nối thành cầu cho Ngưu Chức đi qua gặp nhau (vì thế mà vào tháng 7, chim quạ lại bị trọc đầu). Đó là Ô kiều (cầu Quạ, một dị bản khác thì kể đó là cầu Ô Thước, cầu do chim quạ, Ô, và chim Thước, chim khách, kết cánh tạo ra.

Thương thay cho vợ chồng ngâu

Cả năm chỉ mới gặp nhau một lần

(Ca dao)

 Ngưu Lang Chức nữ gặp nhau trên cầu Ô Thước

 

Ngưu Lang Chức nữ, Tsukioka Yoshitoshi, tk 19

 

Đó là cõi tiên qua trí tưởng của văn sĩ, họa sĩ và thi sĩ. Còn đây là thiên đàng qua cái nhìn của triết gia:

Kiên Ngô hỏi Liên Thúc:

_ Tôi thấy Tiếp Dư nói nhữn lời khoa đại, không xác thực, đi mà không trở về, tôi sợ rằng những lời đó không biết đâu là cùng như dải Ngân hà, qiáu đản, bất cận nhân tình.

Liên Thúc hỏi:

_ Ông ấy nói gì?

_ Trên núi Cô Tô xa xôi, có thần ở, da họ trắng như băn tuyết, họ đẹp đẽ mềm mại như con gái. Họ không ăn ngũ cốc, chỉ hít gió uống sương mà sống, họ cưỡi mây và rồng bay đi chơi khắp cõi ngoài bốn bể. Họ định thần mà làm cho vạn vật không bị bệnh tật, mùa màng năm nào cũng trúng. Tôi cho là nói bật không tin.

Liên Thúc bảo:

_ Đúng vậy! Kẻ đui không thấy được màu sắc, đường nét đẹp đẽ, kẻ điếc không nghe được tiếng chuông, tiếng trống. Nào phải chỉ hình hài mới đui điếc, trí tuệ cũng đui điếc nữa. Lời đó là nói về anh đấy. Những thần nhân đó có đức cao nên hòa đồng được với vạn vật.

(Trang tử và Đạo Đức kinh, Chương I, Tiêu dao du, Nguyễn Hiến Lê)

Nhưng trong chương II, Tề vật luận, Trang tử lại bảo, vũ trụ chỉ là một ý niệm. Vậy thiên đàng chỉ là tưởng tượng mà thôi.

Có đúng như vậy không?

Nếu chỉ vì không nhìn thấy mà khẳng định là không có thì e khó thuyết phục.

Hỏi các nhà du hành vũ trụ xem.

Bán tín bán nghi. Có ông bảo gặp người ngoài hành tinh. Có ông bảo họ ở ngay trên trái đất. Đĩa bay thì thấy ở khắp nơi, ở mọi thời đại. Ngay trong các hang đá của người tiền sử, có những hình vẽ những vật, những hình nhân lạ lùng. Chuyện kể của các bộ lạc da đỏ, da đen, đầy những chuyện về một thế giới khác, một vũ trụ khác. Đó có phải là một hình thái của thiên đàng không?

 Nhà thiên văn học nói sao.

Carl Sagan trong tác phẩm Cosmos, có dẫn vài nhận định của các triết gia và dân tộc thời xưa. Ví dụ như:

Seneca (trong Natural Questions, Book 7, First Century): Nature does not reveal her myteries once and for all, Tự nhiên, bây giờ và mãi mãi, không hề để lộ những bí ẩn của mình.

Dân tộc Assyrian, 1000 năm trước CN, trong một bài thần chú chữa chứng đau răng, thì mở đầu bằng nguồn gốc của vũ trụ rồi mới kết thúc bằng phương thuốc chữa cơn đau:

After Anu had created the heaven.

And the heaven had created the earth

And the earth had created the rivers…

(Anu, Đấng Tạo hóa, tạo ra trời, trời tạo ra đất, đất tạo ra sông, suối…)

Thánh thư của người Maya Quiché (The Popol Vuh of Quiché Maya) thì ghi:

The first men to be created and formed were called the Sorcerer of Fatal Laughter, the Sorcerer of Night, the Black Sorcerer…They were endowed with intelligence, they succeeded in knowing all that there is in the world…

(những kẻ đầu tiên được tạo ra và hình thành gọi là Phù thủy tiếng cười chết chóc, Phù thùy bóng đêm, Phù thủy đen. Họ được ban cho trí thông minh, biết hết mọi thứ trên quả đất…)

Sách Job (The book of Job, trong Cựu ước, The old Testament) chép:

Have you comprehend the expanse of the earth? Where is the way to the dwell of the light, and where is the place of darkness…?

(Các ngươi có biết trái đất nở ra không? Đâu là nhà của ánh sáng, và bóng tối ở nơi đâu?)

Blaise Pascal triết gia Pháp thì viết (Trong Pensée):

It is not from space that I must seek my dignity, but from the government of my though. I shall have no more if I possess world. By space the universe encompasses and swallows me up like an atom; by thought I comprehend the world.

(Tôi không đi tìm chân giá trị của mình ngoài không gian mà chính từ tư tưởng. Tôi sẽ không còn nữa nếu tôi có được thế giới. Nhờ có không gian mà vũ trụ bao lấy tôi, nuốt lấy tôi như hạt bụi (nguyên tử); nhờ tư tưởng mà tôi hiểu được thế giới.)

T H Huxley, triết gia Anh, viết:

The known is finite, the unknown unfinite; intellectually we stand on an islet in the midst of an inlimitable ocean of inexplicability.

(Điều đã biết là hữu hạn, điều chưa biết là vô hạn; những điều chúng ta đã biết chỉ như một hòn đảo nhỏ giữa một đại dương vô tận những điều chưa giải thích được).

 

Trang tử nói trên núi Cô Tô có tiên. Núi Cô Tô là một nơi phiếm chỉ. Nó có thể ở bất cứ đâu. Như núi Tản Viên ở Việt Nam, thần núi Tản tương truyền là Sơn tinh trong truyện cổ Sơn tinh Thủy tinh có từ đời Hùng vương. Hay núi Qua Sơn (còn có tên là Đại An, núi Chúa, núi Cấm) thờ thánh nữ Thiên Y A Na ở Khánh Hòa.

Lão tử khi viết Đạo Đức kinh, chỉ muốn đi tìm bản thể của vũ trụ, và Trang từ với óc tưởng tượng phong phú của mình, gán cho những sự vật và con người có những bản tính phi thường để tạo ra một thế giới không có thực. Và thế là Đạo giáo ra đời. Lão tử bỗng trở thành Thái Thượng lão quân, để Đạo giáo có một ông tổ, đầy tính mộng mơ, ngang hàng với Khổng tử của Nho giáo, một ông tổ thực tế.

Con người ban ngày sống thực tế và ban đêm sống mộng mơ. Thế là có ngày và đêm. Muốn gặp tiên là phải ngủ đi, thiếp đi, thôi miên đi. Phải thoát khỏi kiếp sống thực. Thế là tiên chỉ có trong chuyện kể, cổ tích, sống nhờ giấc mơ của các thi văn nhạc hoạ.

Không gian có 3 chiều, chiều thứ tư là chiều thời gian. Nhưng vật lý hiện đại cho rằng trong vũ trụ có nhiều chiều, ít nhất là 7 chiều. Những chuyện kể tiền kiếp, hậu kiếp, hay gặp lại người đã mất tích vào nhiều năm sau, được giải thích là họ đi lạc vào chiều không gian khác, hay lổ hổng thời gian. (Những chuyện mất tích rồi được gặp lại vài chục năm sau chỉ là chuyện bịa, vì chỉ thấy có vài mẩu tin tức chứ chẳng thấy hình ảnh gì chứng minh cả. Còn chuyện tiền kiếp, hậu kiếp? Thật khó giải thích. Chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên nào đó hay lại là trò bịp của truyền thông.)

Vậy thiên đường có phài là chiều không gian khác.

Hay là một giấc mơ nối dài của tất cả nhân loại.

Và chúng ta chỉ mãi mãi là những kẻ đứng ở ngưỡng cửa thiên đường, hay nói cách khác, ngoài cửa thiên đường.

 

Và đây là hình ảnh cuối cùng khi Từ Thức về trần:

Japanese Art selection, Mary&Jason Burke Selection.MM

Dừng nơi xóm cũ xóm hoang vu,

Đôi mái nhà tranh lòng núi thu

Hỏi ai ai biết là ai nữa

Mấy trăm năm mây nổi sương mù

 

Bình Thạnh, tháng Tư, hai không hai mươi.

Mưa chưa ướt đất.

Nguyễn T Hải

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết