HÀ NỘI, DẤU VẾT CỦA ĐẠO GIÁO

 

HÀ NỘI, DẤU VẾT CỦA ĐẠO GIÁO

Ngoài đền Quán Thánh, một trong tứ trấn, nằm ở vị trí đắc địa bên bờ hồ Tây, thường được khách viếng thăm, Hà Nội còn khá nhiều đạo quán, mà đa phần đã trở thành chùa hay đền, miếu.

Hà Nội, chỉ là điểm dừng chân trong hành trình lần này, nên không có thời giờ tìm đến vài nơi còn lưu dấu vết Đạo giáo. Khi đi thoáng qua, lúc tản bộ hay ngồi xe, nhìn thấy 2 nơi, một là phố Bích câu, trong khu vực quận Cầu Giấy, thì còn thấy Bích câu đạo quán.

Ảnh, internet

 

 

Ảnh, internet

 

Bích câu, ngòi biếc, nơi ghi lại câu chuyện tình tiên tục, giữa chàng thư sinh Trần Tú Uyên và nàng tiên Giáng Kiều, được (truyền là) do bà Đoàn thị Điểm (có thuyết cho là của Đặng Trần Côn) sáng tác bằng chữ Hán, bản dịch sang thơ Nôm của Vũ Quốc Trân, ít người biết, hiếm người đọc.

Trung quốc có chuyện Từ Thức-Giáng Hương, thì ta có chuyện Tú Uyên-Giáng Kiều, một chuyện thuần Việt.

Đạo giáo, do Lão tử cùng Trang tử lập ra, hay do người đời gán cho. Trở nên thịnh hành khi Trương Tam Phong chân nhân, tổ sư Võ Đang phái, ngoài tính cách thần tiên, còn là một môn phái võ công lừng lẫy, sánh vai cùng Thiếu Lâm phái, cầm đầu bạch đạo, đối đầu với hắc đạo của vô số cao thủ, dương danh hay giương nanh trên chốn giang hồ.

Còn có Bát tiên bao gồm 8 vị tiên: Lý Thiết Quải, Chung Ly Quyền, Tào Quốc Cữu, Lã Động Tân, Hà Tiên Cô, Lam Thái Hòa, Hàn Tương Tử và Trương Quả Lão. Duy nhất có Hà tiên cô là nữ, hoa lạc giữa rừng gươm, cũng là những nhân vật, vua biết mặt, chúa biết tên của Đạo giáo.

Tản viên Sơn thần chính là vị tiên nổi tiếng nhất Việt Nam. Là một trong hai vị thần trong chuyện tích Sơn tinh-Thủy tinh, được bất tử hóa qua truyện thơ của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp thời tiền chiến:

Ngày xưa, khi rừng mây u ám
Sông núi còn vang um tiếng thần
...

Thuỷ Tinh năm năm dâng nước bể,
Đục núi hò reo đòi Mỵ Nương.
Trần gian đâu có người dai thế,
Cũng bởi thần yêu nên khác thường!

Và còn được nhiều người biết đến qua truyện ngắn Trên đỉnh non Tản, trong tập truyện ngắn Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân.

Sơn thần là một trong tứ bất tử của Việt Nam ta, gồm Thánh Tản Viên, Thánh Gióng, Thánh Chử Đồng Tử và Thánh mẫu Liễu Hạnh. Một thần nữ trong ba thần nam. Cũng là hoa lạc giữa rừng... lá thấp.

Tản viên là đỉnh có tiếng nhất trong núi Ba Vì, xưa thuộc tỉnh Hòa Bình, nay là huyện của Hà Nội.

Núi Tản-sông Đà, Tản Đà, bút danh của nhà thơ, nhà nho lỡ vận, Nguyễn Khắc Hiếu.

Đạo giáo, khi Lão tử thuyết giảng, chẳng ai hiểu, nên buồn rầu cưỡi trâu đi mất. Đời truyền ông là Thái thượng lão quân, ngự trên cung Đâu suất, chốn thiên thai ở bảy tầng trời. Lo nấu thuốc trường sinh bất lão. Bị Tôn ngộ không phá đổ, nên thuốc mất linh. Nên con người không còn được bất tử. Nên nhà Phật giảng là có kiếp sau, nếu ta tin vào thuyết luân hồi.

Đạo giáo, còn có Hi di Trần Đoàn, ông tổ phái bói tử vi, nhiều người, xưa tin sái cổ, nếu gặp thầy giói khoa ăn nói. Nay thì thiên hạ chuyển sang bói Dịch, dễ bói, khó đoán nếu lập thuyết có căn, nghĩa là vận dụng Âm Dương Ngũ hành, thuyết này như khu rừng nguyên sinh, lạc vào rồi, không có đường ra. Tin hay không tùy người đối diện.

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, nắm vững Thái Ất thần kinh, như lời đồn, biết chuyện 500 năm trước, tỏ chuyện 500 năm sau. Ông cũng là một học trò xa của Đạo giáo.

Không chừng Nostradamus, ông thầy khoa bói toán của Tây phương, có qua Tây tạng tầm sư học đạo, nên đoán như thần. Nhiều lời sấm của ông, tới nay, còn linh nghiệm.

Đạo giáo, khi mờ tỏ, lúc đậm nhạt, đã hiện diện từ sớm ở Việt Nam. Nhưng từ khi nào ?

Không có tài liệu nào ghi nhận rõ ràng. Nhưng sử cũ ghi Hùng vương giỏi pháp thuật, nên dễ dàng thu phục 15 bộ, lập ra nước Văn Lang.

Vậy thì, Hùng vương có phải là ông tổ Đạo giáo của Việt Nam ?

Các thái thú tàu sang nước ta, thường dùng ma thuật, phù phép để trấn yểm và thu phục nhân tâm như Cao Biền, đời Đường (thế kỷ 9).

Nhánh Đạo giáo, thiên về ma thuật, dễ dàng thâm nhập nước ta. Vì dân ta, từ xa xưa , rất tin các phép trừ ma, yếm quỷ.

Nên, các vị Thánh Gióng, Chữ Đồng tử, từ thời Hùng vương, đã được liệt vào hàng tiên thánh, bất tử.

Mẫu Liễu hạnh, có phải là dấu vết thờ Mẫu của người Việt, bắt chước người Mường, từ thuở hồng hoang. Mà thuở ấy, làm gì có tôn giáo, nói chi đến Đạo giáo.

Thời Lý, Từ Đạo hạnh, trước khi thành Thiền sư, có thời gian định học tà thuật, nhưng bỏ, đến núi Sài sơn, chùa Phật tích chuyên trì chú Đại Bi. Thành rồi, ông dùng phép đánh chết pháp sư Đại Điên trả thù cho cha. Ở đây, ta không biết ông theo Đạo giáo hay Phật giáo nữa. Vì Phật, không hề khuyên trả thù.

Trước khi mẫu Liễu hạnh được xưng tụng là Tứ bất tử, Từ Đạo hạnh mới chính là một vị trong tứ bất tử. Không biết vì sao mà bị truất ngôi. Điều này cho thấy ảnh hưởng của Đạo giáo rất mạnh.

Sang thời Lê, Đạo giáo dần mất vị thế, các đạo quán hóa đền, chùa. Nhưng nhánh đạo giáo thờ Mẫu lại lớn mạnh. Mất đạo quán, đã có Phủ thay thế. Như Phủ Tây hồ ở Hà Nội, hay Phủ Giầy ở Nam Định, ngày nay, rất đông người đến viếng cũng có, mà cầu xin cũng có.

Cho hay, xã hội càng văn minh, tiến bộ, người ta càng tin vào thần thánh. Và như thế, không cần xiển dương, đạo giáo vẫn lặng lẽ thâm nhập vào đời sống, vào xã hội, chuyên chở theo niềm tin vào những điều huyền bí, xa xôi.

Vô hình chung, Bích câu đạo quán, đã tô điểm thêm vẻ quyến rũ cho Hà Nội, vốn đã có phố cổ, Văn miếu, chùa Trấn quốc, hồ Gươm...

Ta sẽ càng thêm mến mộ nhà Lý, nhà Trần. Hai triều đại, rất khoan dung với tôn giáo, luôn để cho tam giáo (Phật, Nho, Lão hay Đạo) đồng nguyên.

 

24.3.2023

NTH

 

 

 

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết