NHATRANG NGÀY VỀ

NHATRANG NGÀY VỀ

Cho đi lại từ đầu

Chưa đi vội về sau...

(Kỷ niệm, Phạm Duy)

Thiên nhiên phú cho Nhatrang mọi điều ưu đãi: vịnh biển đẹp, lặng gió, khí hậu ôn hòa, những di tích xưa, con người hiền hòa và hiếu khách.

Nên Alexander Yersin đã chọn nơi này để dành trọn đời mình cho khoa học, y học, dù trước đó ông chỉ tình cờ lãng du đến.

Nên một trong các tiểu quốc của Chiêm Thành xưa đặt ở đây, xứ Kauthara, với Tháp Bà, minh chứng cho thời huy hoàng đã qua.

Nên Quách Tấn, nhà thơ cổ điển cuối cùng, không chọn Bình Định mà chọn nơi này để sống.

Và đây là một trong những điểm du lịch danh tiếng ngay từ thời Pháp thuộc.

Cho đến nay, nó vẫn là điểm du lịch ưu tiên trong chọn lựa của nhiều du khách cả trong và ngoài nước.

Khi Sài Gòn, sau Tết Nguyên đán, đã nóng như lò nung, thì Nhatrang vẫn mát mẻ. Không chỉ có biển, còn có đồi, núi, lũng thấp, đèo cao.

Cách Nhatrang chừng 60km, là Cam Ranh, vịnh nổi tiếng kín gió, từng là nơi hạm đội Nga hoàng trú bão trong chiến dịch Nhật Nga chiến kỷ hồi đầu thế kỷ 20. Ngày nay, nơi đây có nhiều đảo trong vịnh làm điểm du lịch có tiếng như Bình Hưng, Bình Ba (nhưng từ 2022, đã bị cấm vì lý do an ninh)

Đồng bằng rộng với ruộng lúa bát ngát, nguồn lương thực cho dân bản địa, và dư để xuất đi.

Một cánh đồng lúa tiêu biểu ở Diên Khánh

Nhưng Nhatrang chưa là bao giờ là tỉnh giàu. Thiếu những công nghiệp quan trọng. Lúa và cây trái không ngon, không có giống loại nổi tiếng. Và một Nhatrang, chỉ mãi ở dạng tiềm năng.

THỜI SƠ SỬ

Khi bia Võ Cạnh được M. Abel Bergaigne  phát hiện cuối thế kỷ 19, (tấm bia có 4 mặt trong đó có 3 mặt khắc chữ, cao khoảng 2,7m, rộng 0,72m, dài 0,67m, độ dày khoảng chừng 1,1m – 0,8m, tấm bia có 15 dòng chữ, mỗi dòng cao khoảng 4cm;  do E. Aymonier làm bản rập văn bia năm 1885, Abel Bergaigne mô tả lần đầu trong biên khảo Inscriptions Sanscrits de Campa et du Cambodge, Paris, 1888-1893)  nó đã làm dấy lên cuộc tranh luận bất tận về đất nước Chiêm Thành. Ban đầu, người ta cho nó thuộc nước Phù Nam (vì Phù Nam được xem là quốc gia Ấn hóa sớm nhất ở vùng Đông Nam Á, thế kỷ thứ I sau CN, theo George Coedes). Rồi dần dần, nó được cho là sản phẩm của Chiêm Thành. Nhưng tại sao lại nằm ở Nhatrang, làng Võ Cạnh, huyện Diên Khánh. Rất xa với Lâm Ấp (Huế hiện nay). Khu Liên, vị vua đầu tiên của Lâm Ấp, lập quốc năm 192. Tuổi bia Võ Cạnh, hầu hết đều cho đâu đó trong thế kỷ 3, 4. Có người đẩy lên thế kỷ 2. Vậy cũng gần trùng với thời điểm Lâm Ấp quốc ra đời. Thế thì ông Khu Liên, đóng đô ở Lâm Ấp hay ông Sri-Mara (tên ghi trên bia Võ Cạnh), làm vua ở Diên Khánh , Khánh Hoà (hay xứ Kauthara xưa) mới thật sự là vua Chiêm Thành đây ? (Các nhà khảo cổ Pháp của Viện Viễn đông bác cổ, EFEO, như Georges  Maspero, George Coedes,  khoảng đầu thế kỷ 20, đồng nhất 2 vị này là một.

Vd như G. Maspero viết:

Mặt khác, vị vua mà tác giả (văn bia) cho rằng thuộc dòng tộc hoàng gia Sri Mara, có lẽ là người sáng lập vương triều. Dường như không phải là vô lý khi đồng hóa K'iu Lien (Khu Liên) với Sri Mara và xem đó như nhân vật duy nhất là người sáng lập ra hoàng gia Chăm

(G. Maspero, Le Royaume de Champa, p.51)

(A. Bergaigne cho biết văn khác trên bia Võ Cạnh ở dạng thơ ca (inscriptions toute en prose), cho thấy chủ nhân miền đất này đã đạt tới một nền văn minh nhất định)

Phía sau đền, giáp bờ sông, gần một nhà thờ đạo, dưới tán một cây duối cổ thụ, nửa chìm nửa nổi, là bia Võ Cạnh

Bia Võ Cạnh

KHI LỊCH SỬ BẮT ĐẦU

Khoảng đầu CN, các cư dân ven biển miền Trung Việt Nam, (mà họ có phải là hậu duệ của nền văn hóa Sa Huỳnh, Quảng Ngãi hay không thì chưa ai biết) lập ra 2 tiểu quốc: miền Nam về sau là Panduranga, miền bắc có thể là Lâm Ấp. Cư dân miền nam thuộc bộ tộc Cau, gồm các tỉnh Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận nay. Miền bắc thuộc bộ tộc Dừa, gồm các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định nay.

Panduranga lại gồm 2 vùng khác là Panran (hay Panră, nay là Phan Rang) và Kauthara (nay là Khánh Hoà).

Bia Võ Cạnh cho thấy xứ này chịu ảnh hưởng đậm đà văn hóa Ấn Độ. Và phải chăng Panduranga khá hùng mạnh nên ảnh hưởng của nó bao trùm lên bộ tộc Dừa phía bắc, mà hẳn vào đầu CN, còn chịu ảnh hưởng của văn hóa Hán (chữ Phạn cổ, Chữ Chăm cổ và Ấn giáo đã rất phổ biến khi Chiêm Thành trở nên hùng mạnh từ thế kỷ 4, 5 về sau), vì sử Trung hoa đã ghi rõ Khu Liên nổi dậy đánh đổ quận thú Tượng Lâm để lập nước Lâm Ấp, nghĩa là Lâm Ấp, tên trước đó là Tượng Lâm, do người Hán cai trị, ít nhiều cũng nhiễm văn hóa Hán.

Theo cách sắp xếp của nhà khảo cổ Georges Maspero (Le Royaume de Champa) và GS Nguyễn Văn Huy (Tìm hiểu cộng đồng người Chăm ở Việt Nam), triều vương thứ năm, Hoàn vương quốc (Le Houan-Wang, 758 – 854), đóng đô ở Virapura (nam Phan Rang) do Prithi Indravarman lập nên, là một vương triều hùng mạnh. Ông là người thống nhất Chămpa chính danh nhất. Khi sứ thần của P. Indravarman sang Trung hoa triều cống, không biết sứ thần giải thích cách nào mà sử Trung hoa đặt tên lãnh thổ mới này của người Chăm là “Hoàn vương quốc”, vương triều trở về quê cũ(ý của GS Nguyễn Văn Huy, còn G.Maspero cho rằng tên này là một bí ẩn).

Dưới thời P. Indravarman, văn minh và văn hóa Ấn Độ từ phía Nam đưa lên lấn át toàn bộ sinh hoạt của người Chăm phía Bắc hay nói cách khác Panduranga thống trị lãnh thổ của người Chăm thuở ấy. Chữ Phạn được phổ biến rộng rãi trong giới vương quyền và các nơi thờ phượng ; đạo Bà La Môn được đông đảo người theo ; đạo Phật Tiểu Thừa (Thevada) phát triển mạnh trong chốn dân gian ; đền đài, dinh thự và chùa tháp được xây dựng lên khắp nơi, nhiều nhất là tại Khu Lật (Huế), Amavarati (Mỹ Sơn), Sinhapura (Trà Kiệu)… để tạ ơn thần linh.

  1. Indravarman cho xây tháp gỗ trên đồi cạnh cửa sông Cái (Xóm Bóng) thờ nữ thần Bhavagati bằng vàng_ về sau tháp có tên là Po Nagar, Tháp Bà.
  2. P. Indravarman là một quân vương tài giỏi, đất nước thái bình và rất phồn vinh. Sự giàu có của Hoàn Vương Quốc hấp dẫn các vương quốc lân bang, đặc biệt là Srivijaya (Palembang), Malayu (Malaysia), Javadvipa (Java), Nagara Phatom (Thái Lan), Sriksetra (Miến Điện) và Angkor (Chân Lạp) ; họ đến để trao đổi hoặc chờ dịp cướp phá. 

Năm 774, quân Nam đảo (G.Maspero ghi là quân Malaise xâm chiếm suốt từ 774-787) đổ bộ vào Kauthara, Panduranga, chiếm tượng vàng Bhagavati, giết P. Indravarman. Cháu gọi ông bằng cậu là Satyavarman kế vị, đánh lùi quân Nam đảo, cho xây lại tháp Po Nagar bằng gạch trong 10 năm (774-784). Satyavarman mất năm 787. Quân Java lại tràn vào cướp phá. Người kế vị là Indravarman I mất hơn 10 năm mới đuổi được quân Java, kiến thiết lại xứ sở. Kết thúc thời kỳ Hoàn vương quốc.

Kauthara, Panduranga, Hoàn vương quốc đã là nạn nhân cho chính sự thịnh vượng, giàu có của mình. Thời huy hoàng thoáng qua không đủ biến Kauthara ngày xưa, NhaTrang ngày nay thành miền đất hứa. Thiên đường đã mất. Có phải vì thế mà NhaTrang thiếu hẳn tiềm lực để cất cánh.

Trong suốt hơn 20 năm, từ 854 đến 875, quân của đế quốc Angkor đã nhiều lần tiến đánh Hoàn Vương Quốc, chiếm nhiều vùng đất rộng lớn dọc tả ngạn sông Đồng Nai, đôi khi còn băng cao nguyên Langbian đột nhập vào lãnh thổ Panduranga cướp phá. 

Năm 890, Jaya Shinhavarman I lên ngôi, cho đúc lại tượng Bhagavati bằng vàng, thờ ở tháp Yan Po Nagara. Nhưng năm 945 lại bị vua Khmer là Rajendravarman II cùng binh sĩ băng rừng từ Angkor vào Kauthara cướp mất. Jaya Indravarman I lên thay năm 960. Việc làm đầu tiên của tân vương là cho tạc lại tượng nữ thần Bhagavati bằng đá hoa cương để dân chúng đến thờ, năm 965 mới xong. Và còn cho đến nay.

Như vậy tượng vàng nữ thần Bhagavati được đúc lại 2 lần, lần trước bị quân Nam đảo cướp, lần sau bị quân Angkor cướp. Đây có thể là pho tượng vàng độc nhất và duy nhất của Champa.

Mức độ giàu có của Hoàn vương quốc được mô tả qua các tài liệu:

Một bia ký, tìm được tại tháp Po Nagar, mô tả Vikrantavarman III như sau: “[Người] đeo những dây vàng có đính ngọc trai và ngọc bích, giống như mặt trăng tròn đầy đặn, che một chiếc lọng trắng bao phủ cả bốn phương trời bởi vì lọng còn sâu hơn cả đại dương, thân thể [Người] trang sức phủ kín bởi vương miện, đai, vòng, hoa tai, những tràng hồng ngọc… bằng vàng, từ đó phát ra ánh sáng giống như những cây leo [sáng lấp lánh]”. Thư tịch cổ Trung Hoa (Cựu Đường thư) mô tả thêm: “[Vua] mặc áo cổ bối bạch diệp… trên đeo thêm trân châu, dây chuyền vàng làm thành chuỗi…”. Đẳng cấp quí tộc và phụ nữ cung đình cũng đeo trang sức quí: “Phu nhân mặc vải cổ bối triệu hà… mình trang sức dây chuyền vàng, chuỗi ngọc trai“. “[…] Quân đội được trang bị nhiều loại vũ khí khác nhau…“. 

...

Kết thúc thời kỳ Hoàn vương, vương triều thứ sáu lại dời về Indrapura (Đồng Dương)...

Năm 1611, sau khi củng cố xong thế lực ở phía bắc đèo Ngang, Nguyễn Hoàng sai một người Chăm không rõ tên, gọi là Văn Phong (Văn Phong là tên một chức chủ sự) dẫn quân qua đèo Cù Mông chiếm thành Phú Yên (Aryaru), tổ chức dinh điền và đưa dân từ các tỉnh Quảng Nam đến Bình Định vào định cư, lập ra hai xã Đồng Xuân và Tuy Hòa...

Rồi đó là xung đột không ngớt giữa các phe phái Chăm, giữa Chăm với Việt và giữa Chăm với Thượng.

Trước cảnh loạn lạc này, năm 1627, một tù trưởng người Thượng gốc Churu tên Thốt được dân chúng Chăm  và người Thượng tôn lên làm lãnh tụ đứng ra dẹp loạn, tù trưởng Thốt được dân chúng tôn lên làm vua, hiệu Po Romé (Pô Rômê). Po Romé (1627-1651) là một vị vua sáng suốt, biết tổ chức, chăm lo đời sống dân chúng, đất nước sống trong thái hòa. Gần như tất cả các vương quốc địa phương đều giao thương với Chiêm Thành: Xiêm La, Chân Lạp, Ai Lao, Ấn Độ, Mã Lai và Đại Việt, kể cả với các quốc gia phương Tây. Nhiều đập nước lớn dẫn thủy nhập điền được thành lập tại những nơi khô cằn và triền núi để dân chúng canh tác. Nhà vua chọn Krong Laa (làng Palai Bachong, xã Hòa Trinh, thị xã Phan Rang, trên quốc lộ 1, cách Sài Gòn 310 cây số) làm kinh đô, cạnh sông Krong Binh (sông Viêu). Nơi này trước kia là kinh đô cũ (Virapura) của vua Satyavarman, được trồng nhiều cây Kraik tượng trưng cho uy quyền của vua. 

Năm 1629, chủ sự Văn Phong, lại nổi lên đánh phá các làng di dân người Việt tại Phú Yên. Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên sai Nguyễn Phúc Vinh mang quân xuống đánh dẹp và thành lập Trấn Biên Dinh, lấn sâu vào lãnh thổ Chiêm Thành tới chân núi Thạch Bi (đèo Cả) để bảo vệ di dân. Sau thất bại này, Po Romé làm hòa và xin cưới con gái thứ ba của Sãi Vương là công chúa Ngọc Khoa (em của Ngọc Liên và Ngọc Vạn, đã gả cho vua Chân Lạp Chetta II năm 1620, và là chị của Ngọc Đỉnh), gọi là Po Bia Út, tước hiệu hoàng hậu Akaran. 

Tuy là sui gia với chúa Nguyễn, quân Chăm vẫn thỉnh thoảng tấn công quân Việt tại Phú Yên. Năm 1651, trong một trận giáp chiến với quân Việt, Po Romé bị tử thương. Dân chúng Chăm rất thương tiếc và xây cho ông một tháp lớn tại Phan Rí để thờ, gọi là tháp Po Romé (thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước). 

 Năm 1652, Po Nraup, người con cùng mẹ khác cha với Po Romé, lên ngôi, hiệu Bà Thâm (còn gọi là Bà Tấm hay Bà Bì). Bà Thâm là một người Chăm lai Thượng, cha là người Chăm, mẹ là người Churu. Vừa lên ngôi Bà Thâm dẫn quân tấn công Trấn Biên Dinh, chiếm lại thành Phú Yên. Hiền vương Nguyễn Phúc Tần sai tướng Hùng Lộc (một người gốc Chăm theo chúa Nguyễn) mang 3.000 binh sĩ vượt đèo Hổ Dương (đèo Cả, núi Thạch Bi), đánh bọc hậu, chiếm Aya Tră (Nha Trang), bắt được Bà Thâm. Để cầu hòa, Bà Thâm dâng đất Kauthara và chấp nhận lấy xã Kamran (Cam Ranh) làm ranh giới: phần đất phía nam sông Phan Rang thuộc vua Chiêm Thành, phần đất phía bắc thuộc về chúa Nguyễn (lãnh thổ Kauthara) và đổi tên thành phủ Thái Ninh (gồm Thái Khang và Diên Ninh), sau là phủ Diên Khánh (Khánh Hòa). Tướng Hùng Lộc được phong làm thái thú. Nhiều đoàn người Chăm, lo sợ bị trả thù, vượt cao nguyên Đắc Lắc sang Xiêm La lánh nạn, đông nhất là tại Ayuthya. 

Lãnh thổ Panduranga như vậy chỉ còn lại 4 địa phận: Panră (Phan Rang), Krău (Long Hương), Parik (Phan Rí) và Pajai (Phố Hài). Kinh đô dời về Bal Canar (thôn Tịnh Mỹ, Phan Rí). Vương quốc Nam Chiêm Thành mất đi những hải cảng lớn, việc giao thương với các tàu buôn phương Tây giảm dần và mất hẳn vào giữa thế kỷ 18, người Champa trở thành một dân tộc lục địa, mất hẳn khả năng hàng hải và ngư nghiệp...

 Năm 1691, Bà Tranh (Po Saut) xua quân đánh Diên Ninh với hy vọng chiếm lại Kauthara, rồi không chịu triều cống nữa. Năm 1692, Minh vương Nguyễn Phúc Chu sai Nguyễn Hữu Kính chiếm Panduranga, giết Bà Tranh và bắt theo một số cận thần cùng rất nhiều binh sĩ đem về giam tại núi Ngọc Trản (Thừa Thiên). Hoàng thân Po Chongchan (Po Choncăin) được đưa lên kế nghiệp và bị buộc phải triều cống nhiều phẩm vật quí hiếm cùng vàng bạc cho chúa Nguyễn. Không chịu nổi sự áp đặt này, năm 1692 Po Chongchan bỏ vương triều, dẫn theo khoảng 5.000 gia đình tín đồ đạo Bani chạy sang Chân Lạp tị nạn. Đây là đợt tị nạn thứ sáu (sau năm 986, 1285, 1318, 1471 và 1652) của người Chăm ra hải ngoại và là đợt tị nạn thứ hai sang Chân Lạp. Đoàn người di tản đã để lại nhiều tài sản quí báu cho người Churu và người Kaho cất giữ trên cao nguyên Đồng Nai thượng và Langbian. Tại Chân Lạp, nhóm người này họp với nhóm “Mã Lai” (người Khmer gốc Chăm theo đạo Hồi) tạo thành nhóm Chăm Java, theo đạo Hồi chính thống. Một số sau đó về định cư tại Châu Đốc gọi là Chăm Islam (Chăm Islam khác với Chăm Bani, mặc dù cùng là đạo Hồi). Từ 1692 đến 1695, người Chăm tại Panduranga không có vua. 

Quân Việt liền tiến chiếm Panduranga đang bị bỏ trống và đặt cho tên mới là trấn Thuận Thành.

(Tìm hiểu cộng đồng người Chăm tại Việt Nam, GS Nguyễn Văn Huy)

TRUYỀN THUYẾT VỀ MIẾU THÁI TỬ

Gần vị trí  miếu Thái tử, trong khu dân cư, có một con đường giao cắt với Tỉnh lộ 2, có tên là Thành Hồ. Không biết đây có phải là vị trí thành quân Chiêm ngày xưa ?

Vì vị trí thành Diên Khánh, theo Đại Nam thực lục, đắp trên nền đồn cũ Hoa Bông, là đồn binh của tướng Hùng Lộc, đời Nguyễn Phúc Chu, và đồn binh này có thể lại là đồn cũ của quân Chiêm.

 

Đền thờ Thái Tử còn có tên gọi Dinh Ông, hay Dinh Thái Tử, tọa lạc tại thôn Bình Khánh, xã Diên Hòa, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.

Theo truyền thuyết, có nhiều ý kiến khác nhau: nơi đây thờ Thái tử là chồng Bà Thiên Y Thánh Mẫu; có ý kiến nơi đây thờ Thái tử con vua Bà Tranh (vua của vương quốc Chăm Pa cũ) ra đây lập phủ và tử trận.

Truyền thuyết thứ hai theo các hào lão của làng kể lại: Thái Tử là con vua Bà Tranh (Chăm Pa xưa), dân làng không còn nhớ rõ tên. Năm 1692, Bà Tranh sai Thái Tử từ Phan Rang ra lập thủ phủ tại Đồng Sậy (khu vực xã Diên Tân), khi Thái Tử đem quân chống cự với quân của Chúa Nguyễn do tướng Nguyễn Hữu Cảnh (hay Kính) thống lĩnh chiếm phủ Diên Ninh, thì Thái Tử thất trận cố chạy về cố thủ tại thủ phủ Đồng Sậy, khi chạy qua gò Âm Phủ, Thái Tử tuẫn tiết tại cửa Truông Xuân Đài. Tương truyền khi Thái Tử tuẫn tiết, một giọt máu văng ra chỗ đá dựng đền lúc bấy giờ. Từ đó mọc lên 1 tượng đá không đầu rất linh thiêng. Dân làng ở đây thấy thế nên thờ phụng tượng đá.

Nhưng nay, phía sau bàn thờ chính, chỉ còn thấy vài ba khối đá tai mèo nhỏ nhô lên trên nền. Ngoài ra, theo Quách Tấn trong Xứ Trầm hương, còn có bộ bàn cờ đá và bộ chày cối đá mà ngày xưa dân làng mỗi khi thề thốt thường ra miếu giã lên bộ chày cối này, không còn thấy đâu nữa.

MỘT SỐ DI TÍCH KHÁC

Ngoài Tháp Bà, miếu thờ Thiên Y thánh mẫu, có khắp nơi trong tỉnh Khánh Hòa. Như miếu trên, ở ngay trong xã Diên Thọ, tỉnh lộ 2.

Miếu các danh nhân, cả trong và ngoại tỉnh, như Bình Tây đại nguyên soái Trịnh Phong và Trần Quá Cáp, đều được tôn tạo.

Đền thờ Trần Quý Cáp

Hai ngôi chùa cổ được sắc tứ, cổ nhất Khánh Hoà, Liên hoa và Kim Sơn tự, đã được trùng tu, không còn gì dấu vết xưa.

Nhà thờ Hà Dừa, ngôi nhà thờ cổ nhất NhaTrang, được sơn lại mới quá nên không nhận ra.

Nhưng nhà thờ giáo xứ Bình Cang, thành lập năm 1740, mới là giáo xứ xưa nhất, thuộc thôn Võ Cang, xã Vĩnh Trung. Anh Chí (Nguyễn Hà Chí) cho biết, nhà thờ cũ đã bị phá bỏ, xây mới hoàn toàn. Khá tiếc.

Tỉnh lộ 2, chạy qua Kim Sơn dã thự, trước khi có quốc lộ 27C, là tuyến đi Đà Lạt. Giờ , tỉnh lộ đã thành hương lộ, xe cộ vắng vẻ, taxi từ sân bay Cam Ranh về, thường bị lạc.

Đồng ruộng dọc quốc lộ 27C

Đèo Đá lửa, cạnh tỉnh lộ 2, bên trái Kim Sơn dã thự

Đèo Sẻ Me, cạnh tỉnh lộ 2, bên phải Kim Sơn dã thự

Sông Cái, bên đèo Sẻ Me

 Nhà cổ ở Nhatrang

Kim Sơn dã thự, bên phải, nhìn từ cổng vào, là con suối nhỏ, chảy vào sông Cái. Giáp sông, chếch về bên trái, bờ khá rộng, có thể cắm trại ngắm sao, hưởng gió mát, những ngày trời quang.

Chuẩn bị cho đêm lửa trại

Lửa trại Kim Sơn, ngày 18.3.2023

Tam ca đêm lửa trại

Đại gia đình ở Vinpearland

4 anh em nhà Dalton

Hình như bác Chương đang ở đảo Phục Sinh (Ile de Pâques)

Bọn trè nhà Kim Sơn và bác Phi

 

TÊN VÀI ĐỊA DANH VÀ NHÂN VẬT

Tên địa danh, như đèo Đá lửa, đèo Sẻ me, hay Gia Lữ sơn, thật chẳng biết có nghĩa gì không ? Hỏi thăm vài người dân địa phương, chỉ nhận lại cái lắc đầu !!!

Dưới đây là tên vài địa danh và sự kiện trong các tỉnh Phú Yên, Khánh Hoà, Bình Thuận (dẫn theo GS Nguyễn Văn Huy, Tìm hiểu cộng đồng người Chăm tại Việt Nam):

Aya Tră: Nha trang

Kamran: Cam Ranh

Văn Phong (vịnh): năm 1611, Nguyễn Hoàng sai viên tướng người Chăm, không rõ tên, làm chức chủ sự gọi là Văn Phong, đem quân vượt đèo Cù Mông, chiếm thành Phú Yên (Aryaru).

Panră: Phan Rang, chứ không phải là do gió như phang, nắng như rang như giang hồ đồn đoán.

Parik: Phan Rí.

Pajai: Phố Hài.

Năm 1692, Minh vương Nguyễn Phúc Chu sai Nguyễn Hữu Kính (hay Nguyễn Hữu Cảnh) chiếm Panduranga, giết vua Chăm Bà Tranh (Po Saut). Hoàng thân Po Chongchan bỏ vương triều dẫn theo 5.000 gia đình tín đồ đạo Bani sang Chân Lạp tị nạn. Một số về định cư tại Châu đốc gọi là Chăm Islam.

Từ 1773, tướng Tây Sơn là Ngô Văn Sở chiếm Diên Khánh. Năm 1790, Gia Long chiếm lại và năm 1793, cho đắp thành Diên Khánh.

NGẪM XƯA NGHĨ NAY

Như vậy, Diên Khánh nay, Kauthara xưa, là vùng chiến địa. Và chiến tranh liên miên. Khi là Hoàn vương quốc, bị quân Nam đảo (Malaysia và Java) vào cướp phá (thế kỷ 8). Sang thế kỷ 9, lại bị quân Angkor vào cướp. Từ thế kỷ 10-15, tương đối yên ổn. Rồi từ thế kỷ 17 trở đi, là xung đột triền miên, khi thì giữa quân chúa Nguyễn với quân Chăm, khi thì chiến tranh giữa Tây Sơn và chúa Nguyễn (Gia Long).

Nhatrang có cảng, có đồng bằng rộng lớn, đủ sức cung cấp lương thực để nuôi binh. Lại liền với cao nguyên Khánh Sơn. Quân Angkor, và cả Tây sơn, thường theo đường thượng đạo từ cao nguyên Langbian xuống, tập kích quân địa phương. Và quân Nguyễn Ánh lại theo đường biển từ cảng Cần giờ (Sài gòn) vào cảng Nhatrang tấn công quân Tây Sơn.

Những năm 1950, 60, 70, gia đình chúng tôi sinh sống ở khu Xóm Mới, phường Tân Lập (những tên này đã có trong sổ địa bạ triều Nguyễn). Vì tình hình an ninh bất ổn nên chúng tôi chỉ quanh quẩn trong thành phố. Về phía bắc, chỉ đến đèo Rù Rì, vì ở đó có rẫy của ông dượng Lương. Phía nam, chỉ đến Thành vì ở đó có gia đình bên vợ ông anh cả, anh Chương. Không biết gì đến vùng núi, thung lũng dọc sông Cái.

Bây giờ về già, trở lại quê xưa, mới thấy chốn quê hương tươi đẹp.

Ngậm ngùi xứ Hoàn vương của Chiêm thành.

Ngày xửa ngày xưa, khi ngọc trai, đồi mồi, trầm hương, sừng tê... là những món hàng quý hiếm, lả của cống nạp hay buôn bán trao đổi với thương nhân Hồi giáo, Tây phương. Thì trầm hương chắc chắn là đặc sản của Khánh Hòa. 10 người đi tìm trầm, có lẽ chỉ 1, 2 người về. Ăn của rừng rưng rưng nước mắt.

Hầu hết người đi tìm trầm ở Nhatrang (gọi là đi địu), đều cho biết trước và trong khi đi rừng tìm trầm, họ đều khấn vái Bà Thiên Y thánh mẫu, phù hộ cho tìm được trầm. Vị nữ thần Ấn giáo của người Chăm đã được đồng hóa thành vị nữ thần bảo hộ cho vùng đất Khánh Hòa, Nhatrang.

Nhạc sĩ Phạm Duy viết bài hát Nhatrang ngày về, với những kỷ niệm của riêng ông. Tôi chỉ muốn nhắc đến miền đất này với quá khứ xa xưa, nơi từng là Hoàn vương quốc, lừng lẫy nhưng chẳng mấy ai biết đến:

Nha Trang ngày về
Ngồi đây tôi lắng nghe
Đê mê lòng tôi khóc
Như oan hồn trách móc
Ôi trăng vàng lẻ loi
...

Một giai đoạn ngắn ngủi, như cái chớp mắt trong dòng lịch sử, chỉ được nhắc vài câu trong sử liệu Trung hoa. Người Việt, người Chăm, nói đến Hoàn vương quốc, chẳng ai biết đó là gì.

Vậy xin nhắc lại, Hoàn vương quốc, Panduranga, Kauthara, Aya Tră, Nhatrang thế kỷ thứ 8, từng là xứ giàu có, thịnh vượng, một tiểu lạc quốc, một thiên đường nơi trần thế.

Theo George Maspero, vương triều thứ 5, 758 – 859, kinh đô vương triều Hoàn vương (Le Houan Wang) đặt ở Virapura (Hùng Tráng thành), phía nam Phan Rang nay, và thánh địa tôn giáo là Po Nagar. Nguyên nhân vì sao vẫn còn là điều bí ẩn.

Ông viết:

Theo sử liệu Trung hoa, từ năm 758, tên Lâm ấp không còn tồn tại, thay bằng tên Hoàn vương. Tại sao lại thay đổi tên, vẫn còn là điều bí ẩn. Cái tên này không cho chúng ta phục dựng từ gốc Chăm hay Phạn.

Từ đời Đường Túc tông, 756-757, tên gọi vương quốc này là Hoàn vương và tên Lâm ấp không còn dùng nữa.

Sang vương triều thứ 6 (875-991), vương triều Indrapura, đặt kinh đô ở Indrapura (Đồng Dương, Quảng Nam nay). Và sử Trung hoa chính thức gọi tên vương quốc này là Chiêm Thành (Le Tch’eng-Cheng), tên họ tự xưng.

(Le Royaume de Champa, Chapitre IV, Le Houan-Wang et L’ hégémonie de Panduranga, Georges Maspéro, Paris, 1898)

 

22.3.2023

NTH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết