NGUYỄN TRƯỜNG TỘ, MỘT CƠ HỘI BỊ BỎ LỠ

NGUYỄN TRƯỜNG TỘ, MỘT CƠ HỘI BỊ BỎ LỠ

Nhà sử học nổi tiếng nhất nước Mỹ Will Durant, trong bộ sử The Story of Civilization, vừa dày vừa nặng, đề cập đến đủ mọi chuyện từ xưa tới nay. Nước nào cũng nói tới hết, trừ nước Mỹ !

Thế nên muốn biết chuyện nước Mỹ đành đọc sách của thiên hạ, nghĩa là không phải người Mỹ viết. Chẳng hạn như tác giả người Pháp Alexis de Tocqueville, viết De la démocratie en Amérique, mà dịch giả Phạm Toàn dịch rất hay là Nền Dân trị Mỹ. Sách dày quá, 2 tập, 1685 trang, nên không dám đọc. Chỉ đọc cái tựa thôi.

Chẳng phải dân chủ. Là Dân trị thôi. Và chỉ cần có thế, người ta cũng hiểu sơ sơ về nước Mỹ.

Khi Tổng thống A. Lincoln đọc bài diễn văn tại Gettysburg năm 1863, những câu nói đơn giản của ông còn được nhớ mãi:

Tám mươi bảy năm trước ông cha chúng ta đã khai sinh ra trên lục địa này một quốc gia mới, được thai nghén trong Tự do, và sống hiến dâng cho lý tưởng được đề ra, rằng tất cả mọi người được tạo hóa sinh ra bình đẳng…

rằng quốc gia này, dưới ơn trên của Chúa, sẽ chứng kiến một cuộc sinh nở mới của Tự do – và rằng chính quyền của dân, do dân và vì dân, sẽ không biến mất khỏi trái đất này.

Và đó chính là cách diễn giảng ý nghĩa sâu xa của từ Dân Trị.

Khi Minh Trị Thiên hoàng lên ngôi, năm 1867, mở đầu cho phong trào Duy Tân, đưa nước Nhật từ phong kiến lạc hậu, nguy cơ thành thuộc địa cho các nước phương Tây, thành một nước Nhật hùng cường, thì gần như đồng thời ở Việt Nam là triều Tự Đức, đứng trước nguy cơ bị Pháp đô hộ. 

Thì xuất hiện nhân vật Nguyễn Trường Tộ.

NGUYỄN TRƯỜNG TỘ, NGƯỜI ĐI TÌM VẬN MỆNH

Nguyễn Trường Tộ nói là về việc học, thì không môn nào là không để ý, từ thiên văn, địa lý, luật lịch, binh quyền, tôn giáo, bách nghệ... cho tới thuật số; ông đặc biệt chú ý nghiên cứu về chính trị và ngoại giao.

Trong 58 bản điều trần của ông gởi cho triều đình Huế, ông đề cập không thiếu mặt nào, nghĩa là tất cả những gì tóm gọn trong quốc kế dân sinh: giáo dục, quân sự, ngoại giao, địa lý, công nghiệp…

Không một điều nào được thực thi nên khó biết hiệu quả. Nhưng có hai việc mà ông đã bắt tay thực hiện, với tư cách là người vạch kế hoạch, vẽ sơ đồ, và trực tiếp xây dựng. Mà hiệu quả là hiển nhiên và còn cho tới ngày nay.

Một là Kênh Sắt ở Nghệ An và hai là chủng viện Thánh Phao lồ ở Sài Gòn.

Từ đời Lê, công trình đào kênh nối sông Cấm với sông Vinh đã bắt đầu, nhưng mắc kẹt ở nơi gọi là Cừa Sắt hay Thiết Cảng. Khi Hoàng Tá Viêm nhận lệnh vua Tự Đức làm thông kênh này (khoảng năm 1866), đã cho mời ông Nguyễn Trường Tộ giúp sức. Vớ kiến thức địa chất học được bên Pháp, NTT biết ở dưới có mỏ sắt nên không thể đào được. Ông cho cắm cọc tiêu tránh chỗ đó, và chỉ trong 1 tháng là xong công trình cả gần ngàn năm không làm được.

XÂY CẤT TU VIỆN DÒNG THÁNH PHAOLÔ Ở SÀI GÒN

Trong lúc chờ đợi, ở Sài Gòn, sau khi thôi làm phiên dịch cho Pháp, Nguyễn Trường Tộ đã giúp xây cất tu viện Dòng thánh Phaolô, số 4 Tôn Đức Thắng hiện nay.

Công cuộc xây dựng được bắt đầu tháng 9-1862 và hoàn tất ngày 18-7-1864.

Theo ký sự của Nữ tu Benjamin, người phụ trách tu viện Thánh Phaolô ở Sài Gòn lúc bấy giờ, cũng như một bức thư của linh mục Le Mée, thừa sai người Pháp viết ngày 10-5-1876, thì công việc xây cất được giao cho “Thầy học” tên là Lân và nhờ các thư từ của Giám mục Gauthier, chúng ta biết chắc chắn rằng: “Thầy học” tên Lân, nói trên đây, chính là Nguyễn Trường Tộ.

Hãy đọc vài nhận định của người trong nghề, Ngô Viết Thụ, Khôi nguyên giải La mã, về “kiến trúc sư bất đắc dĩ” này:

…Có ai ngờ giữa Sài Gòn xa xưa lại có một công trình kiến trúc, mặt ngoài rất tầm thường mà bên trong rất thẩm mỹ, chứa đựng toàn sự trang nhã, với những bình diện rất cân đối và đường nét rất đơn sơ nhưng đã diễn tả hết được vật liệu đã dùng.

Bước qua ngưỡng cửa vào, nhìn lên bậc thang tầm thước, khách đã phải e dè như sắp rức mùi tục lụy để bước vào chốn tôn nghiêm.

Hạ điện có lối kiến trúc súc tích, thấp và rộng, xây theo lối khung vòm quá bán viên, trang bày đơn sơ nhưng vẫn có vẻ cổ kính.

Thiệt là một kiệt tác phẩm.

Cụ Nguyễn đã dùng vật liệu tại chỗ mà xây lên một giáo đường huy hoàng với đường nét thẩm mỹ lối Gothique. Các khu vòm hình liêm cung, đua nhau vượt lên lối trên 20 thước, không một chút chạm trổ hoa hoè. Sự cân đối của các diện tích, sự giản dị của các phối hợp tạo nên một hoà điệu hoan hỉ lạ lùng, thêm vào đó một thứ ánh sáng huyền ảo làm cho khách tưởng nhớ ngay đến giáo đường Sainte Chapelle ở Ba lê, một kỳ công kiến trúc của Pierre de Montreuile, xây dưới thời Vua Thánh Louis thế kỷ XIII.

Có một điều lạ hơn nữa là cảm giác chung khi nhìn công trình ấy, khách liên tưởng đến một khúc nhạc hoà tấu của J.S.Bach. Thật là một sự thành công mỹ mãn của một công trình kiến trúc tôn giáo…

(bài viết của KTS Ngô VIết Thụ vào tháng 11/1961 về Tu viện Thánh Phaolô tại Saigon của Cụ Nguyễn Trường Tộ. Bài viết được trích lục từ Tuần báo Văn Đàn số Đặc biệt, kỷ niệm Cửu Thập chu niên húy nhật của Tiên sinh Nguyễn Trường Tộ.)

 

TRÍCH BẢN ĐIỀU TRẦN VỀ GIÁO DỤC

Là bản điều trần quan trọng nhất gởi lên triều đình Huế, dưới triều Tự Đức, năm 1871.

 

Tôi trộm nghĩ: từ ít lâu nay Triều Đình đã gấp rút lo việc tự cường, mở rộng đường dư luận, lập ra nhiều đề mục mới, để trong nước không một tài năng bị vứt bỏ, không một việc tốt đẹp bị sơ sót. Chỗ dụng tâm đó, đáng đủ coi là đã rất mực tha thiết vậy!

Nhưng ngoài môn khoa cử ra, thì chưa từng được thấy một khoa nào khác lạ, để hòng đáp lại chỗ trông mong đó của Triều Đình. Thực là mong mà chưa đạt được.

Giờ đây tôi lại xin trình bày một tập về việc học tập, vì nó là một con đường lớn dẫn đến chỗ giàu mạnh...

Cổ nhân thấu rõ phép cầu đạo, nên cho rằng gần thì tự học lấy nơi mình, xa thì học lấy ở muôn vật. Chính chỗ tự học mình, học muôn vật, học nghệ nghiệp đó là để hiểu đạo lý vậy...

Nay cứ xem sách vở về mặt lịch, luật, thuốc men, binh thư, kỹ nghệ, khí cụ, thảy đều lưu truyền từ đời Đường về trước, từ Ngũ Đế về sau, cũng đủ tưởng tượng thấy chỗ chuyên mông đáng quý của những thời đó.

Rồi tiếp theo từ những đời Tống đời Minh, chỉ chuyên về mặt văn học yếu hèn, không phấn phát lên được. Mãi cho đến đời Nguyên đời Thanh, vẫn còn tiếp tục như thế...

Tây phương cũng thế. Vào các đời Hán, Đường, Tống thì Lạc Mã cũng đương là một triều đại nhất thống. Võ công triều đại này vang dội khắp bốn bể, uy linh tràn ngập khắp ba phương...

Nhưng tới nửa chừng triều đại trở về sau, kẻ thủ thành chỉ biết lấy yến tiệc làm vui, kẻ sĩ tiến thân chỉ biết lấy văn chương làm bậc thang tiến bước...dần dà bỏ mất thực học, để đến nỗi bị đám mọi rợ miền Tây bắc đạp đổ, chia xé thành liệt quốc.

Tới nay, người Tây phương đã biết lấy đó làm răn, cho nên trong việc kén chọn quan chức, tuyệt không hề có một khoa văn chương!

Ngoài Trung quốc, Nhật bổn, Cao ly và nước ta ra thì không một nước nào còn đem văn chương để kén chọn nhân tài...

Vì thế cho nên học tập tài nghệ chính là để bắt chước theo cách thức của Tạo vật. Như cổ nhân xem thấy thứ cỏ bồng lăn chuyến mà xe cộ, học theo hình trăng khuyết để chế ra cây cung, lấy hình con vật mà chế ra chữ, nghe tiếng gió thổi mà chấ ra âm luật, bắt chước hình tinh tú mà chế ra khí cụ, khảo sát rất kỹ lưỡng địa thế để xây cất. Tất cả đã phải uốn nắn theo khuôn khổ mà thành, bắt đầu thảy đều như vậy...

Người Tây phương cũng chỉ là người. Nào họ có ngoài vòng thiên địa đâu. Mà sao họ lại thu thập được những công cụ to tát...

Thảy đều do chỗ họ biết học nơi những thực sự của Tạo hóa....

Nay dám xin Triều đình hãy đặt ra nhiều đề mục mới, giao xuống cho các qua địa phương, phổ biến cùng khắp nơi khắp chốn, bất luận người nào, không kể đạo nào, hễ ai đem được thực lý, thực sự, viết ra đề mục trình nộp về kinh để khảo duyệt _ bất luận quyển nào, nếu có tinh thần cấp dụng, xin hãy ban thưởng chút ít để khuyến khích.

Có những đề mục sau:

Tất cả các cuộc thi Hội, thi Hương, thi Khoa, thi Lịch, và hết các trường tỉnh học, quốc học hay tư thục, đều phải lấy thời văn làm trọng.

Mọi vấn đề chính sự như luật, lịch, binh quyền, công, hình, lại, lễ, đều được nói thẳng, nói hết.

Còn cổ văn sẽ coi như hạng Nhì.

Về khoa Hải lợi, làm muối, chài lưới, ai có phương pháp khéo léo hơn, xin hãy ban thưởng cho họ.

Về khoa sơn lợi, người nào tìm được khoáng chất mới, nghĩ ra cách lấy, cách nấu, cách khai quật, khai thác gỗ rừng và lâm lợi, vẽ lại được chỗ núi cao, hang lớn, hoặc hình thế cao nguyên, hoặc ước lượng được chỗ xa gần rộng hẹp, đệ nạp lên cùng những chỗ ích lợi kèm theo, xin hãy ban thưởng cho họ.

Vê khoa thủy lợi, là mối lợi lớn nhất. Ai lập cách mới ngăn đập đắp đê, hoặc chứa nước phòng khô cạn hay khơi nước cho khỏi ứ đọng, hoặc dẫn nước tới ruộng, xin ban thưởng lớn để đền công cho họ.

Xin rằng với các vật ăn uống, nếu người nào biết cách làm những vật thường dùng thêm dồi dào, để lâu khỏi hư mục, mùi vị lại tốt hơn trước, hoặc ai tìm ra những vật vốn chưa ai biết ăn dùng mà lại ăn dùng được.

Phàm những vị thuốc mà nước ngoài có nhiều và khí chất hợp với người mình... đôm trồng cấy chế tạo đúng cách, ghi vào sách vở để ban hành.

Tất cả nhà buôn trong nước, biết góp vốn buôn bán, hãy ban thưởng lớn cho họ.

Dân chúng biết kết hội cứu trợ lẫn nhau, như cứu hỏa, hay bồi hoàn thuyền buôn thất bại, hay khơi cửa sông, bể để lấy thuế, hay thay mặt nhà nước xây đê đập, nhà cửa, cầu cống hay bỏ tiền cho nhà nước vay mượn để thu lợi vào những năm sau, hay xuất tiền cho nhà nước lập nên nhà nuôi trẻ mồ côi, cô độc, nghèo nàn, bệnh hoạn, xin xét theo công lao hay sự việc mà thưởng, tiền, cờ, biển, cho họ.

Xin cho bất cứ người nào mà tự học được ngôn ngữ ngoại quốc, như Y pha nho, Anh cát lợi, tiếng Qua Oa, tiếng Trung quốc, tiếng Miên Lào, tiếng Phú lãng sa... nếu xét thấy đúng sự thực, xin gọi họ là Tú tài, và miễn tạp dịch, mấy năm hoặc trọn đời.

Ai tinh thông sách vở, các loại cơ xảo có ích cho thực dụng, theo đúng chữ dịch lại, theo đúng hình vẽ ra, đệ nạp lên Bộ, thưởng cho họ là Cử nhân tại gia.

...

Xin xây những viện Dục anh, viện dạy trẻ, là chi nhánh của các đạo giáo. Xin đem chữ Tây, nghề Tây, cả chữ Nam, nghề Nam cũng dạy dỗ nữa. Trai cũng như gái, đều vào học, cho tới lúc trưởng thành...

Các điều trên đây tôi chỉ xin lựa lấy những điều tầm thường để mà làm, đưa tới những tác dụng lớn về sau này.

Đó mới là tóm tắt những điểm chính. Triều đình cần đề mục nào, tôi sẽ xin trình bày đầy đủ rõ rệt...

Xin kính bẩm.

Hiệp tá Đại học sĩ lĩnh Binh bộ thượng thư, chưởng Khâm thiên giám sự vụ kiêm quân thương bạc đại nhân.

Hình bộ thượng thư kiêm Lễ bộ thượng thư đại nhân.

Lại bộ thượng thư kiêm Công bộ thượng thư đại nhân.

Hộ bộ thượng thư đại nhân.

Lượng xét.

 

Chỉ xem qua bản điều trần này, ta cũng có thể thấy được tầm nhìn của ông. Kiến văn quảng bác, bách khoa, lục nghệ, không gì là không đề cập tới.

Học chữ tây, cả chữ ta. Học nghề tây, không bỏ qua nghề của ta.

Cùng thời điểm ấy, Nhật có Y Đằng Bác Văn (Ito Hirobumi). Ta có Nguyễn Trường Tộ. Điểm khác duy nhất là Nhật có Minh Trị Thiên hoàng, ta thì không.

 

Tháng 8.2024

NTH

 

 

 

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết