OLYMPIC TOKYO 2020

OLYMPIC TOKYO 2020

Khởi đi từ Hy lạp, đất nước của các vị thần, Olympic được bá tước Pierre De Coubertin phục hồi vào 1896 tại Athens. Khá lạ là thế vận hội được tổ chức tại thành phố đăng cai chứ không phải ở nhiều nơi. Có lẽ do đại hội Olympic đầu tiên tổ chức ở thành phố Olympia mỗi 4 năm 1 lần.

Mãi đến 2004, Olympic mới trở lại đất nước Hy lạp. Lúc đó đội bóng đá HL vừa đoạt chức vô địch châu Âu. Tưởng rằng niềm vui cứ kéo dài mãi mãi, nào ngờ việc tổ chức một đại hội thể thao quá lớn và tốn kém đã là nguyên nhân biến quốc gia này trở thành con nợ của cả châu Âu.

Năm nay, Tokyo là thành phố chủ nhà. Và cũng như Euro 2020, Olympic 2020 tổ chức vào 2021. Lịch sử thể thao sẽ ghi nhận một điều chưa từng có tiền lệ: dời sự kiện vào năm sau. Tổ chức nó hay không là cơn đau đầu của Nhật và Hội đồng Olympic quốc tế. Rốt cuộc thì nó vẫn diễn ra, với khán giả ngồi trước màn ảnh nhỏ, chứ không có khán giả trên sân. Ông Tổng giám đốc WHO, Tổ chức Y tế thế giới nói, nó là niềm hy vọng của nhân loại. Nghĩa là nó chứng tỏ con người vẫn hát, TÔI ƠI, ĐỪNG TUYỆT VỌNG. Hay như lời một bài hát, B.Sơn nhắc đến, CÓ TIN VUI GIỮA GIỜ TUYỆT VỌNG.

Với rất nhiều lực sĩ của nhiều nước, tham dự là để tìm kiếm huy chương, tìm chiến thắng. Với riêng Việt Nam, được tham dự đã là chiến thắng.

“ Gót danh lợi bùn pha sắc xám,

Mặt phong trần nắng rám mùi dâu.”

Trừ những môn thi đấu trong nhà, bóng chuyền, bóng rổ, đấu kiếm, các môn võ…  những môn chạy, nhảy, đá bóng, chèo thuyền, ném lao, đĩa… không lực sĩ nào mà không da pha sắc xám, mặt rám mùi dâu.

Ngoài những pha toé lửa, bốc khói, Olympic còn nhiều chuyện bên lề vui đáo để.

Ví dụ như môn chạy marathon. Quãng đường này, với những người ốm yếu như b. H., xa như đường từ mặt đất lên cung trăng. Nhưng với các lực sĩ chuyên nghiệp, nó chỉ là giới hạn thời gian cần vượt qua (hiện tại, kỷ lục với nam là chừng 2 giờ, 2 phút; với nữ là 2g15ph. Thật phi thường.). Không rõ người lính Hy lạp Pheidippides chạy quãng đường này trong bao lâu. Nghe kể, khi đến nơi anh đã hét lên, “ chúng ta đã chiến thắng”. Không biết là các lực sĩ thời nay, khi về đến nơi, có còn đủ sức mà thều thào điều gì đó chăng. Hay là có lắng nghe kỹ mới nghe lào phào, “ tới chưa dzậy.” Chắc đây sẽ là một trong bí ẩn lớn nhất thời nay.

Thêm vài chuyện vui Olympic.

 Ở Olympic St Louis 1904, Mỹ, 1 lực sĩ đang chạy thì bị chó rượt trối chết. Anh ta bèn nhờ người khác chở về đích và... lãnh huy chương. Dĩ nhiên là bị phát hiện và lột lon, à không, lột huy chương.

Olympic Amsterdam 1928, Hà Lan, đường chạy 800m nữ, nhiều lực sĩ đang chạy thì xỉu. Ban tổ chức bèn cấm luôn, chỉ cho nữ tham dự cự ly 200m. Nhiều năm sau lệnh cấm này mới bãi bỏ.

Olympic Moskva 1980, đội hockey nữ toàn da trắng lãnh huy chương vàng cho nước châu Phi da đen Zimbabwe. Làm nhiều người không rành địa lý cứ tưởng Zimbabwe là nước châu Âu.

Olympic Roma 1960, Ý, anh chàng Bikila đoạt huy chương vàng marathon khi chạy chân trần. Không có luật nào cấm cả, nên anh chàng cứ thế lên bục lãnh huy chương.

Olympic Tokyo 1964, Nhật, võ sĩ hộ pháp Greeksin người Hà Lan cuỗm huy chương môn Judo trước ánh mắt ngỡ ngàng của người Nhật. Cú bất ngờ khiến Nhật ngộ ra Judo không còn là của riêng mình nữa. Greeksin sau đó được mời đóng phim, nhưng anh ta chỉ là ngôi sao võ thuật, không phải là minh tinh màn bạc.

Olympic London 1908, Anh, lực sĩ chạy 400m của Anh Halswelle đương nhiên lãnh huy chương vàng vì các đối thủ đều bỏ cuộc. Anh này sau đó mới thấy tiếc công sức bỏ ra tập dượt, bất chiến tự nhiên thành mà.

Cũng ở Olympic St Louis 1904, Mỹ, giờ thi đấu bị trễ vì có lực sĩ mặc quần dài, phải chờ cắt ngắn thành quần soọc. Vị lực sĩ này tưởng mình sắp đi đóng phim.

Cứ tưởng chỉ có các nước Đông Nam Á mới đưa những môn thế mạnh của nước mình mình vào để kiếm thành tích, hóa ra đó là thông lệ. Ví dụ như năm nay, Nhật đưa vào 4, 5 môn chi đó, có Karatedo, và trượt patin đường phố. Và những môn này , kỳ Olympic sau, sẽ lại tuyệt tích giang hồ.

Một kỳ Olympic nữa lại đi qua.

Tháng 8.2021

NTH

 

 

 

 

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết